Sông Đông êm đềm
Phần VIII – Chương 192
Cuộc phiến loạn ở vùng Đông Thượng đã thu hút từ mặt trận miền nam một lực lượng khá lớn của Hồng quân, vì thế nó đã cho phép Bộ tư lệnh Quân đội sông Đông không những có thể tự do điều động lại lực lượng của chúng trên mặt trận yểm hộ Novocherkask, mà còn tập trung được trong khu vực hai trấn Kamenskaia và Ust-Belokalitvenskaia một binh đoàn đột kích rất mạnh gồm những trung đoàn đã qua thử thách, kiên cường nhất, phần lớn là dân miền dưới và dân Kalmys. Nhiệm vụ của binh đoàn nầy là chờ thời cơ thích đáng, phối hợp với các đơn vị của tướng Fitkhelaurov, đánh bật sư đoàn 12 thuộc Tập đoàn quân Hồng quân số 8, rồi hoạt dộng bên sườn và trong hậu phương hai sư đoàn 13 và Ukrainskaia, đột phá về phía Bắc để hợp nhất với quân phiến loạn vùng Đông Thượng. Tướng Denisov tư lệnh Quân đội sông Đông cùng với trưởng ban tham mưu là tướng Poliakov đã kịp thời vạch ra kế hoạch tập trung binh đoàn đột kích, và đến cuối tháng Năm, toàn bộ kế hoạch nầy hầu như đã được thực hiện. Gần 16.000 tay súng và tay gươm đã được điều về hướng Kamenskaia tập cùng với 36 khẩu pháo và 140 cỗ súng máy. Chúng còn tập trung cả những đơn vị kỵ binh cuối cùng và những trung đoàn tinh nhuệ của cái gọi là “quân đội trẻ” biên chế trong mùa hè năm 1918, gồm những gã Cô-dắc vừa đủ tuổi đi lính.
Trong khi đó, quân phiến loạn bị bao vây bốn phía, vẫn tiếp tục đánh bật những cuộc tấn công của các đơn vị tiễu phạt Hồng quân. Về phía Nam, dọc theo bên trái sông Đông, hai sư đoàn quân phiến loạn ngoan cố nằm lỳ trong các chiến hào, không cho quân địch vượt sông, tuy vô số những đại đội pháo của Hồng quân bố trí trên suốt chiều dài mặt trận hầu như không lúc nào ngớt dội lên đầu chúng một hoả lực ác liệt. Còn ba sư đoàn nữa thì yểm hộ khu vực phiến loạn về phía tây, phía bắc và phía đông. Ba sư đoàn nầy đã phải chịu những thiệt hại hết sức nặng nề, nhất là trong khu vực đông bắc, nhưng vẫn không rút lui, vẫn cứ trụ lại trên các địa giới của khu Khopesky.
Đại đội của bọn Cô-dắc thôn Tatarsky bố trí ngay trước mặt thôn nhà. Cuộc sống vô công rồi nghề bất đắc dĩ đã làm chúng chán ngấy vì thế một lần chúng đã làm Hồng quân phải nổi lệnh báo động.
Ngay trong đêm tối mù, vài gã Cô-dắc cảm tử lặng lẽ chèo thuyền sang bờ bên phải, bất thần tập kích một vọng tiêu của Hồng quân, giết bốn chiến sĩ Hồng quân và cướp được một khẩu súng máy. Ngay hôm sau Hồng quân điều một đại đội pháo ở khu vực Vosenskaia đến nơi và đại đội nầy đã dội lên các chiến hào của quân Cô-dắc một màn hoả lực di động. Một phát đạn ghém vừa nổ trên khu rừng, đại đội Cô-dắc đã vội rời bỏ chiến hào, lùi xa bờ sông, rút sâu vào trong rừng. Sau một ngày một đêm, đại đội pháo bị điều đi chỗ khác, bọn Cô-dắc thôn Tatarsky lại trở về chiếm lĩnh khoảng trận địa vừa rút bỏ. Đợt bắn phá của pháo binh đã gây tổn thất cho đại đội: những mảnh đại bác đã giết hai tên còn trẻ trong số mới bổ sung và làm bị thương gã liên lạc của tên đại đội trưởng, vừa mới ở Vosenskaia về.
Sau đó tình hình lại tương đối yên tĩnh và cuộc sống trong chiến hào lại trôi theo nhịp cũ. Bọn đàn bà thường đến thăm. Cứ đến đêm họ lại mang tới bánh mì và rượu nhà nấu lấy. Song bọn Cô-dắc cũng chẳng thiếu gì thức ăn: chúng đã chọc tiết hai con bò non bị lạc và ngày nào cũng ra các hồ nước đánh bắt cá. Khristonhia được coi như chủ nhiệm ngành cá. Thuộc phạm vi phụ trách của hắn có một cái lưới đánh cá dài mười xa-gien không biết ai đã bỏ lại trên bờ sông trong khi rút lui. Đại đội Cô-dắc đã bắt được cái lưới ấy và khi đánh cá Khristonhia bao giờ cũng ra những chỗ sâu, vì thế hắn thường khoe rằng trên bãi cỏ ven sông không có cái hồ nào mà hắn không lội qua được. Sau một tuần đánh cá liên miên, cái áo sơ-mi và chiếc quần đi ngựa của hắn nồng nặc một mùi cá ướt tanh lợm không sao bay qua hết, đến nỗi cuối cùng gã Anikey, dứt khoát không chịu nằm cùng hầm với hắn nữa. Gã bảo:
– Người cậu khắm, hệt như một con cá nheo thối ấy? Nếu ở lại đây với cậu thêm một ngày nữa thì sẽ suốt đời tởm lợm không bao giờ dám ăn cá nữa…
Từ hôm ấy, dù nhiều muỗi, Anikey cứ ngủ bên ngoài hầm. Trước khi đi ngủ, gã nhăn mặt đầy vẻ kinh tởm, cầm chổi quét những đám vẩy cá và ruột cá hôi thối bỏ bừa bãi trên mặt cát. Nhưng sáng hôm sau Khristonhia đi đánh cá về lại đàng hoàng ngồi chễm chệ ngay trước cửa hầm, đánh vẩy và bỏ ruột những con cá giếc vừa đánh được. Chung quanh hắn, hàng đàn nhặng xanh bay rùng rùng, những con kiến vàng bò tới lúc nhúc như đám mây. Rồi gã Anikey lại hổn hển chạy tới, từ xa đã réo lên:
– Cậu không kiếm được chỗ nào khác hay sao? Đồ quỷ dữ, sao cậu không hóc xương cá mà chết đi cho rảnh? Thôi xéo đi, cậu hãy vìChúa cứu thế mà cút ra chỗ khác! Mình ngủ ở ngay đây mà cậu cứ ném đầy ruột cá ra, làm cho kiến trong toàn khu đều mò tới? tanh thối cứ như Astrakhan ấy?
Khristonhia chùi con dao đánh vẩy vào quần, trầm ngâm nhìn rất lâu khuôn mặt phẫn nộ, nhẵn thín chẳng có sợi râu nào của Anikey rồi bình thản nói:
– Anikey ạ, đúng là trong bụng cậụ có giun nên cậu mới không chịu được mùi cá đấy. Cậu thử chờ lúc đói ăn ít tỏi xem thế nào?
Anikey nhổ toẹt bãi nước bọt, văng tục một thôi một hồi rồi bỏ
Những cuộc cãi cọ giữa hai gã kéo dài từ ngày nầy qua ngày khác. Nhưng nói chung, toàn đại đội sống với nhau rất êm thấm. Được ăn uống no nê, tất cả bọn Cô-dắc đều vui vẻ, chỉ trừ Stepan Astakhov. Không biết vì Stepan được biết qua bọn Cô-dắc trong thôn hay linh tính báo cho anh ta biết rằng Acxinhia vẫn đi lại với Grigori ở Vosenskaia mà tự nhiên anh ta buồn rũ ra. Một hôm anh ta vô duyên vô cớ chửi nhau với gã trung đội trưởng rồi dứt khoát từ chối không làm công việc canh gác nữa. Anh ta cứ nằm lì trong hầm trên một tấm thảm đen có đóng dấu, chỉ thở dài và hút liên miên thứ thuốc lá nhà trồng lấy. Nhưng đến khi anh ta được biết rằng viên đại đội trưởng phái Anikey đi Vosenskaia lĩnh đạn, anh ta mới ra khỏi hầm lần đầu sau hai ngày đêm nằm lì trong đó, Stepan nheo hai con mắt sưng háp, luôn luôn chảy nước mắt vì mất ngủ, nhìn với một vẻ đầy nghi ngờ những đám lá lồm xồm, sáng loá trên những cái cây ngật ngưỡng trước gió, những đám mây bị gió thổi dựng đứng lên như một đàn ngựa bờm trắng, lắng nghe tiếng rừng rì rầm rồi bước qua những cái hầm tìm Anikey.
Anh ta không muốn nói trước mặt bọn Cô-dắc, bèn kéo Anikey ra chỗ khác, khẩn khoản nhờ gã.
– Nhờ cậu tới Vosenskaia thì tìm hộ Acxinhia, nói lại lời mình bảo Acxinhia cố đến thăm mình. Cậu nói hộ rằng hiện giờ mình chấy rận như sung, quần áo lót chưa giặt, ngoài ra cậu nói giúp thêm rằng… – Stepan nín lặng một giây, giấu nụ cười ngượng nghịu dưới hàng ria rồi nói nốt – Cậu bảo giúp là mình nhớ lắm, mong Acxinhia đến ngay.
Đêm hôm ấy Anikey đến Vosenskaia, tìm được nhà Acxinhia ở.
Sau lần giận nhau với Grigori, nàng vẫn ở nhà bà cô như cũ. Những lời Stepan nói với gã, Anikey đều lận tình nói lại hết, nhưng để cho lời nói của mình có thêm hiệu lực, gã đã tự ý bịa thêm rằng Stepan doạ sẽ đến Vosenskaia nếu Acxinhia không tới đại đội.
Nàng nghe xong lời Stepan nhắn bèn sửa soạn đi ngay. Bà cô vội vã nhào bột, nướng ít bánh sữa và hai giờ sau, Acxinhia đã đóng vai một người vợ ngoan ngoãn, cùng Anikey đến chỗ đại đội của thôn Tatarsky bố trí.
Stepan đón vợ với cả nỗi lòng bồi hồi nhưng anh ta cố giấu không để lộ. Anh ta ngắm khuôn mặt gầy rộc của nàng có ý thăm dò, hỏi han nàng chuyện nọ chuyện kia một cách dè dặt, nhưng không hé răng hỏi nửa lời về chuyện nàng có gặp Grigori hay không.
Suốt buổi nói chuyện, chỉ có một lần anh ta quay đi chỗ khác, đưa mắt nhìn xuống và hỏi Acxinhia:
– Thế sao Acxinhia lại tới Vosenskaia theo bờ bên kia? Tại sao không qua sông ngay phía trước thôn?
Acxinhia trả lời một cách khô khan rằng nàng không thể qua sông cùng với những người không quen biết, mà nhờ nhà Melekhov giúp thì nàng không muốn. Sau khi trả lời xong, nàng cảm thấy như nếu thế thì nhà Melekhov đối với mình không phải là những người xa lạ, mà là họ hàng thôn thuộc. Và nàng luống cuống sợ Stepan cũng có thể hiểu như mình. Mà chắc hẳn anh ta cũng đã hiểu như thế. Có cái gì run run dưới hai hàng lông mày Stepan và tựa như có một bóng đen lướt qua mặt anh ta.
Anh ta ngước mắt lên nhìn Acxinhia có ý dò hỏi. Nàng cũng hiểu câu hỏi không nói ra lời ấy, nên rất bất thần ngượng quá, đỏ bừng mặt, tự mình lại bực bội với mình.
Stepan thương hại Acxinhia nên làm vẻ như không nhận thấy gì cả, và chuyển câu chuyện sang các việc trong nhà. Anh ta bắt đầu hỏi xem trước khi ở nhà ra đi nàng đã cất giấu được những gì và cất giấu có cẩn thận không.
Trong thâm tâm Acxinhia cũng nhận thấy sự đại lượng của chồng, vì thế trong khi trả lời nàng cứ luôn luôn cảm thấy trong lòng ngượng ngùng bứt rứt và để làm Stepan tin rằng tất cả những điều xảy ra giữa hai người đều không có gì đáng kể, để giấu sự xao xuyến trong lòng mình, nàng cố ý kéo dài câu chuyện và nói giọng dè dặt, khô khan, hoàn toàn chuyên chú vào công việc làm ăn.
Hai vợ chồng ngồi trong hầm nói chuyện với nhau. Nhưng họ luôn luôn bị bọn Cô-dắc đến quấy rầy. Chốc chốc lại có một tên bước vào. Khristonhia vào hầm rồi sửa soạn đi ngủ ngay ở đấy. Stepan thấy mình không có cách nào chuyện trò riêng với vợ bèn miễn cưỡng ngừng câu chuyện.
Acxinhia sung sướng đứng dậy, vội vã cởi khăn gói, lấy cho chồng ăn những cái bánh sữa mang từ thị trấn về rồi lục trong chiếc túi dết dã chiến của Stepan và đem những đồ lót bẩn đi giặt ở cái đầm gần đấy.
Khu rừng chìm trong bầu không khí lặng lờ trước lúc bình minh và làn sương mù xanh xanh. Cỏ trĩu sương đêm gục đầu xuống đất. Ếch nhái đua nhau kêu ồm ộp trong các mảnh đầm và ở một chỗ ngay bên cạnh cái hầm, có con chim cuốc kêu rin rít trong một bụi phong rất rậm. Acxinhia đi qua trước bụi cây. Mạng nhện phủ đầy bụi cây từ trên ngọn xuống tới những cái gốc mọc ngập trong lớp cỏ hết sức rậm rạp. Những giọt sương nhỏ li ti bám trên những sợi tơ nhện sáng loá lên như ngọc trai. Con cuốc cuốc lặng đi một phút, song những đám cỏ bị cặp chân đất của Acxinhia dẫm bẹp xuống còn chưa kịp ngỏng lên thì nó lại cất tiếng kêu. Một con dẽ mào bay vụt dưới đầm lên trả lời nó bằng giọng thảm thương.
Acxinhia cởi cái áo ngắn mặc ngoài và cái nịt vú làm nàng vướng víu không cử động được dễ dàng, lội đến đầu gối trong nước đầm bốc hơi ấm ấm rồi bắt đầu giặt. Trên đầu nàng, những con mòng bay nhung nhúc, tiếng muỗi rùng rùng. Nàng cong một cánh tay đầy đặn, ngăm ngăm, xua những con muỗi trước mặt, đầu óc luôn luôn bị ám ảnh bởi những ý nghĩ về Grigori, về chuyện hai người giận nhau lần vừa qua, trước khi chàng xuống đại đội.
“Chưa biết chừng trong lúc nầy anh chàng đang đi tìm mình đây? Ngay đêm nay mình sẽ quay về thị trấn?” Acxinhia quyết định như đinh đóng cột rồi mỉm cười nghĩ rằng mình sắp được gặp Grigori như thế nào và hai người sẽ làm lành với nhau lẹ như thế nào.
Mà kể cũng lạ thật: thời gian gần đây, mỗi khi nghĩ tới Grigori, không hiểu sao nàng không hình dung chàng với cái hình dáng dung mạo đúng như của chàng hiện nay. Trước mắt nàng bao giờ cũng hiện ra một Grigori không phải như bây giờ, không phải là anh chàng Cô-dắc cao lớn, hùng dũng, giàu kinh nghiệm trường đời, với hai con mắt nheo nheo mệt mỏi, bộ ria đen mà hai đầu đã đỏ hoe, những sợi tóc bạc quá sớm hai bên thái dương và những vết nhăn thô bạo trên trán, tất cả những dấu vết không thể phai nhoà của mọi thiếu thốn mà chàng đã phải chịu đựng qua bao năm chiến tranh. Trái lại đó là chàng Griska Melekhov ngày xưa, thô bạo và vụng về trong yêu đương như mọi gã thanh niên khác, với cái cổ tròn tròn thon thon rất trẻ và cặp môi luôn nở một nụ cười vô tư lự. Chính vì thế Acxinhia càng cảm thấy yêu chàng gấp bội tình yêu kèm theo một sự trìu mến gần như của người mẹ.
Ngay trong lúc nầy cũng thế: nàng hồi tưởng trong trí nhớ một cách hết sức rành rọt những nél trên khuôn mặt vô vàn thân thương.
Nàng thở hổn hển, mỉm cười đứng thẳng dậy, ném chiếc sơ-mi chưa giặt sạch của chồng xuống chân và bỗng nhiên cảm thấy trong họng có tiếng nức nở ngọt ngào dồn lên như một hòn gì vừa tròn vừa nóng. Nàng khẽ lẩm bẩm:
Anh thật đáng nguyền rủa, anh đã chiếm hẳn cõi lòng em đến hết đời rồi!
Nước mắt đã làm nàng cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm, nhưng sau đó toàn bộ cái thế giới xanh ngát của buổi sớm mai chung quanh tựa như mất hết màu sắc. Nàng đưa mu bàn tay lên chùi má, hất tóc khỏi vừng trán ẩm ướt rồi nhìn theo rất lâu một con bói cá bằng cặp mắt mờ đục, vô tư lực. Con chim lông xám nhỏ xíu lướt trên mặt nước một lát rồi biến mất trong lớp sương mù sủi bọt dưới làn gió, nom như một đám đăng-ten hồng hồng.
Giặt xong quần áo, Acxinhia phơi lên mấy bụi cây rồi vào trong hầm.
Khristonhia đã ngủ dậy. Hắn ngồi bên cạnh cửa hầm, ngọ nguật những ngón chân méo mó sần sùi, nói lải nhải với Stepan, nhưng anh ta cứ nằm lì trên cái đệm, nín thinh hút thuốc, nhất định không trả lời những câu Khristonhia hỏi.
– Có lẽ cậu cho rằng bọn Đỏ sẽ không vượt sông sang bờ bên nầy có phải không? Cậu giả câm giả điếc à? Được, giả câm thì cứ giả câm. Nhưng mình thì nghĩ rằng nhất định chúng nó sẽ vượt sông cho kỳ được ở những chỗ có thể lội qua cho mà xem… Dứt khoát là ở những chỗ lội! Ngoài ra sẽ không ở chỗ nào khác đâu. Hay cậu lại cho rằng chúng nó có thể cho kỵ binh bơi qua? Nhưng sao cậu cứ câm như hến thế, Stepan? Xem ra tình hình đã đi tới chỗ kết thúc rồi, thế mà cậu cứ nằm thưỡn ra như khúc gỗ ấy?
Stepan thậm chí nhảy chồm dậy, trả lời bằng một giọng tức tối:
– Nhưng tại sao cậu cứ bám dai như đỉa thế hử? Người với ngợm gì mà kỳ quặc? Người ta có vợ đến thăm mà chúng nó cũng chẳng tha cho… Cứ kéo đến ám với những chuyện ngớ ngẩn đâu đâu, không để cho nói được với vợ một lời nào nữa?
Vớ được một thằng như thế nầy để mà trao đổi… – Khristonhia bực mình đứng dậy, lồng hai bàn chân đất vào đôi ủng ngắn đi đã mòn vẹt. Lúc bước ra ngoài hắn va đầu một cái rất đau vào xà ngang cửa.
– Ở đây chúng nó sẽ không đề yên cho chúng mình nói chuyện với nhau đâu, ta ra ngoài rừng đi, – Stepan bảo vợ.
Rồi không chờ nàng trả lời có thuận như thế hay không, anh ta bước ngay ra cửa, Acxinhia ngoan ngoãn ra theo.
Hai vợ chồng quay về căn hầm thì trời đã giữa trưa. Bọn Cô-dắc trung đội hai đang nằm nghỉ trong bóng mát dưới một bụi xích dương. Nhìn thấy hai người, chúng buông những quân bài xuống, ngừng câu chuyện, gã thì nháy mắt với nhau tỏ ý “thông cảm”, gã thì cười nhạo, gã thì vờ thở dài.
Trong khi bước qua trước mặt bọn chúng, Acxinhia bĩu môi một cách khinh bỉ, vừa đi vừa sửa lại chiếc khăn trắng viền đăng-ten nhàu nát chít trên đầu. Bọn Cô-dắc nín thinh để cho nàng bước qua, nhưng khi Stepan đi sau vừa tới ngang chỗ bọn chúng thì Anikey đứng dậy, rời khỏi những gã đang nằm, rồi vờ ra vẻ cung kính, cúi rạp người xuống chào Stepan và nói thật to:
– Xin chúc mừng hai vị… thế là hết tuần chay rồi!
Stepan mỉm cười thích thú. Anh ta lấy làm sung sướng vì bọn Cô-dắc đã trông thấy mình ở ngoài rừng về cùng với vợ. Đến chừng mực nào đó, chuyện nầy đã giúp anh ta ngăn chặn mọi điều ra tiếng vào quanh chuyện vợ chồng ăn ở với nhau chẳng ra gì… Anh ta thậm chí còn nhún nhún vai một cách ngang tàng, phơi ra trước mắt bọn kia cái lưng áo sơ-mi còn chưa ráo mồ hôi, coi bộ dương dương tự đắc. Mãi khi được khuyến khích như thế, bọn Cô-dắc kia mới cười nói nhao nhao:
– Các cậu ạ đàn bà thật có mấy tay? Cái áo sơ-mi của thằng Stepan vắt được ra nước… Dính chặt lấy hai cái xương bả vai?
– Nó cưỡi thằng cha đến sủi cả mồ hôi…
Một gã còn trẻ măng nhìn theo Acxinhia đến tận cửa hầm, hai con mắt đờ đẫn đầy vẻ thán phục, rồi gã nói như mất hồn:
– Khắp gầm trời nầy không thể kiếm đâu ra một chị chàng đẹp như thế nầy đâu, nói sai có Chúa phạt!
Anikey nghe thấy thế bèn lý sự lại:
– Thế chú nó đã thử đi tìm chưa?
Nghe thấy những lời nói sỗ sàng thô bỉ như thế, Acxinhia hơi tái mặt. Nàng bước vào trong hầm, mặt cau lại một cách kinh tởm, vì nhớ lại sự đi lại vừa nãy với chồng và cũng vì những lời nhận xét tục tĩu của các bạn chồng. Stepan nhìn qua thấy rõ tâm trạng của vợ, anh chàng bèn dàn hoà:
– Acxinhia ạ, em đừng bực mình với bọn ngựa giống ấy làm gì. Chúng nó đang buồn nên mới thế đấy.
– Cũng chẳng bực mình với ai cả, – Acxinhia vừa trả lời bằng giọng âm thầm, vừa lục lọi trong cái túi bằng vải lanh thô mang theo, vội vã lấy ra tất cả những thứ đem đến cho chồng. Rồi nàng nói khẽ hơn – Chỉ đáng bực với chính mình thôi, nhưng còn lòng dạ nào mà bực nữa…
Không hiểu sao câu chuyện giữa hai người rất là chuệch choạc.
Chừng mươi phút sau, Acxinhia đứng dậy. “Bây giờ mình sẽ bảo ngay hắn rằng mình đi Vosenskaia”, – Nàng nghĩ thế nhưng lại nhớ ngay rằng mình còn chưa cất các đồ lót đã phơi cho Stepan.
Nàng ngồi ở cửa hầm, vá víu rất lâu những chiếc sơ-mi và đồ lót của chồng đã mục vì mồ hôi, chốc chốc lại nhìn vầng mặt trời ngả dần về tây.
Tuy vậy hôm ấy nàng vẫn chưa bỏ đi ngay. Vì không có đủ quyết tâm. Nhưng sáng hôm sau, mặt trời vừa ló, nàng đã bắt đầu sửa soạn. Stepan cố giữ nàng lại, van nàng ở thêm dù chỉ một ngày, nhưng nàng khăng khăng không nghe, vì thế anh ta không cố nài nữa. Mãi đến lúc sắp chia tay, Stepan mới hỏi:
– Acxinhia định ở Vosenskaia à?
– Tạm thời hãy ở Vosenskaia đã.
– Có lẽ ở lại đây với anh thì hơn?
– Em ở đây cũng không tiện… còn có bọn Cô-dắc.
– Ừ mà phải… – Stepan đồng ý như thế, và chỉ chia tay một cách lạnh nhạt.
Gió đông-nam thổi rất mạnh. Làn gió bay tới từ một nơi rất xa, ban đêm có yếu đi một chút, nhưng đến sáng lại mang đến hơi nóng hừng hực của vùng đồng hoang bên kia biển Caxpiên, đổ ào ào tới những bãi bồi mọc đầy cỏ trên bờ bên trái sông Đông, hút cạn sương mai, xua tan mây mù, phủ kín các nhánh núi đá phấn vùng ven sông một làn hơi ngột ngạt màu hồng nhạt.
Acxinhia tháo đôi ủng ngắn, rồi đưa tay trái nhấc gấu váy (trong rừng, sương vẫn còn đọng trên cỏ), nhẹ nhàng bước trên con đường rừng hoang vắng. Hai bàn chân không của nàng cảm thấy mát mát rất dễ chịu trên chất đất ẩm, trong khi những cặp môi nóng hổi của làn gió hanh cứ sục sạo hôn hai bắp chân để trần đầy đặn, hôn cổ nàng.
Tới một khoảng rừng thưa rất thoáng, nàng ngồi xuống nghỉ bên cạnh bụi tầm xuân đang nở hoa. Không biết chỗ nào gần đấy có vài con vịt trời cái sục sạo trong đám lau sậy bên một cái hồ nhỏ chưa cạn hết nước, một con vịt đực gọi mái bằng một giọng khàn khàn.
Những khẩu súng máy bên kia sông Đông nổ một nhịp không nhanh lắm, nhưng hầu như không nghỉ lúc nào, lâu lâu lại bùng lên vài phát đạn pháo. Bên nầy sông, những phát đạn pháo nổ rất rền, nghe như những hồi âm.
Rồi những tiếng súng lắng đi một lát và muôn vật lại mở ra cho Acxinhia thấy cái thế giới âm thanh thầm kín của nó: Những đám lá bạch lạp, mặt phải xanh mướt, mặt trái trắng bệch, những tán lá sồi chạm hoa tinh vi như đúc bằng kim khí xào xạc rung lên dưới gió.
Những tiếng rì rầm đều đặn chập chờn vẳng tới từ khoảng liễu hoàn diệp còn non. Ở một chỗ rất xa, có con chim cu bập bẹ đếm hộ cho người nào đó biết những năm anh ta còn được sống thêm bằng một giọng rầu rĩ. Một con chim dẽ cáo cái mào dài bay trên mặt hồ và hỏi luôn miệng: “Anh là con nhà ai, anh là con nhà ai?”. Cách Acxinhia chỉ hai bước, có con chim nhỏ xíu uống nước trong vết bánh trên đường, nó uống xong ngửa cổ ra sau, dim mắt khoái trá. Vài con ong đất lông mượt như nhung, mình đầy phấn hoa, kêu vo vo. Những con ong rừng nâu đen đung đưa trên cánh những bông hoa của cỏ nội rồi mang những “chiến lợi phẩm” thơm phức lẩn vào những hốc cây râm mát. Nhựa nhỏ xuống từng giọt từ các cành tiêu huyền. Trong khi đó, từ dưới gốc bụi sơn trà luôn luôn đưa lên cái mùi ngây ngất hắc hắc của lớp lá năm ngoái đang thối mục.
Acxinhia ngồi yên không động đậy để thở hít không biết chán muôn vàn thứ mùi khác nhau trong rừng. Khu rừng tràn ngập những âm thanh tuyệt diệu, muôn hình muôn vẻ đang hưởng cuộc sống nguyên thuỷ mãnh liệt của nó. Chất đất bồi của bãi cỏ thấm đẫm nước lũ mùa xuân đã làm sinh sôi nảy nở cơ man nào loại cỏ, đến nỗi con mắt của Acxinhia như bị lạc trên tấm gấm tuyệt diệu dệt bằng mọi thứ hoa cỏ.
Nàng mỉm cười, môi hơi động đậy nhưng không thành tiếng và nhẹ nhàng lựa đi lựa lại vài nhánh của một thứ hoa xanh xanh không tên tuổi nom rất bình thường và đã bắt đầu cúi cái lưng ong bắt đầu đẫy ra để ngửi hoa, nhưng bỗng nhiên nàng cảm thấy thoang thoảng mùi hương ngọt lịm và lả lướt của hoa linh lan. Nàng đưa lay sờ sờ chung quanh và đã tìm thấy bông hoa. Nó mọc ngay đấy, dưới một bụi cây rất đậm. Những cái lá rộng trước kia có thời xanh mướt cố hết sức che cho cái cuống hoa ngắn ngắn cong cong khỏi bị nắng chiếu vào. Trên đầu cuống hoa thấy rũ xuống vài đài hoa trắng như sữa. Những cái lá đầy sương mai và rỉ vàng đã sống gần hết cuộc đời của nó, và cái mục nát của chết chóc đã lan tới những bông hoa. Hai đài hoa bên dưới đã nhăn nhúm, đen lại, chỉ đài hoa trên cùng đầy những giọt nước mắt lấp loáng của sương mai bỗng nhiên sáng bừng lên dưới ánh mặt trời với màu trắng loá mê người.
Và không hiểu sao trong khoảng khắc ngắn ngủi ấy, trong lúc ngắm đoá hoa nhỏ nhoi và ngửi mùi hương rầu rĩ của nó, Acxinhia chợt nhớ lại tuổi thanh xuân và toàn bộ cuộc đời đã khá dài của mình, trong đó ngọt bùi thì ít mà đắng cay thì nhiều. Còn gì nữa, đúng là Acxinhia đã bắt đầu già rồi… Một người đàn bà còn trẻ đâu có khóc khi một hồi ức ngẫu nhiên ập tới trong lòng?
Nàng úp khuôn mặt đẫm lệ vào lòng bàn tay, vùi bên má sưng mọng, ướt đẫm vào chiếc khăn vò nát và cứ nằm sấp như thế mà ngủ thiếp đi với hai hàng nước mắt ròng ròng.
Gió bỗng thổi mạnh hơn, uốn rạp những ngọn tiêu huyền và dương liễu về phía tây. Một cây bạch lạp nghiêng ngả với thân cây trắng nhợt và tán lá đập lồng lộn như một cơn lốc trắng vẩn. Gió xuống thấp dần rồi thổi tới bụi tầm xuân đã nở hết hoa, chỗ Acxinhia đang ngủ. Như bầy chim xanh trong thần thoại bị cái gì làm hoảng sợ lá tầm xuân bay thốc lên với những tiếng rào rào đầy lo lắng. Như những lông chim, cánh hoa rơi xuống lả tả, hồng hồng.
Acxinhia vẫn ngủ với lớp cánh hoa tầm xuân héo rắc đầy người. Nàng không nghe thấy tiếng rì rầm bực bội của khu rừng, không nghe thấy tiếng hoả lực lại bắt đầu dội lên bên kia sông, cũng không cảm thấy rằng vừng mặt trời lên tới đỉnh đang thiêu đốt trên cái đầu trần của mình. Đến khi nghe thấy ngay phía trên có tiếng người nói và tiếng ngựa hí, nàng mới tỉnh dậy và vội vã nhồm lên.
Một gã Cô-dắc còn trẻ dắt dây cương một con ngựa có đóng yên, đứng ngay cạnh nàng. Với bộ ria trắng bệch và hai hàm răng sáng loá, gã toét miệng cười, nhún nhún vai, vừa đi vài bước khiêu vũ vừa ca những lời của một bài hát vui bằng một giọng nam cao khàn khàn nhưng rất dễ nghe:
Em ngã sóng soài,
Quay bốn phía, em tìm mòn con mắt,
Tìm đây, tìm kia,
Phải, trái, trước sau, chung quanh tìm khắp,
Nhưng chẳng ai đỡ hộ em lên!
Ngoái nhìn lại,
Thấy sau lưng có chàng Cô-dắc…
– Tôi thì tôi tự đứng dậy đấy! – Acxinhia mỉm cười, đứng phắt lên rất lẹ rồi vuốt lại cái váy nhàu nát.
– Chào cô, cô nàng yêu quý của tôi! Hai chân không chịu đi nữa hay là lười không muốn đi thế? – Gã Cô-dắc vui tính chào nàng.
– Buồn ngủ quá thiếp đi một lát, – Acxinhia ngượng ngùng trả lời.
– Cô đi Vosenskaia à?
– Đi Vosenskaia.
– Cô có muốn tôi chở đi hộ không?
– Chở bằng gì bây giờ?
– Cô sẽ ngồi trên yên, còn tôi đi bộ. Vấn đề là có đi có lại. – Gã Cô-dắc nháy mắt pha trò, cái nháy mắt đầy ý nghĩa.
– Không cần, đường anh anh cứ đi, còn tôi thì tự tôi khắc đi khắc đến.
Nhưng gã Cô-dắc kia tỏ ra lão luyện về các trò trăng hoa, đồng thời bám dai như đỉa. Nhân lúc Acxinhia bận chít cái khăn lên đầu, gã vươn một cánh tay ngắn nhưng rất khỏe ra ôm chầm lấy nàng, kéo giật nàng vào sát mình, và định hôn nàng.
– Đừng giở trò! – Acxinhia kêu lên rồi đưa luôn khuỷu tay đánh rất mạnh vào chỗ tinh mũi gã.
– Cái tay cái cẳng yêu dấu của anh, đừng có đánh! Hãy xem kìa. Chung quanh toàn là những cảnh yêu đương hạnh phúc… Muôn loài đều có đôi có lứa… Hai chúng mình cũng nên gánh lấy một phần tội lỗi chứ? Gã Cô-dắc nheo cặp mắt tươi cười, ghé hàng ria cù vào cổ Acxinhia và rỉ tai nàng.
Acxinhia duỗi thẳng tay, tì hai bàn tay vào khuôn mặt nâu nâu đẫm mồ hôi của gã, đẩy ra rất mạnh, nhưng trong lòng không thấy tức giận chút nào. Nàng định trườn ra, nhưng gã kia ôm nàng rất chặt.
– Đồ ngu xuẩn, tôi mắc cái bệnh thổ tả ấy đấy… Buông tôi ra! – Nàng chợt nghĩ ra cái mẹo ngây thơ đó để tìm cách thoát khỏi sự gạ gẫm của gã, bèn vừa thở hổn hển vừa van gã.
– Chà… chúng mình hãy thử xem ai mắc bệnh trước ai? – Gã Cô-dắc nói rít qua kẽ răng rồi bất thình lình bế bổng Acxinhia lên một cách dễ dàng.
Chỉ trong nháy mắt, Acxinhia đã hiểu rằng bây giờ không còn là trò đùa nữa và sự việc đã chuyển sang một hướng tai hại, vì thế nàng đem hết sức đấm vào cái mũi dãi nắng đến rám nâu của gã và vùng ra khỏi hai cánh tay đang ôm chặt lấy nàng.
– Tôi là vợ của Grigori Melekhov đấy! Cứ thử lại gần lần nữa xem, đồ đó đẻ! Tôi sẽ kể lại, rồi anh ấy sẽ cho anh…
Còn chưa tin vào hiệu quả lời mình nói, Acxinhia còn nắm chắc trong lay một cành cây khô rất to. Nhưng ngọn lửa trong lòng gã Cô-dắc đã lập tức tắt ngấm. Gã đưa một bên tay áo sơ-mi màu cứt ngựa lên chùi đám máu chảy ròng ròng từ hai lỗ mũi xuống ria rồi kêu lên, giọng đau khổ:
– Thật là dại dột? Chà, đàn bà đâu mà dại dột như thế! Sao cô không nói sớm một chút! Xem máu tuôn ra như suối thế nầy… Chúng tôi đánh nhau với địch còn đổ ít máu hay sao mà còn phải có các bà phụ nữ trôn trấn nhà làm đổ máu thêm…
Mặt gã bất thần trở nên buồn rầu và lãnh đạm. Trong lúc gã vốc nước dưới cái vũng ven đường lên lau rửa; Acxinhia vội vã rời khỏi con đường, bước nhanh qua khỏi khoảng rừng trống. Chừng năm phút sau gã Cô-dắc kia đuổi kịp nàng. Gã liếc nhìn nàng, lặng lẽ mỉm cười và đưa tay sửa lại đoạn dây đeo súng trên ngực một cách thành thạo rồi thúc con ngựa chạy một nước kiệu rất nhanh.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.