30 Tháng 4 – Chuyện Những Người Tháo Chạy

Một Cuộc Đón Tiếp



Bãi biển Mỹ Khê, danh lam thắng cảnh của Đà Nẵng, nơi đây kể cả mùa đông cũng có người đến thưởng ngoạn. Dân địa phương ít đến đây nghỉ ngơi an dưỡng, vì đối với họ là quá quen, quá nhàm chán, chỉ có dân thành phố Đà Nẵng thường ra đây vui hưởng cuối tuần.

Bãi biển dài, kéo từ khu Non Nước đến núi Sơn Trà. Non Nước và Sơn Trà cũng là danh lam thắng cảnh của miền Trung, cộng thêm bãi biển Mỹ Khê, tạo nên gần 20 km bờ biển ngoạn mục, đầy đủ những cái đẹp của biển, núi đá dựng, rêu hoang, ghềnh đá, bãi cát trắng, cảnh trí thay đổi liên tục. Dọc theo bãi biển, một đường trải nhựa uốn lượn, cây bóng mát hai bên, có nơi bãi lùi vào trong, sát đường có nhiều đám rừng dương liễu. Toàn bộ phong cảnh nơi đây đẹp đẽ qua mọi thời gian: bình minh, trưa hay hoàng hôn và cả mọi thời tiết: nắng chói, mưa sa, sương mù dầy đặc v.v…không làm cho nó nóng nực, lạnh lẽo hoặc thê lương mà trái lại còn như mát mẻ, ấm áp và rạng rỡ.

Mười giờ sáng hôm nay, mọi người quên hẳn cái đẹp đó. Từng đoàn người đông đỏ, xe cộ như nêm, lũ lượt kéo dài trên đường, tụ họp nheo nhóc trên bãi, gồng gánh dắt díu, hành động rất khẩn trương nhưng vẻ mặt thì rầu rỉ đau buồn. Nơi đây là cuối con đường của những người chạy loạn.

Quân khu I đã lần lượt được giải phóng. Lá cờ đỏ sao vàng đã phấp phới khắp vùng đất này, chỉ còn một lõm bé nhỏ Đà Nẵng, mà bên kia sông Hàn là một thành phố của trộm cướp giết chóc. Những người sợ hãi cộng sản, những người mong muốn tìm về quê hương của họ ở phương Nam còn sót lại, tất cả dồn hết ra đây. Họ mong chờ được cứu thoát, nhưng ở đây, họ chẳng thấy một sự đón tiếp nào, họ nghe phong phanh là mãi tận ngoài khơi 5 km có mấy chiến hạm còn chờ đợi trong mấy ngày nay. Các chiến hạm đó, một số từ Cam Ranh ra và một số từ bến Bạch Đằng đến. Trong khi đó, những người vừa mới đến bãi biển đã được báo cho biết trật tự thành phố đã được vãn hồi.

Trong Đà Nẵng yên rồi, cướp bóc không còn nữa!

Tại sao hay vậy, mới hồi nãy đây toàn bộ thành phố nổi lên cướp dữ quá mà?

Đúng vậy đó, toàn bộ đám cướp đều vũ trang giết người thẳng tay.

Nghe nói muốn giựt một cái đồng hồ là nó hạ ngay băng đạn.

Những sự trả thù trong ân oán giang hồ cũng lợi dụng lúc này mà thực hiện. Thằng cha thầu lớn nhất Đà Nẵng bị bắn vỡ sọ ngay trên đường. Cái lão có cửa hàng bán vải cho vay nặng lãi đã bị thủ tiêu. Thằng ma cô “sáu gạch” bị bắn chết nát nhừ v.v…

Ê, rồi sao yên mau vậy?

Bị đánh tơi bời, cái đám đồ đốm đỏ bị “ốp” chết cả trăm thằng, cái đám còn lại cởi đồ trốn biệt.

Còn vụ cướp kho quân tiếp vụ?

Ờ, ngay lúc xảy ra vụ cướp ở trung tâm quân tiếp vụ, các vụ cướp khác tại các kho hàng Đà Nẵng nổi lên, nhưng cũng từ lúc ấy chúng bị đánh dẹp tơi bời, “xếp de” hết.

Nè, ai đánh tụi nó vậy?

Không biết! Tự nhiên có những đám người đeo băng đỏ có vũ trang xuất hiện, làm việc này.

Đeo băng đỏ à? Thôi vậy là sắp giải phóng rồi đó! Mấy ông đó rồi.

Tin có đám người đeo băng đỏ làm cho một số người thở dài nhẹ nhõm, nhưng cũng làm cho một số người cuống quýt hẳn lên. Tin này đã làm cho bãi Mỹ Khê chuyển động rùng rùng. Dù là có chủ ý phải làm gì hoặc đi hoặc ở, họ đều thấy phải khẩn trương hành động.

Đang đứng quan sát biển và bãi, khi nghe tin đám băng tay đỏ, thằng râu thất sắc, nó gọi Thái giật giọng:

Anh Thái, tính sao! Nhanh đi chớ! Thái cũng không còn trù trừ:

Đi thôi!

Ba người lên xe, các anh xuống bãi quan sát trong khi hai bạn Tân và Bình vẫn ở trên xe. Chiếc xe lăn bánh, nhưng Thái không cho xe chạy nhanh, anh bảo những người còn “thức” trong xe quan sát bãi để tìm ra được giải pháp thoát đi.

Biển vắng, thuyền bè đậu tuốt mãi xa cách bờ gần cả 300 mét, gọi không thể nào nghe, dù có nghe họ cũng chẳng dám tiến vào vì đông quá, tôi thấy tình hình như vậy nên nói với Thái:

– Chỗ này đông quá, anh Thái. Tụi mình định mướn ghe hoặc tàu thì phải tìm chỗ nào ít người.

Thái gật đầu, cho xe chạy về hướng Sơn Trà, nơi đây còn ít người tới và bãi với đường lộ sát nhau, bờ tường dựng đứng, dưới là nước sâu, thuyền có thể vào sát.

Xe ngừng lại khoảng gần chân núi. Nơi đây cũng có xe đậu, và người trên xe đã ra bờ đường. Một số leo xuống ngồi trên ghềnh ngóng trông. Thật cũng không hy vọng gì, nhưng không còn cách gì hơn là cầu may.

Chúng tôi bước xuống xe, mang cả hành trang. Đã đến lúc từ giã hẳn bạn mình, tôi nhìn chăm chăm vào bạn. Dường như Tân vẫn ngủ, đầu dựa vào vai Bình. Ngực áo anh máu đã khô, đôi rèm mi khép hờ trên bộ mặt xanh xao. Cảnh thương tâm ấy làm cho tôi cảm thấy nghẹn ngào.

Thôi đi nghe Tân! Anh ở lại! – Tôi cũng chẳng làm thế nào được. Chắc anh sẽ được họ chôn cất thôi, tôi sẽ báo cho gia đình anh biết. Tôi nói với Tân, nhưng thật ra là tự nhủ lòng mình.

Tôi thì chẳng cùng anh học hành làm việc, trước đây cũng ít gặp nhau, chỉ có mấy ngày nay là tôi cùng anh gắn bó trong cuộc sống lo âu sợ sệt. Nhưng giờ đây, thì anh đã hết nợ rồi, chẳng ai có thể làm anh lo được nữa, và ở thế giới bên kia, nhìn lại trần gian chắc là anh sẽ hối tiếc là còn nhiều điều anh chưa biết. Bây giờ, đành phải vĩnh biệt anh.

Tôi liếc nhìn Bình, vẻ mặt lúc này cũng đã trở lại hiền lành trong giấc ngủ.

Tôi cũng chào anh, anh biết thương cha, thương vợ con anh. Có thể anh là một người cầm cuốc giỏi nếu không có cây súng trong tay. Nhưng cuộc đời đã đẩy đưa…

Thái và thằng râu đã leo qua bờ đường, đang tìm cách xuống ghềnh. Tôi chạy băng qua đường đuổi theo, chiếc ba lô xốc lên xuống, cây súng M16 đập nhịp vào ngực.

Nơi chúng tôi dừng xe là cuối đoạn đường bãi biển và bắt đầu vào đường lên núi Sơn Trà, nên chỗ ba người leo xuống là chỗ đầu ghềnh chân núi. Ở đây, đá chạy dài ra biển thành từng chuỗi như những chiếc cầu đá neo ghe chài. Cứ mỗi “cầu đá” này có khoảng mươi mười mấy người chờ, nóng nảy đứng lên ngồi xuống.

Ba người theo ra một cầu đá, tôi đi sau cùng cách Thái và thằng râu một đoạn khá xa. Khi đến nơi, tôi gặp ngay cuộc đối thoại giữa Thái và các bạn quen biết của anh tại Liên đoàn công binh:

Khi xe anh ra khỏi cổng thì mọi người bao vây tôi, đòi tôi phải giải quyết cho phà ra khơi – Người nói là thiếu úy Điểm – phó phòng I Liên đoàn – Họ bảo bây giờ từ lớn đến nhỏ chỉ còn tôi có thẩm quyền giải quyết việc này. Điểm khoát tay nói tiếp:

Mà anh Thái xem, dù cho đúng chỉ còn tôi có thẩm quyền nhưng tôi nào biết phải giải quyết việc này ra sao, tôi chỉ biết con số quân (nghề nghiệp quản lý quân số của Điểm), chứ mọi thứ nghề nghiệp công binh tôi hoàn toàn ngu dốt.

Thái vỗ vỗ vai Điểm:

Thật tình khi ra đi tôi chẳng nghĩ đến ai cả, vì tôi cho là lúc đó chúng tôi là những người ra đi sau cùng trong đám sĩ quan Liên đoàn – Hòa kìa?

Điểm quay nhìn tôi gật đầu. Tôi cũng chào lại lấy lệ, vì không ưa anh này. Điểm quay sang chỉ hai người đang đứng nhìn biển:

Còn có Dương và Triết của đại đội công vụ nữa, cũng là người đi sau cùng. Chúng tôi ba sĩ quan đi sau khó vô cùng, đâu như anh và Hòa có trung tá ưu ái lo cho.

Thái cười nhăn nhó, không biết nói sao cho Điểm hiểu. Đúng là chuyện mạt cưa mướp đắng không giải thích được, anh đành lướt chuyện đi nơi khác:

Thế các anh làm sao đi được đến đây?

Đi bộ, đi suốt đêm – Điểm nói. Thái trố mắt. Điểm tiếp:

Đơn giản thôi. Sau khi biết là bị gạt và biết tôi cũng chẳng giải quyết được gì, đám người chờ phà hè nhau đi bộ, cứ theo quốc lộ 1 ra Đà Nẵng và chúng tôi gỡ bỏ lon tá trà trộn vào đoàn người đó.

Dọc đường có xảy ra biến cố nào không? Thái hỏi.

Có biến cố, mà không xảy ra việc gì.

Thái và tôi cùng để ý câu chuyện. Điểm tiếp:

Lúc đó, thú thật chúng tôi mệt nhọc quá, lo nghĩ, buồn bực nhiều ngày rồi, nên cũng chẳng biết tính xa tính gần gì nữa, cứ ở giữa đám người di động mà chân bước. Anh thử tưởng xem, hơn 1000 người đi giữa đêm khuya trên quốc lộ, dù cho mọi người chẳng ai dám ho, nhưng tiếng thở, tiếng bước chân cũng đủ vang dội cả một vùng. Xóm làng hai bên đường, xa xa tối om nhưng cửa sổ cứ mở hé hé làm chúng tôi sợ hết sức. Đến gần ngã ba Hòa Mỹ, nghĩa là khi chúng tôi đã đi gần 10 cây số đường, thì bỗng nhiên hai mé lộ xuất hiện mấy chục người đeo băng đỏ, mang AK, cặp hai bên buộc đoàn người dừng bước. Họ hỏi chúng tôi là những ai, từ đâu đi đến đây, lính tráng cấp bực cỡ nào v.v…Dân thật tình nói hết, khi nói ở trong chúng tôi có mấy sĩ quan cấp úy, chúng tôi lạnh toát chân tay, tưởng là “hui nhị tì” rồi vì chúng tôi đã biết họ là ai. Vậy mà không ngờ, đoàn người được đi và mờ sáng chúng tôi đã ra tới Đà Nẵng, tới ngã ba cây Lan (ngả vào thành phố) thì mạnh ai nấy đi. Tám giờ sáng, ba chúng tôi có mặt ở Mỹ Khê, và chúng tôi ở đây đã gần một giờ.

Thái đi ngay vào nỗi lo lắng của mình:

Thế các anh thấy có hy vọng tàu rước không?

Có lẽ có đó – Điểm trả lời: Vì nghe nói là chiến hạm vẫn còn chờ ở ngoài khơi và cho ca – nô vào rước?

Thế ca – nô đã vào chưa?

Có vào, nhưng chưa rước ai. Vì hồi nãy thấy tụi nó có lởn vởn nhưng thấy người tụ đông quá nên chẳng dám vào. Do đó chúng tôi mới tìm chỗ vắng tụ từng nhóm nhỏ, hy vọng hơn.

Điểm xích lại gần Thái hỏi nhỏ:

Anh Thái, sao trung tá lại ở đây, nghe nói ổng mạnh lắm mà, tôi tưởng giờ này các anh đã theo ổng vào đến Sài Gòn rồi chứ?

Thái đáp qua loa cho xuôi:

– Thời mà, con người ai lại không có lúc xui xẻo.

Điểm nhìn Thái ngờ ngợ, muốn hỏi nhưng lại thôi. Tôi hiểu anh này thắc mắc thái độ của Thái về thằng râu. Còn đối với chúng tôi dường như là lúc này đã quên sự có mặt của hắn. Thật thế, hắn đã bị bỏ quên rồi.

Tâm trạng của những người trên cầu đá thật khó phân tích. Họ chờ đợi thì đúng là chờ đợi, nhưng không phải chỉ là chờ ca – nô đến rước, mà họ cũng chờ đoàn người đeo băng đỏ đến nữa. Điều đó có lẽ vô lý, nhưng vì trong nỗi khắc khoải, họ sẵn sàng chờ đợi cả hai. Họ muốn chấm dứt sớm cái cảnh thê lương này. Nhưng nỗi lo sợ thì các giềng mối lại nối tiếp nhau. Lo là ca – nô không tới, lo là tới mà không rước đi được, lo là lên được ca – nô mà lại hụt tàu, lên tàu được chưa chắc đã đưa vào Nam vì có thể tạm đưa ra một đảo nào đó ngoài khơi. Sợ là ca – nô ra khơi bị lật, đi trên tàu bị máy bay Mig truy kích cũng tiêu, đến nơi tập trung cung khai, dám bị nghi là V. C. Họ hoang mang cự độ. Có nên bỏ đi chăng, họ nghĩ đi là từ nay vĩnh biệt nơi quen thuộc, đã chắc gặp lại người thân yêu không, đi mà có được toàn thân toàn mạng hay bỏ xác giữa đường vì đói khát, vì mưa gió khổ cực v.v…Những con người đứng đây, lòng cồn lên bão táp, mà ngoài khơi thì biển lặng lờ, dưới chân ghềnh sóng vỗ lăn tăn. Người thì tâm hồn đang dậy đục những bùn mà nước thì trong veo thấy đáy.

Có ca – nô! Có tiếng kêu thật xa ở một cầu đá.

Ca – nô xuất hiện! Tiếng kêu vang lên cầu đá gần đâu đó.

Ca – nô tới rước! Tiếng hét reo hò.

Ca – nô! Ca – nô! Hàng ngàn tiếng la hợp nhau tỏa rền vòm trời biển Mỹ Khê, như hàng ngàn tiếng chuông nhà thờ âm vang xa tít. Ca – nô!!! Ca – nô!!! Tiếng hét đến khan cổ, đến té ho: – Ca – nô!!! Tiếng dậm chân, tiếng vỗ tay vang dậy.

Rồi chẳng ai gọi ca – nô nữa, nó đang đến gần, một chiếc ca – nô nhỏ xíu, thật chậm chạp, tiến tới từ đàng xa trong tiếng đập như trống trận của hàng vạn con tim trên bãi biển Mỹ Khê.

Hình dáng chiếc ca – nô rõ dần, bãi Mỹ Khê lặng yên phăng phắc.

Tôi không bao giờ quên cảnh tượng này. Như một bức ảnh chụp, được rọi lớn thu hình toàn bãi Mỹ Khê. Như bức ảnh, vì nét cứng đờ của cảnh vật và con người. Đối với tôi, nét cứng đờ đó có lẽ phát sinh từ ở những con người. Từ gần đến xa, hình dáng con người như tượng gỗ; rồi đến ghềnh, bãi rừng thông như đá tạc. Sau cùng biển trời mây núi như một lớp nước sơn đậm phông. Duy có điểm nhỏ ca – nô là linh động nhẹ nhàng. Sự di động của chiếc ca – nô như điểm đầu của chiếc đũa thần phết qua phết qua bức bình phong bất động, đầu đũa thần quét đến đâu thì bức hình trở nên sinh động đến đấy.

Chiếc ca – nô vào sát bãi từ đằng xa về phía Non Nước. Cảnh vật nơi đó bắt đầu lay động, nó lướt dài dọc theo bãi quết theo đám đông rùng rùng đuổi theo suốt bãi. Nó đến nơi này, thì nơi này lay động dữ, hy vọng lóe lên và đầu kia, nơi nó đi qua, sự lay động chậm dần, hy vọng vừa lóe sáng đã tắt dần đến tắt hẳn khi chiếc ca – nô đã bỏ đi xa.

Chỗ cầu đá, mọi người nhìn chiếc ca – nô một cách ích kỷ và dâng lên một sự mong muốn thật nhẫn tâm. Thấy ở bãi, chiếc ca – nô vẫn chạy không cặp bờ, họ sung sướng vô cùng, họ lâm râm khấn vái cho chiếc ca – nô đừng ngừng đâu cả, mà hãy đến điểm mà họ đứng chờ. Ai cũng nghĩ chỉ có mình là đáng được chiếc ca – nô đón rước. Tim họ như ngừng đập và họ đứng bất động. Thấy ca – nô cứ tiến về phía họ, họ vui mừng nhưng tay không quơ chân chẳng múa. Phần lớn họ là tri thức, họ biết đâu là cái xấu của mình.

“Ru, ru, ru”, tiếng ca – nô êm như mơ. “Run run”, tiếng ca – nô lên cao âm tần. “Brao, Brao”, tiếng ca – nô trỗi giọng. “Brun, Brun”, tiếng may ca – nô khàn lên. Ca – nô đã thấy rõ chói chang ân huệ. “Bring ing ing ing ing ing”, ca – nô phát sóng âm thanh vút lên, mũi ca – nô rẽ sóng vút đi, bóng ca – nô thoáng qua, màu sắc nhòe nhạt và đít ca – nô bị thâu nhỏ dần.

Ngoài khơi, sau mươi phút sóng gió, biển lại lặng lờ, sóng vỗ ghềnh đá lăn tăn. Tôi rủn chân tay, té phịch xuống. Thái ngồi xuống theo. Mọi người ngồi xuống cả, có người nằm ngửa ra, nước xấp mé nghe ươn ướt, nhưng chẳng ai để ý.

Bỗng nhiên, ngoài biển xa mọi người thấy hàng trăm cột nước bắn lên cao thành dãy làm đứt đoạn đường chân trời, thoáng chốc hiện ra hình ảnh một cái hồ lớn có những vòi nước phun lên, cọng thêm ghềnh bãi núi rừng, toàn bộ như một công viên đẹp được rọi lớn hàng ngàn lần. Các cột nước rơi xuống, hình ảnh ấy tắt ngay. Rồi hình ảnh công viên ấy lại xuất hiện, rồi tắt, rồi xuất hiện. Những cột nước đó là các loạt đạn pháo rơi không biết từ đâu bắn tới mặt biển dập dềnh, tức khắc những con người có mặt nơi đây bị chôn chân tại chỗ.

Gần một chục lần, biển phun nước, rồi biển im hẳn. Liền đó ngoài khơi xuất hiện một đoàn ca – nô dàn hàng ngang tiến vào. Tiếng la ó lại rền vang trên bãi. Quang cảnh lúc này khác trước, người ta nhảy tung lên điên cuồng. Đoàn ca – nô tiến mau vào và bắt đầu tỏa ra khắp các nơi, chia điểm toàn bộ bãi biển Mỹ Khê. Từng chiếc ca – nô nhắm nơi có từng toán nhỏ cắm đầu chạy vào. Ở đâu mỗi chiếc ca – nô tới, đoàn người nơi đó chồm lên ra sát mé nước, lội càn xuống nước, những toán ở chỗ khác gần bên thì chạy ùa vào.

Đấy, ca – nô chỉ chở một toán nhỏ, nhiều nhất chỉ 50 mạng người. Trong tình thế này, thời gian cho phép cao nhất chỉ độ 60 giây.

Một chiếc ca – nô đâm sầm vào cầu đá nơi tôi đứng. Người đổ lên. Chưa bao giờ họ có hành động nhanh nhẹn như vậy. thằng râu nhảy phóc lên đầu tiên, Thái, Điểm, Dương, Triết rồi tôi. Ba lô còn trên vai, M16 còn trên ngực, ca – nô tròng trành, tôi ngồi xuống sát buồng lái. Vậy là tôi nắm chắc phần mình là yên, là sẽ thoát nơi đây. Tôi cởi ba lô, tháo súng, ngồi thở. Thái cũng tháo hành trang dựa vào thành phòng máy, thở dốc. Những người lính công binh tụ lại quanh nhau trên ca – nô. Một phút trôi qua, ca – nô lui ra. Mũi ca – nô đã tách bến, một người đàn bà ẵm đứa con gái độ 6 tuổi, ráng nhảy theo, rơi trên đầu mũi, lồm cồm đứng dậy. Từ xa trên ghềnh đá, những toán khác đã đến nơi nhưng không kịp nữa. Người đàn bà tay vẫn ẵm đứa con không buông ra, đứng lên là bước tới, cố đi sâu vào phía trong ca – nô. Lúc đó ca – nô quay mũi thật nhanh hướng ra khơi. Thế là người đàn bà, tay vẫn không buông con, bị đẩy lùi, bước ngang trên mũi ca – nô, mọi người đều thấy, la to lên:

– Ngồi xuống, ngồi xuống mau! Rớt xuống biển bây giờ!

Bà mẹ không cưỡng lại sức đầy lùi ấy, bà ré lên, cả mẹ con té tỏm xuống biển khi chiếc ca – nô lấy sức lướt đi.

Tôi quýnh quáng cởi giày, đứng lên chạy ra. Thái bất thần cũng quýnh quáng hét:

– Hòa! Đứng lại!

Nhưng tôi đã dợm nhảy xuống nước – Thái hét:

– Quăng phao ngay! Ngừng lại ngay!

Tôi đã cắm xuống biển. Ca – nô chồm đầu lên phóng ra khơi. Vừa trồi đầu lên khỏi nước. Tôi nhìn thấy đít ca – nô đã cách xa hai chiếc phao từ đó lao xuống về phía tôi. Chiếc ca – nô lao vút đi hàng trăm mét, tôi bàng hoàng với tiếng Thái thét xa dần:

– Quay lại ngay! Quay lại ngay! Quay lại ngay! Quay lại ngay!

Tôi nhìn xuyên suốt khối nước trong xanh, hai bóng người một lớn một nhỏ đang dật dờ gần đáy cát.

Tôi nhổm người lên hít đầy lồng ngực và lặn sâu xuống hai cái bóng kia.

Tôi bơi đến, tóm tóc bà mẹ vào một tay, còn tay kia nắm gáy áo đứa nhỏ. Tôi ráng hết sức đạp mạnh trên nền cát đưa toàn thân ba người dội thẳng đứng lên trên. Bà mẹ còn sức, vung hai tay lên trời, nắm bắt không khí. Đứa con đã lả, mặt cứng đờ, môi hé mở. Tôi nhìn thấy hai cái phao cách đấy không xa, nên cố lấy sức đưa ba người tới đó. Tôi đu người thẳng ra bơi ếch, cặp theo phao và đưa mẹ con nạn nhân lên cầu đá. Lúc phao chạm vào tảng đá đầu tiên của cầu, thì tôi đã mệt lả. Tôi ngước nhìn những người trên bờ kêu gọi. Nhưng không ai nghe, dù đứng thật gần, vì mọi người còn bận nhìn theo chiếc ca – nô chở đầy người đang từ các nơi tụ hợp lại thành đoàn kéo nhau ra khơi…

Vẫn một mình tôi, cố leo lên cầu đá và kéo hai mẹ con nạn nhân lên. Bà mẹ đã thở được đều, tỉnh táo. Bà đứng lên nhìn con nằm sấp dưới tay tôi, miệng ứa nước, bà tru tréo, la khóc. Tôi cố im lặng, cố gắng làm động tác hô hấp nhân tạo cho đứa bé.

Khi hai mẹ con đã ngồi được, đứa bé nghiêng áp sát đầu vào ngực mẹ; bà dựa lưng vào vách đá cuối cầu phao, miệng kêu rên:

Cha con thoát rồi, anh con thoát rồi…còn mẹ con ta…còn mẹ con ta…Cha con thoát rồi! Cha con có thoát được không hỉ? Bao giờ gặp nhau, bao giờ con gặp cha! Anh ơi, mình ơi, ông trời ơi, con ơi, con ơi…!

Hành động của tôi trong một hoàn cảnh nào khác cũng có thể gọi là một hành động được hoan nghênh, có khi cũng được đền ơn v.v…Nhưng, lúc này hoàn toàn không có những cái đó, vì những người đứng trên cầu đá không thấy người trên ca – nô rơi xuống biển, ngay cả hai mẹ con nạn nhân cũng không thấy tôi, ân nhân cứu mạng của mình. Không ai thấy và không ai biết những gì đã xảy ra, thần trí mọi người mất cả, mất theo bóng những chiếc ca – nô.

Tôi cũng vậy, thản nhiên leo lên bờ đường, ngồi trên ấy, đong đưa hai chân, ngẩng đầu nhìn qua phía sông Hàn. Bóng cờ có ngôi sao vàng đã rợp bên đó. 11 giờ 30 ngày 29 – 3 – 1975, Đà Nẵng được giải phóng. Quân khu I, từ Quảng Trị đến Bình Định đã hoàn toàn giải phóng. Đột dưng trong lòng tôi bật ra mấy câu hát mà tôi học được từ năm 1954 trong một nhóm sinh hoạt:

“Đoàn gải phóng quân một lòng ra đi. Nào có sá chi đâu ngày trở về…Ra đi, ra đi…”

Và tôi đứng dậy lang thang qua bên kia đường, đến bãi xe đỗ, định mượn phương tiện nào đó để trở lại Đà Nẵng. Tôi không muốn vất vả nữa. Tôi muốn diện kiến một cuộc đón tiếp mới ở bên kia thành phố. Nhưng tôi sợ, vôi quay lại, nhìn ra biển. Bức hình chụp chung của gia đình, tôi treo trong phòng ở Liên đoàn hiện ra to lớn, trùm cả khung trời với năm nụ cười tươi mát của vợ con. Tôi rơm rớm nước mắt.

Nhìn vào khóa từng chiếc xe hơi, tôi mong gặp một chùm chìa khóa, còn treo lủng lẳng nơi đó; nhưng qua nhiều xe, tôi vẫn không có một chiếc khóa nào, tôi chán ngắt và nghe miệng chát ngẩm.

Cha tổ tụi nó, đã bỏ đi mà của vẫn còn muốn giữ, chúng bây đã quyết định bỏ đi, còn tiếc chiếc xe chi nữa.

Tôi tức giận, cứ qua một chiếc xe không chìa khóa lại đá hoặc đấm vào thùng xe ầm ầm.

Soát xét lại, tôi chỉ thấy còn có một mình nơi đây, hoàn toàn một mình, đơn độc.

…Ô kìa! Một chùm chìa khóa, xe này còn chìa khóa, chủ xe này tốt đây: Tôi lẩm bẩm như thằng điên:

“Nó không biết tiếc của, khá đấy, nó đi được rồi”. Nói thế tôi lại ngẫm đến mình: “Còn ta đây không tiếc thân, thế sao ta bị giữ lại”. Vừa leo đến ôm tay lái, tôi vừa gãi đầu: “Số ta lạ nhỉ”. Tôi đưa tay bật công tắc, đèn cháy, bật nút xăng, xăng còn khá, tôi lại lẩm bẩm: “Tốt, tốt”. Tôi đề máy tiếng nổ phát ra êm êm, tiếng nổ quen quá! À, đúng rồi, chiếc gíp tôi vừa đi với Thái, bạn tôi. “Bạn tôi”. Tôi quay lại phía sau, hai bạn khác của tôi còn ngồi đó, vàng hoách, như ngủ. Tôi nhìn, nhìn kỹ, hai người này trông xa lạ quá, không giống một Tân hiền lành, ngớ ngẩn và một Bình hung hăng tàn bạo. Đúng là hai người của âm ty. Tôi hoảng hồn nhảy xuống khỏi xe bỏ chạy, chiếc xe còn nổ máy. Chạy một mạch, hoạt động của máu trong người làm tôi tỉnh ra, đôi phần bớt sợ, bớt sợ rồi thì lo lắng, lo lắng cho một cuộc diện kiến bên kia sông, lo lắng làm tôi lo sợ. Đầu tôi thoạt nóng thoạt lạnh. Rồi tôi lại lẩm bẩm: “Phải đi”. Nhất định phải tìm cách bỏ đi”. Rồi lại lẩm bẩm: “Thôi, đi làm sao được! Ở lại thôi, ở lại thôi. Ở lại chết dễ như chơi, không chết cũng bị cầm tù, cầm tù xa vợ xa con. Xa đến bao giờ gặp lại?”. Rồi tôi lẩm bẩm: “Phải đi! Phải đi!”. Kìa một bãi xe nữa, tôi ù té chạy về đó, một chiếc xe bỏ không, chìa khóa tra trong ổ. Đề máy, rú ga, xe lao tới, chiếc bờ – giô lao vững vàng trên đường nhựa, lao như bay, lao nhanh đến độ người lái đã quên ý định đi đâu của mình, mà làm gì có chủ đích vì người thì cứ khi nóng khi lạnh.

Xe thắng gấp, suýt chút nữa lao vào chiếc tăng lội nước M113. Không! Một đoàn nhiều chiếc tăng M113 chắn ngang đường. Lúc này tôi đã đến gần cầu Nguyễn Hoàng. Tôi bước xuống xe, bên kia cờ xanh đỏ thấy rất rõ, phấp phới bay trong nắng gió. Bước qua đó cái gì sẽ đón tiếp ta! Tình hay thù? Nhưng, không, bây giờ ta chưa sẵn sàng, ta nên lo lấy cho mình. Tôi lẩm bẩm như thế và đi giật lùi xuống bãi, tránh xa đoàn xe tăng Mỹ trước mặt và bóng cờ xanh đỏ ánh sao phấp phới ở bên kia cầu Nguyễn Hoàng như vẫy gọi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.