30 Tháng 4 – Chuyện Những Người Tháo Chạy
Khí Giới Của Kẻ Thù Không Chỉ Là Súng Đạn
Đoàn người phải ngồi chờ con nước ngay từ bây giờ, giữa buổi trưa nóng cháy trên bãi cát, dưới mái thấp phi – bơ – rô, khi mà mí nước còn tận tuốt ngoài xa biển khơi.
Chuyện đi đường bộ coi như hoàn toàn vô vọng. Người ta quay ra chuẩn bị cho cuộc vượt biển, nắm bắt mau chóng tình hình cho giữ tất cả ghe thuyền còn ở lại Bình Tuy. Nói là “giữ” có khi quá, nhưng là mua tất cả số ghe thuyền và trả đủ tiền, trả thật hậu, dằng co ngã giá cả mấy tiếng đồng hồ mới mua xong với cái giá cắt cổ: chủ các phương tiện đó bắt buộc phải mua đứt chứ không chịu cho mướn, ghe 10 người 2 lạng, ghe dưới 60 người 10 lạng, thuyền dưới 100 người 13 lạng, thuyền dưới 200 người 16 lạng, trên 200 người 18, 20, 24 lạng. Sư đoàn quân di tản chỉ được dùng quyền hạn bắt phải bán thuyền, còn giá cả thì phải thương lượng và người đi thuyền phải đậu chung tiền. Dân di tản thì khổ với dân thuyền chài, còn bọn này thì bị tụi xã tề ở đây giựt dây chia chác đủ mọi thứ tiền. Tiền trả chủ ghe, tập đoàn ghe; tiền đóng thuế bến hàng năm, lúc này phải đóng luôn dù chỉ sử dụng bến có một ngày; tiền bồi thường 30% hàng hóa thiếu ghe di chuyển bị ứ đọng hư hao; 2 tháng tiền lương cho phụ ghe bị thất nghiệp; một quỹ tiền lợi tức cho chủ ghe v.v…Sau cùng thì thời buổi chiến tranh mà, phải nhân hai nhân ba do đồng tiền mất giá; mà bạc giấy lúc này vô giá trị, phải đổi thành vàng mà vàng thì đang lên giá, do đó mà…mà….đủ kiểu. Đến lúc dân di tản chung đủ, thì tiền vàng bạc giấy gì cũng quơ bỏ túi được hết, mà chỉ bỏ vào túi của một người: “ông chủ”.
Xong việc mua ghe thuyền lại phải lo đến tài công, là người lái phương tiện. Tài công lại hết sức gay go, vì đây là con người, đúng hơn là mạng người, lý do sóng gió biển khơi, tai nạn giặc giã, ra đi đâu chắc có ngày trở về (dù chỉ khoảng 100 cây số đường biển thôi) v.v… do đó mà “mạng” tài công cao lắm, nhưng giá vẫn chưa bằng ghe. Tài già 10 lượng vì cần nhiều phụ tài, mỗi người hai lạng; tài trẻ có sức thì mười bốn, mười lăm lượng; tài giỏi có kinh nghiệm phải thêm 4 lượng. Và phải chịu những điều kiện sau: phần lớn tài công đầu nói ra đi là đi luôn không trở về, do đó phải đem gia đình theo, dọn đồ tế nhuyễn theo luôn. Thế là dân di tản lại phải chung thêm vào phần tiền mướn tài công một số nữa để mướn phụ tài và nhường bớt chỗ trên ghe. Nhưng thật ra thì tài công, vì phải “đóng thuế đặc biệt” trong lần kinh doanh vô tiền khoáng hậu này, nên tìm cách gỡ lại. Họ bán chỗ đem gia đình đó cho người dân Bình Tuy nào muốn di tản, dĩ nhiên trả bằng vàng.
Nhưng dân di tản có kẻ giàu người nghèo, vậy phải làm sao? Kẻ giàu thì nôn đi nhưng bắt họ đóng choàng cho người khác đâu được. Còn người nghèo thì có khi đến rớt mồng tơi, lấy đâu ra vàng mà đóng. Đội quân trong sư đoàn di tản ở đây bèn bán xe, bán súng, bán lựu đạn, mìn v.v…Súng thì không ai mua, vì mua súng ở tù. Xe thì dân mua, nhưng chỉ mua heo dầu và vỏ ruột bánh xe thôi. Các thứ kia, họ chỉ mua mìn C4 vì nó có hợp chất sử dụng đốt lò tốt; cộng lại tất cả cũng chẳng có bao nhiêu tiền. Dân di tản thì bán hết đồ đạc tế nhuyễn, cả đến khung ảnh thờ mẹ, cái trâm kỷ niệm, cho đến khi chỉ còn cái áo cái quần trên người, cũng chẳng được bao nhiêu trong phần hùn hạp.
Sau cùng, ai đó lanh trí vận dụng phương thức ưu tiên của chủ nghĩa tư bản: vốn là quan trọng, tiền là trên hết. “Ai có tiền mua tiên”, tiên ở đây là đi trước. Ai đóng nhiều nhất đi trước. Hội đồng ghi danh sách và đóng tiền được lập ra. Người lập danh sách cứ lần lượt ra “giá mua tiên”, người nào đủ số theo giá cứ việc đem nộp và đọc tên, ghi số ghe thuyền và tài công nhận ngay liền một cái phiếu:
Năm chục lạng, mọi người ngơ ngác. Cứ kêu sụt xuống từng lạng.
…Bốn chục lạng, vẫn còn ngơ ngác.
…Ba chục lạng, vẫn còn ngơ ngác.
…Mười lạng, vẫn còn ngơ ngác.
…Năm…Bốn lạng, vẫn còn ngơ ngác. Quái lạ, tại sao chẳng có ai lên tiếng, nghèo quá à?
Thôi rồi, bọn nhà giàu có nhiều vàng, nhưng họ kình giá với nhau, đứa nào cũng muốn mua chỗ rẻ, dại gì vung cho thằng nghèo. Phải có cò mồi.
Đám có mồi được tung ra:
Ba lượng!
Tôi!
Một thằng cò mồi đáp nhanh đưa cao ba cái “lịnh tiễn” (ba lượng vàng) bước lên, lập tức một bầy cò mồi bước lên rần rần, miệng cứ la: Tôi! Tôi! Loạn xị.
Khoan! Tôi bốn lượng. Một thằng nhà giàu quýnh quáng thực sự muốn “mua tiên” và vẫn còn tiếc tiền.
Tôi năm lượng.
Mười lượng.
….
…Ba mươi bảy lượng. Giá cao nhất, nộp vàng mặt đầy đủ.
Cái danh sách “mua tiên” cứ thế từ số thấp ghi lên đến số cao với cái tên bà Lê Hữu Ngàn – Một chỗ ngồi 37 lượng vàng với chiếc ghe đầu tiên ra đi theo ý bà chọn.
Thái ngồi chờ đến phiên lên nộp tiền ghi danh với hai lạng vàng trong tay, vàng đó là do bà Lê Hữu Ngàn cho. Bà cũng cho đám thuộc hạ của chồng mỗi người một lạng. Khi đi ngang Thái, bà dừng lại phân bua và từ giã an ủi:
Tôi mua chỗ như thế cho nở mày nở mặt anh Ngàn. Dù sao đi nữa thì dịp này người ta đã biết đến tên anh ấy, ít nhất ở đây cũng 4000 con người ta. Thôi, nháy mắt là tới Sài Gòn, tôi tạm biệt tất cả, sau này vào đó gặp lại. bà định đi, nhưng còn ngoái lại: – Nói vậy chớ, trước hay sau gì, cũng đến Sài Gòn tất cả, tiền đóng sợ còn dư hơn số đòi, hiếm chi thuyền.
Người đàn bà muốn cho đời biết đến tên chồng mình đó không nghĩ ra được cách nào khác. Nhưng những anh em binh sĩ cùng đi trong xe của Ngàn từ Đà Nẵng đến đây thì nghĩ rằng tên của Ngàn đã được đời biết tới rồi, dù trong một diện tích không rộng, nhưng với những kỷ niệm hay.
Chiều xuống rồi anh Thái à. Mắt tôi vẫn còn hi hí và chảy nước mắt, tôi nhướng nhướng nói với bạn. Thái làm thinh trong lúc người chị của cô gái sốt cấp tính thì ngưỡng mộ hết lòng:
Bà ấy nhìn tướng biết ngay là người nhơn đức, mập tròn phúc hậu. Ăn ở như vậy thì làm gì “Trời” không thương cho giàu.
Trong khi đó thì cô em co ro ốm tong, nói như đứt hơi:
– Có tiền ăn no thì mập tròn phúc hậu ngay.
Sư đoàn quân di tản đã hoàn thành nhiệm vụ ở trại kho lương thực. Họ tiếp tục làm nhiệm vụ trên bãi.
Bốn giờ chiều, chuyến ra đi bắt đầu.
Lính sư đoàn quân di tản chia nhau cứ 4 người phụ trách một ghe thuyền, lo cho người lên và cho lịnh ghe thuyền tách bến. Họ chủ động dàn xếp chu đáo tận tình và rất công bằng cho đến chuyến đi sau cùng. Họ làm mà không vì một lợi nhuận riêng tư, nên việc làm của họ rất ngay thẳng.
Do theo con nước mà các chuyến đi đầu dành cho ghe, nó nhẹ nhàng nên khỏi phải chờ nước lên cao. Còn thuyền thì trọng tải càng cao càng phải đi sau rốt, vì nước cạn thuyền không thể vượt qua cát nống ngầm. Chỗ cầu đá có đặt một cửa kiểm soát; ngoài cửa đó ra không còn chỗ nào thuyền qua được, toàn đá ngầm.
Ghe đuôi tôm chạy cặp mé biển thì dư sức đến Long Hải, khỏi lo sóng cả gió to. Loại này thường ngược xuôi về Vũng Tàu mua bán, đã quen đường nên không ngại. Ghe đầu tiên có chỗ cho bà Ngàn.
Thuyền trọng tải cao phải ra tuốt ngoài khơi, cách bờ biển năm bảy cây số để tránh đá ngầm và vướng chân vịt vào rong biển, có thể bị sóng to gió lớn. Nhất là lúc này mưa đầu mùa, gió hay trở chiều. Mấy chiếc thuyền sau cùng có chỗ cho Thái và tôi. Hai lượng vàng của vợ Ngàn cho chúng tôi, Thái “mua tiên” cho hai chị em cô bạn của tôi.
Tất cả dân di tản đều xuống bãi một lượt, chia nhau đến ghe thuyền của mình trình diện với 4 người lính sư đoàn quân di tản để được bố trí ngồi sẵn vào chỗ, chờ con nước lên đúng vạch chiếc nào thì chiếc đó ra khơi. Không ai được nhởn nhơ trên bãi, sợ gây ra xáo động.
Phía bên chúng tôi thì người chị nhùng nhằng mãi không muốn tách đi riêng, sợ không có đàn ông rủi cô em có trở bệnh bất tử khó xoay xở; hơn nữa sông biển đối với chị là điều quá sợ hãi, chị chưa bước lên ghe thuyền lần nào. Nhưng Thái thì muốn cho chị em cô ta đi trước được phút nào hay phút ấy, đem sớm cô em đến bệnh viện Vũng Tàu hay tuốt thẳng về Sài Gòn. Nếu không, sốt mà trở lại, chỉ trễ một vài tiếng thôi là khó cứu. Chính vì vậy mà Thái đưa ra hết hai lượng vàng của vợ Ngàn tặng chúng tôi cho cô chị. Thái đưa người chị chịu đi trước bằng câu:
Tui nói chị nghe, cái gì rồi cũng do ông Trời, ổng định sao mình chịu vậy. Do ổng định mà tình cờ lại gặp nhau phải không? Tôi và hai chị em mười mấy năm ở Sài Gòn không gặp, lại gặp ở chỗ này, mà gặp do cái tượng Phật nữa thì đúng do ông Phật quá rồi – Đấy, sau đó ông Trời xui khiến gì nữa, xui người chị ở chơi nấn ná tại Vĩnh Hảo, thành ra mà cô em đang lúc đau khổ bịnh hoạn lại có chị kề bên săn sóc. Bây giờ cô đau nặng cần về Sài Gòn sớm thì người chị phải đi theo chớ. Ông Trời muốn vậy mà! Thành ra lại khiến tôi “mua tiên” chỉ có hai chỗ ngồi.
Người chị ngẫm nghĩ cho riêng thân phận mình, thấy cũng do ông Trời đưa đẩy mà ra cả, nên cô bằng lòng. Thế đấy, đến cái xấu xa mà họ còn đổ cho ông Trời, đấng mà họ gọi là tôn kính hơn hết, vậy thì đổ cho người họ có ngại gì, tất cả tội lớn lỗi nhỏ.
Thấy nét mặt người chị đờ đẫn tin tưởng, Thái và tôi đều thấy lòng bất nhẫn, tội nghiệp. Nhưng không có thì giờ cho những lý lẽ hơn thiệt rõ ràng. Con người còn tối tăm mê tín thì còn bị lường gạt, bị bốc lột và cái chính quyền của Thiệu còn khuyến khích tạo điều kiện cho mê tín phát triển để tiếp tục lường gạt, bốc lột dân dài dài. Mà ở xã hội này, bao nhiêu việc còn độc địa nham hiểm hơn nữa kia…Cô em, con người xanh xao thoi thóp nằm đó, tuổi trẻ đã đau đớn biết là dường nào!
Chúng tôi khiêng cả cái chõng tre mang cuộc sống bất hạnh ấy ra bãi biển, đưa ra ghe. Lúc từ giã, tôi nói với người bạn gái ngây thơ của mình bằng giọng tự tin:
Em hãy xem sự sống 12 năm qua của em như 12 ngày di tản. Em đã sống dồn dập, một năm trong một ngày…Thoát ra những ngày di tản này, chúng ta sẽ đi đến một ngày thật mới bắt đầu cho một cuộc sống mới, xây dựng và hạnh phúc.
Đối với tôi, bãi biển Bình Tuy trong cuộc ra đi yên lành rộn rã làm cho tôi không còn nhớ lại một chút chi tiết nào của ngày trên bãi biển Mỹ Khê nguy hiểm ê chề: Con thuyền chạy máy đuôi tôm lướt băng trên nước không gợi được hình ảnh của chiến hạm, tàu hàng, sóng gió dưới biển trên boong; bộ dạng con người nôn nao trên bãi chờ đi. Nỗi vui mừng tin tưởng hiện nay đã xóa mất hình dạng con người thất sắc đau khổ bị bỏ lại trên phà chới với tuyệt vọng.
Nhưng thưa, sự sống mà – Đâu buộc con người phải đeo tang cha suốt đời. Đâu phổ lời ca chiến tranh vào khúc nhạc hòa bình được.
Nhưng coi chừng! Khúc nhạc hòa bình luôn có họng súng nhắm vào giữa ngực. Ông cụ ý vẫn hay.
Vui vẻ, hòa bình, khổ đau, chiến tranh, ngồi đó mà nói bá vơ. Cái đám gì đâu, mới khóc tỉ tê hồi khuya, sáng đã cười vắt vẻo. Tưởng yên rồi đó hả? Trời còn nắng mà mây đen kéo lên kia kìa! Cái anh râu ria không cạo, mặt xanh mét như bị sốt rét, hậm hực một câu không ai lý luận vào đâu được.
Mây đen kéo lên ngùn ngụt từ phương Nam, tối sầm phía đó. Bình Tuy còn nắng, nhưng nắng đổi màu vàng chanh tai tái và gió thổi trở thành phành phạch. Tất cả ghe tàu, mọi người đã ngồi yên chỗ, chỉ còn đi lại trên bãi một số lính sư đoàn di tản canh phòng. Thấy mây đen, hồn người bỗng u tối. Thủy triều chưa lên, lòng người chợt mắc cạn. Thèm khát được ra khơi quá lẽ mà nước biển cứ xăm xắp đáy thuyền, người ta cứ nhìn nước rồi nhìn mây.
Mọi người trông ngóng một trong hai thứ tới trước, thứ còn lại hãy tới sau. Thế mà, nước biển cứ xăm xắp mà mây đen cũng cứ lừ đừ. Nhìn mặt nước chẳng thấy lên bao nhiêu, nhiều người đã khua lạy đám mây mau tới. Người đàn bà ngồi gần em bé đã nằm bò trên sàn thuyền, chấp hai tay lên trán:
Lạy mây mau thổi tới đây, mau mưa một trận tối trời tối đất rồi ông trời quang đãng ra cho con đi yên lành. Con ơi, lạy với mẹ đi con!
Ngước thấy mây cứ ở đầu xa chờn vờn, nhiều người đã chồm ra be thuyền khân cầu nước mau lên. Em bé gái ngồi bên người đàn bà, chổng khu nhìn nước biển, ngoắc miệng:
Má ơi má, tới đái với con cho đầy nước để thuyền chạy đi.
Mầy im đi con, đái làm sao mà đầy.
Chứ má lạy mây đâu có bay tới.
Hai thằng cha ngồi sau lái thì chửi thề giòn, bắt cá với nhau mà cũng làm mọi người lo theo sốt vó:
Tao cá với mầy mưa trước! Người ta thấy như mưa trước thiệt.
Tao cá với mầy không mưa tới đây! Mọi người lại “ờ”, dám ở đây không mưa.
Đ. m, mầy mới ngu, mây bay tới kia kìa. Người ta than thầm: “chết rồi mây bay mau quá”.
Đ. m, mầy mới thiệt là ngu, mây bay gì đâu, nước lên lẹ quá cỡ kia kìa! Mọi người quáng mắt ngay “nước tự nhiên lên cả tấc rồi kia”.
Em cá không?
Bao nhiêu?
Tiền đâu?
Vào Sài Gòn trả.
Thằng cha sốt rét râu rậm chen vô, hằn học:
Xuống Long cung mà trả! – Tao cá với tụi bây là mua dội xuống thuyền và nhận tụi bây xuống biển. Mọi người cùng: ồ lên kinh hãi với hình ảnh con thuyền tròng trành trong mưa bão sắp chìm.
Nước ngập đến nửa mạn thuyền thì trời sẫm tối. Những chiếc ghe con ghe lớn đều đã bình yên ra đi, chỉ còn thuyền và những chiếc nhỏ chuẩn bị khởi động. Mây vẫn còn ở vùng trời phía Sài Gòn, chưa lan đến đây; không biết trong ấy có mưa không mà ở đây gió dữ?
Chuyện mây mưa được tạm quên, người ta chỉ còn nôn con nước. Các thuyền nhỏ đã lần lượt lên đường. Mới đầu cuộc đi, số ghe đi rồi không đáng kể so với số ghe thuyền còn trên bãi; bây giờ toàn bộ ghe đã đi mất, một số thuyền con cũng đã thoát, số ở lại thấy vắng rất nhiều. Do vậy mà nôn, nôn đến lo sợ, cảm giác bị bỏ lại làm người ta phát kinh hoàng, nhất là cơn gió réo còn bóng đêm bao trùm.
Ông tài! Nè mình xuống hết, xúm nâng thuyền ra cửa cầu đá, chỗ đó nước sâu chắc là đi được rồi đó. Một người chịu đựng không nổi đã phát kêu lên. Một số người cũng kêu lên inh ỏi, nhưng ông tài già thì không chút nôn nóng. Con người đã ở bãi biển này từ nhỏ, sống trong nghề lái thuyền mấy chục năm, biết là yêu cầu của hành khách không chấp thuận được, nên vẫn lặng thinh.
Ông tài! Có nghe không? Cứ làm đại đi chớ. Chờ hết nổi rồi ông ơi. Coi chừng bị mưa gió kẹt luôn! Ông già tài công vẫn lẳng lặng, nằm khoèo hút thuốc rê. Thằng râu rậm bực tức chửi rủa:
Cái ông nghiền xái này không biết ai mướn ổng vậy nữa! Cái bộ dạng như thằng chết rồi, làm ăn nước mẹ gì.
Ông già chẳng giận, mắt nhìn nóc thuyền; quan sát kỹ, thấy ông cũng đang lo lắng. Nghề nghiệp của ông, ông quá rõ; ông cũng đang nghĩ đến phương sách nào kỳ diệu cho tình thế này đây. Chắc là không còn cách gì, ông vẫn nằm im. Một trong hai thằng cá nhau lại lên giọng:
Nè ba! Thôi ba về nghỉ cho khỏe, già như ba mà còn lái thuyền thì con xót xa quá. Con cá là lần này xong rồi về ba chết lủi cho coi.
Có lẽ ông già khó chịu, ông bò tuốt vào khoang máy, nằm xoay mặt vô vách. Thằng râu rậm tức quá, lồm cồm đứng lên đến bên hầm máy, chõ đầu vào:
– Ê, ông già! Ra đây coi! Vụt ông xuống biển để tụi tôi khiêng thuyền đi cho rồi.
Ông già bò ra đứng lên. Sau ông có ba thanh niên vạm vỡ lưng trần cũng bò ra đứng lên.
Này em! Ông già bình tĩnh nói: – Em không biết gì cả, cái lòng bãi ở đây tôi thuộc làu. Nhất cử nhất động gì em cũng phải để tôi tính tôi lo, em chen vào nói tới nói lui bà con phiền.
Thôi đi ông già! Thằng râu rậm thẳng thừng: – Ông đừng lẻo lự, ông ăn tiền rồi định làm mưa làm gió. Ông là thứ gì vậy.
Một trong ba thanh niên vạm vỡ chen vào, dình dàng nhìn thằng râu rậm:
Này anh! Kiếm chỗ ngồi đi đừng đứng đây coi chừng té trẹo xương nghe anh. Ba tui ổng già rồi, đừng làm ổng buồn, không nên cho anh.
A! Tụi bây con ổng hả? Cha con tụi bây ăn cướp hả? Thằng râu rậm gằn gằn rồi quay sang đám người trên thuyền: – Mọi người thấy đó, cha con thằng lái thuyền dở trò lượn lẹo rồi đó. Đập chết mẹ tụi nó quăng xuống biển cho rồi – Tôi lái cho!
Nè! Coi chừng cái miệng hết nhai cơm đó nghe. Đứa con ông tài già mặt nóng bừng: – Chúng tôi ăn tiền chúng tôi phải làm. Nhưng chưa làm được. Anh thét lên: – Thấy không thằng chó đẻ, nước không đủ mức!
Tao bảo khiêng! Thằng râu rậm mặt xanh lè vì tức giận: – Khiêng ra ngoài kia, ra ngoài kia chạy được.
– Không khiêng được! Anh thanh niên cũng thét: – Không chạy được! Thằng ngu!
Với ý định quyết liệt, đầu tiên thằng râu rậm nuốt giận, giải thích với đám trên thuyền:
Mọi người thấy không? Tôi chỉ muốn mình đi nhanh, trên bãi rồi chẳng còn ai, lính sư đoàn di tản cũng chẳng còn lại mấy. Ở lại một phút là cũng nguy thấy mẹ rồi, tụi vằn vện thì còn lẩn quất đâu đó, nó nhào ra thì chết dập hết cả đám! Ngưng thở một chút, nó tiếp:
Bây giờ thì tôi quăng cha con thằng này xuống biển, tôi sẽ lái tàu đưa bà con đi.
Rồi gương mặt thằng râu rậm xanh mét trở lại, nó vòng tay ra sau lưng, nhanh như chớp, một khẩu súng ngắn trên tay nó chìa ra về phía bốn cha con ông tài:
– Bước ra be thuyền!
Có nhiều tiếng rú thét. Người thiếu phụ lạy mây khi nãy thất kinh chạy tới:
Thôi mình! Đừng có sát nhơn thêm nữa! Thằng râu rậm lấy chân xô bà vợ:
Tránh ra! Tao bắn luôn mầy bây giờ!
Cả thuyền nhao nhao lên, phân hai ý trái ngược nhau:
Nè, để ông tài già tính, Đừng can vào!
Thôi, khiêng thuyền đi cho rồi. Anh râu rậm nói đúng đó! sau lại nhiều hơn mới khốn chứ. Nhưng liền khi đó, “Rách!!!”, tiếng lên đạn, hai khẩu M16 chĩa hai bên tên râu rậm:
Cất súng vào! Thằng ngu. Mầy đi giết ông già à? Một trong hai anh lính sư đoàn di tản cầm súng nói:
Coi chừng cho mầy lên bờ bây giờ!
Ông cụ, đành làm như thê thôi. Anh lính kia lại ôn tồn nói: – Bà con ở đây yêu cầu. Không phải vì ông nhận tiền mà phải làm đâu, mà đây là ý số đông. Anh tươi cười giả lả: Ý dân là ý trời mà…
Anh lính mới học đâu được câu này, nói nghe có vẻ “cấp tiến” quá. “Ý dân là ý trời”, câu vang lừng ở Hội nghị Diên Hồng đời Trần, anh ta mang ra xài ngang xương ở đây với ông tài già lão luyện trong nghề, giữa đám người không có một chút kiến thức nào cả về con thuyền và biển khơi. Ở đây, không phải vấn đề ý của ai, vì nó là kỹ thuật; tôi đứng lên, nói với hai anh lính ý kiến của mình.
Nên nghe lời ông cụ tài công. Ông ta có nhiều kinh nghiệm sẽ đưa chúng ta đến nơi. Không thể chiều ý mọi người, vì không ai có khả năng ấy. Ông cụ cũng không dại gì mà nhùng nhằng ở đây đâu.
Không được! – Anh lính cãi lại ngay: – Người ta muốn cũng được chứ. Khiêng đi dễ quá mà, chỉ cần xúm nhau đẩy thuyền là là trong nước. Ngoài kia nước sâu chạy được thì tốt, còn không được đậu lại có sao đâu.
Không như vậy được đâu! Tôi cố gắng giải thích: – Khi đẩy thuyền sẽ bị nhấn xuống cày trong cát. Mà có đẩy được, con người xuống nước đến ngang cổ cũng phải ngừng, phải leo lên thuyền và nhấn đáy thuyền đụng cát trở lại thôi. Lườn thuyền cao cả hai mét không thấy sao? Hơn nữa, ngoài cầu đá, cũng còn cạn như ở đây. Ở đây còn mắc cạn thì ra đến đó cũng vướng thôi. Còn như để thuyền trống ra khỏi cầu đá nếu có được đi nữa thì người ta làm sao ra đó để lên thuyền?
Anh lính nghe mà lớ ngớ chưa hiểu ra.
– Đúng đó mấy anh! Ông cụ tài công công nhận ý tôi: – Anh này cũng rành thuyền bè đấy.
Những ý sơ đẳng này chẳng lấy gì làm khó hiểu, thế mà vì nóng lòng, mọi người quên mất, Nhưng rồi mọi sự trở lại.
Thôi nói hoài! Đi phứt cho rồi. Có mấy người nhảy xuống nước.
Không làm sao hơn được. Anh lính quyết đinh dứt dạt: – Tôi được lịnh lo làm sao cho dân vừa ý. Bây giờ ý dân đó. Anh hô lớn: – Mỗi người một tay đẩy thuyền!
Tôi lắc đầu chán ngán. Người có quyền hạn đã quyết định thế đó? Ban đầu cũng lắng nghe mọi ý kiến, tỏ ra hết sức dân chủ rồi lại chấp hành cứng ngắt ý chung chung của cấp trên, mà cho thực hiên theo ý mình. Vừa dốt vừa thiếu trách nhiệm mà lãnh đạo, chỉ huy, lấy cứ đưa lên ý kiến của quần chúng. Một hay: “Được đứa ngu săn sóc, là bị đứa đó đánh què chân” vởn lên trong tôi. – Dô hò! Dô hò! Thuyền kéo lưới.
Tôi nghe mà cười khô khan, nhưng cũng nhảy xuống ra sức đẩy. Làm sao được khi có lịnh mọi thanh niên đều phải đẩy thuyền. Chúng nó ngu quá mà có quyền ra lịnh mọi người phải thực hiện theo ý ngu của chúng mới được.
Tới đó mắc cạn thì đậu lại có sao đâu! Thái hằn hoc: – Mẹ kiếp, làm bậy rồi thôi sao, dễ quá hỉ?
Đói chết mẹ! Nếu đẩy vô ích thế này thì đẩy làm gì hở ông? Người nào đó nghe hai anh nói, bắt nói theo.
Mà chẳng phải chỉ đẩy một chiếc thuyền có Thái và tôi. Tất cả thuyền ở bãi biển Bình Tuy chiều hôm đó, đều bắt chước xúm nhau đẩy. Chiếc này lôi chiếc kia đảy đi trên nước cạn.
Tiếng la hét hò dô vang trời trong bóng đêm mờ mờ, trông khí thể vô cùng. Khí thế sái chỗ đó, khởi đầu cho cái mối thảm họa sẽ xảy ra, đẩy đoàn người vào vực sâu mù mịt.
Bây giờ cũng nên nói một chút về chính quyền và dân Bình Tuy, về những thằng vằn đốm lẩn quất trong lùm bụi hoặc ngoài nổng cát. Mới đầu, mấy chiếc ghe ra đi, bọn xã tề có ra dòm ngó, dân có tò mò đến xem; nhưng cứ từng chiếc lẻ tẻ bỏ đi yên tĩnh và buồn chán nên họ bỏ về. Bây giờ thì bãi bể dậy trời dậy đất, bọn họ lại tò mò nhào ra, ánh đuốc đầy bãi. Thuyền đã đẩy xa cách mé nước mấy trăm thước.
Hai thằng xã tề nói với nhau:
Ê Tư, tụi nó làm loạn hả?
Dạ, hình như vậy, làm như tụi nó cướp kho hay sao mà bỏ dông một lượt vậy?
Ê Tư, mày cho lịnh kiểm tra hết vùng bãi này coi có ai bị cướp hay đằng tụi mình có làm sao không? Hai người dân thì nói với nhau kiểu khác:
Nè, hình như họ nghe thấy cái gì đó, thành ra chạy hối hả. Thuyền chưa ra nổi mà cũng ráng cong lưng đẩy thấy không?
Bọn này chắc biết giặc tới sát đít mới quýnh vậy chớ. Nè, coi chừng đó nghe! Dám lắm à, mình lạng quạng tới chừng biết ra, chạy hết kịp đa!
Vậy phải tính đi chớ. Về nhà mau, lo đi cho gấp!
Trong lúc đó, bọn vằn đốm bị đánh tan tác từ đêm qua đến chiều nay cũng lò dò tới đây núp ngó rình rập. Chúng cũng mong có thuyền về Sài Gòn, đường bộ là mối kinh khiếp của chúng rồi, thấy cờ giải phóng đã rợp. Hai thằng: một vằn sóng biển, một đồ bông, đều là biệt kích, bàn bạc:
Tụi lính trên bãi đâu hết rồi mậy?
Tụi canh phòng di tản đó hả? Lên thuyền hết rồi, thuyền một lúc cùng nhổ neo, đâu thằng nào con gì mà ở lại trên bãi.
Vậy thì lên kế hoạch cướp thuyền đi chớ!
Xong ngay, tụi nó đang rối loạn cả rồi kìa, tập họp anh em đi!
Hò dô! Hò dô! Kéo thuyền, thuyền trên cát.
Tiếng reo hò đã lơi đi dần, nhường cho hơi thở hồng hộc.
Hò dô! Hò dô! Kéo thuyền, thuyền mắc cạn.
Hò dô! Hò dô! Nước ngang cổ.
Hò… Một số lớn thuyền phải ngừng lại. Nước biển lạnh quá người ta run lẩy bẩy, phải leo lên thuyền. Thuyền lại hằn vào trên cát.
Tiếng loa vang trong ánh lửa đuốc trên bãi:
Này! Dân di tản. Trốn ra ngoài đó làm trò gì vậy?
Này! Ở đâu ở đó! Kiểm tra!
Đám di tản động đậy:
– Chết mẹ, tụi nó xía vào kìa! Thế là một số thuyền nhỏ xả máy chạy thử, rồi chạy càn.
Tằng! Tằng! Tằng Tằng! Súng chỉ thiên vang rền trong ánh đuốc trên bãi âm vút trên mặt biển xa tắp.
Loa lại vang:
Tắt máy tàu! Coi chừng bắn bỏ! Tiếng máy tàu lại càng nổ gắt.
Chiếc thuyền Thái và tôi đi cũng nổ máy, tiếng đàn bà và trẻ con khóc vang rền. Dưới ánh đèn lù mù trong khoang bốn cha con ông tài già cởi trần loay hoay với dàn máy tàu. Ông già thì lắc đầu: – Trời ơi, nói mấy cũng không nghe. Xúm nhau làm ầm ĩ, tụi nó bắt thuyền lại, mất đi, mất thuyền, ở tù.
Trên sàn thuyền, giữa đám di tản mặt mày tái mét lơ láo, mấy anh lính sư đoàn di tản ngồi buồn xo.
Chiếc thuyền rú máy, rú ầm lên, khói trắng bốc nghi ngút ở đầu khoang; chân vịt quậy nước lẫn cát bắn cao, gió tạt vào thuyền văng đầy đầu cổ mọi người; nhưng chiếc thuyền không nhúc nhích. Máy tàu mệt mỏi ngưng rú. Cha con ông tài thở hồng hộc, mồ hôi nhễ nhại. Rồi máy thuyền lại rú lên dữ dội, rú nữa dữ dội hợn, khói trắng bốc mù mịt. Không còn thấy gì cả trong khoang thuyền, nước cát bắn vãi như mưa tối tăm mặt mày hành khách. Chiếc thuyền giựt giựt liên hồi, giựt mạnh và trợt tới rị rị.. rồi đột dưng lướt được trên nước, trườn dài vùn vụt.
SSỰ Ự Ự TTT! Cả chiếc thuyền cắm sựt cái lườn vào cát. Máy tàu vừa chợt bớt rú khi thuyền vừa chạy được, khói vừa bớt cuộn, nước, cát vừa bớt vãi, hành khách sung sướng chồm lên thì bật té ngửa, khói cuộn cả về xịt cao ngất, nước cát vãi bắn bổng, thành cột tỏa ra rớt xuống như bị dội bom, máy thuyền thét rú thê thảm.. Rồi máy tắt đột ngột, im re; nước cát rơi nghe rát trên thân người ròi dứt, khói khoang thuyền tỏa rộng lờ đờ. Dưới ánh sáng đục vì khói, bóng dáng ông cụ tài công ngã ngửa thở hổn hển, ba đứa con lực lưỡng chống rũ tay, tất cả ướt như tắm và ngạt muốn tắt thở.
Máy, thuyền đã dùng chân vịt xoát cát trên nông lấy đà phóng tới, vượt chỗ cạn qua vũng nước sâu, lướt được một đoạn lại cấn vào nông cát khác.
Chưa lần nào chiếc thuyền gian khổ đến như vậy, nó như con voi dùng toàn sức của hai bộ máy hơi nước khỏe mạnh: nhưng cứ như con châu chấu khổng lồ chụm chân nén lực, nhảy chồm từng đoạn, từng đoạn.
Nghe có tiếng máy của ca – nô, ghe đuôi tôm nổ dòn trên bãi từ phía bờ, bọn Bình Tuy đã bắt đầu săn đuổi. Có thứ không nghe tiếng động, bọn vằn bông cũng nương bóng tối lội ra. Gần 20 chiếc thuyền sắp trở thành nạn nhân của hai bọn này.
Trong tư thế sắp sửa chồm vượt của chiếc thuyền, máy còn đang rú dữ dội, một chiếc ca – nô đã ghé vào cặp mạn thuyền. Sáu thằng đồ xanh bốn túi nhảy đồng loạt qua thuyền chĩa súng máy vào hành khách. Vì trong cơn cát nước vãi tứ tung và tiếng gầm của nước máy thuyền, hành khách không nghe thấy tiếng ca – nô và bọn chúng. Đến khi nghe tiếng hô lớn: – Ngồi im! – thì đã muộn.
– Tắt máy!
Máy tàu cũng tắt theo lời ra lệnh. Bốn anh lính sư đoàn quân di tản bị bắt buộc giao súng. Bọn Bình Tuy hét:
Tất cả tầu thoát à! Tại sao?
Không tẩu thoát, chúng tôi ra đi! Có giấy phép. Một anh lính sư đoàn quát lại.
Giấy bị hủy, vì các người không chịu yên lặng mà lại còn gây náo loạn nơi đây.
Hừ! Không thể thế được! Chúng tôi không nổ súng.
Nhưng các anh làm náo động cả bãi biển.
Chúng tôi không phạm luật. Vẫn đi! Anh lính tay đôi lại, đám đông trên ghe cũng làm rầm theo:
Vẫn đi, thuyền chúng tôi mua rồi, phép được ra khơi có rồi, không thể cản chúng tôi được, không có quyền!
Một thằng bốn túi để râu cá chép ngần ngừ, nó thấy dùng lý không xong vì chính chúng nó đã ký giấy cho đi, nó quay ra võ lực, hất đầu về phía đám đàn em. Tức thì có tiếng lên cò súng, một số đạn đã lên nòng bị văng ra ngoài rớt trên sàn gỗ lộp cộp khô khan. Đám hành khách hoảng hồn làm thinh, ông cụ ngoại em bé gái từ từ đứng dậy bước lên mấy bước đến gần mũi súng bọn bốn túi:
Định giết người à? Chúng bây dám bắn hết đây không, thử coi. Lựu đạn đã rút chốt, tao mà té xuống tụi bây cũng tan xác.
Sáu thằng bốn túi phản xạ cùng bước lui một bước, nhưng súng vẫn chĩa.
Tụi bây định bắt vô bờ hết à? Hãy chờ nước lên, chứ chúng tao không lội được. Thằng râu cá chép đảo tròng mắt, hắn cười rồi hét bảo mấy thằng bốn túi:
Bắt cha con thằng già tài công nhốt khám!
Cái gì vậy? Ông già chặn lại: – Quyền gì? Chúng tôi mướn rồi, đã trả tiền hẳn hoi.
Được, được thôi ông già gân. Có quyền chớ! Nó đã phạm luật giao thông trên nước đã sử dụng thuyền không đúng quy cách và quy định, chúng tôi ra lịnh cho tước bằng lái. Hắn cười. Cái râu cá chép vảnh lên: – Mất bằng thì mời luôn cha con nó vào được không? Cái râu chép lại vảnh cao lên: – Thôi nhé, còn tiền mướn thằng tài công, sẵn xin mời ông già vào trỏng tôi trả lại.
Nó quay sang đám bộ hạ, hất hàm:
– Làm đi, bốn cha con thằng già kia và thằng già này!
Cha! Cha, đừng đi nó giết đó. Người mẹ của cô bé gái, con gái của ông cụ, chạy nhào ra ôm lấy tay cha trì kéo.
Trong lúc ba thằng bốn túi đi đến khoang thuyền tìm cha con ông già tài công, thì ở đây một thằng chĩa súng vào ngực ông cụ, một thằng chĩa vào đám hành khách. Còn thằng xếp thì râu cá chép run lên trong tiếng cười ha hả, nói cợt nhả với con gái ông cụ, ăn mặc loại vải mỏng theo kiểu bó chẽn lộ hình:
Không giết đâu, còn kêu ổng bằng cha nữa, chịu không? Giọng trở nên đều giả hơn, nó nhìn thân hình người đàn bà chăm chú: Cô em vô theo luôn chứ, ở ngoài này lạnh lắm.
Thằng râu rậm chồng của người đàn bà đứng tựa tay vào nóc khoang thuyền, râu cũng run vì tức giận.
Cô em, vô nghỉ lại một đêm, sáng mai đi. Nó hất hàm lần lượt cho cả đám đàn em.
Ba thằng bốn túi chĩa súng xuống mặt bốn cha con ông tài công đang đứng dưới hầm máy nhìn lên, chúng thét:
– Lên! Lên ngay! Một!… Hai!…
Thằng bốn túi chĩa súng vào ngực ông cụ, thúc tới:
– Đi. Sang ca – nô! Một!….hai!…
Thằng chĩa súng vào đám hành khách quát:
– Rục rịch tao ria!
Thằng râu cá chép, rút súng lục lên đạn, chĩa vào người đàn bà, mặt sầm xuống nhưng mắt lại lẳng lơ:
– Cô em, theo qua ngay đi!
Pằng! Có tiếng súng nổ bên ca – nô và tiếng thét tiếp theo liền:
– Cướp! Thuỷ quân lục chiến cướp ca – nô…
Pằng Pằng!! Hai tiếng súng nữa nổ liền bên ca – nô và máy ca – nô rú lên.
Sáu thằng bốn tuí bên thuyền thất sắc, thằng kềm hành khách quay súng về phía ca – nô rẹt rung nòng khẩu trung liên:
Tạch Tạch Tạch Tạch!!!
Và trong mấy giây thật nhanh xảy ra ở bên thuyền di tản:
Pằng! Pằng! Pằng! Pằng! – Cạch! Bốp!
Ba tiếng súng ngắn của thằng râu rậm nổ ngay bên khoang, bắn nhanh như chớp vào 3 thằng bốn túi khi một gáo nước sôi từ dưới khoang thuyền hất tạt vào mặt chúng. Một phát súng ngắn nữa của thằng hồi trên bãi đã đánh cá trời mưa bắn vào giữa ngực tên bốn túi uy hiếp ông cụ. Hai cây M16 của hai anh lính chộp lại đánh vào ót thằng râu cá chép và thằng bốn túi quay bắn về bên ca – nô. Thằng này bị đánh trúng vai chưa ăn thua, nó chỉ xiểng niểng rồi lấy lại thăng bằng quay lại định nã súng vào đám người di tản, nhưng…
Pằng! Nó bị dội dựng giữa ngực, té ngửa xuống nước. Phát súng sau cùng của Thái. Bên ca – nô tiếng máy tắt ngấm và thân ca – nô đang chập chềnh trên nước.
Thằng râu rậm chạy thật nhanh đến bên thằng râu cá chép, nắm chân nó kéo về mạn thuyền. Trước khi đẩy xác thằng này xuống biển, nó còn đập báng súng ngắn vào giữa bộ râu cá chép, máu miệng phun ra. Trả thù xong, nó đứng lên, thét to:
Qua bớt canô cho thuyền nhẹ, qua bốn chục người nhanh lên, tôi lái ca – nô. Nó cười sằng sặc: – Đại úy hải quân lái canô nhà nghề đây. Ha ha ha… Rồi: Ùm! Nó nhảy xuống nước.
Hai phút sau, tiếng máy ca – nô nổ chen với tiếng máy thuyền. Người được sang bớt, thuyền nhẹ đi nên lướt mau chồm chồm và chiếc ca – nô chạy quanh nó như hối thúc.
Tới cửa cầu đá rồi, qua mau mau mau!! Mọi người hét dựng: Chiếc ca – nô lao nhanh qua trước.
Chiếc thuyền vụt theo. Nhưng:
SỰ Ự Ự TTT! Thuyền nhảy dựng nằm chơ vơ trên cạn.
Lui, lui lấy đà!
Thuyền giật lui, rồi lao tới.
SỰ Ự Ự TTT! Cát nước vãi bổng, thốc lên.
Trong bóng đêm, chiếc ca – nô quay lại rọi đèn, chạy loanh quanh. Thuyền và ca – nô như hai mẹ con chó sói, chó mẹ bị thương chạy không nổi, con quýnh quáng loăng quăng kế bên nhưng không biết làm gì.
Pằng Pằng Pằng Pằng!!
Đạn trên cầu đá bắn vãi xuống thuyền.
– Chết cha, bị chận đánh!
Pằng Pằng Pằng Pằng!!! Súng vẫn bắn từ cầu đá.
Canô tắt đèn pha! Tiếng thét xé cổ họng rồi lầm rầm: đéo mẹ, ngu thấy mẹ rọi đèn cho nó bắn chớ! Canô không tắt đèn mà rọi về phía cầu đá. Ánh sáng quét loang loáng, quét trúng một đám vằn sóng biển gần một chục tên đang đứng sổng người nả đạn.
Tằng Tằng Tằng Tằng!! Trung liên trên thuyền quét liền.
Khục Khục Khục Khục!! Đại liên ca – nô quét bồi vào. Bốn năm thằng vằn quỵ Tất cả bọn còn lại nằm bẹp xuống cầu đá.
Ca – nô vẫn rọi đèn. Súng vẫn bắn.
Chiếc thuyền lại SỰ Ụ Ự TTT! SỰ Ự TT!! Trên nông, cát nước vung vãi, máy nổ ầm ầm.
Khục Khục Khục Khục!!! Đại liên nổ như ngây dại, thêm hai thằng vằn văng tung.
SỰ Ự Ự TTT SỰ Ự TTT SỰ Ự TT!! Thuyền dùng hết sức điên cuồng vượt qua.
Cố hết sức.
A A A. Qua rồi!! Tiếng hét chiến thắng, thuyền lao qua, hãm vào mặt nước, trồi lên, lướt tới tức tốc. Chiếc ca – nô quay lại chạy theo thoát qua cửa cầu đá, tắt đèn.
Đột dưng cả chiếc thuyền và chiếc ca – nô sáng trưng lên.
Một chiếc ca – nô thứ hai đuổi theo bén gót, chưa tới cửa cầu đá, đại liên của nó đã nổ liên hồi, gấp rút vào chiếc canô di tản. Có mấy người trên đó ngã lăn ra.
Ca – nô trúng đạn lủng lỗ! Một người trên chiếc ca – nô chạy trước hét lên. Chiếc canô này bị nước tràn vô thật nhanh nhưng vẫn cố lướt tới, mấy người chồm lên vẫy vẫy cầu cứu thuyền.
OÀNH! Lựu đạn ở cầu đá quăng xuống ca – nô chạy sau.
Chiếc ca – nô di tản nhìn lại chiếc ca – nô bọn hiếu chiến Bình Tuy, thấy nó vừa chạy đến cửa kiểm soát bị lựu đạn đột nhiên quay tua bẻ vòng đâm sầm vào cầu đá; đèn pha quét loang loáng, đại liên chổng ngược, những đốm đỏ vạch lằn đạn bay lên tua tủa. Trên cầu đá, bọn vằn cũng nhả đạn xuống như mưa. Trong hỗn loạn, chiếc ca – nô ghim mũi thẳng đà vào đá của cầu.
À À À MMM! BÙ Ù Ù NG W Ừ Ừ Ừ MM!! Nổ tóe bùng lửa đỏ rực.
Tụi vằn bắt trượt thuyền và ca – nô chạy trước, quay ra bắt chiếc canô chạy sau mà gây ra cớ sự.
Chúng cần cái để thoát về Sài Gòn, bất cần ai cả.
Cuộc hỗn chiến thế tam giác đã tan, bàn thắng ghi cho đám dân di tản. Bọn vằn còn vài đứa chống súng nhìn theo tiếc rẻ trong khi bọn Bình Tuy đang chìm vào nước chua cay. Nhưng.. loạn chiến vẫn còn đang tiếp diễn giữa ba phe trong vịnh đầu tàu với những chiếc thuyền chưa thoát ra được khỏi cầu đá. Tiếng âm vang và ánh lửa chớp lòe như ở đó đang có ngày hội lớn, đốt pháo bông!
Chỉ có dân Bình Tuy đứng xem trong bờ là yên ổn, lúc đó; chứ lúc sau, chắc họ bị bọn xã tề, vằn vện trút giận lên đầu. Nghĩa là Bình Tuy cũng chỉ yên tĩnh lúc đầu và sau đó phải chịu cảnh tang thương như các tỉnh khác. Và đúng như vậy, nơi nào có lịnh chỉ huy của con quỉ chúa ở Phủ đầu rồng thì nơi đó chắc chắn sẽ trở thành địa ngục trần gian.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.