30 Tháng 4 – Chuyện Những Người Tháo Chạy
Biển Máu Trên Cửa Sông
Cửa phòng truyền tin bật tung ra, nắng sớm tràn vào, tôi bước đến chỗ Thái đang nằm ngủ. Thiếu úy Hòa bằng xương bằng thịt, và theo sau tôi là một số sĩ quan trẻ của Liên đoàn. Tôi ngồi xuống, đưa tay vỗ vỗ vào người Thái. Thái ú ớ rồi mở bừng mắt ra, cặp mắt trân trối nhìn xoáy vào tôi, anh ngồi chồm dậy. Như chưa tin ở mắt mình, anh chộp vai tôi, lắc lấy lắc để, miệng kêu toáng:
Hòa! Cụ đây sao? Tôi đã thật tỉnh chưa? Hay tôi cũng đã chết rồi nên gặp cụ đây? Thấy tôi mỉm cười, Thái yên lòng.
Suốt cả đêm tôi mơ thấy cụ, cụ về bên tôi, triết lý quá cỡ. Tôi tưởng cụ đã “ngồi lên bàn thờ” rồi chứ!
Tôi cười mỉa mai:
Ai cũng tưởng thế. Ở đây họ đã làm giấy báo tử cho tôi. Trong đám sĩ quan đi theo có người nói:
Thật kỳ dị, người báo chết thì còn sống, trong khi những người lính cầu nổi đã chết rồi mà lại im re, dường như không muốn cho lãnh tiền tử hay sao ấy.
Thái kêu lên với tôi:
Tử trận cả rồi à? Tôi buồn, gật nhẹ đầu!
Đúng, họ đã chết không một lời trối trăng. Tất cả đều ngó xuống…
Thái nóng nảy, nài nỉ:
Hòa! Đâu cụ thuật lại xem, họ chết oan uổng như thế nào? Tôi làm thinh…
Mấy người sĩ quan cũng nói theo:
Đâu, thiếu úy Hòa kể xem nào!
Họ cứ bám theo tôi từ nãy giờ cũng chỉ vì muốn nghe chuyện.
Tôi lắc đầu:
Tôi chờ báo cáo với đại tá trước đã. Kể lại với mọi người trước khi báo cáo với xếp, e không tiện chút nào, phải qua hệ thống quân giai chớ. Lỡ ra, dại mồm dại miệng lúc này không tốt.
Thái như không bằng lòng về thái độ của tôi:
Thôi, tôi xin cụ, quanh cụ đây toàn là bạn thân cả. Bạn có nói gì thì cũng là những điều tâm sự của riêng cụ đối với bạn bè. Cả đêm thấy cụ chết, giờ đây biết cụ vẫn sống, sống chết thế nào mà cụ vẫn giấu bạn bè sao?
Tôi cười cười:
Thôi, ông trung úy ơi, tôi sẽ kể ngay, mà đã kể thì tôi kể chi tiết ngọn ngành. Tánh tôi là thế, các bạn có nghe…
Quay sang đám sĩ quan, tôi nói tiếp:
– Nếu phòng 5 có mời ráng chịu đó đa.
Mọi người gật đầu. Họ muốn nghe vì những điều lão đại tá nói trong buổi họp trưa hôm qua dường như chưa đúng sự thật.
Thái cũng nghĩ như vậy. Anh thấy cần để tôi thuật lại cuộc di tản tại Tư Hiền để cho mọi người đánh giá đúng mức hiện tượng và bản chất chiến tranh lúc này. Qua đó, họ có thể tránh được lầm lẫn khi quyết định hành động trong những ngày sắp tới…
Tôi bắt đầu kể:
Tôi nằm ngửa ra nhìn Nẩm, Nẩm xoay ngang người nhìn tôi. Tu và Hải ngoảnh thấp đầu nhìn hai người. Tôi mỉm cười, so vai, Nẩm thở nhè nhẹ lắc đầu. Tu và Hải có vẻ nhớn nhác. Tôi vẫn mỉm cười, Nẩm bật cười thành tiếng, Tu và Hải càng nhớn nhác. Tôi đưa tay đẩy Nẩm nằm ngửa ra, ra hiệu cho Tu và Hải nằm ngửa và chúng tôi nhìn mây trời.
Non sông mình đẹp thật, tôi nhìn thật kỹ để thấy hết vẻ đẹp của thiên nhiên. Gió nhẹ và tiếng sóng biển rì rào êm ả làm tôi chợt nhận ra tiếng súng đã im từ hồi nào. Tôi quay nhìn ba người lính. Hải, Tu nằm tại chỗ, nẩm theo tôi. Hai đứa chạy nhanh về phía mảng khói đã lan rộng gần cả cây số từ bìa rừng.
Đạn đại liên 12 ly 7 tuôn xối xả từ đồi xuống chặn đầu đám người đông hơn kiến cỏ, đang tháo chạy thục mạng về phía rừng thông bên bãi biển. Cảnh hỗn loạn, người dày xéo lên người, xô đẩy nhau tranh sống. Cát mịn trắng phau dưới chân họ trụt nhanh níu kéo họ lại. Nhưng đoàn người dường như quên hẳn cát mà chỉ thấy rừng thông.
Bỗng một đoàn người đón tiếp chúng tôi từ xa bằng những cặp mắt hỏi han lo lắng. Họ xem chúng tôi như là ân nhân, vừa như không biết có tin cậy được không! Tránh lằn đạn đang đuổi, chúng tôi tiếp tục làm một đường xuyên thẳng vào đoàn người để cố thoát vào rừng thông. Đoàn người ngạc nhiên ngần ngừ rồi khựng lại, một số trở gót quay lưng theo chúng tôi và kéo cả đám đông cùng chạy về phía đoàn. Họ chạy như là cái máy và không tin vào cả chính mình.
Đến sát rừng, chúng tôi dừng lại, xung quanh trùng điệp người.
Còn thở hổn hển, tôi hét to lên:
– Cho tôi gặp người có thẩm quyền cao nhất ở đây!
Trong đám đông chen ra hai quân nhân, đều đeo quân hàm thiếu tá. Tôi đứng nghiêm đưa tay chào, và nhận ra quân hàm nhàu nát mới được gắn lại trên bâu áo họ.
Họ khoát tay:
Thôi thiếu úy – Một người nói – Chúng ta không còn cần thiết và không đủ thời gian làm như vậy. Tôi, sư đoàn I.
Tôi quân vận – Người kia nói.
Tôi hỏi tiếp:
Còn ai nữa không?
Rồi sẽ còn nữa. Thiếu tá sư đoàn I gấp rút đặt luôn vấn đề: Sẽ có thêm người chỉ huy, nhưng trong khi chờ họ tìm lại được tinh thần trách nhiệm và lòng nhân đạo, chúng ta tiến hành ngay đi.
Tôi gấp rút phác kế hoạch mà gần như là chỉ thị, đoàn người im lặng như tờ:
Có ba thuyền, một thuyền chỉ chở tối đa 70 người lớn nhỏ. Một chuyến 210 người. Vậy nhờ thiếu tá phân từng nhóm 210 người, có một người chỉ huy nhóm giùm cho.
Tiếng ồn ào bỗng nổi lên, trước nhỏ sau to, rồi trở nên huyên náo. Tôi hiểu ngay và hét to lên:
Yên lặng, tuyệt đối yên lặng! Tất cả được đưa qua sông! Tất cả! Tất cả! Thuyền sẽ đến thêm! Tất cả mọi người im lặng:
Các thiếu tá – Tôi tiếp tục nói – Cứ mỗi cái thủ hiệu, 210 người sẽ ra; 20 người khỏe mạnh chạy đầu, dặn sẽ làm theo lệnh tôi. Chạy thật nhanh khi mũi thuyền từ bờ bên kia quay lại. Chúng tôi đi đây!
Tôi và Nẩm chạy quay về cửa biển. Tôi miên man suy nghĩ theo bước chân dồn dập, về những chi tiết kỹ thuật và những tình huống xảy ra khi vượt sông. Tôi nhìn sang Nẩm. Lúc đó, chúng tôi trở nên thân thiết với nhau hơn.
Chúng tôi cùng xông ra một lượt, Nẩm, Tu, Hải, mỗi người phụ trách chỉnh lại một thuyền. Cả ba lao vào trong thuyền, tới ngay phía đuôi máy. Tôi hướng về phía rừng thông ra thủ hiệu. Từ nơi đó, một nhóm người bươn bả chạy ra.
Khi nhóm người còn cách chúng tôi khoảng 500 mét thì một loạt đạn 12 ly 7 ria trước mặt, cản bước chân họ lại. Họ khựng lại trong mấy giây rồi cứ vụt chạy tràn tới. Tiếng đại liên nổ giòn, đạn vãi ra bắn tung cát; nhưng hình như lúc nào đạn cũng cắm vào cát trước bước chân của nhóm người.
Tôi đưa tay chỉ chiếc xuồng gần mé nước nhất, hét lên khi những người trước tiên đến sát tôi:
– Các anh đi đầu mang thuyền kia xuống!
Trong nháy mắt, thuyền được gần 20 người nhấc bổng lên, mang theo cả người lính cầu nổi điều khiển thuyền bên trong; và khi thuyền vừa thả xuống nước, thì thuyền đã chất đầy người và tách bến luôn.
Tôi hướng về phía rừng thông, ra liền hai cái thủ hiệu, hai nhóm nữa chạy ra. Và tôi quay lại, quan sát chiếc thuyền đã băng băng rẽ nước qua bờ bên kia. Thoáng chốc, xa xa thuyền cặp gần mé nước, người trên thuyền nhảy vội xuống, nước ngang tới đầu gối, họ rướn người ào ạt tràn vào bờ thật nhanh, họ phóng càn chạy dọc trên bãi biển.
Mũi thuyền quay lại, hướng về bờ bên này. Tôi lại ra thủ hiệu và từ rừng thông một nhóm người nữa chạy ra, trong khi hai nhóm trước đã tới. Tôi lại hét lên:
– Thả hai thuyền xuống nước!
Thế là ít giây sau, hai thuyền đã đầy người và lướt đi.
Tình hình đã ổn định nhiều, trên bãi bên này, đã thấy nhiều người khỏe mạnh, chưa vội đi, ở lại giúp chúng tôi điều động các thuyền; châm thêm xăng, bồng bế người già, trẻ con…Và bờ bên kia, trước khi bỏ đi, nhiều người còn đưa tay vẫy vẫy.
Từ xa, binh nhất Hải chạy đến ôm choàng lấy tôi, mắt đẫm nước, gật gật đầu: “Em đã gặp cha em”.
Rồi bất ngờ buông hẳn tôi ra, Hải chạy đi. Tôi thấy anh chạy đến chiếc xuồng anh đang vận hành, lên thuyền và xả máy. Chiếc thuyền ấy đầy ắp người, rẽ nước đâm mũi vào bờ bên kia và không quay lại nữa.
Chỉ còn thuyền của Nẩm và Tu trên con nước.
Mỗi thuyền đến giờ này đã chuyển được bảy chuyến. Phần ba đoàn người đã qua sông. Còn lại đây gần ba ngàn người sắp từng toán nối nhau bên bãi Tư Hiền. Tất cả đã ra khỏi rừng thông từ lúc nào. Lúc bấy giờ quang cảnh chỉ còn là cuộc qua đò khổng lồ nhưng bình thường, người ta không cảm thấy có chiến tranh đang đe dọa.
Sẽ yên xuôi biết mấy nếu ở trên bầu trời không xuất hiện bốn chiếc F5. Sau này, tôi mới biết những chiếc F5 ấy do “con voi” báo tới.
Bốn cái bóng trắng chói chang lao đến vùn vụt, càng lúc càng thấp xuống. Trộn lẫn với tiếng rít của động cơ, tiếng âm vang khô khốc “khục, khục” của đại liên đã bắt đầu nhắm thẳng đầu máy bay; cây trên đồi gãy đổ. Một số tiếng khạc khạc của rốc két chói tai, tiếp liền theo đó trên nửa lưng đồi nổ ầm ầm, khói bốc đen. Đến lúc này, người ta mới biết là đồi xanh kia không phải vắng bóng, khi đạn 12 ly 7 không còn phát ra, tại nơi đó tiếng súng phòng không đã bắt đầu nhịp “đùng đùng” …
Quang cảnh của Tư Hiền đột ngột thay đổi hẳn. Tôi tưởng chừng như tôi đang xây dựng tòa cao ốc thì bốn chiếc xe cần cẩu đến giúp sức lại kéo gãy những cây cột cái. Tôi bịt tai lại, mắt nhắm nghiền. chờ đợi sự sụp đổ hoàn toàn công trình mồ hôi nước mắt của chúng tôi.
Chiếc thuyền của Tu ở bờ bên kia vừa trở mũi. Nhóm người từ thuyền tất tả chạy lên. Họ chạy gấp rút, và bỗng súng ở đâu từ tay một số lớn người đang chạy chĩa thẳng vào những gộp đá chân đồi nhả đạn. Liền lập tức có tiếng súng bắn trả lại từ phía đó.
Bên này bờ, thuyền của Nẩm tiến ra gấp rút. Động tác của mọi người được nhân nhanh lên theo tiếng rốc két, tiếng bom của mấy chiếc phản lực, và cuống cuồng lo sợ theo tiếng đạn phòng không và đạn 12 ly 7 từ phía đồi. Cạnh bên tôi, hai khẩu đại liên 30 cũng khạc đạn lên đồi do một nhóm người mặc rằn ri[3] bắn.
Tôi không dám nhìn cảnh tượng đó, mà dõi theo Nẩm ra phía sông. Nhưng kìa, thuyền anh ta đã tắt máy khựng lại, người trên thuyền hốt hoảng, Nẩm gào to:
– Ngồi im! Ngồi im, để tôi giựt máy lại!
Nẩm ra sức giựt máy, nhưng vô hiệu. Chiếc thuyền theo gió trở mũi quay ra biển. Mỗi người trên thuyền hốt hoảng đã đứng cả dậy. Chiếc thuyền tròng trành, rồi lắc mạnh và “ụp” luôn. Nó lật úp đám người xuống nước, mũi thuyền chổng lên, lại chìm xuống nước; nhưng chẳng thấy ai nổi lên, tất cả đã chìm nghỉm. Bỗng một người đã nổi lên, còn sống, cố sức bơi chĩa xéo vào bờ…Người duy nhất sống sót bơi vào bờ, tay ôm một em bé khoảng 4 tuổi ốm trơ xương. Đó là Nẩm.
Trong khi đó, số người chưa qua sông còn tại cửa biển, phân nửa chạy nhốn nháo hoặc nằm úp sấp, kêu gào thảm thiết. Một vài người ôm lấy thi hài người thân, một vài người kéo thi hài lết trên cát, trong khi mấy thằng quần áo rằn ri mím miệng, trợn mắt bắn điên cuồng. Phân nửa khác đã trở lại bìa rừng, ngồi bẹp trên cát nhìn ra bãi biển. Số người này an phận, không dám nghĩ tới chuyện qua sông nữa, họ đang đợi cái gì tới sau đó, dù nó tới như thế nào cũng được.
Thuyền Tu đưa được thêm một chuyến nữa qua sông. Khi thuyền trở mũi, Tu cho kéo theo thuyền của Hải bỏ bãi bên kia. Bây giờ còn một mình, anh vẫn làm tận tâm.
Trên bãi cát bờ bên này, thằng bé suýt chết đuối ban nãy đang ngồi đào hố cát xây những lâu đài. Không gian hỗn loạn đối với nó vẫn thanh bình, nó chơi hết sức tự nhiên như quên hẳn tai họa vừa xảy ra với nó lúc nãy. Nó cũng không biết rằng bên cạnh nó là người mẹ đau khổ trong cảnh lạc chồng lạc con, gương mặt lo âu hoảng sợ. Tay bà nắm chân thằng bé mắt nhìn qua bờ bên kia sông, miệng rên rỉ:
Ông đi thoát rồi…ông đi mất rồi bỏ mặc mẹ con tôi!…ông sẽ không còn thấy được mặt tôi…không thấy được thằng con trai út duy nhất của ông! …ông sẽ khổ mãi với bầy con gái ông mang theo! …
Nẩm quơ lấy thằng nhỏ đang mải miết chơi, dắt tay người đàn bà lao xuống bãi sông, lúc Tu dắt thuyền về tới. Thế là hai chiếc thuyền cùng hoạt động. Thuyền Nẩm tách bờ ra trước một cách mau lẹ, tôi ngó theo còn thấy bà mẹ lạy sau lưng anh như tế sao, để đáp ơn anh đã giúp bà và con bà cùng được lên thuyền. Tu chậm hơn vì đã xảy ra một cuộc dằng kéo: đám rằn ri ôm súng máy, súng cối, đòi lên thuyền đang chật ních người. Tu phản đối và tắt máy.
Nãy giờ bọn rằn ri đơn phương nổ súng bắn vào đồi và đã im lặng từ lúc 4 chiếc máy bay hết đạn bom bỏ đi. Chúng bắn chán vì chẳng có tiếng súng bắn trả. Dường như quân giải phóng không thèm chấp nhứt đến họng súng bắn vu vơ. Mất hào hứng, chúng ôm súng bỏ đi và đòi được qua sông trước. Một thằng nạt Tu:
Ê. Đ. m., mầy để các ông xuống thuyền chớ? Đừng giỡn với cọp ba đầu rằn[4] nghe?
Không có giỡn gì cả! Các anh buông thuyền ra cho chạy, thuyền đầy rồi.
Đầy thì đuổi xuống bớt cho các ông lên! Thằng đó không chịu buông. Một thằng khác lí luận võ biền:
Này ông bạn nẫu[5], ông bạn nên nhớ phải còn cần tụi này nghe. Để tụi này qua sông trước đánh mở đường. Đường còn lắm chông gai đấy ông bạn nẫu ạ!
Không chịu nổi những lời mất dạy ngu xuẩn ấy, tôi bước ra phía trước, ngó thẳng vào đám rằn ri:
Không cần các anh, hoàn toàn không cần – Các anh đã làm được gì? Súng còn nổ thì cuộc di tản không yên – Hãy nghĩ đến dân! – Hạ sĩ Tu cho thuyền nổ máy, 16/33[6]
Chiếc thuyền rú thét, bất thình lình rồi nhào mạnh tới, đám rằn ri bị bật ngửa buông tay, thuyền lao ra khỏi bãi. Chúng lồm cồm đứng dậy khỏi nước, các họng súng giơ lên, đám rằn ri định thanh toán chiếc thuyền. Nhưng có tiếng hét:
– Buông súng xuống!
Thiếu tá sư đoàn I và những người lính dùng súng buộc chúng đầu hàng. Chúng bị kéo lên bờ và bị cô lập.
Có tiếng la giữa thuyền Tu làm mọi người quay ra sông. Hai thằng rằn ri lẻn lên thuyền lúc nào không ai hay, đang đứng chĩa trung liên vào Tu và ra lệnh:
– Tên công binh quay thuyền trở lại bờ!
Chúng định thực hiện âm mưu, dùng dân làm mộc quay thuyền trở lại bờ để giải vây cho đồng bọn kẹt lại và cướp thuyền tẩu thoát. Dân chúng trên thuyền cũng biết. Chúng tôi ở đây cũng hiểu và lo lắng. Đột nhiên một tiếng súng khô khan phát ra rồi một tiếng nổ tiếp liền theo, hai thằng rằn ri trúng đạn. Tôi thấy chúng khựng lại, người đu đưa theo sức nặng của cây trung liên. Một báng súng trường quơ lên định đập ngang, tung hai cái thây người xuống sông. Một thằng rằn ri gượng lại và một tràng trung liên thật ngắn phát ra. Có tiếng mấy người hét lên. Hạ sĩ Trần Tu, ngồi gần máy phía sau thuyền bật ngửa nằm vắt ngang trên be thuyền. Ngay lúc đó thuyền xoay tròn, nghiêng hẳn về phía sau, lật chổng ngược mũi lên, đổ đám người đang hoảng hốt xuống biển. Tới lúc này Tu vẫn chưa gặp lại vợ con, anh muốn từ giã cuộc đời lính, định vào chân núi sống với gia đình của anh; nhưng chậm mất rồi.
Thuyền Nẩm vừa đến bờ, một cuộc đánh cướp diễn ra. Những người bên này bờ thấy nỗi tuyệt vọng có cơ xảy đến, nên ai cũng muốn tranh đi trước. Mọi người đổ xô xuống giành giật đánh đá nhau, và sơ hở đến nỗi không ai còn nhớ đến đám rằn ri. Thừa cơ, đám này chồm lên dùng trung liên cầm tay mở đường. Tính khí “anh hùng” của những “thiên thần mũ đỏ, mũ xanh” những con người của những đơn vị: cọp vằn, hùm xám, trâu điên…Trước mặt họ người ngã như rạ. Bằng sức mạnh của vũ lực, chúng cướp được thuyền dễ dàng. Nhưng thuyền không người lái và máy đã tắt, chúng đâm ra luống cuống và ngồi im trên thuyền, gườm súng vào đám đông. Thời gian trôi thật chậm và nặng nề.
Tôi đứng lẫn vào đám đông. Từ phía sau, có người nào nắm lấy tay tôi và siết mạnh. Tôi quay lại và thấy Nẩm. Nẩm đưa ngón tay lên “suỵt” rồi chỉ về phía thuyền. Hai người nào đó rẽ đám đông đưa tay lên trên đầu, đi thật chậm đến sát bên đám rằn ri nói lí nhí gì đó và được bọn chúng cho lên thuyền.
Hai thằng đó là hải quân – Giọng ai đó thì thào gần bên tôi. Tôi nghĩ thầm: “Thế là hết”, trong khi thuyền nổ máy, mũi thuyền chồm lên lao vút ra, mang theo mười tên cướp cạn, súng vẫn chĩa vào bờ; hàng ngàn cặp mắt nhìn theo, niềm hi vọng tan biến.
“Nỗi tiếc nuối” lớn nhất của mọi người đang rẽ nước lao nhanh về bờ bên kia và chồm hẳn lên bờ cát. Mười cái bóng nhảy lên bờ và đồng loạt tám cái bóng có súng “rẹt rẹt rẹt” vào hai cái bóng tay không; rồi tám cái bóng ngửa cổ lên trời: tiếng cười man dại vang trên mặt nước, vọng sang đến bờ bên này.
Bọn rằn ri không chỉ ác độc giết chết hai tên lính hải quân đưa đường cho chúng; mà còn tàn nhẫn phá hủy phương tiện qua sông của hàng mấy ngàn người dân trốn chạy. Nhưng lòng căm thù bọn chúng được trả thật đậm. Ngay khi chúng chạy nhanh về phía trước cho đến lúc gần như còn là những chấm đen thì tự dưng bãi cát bốc lên cháy. Những người bên này bờ nghe hàng loạt tiếng nổ. Khi im tiếng súng thì cũng không thấy cái chấm đen nào đứng nữa. Tôi nhìn lên trời, khoảng 2 giờ chiều ngày 25 – 3, “đồi núi” đã thanh toán đám rằn ri không còn một đứa.
Giờ đây, tiếng súng đã im và cửa sông vắng lặng. Bãi cát phẳng phiu và rừng thông vi vu gió thổi. Nhưng nỗi khiếp sợ vẫn còn đó, lẩn trốn trong đám lá và đe dọa trên đồi, còn thần chết vẫn ngự trị ngoài cửa biển.
Chiều đã gần tắt nắng, cửa Tư Hiền trở nên thê lương ảm đạm. Trong bóng hoàng hôn, tất cả màu xanh bắt đầu đặc quánh nhuộm đục, màu trắng đã trở nên tím; tiếng reo vui của gió và sóng biển đổi sang tiếng rít réo và ì ầm. Bãi Tư Hiền lạnh tanh với xác chết ngổn ngang.
Tôi ngồi đó với Nẩm. Gần bên chúng tôi có hai thiếu tá chỉ huy và tám cấp úy bận đồ xanh cứt ngựa.
Cả đám đã ngồi tán gẫu mấy tiếng đồng hồ rồi. Tất cả chúng tôi cùng thống nhất ý kiến đưa ra kết luận:
Để chuyển 5000 người qua sông mà chỉ gởi ba đội thuyền máy là việc làm cho lấy có. Đúng là 5000 sinh mạng “sống chết mặc bây”!
Bên giải phóng dường như chỉ cố ý ngăn lại cuộc vượt sông chứ không cố ý truy nã đoàn người.
Việc gởi đến 4 chiếc F5 là một kế hoạch hành quân phối hợp xuẩn ngốc nếu không muốn nói là “lửa đổ thêm dầu”, làm gãy đổ hoàn toàn cuộc vượt sông.
Đã có mầm mống nổi loạn trong quân ngũ và thấy rõ bản chất dã man của những người mặc bồ đồ rằn ri.
Trong khi chờ đợi quân giải phóng đến bắt, chúng tôi ôn lại và kể cho nhau nghe về quá khứ của mình. Chúng tôi mãi mê kể và nghe cho đến khi phát hiện có người thứ 13 trong đám. Đây là một cụ già râu tóc bạc như tiên. Ông cụ thấy chúng tôi nhìn sửng, ông cười, nhẹ nhàng đứng dậy, nói với chúng tôi lời của ông tiên.
Các con muốn ngồi đây nghe nhau kể chuyện hay theo già qua bên kia sông? Ngón tay ông cụ chỉ về phía bờ, một chiếc thuyền to buông mái cặp mé nước.
Chúng tôi ngồi yên trên thuyền, ông cụ chèo đằng lái. Cặp mái dầm bơi nhẹ nhàng, thuyền lướt êm êm, bập bềnh. Con nước lúc ban trưa sôi réo hùng hổ cùng mấy chiếc thuyền máy, thì bây giờ lại mơn man vỗ về chiếc thuyền chèo tay.
Nẩm ngồi dựa vào vai tôi, bằng một giọng kinh nghiệm chiến trường, anh thì thào:
Thay áo đi ông thầy, áo ông ướt chưa khô hẳn. Nẩm đưa tay tôi chiếc áo. Tôi cầm lấy và biết không phải là áo mà là chiếc phao cá nhân mặc liền vào người. Tôi hiểu ngay Nẩm muốn tôi làm một điều gì đó có lợi cho tình thế nguy nào có thể xảy ra, mà anh đã nắm được dữ kiện. Tôi thực hiện ý đồ của Nẩm ngay: cởi áo, mặc phao, mặc áo ra ngoài, rồi ngồi lặng thinh. Thuyền cách bờ khoảng 50 mét.
Chân Nẩm lại đụng vào chân tôi. Tôi nhìn xuống chân Nẩm đã tháo giày vớ. Tôi lại lẳng lặng làm theo. Thuyền cách bờ khoảng 30 mét.
Một ngón tay vung ra chỉ vào bờ, mọi cặp mắt nhìn theo. Ở chân núi cách bờ 200 mét, mấy bóng người chạy xuống.
Các con ơi, già đem các con đến gặp sự sung sướng. Ông già cười khà, ngơi tay chèo. Ông nói với ai đây? Với chúng tôi, những người mặc đồ cứt ngựa mang giày đinh, ngồi trên ghe; hay những người đội nón tai bèo mang dép râu, ở chân núi? Tôi chợt nghĩ ông muốn nói với cả hai đám con, anh em một nhà.
Một họng súng không biết nghĩ như thế, đưa lên giữa ghe, nhắm thẳng ông già khi mắt ông đưa vào bãi cát đang có mấy người chạy trên đó tiến ra phía bờ. Lúc ông quay lại nhìn vào ghe, thì “đoàng”. Tôi nghe rất rõ giọng nhỏ từ tốn của ông cụ, hỏi chứ không oán trách thù hận:
– Sao bắn già?
Và chiếc áo cánh trắng vàng huếch của người đẹp như ông tiên kia nhuộm thấm màu hồng trên ngực. Ông già bước lùi một bước và rớt sau lái, nước bắn lên. Thuyền cách bờ 20 mét, đáy sông 50 phân; bóng trên cát cách bờ 10 mét, lún trong cát 10 phân. Khoảng cách 30 mét, hai “đám con” ông già chạy bổ chúi vào nhau, bước chân có lúng túng chậm một chút, nhưng tay cầm súng nhanh hơn. Họ gặp nhau trong tiếng súng nổ và tiếng thét đau thương. Tôi nhìn thấy rõ họ, những người giải phóng quân, đưa súng ra trước, nhưng ngập ngừng, muốn nói điều gì, trong khi phía chúng tôi, có kẻ nhanh hơn nổ súng trước. Họ, bốn anh giải phóng quân đều ngã xuống. Sau đó, chúng tôi mười hai, còn lại bốn. Chúng tôi đã “tổn thất” gấp đôi, có lẽ vì hoảng sợ. Hai người còn đứng trên bãi cát co giò chạy dọc theo bãi.
Lúc đó, tôi và Nẩm ngâm mình trong nước, núp nhìn từ sau chiếc ghe; mặc nhiên, chúng tôi là khán giả chứng kiến được đoạn phim thời sự mang tính trung thực nhất của cuộc chiến. Nẩm khều tôi, chúng tôi lặn đi theo mé nước, bên tai hình như còn nghe tiếng rên của ông lão chèo thuyền đã bị viên đạn đầu tiên của phía chúng tôi bắn.
Khoảng năm phút sau, tôi thấy có hai bóng nón tai bèo nặng nhọc trỗi dậy và đứng hẳn lên trong tư thế nghiêng ngả. Sau cùng thì hai bóng ấy tựa vào nhau lê bước về phía chân núi, nơi họ chạy xuống lúc thuyền sắp cặp bờ. Mãi khi hai bóng ấy khuất hẳn vào bóng đêm núi rừng, thì tiếng biển réo làm tôi sực tỉnh: tôi trôi quá xa ra sát cửa biển rồi! Tôi nhìn quanh quất tìm Nẩm anh trôi dạt đâu mất lúc nào không biết. Tôi lo lắng vô cùng, Nẩm đã chìm mất rồi sao? Và tôi thì đang đi vào chỗ chết? Nước cuộn xoáy dữ dội, tôi cố vùng vẫy, cưỡng lại con nước để tấp vào bờ. Cuối cùng chân tay tôi chạm vào cát. Đến khi hơi thở điều hòa, tôi cũng chưa muốn ngồi dậy nữa.
Bỗng từ hướng dọc theo bãi biển, một bóng đen chạy lom khom rụt rè đi về phía tôi.
Ông thầy? Giọng của Nẩm người bạn chân tình và chí cốt của tôi. Tôi khẽ đáp lời và Nẩm khom choàng lên người tôi.
Ông thầy…
Tôi chận ngang:
– Nẩm cứ gọi tôi là anh.
Nói thế, lòng tôi ấm hẳn. Người dân An Lỗ này, tốt lòng, tốt bụng, nghèo mà tình nghĩa. Suốt ngày hôm ấy tôi mới hiểu được tất cả cuộc đời anh. Anh sống đẩy đưa theo hoàn cảnh, nhưng anh tận tụy, hết lòng cứu thoát những người dân vô tội. Tôi gượng dậy và quyết định theo anh:
– Đi thôi, Nẩm.
Nẩm chạy trước, tôi chạy sau theo nhịp sống bạc đầu của biển. Nền cát chắc và bước chân vững hơn. Chẳng ai nói với ai một lời, trước mắt tôi cảnh vật lần lượt bày ra khiến tôi lúc nào cũng có cảm giác mình chạy tràn vào mũi súng để đón nhận hàng loạt đoạn. Chúng tôi vẫn phải chạy dài. Nẩm và tôi trao nhau những câu ngắn:
Anh có thuộc vùng này không Nẩm?
Không!
Bước chân lại đều đều…
Cứ như vầy đến đèo Hải Vân? Tôi lại hỏi
Sẽ gặp ghềnh đá
Qua được không?
Khó! Khó lắm!
Hơi thở chúng tôi đã dồn dập…
Hải Vân xa không? Đến lượt Nẩm hỏi.
Bốn chục cây số. Tôi khẳng định và sực nhớ ra: Thôi chết, còn một cửa sông!
Cửa Sấm?
Đúng, cửa Sấm!
Tự dưng bước chân của cả hai chúng tôi lơi ra, chậm dần rồi khựng lại.
Nỗi tuyệt vọng lại đến. Chúng tôi ngồi quỵ hẳn xuống. Tôi như chết lặng. Đất như tụt hẳn xuống vực sâu xa thẳm. Trước mắt tôi, những cái thây trôi, có hai cái ôm cứng vào nhau thì được dồi lên cao tận sát mặt tôi.
Có lẽ đó là xác của người đàn bà và đứa con nhỏ mà tôi đã thấy Nẩm hai lần cứu ở cửa Tư Hiền. Đứa bé chết đuối hụt giờ đây đã đỏ ruột lụa nhụa và trên mặt bà mẹ đã lầy nhầy máu đen.
Nẩm giật ngược tay tôi, co chân phóng đi.
Người tôi như ai đó nhấc lên thả xuống. Tôi chạy như điên cuồng, tai ù lên, không một âm thanh nào qua lọt.
Chúng tôi đến ghềnh đá xô ra biển gần cửa Sấm vào lúc nữa đêm. Lúc mới đến gần đó, tôi và Nẩm lại một phen giật mình. Từ xa, chúng tôi thấy nhiều đốm đỏ lập lòe trong các hốc đá, làm chúng tôi phải nằm trong cát dò xét gần nửa giờ. Sau cùng, không chịu được nữa, Nẩm đã rủ tôi:
Anh Hòa nì, tôi chẳng phân biệt được đằng tê là bạn hay thù, những đóm đỏ kia là thuốc lá đỏ, có thể là những người chạy trước, mà cũng có thể là của bọn giải phóng. Thôi cứ tiến đại vào, hoặc nhập bọn, hoặc bị bắt, hai lối, lối nào cũng không chết.
Tôi cũng tin như vậy, dù có bị bắt cũng gần như thoát chết. Thế là hai anh em mạnh dạn nhắm phía các hốc đá tiến thẳng vào. Hóa ra, toàn là những người vượt cửa Tư Hiền cả, gần 2000 người, đầy nhóc. Họ ẩn vào đây, thấy an tâm; trên đầu đá gie ra che chở, sau lưng là đá dựng, trước mặt ghềnh đá chắn che. Bên kia các ghềnh, gần nửa cây số, là cửa Sấm. Không qua được, ở đây yên ổn hơn, gần 2000 con người cứ như thế, họ ngồi đấy từ chiều!
Tôi và Nẩm tìm một hộc đá êm sát nước, thả dài người trên phiến đá phẳng, nghe gân cốt giãn ra. Nẩm thật là hồn nhiên, giấc ngủ đến liền với anh. Anh thật can đảm. Anh sống một ngày giữa hiểm nguy trong phong cách thật bình thường nghĩ ngắn gọn và hành động mau mắn một cách hết sức lý tính. Thế rồi đến lúc cần ngủ, anh ngủ ngay, và giấc ngủ nghìn thu của anh xảy ra liền sau giấc ngủ lấy sức ấy, không kịp để anh mở được mắt lấy một giây…
Trăng lên cao mãi, tỏa ánh sáng bàng bạc vào không gian, chiếu vào nước, rọi vào ghềnh xuyên vào hốc đá, phủ trùm lên những bộ mặt hốc hác lo âu, trải trên những quần áo xốc xếch, lem luốc, đem đến chỗ trí não con người một chút ánh sáng để nghĩ suy. Trong đêm đen, người lính trận, phó mặc cái đen tối cuộc sống của mình trong hốc đá. Nhưng ánh trăng làm họ thức tỉnh. Mọi người lại lục tục đứng lên tiến dần về phía cửa Sấm.
Ghềnh đá cheo leo, thời gian thì trôi mãi, đoàn người không dừng lại, họ chấp nhận đi. Cứ một người nhớm bước là kích thích người kế bên khởi động đôi chân; phút chốc đoàn người nối đuôi theo ghềnh đá. Lớp trước vừa khuất sau đoạn ghềnh, là lớp sau tiến đến thế chân vào chỗ đó. Thấy mọi người kéo nhau đi, tôi cũng nôn nao muốn bước, ao ước sao mình được thoát qua bên kia đèo Hải Vân để tin rằng mình còn sống. Mấy lần muốn đánh thức Nẩm, nhưng thấy bạn ngủ say, tôi lại thôi. Cho đến khi người quanh tôi đã thưa thớt, tôi mới nhất định kêu Nẩm dậy. Tôi vỗ vỗ vào vai anh, vỗ nhẹ rồi vỗ mạnh; nhưng anh vẫn không nhúc nhích; tôi bấu vai anh lắc mạnh mấy cái, anh vẫn nằm im; tôi lại để tay lên ngực anh lay dữ, anh đã cứng đờ từ bao giờ.
Tôi bịn rịn đứng lên nhập vào đoàn người, chỉ còn một mình tôi. Đoàn người sợ sệt, tay bám cứng vào kẽ đá rong rêu, chân dò dẫm trên những hốc đá trơn trợt, kẻ xuống thấp, người lên cao, dán chặt người vào đá. Khung cảnh như trên bảng nỉ dựng đứng cô giáo dán hình ảnh cho học trò xem, chỉ thiếu khéo léo một tí, hình sẽ rơi xuống đất; ở đây con người sẽ mất hút vào nước hay vỡ ra trên đá.
Một em bé gái 13, 14 tuổi, mặc độc một chiếc quần cộc tả tơi, lưng đeo bị vải cồm cộm, đang tìm cách vượt qua tôi. Tôi đứng lại, ép sát người vào đá. Em leo trèo một cách chắc chắn và tự tin, có lẽ em sống quen thuộc trong khung cảnh hàng ngày cạy hến, mò nghêu. Nhưng lúc đó, tôi thấy em bị trượt tay rơi xuống như trong mơ, nằm ngửa vắt ngang trên mỏm đá cách khoảng phía dưới chân tôi chừng 3 mét. Dưới trăng sáng, cặp mắt em nhìn tôi trừng trừng, khoảng mình trần của em tuôn máu và được sóng nước phủ nhẹ nhàng rửa đi từng đợt. Một anh còn trẻ cạnh tôi ngưng di chuyển, bám vào đá ngó xuống nhìn thấy em bé gái, rồi thản nhiên anh tìm cách vượt qua tôi. Cái chết của em bé không làm anh mảy may xúc động hay hoảng sợ. Anh tỏ ra nhanh nhẹn khỏe mạnh, cũng bằng lối vượt của em bé gái, anh trèo qua trên phía đầu tôi rồi lần xuống. Tôi chưa kịp la lên, anh đã đứng vào chỗ bắt đầu rơi của cô bé gái. Anh trượt và rơi nhanh hơn em gái đã rơi. Tôi nhìn theo chỉ kịp thấy anh rơi đúng vào xác em bé gái, thân anh đẩy xác em, cả hai tuôn nhanh xuống lòng nước sâu mất hút chẳng còn lại dấu vết. Cái miệng của biển đớp hai cái thây như con thằn lằn đớp muỗi thật gọn. Tôi nhìn mà như không thấy gì và cũng không kịp sợ hãi. Khi nhìn thấy có hai người chết y một cách, thì cảm giác sợ hãi dường như qua mau. Tôi giật mình, mình đã biết thản nhiên nhìn cái chết rồi sao? Có lẽ vì cái chết vụt đến nhanh quá và không để lại tàn tích nào, việc xảy ra như không hề xảy ra.
Nhưng từ lúc đó, thận trọng là đức tính lớn nhất đối với tôi. Lần theo vách đá mà đi, tôi lại như một nhà địa chất, chăm chú tìm tòi rờ mó, mân mê, lắc lắc từng mảng, từng viên đá một. Có một vài người nào đó không thèm để ý lời dặn dò tỉ mỉ của đá, thì nó như tỏ ra tiếc thương chào vĩnh biệt họ.
Cửa Sấm, núi nhô ra sát biển, nhưng không có ghềnh mà chỉ có rẻo cát viền quanh bờ biển. Chân núi không có nhiều hốc mà có ít khoảng bọng khổng lồ, trong mỗi bọng, năm bảy trăm con người ngồi, đứng, nằm, uể oải nhìn biển rồi nhìn sông. Khoảng giữa hai bọng lớn nhất, một con đường mòn màu đục, chạy dài từ trên núi xuống.
Dòng sông chảy xiết và con đường mòn đục nhập nhờ kia là hai mối hiểm nguy. Một của hà bá bày ra dẫn dụ vào Nam, buộc người ta đi sâu vào biển, một do thổ địa dẫn dụ lên trên núi cao kia gặp tận mặt thù, lúc đầu người ta nghĩ như vậy. Nhưng sau đó, hai con đường của hai mối hiểm nguy được người ta chọn một, đoàn người tới đây sẽ tách đôi.
Khoảng 3 giờ sáng, những người lên núi vừa dứt là những người vượt cửa Sấm đã sẵn sàng. Một cái lịnh nào đó cho góp dây, ai có thừng, hãy mang đến ban chỉ huy. Thêm một cái lịnh nữa, ai lội khỏe đến trình diện. Tôi không có thừng và cũng không lội khỏe. Tôi không dám nhớ lại việc gì đã xảy ra. Tôi đang mơ tưởng đến một chiếc bô – ing 747 hạ cánh ở phi trường, tôi ra đó, lên máy bay, thẳng xuôi đường bay về Nam; tại Sài Gòn, tôi gặp lại gia đình. Đấy, có những cái bình thường người ta được hưởng thật dễ dàng, vậy mà có lúc lại trở thành mơ tưởng viễn vông. Chiếc bô – ing không còn là phương tiện cần thiết nhất lúc này mà chính là sợi dây thừng. Tôi đứng lên và đi về phía cuộc vượt cửa Sấm được tổ chức.
Đến nơi, tôi bất ngờ bắt gặp quang cảnh rộn rịp nhưng không phức tạp, trật tự và im lặng. Bốn sợi dây thừng đã được căng ngang sông; các đầu bên này được quấn chắc chắn nhiều vòng vào nhiều nhánh đá; còn bờ bên kia, các đầu dây được hàng chuỗi dài người bám chặt. Tôi thầm khen sự sắp xếp tài tình của toán người chỉ huy mới mà tôi cũng chẳng rõ là ai trong đám họ.
Khi tôi quyết định vượt sông, tôi đến gần một đoạn thừng. Một người nào đó vỗ vai tôi: “Anh lần qua bên kia nhớ thế chỗ giữ dây cho một người khác nhá, anh khỏe đấy”.
Khoảng sông rộng hai mươi thước, thoáng chốc hai bàn tay tôi đã đỏ hết. Tôi lên bờ và một người đứng chỉ huy trước đầu dây chỉ vào một người đang giữ dây, bảo tôi:
– Anh thế vào chỗ này.
Tôi vào thế xong giữ dây và trong khoảng thời gian thật ngắn có người đến thay cho tôi nhập đoàn người vừa qua sông rảo bước. Tôi tiến lên phía đầu đoàn người, đi mãi đến khi trước mắt đã thấy hiện lên dãy đèo Hải Vân sừng sững. Phía xa về cồn cát, tôi nhận ra một dáng đi quen thuộc, tôi chạy đến gần, hóa ra đó là thiếu tá sư đoàn I.
Tôi lại gặp anh. Tôi nói.
À! Anh thiếu tá sư đoàn I mừng mừng trả lời.
Tôi tưởng anh nán lại tham chiến ở Tư Hiền mà bỏ mạng rồi chớ.
Tôi hiểu ngay, khi nổ súng với 4 người giải phóng ở cửa Tư Hiền thì trong hai người bỏ chạy có thiếu tá này. Anh cũng có chủ trương lẩn tránh giết nhau như tôi.
Tôi hỏi:
Thiếu tá trong đám chỉ huy vượt cửa Sấm?
Không! Những người khác.
Họ tài thật.
Tài thật, nhưng hình như là…
Thiếu tá sư đoàn I bỏ lững câu nói, nhưng tôi cũng hiểu anh muốn nói gì nên tôi đồng ý:
Tôi cũng nghĩ thế. Hình như họ là…
Có thể lắm, có thể là họ lắm. Đó là một việc giúp đỡ có thể xảy ra như khi họ băng bó vết thương cho lính của ta bại trận, và ở đây, chúng ta không còn gì để họ phải giết bỏ vô ích.
Tôi và thiếu tá lại tiếp tục lầm lũi bước nhanh.
Một dãy dài giăng ngang từ mé biển vào tuốt tận đầm lầy, tạo bằng những hình thù như nhiều cây cột to lớn đứng san sát nhau im lìm. Trên đầu là đỉnh tròn nửa quả cầu ánh thép loang loáng, cột buông thả lỏng tòng teng hai sợi dây. Hai bên hông có hai hình ống trụ khuỳnh ra phía trên, bên dưới quắp lại, gắp chặt thanh thép lạnh như khẩu súng. Phía dưới là hai ống trụ đứng dạng ra. Đến gần, căng đồng tử ra nhìn, đúng là dãy lính đang dàn ngang cản đường. Một tiếng thét kềm giữa răng:
– Đứng lại!
Chúng tôi nhận ra toán biệt kích lính thủy đánh bộ, được lệnh ra đón chúng tôi. Những vị “anh hùng uy nghi lẫm liệt” này đến bảo vệ đoàn người đã thoát bao hiểm nguy giờ đây đã đến sát đích yên lành.
Thế mà sau lưng tôi, vẫn còn nghe một giọng run run:
– Cầu trời, cho bọn này đừng mó vào súng mà chết oan chúng tôi nữa.
Sau đó chúng tôi vượt qua bọn họ, thiếu tá sư đoàn I bỏ lại câu nguyền đanh ác:
Đồ quỉ sứ! Rồi anh lặp lại:
Đồ quỉ sứ, đã thoát được chúng nó! Tôi phân vân cùng anh:
Anh nói ai thế?
Liếc nhìn tôi, thiếu tá sư đoàn I không e ngại trả lời:
Lũ quỉ chỉ chực chờ bắn giết, cùng với lũ quỉ giết người, lính công binh của anh đấy. Chúng nó mà có mặt tại cửa Sấm thì dòng sông và bãi cát sẽ đầy thây người, thì việc làm nhân đạo tại đây sẽ được chúng thay bằng một cuộc tàn sát.
Tiến thêm mấy bước, anh còn hậm hực:
Chúng giết người, mong sao chúng sẽ đền tội cả, chúng vẫn còn mang ý muốn bắn giết, chúng sẽ bị bắn giết cả lũ…
Lúc chúng tôi đến đèo Hải Vân thì trời đã nắng gắt, 5000 người di tản còn lại chưa đến 1000 bị đưa vào trại tập trung xét giấy tờ hỏi cung, gạn lọc đưa lên xe trả về Đà Nẵng! Dĩ nhiên tôi cũng không thoát ở lại được.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.