30 Tháng 4 – Chuyện Những Người Tháo Chạy
Cuộc Tẩu Thoát Tại Tam Kỳ
Chiếc xe gíp ở yên cả giờ, tiếc nuối và không ai trong xe muốn bước ra. Chưa lần nào họ ngắm dòng sông kỹ đến như vậy. Tôi nhìn đăm đăm con sông và thấy con số “0” lờn vờn mãi trong óc. Con số 0 vây tròn chôn kín 4 năm tôi sống tại Đà Nẵng; bao quanh những nơi tôi đã đi qua và những việc làm tại những nơi đây; những ngày nơi công trường và những ngày đùa vui với vợ con trên cát biển; những ngày góp nhặt từng đồng xây một tổ ấm đem vợ con ra; và những ngày phung phí hàng chục ngàn vào phòng trà tửu quán, những ngày mùa thu nhớ nhà và những ngày mùa đông trác táng…Tất cả đối chọi nhau, triệt tiêu để bằng “0”, và dòng sông rọi số 0 của cá nhân tôi thành con số 0 to lớn của xã hội, của chính thể, của quân lực. Các bạn tôi chắc cũng đang miên man suy nghĩ. Tân đang ngồi bó gối nhìn đăm đăm mũi giày; Thái thì đè người trên tay lái, mắt trừng trừng về phía trước. Nhật nhìn đăm chiêu lên trần xe.
A ha ha! Ha ha! Tiếng cười vang dội đột ngột bên tai, thế nhưng trên xe chẳng ai để ý. Người đàn ông đứng bên chiếc gíp cụt hứng và sững sờ.
Trung úy Thái! Người đó lại hét toáng lên bên tai Thái.
Thái chậm chạp quay sang nhìn người gọi anh, người đó lại càng sững sờ, há hốc miệng ra.
– Tôi đây nè! Trung úy quên rồi à!
Không nghe Thái ừ hử mà chỉ nhìn sát mặt, người đó hoảng kinh la to lên nữa:
Ông bị ma bắt rồi à?! Bình đây nè!
Ờ, ờ thằng Bình. Mắt Thái lấy lại vẻ linh hoạt. Tôi cũng vừa nghe thấy câu chuyện:
Ủa Bình, còn đây à?
Tân cũng chen vào, không mào đầu:
Sao mậy? Chưa về Tam Kỳ à?
Đâu có, về Tam Kỳ hôm qua.
Ủa, vậy sao, gặp gia đình không? Tân ngạc nhiên hỏi.
Có gặp đầy đủ ông bà cha mẹ con cháu nội ngoại không?
Ông này sao móc họng hoài, nếu gặp thì tôi đã dông tuốt rồi đâu còn đứng đây? Bình hậm hực trả lời dù nó biết là Tân hỏi thật lòng.
Vậy là mầy không gặp. Sao vậy mậy? Tân tò mò.
Tới Tam Kỳ bốn giờ chiều, trễ quá, tại mắc quá giang lâu, hai chiến hạm đi hai giờ trước đó.
Tội mầy hông? Ai biểu mầy ham lời.
Tội với nghiệp gì? Cũng như ông vậy, gia đình ông ở đâu mà ông ở đây? Ông ăn được cái quái gì ở đất miền Trung này?
Bây giờ Bình đi theo chúng tôi không?
Đi đâu ông thầy? Bình gọi tôi theo kiểu lính Liên đoàn.
Tìm cách xuôi Nam – Tôi trả lời.
Bình tỏ ra rành chuyện. Hắn biết mấy ông “quan” này ra bến Bạch Đằng là để đón tàu:
– Chiến hạm à? Nó dông tuốt rồi, dông từ hồi khuya.
Thái ngạc nhiên nhớ lại lời hẹn của người bạn hạm phó, anh nói:
Thế sao nó định sáng nay mới đi?
Đúng rồi trung úy! Đáng lẽ 10 giờ sáng nay nó mới đi, sau khi cho dân nào muốn đi Nam thì lên; nhưng mới 2 giờ sáng cả 4 chiến hạm đều rút tuốt.
Thấy 4 người ngơ ngác Bình đứng sát vào chiếc xe, đạp một chân lên khung thành, ra vẻ:
Tụi nó trốn do cuộc thảm sát ở Tam Kỳ, chết 700 người! (Chúng tôi ngồi bật nhỏm lên) 200 dưới bến, 500 trên tàu, có 30 thằng thủy thủ, 4 sĩ quan, có một thiếu tá.
Do thế nào? Dường như cả 4 người cùng hỏi.
Do ta “chơi”! – Bình trả lời gọn: – Chơi thẳng cánh!
Rớt từ cung trăng xuống hay rơi vào ruột trái đất cũng đều là cảm giác của những người nghe tin này.
Thiệt hay bịa đó mậy? Thái chộp cổ áo Bình hỏi.
Nè, cái đầu tôi nè – Bình không e dè: – Tôi chết đáng kiếp.
Thế gia đình có sao không? Tôi lo lắng hỏi bình.
Cảm ơn – Bình cười: Em còn một chút nhân đức nên gia đình em ra đi bình an.
Thái ngờ vực:
Sao mày biết?
Em có mặt tại đó mà.
Mầy dóc tổ – Tân chẹn ngang họng thằng Bình: – Tàu đi hồi 2 giờ, 4 giờ mầy mới tới mà dám nói có mặt.
Bình cãi lại:
Thì tui nói có mặt ở đó là có mặt ở đó, tui có nói là có mặt lúc nào đâu mà ông bắt bẻ.
Thôi mầy kể đi, sốt ruột quá, nói lòng dòng hoài – Tân chịu thua.
Mấy ông biết không? Bình kể rành rọt: – Mười hai giờ trưa hôm ngày 27 – 3, hai chiến hạm thả càng tại Tam Kỳ, người ở Quảng Ngãi chạy ra và một số ở Tam Kỳ tụ đen đất, ùn ùn lên. Có chen lấn thiệt, nhưng không đến nỗi nào, không ai bị chèn bẹp, vì ai cũng ước lượng hai chiếc tàu này chở chưa đến 5000 người mà trên cảng cũng chỉ chừng trên 4000 thôi nên cũng không giành giựt. Mọi việc êm xuôi, đến gần 2 giờ, thì số người ra đi đã lên hết trên tàu. Một chiếc từ từ tách bến. Chiếc thứ hai đang thu càng, thì tự dưng ở đâu trong chợ, kéo đâu ra cả đám gần 500 thằng thủy quân lục chiến, chúng kêu tàu lại, đòi lên khám tàu. Tàu không cho tụi nó khám, tụi nó nói trớ ra là đòi quá giang để ghé Quảng Ngãi, tàu cũng không cho luôn.
Bình thở lấy hơi, nuốt nước bọt, kể tiếp cái cảnh hãi hùng đã xảy ra:
Thế là tụi nó hô lên “không cho lên! Vụt lựu đạn chết mẹ hết ráo!”. Thái cắt ngang:
Tụi nó có sĩ quan không?
Hổng biết! Để tôi kể tiếp cho trung úy nghe. Tàu vừa thâu càng xong, không thèm nói gì đến mặt tụi nó, lùi ra. Tụi nó vụt lựu đạn thật, vụt cả chục trái lên tàu nổ “ùm ùm”. Thế là chết, chết quá cỡ. Tàu rút nhanh nhưng tụi nó chưa tha, vụt không tới, tụi nó xài súng phóng lựu đạn. Thế là nhấp nhoáng ánh vàng như mưa sa từ M79 và trên tàu tiếng nổ, tiếng rú thấu mây xanh. Bọn trên tàu giận quá, cho chơi lại bằng bốn khẩu đại liên một lượt, thế là tụi nó ngã rạp, tàu sẵn thế cứ xả súng, tụi nó té và bỏ chạy quá cỡ! Cách gần cảng mấy trăm mét, có mấy đại đội thổ địa, lúc thấy tụi nó tới hung hăng, núp hết; sau thấy tụi nó chạy, nhanh như chớp mở cuộc truy kích thẫm tệ. Nhưng tụi vằn thiện chiến lủi nhanh, chỉ để lại trên cảng 70 cái xác của nó, còn bao nhiêu là thây dân bị súng quạt chết oan, cộng chung ở cảng có khoảng 200 thây ma. Một chút xíu sau đó, chiếc tàu ghé sát bến. Thiên hạ xúm nhau lẹ lẹ bưng xác trên tàu xuống, đứng canh me tại cảng tàu lần lượt mà đếm ra con số 700 cái thây ma. Lúc đó khoảng 3 giờ rưỡi, 4 giờ, xe GMC tới chở đem bỏ vào nổng bên kia đường ray xe lửa. Và hai chiếc tàu lúc đó cũng chạy mất.
Kể xong, Bình toe miệng cười:
Gia đình em, đi trên chiếc tàu thứ nhất, bây giờ chắc đến Nha Trang rồi, khỏe re.
Thế ai kể lại cho Bình nghe? Tôi hỏi lại câu Tân đã hỏi để minh xác chắc chắn sự việc.
Ông già em kể lại. Bình đáp gọn một câu làm mọi người lại một phen chưng hửng với nó. Chừng như biết vậy, Bình giải thích:
Khi tới cảng rồi, ông già em lại biểu tất cả mọi người lớn nhỏ trong đại gia đình hãy đi để ổng ở lại ổng chờ em. Ai nói gì, ổng cũng không chịu, tới lúc gấp quá mọi người đành nín khóc mà đi, thành ra sau đó em gặp ổng. Cả đêm hai cha con tâm sự với nhau, ông kể cho em nghe chuyện đó, chẳng lẽ ổng đầu hai thứ tóc mà kể láo cho thằng con nghe sao?
Thế ổng đâu rồi? Thái hỏi:
Dạ, ổng về Quảng Ngãi. Bình thích trả lời cái kiểu làm mọi người té ngửa đó lắm.
Thấy mọi người trố mắt như chưa tin, Bình giải thích:
Dạ, tự nhiên ổng đổi ý, không đi đâu nữa, ổng nói “còn nhà cửa ruộng vườn…” Tân ngắt ngang:
Sao mày không lôi ổng đi? Thằng tệ quá.
Lôi chứ! Bình cãi: – Tôi còn hù ông coi chừng Việt cộng bẻ gân vì ổng là cha lính ngụy, nhưng ổng bảo tôi ngụy chứ ổng ngụy chỗ nào. Ổng còn bảo là cuộc đời ổng chưa thấy một Việt cộng nào xả súng bắn càn vào dân chứ mới trưa qua thì ổng chứng kiến một cảnh tàn sát dã man, ghê gớm của tụi quốc gia đầu trâu mặt ngựa. Chán ổng quá, đến lúc rủ ổng về Đà Nẵng tìm cách đi yên lành, thì ổng còn hăm tui là “còn đi là còn muốn tìm cái chết”. Thấy ổng ở lại mà tôi đau lòng, nhưng vợ con tôi đi rồi, nên tôi đành chia tay ổng. Lúc sáng ra đi, tôi muốn khóc, thế mà ổng ở lại ổng tỉnh bơ. Tôi nói tôi tiếc quá không có một cắc cho cha, ổng lại nạt tôi! “Tao chỉ sợ mày chết đói, ráng giữ mình nghe con, tao thì cày cấy với tụi giải phóng là chắc chắn có cái ăn”. Thật là quái dị, qua một đêm ổng đổi tánh lẹ quá, mới trưa hôm qua tại bến tàu, ổng vừa khen bọn hải quân lo cho dân chu đáo quá thế mà sáng hôm nay, ổng lại có cảm tình với Việt cộng mà chửi quốc gia.
Nói xong Bình lắc đầu thở dài.
Tôi hiểu tâm trạng thay đổi của ông già. Ông cảm thụ được bản chất của sự việc xảy ra ở bến tàu và thấy được đúng sai của ai với ai, giống như tôi vào một ngày ở cửa Tư Hiền.
Thái hỏi Bình một điều thắc mắc lớn:
Mày có biết tại sao tàu ở đây đi hết từ khuya không?
Dễ quá trung úy, nó nghe tin Tam Kỳ, nó quýnh đó, mấy thằng hải quân sợ ăn vạ. Bình nói thản nhiên. Tân ráng hỏi thêm:
Có chở được ai theo không?
Có khỉ mốc gì đâu? Lúc bốn chiếc tàu nhổ neo ở đây đông gấp ba lần Tam Kỳ, dân thấy tàu lui ra khơi la ó vang dậy, đổ xô chạy theo trên bờ, số rất đông chèo ghe nhỏ theo. Thế là súng đại liên dưới tàu nổ rền trời làm trên bờ bỏ chạy chết mẹ, còn trên ghe phóng xuống sông lềnh nước. Dưới sông chết đuối, trên bờ lấn chạy đè nhau mà bị thương.
Tới khi tiếng súng dứt, thì tụi hải quân đã đi xa, may phước tụi nó chỉ bắn chỉ thiên. Cảnh hỗn loạn ở đây, người lo vớt kẻ dưới sông, người lo kéo kẻ ở trên bờ. Người tìm người kêu réo, tới sáng bét mới xong.
Thái hỏi thêm:
Bây giờ mày biết tàu đi đâu không?
Ai biết? Bình quơ tay bên này, quơ tay bên kia: Người thì nói là nó đậu ngoài khơi bãi Thanh Bình, kẻ nói ở biển Mỹ Khê, thế là họ kéo đi mong ngóng.
Leo lên xe, theo tụi tao! Bình lên xe, ngồi phía trước, cạnh Nhật. Nãy giờ anh chẳng nói chẳng rằng, dựa ngửa trên thành ghế, chiếc mũ lưỡi trai chụp hờ trên mặt, quay sang Thái, anh nói:
Trở về Liên đoàn chớ?
Chớ đi đâu bây giờ? Thái đáp lại, rồi anh đề máy xe.
Đúng rồi, còn chiếc phà! – Tân bỗng thốt lên: Niềm hi vọng cuối cùng, bám lấy!
Về Liên đoàn? Bình há miệng sực nghĩ ra cái gì lấn cấn, Bình không muốn quay về phía trong, thích ở đây chờ cơ hội thôi; nhưng tự dưng sắc mặt Bình trở nên khôi hài.
Thôi, về Liên đoàn cũng được, ông Trời ổng muốn vậy, nên chiều ý ổng, ổng muốn như thế nào mấy xếp biết không?
Bình quay nhìn chúng tôi cười nhăn nhở. Trong cái cười phảng phất vẻ ác độc. Bình nói:
– Thiệt tình là ông Trời muốn xem một cảnh ngoạn mục giữa tôi và thằng râu chổi xể.
Xe thắng gấp, Thái ngần ngại nhìn thằng cận vệ bắn thuê chém mướn mấy phút, rồi nhìn hướng Hòa Khánh, xả máy về thẳng Liên đoàn.
CHIÊU BÀI “TỬ THỦ” VÀ “DI TẢN” HAY NHỮNG CUỘC LỪA ĐẢO TRẮNG TRỢN
Khung cảnh Liên đoàn nhốn nháo, kẻ ngược người xuôi, kẻ bộ người xe, dắt nhau, chở nhau, người và hàng hóa. Ở một góc câu lạc bộ, cơ giới hoạt động và người đông như kiến, vật liệu chất đầy bãi, một phần chiếc phà đang hình thành bằng phao nổi và sàn cầu M4T6, loại phà trọng tải 100 tấn, rất lớn có thể chuyên chở non 2000 người, sức đẩy bằng 4 máy tàu 50 mã lực. Đã có người bị gậy, ngồi chờ gần đó trên sân Liên đoàn trải nhựa, nắng chang chang. Một đám người đông không kém, bu ở cửa phòng một, ngóng xem các bảng danh sách.
Chiếc gíp của Thái cũng rẽ vào đó. Trên hai bảng niêm yết, có chữ ký của lão đại tá, tên chúng tôi bị chia ra và chỉ riêng tên tôi được nằm trong danh sách những người lên phà. Thái bị ở lại vì gia đình ở Đà Nẵng, Tân và Nhật độc thân nên cũng bị bố trí ở lại chiến đấu.
Tân quay nhìn tôi ghen tị, trong khi Thái và Nhật không quan tâm, Thái chép miệng:
Lên phà chưa đến nửa quân số, ở lại chiến đấu đông hơn, nhưng chỉ là con số, bỏ trốn và sẽ bỏ trốn rất nhiều.
Nhật quay sang:
Lão đại tá ở lại chiến đấu, tên râu được đi. Lão đại tá hành động – chính nhân quân tử dữ a, rõ là đáng mặt thủ lãnh. Anh cười gằn chấm dứt câu nói.
Mọi người lên xe, lúc này không ai thấy trung sĩ Bình đâu cả. Tất cả mang cảm giác phân vân.
Chiếc xe đánh một vòng chậm quanh chân cột cờ, và chạy về nơi Thái ở. Xe ngừng. Tiếng giày vang trên hành lang. Cửa mở, bốn người vào phòng. Tôi ngả lưng xuống giường. Nhật, Tân ngả theo. Thái ngồi trên ghế, lục lọi gầm bàn, rồi đưa cả chai rượu lên tu vội vả, Thái khà một tiếng, đưa cánh tay áo quẹt miệng, xoay tròn cái ghế về phía ba bạn và lên tiếng:
Bám cái lão râu.
Chớ không phải bám phà sao? Nãy giờ tôi theo dõi Thái nên hỏi ngay.
Bám phà không chắc ăn bằng bám lão râu.
Tân chồm lên:
Tại sao không bám phà? Bám lão râu cho lão cõng đi à?
Thôi để Tân bám phà – Thái nói: – Sao cụ không thấy chuyện chiến hạm.
Thấy sao, chiến hạm sao? Tân không chịu suy nghĩ chứ tôi và Nhật đã hiểu ý Thái: “Lão râu sẽ đi, tên cáo già ấy đã tính rồi, hắn đã chẳng ung dung nằm trong trại đó sao, còn phải làm gì nào, chạy ra biển ngoài khơi Đà Nẵng làm gì trong khi không biết chiến hạm ở phương nào, một đêm hai ngày lênh đênh trên biển thì bảo đảm không ươn thịt vì có mặt trời và nước biển, thì con người thành con khô. Bám tay râu là đúng nhất, Thái thông minh thật.
Tân moi óc vẫn không hiểu, nhưng thấy Nhật và tôi làm thinh, biết là họ đã cho ý Thái là diệu sách, anh cũng đồng ý:
Thôi, ai sao tôi vậy, bám tay râu để hắn cõng cũng thú vị.
Nhưng bám cách nào hả anh Thái? Tôi vẫn chưa nghĩ ra kế hoạch.
Theo sát bọn nó, kềm nó, nó đi đâu mình theo đó. Nhưng phải tính sao để nó khỏi vuột, phải dùng uy lực.
Nghe như thế, tôi đã thấy được cách, nhưng vẫn trù trừ, Thái cũng vừa thấy ra và anh quyết liệt:
– Cho thằng Bình kèm.
Một loạt M16 nổ và tiếng chửi rủa kèm theo vọng vào cửa sổ khép hờ của phòng Thái.
– Đéo mẹ tiên sư toàn thể nhà mày thằng râu!
Tiếng Bình nhại giọng tay râu – Mày xài ông hết nước con mẹ mầy. Mầy vắt chanh bỏ vỏ, mầy bỏ ông lang thang không nhà không cửa, định bắt ông chết bờ chết bụi. Bây giờ vận đen cho nhà mầy, ông chưa chết, ông về đây tìm mầy, mượn mầy miếng thịt ăn chơi. Tiên sư mầy thằng râu!
Mặt Tân tái xanh, lẩm bẩm:
Cái thằng linh quá, biến mất, bây giờ hiện ra, phải chi nhắc tiền nhắc bạc được như nhắc nó! Nói xong, Tân quay sang Thái.
Vẻ mặt Bình nghiêm trọng.
Thái tiến dần đến trước Bình và hỏi:
Bình, mầy làm khùng gì vậy?
Thôi, trung úy, em xin trung úy đừng can em, để em ăn thua đủ với nó.
Cái thằng sao ngu vậy mậy, ăn thua được mầy cũng chết luôn – Thái làm ra vẻ lý sự – câu giờ để tiến tới gần hơn nữa.
Kệ em! Chết em cũng chịu, cho nó chết luôn, em tức quá, vợ con em xin vĩnh biệt, đằng nào cũng coi như vĩnh biệt.
Vĩnh biệt cái khỉ mốc, tao sẽ đem mầy về đến Nha Trang cho mầy gặp vợ con mầy, với điều kiện hồn mầy chia lìa khỏi xác. Thái vừa nói vừa tiến sát Bình, mắt không rời trái lựu đạn trên tay nó.
Khóa lựu đạn đâu mậy?
Còn vướng ở dây nịt em.
Thái cúi xuống mở lấy cái khóa, rồi một tay nắm trùm lên tay cầm lựu đạn của Bình, tra khóa vào. Cử chỉ Thái như một người anh hiền lành lo lắng cho đàn em ngổ ngáo khờ dại. Một chút thái độ đó cũng đủ làm cho Bình nghe ấm lòng, đứng yên bất động sững sờ, hai bàn tay của nó buông lỏng, cây súng rớt vào chân Thái, quả lựu đạn rơi vào mũi giày của nó đánh bộp.
Bình khom người khóc nức nở, bản tính con người nó thức dậy. Thằng giết người theo phản xạ tự nhiên không hề đau xót, mà trước đây người ta vẫn thấy đó cũng biết khóc và khóc da diết trong một trạng thái ngộ nghĩnh. Say rượu và toan mưu sát. Trái tim của thằng hung bạo cũng có khi thổn thức. Như vậy đồ hành hung của nó bị bẻ gãy. Mọi người bu quanh xem tấn tuồng nãy giờ, không ai dám cười, mà mau mau giải tán. Thái nắm tay Bình thúc giục:
– Đi về phòng tao mau! Ăn uống nghỉ khỏe rồi đi.
Bình quên nỗi đau đớn, nó đứng dậy theo người chỉ huy mới của nó một cách phục tùng.
Thức ăn của Bình được Thái thảy lên bàn: một số đồ hộp, khui ra nhưng cứ để nguội lạnh. Nó nhảy đến ghế bấu lấy một hộp thịt và bánh, cho vào miệng nhai ngồm ngoàm. Cả bọn Thái im lặng chờ nó ăn. Bảo đảm cho kế hoạch ra đi của họ bây giờ là do thằng này!
Bình vừa tu dài ca nước lạnh để chấm dứt bữa no dạ sau một ngày một đêm nhịn đói, thì chợt nghe có tiếng gõ cửa. Tân nóng nảy nhảy bổ đến, mở toang cửa ra. Anh hành động ồ ạt làm con người nhỏ thó già khom đứng tần ngần ở khung cửa thất kinh, mặt tái xanh. Hắn là một trung sĩ già hầu cận lão đại tá, hắn lắp bắp:
Trung úy, trung tá cho mời. Thái nói với tên trung sĩ già:
Được, anh về bển trước đi.
Đại đội 102A thuộc tiểu đoàn 102CB, chuẩn bị xuất phát lên đèo Hải Vân theo lệnh của lão đại tá. Đại úy Đản đã cho tập họp sĩ quan và binh lính kéo về sân Liên đoàn. Mới có vài tháng nay mà anh ta vừa từ trung úy được gắn thêm một hoa mai, nên tỏ ra cúc cung tận tụy hơn ai hết. Đèo Hải Vân lúc này là hiểm địa. Bọn thủy quân lục chiến đang rên siết, từng bước rút lui trước sức tấn công mạnh mẽ của quân giải phóng. Chúng cầu cứu với công binh tiếp trợ bằng một đại đội để phá hủy các cầu và chôn mìn chặn địch. Vừa ra đến sân Liên đoàn, chúng tôi gặp Đản, Đản vội vã đến chào.
Lâu quá không gặp thiếu úy tiểu đoàn 103.
Cũng mới đây, lúc anh khao được “lên lon”, có tôi. Từ đó đến nay “Ngài đại úy” lập được bao nhiêu chiến công rồi? Tôi hỏi.
Đản lắc đầu, giọng chán nản:
– Lên lon, nên bây giờ phải đi nộp xác…
Tôi liếc nhìn Tân và Nhật, muốn nói mấy câu nhưng lại thôi. Hai thiếu úy ở tiểu đoàn 103 không quen với đại úy tiểu đoàn 102 này, nên kiếu từ. Còn tôi, tôi biết Đản khi anh đến tăng phái Liên đoàn từ năm trước. Cùng là người Nam nhưng Đản lấy vợ Đà Nẵng hàng chục năm nay. Công tác xây dựng mà đại đội 102A của Đản đảm trách thường phải liên hệ với tôi. Một thi công và một thiết kế. Khi thấy chỉ còn hai người, Đản thổ lộ:
– Này Hòa, có nghe vụ đi chưa?
Đi đâu? Tôi lớ ngớ hỏi lại, Đản cười.
Đi trốn. Lần này tôi kéo quân đi là trốn luôn.
Đản vẫn thấy tôi như chưa hiểu, anh giải thích cặn kẽ:
Đại tá lo cho đó. Ông ta đã kêu riêng tôi vào nhà, biểu lần này thi hành công tác xong tự động rút. Đản thở ra và nói tiếp:
Cũng nhẹ nhàng thôi. Đi đặt 100kg thuốc TNT[12] cầu Thủy Tú[13], chờ lịnh đánh sập rồi dông. Vợ con ở nhà đã chuẩn bị sẵn, anh Phi, đại đội trưởng 102B ở lại để tìm cách mua vé tàu. Đại tá lo tất cả cho nó.
Nếu vậy thì việc gì anh phải buồn?
Tôi đoán là có cái gì còn lấn cấn trong Đản, nhưng anh ta vẫn lắc đầu:
Nói vậy chớ biết có lo thiệt không? Bề nào chính tay mình lo vẫn hơn, còn bây giờ, tôi dẫn quân đi rồi…Chiến tranh mà.
Lúc đó đoàn xe chuyên chở đã đến, Đản từ giã tôi, cho quân lên xe. Toán quân đầu tiên đã lên đường trong những ngày cuối cùng trước khi nơi đây mất. Họ đi vào chỗ tuyệt vọng, đi để cản đường giải phóng, cho “cấp trên” có thì giờ rút lui.
Sau đó, sáu toán quân nữa lại lên đường đi các nơi kiểu như đại đội 102A. Còn lại Liên đoàn, chiếc phà và trên 1000 người chờ tẩu thoát. Bọn họ ngồi đó dưới trời nắng chang chang trong khi chiếc phà còn đang ráp, chưa xong. Thế mà mọi người không dám tìm trú vào trong mát, bước ra khỏi hàng thì chẳng được bước vào. Họ đã xếp hàng ngay ngắn từ sáng và lịnh ở trên đã bảo ngồi yên, mọi sự xáo trộn sẽ hủy ngay chuyến đi. Chịu trận là một thói quen đã hằn nếp trong gia đình binh sĩ.
Còn một số rất đông phải lên đường ra tử địa theo những toán quân. Những người này thật ung dung tự tại đi tới lui nhởn nhơ trong Liên đoàn. Tôi gặp hạ sĩ Thành trong số những người ung dung đó, từ xa Thành bươn tới kêu la om sòm.
– Ông thầy! Ông thầy!
Và anh tươi cười, đứng trước tôi:
Ông thầy sắp đi?
Ừ! Anh chắc không đi? – Tôi hỏi. Thành cười:
Không sắp hàng chờ phà, nghĩa là không đi đâu cả.
– Không đi thì cũng chẳng được về nhà.
Thành vẫn cười, đưa tay chỉ trạm gác cổng đơn vị ở xa xa:
– Đúng! Bỏ về Đà Nẵng tụi nó “bùm” liền. Bỏ đi lúc này là đào ngũ, là tội tử hình.
Tôi lấy làm lạ cho những người như Thành, chẳng lẽ họ ở lại cố thủ doanh trại, đánh đấm gì một nhúm bọn họ, nên hỏi luôn:
Thế ở lại đây à?
Phải, ở lại cả gia đình. Đi đâu cũng vậy, giải phóng tới rồi!
Tới, nhưng họ tràn vào liệu các anh chống nổi không?
Chống nổi chứ! Thành cười, chống ngay những lá cờ trắng lên là êm liền!
Thành tỏ ra vui sướng lắm, mặt anh tươi cười, một vẻ mặt chưa bao giờ tìm thấy ở người thợ điện này. Anh ta chẳng tỏ ra e ngại gì những người bên kia hết, dù anh đang là lính đối địch, dù anh đang ở trong đồn binh. Rồi Thành đề nghị một cách thành khẩn:
Ông thầy sắp đi rồi, cho em cái nhà đi.
Nhà nào? Tôi ngơ ngác.
Nhà dưới kia kìa – Thành chỉ chỗ ở của tôi hiện tại nơi Liên đoàn, rồi tiếp: – Em sẽ cho vợ con lên ở trước.
Thật tôi không hiểu nổi cái anh chàng đang đứng trước mặt. Lúc mọi người đang bỏ chạy, thì anh ta lo tìm cách ở lại vững vàng và lo sợ trễ mất dịp may “xí” cái chỗ đẹp cho vợ con. Tôi vỗ vai anh thợ điện:
Sẵn lòng thôi! Để tất cả mọi đồ dùng của tôi cho anh. Đến phiên người hạ sĩ nghèo khổ há hốc miệng:
Ông…ông thầy, cho cho…cho hết à?
Tôi nghe như có cái gì đè nặng nơi ngực. Với tâm trạng buồn rầu, tôi bước tới lắc vai con người có bộ óc đơn giản đó.
– Nhưng anh có hưởng được đâu nào, cao lắm là mấy ngày nữa rồi thôi!
Thành không để ý đến câu nói đó của tôi. Từ há hốc miệng vụt lóe sáng mắt, Thành lại lắc vai tôi thật mạnh:
– Cảm ơn ông thầy! Cảm ơn! Cảm ơn!
Rồi anh sải bước về khu gia binh trước sự ngơ ngác của tôi. Được gần trăm mét, anh hạ sĩ vẫn đứng lại, cắm cổ quay chạy về phía tôi, thở hổn hển, vừa nói vừa cười:
– Mời ông thầy trưa nay xuống nhà em ăn cơm, nhà của ông thầy cho em đó.
Lần này anh chạy thẳng về căn nhà nghèo nàn dơ bẩn như ổ chuột mà anh đã sống từ ngày mới lấy vợ đến đẻ ba đứa con èo uột. Tôi đứng như trời trồng, nhìn anh ta chạy đến mất hút ở cuối đường.
Một chiếc honda ở đâu trờ đến cạnh tôi. Người thượng sĩ thủ kho Liên đoàn rủ tôi:
– Thiếu úy về nhà lai rai với tôi chút đỉnh, tôi cũng là người ở lại đây.
Tôi nhìn người thượng sĩ ấy, soi mói như nhìn một vật lạ kiểu Thành, vội hỏi:
Chi vậy? Còn gì vui mà lai rai?
Vui chớ thiếu úy. Nếu thiếu úy cùng ở lại như bọn tôi, thiếu úy sẽ vui ngay, vì cuộc đời đau khổ tôi mọi sắp được giải thoát rồi.
Lúc đó, Tân và Nhật đến bên tôi, người thượng sĩ mời luôn:
– Mời cả ba thiếu úy cùng đến cho vui. Đi ngay, gọi là để chào tạm biệt!
Ba người sĩ quan công binh cảm thấy trống rỗng giữa lúc thì giờ trôi nhanh và mọi việc trở nên gấp rút. Đó là điều mắt thấy, tưởng kỳ lạ khi con người không đứng vào vị trí tham gia một công tác nào, nhưng nghĩ kỹ thì đây là việc hiển nhiên của con người vô dụng và rảnh rỗi. Chuyện của họ đã do Thái và Bình đảm trách. Họ lấy rượu lấp thời gian quý báu của mọi người, tất cả kéo về nhà người thượng sĩ và sau đó, về nhà Thành ăn cơm trưa. Rượu và cơm đơn sơ mà đượm tình kẻ ở người đi, dù hai sự lựa chọn có trái ngược nhau rất lớn nếu không nói là đối chọi nhau về quan niệm sống trong lúc này. Thượng sĩ thủ kho đã đề nghị các sĩ quan:
Các thiếu úy ở lại đi, bảo đảm không sao cả, tôi sẽ bảo vệ như bảo vệ kho đến cùng. Còn Thành thì hồn nhiên:
Đi đâu cũng vậy thôi thiếu úy, chán cảnh khổ này quá, mau dứt đi cho rồi, chẳng ai thèm giết mình đâu.
Vợ Thành thì tin tưởng hơn, nói với tôi:
– Khi nào rảnh tôi về Sài Gòn chơi, sẽ ghé thăm anh.
Trong khi đó, bữa cơm bên nhà lão đại tá, gồm những người cùng chung sự lựa chọn: tẩu thoát khỏi nơi đây; thì lại đượm đầy mùi hận thù và vị đắng cay. Chỉ có mấy ngày thôi mà lão đại tá già khọm đi; gương mặt thịt hốc hác bơ phờ trông quái dị hết sức. Cái gì trên mặt lão cũng nằng nặng và chảy nhão. Lão ta “bệnh” đã hai ngày đêm, uống thuốc cũng không thuyên giảm vì lão không bịnh do vi trùng đục phá mà do tâm hồn u uất và tinh thần bạc nhược. Lão ngồi đó nhưng không ăn; chỉ nhìn mâm cơm với đầy đủ thức ăn ngon lành trong những ngày bãi chợ. Chốc chốc, lão liếc nhìn người ăn; mặc dù những người ngồi chung mâm với lão đã có mặt tại nhà lão từ sáng, mà lão vì cáo bệnh nằm trong phòng nên chưa tiếp xúc. Lão liếc nhiều nhất tay trung tá râu chổi xể, liếc để đo lường sự suy nghĩ của tay này.
Lão giận thằng râu chổi xể quá, đã mấy lần lão cho tay trung sĩ già hầu hạ đuổi khéo mà vẫn không đi. Nó nằm vạ và nằng nặc bám riết lão. Bữa cơm trưa nay, lão muốn rà lại ý đồ của những người bám quanh lão. Lão nói giọng lựa nhựa của người bịnh, sau khi cả nửa giờ mà mọi người quanh mâm cơm vẫn gầm ghì im ỉm:
Tôi đã bảo các người là vô ích. Tôi chẳng trốn đâu cả, “tử thủ” mà! Mà các người đã hỏi tôi, thì đó, các người cứ theo danh sách phân chia mà làm. Trung tá thì 8 giờ lên phà xuôi Nam, trung úy thì về với ban truyền tin đi. Còn thằng tà lọt, trung tá muốn mang đi đâu thì mang.
Tên trung tá cười nhếch hàm râu chổi xể, xỏ lá lại giọng lão đại tá:
Thưa thật đại tá, tôi thì không đành bỏ đại tá đi đâu cả, đại tá đã tử thủ, thì tôi lại xuống phà vào Nam sao đành? Nhất là đại tá thì nằm liệt giường trong khi Liên đoàn không có ai trông coi.
Chưa dứt câu, hắn nghiến răng buông những lời dõng dạc:
– Tôi thề, đại tá đi đâu thì tôi đó. Nhất định thế!
Thái hiểu ngay câu nói của hắn, anh nhại đúng kiểu giọng hắn:
Rứa đại tá nợ, mô đành phụ tình huynh đệ chi binh, về Liên đoàn ni, được đại tá cất nhắc cho ngồi ở chỗ “nhàn nhất”, hai năm ni chẳng có công gì trội thì gặp lúc rứa ni tôi phải dày công khuyển mã.
Bình không kỵ húy gì cái đám sĩ quan hết thời này, nó bô bô góp câu:
Tôi thì cả đời cận vệ, tôi trung thành quen thói, xếp biểu nổ vô ai là nổ liền, ai mà nổ xếp tôi tôi nổ lại…
Rồi nó cười khành khạch tiếp:
“Xếp” tôi bây giờ, xin lỗi đại tá nghe, không phải như đại tá nói thằng cha râu kia đâu, mà trung úy em nè. Nó chỉ tay lên trung tá, rồi chỉ Thái.
Thằng cận vệ ngộ nghỉnh trong nghề nghiệp. Cận vệ cho ai thì chỉ biết người đó là xếp thôi, không cần biết xếp của xếp nó; giống như con chó chỉ bảo vệ có ông chủ, cha ông chủ tới nhà, con chó vẫn đớp. Nhưng con chó thì nhớ chủ cũ.
Lão đại tá hơi ngạc nhiên, có vẻ gườm thằng Bình như tay râu, vì đối với Thái lão ngại do hành động lão xử tệ với anh trước nay. Từ đó, bữa cơm như có không khí ghê rợn, kềm nhau, móc nhau bằng những câu xa gần, trả đũa không sao dứt được vì sự níu kéo khai thác hành hạ nhau, của tên râu với lão đại tá và của Thái với Bình. Cho đến khi trung sĩ già vào báo có đại úy đại đội trưởng 102A vào báo cáo tình hình.
Đản bước vào, chấm dứt được không khí đe dọa; nhưng lại tạo không khí sượng sùng e ngại với nhau.
Đản chào lão đại tá, giữ đúng quân kỷ nhưng lời nói thì kém bạo dạn theo kiểu nhà binh:
– Kính đại tá…kính…kính báo cáo tình hình.
Lão đại tá gật đầu nhưng ngó bâng quơ nơi khác. Đản lúng túng:
Dạ, đại tá, cầu Nam Ô đã được đặt mìn tốt đẹp. Lão đại tá gật đầu, Đản tiếp:
Dạ, trung tá tiểu đoàn thủy quân lục chiến 258 chưa có lịnh cho công binh rút lui mà tự ý ra lệnh giữ đại đội 120A lại, xin ý kiến đại tá.
Nghe đến đây, lão đại tá không gật, cũng không lắc, làm thinh, Đản ấp úng:
Dạ…xin đại tá…xin…cho…cho chỉ thị!
Còn gì nữa không? Lão đại tá ngập ngừng rồi nói tiếp: – cho anh lui.
Dạ…dạ..còn còn…
Còn gì? Lão đại tá nhướng cặp mi mắt nặng trĩu, cặp mắt cố lộ vẻ giận dữ nhưng sự mất hồn đã làm nó trợn trạo.
Dạ xin…xin…báo cáo riêng.
Tên râu, vốn đã hoài nghi thái độ bịnh hoạn của lão đại tá mấy ngày nay, bây giờ chợt nghe hai người đối thoại, hắn chớp ngay liền:
Đại úy, khỏi riêng tư, ở đây là sĩ quan tham mưu, anh cứ trình bày thẳng. Chúng tôi có thể bàn gấp kế hoạch cho đại tá giúp anh.
Đản đứng thộn mặt. Việc muốn báo cáo riêng của anh là chuyện lão đại tá hứa giúp gia đình anh bổ trốn sau khi anh làm xong công tác do lão sai phái. Bây giờ công tác đã xong. Đản muốn biết lão đại tá lo chuyện ấy cho anh đến đâu rồi. Nhưng tình thế này biết nói thế nào, trong lúc anh gặp mối nguy khác, anh tức tối, lo sợ!
Kính đại tá! Tôi về đây bằng xe của thủy quân lục chiến, có bọn chúng theo giám sát. Tôi không thể thoát được, đại đội thì bị chúng kềm chân không cho rút.
Lão đại tá làm thinh, còn Đản thì vã mồ hôi, tên râu rậm thấy vậy, mỉm cười:
Sao phải thoát, đại úy? Lịnh đại tá anh đã thi hành, hết lịnh thì kéo quân về, chúng làm sao giữ lại được. Hay là lịnh đại tá đã gởi hẳn đại đội cho họ điều động vô điều kiện và vô thời hạn?
Đản nhìn lão đại tá ngơ ngác. Anh thật chẳng biết lịnh gởi anh làm tới đâu và đến bao giờ với đám vằn sóng biển. Đầu óc anh quay cuồng, miệng cứng đơ không nói được gì cả. Một lúc lâu, lão đại tá chấm dứt tình trạng căng thẳng này bằng một câu buông thỏng:
– Được, anh cứ đi, tôi sẽ giải quyết!
Đản ứa nước mắt, run rẩy quay gót. Lão đại tá nhìn theo ra dáng buồn bã, cáo từ bữa cơm vào phòng ngủ. Lão chẳng giải quyết gì cả, cứ mặc cho Đản trong tay bọn thủy quân lục chiến và vợ con anh chờ đợi trong khắc khoải lo âu. Lão quên bẳng luôn 400 con người của đại đội 102A đâm đầu chết vô ích do tay lão.
Căn nhà lão đại tá là một khối hộp chữ nhật, thiết kế theo kiểu sàn, trần và tường, ngang 8 mét, dài 12 mét, chia làm 3 ngăn. Chia đôi khối hộp, thành phòng khách 8m x 6m có cửa ra vào chính, phần còn lại chia đôi, phân nửa là phòng ngủ 4m x 6m, phân nửa là nhà bếp, nhà cầu 4m x6m có lối ra sau. Hai phòng ngủ và bếp có lối ra phòng khách.
Lão đại tá nằm bịnh trong phòng ngủ, ngoài phòng khách có ba người ngồi canh chừng, không phải canh cho lão ngủ mà canh lão thức, trốn đi không hay. Họ sợ lão đại tá lẻn trốn thì mất phương hướng cho cuộc tẩu thoát của họ. Tên râu đã nói với Thái: “Lão ta định trốn đấy! Thằng già này mà tử thủ cái khỉ gì, cứ canh lấy lão là ăn chắc. Nghe nói lão đã còm măng ghe máy rồi đấy, thoát ra Đà Nẵng là lão lên tàu ngoài khơi Thanh Bình. Chiếc phà của Liên đoàn đấy hả, dàn cảnh đấy! Thế là ba người cứ kệ để lão trốn trong phòng, ngồi ở phòng khách nhìn chăm bẳm cánh cửa phòng ngủ là chắc chắn, lão muốn ra khỏi nhà, đầu tiên phải qua phòng khách này trước, bốn bên căn nhà thì tường dầy và chấn song cọc sắt, kẽm gai. Yên chí.
Đến giờ cơm chiều. Trong khi tại sân cờ, người ta không ăn, ngồi đợi con phà mới ráp được hơn nửa, tôi, Nhật và Tân sốt ruột cũng không ăn nổi vì Thái ở lì trong phòng đại tá từ gần trưa đến giờ. Bàn ăn trong nhà đại tá cũng không có đại tá ra dự. Lão đã lên cơn sốt cả chiều làm tên trung sĩ già lăng xăng chạy ra chạy vào chườm nước đá. Thằng Bình nhìn mâm cơm thúc giục:
Mời trung úy, ăn cho no có sức tính. Rồi nó cắm đầu ăn trước, nó quên mọi chuyện, chỉ nghĩ đến ăn, cả đời nó chưa bao giờ được “ăn cơm đại tá” ngon lành như vậy. Nó ăn cắm cúi làm Thái và tên râu cũng phải ngồi vào bàn.
Đang bữa cơm, thì tên trung sĩ già bưng một bát cháo vào phòng ngủ lão đại tá. Mỗi cử chỉ hành động đều được ba người “khách” của lão quan sát, có điều cánh cửa thì lịch sự ra vô đóng lại nhè nhẹ. Tên trung sĩ già quay ra cười méo mó với mọi người đang ăn cơm:
Tội nghiệp đại tá tui quá, ông bỏ cơm hoài, không biết rồi cháo giải cảm ông có nuốt trôi không?
15 phút sau, hắn lại vào phòng ngủ và quay ra với tô cháo còn thừa chút ít dưới đáy, hắn cười:
Chu choa, ông ăn được rồi, mô phật, trời còn thương tui.
Thương ổng hay thương mầy. Thằng Bình ngắt, miệng ngồm ngoàm, cười khành khạch
Thương tui chớ…tên trung sĩ già ra sau bếp lấy bàn ủi cắm điện…
Bữa cơm xong, ba người “khách” ngồi xỉa răng dòm cánh cửa phòng ngủ “ông chủ nhà”. Mười phút sau, tên trung sĩ già mang bộ bi – da – ma mới ủi vào, năm phút hắn lại ra trên tay cầm bộ bi – da – ma nhàu nát. Hắn cười “nụ cười có vẻ tươi mát” :
Ông ra được mồ hôi, rứa là khỏe, ngủ được một giấc chắc ông khỏe hẳn. Nói xong, hắn dọn bàn ăn và ra sau bếp lui cui lau rửa.
Ba người khách cũng mong “ông chủ” mau mạnh. Tên râu hối hả:
– Thế là tối nay có đường đi, 10 giờ là lịnh phà khởi hành, thế nào 9 giờ lão cũng chuồn trước.
Nhưng trời đã tối, bóng đêm dày đặc bên ngoài mà lão đại tá thì chưa thấy động tĩnh gì. Cả đám sốt ruột. Đồng hồ điểm 8 giờ, tên trung sĩ già lễ mễ ra “thưa” với tên râu.
Xin trung tá cho em ra ngoài chơi chút, mệt mỏi quá, cần đi một vòng cho khỏe.
Xin đại tá mày đấy. Tên râu trả lời cộc lốc.
Đại tá ngủ rồi, trung tá cho phép.
Tên râu hằm hằm, hắn đang phiền não cho sự trễ nãi, dằng dai của lão đại tá. Tên trung sĩ già thấy thế quay sang Thái:
– Trung úy cho tôi đi.
Thái làm thinh. Thấy “xếp” im lặng, thằng Bình quát:
– Ra mày, thằng già!
Tên trung sĩ già lủi thũi xuống bếp. Và sau đó, thằng Bình chợt bật dậy nhào theo lôi hắn lên. Nó chộp cổ áo lão trung sĩ, miệng la lớn, mặt hướng về Thái:
Trung úy! Thằng này tính lén trốn, em bắt ngay.
Trốn gì? Tao đi chơi. Tên trung sĩ già cãi lại.
Im mày! Tao đá rụng hết răng bây giờ thằng già chó!
Tên trung sĩ già vùng vằng gỡ tay thằng Bình định ù té chạy, thằng này nhanh chân đá tạt ống quyển làm lão ta té sấp, từ túi áo trút ra hai thẻ vuông, dài cở bằng hai ngón tay, bọc giấy. Ai cũng biết đó là hai thẻ vàng, mỗi thẻ một lượng.
Chết rồi! Thái la lên và lao vào phòng ngủ lão đại tá, tên râu và thằng Bình lao theo. Căn phòng trống trơn, sau lưng tủ lạnh, một khoảng vuông vắn bằng bốn làn lỗ chó chui được cưa sẵn tự bao giờ, thông từ phòng ngủ qua bếp.
Nó đi cửa bếp! Tên râu la toáng, Bình nhào liền ra phòng khách vừa thấy tên trung sĩ già lồm cồm ngồi dậy, nó dùng chân quét liền một cái làm lão ta lại té sấp. Tên râu chộp lưng lão ta lôi ngửa ra quát:
Nó đi hồi nào?
Dạ, ổng đi hồi tôi sắp bưng tô cháo vào.
Lúc tao vừa bắt đầu ăn cơm?
Dạ dạ.
Trời ơi, cả hai tiếng rồi! Thằng Tâm!
Thái chợt nhớ ra, anh đấm tay đánh rầm vào vách:
Hèn chi tui thấy lúc chạng vạng, thằng đại úy Tâm công sự nhẹ đứng lờn vờn ở hàng rào mé biển, lớ ngớ ngóng về đây.
Tên râu đã biết rõ trước âm mưu của lão đại tá mà còn giấu giếm, thành ra Thái đã không kịp phát giác lúc lão trốn thoát.
Bỗng bàn tay tên trung tá râu đang nắm tên trung sĩ già bị thằng trung sĩ trẻ gỡ ra, trung sĩ trẻ đấm thẳng cánh vào lưng trung sĩ già văng đánh sầm vào vách. Thân lão ta nhỏ thó rơi xuống, trên vách trắng tinh, chỗ mặt lão ta đập vào vãi ra đầy máu tươi, không phải máu mặt mà là máu từ trong lồng ngực phọt ra cửa miệng.
Đã 8 giờ tối mà chiếc phà vẫn chưa xong, bên sân câu lạc bộ Liên đoàn vẫn đầy người, ngồi theo gia đình, theo nhóm chờ đợi. Một số khá đông đi lởn vởn phía ngoài. Và giữa sân Liên đoàn là tôi và Nhật đang mong ngóng Thái.
Lúc bấy giờ sinh hoạt ở Liên đoàn chia ra ba kiểu:
Thứ nhất là chờ lên phà tẩu thoát, thứ hai là nhởn nhơ yên lành như kiểu hạ sĩ thợ điện Thành, thứ ba là những người ra sức bảo vệ các kho tàng quân dụng cơ giới chờ quân giải phóng như kiểu thượng sĩ thủ kho.
Tôi nhận ra cảnh sinh hoạt ấy và nói với hai bạn, Tân trở lại phổi bò, nói lên ý nghĩ mình:
Đám thứ nhất sợ Việt cộng làm thịt, đám thứ hai Việt cộng cũng được mà không Việt cộng cũng được, đám thứ ba thì khó hiểu, chẳng lẽ họ còn ra sức bảo vệ tài sản cho lão đại tá mà đáng lẽ nên xả cảng chia chác hết cho rồi, nhất là lương thực.
Đám thứ ba cũng dễ hiểu thôi. Nhật nói: – Những người này biết bảo vệ tài sản cho những ai sử dụng sau này.
Cho ai? Tôi nhảy ngang vào chặn đột ngột câu nói của Nhật, làm anh này hơi lúng túng nhưng cũng trả lời luôn:
– Cho những người phải lo cho cuộc sống tại đây, mai sau.
Tôi cười, nhìn Nhật bằng cái nhìn tin ranh, làm anh ta lúng túng trong khi Tân thì thật sự ngơ ngác. Tôi cũng không ngờ lần cuối tôi nói với Nhật trong bộ quân phục. Từ phút đó, Nhật không nói lời nào và một giờ sau hai người xa nhau.
Một giờ sau, chiếc gíp của tên trung tá râu đậu lại giữa sân Liên đoàn. Hắn bước xuống xe, rồi nhảy lên đầu xe hướng về đám người đang chờ phà nói to:
Tất cả anh em sắp lên đường xuôi Nam, nghe tôi nói: phà đã tạm xong còn ráp máy, một giờ nữa khởi hành, bây giờ là 9 giờ, mười phút sau tôi sẽ trở lại, sẽ cho xe đại đội cầu nổi mang về 4 máy đẩy tàu như đã định.
Trên 1000 con người đợi phà hoan nghênh cổ vũ, hoan hô tên trung tá râu dậy đất. tên râu dương dương bản mặt, bềnh bệch chui vào xe, Thái đi lại phía Bình. Xe nổ máy, chạy đến giữa sân Liên đoàn vội thắng gấp lại. Tôi và Tân lên xe ra ngồi phía sau. Không thấy Nhật. Xe đợi dừng một phút mà tất cả thấy bồn chồn.
Tên râu gắt:
Không thể đậu lâu tại đây được, coi chừng tụi nó phát giác. Thái hoảng hốt:
Nhật đâu?
Nhật ở lại – Tôi trả lời.
Thái hoảng hốt:
Tại sao vậy?
Anh ấy đổi ý định. Tôi buồn bực nói ra điều này.
Không đúng. Tân xen lời: – Hồi nảy Nhật nói đi tiểu mà? Tôi giục:
Thôi đi đi, anh Thái, anh ấy ở lại thật đó, anh ấy là người bên kia.
Mọi người trong xe sửng sốt. Chiếc xe rú lên vọt đi, đèn bật sáng quắc, nhắm thẳng cổng chính Liên đoàn. Đầu kia cổng mở ra theo thói quen, khi nhận được ánh đèn xe của tên râu. Tôi nhìn về phía sau, qua tấm mui trong trên lưng xe, thấy đám người chờ phà, túa ra chạy theo, tiếng la hét thất thanh. Xe vọt thẳng ra khỏi cổng. Lại một sự phản bội trắng trợn ghê tởm nữa diễn ra.
Đường vắng tanh đến rợn người. Giấc ngủ thôn xóm đêm nay nghe như thanh bình mà bên trong nó, sự thay đổi lớn lao đang tiến tới. Làng Vân Dương, xóm Hòa Khánh, xã Hòa Mỹ, liên tục nằm dọc theo quốc lộ 1 đến Đà Nẵng, chắc chắn đã thay đổi chủ. Đêm qua chúng tôi đã chứng kiến cảnh này. Ngang Hòa Mỹ, hành động tự nhiên của anh giải phóng đã cho thấy sự kiện đó, anh thu bảy súng của bọn tôi như đã thu súng bọn dân vệ xã đến nộp từ 4 giờ chiều trước đó. Thành thử, Liên đoàn 10 và các trại lính gần đó, vô tình bị bao vây bằng những thôn xóm. Không phải bằng quân đội giải phóng chính quy mà bằng người dân các xã ấp, đã tạm buông tay cuốc xuổng để cầm cây súng, đội lên đầu chiếc nón tai bèo thay cho chiếc nón mê. Và chỉ qua ngã ba Huế mới thấy những bộ đồ xanh cứt ngựa chen lẫn với áo thường dân. Đã chắc gì trong lưng những chiếc áo thường dân ấy không có chiếc nón tai bèo và khẩu súng AK báng gấp? Đà Nẵng chỉ còn là một lõm nhỏ, giãy dụa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.