30 Tháng 4 – Chuyện Những Người Tháo Chạy

Phần I:Cuộc DI Tản Của Tư Hiền Kêu Cứu



Chiến sự miền Nam sôi động hẳn từ đầu năm 1975. An Lộc mất, Buôn Ma Thuột thất thủ và ngày 19 tháng 3 năm 1975, Quảng Trị mất, hàng ngàn lính ngụy và dân chạy về phía Nam, dân cố đô ngơ ngác lo âu. Rồi không bao lâu, lại hàng ngàn lính ngụy và dân Huế cũng theo làn sóng tháo chạy ấy, tìm ngả thoát thân; nhưng đường về Đà Nẵng: quốc lộ 1 đã bị cắt đứt. Người ta tràn ra cửa Thuận An dùng ghe tàu tẩu thoát. Ngày 20 tháng 3 năm 1975, cái cửa biển bé nhỏ này của Huế tràn ngập người, chen nhau lên những chiếc tàu của hải quân ngụy được lệnh tháo lui. Rồi các ngày 21 và 22, người ta thuê mua thuyền lớn, ghe nhỏ của các lái buôn nhổ sào bơi đi. Cơn sốt hoảng sợ lên đến cao độ khi Thuận An sạch tàu thuyền, hàng vạn người bươn bả chạy bộ theo bờ biển, những người này cố đến đèo Hải Vân, thoát qua bên kia vào Đà Nẵng. Họ tin là Đà Nẵng bình yên.

Những người dân cả đời bị bưng bít sự thật và bị chiến tranh tâm lý của Mỹ – ngụy lừa bịp, đe dọa, họ tự giải quyết cuộc sống từng ngày và họ đang đếm từng ngày sống ấy trên đoạn đường đầy nỗi gian khổ, lo âu. Bon quân lính của những đơn vị bị đánh tan tác ở Quảng Trị và phía Bắc Thừa Thiên tự động rã ngũ, nhập vào kéo theo hỗn loạn nhếch nhác. 70 cây số đi suốt trong hai ngày đêm trên mé nước, bươn suối, leo ghềnh, đã bỏ lại dọc đường hàng vạn người.

Bão táp di tản ở miền Trung bắt đầu từ trưa ngày 24 tháng 3 năm 1975. Các bước chân tháo chạy dẫn dài trên con đường hàng ngàn cây số không chỉ là gian khổ nữa, mà còn đầy ắp máu và nước mắt.

Chiều xuống, trên cửa Tư Hiền, cách phía nam Huế vài mươi cây số, tiếng ầm ĩ của thần chết lan trong không gian: một chiếc L19 bay dật dờ quần đảo liếc ngó đám người ngồi bó gối trong bóng lá trở nên xanh thẩm và phóng về Đà Nẵng bức điện kêu cứu:

“Bằng mọi giá – Liên đoàn 10 Công binh chiến đấu, đưa vướt sông 5000 người. Tại cửa biển Tư Hiền. Báo cáo khẩn”

Trung úy truyền tin Hoàng Văn Thái đưa cho đại tá liên đoàn trưởng điện tín trên và cho biết hàng ngàn dân di tản từ Huế chạy vào đang bị kẹt ở bờ Bắc Tư Hiền, yêu cầu phương tiện qua sông.

Công việc cứu nạn này không thuộc nhiệm vụ công binh, nhưng công binh biết bắc các loại cầu và có đủ phương tiện để làm việc đó, nên khi nhận được bức điện, lão đại tá liên đoàn trưởng cho gọi tập hợp và kêu gọi “xung phong”. Lúc này là thời điểm phải tranh thủ vào Nam, nên lão đại tá đã dùng hết lời lẽ vận động mà trước sau chỉ có ba người bước ra khỏi hàng, tự nguyện xung phong ngược ra phía Bắc. Đó không phải là những người “vì nhiệm vụ quên mình”, nhưng là những người thương yêu gia đình đang bị kẹt. Quê ở Quảng Trị, Thừa Thiên, họ biết trong đoàn di tản đó có thân nhân gia đình họ, nên họ liều chết trở ra, nếu có phải chết thì cùng chết với gia đình. Tôi ngồi xổm trên sân cùng với đội lính bốc vác, chuẩn bị đưa họ lên trực thăng về chết nơi quê cha đất tổ. Tôi nhẩm lại lai lịch của “ba món lễ vật” mà người ta sắp đem “hiến thần chiến tranh”.

Trung sĩ nhất Lê Nẩm, sinh tại làng An Lỗ, tỉnh Thừa Thiên, một tay thợ máy tàu giỏi, vào lính 15 năm, một vợ ba con đang ở Truồi (Thừa Thiên).

Hạ sĩ Trần Tu, quê ở Hải Lăng, Quảng Trị, một tay ráp cầu nổi nhiều kinh nghiệm, vào lính 8 năm, một vợ bốn con đã di tản vào Huế từ đầu năm 75.

Binh nhất Tôn Thất Hải, 21 tuổi, trước kia là “lính kiểng” Thừa Thiên, cha công chức “sộp” bị chính quyền “quốc gia” sa thải vì ăn hối lộ không kỹ, con bị đày vào chiến đấu ở đây. Chưa vợ con, nhớ cha hay khóc.

Ông thầy ơi[1]. Giọng Nẩm hối tiếc – cả đời tôi chẳng một lần giúp được vợ con, mảnh ruộng mớ vườn, vợ tôi còng lưng nuôi con. Tôi cũng mong chiến tranh không còn nữa đặng mà cày cấy nuôi già. Bây giờ chiến tranh sắp dứt, thì lại chỉ còn cách dắt cả nhà về âm phủ chịu tội với ông bà tổ tiên.

Nói vậy chớ chắc gì chết – Hạ sĩ trần Tu lại hy vọng hơn. Đào ngũ hai lần không thoát, lần này dịp may hiếm có, thoát cả nhà được rồi thì lại cái tên Tu coi như mất tích, mà Tu giả thì cùng vợ con rút vào chân núi làm ăn. Tui đây chẳng cần thuốc lá thơm, rượu Mỹ nữa.

Binh nhất Hải thì chẳng một lời, đứng làm thinh, hít hít vào không khí, mắt lóe lên một ý đồ gì đó.

Trung sĩ Nẩm nói một lần chót, dứt dạc:

Thôi, ông thầy yên tâm, mỗi người một số, cứ theo số mạng mà hành động. Ông thầy cũng nên cố gắng tìm cách mà xuôi Nam. Cứ thử liều một lần, thoát năm vòng kẽm gai, ông thầy sẽ gặp những người thân yêu của ông thầy.

Nghe Nẩm khuyên mình thấy yên tâm, nhưng tôi không thấy yên tâm chút nào cho họ. Công tác khó khăn quá, đưa vượt sông những 5000 người với ba chiếc thuyền và ba người lính. Không sĩ quan chỉ huy như rắn không đầu. Còn bản thân mình, thoát à, năm lớp kẽm gai phòng thủ đơn vị thì đầy mìn, điểm gác nhiều như mắc cửi. Giá như thoát được, thì đường vào Nam đã cắt rồi, cắt ngang Quảng Ngãi. Xứ lạ quê người thoát làm sao được với cái lệnh: “đào ngũ là bắn bỏ!”.

Nhìn những người lính sắp đi vào “chỗ chết”, và muốn tỏ một “cử chỉ thân ái tình người”, tôi đã gây sự bất ngờ với ba người lính:

– Tôi sẽ theo trực thăng, tiễn các anh đến nơi.

Nói được câu đó, tôi yên tâm thực sự khi trái khói hiệu trong tay được giựt tung lên trời, nổ “bốp” đón tiếng “xạch xạch” của “con voi”[2]…

“Con voi” lao nhanh về phía đèo Hải Vân, mang theo ba đội thuyền cùng tôi và lão đại tá ra cửa Tư Hiền. Lão ta cũng đi. Lão muốn tận mắt chứng kiến việc làm có được một cái báo cáo tâng công với cấp trên: đã đưa đến nơi phương tiện chuyển người di tản qua sông và như vậy không thể cho lão thêm một cái bông mai trên bâu áo.

Lão đại tá ngồi đó, cạnh phi hành đoàn, im lặng trong đôi kính trắng, mặt nung núc thịt cứng lại như sắt và thở dồn. Tôi ngồi giữa bụng “voi” cùng đội thuyền, cũng im lặng; nhưng miệng mỉm cười và không lấy làm ngạc nhiên với nụ cười trên môi mấy người lính đáp trả tôi.

Bên dưới, mây phủ trắng xóa. Chiếc trực thăng luồn lách giữa các đỉnh núi tránh gió cuốn. Khí lạnh tê người, tất cả co ro trong bộ đồ trận trang bị đầy đủ áo giáp, áo phuy – rê, trừ lão đại tá, không ai trang bị vũ khí: lính công binh chuẩn bị cho công tác cấp cứu thủy nạn chứ không chuẩn bị để chiến đấu.

Chúng tôi đã thấy bờ biển Lăng Cô, và đã qua khỏi đèo Hải Vân. Lúc này “con voi” đổi hướng bay ra biển. Các đội thuyền bắt đầu chuẩn bị đổ quân: 15 phút trực thăng bay, điểm đến kia rồi!

“Con voi” lấy điểm đáp chính xác, sát gần cửa sông Tư Hiền. Nhưng nó không bay về phía đó, mà đâm thẳng ra vùng biển khơi và từ đó bổ vào thật nhanh. Nó cũng biết tìm cách tránh né đạn của Quân giải phóng.

Tốc độ chiếc trực thăng tăng gấp, tất cả người và vật dụng trượt lui trên sàn về phía đuôi “con voi”. Phụ lái của phi hành đoàn đứng dậy quay về phía sau ra hiệu, đèn tín hiệu đỏ bật sáng. Tôi chồm về phía các anh lính, bấu chặt, siết mạnh cánh tay từng người từ biệt với ý nghĩ vĩnh biệt. “Con voi” đáp sát bãi biển, bụng nó mở ra, tất cả cũng thấy cát trắng chạy nhanh ngược lại. Thế là từng món một: thuyền và phuy xăng được quăng nhanh xuống, rồi đến Nẩm, Tu và Hải, từng người một cùng nhảy bừa vào bãi cát. Tôi đứng cạnh lỗ trống, vỗ vai từng người, ra hiệu nhảy. Đột nhiên đầu trực thăng chếch lên, nó đổi hướng bay xiên vào bầu trời, tôi mất thăng bằng chụp nhanh vào sợi dây cáp treo ở cửa bụng trực thăng nhưng người thì đã vọt ra ngoài, treo lơ lững giữa không trung. Gió giật liên hồi. Tôi cố bám vào sợi cáp, mắt nhìn về phía lão đại tá. Lúc này lão đã đứng lên, loạng choạng giữa thân trực thăng, nhìn tôi ngần ngừ không quyết định gì, mặt sắt của lão vẫn lạnh tanh. Tôi không đủ sức trườn người lên, và chẳng còn chịu đựng được sức nặng của tấm thân đang bạt gió. Tôi bất lực, nghẹn ngào buông tay, độ cao trực thăng cách bãi biển trên 30 mét. Tiếng gầm rít của “con voi” đột nhiên im bặt và bên tai tôi nghe đạn pháo nổ dòn. Hình ảnh sau cùng tôi còn thấy ở chiếc trực thăng là cái lỗ hổng nơi bụng của nó đã được đóng lại.

Khi chiếc trực thăng về đến “bản doanh” của Liên đoàn thì trên sân đã tụ tập đông đảo lính và sĩ quan. Mọi người muốn biết kết quả cuộc đổ quân, vì trước đó điện tín từ “con voi” báo về: “Tình hình bãi biển Tư Hiền đang bị địch uy hiếp! Đổ quân sẽ gặp khó khăn!”.

Ngay sau đó, lão đại tá cho lệnh triệu tập tất cả sĩ quan trong Liên đoàn tới họp. Trong buổi họp, có hỗ trợ bằng bia 33 ướp lạnh, lão trình bày tách bạch tình hình bại trận cay đắng của cái quân đội cộng hòa từ hồi đầu năm tới nay: mất Tây Nguyên, mất gần hết vùng I chiến thuật v.v…

Sau khi nói hết hiện tại đen tối, lão lại nói sang triển vọng ngày mai. Đó là Liên đoàn 10 công binh của lão sẽ thi hành diệu kế “điệu hổ ly sơn”, sau đó sẽ chặt phá hết cầu cống, để chia cắt quân cộng sản ra mà tiêu diệt. Rồi từ những điểm nhỏ còn lại như Ái Tử, An Lỗ, đèo Hải Vân, Hòa Khánh, Đà Nẵng, Thường Đức, Đại Lộc v.v…nằm trong vùng cộng quân vừa chiếm, sẽ đánh bung ra, đẩy lùi cộng quân từng bước, giành lấy thắng lợi. Sau cùng, bông mai vàng sẽ đậu thêm trên từng bâu áo các sĩ quan của Liên đoàn, điều ấy không phải nói thêm cũng biết, lão kết luận như vậy.

Có điều lão không nói kế hoạch ấy là do lão thảo, duyệt và phân công. Còn lão thì nằm nhà, không phải rụng lông chân. Nếu vạn nhất nào, thì bông mai trắng thêm trên bâu áo lão chắc chắn sẽ nhiều hơn bất cứ sĩ quan nào vào sinh ra tử bao nhiêu lần cho kế hoạch.

Khi sắp tan bữa tiệc mừng trước “chiến thắng”, lão đại tá đột nhiên đứng dậy, giọng nghiêm trọng:

Tôi xin báo cáo với anh em, một cử chỉ anh hùng của người đã dám đi trước anh em, Thiếu úy Hòa. Anh thiếu úy kiến trúc sư của chúng ta đã hy sinh.

Rồi giọng lão đại tá như tự oán trách mình:

Hòa là người mà tôi có cảm tình nhiều. Anh là trí thức, yêu nghề. Chính anh đã đem lại vinh dự cho Liên đoàn chúng ta bằng những tác phẩm xây dựng táo bạo của anh khắp vùng I. Nhưng trong tham chiến, anh còn non nớt quá. Cũng chính vì thế mà anh phải bỏ mình. Hòa là người thông minh hơn thảy các anh, anh ta đã thấy trước những điều tôi nói lên hôm nay mà vẫn dấn thân tới. Tiếc thật! tiếc thật! Nếu anh giỏi chiến đấu như chúng ta, thì qua chiến dịch tại Tư Hiền anh sẽ được vinh thăng đại úy ngay. Anh chưa được vinh quang lại nhận ngay vào giữa tim viên đạn thù; anh té từ trực thăng xuống biển.

Lão đại tá dùng xác chết của tôi để kích thích sự thèm muốn lên lon của bọn đã giỏi nghề đánh đấm.

Lão tỏ ra công bằng:

Chúng ta sẽ làm lễ truy điệu anh Hòa, gửi giấy báo tử, vinh thăng trung úy, cấp tiền cho gia đình anh. Phòng nhất làm gấp việc này vào ngày mai.

Một biến cố nhỏ xảy ra vào phút đầu tiên của ngày 26 – 3 – 1975. Quá nửa đêm, một bức điện được đánh về Liên đoàn: Đoàn người di tản đã qua cửa Tư Hiền và buộc ngừng lại tại cửa Sấm – xin yểm trợ thuyền đợt 2″. Khi trung úy trưởng ban truyền tin đem tờ điện đến lão đại tá, thì lão lẳng lặng xếp tư bỏ vào túi áo, lão bận lên “kế hoạch hành quân” của riêng lão.

Trong khoảng nửa tiếng đồng hồ, ba mật điện từ cửa Sấm được đánh về liên tục, nhưng trung úy Thái không còn muốn báo cáo với lão đại tá nữa, vì như thế vô ích. Thái ở lì dưới hầm truyền tin buồn rười rượi. cái chết của bạn anh, những người lính cầu nổi thật là oan uổng và vô ích. Còn đoàn người qua được cửa Tư Hiền nhưng lại bị chận tại cửa Sấm. Cửa Sấm, tuy không rộng, chỉ non 20 mét nhưng đây lại là nơi dòng thác lũ đổ thẳng xuống từ núi ra biển. Gần cửa Sấm, bên này là núi cao hiểm trở mà đoàn người di tản đã đến, mọi người chắc núp cả dưới ghềnh, và nếu cộng quân mở một cuộc bao vây có thể bắt hoặc giết không còn con đỏ. Còn bên kia là bãi cát trải dài bao quanh cái đầm rộng xa xa, nếu đoàn người có vượt qua, thì chỉ cần hai họng đại liên sẽ quét sạch, vì không có một tảng đá nhỏ nào để có thể che chở nổi một người.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.