30 Tháng 4 – Chuyện Những Người Tháo Chạy
Hy Vọng Sụp Đổ
Chiếc Dogdge[23] chạy rì rì, 88 người ngồi trên xe sung sướng tự mãn. Cạnh buồng lái xe, Thái và cô gái, tài xế là hạ sĩ quan an ninh quân đội; phía sau là những người di tản lên cảng Cam Ranh, và tôi. Bây giờ là 3 giờ chiều ngày 1 tháng 4. Những kẻ muộn màng này được đưa đến thành phố Nha Trang, trễ sau mọi người gần 6 tiếng đồng hồ. Xe đang chạy trên con đường gồ ghề từ trại an ninh của cảng ra quốc lộ I
Hạ sĩ có nghe nói máy bay chở những người di tản bay chưa? Thái hỏi người tài xế.
Cũng chưa biết chừng. Hạ sĩ an ninh trả lời thản nhiên: – Có thể đã bay lâu rồi, có thể chưa bay, mà cũng có thể không bao giờ bay. Lúc này thì cái gì người ta cũng đều cho là có thể cả.
Anh nói làm tôi nhớ tình hình Đà Nẵng quá. Mấy hôm trước khi quân cộng vào Đà Nẵng, tình hình sân bay cũng như thế.
Khác chớ! Người hạ sĩ quan cãi lại ra vẻ biết chuyện: Nha Trang khác Đà Nẵng, Đà Nẵng cho không giải phóng, còn Nha Trang giữ lại. Anh ta nói thế, chớ có ngờ đâu, Nha Trang bỏ ngỏ ba ngày trước khi quân đội giải phóng đến tiếp thu.
Vì răng cho không, ai cho rứa? Cô gái tóc thề ngồi cạnh Thái hỏi chen làm người hạ sĩ tài xế bật cười:
Không giữ nổi thì gọi là cho không – Mà cho thì không phải là cô cho, mà ông tổng thống của cô cho.
Răng lạ hỉ? Tổng thống cho à? Ông nớ đâu dễ chịu cho rứa nợ? Cô gái vẫn thắc mắc.
Ôi, đất đai của ổng mà, ổng muốn cho ai thì cho, ai mà dám nói gì.
Bất bình lời nói của người tài xế, cô gái ngây thơ phàn nàn:
Nhưng mà cho thì phải hỏi ý kiến dân chứ? Mà cho thì cũng báo cho dân biết, để dân dọn đi cho sớm chứ? Cho mà không báo, hại dân chết quá trời vậy răng?
Cô sao thiệt khờ quá! Ổng có quyền thì làm gì ổng phải hỏi ai. Còn báo hay không báo thì còn gì là bí mật quốc gia nữa. Người hạ sĩ nói ra cái điều suy nghĩ của mình từ lời dạy biểu của cấp chỉ huy anh ta.
Không mô! – Cô gái cố cãi: – Tui không thấy như rứa – Chắc ôn cũng đâu muốn cho, ôn cũng tiếc nhúm ruột ôn lắm chứ. Mà tại vì quân quốc gia bỏ chạy mà ra rứa. Úi chà mà lạ ghê tề, chính cái ôn trưởng vùng chạy trước tiên, rồi đến ta cũng chạy, chỉ tội cho lính, dân chạy sau cùng mà khổ, mà chết mần răng khỏi được.
Rồi cố gái như nói với mình, mặt buồn dàu dàu:
Anh tui bọn vằn vện giết hại chết mất, tội ghê! Khi sống thì anh tui như ông vua trong nhà, rầy rà ai cũng được, vậy mà bị đánh bị giết lại không một tiếng kêu. Trên tàu anh tui ngang ngạnh chửi bới chính phủ đủ điều, rồi anh tui chê bai quân đội đủ kiểu, cần thì anh tui rủa. Đó nợ, rứa là anh tui phải chết, bây chừ biết nói ra răng với ông cha. Thời mạt vận, tiền của kể như không. Rứa ni là ông cha có điều ở ác, mất thằng con trai nối dòng nối dõi, rồi còn mất vàng cứu gỡ uy tín danh dự cho con trai, và giữ an nguy cho chính thân ôn. Con gái thân tui thì không được như rứa, mạng không đáng đồng chinh. Nói chuyện chết của anh mình thì mình thấy xót xa, còn trước cái chết của người khác thì sự xót xa giảm xuống, chỉ buồn thôi. Nhằm lúc đó, tui cũng ùa càng ra trên tàu, hứng vài viên đạn thì đã yên thân rồi, có ra răng chi mô. Rứa nợ, có ai chết mà kêu la mô, sống người ta mới kêu là thảm thiết suốt năm ngày tháng chuyện ni chuyện nớ. Làm thân con gái…
Chiếc xe lắc lư, nhịp lắc đều đều. Thái mệt mỏi thâu đêm, đầu óc căng thẳng; trong tiếng nói đều đều, anh mơ màng rồi đi thẳng vào giấc ngủ.
Sau xe, chiếc Dodge mui phủ bạt che tia nắng mặt trời, nhưng sức nóng buổi chiều còn cao quá, mọi người lấy thêm chăn mền chiếu gối, áo quần che đùm che đụp thêm cho mát. Xe lắc một lúc, xe như rộng ra chút ít; người co chân kẻ duỗi tay, lem lõi thân người để mỗi người một kiểu mà nằm. Mọi người ở đây cùng trải qua bao lần gian khổ mà sống còn, nên giờ đây xem ra khăng khít, họ lục lọi đãi nhau ăn những món còn sót lại. Ăn hết, cứ kệ, chiều hãy tính, ăn đi cho no cái đã, biết đến bao giờ mới được ăn. Có người hỏi:
Mấy giờ rồi cà?
Khoảng hơn ba giờ một xí.
Vậy là ngủ đi
Ngủ gì được, trông thấy mồ.
Trông gì thì cũng phải ra Nha Trang, giờ này chưa ra quốc lộ I, còn hơn bốn giờ mới đến, thôi ngủ đi.
Thế là trong bóng mát của xe, với thế nằm dễ chịu, cái lắc đều đều của xe làm cho mọi người không còn cưỡng lại giấc ngủ được nữa.
Xe dừng lại làm mọi người choàng tỉnh giấc. Tôi vén cái tấm đắp của ai đó che kín phía sau xe nhìn ra ngoài, xe đã ra quốc lộ lúc nào không biết và đậu khoảng nào đó giữa Cam Ranh và Nha Trang cũng không biết. Từ Cam Ranh mà đi vô thành phố Nha Trang thì có nghĩa là trở ra hướng Bắc, nếu đi theo đường bộ mà xuôi Nam thì không ai lại đi như thế; ở đây vì chúng tôi cần đến sân bay Nha Trang mà phải theo hướng nhu vậy.
Cảnh trên đường làm tôi ngạc nhiên. Từng đoàn xe đông đảo cứ đi ngược hướng với chiếc Dodge 4, không một chiếc xe nào cùng chiều với xe tôi, nghĩa là những xe này tù Nha Trang đổ vào Nam. Tôi ngờ ngợ như đã xảy ra một cuộc di tản. Nhưng tại sao lại phải di tản chứ? Mà hình như đúng là di tản thật! Một số đông xe con xe lớn có chở trên mui bao nhiêu là thứ vật dụng lớn nhỏ vặt vãnh của gia đình; trong xe thì nào là đàn ông, đàn bà, trẻ con. Thôi đúng rồi, cái tin cắt đất từ đèo Cả để chia lại hai miền Nam Bắc có thật rồi, và như thế Nha Trang sẽ là ải địa đầu, không ai muốn ở tại cái ải địa đầu, nên họ lùi sâu vào trong cho chắc, nhất là lúc giao thời, bên này pháo qua, bên kia pháo lại nguy hiểm.
Ê này! Sao người ta kéo đi như ngày hội thế kia? Một người đàn ông thò đầu ra khỏi xe ngó dáo dác nói toáng lên, làm những người trong xe chồm theo ra nhìn.
Này, giống như cái lúc từ Quảng Ngãi, người ta đổ ra Tam Kỳ rồi từ Tam Kỳ ra hướng Đà Nẵng đấy. Người đàn ông hãy còn băng mũi do bị thương trong trận ẩu đả vừa qua đưa ra nhận xét.
Dọn nhà rồi đa! Chà chà – Ở đây mà cũng chạy loạn nữa à. Ông già trong đám hay có những suy nghĩ phán đoán của người giàu kinh nghiệm: – Thế này thì còn nói thế nào nữa, chúng mình di tản vào đây thì cũng như không. Kiểu này người ta nói “chạy ô mồ mắc ô mả” đây.
Đâu mà kỳ cục vậy. Một người đàn bà chen vô bàn. Mới ba ngày, vừa giải phóng Đà Nẵng, chẳng lẽ bây giờ ở đây cũng sắp giải phóng nữa à! Mấy ổng có sức thánh cũng chẳng có thể mà vác súng chạy mau cho kịp tàu. Đánh giặc cả tháng chưa dành được một thước đất, mấy người nói chuyện thần thánh.
Ậy, coi chừng đó, thần thánh đó đa! Tay lính hải quân nói chắc chắn: – Trước đây mà mấy ổng đầu hôm ở chỗ kia cách năm chục cây số mà sớm mai đã nổ súng ở chỗ này rồi – Mà đâu phải là cái chuyện đánh ở Đà Nẵng rồi chạy vào đây đánh. Đụng ở đâu, mấy ổng đánh ở đó, trong này thì các đơn vị tại chỗ tham gia chiến trường.
Khoan, khoan, khoan vẽ rắn thêm chân, bình tĩnh nào. Một người mắt bị bầm đen chồm lên nói: – Có ai biết chắc tin cắt ngang đèo Cả không?
Có! Rất nhiều người nói có.
Cắt ngang đó thì ở đây yên – Miễn bàn nữa. Người bầm mắt nói xong rồi nằm xuống lim dim đôi mắt.
Mà chỉ là tin đồn thì có chắc gì. Anh băng mũi lại hoang mang tiếp: – Tức thiệt, mấy ngày nay không có lấy một tờ báo, đài điếc gì thì cũng câm tiệt luôn. Sống mà như ếch ngồi đáy giếng, chẳng biết gì ráo!
Thôi đi! Ông già không bằng lòng câu vừa nói: – Tôi bây giờ thì không còn tin nổi chuyện chính phủ, quân đội này nói nữa. Toàn là bọn láo khoét. Qua mấy trận tróc da đầu rồi ai còn tin là còn ngu. Bây giờ muốn chắc ăn băng qua bên kia đường hỏi thiên hạ, ăn chắc. Tin tức chính xác ở lỗ miệng người trong cuộc.
Tôi nghe ông già nói đúng như ý mình nên xung phong:
Để tôi làm chuyện này cho. Tôi phóc xuống xe định băng qua đường, thì bất chợt gặp Thái từ đầu xe đi xuống. Tôi hỏi ngay:
Sao xe ngừng lại lâu vậy. Xe hư à?
Thái không trả lời câu hỏi của tôi mà chống tay vào thành xe, ngước cổ nhìn mọi người. Trên xe có người lo lắng hỏi:
– Hết xăng hả anh?
Thái thở ra với mọi người, quay sang tôi, anh lắc đầu nói:
Xe chẳng hư mà xăng thì đầy ắp. Nhưng tài xế thì bỏ đi rồi.
Hả? Mọi người hốt hoảng lạ lùng. Thái nói rõ thêm:
Hắn nhất định không chịu lái nữa, và hắn đã bỏ đi rồi.
Sao không giữ hắn lại? – Người nào đó vừa hỏi xong lại trả lời luôn: – Nhưng vô ích, giữ sao được!
Thôi dậy – Thái từ tốn trình bày tách bạch: – Ta không giữ tài xế của họ lại được. Tay này thấy người ta rùng rùng bỏ Nha Trang đi, hắn hốt hoảng. Hắn cho biết người ta đồn giải phóng không chịu ngưng lại ở đèo Cả mà mở chiến dịch giải phóng suốt vào Nam luôn, đến nơi nào thì nơi ấy thuộc vùng của họ, có thể là cả vùng 1, vùng 2, còn vùng 3 và 4 thuộc quốc gia. Đến bây giờ ra đến quốc lộ 1, thấy cảnh này là nó chắc rồi, nó nhất định bỏ trốn lo cho gia đình.
Ở trại an ninh, người ta chuẩn bị cho bọn mình hai phương án – Thái ngừng lại, móc túi áo trên lôi ra xấp giấy đánh máy gấp tư, mở ra và đếm trên tay mấy tờ, giơ lên cao, cho vào túi rồi nói tiếp: – Một phương án máy bay và một phương án GMC, đầy đủ sự vụ lịnh chừa trống để điền tên mọi người vào. Cả hai phương án này đều do quân vận đảm trách.
Anh ngừng lại, để cho trên xe suy nghĩ thấm ý, rồi anh tiếp:
Vậy theo ý tôi, thì ra cục quân vận Nha Trang thi nhận sự vụ lịnh, xin phương tiện máy bay đầu tiên. Nếu máy bay không có hoặc phải chờ ít ngày giải quyết thì tôi xin ngay GMC đi cho kịp lúc, nếu có thật là dân ở đây bỏ chạy thì ta cũng có phương tiện GMC để đi rồi.
Thế bây giờ ta trở đầu xe chạy luôn có hơn không hả anh Thái? Tôi bàn góp: – Tôi chỉ ngại nếu chần chờ thì lại đâm vào cái cảnh như ở Đà Nẵng quá.
Được thôi! Thái nói với vào trong xe bằng thái độ khoan thai để mọi người nghe kịp mà có thêm giải pháp chọn lựa. Tính như anh Hòa thì chúng ta đi sớm hơn, chắc ăn hơn; nhưng có những điều này sợ rồi ta hối tiếc.
Thứ nhất là nếu còn có máy bay thì chỉ hai tiếng đồng hồ sau ta đã ở Sài Gòn rồi.
Thứ hai là với GMC và hai phuy dầu dự trữ ta đi suốt trong 12 tiếng đồng hồ. Nếu cho được đến sáng mai có xe thì chiều mai ăn cơm ở Sài Gòn.
Thứ ba là chiếc Dodge 4 chỉ cho phép ta đủ đến Phan Rí với lượng xăng của nó, không biết tại đấy chúng ta xoay xở như thế nào. Hơn nữa ta chỉ có sự vụ lịnh ra Nha Trang, đi vào Nam gặp trạm kiểm soát ta khó qua.
Thời khắc trôi qua lặng lờ, trong xe bàn tán ồn ào. Trong khi đó Thái hỏi ý tôi.
Hòa nì, thật tình thì tôi với cụ có thể tách đám đi ngay bây giờ, mình xuôi Nam liền, tới đâu hay tới đó, hai đứa thì cũng dễ tính thôi. Nhưng tôi có cảm giác như thiếu mình thì những người ngồi trên xe đâm ra lúng túng, hơn nữa, riêng tôi có một cái gì đó như là trách nhiệm với họ.
Chà! Khó dữ. Tôi suy nghĩ một lúc rồi trả lời – Đúng vậy anh, đã trót thì phải trét, cưu mang thì phải chịu đến lúc sanh đẻ chứ. Cứ để họ có ý kiến trước, nếu chính họ tách đám thì mình cứ theo ý mình, không phải ngần ngại đắn đo gì. À mà hình như anh có trách nhiệm lớn đấy, bây giờ anh phải sống làm sao cho đầy đủ bổn phận của anh Hai chứ!
Sao, anh Hai nào? Thái ngạc nhiên làm tôi cười thích thú.
Thì anh Hai sinh viên đã mất đi rồi, tất nhiên phải thế vào anh Hai trung úy chứ?
Thấy vẻ mặt của tôi nghiêm nghị, Thái quay nhìn cô gái một lúc rồi anh gật đầu. Cô gái nhìn anh im lặng…
Này anh trung úy! Ông già kêu Thái nói: – Chúng tôi tính kỹ rồi, tất cả đều quyết định đi theo anh như khi ở trại an ninh chúng tôi đã quyết chờ anh đi theo vậy.
Thái nhìn vào trong xe rồi nhìn ông già cảm động. Ông già cười:
Có lẽ kiếp trước chúng ta là những người trong đám Lương Sơn Bạc, nên bây giờ chúng ta gặp nhau, mà anh thì như Tống Giang.
Thái cười nói:
Đấy là kiếp trước, kiếp này thì tôi làm tài xế. Thôi chúng ta đi, mời cụ ra trước ca – bin. Thái mời ông cụ vì anh liếc thấy tôi lấy ngón tay chỉ chỉ vào lưng ông ta.
Xe lăn bánh, bình tĩnh đi vào thành phố Nha Trang trong khi dân lính từ đó ồ ạt kéo ra. Việc gì đã và đang xảy ra ở thành phố này.
Như Đà Nẵng vào những ngày cuối; sự hoang tàn bày ra trước mắt mọi người. Xe đậu lại trong sân Cục quân vận. Thái bước xuống ra phía sau gọi tôi và dặn dò người trên xe ngồi tại chỗ không được đi đâu. Anh phải ra đi bất ngờ và không thể chờ ai được. Anh căn dặn những người đàn ông khỏe mạnh lo lắng cho mọi người và bảo vệ xe. Xong anh và tôi sóng vai đi thẳng vào tòa nhà lớn nhất có tấm bảng đề: Phòng tiếp vận. Nơi đó rất đông người chạy ra chạy vào lăng xăng.
Vào đến nơi, Thái kéo tôi đến ngay bàn tiếp khách, nơi đó có nhiều người chen lấn. Thái lò dò chen vào thụt ra chỗ này chỗ nọ, sau cùng anh chen đại vào một chỗ sát bàn, lấy hai tờ sự vụ lệnh trải lên bàn. Những tờ sự vụ lệnh này đã được chuyền tay ghi tên đầy đủ mọi người trên xe đang khi đến đây. Những tờ sự vụ lệnh chồng lên cao nghệu, trong khi sau bàn tiếp khách chỉ có hai người giải quyết.
Điều mà Thái lo lắng nhất là hai tờ sự vụ lệnh của anh có nhiều điểm sai nguyên tắc. Bọn an ninh quân đội chỉ có thể đánh máy tên Thái và tên cô gái vào đó thôi, những tên khác chúng tôi không chịu điền vào. Lý do thật là rắc rối. Khi bọn an ninh quân đội cấp sự vụ lệnh chỉ ghi tên của Thái và cô gái, cốt để hai người về được Sài Gòn đem vàng ra nộp cho chúng, mà mua sự “bỏ qua” hai vụ án gây ra trên tàu và tại trại an ninh. Vì muốn đưa “cả xe Dodge 4” về Sài Gòn, tự ý điền tay 86 người nữa vào mà làm cho hai tờ sự vụ lệnh đã trở thành không còn hợp lệ. Biết thế nhưng vẫn liều không thể xoay thế nào được nữa. Chỉ còn hy vọng anh trung sĩ đang tất bật giải quyết thông qua sự vụ lệnh sẽ không kịp phát hiện sự không hợp lệ đó. Còn cô hạ sĩ, Thái không lo, cô chỉ là cái “máy” đóng mộc đang không hở tay.
Trung úy Thái! Người trung sĩ gọi.
Có tôi! Thái giật mình rồi chăm bẳm theo dõi thấy người trung sĩ cầm lấy tờ sự vụ lệnh của mình, mà người thon thót.
Không còn chuyến bay!
Hở!…
Thế hủy tờ sự vụ lệnh này. Vừa nói xong, người trung sĩ quăng tờ sự vụ lệnh vào ngăn tủ bên dưới chỗ anh ta ngồi rồi bốc liền tờ kế tiếp, gọi tên:
Trung úy Thái! Ủa cũng của trung úy nữa à!?
Của tôi!
Trung úy có một lượt hai sự vụ lệnh à?
Phải!
Người trung sĩ lấy làm lạ tần ngần, chưa bao giờ có ai lại được một lần hai kiểu sự vụ lệnh nhưng vẫn hỏi:
Thế à? Sao thế?
Nhiệm vụ đặc biệt của an ninh quân đội. Thái đáp liều. Không ngờ sự đáp liều ấy được việc, nghe đến an ninh quân đội, người trung sĩ e ngại không vặn tiếp về các thắc mắc khác, anh ta dễ dàng chấp nhận tất cả những điều ghi trên sự vụ lệnh của “an ninh quân đội”.
88 người tất cả hả trung úy?
Đúng!
Đều đi Sài Gòn!
Đúng!
Được! Trung úy sử dụng GMC. Sẽ cấp cho trung úy một giấy giới thiệu với đoàn xe, xuống đó trung úy cố xoay, nhưng ngại là không có tài xế.
Được! Tới lúc này thì cái gì Thái cũng nói “được”, anh mong thông qua tờ sự vụ lệnh cho rồi.
Và đúng như Thái ước, tờ sự vụ lệnh được người trung sĩ đưa sang đóng dấu, trong khi anh ta viết ngay một giấy giới thiệu cho Thái đến đoàn xe quân vận.
Vừa cầm đủ mấy giấy tờ trên tay, Thái tách liền đám đông quay ra tìm tôi trong lúc tôi đang nói chuyện với một người không quen.
Đi Hòa, xong rồi! Thái gọi tôi. Tội vội vã từ giã người kia quay chạy theo Thái.
Ai thế? Vừa chạy ra xe Thái vừa hỏi tôi.
Một người bạn kiến trúc sư ở đây. Tôi trả lời.
Làm ở đâu?
Khu quân sản tạo tác. Một trưởng phòng đấy.
Ừ hử,
Đến xe, Thái lao lên tay lái, tôi nhảy ngay lên phía sau. Chiếc xe lại vụt đi tìm đoàn xe quân vận ở cách chỗ này ba cây số.
Đến nơi, ở một khuông đất rộng rãi, nơi trú đóng toàn bộ xe quân vận của tỉnh, im lìm. Cái im lìm thật đáng sợ. Các phòng thì cửa đóng kín, các nhà xe thì cửa mở trống hoang. Trạm gác, bốn vòng rào, trong sân không có ai.
Thái xuống xe nhìn quanh ngơ ngác. Im lìm vẫn im lìm. Một ông già mặc đồ lính mang dấu hiệu quân vận ở đâu lò dò đi ra. Thái mừng quýnh gọi lớn:
– Ông già! Ông già ơi!
Ông già quay lại, Thái hỏi gấp:
Mọi người đâu cả rồi bác?
Đi hết rồi! Ông già trả lời gọn lỏn làm Thái nghe đau ở cổ, nghẹn họng:
Chừng nào về?
Ông già lắc đầu, cúi xuống lẩn thẩn quay vào nơi ông vừa bước ra.
Lúc đó, tôi cũng nhảy xuống xe nghe được lời ông già nói. Chúng tôi nhìn nhau. Thái nói như muốn khóc:
– Đi hết, đi luôn rồi Hòa!
Đột nhiên Thái hét to lên trong khoảng không vắng lặng.
– Đi luôn hết rồi, không còn ai ở đây nữa cả!
Mọi người lục đục bước xuống sân nhìn quanh quất. Cái sân rộng, nhà cửa bỏ hoang, 88 con người và một chiếc Dodge 4 chỉ còn xăng cho năm cây số đường mà Sài Gòn thì còn xa 500 cây số….
Hy vọng sụp đổ – 88 người ngồi bệt xuống đất quanh chiếc xe.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.