30 Tháng 4 – Chuyện Những Người Tháo Chạy

Lũ Cướp Biển



Hai bên hành lang hẹp là hai dãy phòng dùng làm phòng ngủ hạ sĩ quan và binh lính bốc xếp của tàu. Phòng chia ra nhiều ngăn bây giờ thì bỏ trống, vì tàu không có nhiệm vụ chở hàng. Số binh lính hải quân chiến đấu ở vị trí chiến đấu tại chỗ. Các phòng này bây giờ dùng để tống giam những người bị nghi hay quả quyết là Việt cộng. Phòng giữa bên trái, dùng để tra tấn.

Phòng giam tôi và Thái, ở cận sát phòng tra tấn, ngăn cách bởi một bức vách phi – bro xi – măng mỏng nhẹ. Kế bên là phòng giam hai anh em cô gái tóc thề, ngăn song thưa bằng những ống nhôm. Các phòng khác giam những người còn lại. Tất cả các phòng, cửa đều thông ra hành lang.

Tôi và Thái ngồi bất động cạnh nhau, lưng dựa vách. Trên vách là một lỗ kính tròn, nhìn ra biển, mặt kính thỉnh thoảng bị bọt sóng phủ nhẹ.

Anh nhận mình là Việt cộng. Tôi để tay lên vai bạn, nhẹ nhàng nói: – Thế là anh quyết định mình là ai rồi, anh đã tự mình qua với những người anh em của anh bên ấy. Họ không biết anh, nhưng vô hình trung họ có anh đang chiến đấu bên cạnh.

Thái độ chiến đấu của tôi. Thái nói quyết liệt: – Là cắn răng và không để phải quỳ, dù chết tôi cũng chết đứng – Và tôi chỉ cần hét to: “Việt Nam muôn năm, Bác Hồ muôn năm” là hàm đủ mọi ý chính trị rồi.

Tôi cười nhưng chua chát:

Tính anh cứng rắn, anh đóng vai ấy thật thích hợp, và anh đã thành công. Còn tôi thì ý chí yếu kém, tôi sẽ chọn sắm một vai ngược lại. Tôi vẫn là một sĩ quan cộng hòa, khi bị đánh tôi la hét van xin, quỳ gối lạy lục, và trước khi chết, tôi ráng mà nói cái câu tôi ghét nhất này: “Lạy ông tha con”.

Cụ khéo khôi hài. Thái bật cười: – Thế là chúng thấy hai chúng ta đại diện cho hai bên; một là người lính du kích chết anh hùng với khẩu hiệu vang lên; một là sĩ quan ngụy chết quỳ mọp xin tha mạng. Thế là cụ cũng góp phần ngang tôi. Cũng là một hình thức để thức tỉnh kẻ khác. Nghĩ ra vai phản diện ấy khá hay! Tôi phục cụ đấy!

Mà này anh Thái – tôi chợt nghĩ ra và nói: Tại sao chuyển biến cái rụp vậy, anh thấy gì trong mấy ngày nay!

Thấy như cụ thấy đấy – Thái gục gặc cái đầu. Hơn cụ, tôi còn được mục kích chuyện của năm Mậu Thân, chuyện thực như hôm nay. Chính ra tôi quá nhút nhát, có thúc đít mới chuyển; nếu ngày nay chưa tới chắc tôi vẫn còn tu rượu.

Tôi muốn nói với Thái là bản thân tôi chuyển biến còn chậm hơn. Mười lăm năm chìm trong tăm tối, thấy và biết có ánh sáng, nhưng không có gan dứt bỏ cuộc sống vật chất; nhưng tôi sợ bạn phải buồn, phải nghĩ ngợi nên lại thôi, không nói.

Tôi nhìn qua phòng giam bên cạnh, hai anh em ngồi ủ rủ, không nói năng. Tôi cố tìm trong họ một nét gì đó nói lên con người cách mạng, nhưng không thấy được, nhất là màn kịch đêm hôm lại chứng tỏ họ càng không phải. Anh hiểu họ bị hàm oan. Nhưng tại sao lại vậy?

Có tiếng rù rì bên phòng tra tấn, Thái ngồi gần bên vách, ép ngay tai vào. Tiếng rù rì đã nghe rõ:

Ê đem thằng Việt cộng vào chơi trước cho đã, mấy lúc này tao ngứa quá.

Thôi anh Hai, bây giờ chơi gì nữa, sắp đến Cam Ranh rồi mà con mồi thì nhiều quá.

Làm ăn trước anh Hai ơi – Việt cộng việt kéo mà làm gì. Vàng tiền trước tiên.

Tụi bây ngu quá, hồi điệu tụi nó đến, tụi bây không moi cho rồi.

Moi đâu được anh Hai! Đông quá, tụi nó biết, tụi nó tố thì tiêu, được cái quái gì anh Hai. Cứ làm vầy, êm ru, soát thằng nào xử thằng đó, khỏe re không ai biết!

Thôi khỏi dài dòng, làm gì thì làm, hễ trời hừng sáng là để tao chơi tay đôi với thằng Việt cộng. Có làm, làm riết đi!

Thằng kỹ nghệ gia trước nghe anh Hai.

Có tiếng mấy thằng chạy đi, tiếng nói lại tiếp:

Tụi bây nhớ nghe, thằng này chơi ngay tấm chi phiếu nghe, thứ khác không cần.

Thứ nào cũng cần hết đó anh Hai, thứ lặt vặt em lo.

Ê tụi bây, xấp chi phiếu của nó đâu?

Đây nè anh Hai, em lục trong cái Xam – xô – nai[17] của nó.

Tao sợ nó ký tên giả, tới lúc vào trỏng đi lãnh bị chộp thì bỏ con mẹ tao mồ côi, tụi bây cũng hết đời.

Anh Hai đừng lo, để em, em là quân sư của anh Hai ngon lành.

Tao phụ với mầy cho anh Hai yên tâm.

Mầy nói gì vậy, đ.m, anh Hai giận bây giờ, anh Hai sợ ai mà không yên tâm.

Tiếng cửa mở ra, bước chân loạn xạ, có tiếng kéo lê cái bọc to.

Nó đi không nổi, em phải lôi, cái thằng mập nặng thấy mẹ. Nghe im lìm, có tiếng rên:

Trời đất ơi, (cái giọng thằng xưng là quân sư) chết mẹ tụi bây rồi! Anh Hai biểu mày đi mời, sao tụi bây lại lôi ổng. Tụi bây không biết đây là kỹ nghệ gia số một của ông Thiệu hay sao?

A ha ha – Cái thằng dốc tổ – Chơi trò gì vậy mậy?

Im! Tiếng gầm rung chuyển, tụi bây im hết để thằng quân sư làm việc, đứa nào lộn xộn tao cho gẫy hết răng.

Im lặng.

Ông kỹ nghệ gia thân mến ơi. Giọng hết sức xỏ lá của thằng quân sư – Chúng tôi biết ông là ai rồi, chúng tôi điện về hỏi, người ta cho biết tên ông và bảo ông ký một chữ ký, chúng tôi cho trực thăng về xác nhận, tạm thời ông ở lại một hôm ở Cam Ranh; nếu xác nhận là chữ ký đúng, trực thăng sẽ đưa ông về Sài Gòn liền…

…Ông kỹ nghệ gia ơi, ông có nghe rõ không? Ông ráng ký cho đúng. Ông ký đúng ông về Sài Gòn khỏe re…

…Ông không nghe à, sao ông ngồi thừ ra vậy, ông suy nghĩ gì vậy. Ông nghĩ cách trả thù tụi con sao? Hu hu hu. Có tiếng khóc nức nở.

…Chết mẹ hết rồi…tụi bây ơi…, ông kỹ nghệ…trả…thù…hu…hu.. Ông đừng thù…tụi con…ông ơi…, tội nghiệp…tụi con mà…tụi con chỉ biết làm phận sự…, cái thằng chỉ ẩu ông…tụi con quăng xuống biển rồi.

Im lặng. Giọng thằng quân sư ráo hoảnh:

…Thấy hông? Nó biến mất rồi, ông làm sao thấy nó ở đây, nó theo xách dép cho hà bá rồi… Lại giọng ấy rú lên khóc:

Hu hu…còn tụi con ông tha tội đi. Hu hu…Lạy tụi bây! Lạy tụi bây. Tiếng lạy đập đầu đập tay xuống sàn tàu nghe bộp bộp.

Im lặng. Giọng thằng đểu reo hò tở mở:

Ổng đứng dậy rồi, ổng tha tội rồi bây ơi, tụi bây lấy giấy tờ ra cho ổng ký đi. Mời mời!! Mời ông ngồi! Lấy cây viết pa – ke của ông đưa đây. Lẹ bây! Mời mời!! Ký giống nghe ông, nếu không giống ở trỏng không xác nhận thì ông tiêu mà sau này tụi tui cũng khổ lắm.

Im lặng. Rồi thằng quân sư lại trồi lên:

Đúng chữ ký này. Đúng không ông? Trời, không đúng khổ lắm…

Đúng thiệt hả ông? Tụi tui gửi đi ngay nghe, gởi rồi không gởi lại đó nghe, bút sa gà chết nghe ông! Im lặng. Bỗng Thái nghe cái giọng khàn khàn của tay kỹ nghệ gia lấy lại phong độ:

Tụi bây chó đẻ quá! Dám chơi tao.

Tụi bây…

Không? Mà đúng chữ ký này không? Con lo cho ông quá, hình như chưa đúng? Thằng quân sư chen ngang làm tay kỹ nghệ gia nổi giận, quát nạt theo cái giọng của ông chủ bự:

Chó đẻ mẹ mầy! Bộ tao ngu ký bậy để tao “hui” hay sao? Giọng khàn khàn hách dịch: – Đợi rồi về Sài Gòn tao tính tụi bây!

Á hà! Giọng thằng quân sư: – Đúng rồi đó, yên tâm rồi, ổng tự coi như về được Sài Gòn, nên ổng đòi “tính” rồi. Hắn đổi giọng:

Ông kỹ nghệ gia ơi! Một chữ ký không đủ đâu. Phải hai chữ ký mới được

Hia chữ ký để làm gì? Giọng khàn khàn ngạc nhiên.

Phải hai chữ ký mới được, ông kỹ nghệ à! Một vào Sài Gòn có rồi, còn một để ở đây làm bản lưu, bản lưu để tụi em giũ đó mà…Mà, này ông kỹ nghệ, hai chữ phải giống nhau như hệt, mới giá trị nghe ông.

Im lặng.

Thôi đem lẹ giấy ra đi, tao ký! Giọng khàn khàn hách dịch.

Đây nè ông kỹ nghệ, tụi con đã chuẩn bị sẵn rồi, trước khi ký, ông kỹ nghệ viết giùm “một con số một và tám con số không” để cho kẻ cầm chi phiếu này.

Im lặng. Rồi sau đó có tiếng thây người đổ rầm.

Xong rồi đó anh Hai, làm một chút thủ tục bình thường để lấy chữ ký. Anh Hai cho phép nghe. Im lặng.

Tụi bây đâu, làm thủ tục.

Tiếng đánh, tiếng la hét, tiếng ngã đổ. Im lặng, tiếng viết tiếng ký tên, tiếng chửi thề, lại tiếng đánh đập, tiếng la hét, tiếng…sau cùng là tiếng cười tổng hợp.

Xong, một trăm triệu và hai chữ ký y hệt nhau của thằng kỹ “gừng”.

Kéo nó qua một góc, để nó hù mấy đứa sau.

Im lặng.

Rồi, đến đám nào nữa tụi bây?

Anh em con thằng chủ tiệm vàng ở Huế, cùng một kiểu mìh làm luôn nghe anh Hai.

Trò chi phiếu?

Không phải anh Hai, trò viết thư.

Rồi! Đem vào.

Thái và tôi buông rời tấm vách, quay nhìn hai anh em cô gái: “Thôi rồi, hai đứa con nhà giàu, phen này chắc chúng hết sống. Khai thác trục lợi xong, chúng sẽ thủ tiêu”.

Cánh cửa phòng vụt mở, hai tên vằn sóng biển đã bước vào:

Ê, thằng lõi con! Một đứa nạt dội làm anh thanh niên giựt mình.

Mày phải con chủ tiệm vàng T. L không? Thằng đó hỏi làm hai anh em tròn mắt ra nhìn. Đoán được cái nhìn ấy, thằng mặt vằn biết đúng tủ, hắn dứt dạc:

Này hai đứa theo tao qua anh Hai hỏi! Đi!

Hhai anh em uể oải đứng dậy, lủi thủi bước đi. Hai thằng vằn sóng biển theo ra sát nút, chúng đóng cửa lại, trong lúc Thái lắc đầu thở dài, ngồi tựa cả thân người lên các ống nhôm làm chúng oằn đi. Nhìn mấy ống nhôm mà óc tôi lóe lên một tia chớp.

Thái ngồi thẩn thờ, anh thương hai đứa nhỏ. Con nhà giàu đấy, nhưng chắc chưa biết gian lận làm giàu như cha nó. Tôi bước tới níu vai áo Thái:

Anh Thái, vấn đề chỉ còn cái cửa phòng. Tôi đưa tay, Thái nhìn về cửa phòng giam hai anh em. Tôi nói:

Đây anh xem. Vừa chỉ Thái, tôi vừa banh hai chấn song nhôm, chúng cong oằn bày ra một khoảng trống rất rộng. Thái chợt ngồi nhỏm dậy nhìn, và anh bỗng đứng lên kéo tôi đi về chỗ ngồi cũ. Thái nói:

Bình tĩnh, phải có kế hoạch. Thế là chúng tôi bàn bàn…một lúc sau Thái kết luận:

Đấy chỉ còn vấn đề là cái cửa phòng này.

Từ phía bên kia có tiếng hét và tiếng đấm đá ầm ầm.

Thái và tôi áp sát tai vào tấm phi – bro xi măng, nghe bên phòng tra tấn:

Ngu bỏ mẹ, đâu phải vàng của mày, cũng không phải của cha mày, của bá tánh mà tiếc cái gì. Của bá tánh cha mày lừa lọc lùa vào, thì bây giờ ổng đẩy ra cho tụi tao, tụi tao cũng là bá tánh vậy.

Đ. m! Lý thuyết cái con c…gì, quánh chết mẹ nó là nó phải viết.

Viết đi mày. Một bức thơ viết nhẹ nhàng mà mày cũng không chịu, mày “lừa ưa nặng” phải không? Tiếng đá vào đống thịt nhưng không có tiếng rên la.

– Đ. m, đánh đi!

Tiếng đấm đá ầm ầm dữ dội, nhưng không tiếng kêu la.

Ê! Thôi viết đi mày!

Thôi dẹp thằng đó sang bên, bắt con nhỏ viết.

Ăn thua chi! Người thanh niên bỗng dưng lên tiếng:

Tôi đã bảo từ đầu không ăn thua. Mạng nó cha tôi chi trả chừng hai lạng vàng là cùng. Hoài công.

Tức chết mẹ, nào là nữ nhi ngoại tộc, nào là chỉ đáng hai lạng vàng. Con nhỏ chịu viết, mà mà…đéo mẹ tiên sư…thế thì mầy viết đi!

Lá thư tôi viết giá trị vô cùng. Giọng anh thanh niên vẫn còn hơi sức: – Tôi là con trai duy nhất, con cả, con cưng, đổi cả gia tài sự nghiệp cha tôi đổi ngay. Một bức thư chừng hai trăm lạng vàng nhiều hỉ?

Nè, anh Hai. Giọng lè nhè của thằng quân sư: Đừng bị nó gạt – Cứ biểu con nhỏ viết, trong thư chỉ cần cái câu “Hai anh em bị bắt chung”. Chừng đó thì thằng cha của nó phải lo xong thôi.

Nói răng rứa! Giọng anh thanh niên uể oải: – Cha tôi sẽ ngạc nhiên. Hai anh em bị nhốt, sao tôi lại không viết cái thư. Ông sẽ tự hỏi: “Tại sao không phải nó viết mà em nó viết?”. Ông lại nghĩ: “Con nhỏ mượn thế anh mà xoay tiền”. Em tôi nó hư lắm, xoay kiểu đó mấy lần rồi, cha tôi rành nó lắm.

À! Vậy thì tao bắt mày ký vào một bên lá thư, ổng phải tin. Thằng quân sư hung ác tưởng ý kiến đó ngon ăn, cười khà khà.

Tao chưa thấy giống nào ngu bằng bọn bây, một chữ ký và một bức thư ngang nhau, tao mà chịu ký thì đã chịu viết rồi. Ngu rứa là ngu, ai mà sử dụng làm chi cái đám ngu si dạy tụi mi rứa mi. Chắc cũng là một đứa ngu mô đó…

Tiếng hét vang dội và tiếng đấm đá tơi bời.

Thôi tụi bây, làm nó chết thì hết hai trăm lượng vàng đó nghe. Tiếng đấm đá ngơi đi.

Để xem. Để xem. Thằng quân sư bày kế: À thôi được. Anh Hai nè, xử nó, nó chịu tới cùng, xử em nó, nó chịu không nổi đâu?

Xử con nhỏ tao tiếc quá mầy, con nhỏ này được quá, đời tao chưa gặp lần nào.

Anh Hai tiếc cái gì thì tiếc một cái thôi chứ, hoặc hai trăm lượng hoặc con nhỏ.

Tao tiếc hai cái.

Trời ơi, năn nỉ anh Hai mà!

Thôi hai đứa này để lại, tao xử sau.

Hổng được đâu anh Hai, trời gần sáng rồi mà cảng Cam Ranh thì sắp tới. Tụi em nói anh Hai chịu nghe đi, mấy món sau không ngon đâu.

Mấy món sau làm lẹ mà mậy. Lôi vào lột ra rồi “chĩa” nhanh chết mẹ, thôi đem mấy món sau ra làm trước. Đi đi tụi bây, lôi hết vào đây!

Còn hai đứa này tính sau nghen anh Hai.

À, à, ừ, ừ…mầy đem tụi nó qua bển lại, à, à đem một mình con nhỏ thôi.

Anh Hai, anh tính bậy rồi, không còn thì giờ.

Bậy con mẹ gì. Tụi bây chĩa xong là tao cũng xong. Tụi bây làm đi, còn chần chờ gì nữa!

Thật nhanh, chỉ một phút sau, chúng tập trung sức mỗi thằng làm một việc…

Cô gái bị tống vào phòng giam ngã nhoài xuống đất, cô khóc nức nở, cô đã biết số phận của mình, sẽ rơi xuống chín tầng địa ngục, nhục nhã đau đớn rồi chết, một số phận đen đúa không làm sao tránh được. Cô sắp bị hành hình, bản án đã đặt xong, cô đã nghe và đang chờ thi hành, chỉ trong phút giây thôi.

Tôi cảm thấy bồn chồn. Kế hoạch trốn đi của hai người thật dơn giản, nhưng tình huống bây giờ thay đổi, cô bé đã bị lôi vào phòng, rồi sẽ lôi theo thằng đầu sỏ giặc cướp.

Vấn đề bây giờ không còn đơn thuần là chỉ trốn thoát thân. Không thể làm ngơ trước mọi việc xảy ra nơi đây, nhất là đối với cô gái. Tôi vội hỏi Thái:

Tính sao đây anh?

Khó quá. Thái trả lời.

Cửa phòng giam cô gái bỗng bị đá tung…thằng đầu sỏ bọn vằn bước vào, nhìn cô giá đang nằm úp sấp thưởng thức, nghe tiếng động vẫn không quay lại. Nó toét cái môi dày ra, bàn tay hộ pháp xoa xoa trên bụng áo. Chợt nhìn lên thấy Thái và tôi đang ngồi, nụ cười nó tắt ngay, tay nó buông thõng.

Đ. m, thằng vằn đầu sỏ lẩm bẩm: – Hai cái phòng thông thương. Nó quát to:

Dòm gì mày?! Nhắm mắt lại tụi mày. Nó lấy phắt cây súng ngắn dắt sau lưng ra kéo cốp lên đạn chĩa vào chúng tôi.

Hai thằng Việt cộng cà chớn, cho tụi bây ngủ sớm cho rồi!

Vừa nói, nó vừa bước lại chấn song, đưa tay cầm súng qua chấn song. Tôi nghĩ là nó sẽ bắn, những thằng đần độn, thì việc đến đâu nó giải quyết đến đấy, muốn hưởng thụ nó phỉa dẹp bốn con mắt này đi, nó đang thực hiện ý định này. Nó nhắm kỹ, chỉ muốn người tôi sẽ ngã gục tức khắc với một viên đạn, tránh rườm rà lôi thôi với nhiều tiếng nổ. Mũi súng đang đi tìm điểm nhược nhất trên người chúng tôi.

Tôi im lặng chờ đợi cái đau nhói và sự quên đi tức khắc mọi việc. Nhưng vẻ mặt Thái lại nổi lên vẻ thách đố, như những gương mặt trong bàn phé. Tự dưng, anh rít qua kẽ răng:

– Bỏ súng xuống đi mày! Đừng dọa mà cũng đừng khờ.

Không khí chìm xuống, mũi súng đang di động rồi từ từ đứng yên lại.

Cũng may là bọn mày chưa giết chết ai, còn có thể gỡ được. Thái gằn giọng nói tiếp:

Này anh kia, có bao giờ anh nghĩ là anh phải ra trước tòa án quân sự không? Ra đó thì đời anh chẳng còn mồ mả gì cả!

Đ. m, mầy là cái thằng Việt cộng. Tao giết mầy, tao không ra đâu cả, tao còn được huy chương, thưởng tiền, thưởng phép.

Tao nói tao là Việt cộng, nhưng bằng cớ đâu? Tao nói cho mày biết, chính mày cũng không có một bằng cớ nào cả, mày mà giết tao rồi, xét ra tao là một sĩ quan của mày mang lon trung úy thì mày chết tươi!

Câu này, làm thằng vằn đầu sỏ giật thót người, nó cũng biết là nó không có một bằng cớ nào cả, rủi mà đúng như thằng “Việt cộng” nói thì chết. Nhưng nó lí luận:

Chính mày tự xưng là Việt cộng, ai nấy đều nghe mà?

Ai nấy là ai? Chỉ có bọn mày thôi, một bọn tụi bây người ta sẽ cho là hùa với mày

Có mấy đứa ở đây nghe, nó sẽ làm chứng cho tao!

Thái cười:

Làm chứng cái nỗi gì? Mầy giết người bịt miệng rồi còn đâu?

Con đĩ mẹ mầy? Tao bịt miệng mầy trước! Nó chực rút súng.

Miệng tao mày bịt – Thái nói không để chậm – Chớ miệng bạn tao mày bịt được không? Có tiếng đánh đập la rú phòng bên, nhưng ở đây Thái tiếp tục vờn bộ óc thằng ngu đần này.

Tao bịt luôn.

Không phải thằng này là bạn tao. – Thái đưa tay chỉ tôi rồi chỉ lên trần: – Bạn tao còn ở trên boong, lúc tụi bây bắt tao đi, tụi bây không thấy sao?

Thằng vằn đầu sỏ cười rú lên:

A ha ha, Việt cộng bạn với sĩ quan quốc gia. Nó cười rung rinh cả cái thân dềnh dàng của nó. Không còn tiếng la hét đánh đập nữa, phòng bên yên lặng.

Mầy nói đúng – thiếu tá, đại úy có bạn thì ít ra bạn cũng phải là trung úy. Tao là trung úy công binh đây thì sao?

Mầy láo, láo khoét.

Muốn biết thật hay không, sổ sách Tổng tham mưu trả lời mầy, họ sẽ cho mầy biết rõ trước vành móng ngựa.

Thằng vằn đầu sỏ hết cười. Nó ngớ ra. Đột nhiên mắt nó sáng lên:

Việt cộng tụi bây ghê lắm, thằng nào như thằng nấy, nói một hồi với tụi bây là khùng luôn.

Thế tao có làm gì ngược với lời nói không nào?

Thái không để cho thần kinh thằng ngu nghĩ ngợi. Tôi theo dõi câu chuyện của Thái, và hiểu bạn muốn làm gì rồi, trong khi đó, cô gái cũng ngồi lên dựa vào vách theo dõi cuộc đấu khẩu, nét mặt ngây thơ. Phòng bên im lặng đã lâu.

Thái trở giọng quát nạt:

Tao có ăn cướp giết người như tụi bây không? Thằng vằn đầu sỏ nổi khùng, mặt đỏ như gấc:
Nói mệt quá, tao khử mầy. Nó định moi cây súng ra. Nhanh hơn, Thái đưa tay chỉ lên cửa sổ kính tròn trên vách, bồi đòn cuối cùng:

Sáng rồi kìa mầy!

Nó nhìn lên cửa sổ, trời đã sáng bảnh, bàn tay nó dừng lại bên hông, mặt nhăn như khỉ, nó quay nhìn Thái, Thái liền cười với nó, nụ cười ung dung tự tại; miệng nó hoác ra, rống lên rung rinh cả căn phòng giam:

– Tụi bây cứu tao, cứu tao mau lên!

Nhanh như cắt, Thái lao qua chấn song, miệng kêu khẽ:

– Hòa theo tôi. Và tiện tay, Thái lôi theo cô gái đang há hốc mồm nhìn, và lao ra cửa…

Đêm 31 tháng 3 rạng một tháng 4, trên con tàu đưa 4000 dân di tản xuôi Nam thật yên tĩnh. Trên boong, dưới bụng tàu, người ta đánh một giấc dài, mệt mỏi gian truân tủi cực mất mát, tất cả đều theo giấc ngủ chìm lắng; suy nghĩ tiếc nhớ lo sợ cũng được rửa sạch. Giấc ngủ bình yên. Mờ sáng, khí lạnh trong đêm loãng dần, trời trở nên mát mẻ, một số đã thức dậy nhìn bâng quơ và chợt thấy tít trong xa, đất liền một dãy. Họ kêu nhau chỉ trỏ, dần dần huyên náo cả lên. Buổi sáng, mặt trời lên, trên tàu thức dậy. Hôm nay tàu sẽ cặp bến Cam Ranh, xa rời chiến tranh rồi. Người ta vui vẻ chấp nhận cuộc sống mới, cực khổ nhưng không chết chóc.

Đất liền đã hiện ra, con tàu đang lướt dọc bờ biển miền Trung, nơi đây thấy thấp thoáng nhà cửa giữa cây xanh núi đồi. Có lẽ tàu đi ngang Tuy Hòa rồi đến Nha Trang khi qua đèo Cả. Người ta áng chừng khoảng tám giờ ngày mùng 1 tháng 4, tàu cặp bến, mọi người sẽ đặt chân trên mặt đất. Người ta xôn xao bàn tán, cuốn chăn dẹp đệm, thay đổi quần áo, chải đầu, sắp xếp đồ đạc, quang cảnh náo nhiệt hẳn lên.

Bảy giờ sáng, tất cả đã chuẩn bị xong xuôi, đợi chờ. Một số rảnh rỗi theo dõi đất liền để thông báo liên tục các nơi đang qua. Ngang một đảo nhỏ nào đó ngoài khơi, họ cũng đều hỏi xem là đảo gì, ở phía trong kia trên đất liền sẽ là chỗ nào. Có người khẳng định nơi ấy họ đã đi qua năm nào, hoặc lúc bao nhiêu tuổi, hoặc ở đó họ làm gì. Lòng người nôn nao khó tả, nhiều người quên cả hôm qua còn vật lộn với tử thần, quên luôn những giờ thúc thủ đã thúc thủ trước tử thần. Cũng có người nhớ, mới giờ này hôm qua còn ở trên chiến hạm, tưởng đảo Voi là Cam Ranh; mới trưa hôm qua, thấy Mig bay qua mà xương sống lạnh toát, nhưng sao Mig lại không bắn. Có người còn ớn da gà khi thấy hạm đội Bắc Việt đậu ngoài khơi xa, cũng mới chiều hôm qua thôi (lúc đó Thái và tôi đang bị nhốt dưới hầm tối). Còn những gương mặt trầm ngâm, ngồi yên bất động thì sao? Chắc trước mặt họ là kỷ niệm của những người thân đã mất đi hay còn lại ngoài đó?

Còi tàu hú cùng tiếng la mừng rỡ vang dậy của 4000 hành khách. Tiếng la kéo dài theo tiếng còi tàu, âm giai tiết tấu hòa điệu thật ăn. Rừng người đứng dậy lởm chởm trên boong đặc lềnh trên sàn. Con tàu như bị đè nặng mà chạy chậm lại. Tiếng còi tàu dứt, tiếng la ó ồn ào. Tiếng loa vang vang từng tiếng một:

Tàu đang vào vịnh! Xin các người giữ trật tự! Về chỗ, ai ở đâu ở đó! Cấm ngặt di chuyển để tàu an toàn vào cảng…

Tiếng loa công hiệu hết sức, trên tàu im phăng phắc. Bây giờ còn được sống, biểu gì lại chẳng nghe.

Tiếng loa lại tiếp:

“…Chúng tôi chuẩn bị một cuộc lên cảng theo sự đón tiếp ở đó. Các người nhớ kỹ cho, các người sẽ chia làm hai lối lên cảng. Quân nhân sẽ theo lối từ trên boong xuống cảng. Thường dân sẽ theo lối từ bụng tàu lên cảng. Mỗi người cầm giấy tờ trên tay để dễ kiểm soát. Quân cảnh và an ninh quân đội sẽ kiểm soát quân nhân. Cảnh sát và công an sẽ kiểm soát thường dân. Các người sẽ nối đuôi nhau đi. Bây giờ hãy chuẩn bị hàng lối, tất cả quân nhân hãy lên boong tàu, tất cả thường dân hãy xuống sàn tàu. Hải quân chiến đấu hãy giữ trật tự, chỉ có hải quân mới làm nhiệm vụ này. Tất cả binh lính thuộc mọi binh chủng khác được tăng cường, bãi bỏ các lịnh trước đây, trở lại vị trí cũ…

Thôi chúc mọi người lên đường bình an.

Lịnh thì đơn giản, mà gây rắc rối hết sức cho hành khách. Bà vợ níu lấy anh chồng lính!

Anh ở dưới này đi với vợ con, anh lên trên đi riêng rồi mẹ con em làm sao tìm gặp. Đông vậy lạc nhau luôn! Đất lạ quê người khổ mẹ con em lắm anh ơi!

Không được đâu. Anh chồng lính trả lời: Rồi anh trình giấy cho ai? Dù có bỏ đồ lính mặc đồ dân, thì kiểm tra ở đâu mà trình công an cảnh sát?

Chứ anh gặp quân cảnh (bà vợ hù chồng). Nó hốt anh lên GMC chở luôn đi đánh giặc thì khổ cho mẹ con em lắm anh ơi!

Thế là cái gia đình ấy bấu víu lại với nhau, chẳng biết phải nhúc nhích về chỗ nào.

Chết rồi, giấy tờ đâu mà trình, chạy loạn rớt mất hết rồi. Nó chộp nó la là Việt cộng thì chết tía tôi!

Tui không còn một tờ giấy lộn lưng, giấy bạc cũng không có nốt. Làm sao bây giờ?

Mấy cái giấy ướt mẹp, chữ nhòe hết, ai tin là giấy thiệt hay giấy giả!

Cái gì chứng minh tôi được hoãn dịch đâu? Trên phà tụi nó biểu bỏ cái bị to lại. Trong đó toàn là sách vở văn bằng, giấy chứng minh sinh viên. Không bỏ, nó không cho “đi qua” mà bỏ rồi bây giờ mới khốn nạn!

Vừa mới thoát tử thần lại sắp rơi vào tử địa hết. Cứ điệu này đàn ông con trai vào lính, đàn bà con nít ra ruộng!

Mọi người nhốn nháo, kẻ chạy lên người chạy xuống, gọi ngang kêu dọc, mới sớm tinh mơ mà mồ hôi mọi người vã ra như tắm. Giống cái lồng bán chim, người ta đến lựa mua, chim hết hồn bay loạn xị, bay đâu cũng gặp thanh lồng cản lại.

Nhưng rồi cũng phải lên cảng, cũng phải quyết định một hàng mà đứng vào. Người ta xúm xít nối đuôi nhau. Những người xếp hàng đầu tiên, kẻ thì đứng sát vào cửa lan can trên boong, kẻ thì đứng sát bửng mở bụng tàu; những người đứng sau thì nôn nóng đứng nhích lên. Thế là toàn bộ cái đầu con tàu bị dồn người nặng quá chúi xuống biển cả mấy mức, đuôi tàu vắng tanh nhổng cao lên, nhưng nó vẫn từ từ tiến vào cảng. Còn khoảng 200 mét nữa tàu cặp bến thì có tiếng loa đâu đó ở đuôi tàu vang lên.

Xin thưa cùng quí vị trên tàu. Trên tàu chúng tôi đã bắt được mười bảy tên Việt cộng trà trộn đột nhập toan bắn giết dân lành. Chúng nó ở đây, xin trình diện quí vị…

Không thê tả nổi quang cảnh của con tàu nữa. Một sự kỳ khôi hỗn loạn, toàn bộ hành khách lập tức quay cả 180 độ, người đứng đầu thành đứng sau cuối, cảng ở sau lưng họ.

Thật xa, phía sau đuôi tàu, được dắt lên boong 17 người bị trói gô bịt mặt, bịt miệng. Mấy thằng vằn sóng biển ấn sắp hàng những người này vào sát lan can tàu trói lại. Mười bảy người đứng thẳng, quần áo theo gió bay phần phật.

Tiếng loa phát tiếp tục:

– Chúng tôi không thể tha thứ tội ác chúng được…

Bỗng cùng lúc ấy hai tiếng loa khác cũng phát lên, một tiếng từ ở đài chỉ huy tàu, và một tiếng nữa từ ở dưới bến cảng. Ba tiếng lẫn vào nhau thành những âm thanh kỳ dị mang nội dung quái gở. Người tỏ tai lắm cũng khó có thể tách gỡ ra để hiểu được mỗi loa truyền đạt điều gì.

Và cũng vì thế mà vụ án “Tử hình trên cảng Cam Ranh, với những nạn nhân tử hình không lên án” đã bị nhận chìm, dù lúc đó người ta còn thì giờ xét xử. Ba tiếng loa đã trút trách nhiệm và đổ tội cho nhau giữa ba đám côn đồ giết người: Bọn hải quân – Bọn thủy quân lục chiến – Bọn an ninh quân đội trên cảng Cam Ranh.

Ba mươi giây sau tiếng loa, mấy tràng tiểu liên cực nhanh M18 nổ dòn tan – 17 thân người vẫn đứng tựa lan can boong tàu, nhưng đầu ngả sang bên, ngực đầy máu!

Cành cành cành cành cành!!! Đại liên nổ ran từ đài chỉ huy và con tàu bỏ neo ngừng bắn, chỉ cách cảng 50 mét. Trên tàu, 4000 người ngồi xổm tại chỗ – họ chưa được lên đất Cam Ranh.

Dưới hầm tàu, tại hầm tối, lựu đạn nổ ầm ầm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.