30 Tháng 4 – Chuyện Những Người Tháo Chạy

Phần II: Bản Chất Bỉ Ổi.Gạn Lọc



Tiếng còi ré lên trên chiến hạm, bên phà người lổm ngổm ngồi lên, đứng dậy, dáng đứng cứng đờ, sau một đêm bị đông lạnh trên sắt sàn phà dưới sương muối biển mặn. Những con người này hôm qua hôm kia còn tràn đầy sức sống, hăm hở ra đi như để tìm con đường của cuộc sống tự do; họ chịu chấp nhận phải gian khổ hiểm nguy cuối cùng nơi mảnh đất họ rời bỏ, để hân hoan được đón vào những vùng đất mới nuôi họ sung sướng hạnh phúc hơn. Thế mà trước ngưỡng cửa con đường bị đi vào, thì họ lại đứng xếp re, nét mặt dàu dàu đau khổ.

Rất nhiều người cả ngày qua không ăn, suốt đêm không ngủ; nhưng phải đứng vì lịnh ra bảo đứng. Họ đứng mà thân hình xiêu qua vặn lại, cũng may là gió mát ban sớm làm cho họ tỉnh táo, thêm sức mà chịu đựng.

Đuôi tàu hiện ra một hàng người mặc đồ trắng trên boong. Người đứng giữa, khoảng trắng rộng hơn hết in hình trên phần cuối sợi dây cáp ở phía phà nhìn thấy to bè và phía tàu nhìn thấy nhỏ xíu như con rít, nối liền hai sự phân chia, kẻ đến cứu và người được vớt trong tinh thần kẻ nắm quyền và người giao mạng. Đấy, chắc chắn kẻ đi cứu bảo gì thì người được vớt phải răm rắp tuân theo.

Bóng trắng đứng giữa nói qua “loa” :

Cùng các chiến hữu và các thân nhân – Chúng tôi, những người được giao nhiệm vụ đến đây đón rước các người thoát chạy khỏi bọn cộng sản ăn gan uống máu, để đưa về vùng đất tự do của quốc gia. Sự đón rước chắc chắn phải được ân cần nồng hậu, để xoa dịu đau thương của các người đã phải bị cộng sản hành hạ, bắn giết liên tục nhiều ngày qua. Những hành động tàn ác của chúng gây ra khắp nơi từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Huế đến Tam Kỳ và Đà Nẵng phải được đối chiếu với lòng nhân đạo của chính phủ Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn. Và đầu tiên ngay tại đây, chúng tôi có bổn phận làm vừa lòng tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, bằng cách làm vừa lòng các người. Công ơn các chiến sĩ và lòng trung thành các thân nhân của họ phải được đền bù xứng đáng. Chiến hạm chúng tôi là đại gia đình của các chiến hữu và thân nhân sẽ được dùng làm nơi nghỉ ngơi ăn ngủ cho các người trong những ngày xuôi Nam…Giọng nói vẫn còn đều đều…

Giọng hùng hồn giả tạo của tên hạm trưởng, uốn nắn từng lời bài đít – cua do đám tâm lý chiến trau chuốt nghe sao phát nôn mửa. Trong suốt mấy ngày qua, ở đây mọi người đã được nếm hết không sót một vị đắng cay chua chát nào do cái gọi là Việt Nam Cộng hòa gây ra, thế mà nó ngang nhiên chạy tội trắng trợn trút vào người khác. Bản văn sao ngữ lật lọng này, nên đọc tại Sài Gòn cho bọn nhởn nhơ trong đó nghe thì còn tạm được, nhưng đọc ở đây thì rõ là ngu xuẩn.

Nhưng cá nằm trong rọ, không ai dám nhúc chích. Họ bỏ qua hết, chỉ mong biết vận mạng của mình thôi.

.. Nhưng mà, có được sung sướng, hạnh phúc là do các ngươi biết tuân giữ kỷ luật, biết nghe lời chỉ huy. Để sắp xếp cuộc lên tàu có hiệu quả và không xảy ra điều gì đáng tiếc như những lần đưa lên tàu trước đây; chúng tôi, những người chỉ huy chiến hạm, cần báo tin cho các ngươi biết!

Tất cả phải nghe lời hải quân, dù chỉ là lời một thủy thủ, và thi hành thật đúng

Tất cả không mang vũ khí theo người và quân trang hành lý nặng; trên này chúng tôi đã chuẩn bị đủ mọi thứ lo cho các người.

Luôn luôn ở ngay vị trí được chỉ định không được tự quyền thay đổi.

Nếu có biến cố gì xảy ra, khi nghe còi rít, phải lập tức đứng yên không được lay động.

Và sau cùng để đảm bảo làm đúng những lời dặn trên, chúng tôi “xin” được phép nổ súng vào kẻ nào bất tuân để tránh đổ máu cho kẻ khác.

Những người của chúng tôi sẽ qua phà thi hành phận sự, yêu cầu nhất nhất phải tuân theo.

Tiếng còi rít lên, đám áo trắng biến mất. Bên phà nổi lên tiếng rì rầm và nỗi hoang mang cùng cực.

Hai chiếc ca – nô ló ra hai bên mạn chiến hạm chạy về phía phà và cặp lại. Hai toán hải quân kéo lên gần 100 mạng, trang bị quân phục tác chiến màu xanh, ngực đeo phao thủy nạn[16], tay súng tôm – xông, đầu đội nón sắt, mặt tay nào tay đó lầm lì. Một tên đại úy ba mai vàng bước lên một bước:

– Tất cả lui sát cuối phà!

Đám đông thiểu não, trên phà lục tục lê bước kéo xểnh bị gậy

Tất cả làm nhanh, xếp hàng vào! Đám người tập tễnh kéo lê nhanh hơn.

Nhanh lên! Tên đại úy hét ầm và “Tốc, tốc, tốc!!!” một loạt tôm – xông đầu tiên nổ. Chúng nó, những thằng dựa quyền uy lúc nào cũng giở trò đoạt hồn. Đám người hoảng hốt dồn hết về phía sau, đứng dính cục lại, chừa ra nửa phần phà phía trước loang lổ dơ bẩn rác và nước đái.

Đồ chó đẻ!

Rồi tiếp theo là một màn sỉ nhục.

– Ăn ở dơ dáy tổ mẹ, cái đồ hạ tiện!

Trong đám người dính cục người ta ức quá, có người phát ra:

Đồ chó đẻ! Mở miệng là chửi, cái đồ ăn cứt! Lúc nào thì rồi cũng có màn chửi nhau văng tục.

Chó đẻ thằng nào vừa chửi đó. Thằng đại úy hét tướng lên, mặt đỏ ngầu, mắt long lên sòng sọc.

Ông tổ con mẹ mày chửi mày đó!

Đám dính cục lốn nhốn ở đâu đó, và một người bị đẩy ra bằng mũi súng lục. Đấy, có ăng – ten của đám hải quân cài vào rồi. Thế là trên phà lặng trang. Chỉ nghe tiếng gió và tiếng sóng.

Đem nó đến đây! Thằng đại úy mặt tái xanh mà miệng lại cười.

Ự! – Báng súng sắt cây tôm – xông đứng kế bên thằng đại úy giáng vào giữa mặt người đàn ông bị điệu ra, cái thân anh ta đổ xuống oằn ngửa ra, máu đỏ chảy từ mũi và mắt.

Đem quẳng thằng Việt cộng này đi!

Cái xác còn thở bị kéo lết trên sàn phà về phía mé phà và biến mất ở đó. Biển trong xanh.

Trung đội thứ nhất tiến lên! Lịnh thằng đại úy ban ra, việc vừa rồi nó quên phức. Năm chục thằng áo xanh cầm tôm – xông bước sát tới đám dính cục, dàn thành một hàng ngang bít lối trước mặt đám người giống như đóng nêm; súng tôm – xông chĩa tới trước, các ngón trỏ ngoéo sẵn trên cò, chúng làm như đám người dính cục là những địch thủ ghê gớm.

Lục soát cho qua! Tất cả không được nói một lời! Nghe hỏi trả lời thật nhỏ; để một người nào nghe được thì bỏ mạng đó!

Chục thằng xen kẽ với hàng ngang áo xanh rấn bước vào đám dính cục. Chúng khám xét những người gặp trước tiên. Tôi và thiếu tá sư đoàn I đứng gần đấy.

Tôi thấy một thằng áo xanh tay thủ súng; tay đập vào nách, vào ngực, vào bụng, vào lưng, vào đít, vào háng; đưa chân cả vào hai ống quần một người lính, miệng thằng áo xanh hỏi nhỏ gì đó, miệng anh lính cũng mấp máy, tên áo xanh đứng nhìn vào mắt anh lính, miệng hô:

– Đi qua! Xách cái túi nhỏ.

Anh lính riu ríu xách túi bước tới, lướt qua đám áo xanh dàn ngang, đi tuốt về phía tên đại úy; ở đây, năm chục thằng áo xanh còn lại cũng đã đứng dàn ngang chờ, đón bắt anh lính vào hàng.

Đi qua! Chỉ xách cái bị nhỏ.

Đi qua! Đem theo thằng bé với cái giỏ mây.

Đi qua! Đi qua! , đi qua!

Đám người ban nãy thưa đi phía trên, nghĩa là có một số đứng lại, đa số là thường dân, cũng có một ít người mặc đồ lính. Những người này không được cho đi qua lo lắng vô cùng. Họ đứng yên một chỗ không dám xê dịch; nhưng bồn chồn, cái đầu ngó ngoái nhìn sau nhìn trước, họ muốn van xin để được gọi đi nhưng môi không dám hé.

Thật là ác độc! Đói khát, chết hụt, hành hạ thể xác chưa đủ; bây giờ thêm cái trò tra tấn thần kinh. Đố còn ai biết mình đang ở đâu? Đâu còn ai biết dưới chân là nhà và cạnh bên là biển; đây là nơi thiên nhiên tỏa rộng nước mây; đâu ai còn biết đây là buổi sáng tươi mát, mặt trời nhìn xuống với tia nắng ấm. Thử đem tất cả văn chương ca tụng thiên nhiên về bầu trời, đại dương đọc lên mà những người nơi đây nghe lọt được một tiếng. Thần kinh họ rung lên như dây đờn, trong mạch máu bé nhỏ, máu tuôn chảy rần rật. Cái hung ác vô sắc vô hình này hơn tất cả; không máu chảy thịt rơi, không bom đạn, không roi vọt mà đau đớn vô cùng; thịt như bị xé ra, máu như ọc lên. Tiếng “đi qua” như tiếng của cô ý tá kêu gọi đứa bé lọt lòng mẹ, tiếng nói của tái sinh. Không có tiếng “đi qua” là sự âm thầm dọa nạt của thần chết. Cái trừng mắt và cái lời quát nạt “đi qua” của cái mặt hầm hầm đội nón sắt, thật là “ưu ái” biết chừng nào!

Lạ quá, khi chưa có cái trò gạn lọc này, mười người buông xuôi cả mười, muốn ra sao cũng mặc, không ai còn thiết sống; nhưng khi đã bày ra trò này, thì mười người cả mười đều muốn đi qua, đều không buông xuôi, vì “đi qua” là ranh giới giữa cái sống và cái chết.

Một thằng áo xanh đến với chị đàn bà đứng cách tôi một người thì nó không vội lục soát chị, mà dừng lại nhìn ngắm. Nó xoa vào má chị, để nhìn vào cặp mắt long lanh đợi chờ một tiếng “đi qua”. Thằng này cũng muốn nói lên tiếng ấy, nhưng chợt mắt nó lướt qua toàn thân chị, và một giây ngần ngừ nó không muốn bỏ qua cơ hội này. Luật pháp đã sẵn sàng che chở nó, sức mạnh cây tôm – xông đang bảo vệ nó, và tiếng thị phi đã có lý luận của cung cách quân đội khám xét đánh đổ đi. Và cái giống chó của nó còn dám làm giữa ban ngày trước mắt thiên hạ kia mà, thế là nó tiến hành khám xét người phụ nữ. Đến khi nó buông chị đàn bà ra với tiếng “đi qua” thì toàn thân chị run lẩy bẩy, mặt tràn nước mắt và môi dưới rướm máu.

Tôi đứng đấy, mà như lẩn trốn. Lòng căm thù khiến tôi chết lặng và nổi hèn nhát làm tôi như bị trời trồng. Sự bất lực trước sức mạnh dường như là bản chất của tôi. Giờ đây tôi đau đớn thấy mình phải nuốt hờn, căm hận chỉ thoát ra bằng lời than thở. Và người đàn bà cũng vậy, yêu cầu được sống còn lớn quá, chị phải dằn lòng chịu nhục. Những người trốn chạy cộng sản đấy!

Cho tôi đi qua! Tiếng năn nỉ của người đàn ông đứng cạnh tôi vừa mới được khám xét.

Đi qua để chịu chết phải không? Thằng áo xanh trả lời làm người đàn ông sững ra.

“Đi qua” là chết hay “không đi qua” là chết, có ai hiểu chắc chắn được kết quả của cái trò gạn lọc này? Chưa biết như thế nào, nó căng thẳng ở phút cuối cùng. Ai còn chịu đựng nổi sự tra tấn này chưa vỡ mạch máu sẽ biết.

Rồi đến lượt tôi, trong khi kiệng thì thầm trả lời những câu hỏi của tên áo xanh và chịu đập vào người nhiều cái mạnh. Đến khi tiếng hét “đi qua” của nó vang dội bên tai mới làm tôi sực tỉnh. Và cho đến lúc đó tôi cũng không biết lý do gì mà được hay bị đi qua.

Một giờ trôi qua, cả ngàn người trên phà được tách làm đôi đứng về hai bên, bên nào cũng có những bộ đồ xanh và súng tôm – xông bảo vệ sát nút. Nhóm “đi qua” chiếm gần hai phần. Giữa hai nhóm là khoảng cách rộng một phần tư chiều dài phà, mấy chục cây súng tôm – xông chông ra tua tủa. Cái tin “đi qua” là chết và “không đi qua” cũng là chết làm hai nhóm mặt mày đều lo âu. Nhóm này liếc nhìn về nhóm kia đau đớn cho mình và cho người; có người chưa đến nỗi bi quan thì hiểu khác: “nhóm đi qua” sẽ được ở trên boong và giữ đưa vào Nam, nhóm “không đi qua” thì xuống hầm tàu và bị đổ lên Nha Trang. Người bi quan thì cho hai nhóm đều sắp gặp hiểm nguy; nhóm “đi qua” sẽ được đưa ra đảo cô lập để gạn lọc thêm nữa, ai xài được thì xài; nhóm “không đi qua” thì trút luôn xuống biển. Có người thì thầm ước mong; thà sống hết, hoặc chết hết, chia nhóm làm gì cho đau lòng kẻ ở người đi quá thế!

Một điều lạ là cả hai nhóm đều có sắc lính, đều có người già và đàn bà trẻ con, chỉ riêng bị gậy là nhóm “không đi qua” thì rất nhiều. Do ở đống đồ đạc quá nhiều, mà nhóm “không đi qua” sẽ bị trút bỏ với đồ vứt đi của những người “đi qua”, nhưng có người nghĩ khác: bị gậy có thể có nhiều vật dụng đáng giá nên có thể được hốt lên tàu với nhóm “không đi qua”. Nhưng câu trả lời đến sau đó không lâu.

Chiến hạm chạy chậm lại né sang bên phà theo trớn trườn lên phía trước cặp vào mạn tàu, thừng trên tàu được quăng xuống neo phà lại, chiến hạm và phà cập cận sát nhau, chỉ hở khoảng nửa thước, và do sóng biển nhồi, hai thứ thả trên nước đập vào nhau, mạn phà có treo một hàng vỏ bánh xe GMC để giữ khỏi vỡ. Một thang gỗ là một tấm ván rộng bốn tấc, dày ba tấc đóng gỗ 4×8 cm sọc ngang cách khoảng hai tấc được bắt từ phà lên tàu dốc cao gần 15 độ. Khoảng cách từ đầu thang trên tàu đến sàn phà gần năm mét nên đầu thang chống trên phà chạy chuồi ra gần sát mé phà bên kia theo chiều ngang đối diện với chỗ mé phà cập tàu. Cái cầu thang trên phà này được chắn ngang bằng khối thép được bắt dính trên sàn phà (hình như là nắp để vào sửa chữa bụng phà). Nhưng đầu thang không luôn luôn được chống vào khối thép ấy một cách cố định, mà cứ theo nhịp đập của phà vào tàu, nó quét tới quét lui, xịch ra chống vào.

Ai đã xem xiếc, hãy tưởng tượng màn xiếc này với hàng quân diễn viên. Diễn viên nào không hoàn thành vai trò của mình thì mặc nhiên bị trừng phạt ngay bằng cách tự loại mình ra khỏi cuộc sống.

Nghiêm! Các người hãy cẩn thận, chết sống gì đều là do các người. Toán bên hữu lên trước được bố trí vào nơi đặc biệt. Toán bên tả lên sau, bố trí nơi khác, ai ở đâu ở đó theo lịnh hạm trưởng…Tiếng loa vừa dứt, cả hai toán thở phào nhẹ nhỏm, thế là không ai phải chết, chỉ phải chịu một sự phân biệt đối xử nào đó trên tàu thôi, mà chịu phân biệt đối xử thì ai trong cái xã hội này cũng đã chịu quen từ lâu rồi.

Nào toán bên hữu, từng hàng một lên cầu, đàn ông trước!

Tôi thấy thiếu tá sư đoàn I tiến ra, anh lên thang đầu tiên, như một người xiếc đi dây. Hai tay dang ra, anh bước đều đều bất chấp cái thang đưa qua đưa lại nhè nhẹ sụt tới xịch lui. Đến giữa thang, cái thang dù thật dầy, nhưng vì trọng lượng con người và độ dài của nó, thang bị oằn xuống và hơi nhún nhẩy theo bước chân; do thế mà từ giữa thang, bước đi của anh như làm trò xiếc. Thoáng chốc, thấy anh trên tàu.

Đến người thứ hai, thứ ba…cứ thế tiếp mãi, con người ta sao gan dạ và tài tình thế kia, đến lúc cần làm xiếc người ta vẫn làm được. Tôi đứng nhìn ngao ngán chờ tới phiên mình.

Khi ấy bên tàu đưa qua phà một cái thang đứng bằng sắt cao khoảng bốn mét gồm hai thành thang xoạc chân. Đầu thang chụm vào nhau bằng một mặt sắt nằm ngang rộng hai tấc, thang được mấy cái áo xanh dựng lên sát mé phà về phía tàu, chân thang do bốn áo xanh kềm giữ. Đầu thang cách lan can boong tàu trên hai mét theo bề cao và ba mét theo bề rộng, một đường xéo từ đỉnh thang qua tàu khoảng gần bốn mét. Đường xéo này không được bắt cầu vì mặt thang quá bé. Họ dựng thang làm gì vậy? Họ tổ chức chu đáo thật! Nơi đây sự tổ chức chu đáo!

– Những đứa bé dưới sáu tuổi, có cha đã lên tàu, bà mẹ dắt ra đây.

Một đứa bé được mẹ dắt ra khỏi hàng, một tên áo xanh hai tay không bước tới xớt đứa bé và nói với bà mẹ:

– Vào hàng!

Rồi tên áo xanh mang đứa bé lại phía thang, một tay ôm ngang hông đứa nhỏ đang giãy dụa, tay kia phăng thang, chân hắn bước đều đều lên đỉnh thang. Lên đến nơi hắn đứng thẳng mình hai tay đưa bổng đứa bé lên cao. Bên kia tàu, có một áo xanh đang đứng chờ. Mọi người hiểu ra. Bà mẹ hiểu ra gào lên:

– A…a…a…

Bà chỉ biết gào lên như thế rồi đâm bổ ra.

Đây chiếc áo xanh trên thang hơi dong người, đưa đưa đứa bé một lần, hai lần, ba lần – Đứa bé vút đi qua đôi tay áo xanh trên boong, hắn đón bắt và để em bé xuống nhẹ nhàng. Đứa bé lao trong gió thất kinh bật tiếng khóc. Hai bóng áo xanh trên cao thật nhà nghề, lao trẻ con kiểu như lao dưa hấu hay quăng bắt gạch ngói.

Người mẹ vừa đâm bổ ra, đưa hai tay về phía con, đứa con vút ra, bà ập người tới té sấp, đến khi ngồi lên, đứa bé đâu mất, bà la lên:

– Con tôi đâu?

Một áo xanh ra đẩy bà vào hàng quát nạt:

– Lên tàu rồi, về chỗ.

Thấy đứa con vụt biến mất một cách kỳ lạ đi giật lùi, nhưng tới ngang đầu thang gỗ, bỗng bà leo lên, không đi mà bò thoăn thoắt, kỳ diệu thay bà cũng mất hút được vào trong tàu.

Một người đàn ông ôm một đứa bé khoảng tám tuổi trên tay lên thang gỗ, anh đi thận trọng từng bước, đứa con ôm cứng lấy cha nhắm nghiền mắt; nửa phút sau hai cha con tới đích bình an.

Tôi đứng nhìn cảnh lên hạm của đoàn người – người lớn và trẻ em. Từng lúc, tôi như phát hiện những mặt mới của cái xã hội mà đã hàng chục năm nay tôi chưa biết tới, và cả những ý nghĩa mới của những danh từ, con người rất tự do: tự do lựa chọn cho mình giờ phút nào để bước vào cái chết. Tự anh bò lên thang và tự anh rơi. Không ai đẩy anh xuống biển. Người ta đã bố trí cho anh cái cầu thang! Mức độ bạo ngược ở đây không chỉ là độc ác mà còn thâm hiểm nữa.

Một tên áo xanh đứng trên thang vút một em bé. Tên áo xanh đứng trên hạm đón hụt. Em bé rơi tỏm vào khoảng cách giữa hạm và phà. Bà mẹ, như một cục sắt bị nam châm hút, lao tới bu vào cái vỏ bánh xe bên mạn phà, chúc đầu xuống nhìn mặt nước tìm con. Sóng đưa nhẹ cái phà vào hông hạm. Cái vỏ sắt của hạm và cái vỏ bánh xe đập cái đầu làm người bà như điện giật hất bổng lên vừa lúc sóng dựt con phà ra, thân bà trút xuống biển đúng vào chỗ đứa bé vừa rơi. Không ai có thì giờ chặc lưỡi một cái, vì về phía thang gỗ, những con người đang tiếp tục bò lên.

Một đứa con bò trước trên thang gỗ, bà mẹ bò sát theo sau, bàn tay luôn chực chờ cổ chân đứa con, đứa con 10 tuổi yếu quá mà đầu gối cứ phải gác lên những miếng gỗ vuông đau điếng. Từ đau mất cảm xúc của da, hay em sợ hãi quá mà đầu gối gác hụt ra ngoài thang, cái mình em nghiêng lật ngửa ra ngoài, bàn tay chực chờ của người mẹ liền chộp chính xác chân con bấu chặt; đứa con rơi dằn sức bà mẹ, bàn tay còn lại bám thang không vững và bà lật ngữa rơi theo con, chỉ rớt khoảng ba thước xuống mà sàn phà cứng quá cũng làm vỡ sọ em bé và gãy xương bà mẹ. Những tên áo xanh kéo chân hai con người ấy bỏ qua bên. Rồi đây biển sẽ lại xóa thêm hai cuộc sống.

Một người cha ôm con trước ngực, ông bước, mới được vài mươi bước, hụt chân, cha con đều rơi. Chỉ hơn hai thước mà cha lẫn con không còn ngồi lên được nữa, họ chỉ rên la. Tại sàn phà bằng thép cứng quá hay do họ đã đau đớn hoảng hốt tự trong lòng?

Những cái rơi không do một lý do kém cỏi nào, rơi tự nhiên. Có khi chết, có khi bị thương.

Sự cố này được diễn đi diễn lại, trên phà và hạm, người ta nhìn cái chết đến nhàm chán, không còn tỏ một chút bi thương. Thử nhìn xem một ông cha đang bò trên thang gỗ, đứa con bò theo ông giữa đường té ngửa. Máu từ các lỗ trên mặt trào ra chảy trên sàn phà. Ông quay lại nhìn chằm chằm mấy giây, màu sắc da mặt ông không thay đổi, bắp thịt mặt ông không co giật, tay chân ông không run; ông tiếp tục bò lên tàu và ông thoát. Ông kềm chế được cảm xúc hay là tại nơi đây, không ai có quyền quay lại?

Ban đầu, cái thang đối với tôi là một sự hiểm nguy to lớn. Tôi có cảm giác như bế tắc tại đây vì cái thang gỗ ác nghiệt. Nhưng sự bạo ngược quá mức của bọn thống trị và cái chết quá thản nhiên của những người cùng cảnh, khiến tôi lên thang một cách tự nhiên gần như đây là trò tiêu khiển mà tôi là một trẻ thơ.

Chuyền xong “nhóm đi qua” thì đã trưa, đám áo xanh về chiến hạm ăn uống nghỉ ngơi. Kế hoạch là 3 giờ chiều sẽ tiếp tục đưa tiếp nhóm “không đi qua”.

Nhưng buổi trưa hôm đó, là bữa cơm cứu đói, mọi người chăm bẳm vào nắm cơm dưa muối mà quên hẳn mọi việc. Cùng lúc ấy, neo và dây buộc vào phà bị tháo bỏ hết. Chiếc phà và chiến hạm không còn ràng buộc nhau từ lúc đó (! ).

Buổi trưa trên tàu, tôi lại nếm sự oi bức của trời hè, nóng đến độ tôi tưởng mình có thể hôn mê bất tỉnh, và tất cả gần 700 con người bị gom lại một góc trên boong sau đuôi tàu cũng đều chết lịm. Đến chiều, gió thổi mát, mọi người được gọi dậy để cứu đói bằng nắm cơm chiều; người ta quên hẳn chiếc phà. Sau bữa ăn, tất cả lại lui vào giấc ngủ.

Chiến hạm vẫn chạy. Mũi tàu rẽ sóng, đuôi tàu nước reo. Tiếng máy ru hồn những con người được cứu vớt vào trong giấc ngủ mê man. Khuya, trời mát lạnh. Mọi người vẫn ngủ, ngủ say mê, chiến hạm vẫn chạy đều. Trăng lên, trời gần sáng, chiến hạm vẫn lướt sóng băng băng. Trời sắp sáng, chiến hạm vẫn xả máy, tôi chống tay ngồi dậy, gượng đứng lên tựa vào lan can boong tàu. Xung quanh tôi mọi người cũng đã thức. Sau một đêm dài và nửa ngày ngủ vùi, người ta thấy khỏe ra, đứng nhìn trời mây và biển cả. Thôi ai đã ở lại hãy ở lại, ai đã chết hay không còn sống khổ nữa, xin chào tất cả! Tôi thầm nghĩ như vậy.

– Cam Ranh! Có lẽ Cam Ranh đã hiện xa xa theo ngón tay chỉ của người nào đó.

– Đây chỉ là hòn đảo ngoài khơi Cam Ranh. Một người nào đó am hiểu Cam Ranh hơn phát biểu: – Cam Ranh còn ở trong xa kia.

Mọi người đổ qua phía bên này để nhìn cái đảo xanh rì cây cỏ.

Ở đây vô Cam Ranh còn bao xa nữa?

Chắc năm hải lý, khoảng 15 phút nữa chúng ta sẽ vào tới Cam Ranh. Ôi, những gì xảy ra hãy để yên như thế, chiến tranh ở Quân khu I, nhưng Cam Ranh vẫn thanh bình. Mọi người chỉ trỏ bàn tán vui vẻ.

Bỗng một giọng quái ác giễu cợt nào đó, trong đám đông, nói rất nhỏ nhưng xuyên thẳng vào màng nhĩ không sót một người:

Còn trên 500 cây số nữa mới đến Cam Ranh, trong 36 giờ. Đấy không phải dấu hiệu Cam Ranh! Đây là đảo Voi, ngoài khơi biển Đà Nẵng, cách bãi Mỹ Khê 10 hải lý.

Tôi kiễng chân nhìn người nói, nhận ra một trong mười hai người thủy thủ chèo cùng thuyền với tôi khi rời bãi Mỹ Khê.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.