30 Tháng 4 – Chuyện Những Người Tháo Chạy

Cố Thoát Khỏi Nanh Vuốt Lũ Sát Nhân



Thành phố Phan Rang nhỉ nhắn xinh tươi bỗng dưng tàn khốc điêu linh. Nó sa vào tai ách do nó được tôn vinh là nơi chôn nhau cắt rún của thằng tướng cướp đầu sỏ gọi là tổng thống của cái gọi là Việt Nam Cộng hòa! Một tên hung ác tham lam được đẩy vào tay kẻ cướp đế quốc Mỹ. Chúng bảo vệ cái nôi của nó bằng bạo tàn. Nó tung vào đây đủ thứ các loại cướp trời, cướp biển, cướp rừng, cướp núi với mấy cái tên nước sơn thiên thần mũ đỏ, mũ xanh, tia chớp rừng xanh, ánh sao đỉnh núi v.v…Bây giờ thì nước sơn đã rã, lòi cốt cướp của mấy tên đốm đỏ, vằn xanh, cọp vện, beo nanh: đồng thời lột luôn cái mặt nạ của tên tướng cướp đầu sỏ Nguyễn Văn Thiệu.

Đám cướp tưởng hung hăng trên đời có một! Chúng không ngờ đụng phải lòng căm thù bùng lên mạnh mẽ của những người bị chúng dồn ép vào tủi cực khốn khổ chết oan. Chúng đã tưởng đàn áp họ như những con cừu non; có ngờ đâu chúng đụng vào những con dao để lâu ngày nay được mài nên bén. Chúng hung hăng như những con sói; nhưng chúng đã lạc hồn mệt mỏi. Chúng còn cố đeo dai dẳng bên đoàn di tản mà chúng thấy ngon lành như một đàn hươu, nhưng mỗi sừng hươu bây giờ đều có cột thêm một con dao sắc.

Tình hình như vậy là cân xứng, ai muốn ăn miếng coi chừng bị trả miếng. Vì thế những thằng vằn sóng biển, đốm đỏ biệt kích, cọp vằn và biệt động Nùng báo đen, lũ con tinh thần của thằng Thiệu đó, bây giờ mồi săn của chúng trở nên khó gặm thì chúng hầm hè muốn ăn thịt nhau là điều thật dễ hiểu.

Bây giờ tại đây, chỗ sinh ra của cha chúng đang là chỗ loạn lạc, đáng lý trách nhiệm là chung của cả đám bốn lũ con. Thế nhưng, lũ nào cũng hận, cho là mấy lũ kia hèn kém, quen thói ăn lường nói gạt, không đánh mà chỉ vơ với vét, mọi gánh nặng trút lên đầu nó. Nhiều sãi chẳng ai đóng cửa chùa.
Chúng thù hận nhau, thằng nào cũng cho là hy sinh dại để tụi khác hưởng của, nên nó lo hưởng. Và tụi kia hãy coi chừng, lòng căm tức cả chục năm nay, bây giờ đang hổn quan hổn quân, tao sẽ trả thù!

Cướp và cướp thanh toán nhau, chúng dùng dân để lấy của và lấy khí thế!

Tằng tằng tằng!!! Một tràng M18 nổ, một người đàn ông đang đứng ở vỉa hè bật lăn mấy vòng, máu đổ ra hè đường lênh láng.

Thằng biệt động Nùng ngây ngô rầy rà:

– Ai cho tụi bây đái bậy, dơ hết tường tổng thống!

Người đứng đái đâu có ngờ có một thằng đen đúa trong giờ phút này lại bảo vệ vệ sinh cho cái thành phố dơ bẩn này bằng hành động giết người! Sợ nước đái làm hôi nơi đẻ của chủ, chứ chẳng ngại máu làm tanh.

Trong căn nhà hoang vắng, trên bàn ăn đặt ở phòng khách, có một cái đĩa dẹp, trên úp cái tô kiểu, có đủ thứ dụng cụ ăn Tây: dao, muỗng, nĩa và một mảnh giấy để kế bên một tấm hình, trên là nét chữ nguệch ngoạc như mới học viết: “Chủ nhân kính mời”. Nhìn vào tấm hình thấy một cô gái áo mỏng hở hang đứng nẩy ngực ra. Ai cũng sợ trên dĩa là trái lựu đạn đã gài, đến khi thấy kiến bò trên dĩa, mùi thịt sống bay từ kẻ tô, giở ra mới thấy một miếng da thịt tròn trèn, trên da có một điểm đen nhỏ xíu.

Bỏ cái bàn ra sau bếp, thì thấy từ thanh gỗ trên mái nhà thòng xuống một sợi dây trói tay một bà lớn tuổi. Thi thể nạn nhân đong đưa, quần tuột trệ phết đất, được chống lên bằng một cây lau nhà. Dưới đất, chổng mông úp đầu vào chân tủ chén là một thằng đàn ông chỉ còn mặc cái áo lốm đốm vải Mỹ lủng lổ chảy máu, phần dưới da đen mun. Lưng áo cài một mảnh giấy, cũng một nét chữ ấy: “Thế thiên hành đạo”, thay chữ ký tên là hình vẽ một con cọp trông y như con chuột.

Nghe có tiếng rì rầm trên lầu, và nghe tiếng chạy rầm rầm từ ngoài cửa vào. Một đám vằn sóng biển chạy vào, chạy thẳng lên thang gác. Nghe có tiếng hò nhau loạn xị trên đó, súng và lựu đạn rầm rầm!! Còn lại mấy thằng chạy xuống, chạy mất; trên lầu hết nghe tiếng rì rầm. Lên coi tận mắt, thấy bốn thằng nằm nghiêng ngả trên sàn, ngoài vằn sóng biển còn có hai đốm đỏ. Trên giường một cô gái nằm ngửa như ngủ, trần truồng, một bên ngực máu đỏ, thấm ướt cả nệm đã bắt đầu khô. Trên bàn một tượng phật bằng vàng còn bỏ sót.

Hãi hùng nhưng im lặng, tiếng súng nổ khô khan. Thành phố thỉnh thoảng, nghe tiếng la hét vang ra từ cửa sổ. Một trái lựu đạn nổ toang thật gần. Một tràng liên thanh nổ từ xa. Vài tiếng súng ngắn nổ rời rạc. Cái chết vì nhiều lẽ, đầy ải, tình cờ, ghê rợn, im lặng, tục tỉu. Thành phố “đẹp” lên từ ngày Thiệu bước vào đời “làm chúa”, hôm nay như thế đó.

Thái và tôi ngồi trên be một chiếc ghe còn đậu trên cát khô. Trong ghe đống lưới cá quăng vãi ngổn ngang, tay dầm bỏ trống hờ. Biển dựt ra xa, bãi cát nổi bùn lang láng trờn trợt. Chiều xuống trong thành phố. Ở đó đêm chắc sẽ tàn bạo hơn. Ở đây bờ biển, những gương mặt dân chài vắng bớt, thêm vào là đông đảo những bộ mặt lạ, dáo dác, lầm lì, lo sợ.

Từ đằng xa, tiến ngang về phía chúng tôi là hai cái dáng áo quần loang lổ, đến gần là hai thằng vác súng trên vai. Hai chúng nó thả bước đều đặn, không nhìn qua chẳng nhìn lại, hai thằng đều ăn vận thật kỳ khôi, đồng phục mà không giống ai. Áo chúng nó đốm nâu, quần vằn sóng biển, đầu đội nón đỏ, chân đi dép nhựa trong. Dân thì biết chúng nó là lính, nhưng chẳng biết chúng nó thuộc loại lính gì.

Có mấy thằng đốm đỏ đằng kia đi lại, ngang hai chúng nó lạ lùng nhìn, chưa kịp hỏi, chúng đã đưa tay lên vẫy vẫy rồi đi luôn. Chúng đi tít gần đến cuối bãi, thì có một đám vằn sóng biển chạy xô đến, cả hai bọn tụm lại với nhau. Chốc sau, hai thằng chúng nó rẽ ra tiếp tục đi, bọn vằn sóng biển đứng nhìn theo.

Thái theo dõi bước chân của hai thằng lạ lùng kia, rồi anh buông một câu:

Hai thằng đó chạy mặt rồi!

Đánh giết riết rồi cũng phải dừ thôi. Tôi kết luận. Ăn mặc như thế là muốn tỏ ra ta đây “trung lập”! Nếu mình có cái kiếng soi ra được cái căn cốt của nó thì biết nguyên nó là loại gì!

Chúng nó giương bên đông, kích bên tây. Thái nói cho hết lẽ: – Vơ vét đầy túi rồi nghỉ mệt. Chắc hai thằng này cướp của đã đầy lắm rồi, bây giờ tìm chỗ rút êm.

Thôi mình cũng lo rút đi chớ anh Thái. Tôi đề nghị: – Giải quyết tình huống này đi thôi. Cái dịch hỗn loạn trong thành phố coi chừng cũng lan ra tới bãi biển này.

Lan ra thì không có đâu. Thái phủ quyết ý tôi: – Dưới này nghèo rớt mồng tơi mà có gì đâu để cướp. Tôi không đồng ý với Thái:

Anh quên? Đâu phải chúng chỉ cướp có tiền bạc! Kèm theo cướp của chúng còn cướp cả sinh mạng, trinh tiết của con người.

Giống như thằng biệt kích Nùng vừa cướp của vừa hiếp dâm xong bị hai thằng đốm đỏ chơi té, rồi hai thằng đốm đỏ lại hiếp dâm cướp của, sau thì bị tụi vằn sóng biển cướp lại trong tay, rồi một anh công binh mót được cái tượng Phật vàng!

Thái móc cái tượng Phật vàng trong túi ra, ngắm nhìn xem, cái tượng nặng độ bốn chỉ, sáng rực. Anh bâng khuâng:

Cô ấy thờ Phật kỹ thế này mà lại nhắm mắt, thân thể tật nguyền, có lẽ đức Phật muốn về trong nhà một dân chài nghèo nào đó và mình thì xin nhờ ngài quá giang một đoạn thoát khỏi hang hùm.

Thái bước nặng trên cát trở lên xóm – Tôi đứng ngó bâng quơ rồi cũng đi theo.

Hai anh đi lặng lẽ trong xóm dân chài, nhìn ngó. Thái muốn tìm một ai đó để lo ghe quá giang.

– Ê Hòa!

Nghe tiếng gọi, tôi ngoái đầu nhìn dáo dác vào sân một nhà, trong sân vài ba người đàn ông đứng ngồi và đông đàn bà con nít. Tôi chẳng biết ai gọi tên mình.

Ê! Đây nè! Tôi kịp nhận ra một người đàn ông quen quen, anh ta cười cười.

Quên rồi hả? Vô đây, vô đây! Người đàn ông cười vui thích.

Tôi rủ Thái cùng bước vào sân, người đàn ông đón ở cửa cổng, anh ta vỗ vai tôi:

– Cha, già dữ! Cũng ở đây sao?

Thôi cha nội im im cái cho người ta nhờ. Một bà còn trẻ chồm lên nói vào tai người đàn ông, làm anh ta xuống giọng nhẹ như hơi thở:

– Ê, chạy cách nào tới đây vậy?

Tôi hiểu ra đây cũng là dân di tản, nhưng chẳng nhớ là đã quen anh này ở đâu. Người đàn ông lại toét cái miệng cười, chồm vào tai tôi:

Ê, vui quá cỡ! Tại sao vụ này không xảy ra sớm sớm, đỡ quá! Tôi ngạc nhiên trước câu nói của người đàn ông này.

Thái nhìn tôi, ý muốn hỏi sao tôi lại quen thằng khùng này đây.

Chạy chết bỏ ở Đà Nẵng vào. Hỏi gì kỳ vậy bố! Tôi nói. Người đàn ông lắc đầu:

Ừ phải hỏi vậy chứ! Biết đâu mấy ông ở trỏng ra rồi kẹt ở đây! Tại đây cũng có bốn người từ Sài Gòn ra được hai tuần rồi kẹt luôn! Hắn đổi giọng dễ dãi – Nói vậy chứ kẹt gì, khuya nay làm cái rẹt, lại về Sài Gòn.

Tôi nói sang chuyện khác vì lấy làm lạ về phong cách người đàn ông:

Nhà anh đây hả?

Đâu có. Người đàn ông trả lời thản nhiên: – Nhà của dân chài. Tui nhà cửa đâu đây. Hỏi gì ngộ vậy? Vợ chồng tui cũng chạy chết bà từ Bình Định vô đây. Nhớ ra điều gay cấn, anh ta nhắc lại: – Hú hồn cái lúc ở Xuân La; tụi nó đuổi theo sát nút, lúc đó xe tui chạy đầu, chạm cái cầu gãy kẹt cứng. Lúc lộn xộn, tui tưởng đi đứt rồi chứ; thế mà trời thương thoát được…Người đàn ông nói tiếp:

Ủa mà tui vô duyên quá, chắc lúc đó quí vị cũng có mặt tại đó?

Thái gật đầu.

Vậy mà tui tính kể chứ! Người đàn ông quay lại hỏi: – Quí vị ở đoạn nào? Tui ở xa bọn quân cảnh quá nên không rõ lắm, chỉ nghe thằng hạ sĩ nhất kể lại thôi. Người đàn ông đưa tay chỉ ra cửa sổ như chỉ người hạ sĩ nào đó.

Thái ngồi ngay lên, uống một ngụm trà:

Lúc đó, tôi ở bên này cầu, đối diện với xe anh qua suối. Tôi nói chen luôn:

Lúc đó, tôi là anh tài xế chỉ đường cho các bạn đó. Người đàn ông rú lên cười.

Nãy giờ tôi quan sát anh chàng này, cố nhớ lại dáng dấp anh ta, và nhẩm từ cái số 201, tôi sực nhớ ra là quen anh chàng lúc ở trường công binh. Anh này là cậu ấm con của một địa chủ nào đó ở Cà Mau, hai mươi sáu tuổi mới đậu nổi tú tài, học trường võ bị Thủ Đức rồi qua công binh. Tôi đã nhớ tên anh ta.

Này Ngàn! Rồi lúc đó tất cả đều theo con đường ấy mà đi chứ?

Chớ còn con đường nào khác nữa. Ngàn kể lể: – Lúc đó tụi tui nói các anh là bụt hiện lên chỉ đường đó chớ, ai ngờ cái ông Hòa công binh! – Chèn ơi khổ chết tươi luôn, con đường con suối như thế, gần cả ngàn chiếc xe cày lên nát ra, xe hư xe kẹt lung tung khổ chết dịch. Cái xe tui là xe chạy chót; bốn cây số đầy xe trở đầu thì chót lại thành đầu, chót, đầu, hên xui may rủi ai mà biết. Ban đầu tưởng mình chạy đầu hên, ai dè lại xui. Mà xui rồi lại hên, nhờ chạy chót, lại thêm tình trạng con đường xấu quá, thành ra 4 giờ chiều mới tới Phan Rang, thế là cuộc tàn sát đã qua. Bọn tui mới tới đây cách có hai tiếng chớ mấy, ghe tàu người ta còm – măng[26] hết, thế là thành xui.

Tôi ngạc nhiên, tình thế như vậy sao tay này lại cười vui?

– Nè Ngàn, xui mà sao vui vẻ quá vậy? Tôi hỏi.

Ngàn chồm lên ngó những người đối diện hết người này đến người kia:

Cái này gọi là hớt tay trên. Cái ông chủ nhà này. Ngàn chỉ ngón tay lên mặt bàn: – Làm môi giới đi trả chiếc ghe nào đó giá 30 lượng thành 40 lượng cho bọn này đấy.

Trả làm chi 40 lượng – 35 lượng cũng được rồi. Thái tự dưng hậm hực, ra vẻ bàn thêm.

Trả 40 cho chắc ăn, thêm năm lượng nữa mà bảo đảm. Ngàn tỏ ra nhà nghề: – Đã vậy còn tặng cho ông chủ nhà thêm năm lượng nữa cho ông sốt sắng.

Tôi nóng lòng muốn biết kết quả.

Thế đã xong chưa?

Xong rồi? Ngàn khoan khoái nói: – Vàng nhiều quá mà, lẹ thôi. Ông chủ nhà này nói chủ ghe hẹn mình 3 giờ sáng, nước vừa lên là rút đi ngay. Thằng cha chủ ghe chơi bọn kia, hẹn 5 giờ. Ngàn hạ giọng: – Thằng chủ ghe ghê thiệt. Bọn kia tá túc trong căn nhà cách chỗ ghe chừng 50 mét, từ 2 giờ khuya, ông ấy phải lén khiêng thuyền tới gần đây chừng 100 thước, rồi mình xuống. Lần này giả lén dẫn cả nhà về Sài Gòn luôn, sợ tụi kia trả thù!

Ngàn ngồi dựa ra, dứt chuyện:

Với lại 40 lượng vàng, vào Sài Gòn dư sức mua nhà làm ăn. Mà giả đem gia đình theo bảo đảm cho mình hơn! Ra biển tui ớn lắm, nội mình giả gặp nguy, giả dám bỏ thuyền như chơi!

Thái vẫn còn thắc mắc:

Tới điểm hẹn xa không? Làm sao khiêng nổi?

Xa – Gần một cây số rưỡi, nhưng thuyền để trên giàn bánh xe, đẩy dễ thôi. Trả lời xong, Ngàn hỏi lại:

Còn quí vị đi ở đâu?

Thái và tôi không trả lời. Chúng tôi đang nhớ về những gương mặt thân thương đang nằm chết trong căn nhà hoang vắng.

– Có phải bọn kia là quí vị không? Ghe có giàn bánh xe đó?

Không. Tôi đáp để Ngàn khỏi nhầm: – Tụi tôi đâu có bọn nào?

Ủa! – Ngàn ngạc nhiên: – Tôi nhớ xe anh đầy nhóc mà?

Thái nói như muốn khóc, tính anh cũng dễ thoạt vui thoạt buồn:

Tan tác hết rồi anh ơi, còn có Hòa với tôi thôi! Ngàn nhổm lên:

Có tấp theo chỗ nào chưa?

Thái lắc đầu. Ngàn chộp cánh tay Thái và cánh tay tôi lắc lắc:

Các anh theo tui nghe Hòa, thôi đừng buồn nữa! Tôi uể oải:

Tôi chẳng dám làm phiền anh đâu.

Phiền gì Hòa! Ngàn vồn vã nói như năn nỉ: – Thuyền bao gọn rồi, tụi tui chỉ có khoảng 40 người thôi, mà thuyền thì chứa đến 80 người lận kia!

Tôi liếc nhìn Thái, thấy nước mắt anh ứa ra. Con người Thái không còn lầm lì như xưa, khi anh đã thấy ra điều tốt, xấu, anh trở nên đa cảm. Tình người đang lớn trong lòng anh, anh đang nhớ đến cô em gái và ông cụ vừa chết sau người thân của họ chỉ một hai ngày. Những người này không được chỗ lên ghe khi ghe còn dư chỗ, tiếc thay!

Đám người của Ngàn gồm vợ anh, các hạ sĩ quan binh lính cùng trung đội với anh và gia đình của họ. Phần lớn là người Nam. Các anh này đi lính và mang cả vợ con theo. Họ đã từ Bình Định dong xe và suốt đoạn đường họ đều gặp may mắn. Chiếc xe đã an lành đến đây, và hiện đang để ở sân nhà một người quen cách đó không xa. Họ cũng có đem theo trên xe các loại đồ đạc tế nhuyễn đắt tiền, nhưng không bị một cảnh cướp bóc nào. Lần nào họ cũng đến khi cảnh hỗn loạn đã qua. Phía họ cũng chuẩn bị một số hỏa lực mạnh, đơn vị của Ngàn là một trung đội công binh chiến đấu, nên người của họ gan dạ và có kinh nghiệm chiến trường.

Đêm đó, Thái và tôi ngồi tựa nơi cửa sổ đón gió biển và nhìn cảnh sinh hoạt của bọn Ngàn trong nhà ông chủ. Ông chủ này cũng là tay có tiếng chuyên thâu cá nơi bọn ghe chài, bán ra chợ, do thế mà nhà cửa rộng rãi. Hiện tại có thêm 40 con người mà nhà trong nhà ngoài thấy còn dư chỗ. Sinh hoạt của đám Ngàn xem ra như một đại gia đình anh em dâu rể thân cận…Vợ Ngàn hoạt bát tự nhiên, bà ta còn trẻ như còn con gái, thế mà là một tay làm ăn đáo để. Gạo từ miền Tây chở lên Sài Gòn, hàng công nghiệp chở xuống Cà Mau, xe bà lên xuống như con thoi. Có dịp ra Trung thăm chồng, thì kẽm gai, xi măng, bà ta không quên kèm về. Những lần thăm chồng cũng là những lần bà hái bạc. Biết ra thì Thái và tôi không còn ngạc nhiên với 40 lạng vàng họ bỏ ra nữa.

Hai giờ sáng, ông chủ nhà đã lò dò ra đi về phía nhà chủ ghe. Đến 3 giờ, người con trai hai mươi tuổi, theo lời dặn của cha, cùng đi tới đó để phụ trợ ông.

Tại nhà, bà vợ của Ngàn đã chuẩn bị sẵn sàng. Mọi người chuẩn bị đầy đủ hành trang, thay đổi đò đạc đi ghe và chờ đợi.

Gần 3 giờ, mọi người náo nức hồi hộp.

3 giờ, thời gian như ngừng hoạt đọng.

Rồi 3 giờ 30, mọi người bồn chồn nôn nóng.

Đến 4 giờ thì mọi người lo âu đến cực độ.

Hạ sĩ Giàu, người của Ngàn, lại cùng người con gái kế của ông chủ nhà ra đi; nhưng lúc này ở nhà không ai còn hy vọng nữa, cận giờ hẹn của “đám kia” rồi.

Qua bốn giờ, tim mọi người teo dần, gương mặt mọi người như bản lá khô.

Rồi 4 giờ 30, 5 giờ, trong nhà có tiếng khóc của vợ và mấy đứa con nhỏ của ông chủ nhà. Đám Ngàn thở dài buồn bực, tất cả ngồi như pho tượng gỗ. Ngoài kia trăng lên trễ còn như cái lưỡi liềm. Cát trắng nhờ nhờ và ánh sáng của buổi bình minh đang rõ dần ra.

Mặt trời mọc, người ta xôn xao về cái tin ông chủ ghe bị cướp ghe, cả nhà bị giết gần hết, đám di tản nào đó cũng bị chết lây mấy người: nghe nói có cả ông lái thầu cá và hai đứa con bị đâm ngã gần cổng nhà ông chủ ghe. Cô gái nằm chết bên một người lạ mặt. Nhe những người còn sống sót của ông chủ nhà thì sát nhân là bọn vằn vện đầy súng ống, nhưng chúng sử dụng toàn lưỡi lê.

Tạ nhà, Ngàn gởi bà vợ chủ nhà năm lượng như đã hứa, dù chuyện bất thành, rồi cả bọn âm thầm từ giã ra đi. Trong đám Ngàn, có mấy người vừa đi vừa thổn thức, đó là vợ con của hạ sĩ Giàu.

Chúng tôi nhớ tới những lời hên xui, may rủi của Ngàn, nhớ tới câu chuyện di tản của Ngàn chưa lần nào gặp gian nguy. Thái nghĩ đến cái chết của cô em gái và những cái chết sáng nay tại xóm dân chài, sáng ngày 3 – 4 – 1975.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.