30 Tháng 4 – Chuyện Những Người Tháo Chạy

Phải Nhận Cho Được Mặt Kẻ Thù



Năm giờ sáng Thái đã thức dậy. Anh vươn vai lên cho thật tỉnh sau một cơn mệt mỏi và ngủ thiếp đi được mấy tiếng. Nhờ gió biển thổi vào lúc tang tảng sáng giúp anh thêm sảng khoái. Như chợt nhớ sực ra không gian và sự việc, anh chồm lên chõng tre, thấy tôi còn đắp mền đang nằm ngủ, không còn vẻ mê man như khi mới xảy ra tai nạn. Thái lại bình tĩnh, thả người xuống sàn. Nhìn mái phi – bơ – rô, anh miên man nghĩ ngợi, ruột rối tơ vò. Trong lòng anh có một cái gút mấy ngày nay anh chưa dám nhìn thẳng vào nó. Đó là việc vợ con anh vào Nam. Giờ này thật thanh vắng, yên lặng, dù quanh anh gần cả trăm người nằm đó, anh cảm thấy như mình không có liên hệ chút nào với họ. Anh dành mọi suy nghĩ về gia đình. Anh nhớ bữa trưa hôm đó, từ Liên đoàn ra Đà Nẵng thấy thành phố đã có mầm mống nổi loạn. Anh trở về nhà, thì cả nhà đang lo đứng lo ngồi.

Vừa thấy anh bước vào nhà, vợ anh đang ngồi ngóng trông, bỗng đứng dậy khóc òa. Nàng ta thì cứ thế, luôn khóc, nhưng lần này khóc đến tội nghiệp, nét mặt đầy lo sợ hoang mang. Anh vừa ngồi vào ghế xa lông là nàng đã sà vào. Mọi lần thì nàng không dám thế, vì nàng và bốn con đang ở chung với cha mẹ chồng, một gia đình phong kiến nặng nề. Hôm nay rõ ràng là nàng không còn kiêng dè, giữ ý tứ gì nữa:

Mình! Vô Nam ngay đi mình!

Thái thương vợ, anh lấy nàng làm vợ từ khi vào Bình Dương học lớp công binh rồi ra trường là mang nàng ra đây. Suốt trong mười một năm, sinh được bốn con, nhưng anh chỉ đưa mấy mẹ con về quê ngoại được vỏn vẹn có hai lần. Có một lần cũng lâu rồi, nàng thống khổ quá trong ách phong kiến của gia đình chồng, nên ẵm hai đứa con về bên mẹ ruột ở nửa năm. Nhưng cô gái miền Nam chân phương đó không thể cắn răng xa chồng lâu hơn nữa, nên lại ẵm con trở ra Đà Nẵng.

Mấy lần chuộng người vợ hiền hậu đến yếu đuối đó, Thái đã làm đơn xin đổi công tác vào Nam nhưng không được, và người vợ luôn phải ẩn nhẫn trong nhà về đủ mặt đi đứng ăn ngồi cười nói. Khi Đà Nẵng rả rời trong những ngày sụp đổ, người đàn bà này quyết định dứt khoát trở về quê hương.

Trong nước mắt tuôn trào ràn rụa, nàng nói với anh nhỏ nhẹ nhưng quyết liệt:

– Vĩnh viễn vô Nam, vĩnh viễn xa rời nơi đây mình à!

Thái cũng đã nghĩ như thế. Mà còn gì nữa đâu, không biết còn mấy ngày nữa thì nơi đây chắc chi đã giữ được.

– Được thôi, anh sẽ về ở luôn bên em trong đó.

Anh còn nhớ rõ gương mặt người mẹ bồng con vẫn còn rất ngây thơ hân hoan mừng rỡ.

Thái tự căm giận cho mình quá ngu xuẩn, đã quá mù mờ, đã vô trách nhiệm khi gởi toàn bộ gia đình cho người cậu mang đi giùm, còn anh thì vì công vụ phải trở vào trại. Hai vợ chồng từ biệt lần ấy không dám hôn nhau trong nhà, và các con thì anh chưa chia tay.

Từ lúc bước lên cảng Cam Ranh, anh mơ hồ về thời gian giữa lúc buổi chiều vợ con anh ra phi trường và sáng hôm sau, bọn anh đến phi trường đang bị bao vây khống chế. Tụi đầu sỏ ác ôn của quân đội đã lừa gạt anh xa gia đình như thế.

Bây giờ cằng lúc càng đi vô sâu về phía Nam, cảm giác lo sợ cuống cuồng trong lòng Thái càng lên cao. Mấy lần anh muốn trở lại Đà Nẵng nhưng cứ ngại vợ con đã xuôi Nam được rồi. Nhưng nếu anh đến Sài Gòn mà vợ con còn kẹt ở Đà Nẵng thì…là sao hả? Thái thở ra, nói lẩm bẩm: “Bữa sáng rời Đà Nẵng thì xe có chạy qua nhà, cửa đóng then cài rõ ràng, nhưng đã chắc gì mẹ con em đã đi thoát?”.

Tiếng rên khe khẽ của tôi, làm Thái bị cắt dòng suy tưởng. Anh chồm lên, thấy tôi xoay nghiêng được, anh mừng quá gọi rối rít:

Hòa, cụ, cụ ơi! Cụ tỉnh lại luôn đi, chắc cụ mệt mà ngủ đó thôi. Thái chụp vai tôi lay lay.

Sáng rồi, ngày mới bắt đầu. Tai qua nạn khỏi rồi cụ à.

Tôi không mở nổi mắt ra, con mắt đau thốn như bị đấm mạnh và cay xè như xát bằng muối ớt, thêm nóng cả vùng mắt như bị đắp nước sôi. Tôi đã tỉnh lâu rồi, nhưng mệt quá lại ngủ thiếp. Khi nghe Thái gọi, sợ bạn lo ngại, tôi cố gắng mở mắt nhưng vẫn không mở được. Dường như ánh sáng làm cho mắt buốt hơn nên vừa hé ra, tôi phải nhắm nghiền mắt lại.

Sao, nghe có bị gì không? Thái đon đả. Tôi cựa mình nằm ngửa ra lắc đầu:

Không sao! Chỉ hơi mỏi mệt và đau ở mắt.

Sao, có mù chưa? Tôi nghe tiếng Thái cười, nên cũng cười theo:

Chưa, nhưng cũng gần mù.

Không sao đâu, mặt chưa bị bỏng, vì nóng và lửa B40 sáng quá chói một mắt thế thôi, lần lần rồi khỏi. Tôi nghe Thái ngồi lên kề bên. Nghe nhắc lại B40, tôi hỏi bạn vì nhớ lại hình ảnh mấy thằng chạy ra sau bia với bộ đồ trận bó chẽn:

Tụi nào làm vậy?

Tụi vằn sóng biển – Không biết ở đâu lại xuất hiện bọn này?

Tôi bực mình nói toáng, quên cả con mắt đau:

Cũng cái trò vu khống trắng trợn, may mà mình thấy chúng nếu không từ đâu đó, chúng bắn B40 rồi lẩn mất thì người ta lại bảo là giải phóng bắn thôi.

Thái nói giọng căm ghét.

– Thấy gì, giết ngay tại trận 19 thằng vằn bông sóng biển. Bắt được một thằng cũng vằn, tính dẫn theo để dọc đường cho thiên hạ biết cái trò bần tiện của chúng; nhưng có tay nào đó có người thân chết vì chúng, nên đem ra chưa tới xe là mần thịt rồi. Bên ta bị hai xe, nhiều người chết oan ức.

Tôi nghe nói tới người chết, nên nhớ đến chiếc xe của Ngàn. Trên xe ấy chắc có tổn thương lớn, nhưng thương tâm quá tôi chẳng dám hỏi chỉ nằm im nghe Thái kể.

Sau đó, xe đi được một đoạn năm cây số thì thấy có sáu xe cũng bị bắn như ta. Tôi chắc tụi nó phục kích đám này trước rôi đi ngược lại phục ta đó, do chúng gấp gáp di chuyển mà lộ hình bị bạn phát giác. Cũng may, không thì đoàn của mình còn phải hao to nữa.

Đây là đâu vậy anh Thái? Tôi hỏi vì biết mình đang nằm trên chiếc giường tre kê sát vách.

Bình Tuy, sát gần bãi, cách bãi chừng hai cây số.

Đây là đâu vậy anh Thái? Tôi muốn hỏi nơi đang nằm.

Trại kho lương thực, một phòng kho. Xung quanh ta còn nhiều người đang nằm, những người còn khỏe mạnh.

Còn những người thương vong? Tôi lo lắng hỏi.

Tất cả đều được thân nhân mang đến đây. Bị thương nặng được đưa vào nhà thương, người chết được chôn cất.

Tôi cảm thấy yên lòng, trở mình nghiêng: nước mắt tự nhiên chảy ra.

Thôi đừng bi lụy! Thái gắt với tôi: – Như đàn bà ấy, mười ngày nay cả chục ngàn người chết rồi, cái chết bây giờ bình thường quá, cụ không chết cụ còn nằm đó, tôi chưa chết tôi còn ngồi đây, không sống thì chết, có gì là lạ đâu.

Thái nói cứng như thế với tôi để tôi thêm sức chịu đựng, chứ anh cũng nghe nghẹn nơi cổ và cay mắt. Nước mắt anh cũng chực trào. Người ta, nếu khóc được ngay từ đầu đau khổ thì sau đó đau khổ kéo dài làm người ta không khóc được, nhưng cứ phải chịu đựng mãi đau khổ thì lúc nào đó người ta cũng phải khóc thôi.

Chừng như không chịu nỗi uẩn ức chất chứa trong lòng. Tôi thét hỏi:

– Ngàn đâu rồi?

Thái sững sờ, đành nói:

– Chết rồi, vợ anh đưa anh ra nghĩa địa từ giữa khuya.

Không gian im lặng. Nhưng tiếng thét của tôi làm mọi người choàng dậy. Thái bùi ngùi nhắc lại cái chết của Ngàn:

– Ngàn chết vì lo cho những người anh mang theo. Anh đã hoàn thành trách nhiệm đối với họ. Nếu anh thủ thân ngồi yên trong ca – bin, có thể anh không việc gì nhưng vì chồm ra ngoài, khi xe bị đạn giật đập ngang người anh vào khung xe. Lúc đầu bị thương nặng, trên đường về Bình Tuy, anh còn dặn dò vợ mọi thứ, gởi lời thăm hỏi các con rồi anh mới chết. Nói đến đây Thái xúc động vì lúc chia tay vợ, chính anh cũng không gặp con. Tôi cũng thấy Ngàn là một người tốt, nhưng trước sau tôi vẫn không thấy một dấu hiệu nào ở Ngàn tỏ ra có sự chuyển biến trong nhận thức. Đối với tôi, trong tình hình mười ngày này mà người nào chưa phân biệt rõ bạn thù là một con người chưa được bảo đảm lắm về bản chất. Rồi con người thận tình cảm của tôi bỗng thấy như tiếc rẻ một cái gì, tôi chép miệng, nói lẩn thẩn:

Thôi, Ngàn nằm xuống là yên hẳn, anh cũng chẳng còn tốt hay xấu nữa. Người ta hy vọng ở người sống hơn, nếu còn sửa đổi được gì thì người sống vẫn có ích trong sự đóng góp chung để xây dựng. Còn lại ai là người yếu đuối bệnh hoạn nhất?

Thái ngẩn người nhìn tôi rồi lại quan sát khắp xung quanh, miệng lẩm nhẩm vừa đủ cho tôi nghe:

Già, già, em bé, người bịnh….à…à…gài quá, già yếu…không có…em bé..em…bé, đứa nào cũng chạy chơi, à à mà này ai nằm co ro kia, ai khóc tỉ tê kế bên kia. Rồi! Hiểu rồi!

Thái nói lớn lên với tôi:

Đưa đây! Và anh nhận cái mền len trong tay tôi ôm đi. Một chốc sau, anh trở lại, vỗ chân tôi:

Cừ đấy! Cô ta cần hơn anh nhiều, sốt cấp tính nguy lắm, chồng vừa chết cháy, vợ đem chôn chồng nhiễm sương. Đói, khổ, gian nguy, tang tóc, cô ta sốt, đòi chết, người chị khóc năn nỉ, nhưng mà năn nỉ sống làm gì khi không có một viên thuốc. Thuốc thì có, mà mua bằng vàng…thế là…

Thế là thế nào, tôi lại cười mắt còn nhắm hít: – Thế là tượng Phật vàng đã về đúng chỗ.

Thái cười, anh giữ mãi cái tượng Phật vàng đến ngày hôm nay mới có dịp sử dụng:

Đúng là đức Phật độ trì chúng sinh.

Cố ta đâu? Tôi chợt hỏi.

Nằm ở góc nền nhà đằng kia. Cụ còn đi được, còn cô ta thì nằm quẹp.

Phiền anh khiêng dùm.

Chà đà, đòi phải khiêng, thương bệnh binh cấp bốn hả cụ?

Không phải khiêng thương binh mà lái chõng tre.

Thái ngẩn người rồi cười lên ha hả. Mọi người đang rầu rĩ, thấy anh chàng này cười quay lại nhìn oán ghét và xoi mói. Họ thấy một người mù đang chậm chạp sờ soạng leo xuống chõng tre đứng dựa vào tường, còn cái anh dễ ghét đó lại gồng sức vác cái chõng tre đi về góc phòng để xuống, ẵm người thiếu phụ nhẹ nhàng để lên, kéo mền. Đến lúc đó nụ cười được điểm lên mấy cái môi ẩn nhẫn đủ vẻ của họ.

Thái đưa tôi ra ngồi dựa hành lang đón gió biển. Nơi đây là trạm kho lương thực của Bình Tuy, gạo từ miền Tây hoặc từ Sài Gòn chuyển ra được bọn hạm gạo chứa ở đây, để con buôn đến mua và chở đi khắp nơi trong tỉnh và một số tỉnh khác. Mấy hôm rày có động, hạm không dám chuyển gạo đến và con buôn vét sạch tẩu tán mất. Do đó chỗ này chẳng còn ai cần canh chừng gác xách, đoàn quân di tản chiếm lấy để dân di tản trú ngụ. Chính quyền ở đây cũng có tới dò xét nhưng thấy họ trật tự và không phá phách nên chúng cũng chẳng bịa được lý do gì để đến. Khu nhà rất lớn xây cất bằng vật liệu nhẹ hình chữ T gồm có đến ba ngàn mét vuông diện tích sử dụng, chia ra nhiều phòng tạm trú cho con buôn và kho hàng. Hiện nay thì có đến gần bốn ngàn dân di tản ở đây. Một số phòng dành cho lính sư đoàn di tản và một vài phòng cho sĩ quan chỉ huy đoàn này. Một con đường trải nhựa từ đường mé biển xa một cây số dẫn vào cổng trại của kho, còn tứ bề là cát với cây dương, bạch đàn. Xa xa về phía trái chừng hai cây số là khu chợ và nhà ở, phía phải là đường lên đỉnh lác đác xóm dân chài. Mé bên kia đường ven biển, dõi mắt qua được hàng lá dương và dừa, người ta thấy thấp thoáng có biển là vịnh để thuyền, có cầu đá bao quanh bảo vệ và kiểm soát. Còn lại là núi.

Tôi hỏi lại về kế hoạch di chuyển tiếp tục.

Chờ sao? Tôi nôn nóng vì câu trả lời của Thái.

Phải chờ! Thái nhấn mạnh vì anh đã biết kế hoạch của họ – Họ sẽ cho một số xe đoàn quân di tản đi trước xem xét tình hình đường ngã ba Hàm Tân rồi về Xuân Lộc, đến Sài Gòn. Họ chia ra di chuyển từng chặng. Chặng Hàm Tân yên ổn thì đoàn di tản sẽ được đưa đến trong khi họ dò xét tiếp chặng Xuân Lộc, nếu được, đưa đi luôn. Có hai khả năng phải tránh: một là bị đánh úp, hai là bọn Sài Gòn chận lại phá vỡ dân và gom lính. Tính làm sao cho dân và lính đều về tới nhà, khỏi vào trại tập trung.

Nghe Thái nói thế, tôi nguội lại và cũng lấy làm lo cho cái khả năng thứ hai. Chạy chết lên chết xuống rồi vào bẫy lính thì còn gì nữa. Nếu hai khả năng này xảy ra thì sao, tôi lại hỏi Thái:

Kế hoạch đối phó, anh Thái?

Do thám tình hình để tránh bị đánh úp. Còn bị chặn gom thì kế hoạch tấn công xuất kỳ bất ý làm tan rã nút chặn và đoàn người di tản loãng ra tản mát mọi nẻo làm chúng khó truy lùng.

Được quá! Tôi hoan hỉ: – Thế thì chừng nào bắt đầu!

Có lẽ đã bắt đầu rồi. Họ âm thầm làm việc này, trong khi họ tung ra nguồn tin cho chính quyền ở đây là đoàn di tản sẽ ngóng đợi Sài Gòn tìm biện pháp giải quyết ổn thỏa. Một mặt giải quyết người chết, người bị thương. Chết thì chôn trước từ khuya, bị thương thì băng bó, tiếp máu, giải phẫu rồi thân nhân đưa vào Sài Gòn.

Nhưng tiền đâu làm việc này? Tôi hỏi đến yếu tố huyết mạch.

Tiền thì thân nhân bỏ ra, kêu gọi lòng “môi hở răng lạnh”. Bệnh viện thì trưng thu thuốc men, bác sĩ quân y thì chúng ta có nhiều và họ đã xăn tay áo, nên cũng chẳng tốn hao bao nhiêu.

Hay quá! Tôi kêu lên sung sướng: – Thế là an toàn.

Chưa đâu! Thái làm tôi sững sốt: – Chưa lấy gì làm chắc cả. Bọn Sài Gòn ghê gớm lắm, tên đầu sỏ, tên trùm của mấy thằng ngoài này, nó mà chơi thì phải biết. Cụ không thấy sao, nếu ở rừng lá không gặp may có phòng không của quân giải phóng thì Sài Gòn đã đốt cháy rừng thiêu sống, ai mà chạy ra được thì lọt vào tay tụi vằn tóm hết. Ghê lắm đó nghe cụ, giết không còn con đỏ đó nghe. Thay chân Mỹ, chúng tàn sát không thua gì Mỹ đâu.

Thấy mặt tôi buồn, Thái không nói nữa.

Không có di tản gì cả! Đồ bịp bợm đê hèn! Bọn thâm hiểm dã man! Đồ bốc lột ăn thịt người! Tôi chửi toáng lên, mắt vẫn nhắm nghiền, mi mắt run giật…

Hòa! Thái chợt kêu lớn làm tôi khựng lại, thở hổn hển. Thái biết tính tôi. Ở Liên đoàn, tôi thường bị cầm tù, bị đi đày, cúp lương cúp phép, do tôi hay nói thẳng những sai trái của thằng xếp và mấy thằng trên xếp. Cũng vì lúc đó tôi chưa thấy rõ căn nguyên những điều sai trái đó. Bây giờ hai mắt không mở ra nổi, tôi lại có cảm giác rằng mình thấy được mọi sự rõ hơn nên nói càng mạnh.

Chợt có tiếng đánh “Bốp” khô khan. Trong đám bu quanh, có thằng té soài ra trên hành lang, khẩu súng ngắn văng ra. Mọi người lao xao chưa kịp hiểu gì, thì một người trung úy, tay cầm súng ngắn, cúi xuống lượm khẩu súng dưới đất lên, quắc mắt nhìn về một phía hét lên:

Tước súng tụi nó! Đám người lao xao và có mấy anh lính đẩy bốn thằng vừa bị khám lấy súng. Anh trung úy quay nói với Thái:

Bạn anh đang bị thương, anh hãy đưa vào nghỉ đi, chúng tôi đã có cấp giường cho anh ấy. Không nên đứng, mắt sẽ nhức và lâu hồi phục được, nên nằm thì tốt hơn.

Rồi anh ta nói với mọi người:

Bà con thấy đó, mọi người đều thấy và đều biết; nhưng cần nhất ở đây là nên yên lặng. Chúng nó chờ có cơ hội là sẽ gây ra xô xát hòng tạo cớ cho chính quyền địa phương nhúng tay vào, để chúng giải quyết theo cách của chúng.

Mọi người lác đác bỏ đi. Khi nãy có người hỏi thăm con mắt của tôi, bị tôi hét lên nên lặng thinh.

Người đó là chị của thiếu phụ sốt cấp tính, bây giờ biết ra sự việc, chị xót xa nói với tôi:

Ồ, hóa ra anh bị thương mắt. Thôi để trả giường lại cho anh, ai ngờ bạn anh nhẫn tâm như thế, đuổi anh ra để lấy giường cho người khác. Vậy mà anh không giận sao được?

Tôi không nhị được cười, lắc đầu, bụng nghĩ: “Bài diễn văn của mình hay quá mà người đàn bà này chẳng hiểu được chút nào! Mà chị ta cũng chẳng quan tâm gì cả”

Hai anh em dắt nhau đi loanh quanh trong trại lương thực một lúc rồi ra sân cát đến ngồi dựa bên gốc cây dương. Mới vừa đặt đít, đã lại nghe giọng chị đàn bà khi nãy nói với Thái:

– Thuốc nhỏ mắt đây, anh nhỏ cho bạn anh đi cho mau lành, còn cái này anh cầm lấy.

Cái gì vậy? Tiền đâu vậy nè? Nghe giọng Thái ngạc nhiên.

Mua thuốc cho em tui còn dư đó, trả lại anh.

Thôi cất lấy! lộn xộn! Thái làm bộ nạt để khỏi kèn cựa với chị đàn bà, rồi anh hỏi thêm.

Phải thuốc nhỏ mắt không đây, nhỏ vô lành hay đui luôn.

Không lành thì cũng bớt đau chứ sao lại đui được.

Thái làm bộ không dám nhận chai thuốc:

– Thôi, chị nhỏ đi, có gì chị chịu trách nhiệm.

Không nghe nói lời nào nữa, chỉ thấy có hơi thở và mấy ngón tay chạm vào mắt tôi. Tôi hiểu và ráng hé mắt ra nhưng rát quá lại nhắm nghiền lại. Tôi bối rối:

Tôi vừa hé ra, chị nhỏ liền nghe không! Rát quá. Nói xong tôi lại ráng hé mắt ra lần nữa, một giọt nước lớn rơi đúng vào kẻ mi, tôi bật ngửa ngay trên cát, nhức thấu lên óc. Tôi biết đây là loại “Ni – trát bạc” một loại thuốc nhỏ mắt rất hay.

Chị lên bệnh viện mua thuốc, qua chợ mua đồ ăn thấy người ta sinh hoạt ra sao?

Đâu có sinh hoạt gì? Họ bàn tán về đám tụi mình.

Họ bàn sao?

Họ nói tụi mình chạy giặc chớ làm sao?

Chị sợ không?

Sợ cũng không được! Trời kêu ai nấy dạ. Con em tui, hai đứa con vừa mới chết, chồng bị chết cháy luôn. Bây giờ nó lại sốt, mới tội!

Bớt không chị?

Có thuốc của anh cho, tượng Phật, chắc bớt.

Chị có thấy gian khổ không?

Đẻ ra, ông bà nói là đời khổ rồi mà!… Tôi nghe giọng nói người hộ lý của anh thổn thức:

Tụi tôi chỉ có hai chị em mà con em khổ quá…Nó sợ Sài Gòn mà bỏ trốn đã 15 năm…Chịu lấy một thằng ngu dốt vào sống nghèo nàn trong chân núi…Nhưng sau đó thì gia đình nó đầm ấm hạnh phúc quá. Thằng chồng đem cái thân trâu ra làm mà cũng đỡ cái ăn cái mặc cho mẹ con nó…đến độ nó mê cái chân núi mà không thèm đi đâu cả…Vậy mà ở trong Sài Gòn cũng không buông tha, tụi nó ra đây bắn giết ăn cướp!… Nhà cửa con em tôi có gì mà cướp…Tụi nó không phải con người mà!

Hầu như không còn nghe câu chuyện qua lời người đàn bà kể nữa. Cái cảnh giết chóc, hãm hiếp đối với tôi lúc này đã quá “quen thuộc đến nhàm chán” rồi; nhưng tôi cố suy lại tâm trạng tình cảm con người đứng trước cái chết.

Nỗi đau thương tràn ngập lòng tôi, nghe ngượng cho thái độ khi được nhỏ mắt.

Bây giờ chị làm ở đâu?

Làm ở xưởng dệt Vinatexco.

Tôi trầm ngâm. Đây có thể là ước mơ của chị, một cô thợ dệt, chị sẽ đẹp biết mấy nếu gương mặt ấy được đội cái nón trắng thêu huy hiệu cái máy dệt với chữ “V” là đồng phục của nữ công nhân hãng dệt. Nhưng cuộc đời một công nhân, chị làm sao kham được gánh gia đình. Chị em chị không ai có nghề gì cả.

Thấy tôi làm thinh, chị tưởng tôi ngờ vực. Gương mặt chị trắng bệch ra, mặc cảm bị khinh rẻ làm chị hoảng sợ…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.