30 Tháng 4 – Chuyện Những Người Tháo Chạy

Những Cố Gắng Điên Rồ



Mấy chiếc M113 khạc đạn: Ùm! Ùm! Ùm! Khục, khục, khục, khục!!! Cầu Nguyễn Hoàng rung rinh, lại Ùm, Ùm, Ùm!!! Cầu Nguyễn Hoàng rung rinh dữ. Bỗng cát hốt lên giữa đám tăng, đoàn tăng bị bắn trả dữ dội. Một chiếc tăng bốc lửa cháy rực. Đám tăng tỏa ra như những con cua khổng lồ, chạy lùi xuống biển. Chúng vừa chạy giật lùi vừa nhả đạn, đầu nòng đại bác đỏ ửng như những càng cua nướng. Khói bóc giữa cầu. Các thứ tiếng nổ bùng lên dữ dội. Một “con cua” nữa lồng lộn, cái càng nướng quay tròn, cột lửa bốc cao và khói đen ùn cuộn chụp lên tỏa rộng. Những “con cua” chạy giật lùi nhả đạn. Hai con đã gặp nước, một vẫn lui, lui mãi vào biển, nước đến ngang lưng, ngang cái càng đỏ ứng, cái càng xám xịt lại chìm mất trong biển; vài phút trôi qua, toàn xác “con cua” như ráng ngoi lên, rồi chìm dần. “Con cua” thứ hai còn lại, diễn biến cái chết y như con trước. Những con còn trên cát thấy vậy đứng im thin thít không ngọ nguậy và những điểm trắng nhỏ loáng thoáng trên lưng nó.

Tôi đã chạy, đứng mãi tít đằng xa giữa bãi nhìn lên cầu Nguyễn Hoàng và nhìn thấy mấy lá cờ xanh đỏ sao vàng bay phần phật lướt lên. Sau những lá cờ đó, đoàn quân hàng ngàn cái áo xanh tay đeo băng đỏ chạy băng băng qua cầu. Không nói không rằng, tôi quay lui trong lúc những người xung quanh đó đứng im. Tôi cắn răng chạy càn xuống biển. Trên người tôi chỉ một cái áo thun trắng, có cổ khoác ngoài ra ngoài chiếc phao cứu nạn, và một cái quần cộc. Tôi lao vào biển, nhắm thẳng góc với bờ, bơi sãi ra khơi. Tôi hơi bấn loạn cả chân tay, bơi gấp, bơi nước rút. Tôi đang dự một cuộc thi, ngươi bơi dưới biển đua với đoàn người chạy bộ qua cầu đang lao xuống bãi. Người tôi nóng ran, bơi bao lâu rồi tôi không nhớ, chỉ chợt thấy một dề đen hiện ra trước mắt, dề đen lớn dần: một đám ghe thuyền đang neo. Có thuyền lố nhố người, có thuyền không một bóng người. tôi cứ ngước mắt nhìn từng chặp, cố bơi tới một chiếc thuyền đậu mé ngoài khá xa đám thuyền. Thuyền không người, tôi lại ngước mắt nhìn từng chặp, rồi bơi tới bám mạn thuyền, leo lên gỡ tay neo, với lấy đôi dầm, người rũ nước, tôi đứng thở dốc từng hồi.

– Ê, làm gì đó? Thằng nào làm gì đó? Ăn cắp thuyền hả?

Tôi quay cổ nhìn, từ bên đám thuyền, thấy một người nhìn sang. Tôi run cầm cập vì gió thổi thốc. Nhiệt trong người tôi đã xả hết khi bơi. Tôi lầm rầm trong bụng: “Thôi đừng la, la làm gì, chớ nên la ai cả, bạn chờ nên la lối tôi, một người đang sợ hãi chạy trốn”. Tôi nhìn người đó, anh chàng có vẻ ung dung dữ, dường như ở xa đất liền non 300 mét mà anh ta cảm giác như đã tách được cuộc sống dầu sôi lửa bỏng trong kia, như không can dự đến những biến cố lớn lao đã đang xảy ra trong đó. Tôi lại tự nhủ “Tại sao vậy, tại sao nó ung dung tự tại, còn ta thì chơi vơi hồn xác thế này? Cố gắng giữ bình tĩnh, tìm lấy một chút an nhàn xem sao? Ồ! Lạnh quá, sao ta đang run rẩy thế này, sao hàm dưới lại đánh nhịp thế này! Sám hối à! Sám hối không nên lời đây à? Dưới mắt người trên thuyền kia, tôi như một con chó ướt, bị rượt đuổi, cùng đường, sắp chết, lại được lên thuyền đang đứng trên hai ống chân lẩy bẩy, ngực thở hào hển, miệng há hốc, một chút gì xót thương đến với người trên thuyền. Tôi lại chọn một thứ điên rồ như sự điên rồ của mấy “con cua” trên bãi. Anh ta không la nữa mà đứng nhìn. Tôi lấm lét nhìn lại, miệng lẩm bẩm: “Mượn thôi”, rồi cố lấy sức đẩy tay chèo. Chiếc thuyền nặng trịch, tôi cố sức đông đưa tay chèo. Chiếc thuyền tròng trành, mũi thuyền có di động có nhích tới, nhưng chậm chạp cơ hồ như đứng im. Tôi cố gắng trong run rẩy, tay chèo đã có nhịp, rồi theo nhịp, mũi thuyền nhích tới. Con thuyền thật sự lướt tới.

Tôi cười mà nước mắt tuôn trào. Tiếng cười nghẹn ngào trong không gian im lìm.

Trong im lặng dữ dằn. Tôi vẫn cố chèo! Chèo! Chèo!

Thuyền đã lướt đi nhanh hơn.

Tôi thề thốt: “Phải chèo với bất cứ giá nào. Ngày xưa có lần cha tôi nói: “không có sự cố gắng nào là vô ích”, tôi lầm rầm: “Đúng đó ba à, năm cây số đâm thẳng ra khơi sẽ có ích, đến sẽ gặp tàu, không đến sẽ gặp công chúa Long cung”, “Còn em, em sẽ đợi chờ anh lên được tàu anh sẽ về với em, con; nếu anh làm phò mã Long vương, anh sẽ xin phép về thăm em”.

Khoảng diện tích chiếc thuyền trải dưới chân tôi chồm về phía trước gần sát mắt nên tôi thấy to lớn như một phần tư mặt biển. và mặt biển như nhỏ lại. Cảm giác này khiến tôi yên tâm vững tay chèo. Hy vọng sáng lên làm tôi quên phắt đường dài và hiểm nguy của biển. Trước mắt tôi như có một con tàu và vợ con tôi ngồi trên đó đã kích thích tôi chèo tới. Tôi chèo với toàn tâm toàn tâm toàn trí toàn thân. Khi ngoái cổ nhìn lại phía sau, tôi thấy đám thuyền khi nãy lại trở thành một vệt đen và trong bờ bãi chỉ còn là dãy cát trắng. Rồi tất cả nhỏ dần và mờ dần. Khi đã quá xa bờ, ngó về phía trước nước vỗ mênh mông, cảm giác cô đơn, lẻ loi rờn rợn trong người tôi. Nỗi hoảng sợ lớn dần lên. Sự mệt mỏi bao trùm lấy tôi, nhấn tôi xuống. Tôi thấy chân mỏi và tay sút khỏi tay chèo. Tôi té đổ sầm trong khoang, bên tai tôi nghe có tiếng ai la ơi ới.

Nằm trên đáy thuyền, tôi thấy trời đất quay cuồng, như chong chóng. Hoảng hốt, tôi chống tay lên sàn thuyền, mảng gỗ trước mặt tôi còn quay nhưng chậm hơn. Chống tay cao hơn nhìn mũi thuyền tôi thấy như mũi thuyền vẫn quay. Tôi chồm hẳn người quì lên, thuyền quay thật, con thuyền đang quay giữa biển nhồi lên chúi xuống theo sóng.

Có tiếng la ơi ới ở phía mạn trái thuyền. Tôi quay ngoắt qua bên đó. Mắt tôi trân trối nhìn. Đồng tử tôi dừng lại trên một lá gỗ lổm nhổm người.

Tôi ríu lưỡi lại – Chiếc ghe con chở 12 người. Hai bên thuyền ghe thấy nhau:

Cứu chúng tôi! Cứu chúng tôi với! Tiếng gào thét của họ.

Cứu tôi! Tiếng gào thét của chính tôi!

Cứu mau! Sắp chết rồi! Tiếng đuối sức cùng phát ra từ hai chiếc thuyền.

Rồi như điện giật, cả 13 người trên hai phương tiện dật dờ trên biển quờ quạng tay chèo.

Chiếc thuyền to và chiếc ghe nhỏ va vào nhau thật mạnh, mười hai người rơi xuống biển. Tôi buông tay chèo nhào nằm sấp trên mạn thuyền. Lố nhố 12 cái đầu trong nước bập bềnh sát thuyền. Những cánh tay đưa lên, bíu lấy mạn thuyền. Một thân người rướn lên lăn tỏm vào khoang. Và lần lượt 12 thân người đã rơi đủ vào khoang. Mệt lả nhưng vững tin là mình còn sống, tôi cười gần nhu ngây dại.

– Nè, khoảng mấy giờ rồi mấy anh? Tôi hỏi.

Mấy cánh tay che lên mắt nhìn lên khối nắng trên cao:

Khoảng 3 giờ chiều.

Dữ, gần 3 giờ chèo chống! Tôi giật mình thốt lên.

Nè, thuyền ra khơi bao xa rồi?

Ba hải lý. Một giọng nhà nghề đi biển.

Là mấy? Theo cách tính của công binh?

Khoảng gần 5 cây.

Tàu đâu?

Mười hai cái đầu ngoái ra sau nhìn biển khơi, rồi quay lại thắc mắc nhìn tôi, có người chợt hỏi:

Anh nói 5 cây số cách bờ có chiến hạm, sao không thấy?

Nghe nói 5 cây số, chỉ có nghe vậy thôi, có gì chắc đâu!

Vậy thì phải thấy rồi, dù nó đậu còn xa hai cây số nữa…Một giọng thủy thủ.

Thôi rồi, không có tàu, không có tàu đâu cả! Nhiều giọng nổi lên hoảng hốt.

Tiếng gió thổi vi vu, tiếng nước nhóc nhách lườn thuyền, mười ba con người buông xuôi tay. Nắng đã đậu trên trên đỉnh Sơn Trà. Hy vọng đổ ụp xuống biển, chìm trong lòng đại dương.

Có người vừa vỗ mạn thuyền vừa hát như thét: “Trời nước ôi bao la, núi ghềnh ôi xa xa, con người ôi nhỏ bé, cuộc đời ôi mau quá, tủi cực ôi lớn lao, vinh quang ôi chiêm bao, công cụ ôi trâu ngựa, máu xương ôi xiết bao”.

Mười hai người thủy thủ bàn nhau trong khi tôi đẫn đờ:

Đâm đầu xuống biển chấm dứt cuộc đời đi anh em ơi.

Đâm đầu ra khơi tốt hơn.

Bậy nào, đâm đầu vô bờ tốt nhất.

Chỗ nào rồi cũng “bia vàng Tổ quốc ghi ơn” hết mà.

Tổ quốc nào ghi, xạo thấy mẹ. Diêm Vương tạc dạ thì có.

Thôi thế thì chỗ nào cũng chết.

Không, nhất định đâm đầu vào bãi là sống.

Chèo vào dư sức, nhưng không có sức ở tù nổi.

Khỏi ở tù, chết xử trảm ngay lập tức.

Không ở tù, không chết, sống đàng hoàng, sống tỉnh bơ.

Láo, láo khoét, ai cũng rủ xương, cũng chết.

Tao sống! Tao đã một lần sống rồi, đã một lần tao đưa tay lên đầu trước họng AK, hai ngày sau tao được về với lời nhắn nhủ thật tình: “Về làm ăn, đừng đi lính làm tay sai Mỹ – Thiệu nữa!”.

Nhưng lần này mày chết!

Không thể chết được! Lần trước còn đánh nhau mà tao còn được thả, lần này hết đánh nhau, tao về quê Đại Lộc (Quảng Nam), xứ bây giờ của Việt Cộng giữ, mà cày ruộng, chẳng lẽ tao lại chết sao?

Biết vậy mày còn chạy làm gì?

Tụi bây chạy làm tao cũng quýnh. Thói đời mà bây! Còn nước, còn tát, chạy đại. Bây giờ hết nước hết tát, tao nhớ ra là điên. Chuyện có mòi hấp dẫn đám thủy thủ, chúng hỏi tới người thủy thủ quê Đại Lộc mà quên đi trong chốc lát ở đây.

Sao hồi đó được thả mày lại trở lại lính, mà không trốn luôn cho khỏe thân?

Hồi đó quê tao Đại Lộc của quốc gia – Tao trốn lính về quê – Quốc gia đi bố bắt được đẩy tao vào lính lại. Bây giờ thì hết quốc gia, khỏi ai bố tao, hiểu chưa? Tao đi cày ruộng của tao.

Tới đây, biển im ắng, cảm giác phí sức gian lao trong một cuộc cố gắng điên rồ dâng lên trong tôi. Mặt trời rớt sau đỉnh Sơn Trà.

Thuyền quay mũi trở vào, tay chèo khoan thai.

Hướng nắm chắc không đó ông? Một thủy thủ nói với tôi: – Xéo vào ghềnh, thấy rồi lái ra không được nghe, nước trôi vào đưa xéo đi dữ lắm đó.

Mấy anh làm như tôi là sĩ quan nắm hải đồ – tôi trả lời nóng nảy: – Xéo hay không xéo, nhắm giữa Non Nước và Sơn Trà mà đi. Non Nước lúc này nắng còn tạt ngời chói, nhưng Sơn Trà đã ngả màu xậm., mặt trời núp sau ót Sơn Trà rọi ánh sáng vào mặt Non Nước. Chiếc thuyền vào bờ; khi nãy nó ra, nước thủy triều như xuống, bây giờ nó vào, nước thủy triều như dâng lên.

Thuyền đang trôi êm xuôi thì tiếng ca – nô chợt làm mọi người quay phắt ngưng chèo nhìn.

– Kệ mẹ nó! Một tay chèo chưa ngưng không thèm ngó.

Đúng là một chiếc ca – nô đang rẽ sóng lướt về phía thuyền. Nó đã thấy thuyền. Nhưng trên thuyền không còn mừng rỡ mà trái lại mọi người tràn dâng ngao ngán. Con người đã não nề khổ cực, bao nhiêu lần hy vọng rồi thất vọng, không còn thiết gì nữa. Chiếc ca – nô đến gần, đến gần – mũi ca – nô rẽ sóng băng băng tới, chiếc thuyền đứng im nhấp nhô đợi chờ. Chiếc ca – nô cặp mạn thuyền, rú máy, con thuyền tròng trành.

Một thiếu úy hải quân cầm súng ngắn nhảy lên thuyền mắt hoài nghi nhìn mười ba bộ mặt đen đúa bâng khuâng, không một bộ binh phục.

Các anh là ai? Người mặc đồ trắng (sĩ quan hải quân) hỏi.

Trời ơi, là ai à? – Một cái mặt đen trả lời – Thiếu úy lại hỏi là ai?

Ai biết! Trả lời ngay: – Việt cộng hả? Cây súng lên đạn nghe cái rốp.

Dạ, thủy thủ.

Người đồ trắng nhấp nháy mắt, nhưng cây súng lại đưa lên chĩa mũi chỉ vào người trả lời:

Mày là thủy thủ hả?

Dạ, tất cả là thủy thủ – Người trước họng súng trả lời.

Nói láo! Mày không phải là thủy thủ, đừng hòng qua mặt tao.

Như bị gáo nước lạnh tạt vào mặt, người tủi cực gian nan trốn chạy tìm sự sống, thì gặp sự sống lại là cái họng súng, là lời quát nạt. Anh ta không còn muốn dằng co gì nữa. Mệt quá, anh dứt dại:

Thiếu úy muốn nói em là Việt cộng để bắn một phát cho sướng tay phải không? Thiếu úy thích bắn cứ bắn. Thằng này như chết rồi hồi sáng kia.

Người mặc đồ trắng ngần ngừ, hất hàm hỏi cả lũ người trên thuyền:

Thủy thủ hết phải không? Các bộ mặt trơ ra.

Không! Tôi là thiếu úy công binh.

Người mặc đồ trắng quay lại phía tôi, mũi súng chĩa theo:

Chứng minh!

Không còn chứng minh gì cả. Thái độ của tên sĩ quan hải quân, mũi dãi chưa sạch, lấc cấc làm tôi nổi giận.

Không còn một giấy tờ nào cả, mất hết sạch, muốn biết thì hãy quan sát, phải suy nghĩ chứ!

Vô lý! Đến không còn quần áo à?

Cứ chạy làng như tụi này thì sẽ biết vô lý hay hữu lý. Một ngày chạy thôi là anh ở truồng, hiểu không? Chán quá, tôi muốn được một viên đạn cho rồi – Hoặc cứu hoặc giết, quyết định liền đi, đừng hành hạ nữa!

Thằng trẻ con đồ trắng, mặt đỏ kè tức giận, nhưng vẫn ngần ngừ. Thấy nó lưỡng lự tôi đánh bồi một cú vào tự ái của nó:

Một sĩ quan không được kém hiểu biết, hãy đem chúng tôi lên ca – nô hoặc đưa chúng tôi xuống biển để tỏ sự hiểu biết của mình.

Tất cả sang ca – nô! Thằng bé choắt đã hết lý, bèn giở giọng kẻ có quyền.

Mười hai người đã sang ca – nô trong đó có tôi. Trên thuyền còn thằng trẻ con đồ trắng và người thủy thủ quê Đại Lộc.

Còn mầy? Sao không sang ca – nô? Thằng “trẻ con” hỏi.

Tôi muốn vô bờ, vợ con tôi còn kẹt trong đó.

Tại sao bỏ trốn giờ lại muốn về? Thằng nhỏ vặn vẹo.

Đi rồi thấy thương vợ con, bây giờ muốn về. Người thủy thủ mệt quá nói ngang.

Mầy định đào ngũ hả? Thằng bé chụp mũ lên đầu người lính.

Không đào ngũ, tôi giải giới, trong bờ đã giải giới nhiều lắm rồi.

Không nói lôi thôi! Thằng bé áo trắng quyết liệt: – Theo ca – nô đi! Lộn xộn tao bắn!

Tôi muốn về làng! Không đi đâu nữa, mệt rồi, muốn yên!

À, mầy ngon hả? Thằng thiếu úy trẻ con giận dữ.

Thử mày chừng đó cũng biết mày rồi, mày có anh em theo Việt cộng, bây giờ anh em mày về rồi, mày muốn theo anh em mày chứ gì? Được, tao sẽ cho theo lẹ! Mặt nó tái đi, nó giơ cây súng lên.

Pằng! Pằng! Hai phát nổ. Người thủy thủ quê ở Đại Lộc trợn trừng mắt, mồm há ra, nhìn trân trối tên sĩ quan hải quân, thân người giãy giụa trên sàn thuyền. Thằng sĩ quan hải quân thản nhiên nhảy về ca – nô, hất hàm ra hiệu ca – nô chạy; bỏ lại chiếc thuyền lênh đênh lắc lư, như đang ru cái thây trong lòng nó.

Nắng gần tắt, gió biển thổi lạnh thêm, chiếc ca – nô vẫn rong ruổi. Ca – nô chạy đi đâu, đến đâu, nào tôi có hiểu, mà tôi cũng chẳng cần muốn hiểu nữa, lúc này khỏi vấn vương tâm não. Mấy thằng hải quân quần áo sạch sẽ muốn đưa bọn gần như bẩn thỉu này tới đâu cũng được. Thật kỳ quái, hồi trưa người ta khắc khoải mong đợi ca – nô như trước cái chết mà đợi sự sống; bây giờ được ca – nô đưa đi xa nơi bỏ trốn thì lòng lại muốn chối từ.

Chiếc ca – nô rú máy, rùng mình rồi không còn phóng nhanh nữa. Tôi gần như chợp mắt vào mộng, lại phải mở đôi mắt nặng trĩu ra vì sự thay đổi bất ngờ của tiếng động cơ và vận tốc. Tôi lóp ngóp ngồi dậy, nhóng người lên qua mạn ca – nô, cặp mắt vừa va phải khung thép khoang thuyền thì chạm vào thành sắt to sầm trước mặt của một chiếc phà.

Dưới ánh sáng mờ đục của hoàng hôn, sàn chiếc phà đã kín cả bằng một lớp người nằm bẹp, chật như nêm, chiếc phà đang lướt trên mặt nước bằng sức kéo của một chiến hạm.

Ồ! Một chiến hạm! Những người đen đúa xung quanh tôi la vang dội: Tổ ấm của chúng ta kia rồi. Ý nghĩ của thủy thủ khi thấy con tàu. Đám thủy thủ bùng lên sức sống mới. Họ đứng thẳng người nắm tay đấm thẳng lên trời, họ quên đi tất cả những gì vừa xảy ra trước đó. Mới đây họ bị ép lên ca – nô như đám tù binh, bây giờ thấy tàu, họ cảm thấy như được cứu vớt. Họ không còn thấy mình đen thui mốc thếch nữa mà thấy mình như đã khoác áo thủy thủ lên người, miếng vải bay phần phật đánh vào hai sợi băng vải trên nón hải quân thòng xuống. Họ hợp nhau lại hét thật to và tung người lên phà làm nhốn nháo những người trên ấy đang đợi giấc ngủ u buồn trong buổi hoàng hôn. Họ không chờ tên thiếu úy trẻ con ra lệnh, bây giờ đây là chiến hạm là uy lực cao nhất, họ tưởng như thế. Tôi nhìn thấy sự sống đổi thay mạnh mẽ nơi những con người sắp chết này, và cũng thấy sự sắp chết của mình đổi thay thành ý muốn sống; nhưng có cái gì vẫn còn yếu ớt, không sôi nổi như ở những người thủy thủ.

Lên thuyền đi, thiếu úy. Tôi giật mình quay lại bắt gặp ánh mắt soi mói của tên thiếu úy hải quân còn trẻ, nhưng tên này lại cười, nó trở lại nét ngây thơ của tuổi nó. Tôi lên thuyền và nhìn lại, chiếc ca – nô đã tách phà đuổi theo chiến hạm.

Vừa lên phà, tôi lại mỏi mệt kiếm một chỗ nằm xuống. Không cần biết gì cả, tôi cố tìm giấc ngủ. Đám người trên phà vừa nhốn nháo do sự cố vừa rồi, bây giờ cũng lục đục nằm xuống dỗ giấc. Trên nền trời, khoảng giữa phà, mười hai bóng đang đứng nhìn quanh. Đầu trước phà, xa hơn hai trăm mét, một bóng trắng nhờ to lớn: đít chiếm hạm. Màn đêm rủ xuống hoàn toàn.

Lòng không yên, giấc ngủ trong đêm lạnh và cơn đói cồn cào, tôi không khép được đôi mi mắt, trăn trở lật người qua lại trên sàn thép cứng lạnh tanh. Rồi tôi ngồi dậy, nhìn xung quanh. Trong đêm tối, biển sáng, làm nền phà tối hơn. Tôi cố nhìn mà không phân biệt được gì trong đống người đang nằm ngổn ngang. Chỉ thấy lổn ngổn như bãi rác Mỹ: thùng to, hộp nhỏ, bọc dọc, cuộn ngang. Đưa tay thọc vào một cái bọc gần bên, tiếng người phát ra:

Này, yên đi, nằm xuống! Cái bọc đó nói lên khi thấy bóng tôi ngồi im trên sàn phà.

Nằm không nổi, ngủ không được.

Có ai ngủ được đâu, rầu thấy mẹ, nhưng phải nằm, không thì sọ gáo bể đó!

Bắn bể đầu à? Tại sao vậy? Tôi hỏi nhưng chẳng lấy làm ngạc nhiên. Chuyện giết người đã trở thành bình thường mấy ngày nay.

Cái bọc bên cạnh vọng lại lời nói:

Ăn chắc anh vừa mới tới. Thôi được. Nghe đây: Lịnh hồi chiều, nằm xuống sắp đến đêm, ai ngồi dậy vỡ sọ. Thôi nằm xuống đi cha nội! Cha nội bể sọ gáo thì bà con xung quanh đây dám bể vụng theo, nó rải đạn xuống chết mẹ hết! Nằm xuống đi cha nội!

Tôi nằm xuống kề bên cái bọc, co quắp vì chẳng có bọc, thép phà lạnh quá, cái bọc trùm mặt, trong bọc phát ra tiếng lùng bùng:

– Ở đâu đó?

Liên đoàn 10 công binh.

Chức vụ?

Thiếu úy.

À thiếu úy, đây thiếu tá?

Ở đâu thiếu tá?

Sư đoàn I.

Im một lúc, tôi hỏi tiếp bằng giọng hơi lạc:

Có qua cửa Tư Hiền không?

Qua đủ thứ chó đẻ cuộc đời – Cái bọc phát ra. – Sao? Cũng ở Tư Hiền à?

Tôi là thiếu úy công binh chỉ huy vượt Tu Hiền, tôi trả lời làm cái bọc giật phắt đưa cái mặt ra, quơ tay vỗ mạnh vào tôi:

Hòa đấy à? Tôi còn nhớ tên anh. Thế mà kỳ thiệt, lại gặp. Cái thứ cùng đường mạt vận hay gặp nhau, cùng chui vào một thùng rác, miếng rác này đè lên miếng rác kia kề cận nhau mãi. Thành rác từ hồi nào?

Nghe hỏi, tôi ngớ người, nhưng cũng kịp biểu:

Thành rác bốn năm.

Anh đã mục thúi rồi. Còn tôi thúi đến hóa mùn bốc mùi mêtan (nggu7ng2 một chút). Mười năm làm rác thì còn gì nữa!

Im lặng cho ý nghĩ đếm khoảng thời gian đã đem thân làm rác, cái bọc lại tiếp:

– Chúng nó sắp đem rác đi đổ biển đó!

Tôi bật người lên rồi từ từ thả dài người xuống. Thoạt đầu tôi hoảng hồn, nhưng nhớ lại những đổi thay của mấy ngày qua, tôi lại bình thản:

– Hốt rác làm chi rồi lại đổ rác.

Đống bọc rung rung do cười, cười không thành tiếng. Hết rung, cái bọc lại nói:

Quét rác, hốt rác đem rác đi đổ. Anh không thấy người phu quét đường làm như vậy lần nào à? Đống bọc lại cười rung. Tôi cảm thấy chua chát:

Rác là rác mà người là người, không ai có quyền xem người như rác.

Anh tưởng anh là người đó à? Anh là rác, chuyện là người qua rồi. Tôi đây nè, mới đầu vào quân trường, nó sơn phết tôi chẳng những là người mà là thành chàng hiệp sĩ cung kiếm dọc ngang và hát cả anh hùng ca tặng tôi. Không bao lâu, nó giở trò chèn ép. Tay đánh cú nhưng cho tôi tiền. Vậy là phải lặn đi kiếm, giành giựt, lúc này con người biến thành con vật. Sau cùng hết xài, con vật biến thành cọng rác, việc bây giờ của nó là gom rác lại thành đống đem đi đổ. Biết ra thì như thế rồi!

Tôi làm thinh. Một lúc sau thì cái bọc ngọ nguậy:

Nhưng mà anh xem, ngày mai nó sẽ lưu lại đống rác. Nó không phí của đâu. Cái nào xài được nó xài tiếp, cái nào hết xài hẳn, nó sẽ đem đổ bỏ. Thôi ngủ đi, không được đâm đầu xuống biển.

Đống bọc bực thân bực cả chung quanh; dường như nhẫn tâm cho lời vừa nói, cái bọc chìa tay ra, trên tay một khúc bánh mì.

Này, ăn rồi ngủ đi Hòa! Giọng nói êm lại, cái bọc ngọ nguậy và một cái áo bốn túi quăng qua phía tôi.

Tôi co ro trong cái áo, miệng gặm khúc bánh mì. Tôi không cắn, không nhai chỉ ngậm nơi miệng để nước bọt thấm rã miếng bột khô rồi theo cái nuốt bọt tủi hờn, bột trôi qua cổ.

Tất cả những việc làm của tôi trong một ngày dài nhất cuộc đời là những cố gắng thật điên rồ. Giọt nước nóng hổi đã chạy dài theo sóng mũi, tạt ngang qua má xuống mang tai. Chỗ đó sắt phà nghe âm ấm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.