Dạy Trẻ Phương Pháp Tư Duy
TRỌNG TÂM VÀ MỤC ĐÍCH
Hầu hết mọi suy nghĩ đều lan man từ điểm này sang điểm khác. Một người tư duy đưa ra những điểm dẫn tới những điểm khác. Trong một cuộc bàn luận, thường có ai đó cố gắng công kích những điều người khác nghĩ và nói. Điều này thường xảy ra và lý do là vì mọi người còn mơ hồ và có một khái niệm chung chung về chủ đề của vấn đề và mục đích của tư duy. Đây là một trong những lỗi chính khiến tư duy trở nên không hiệu quả và vô hiệu quả.
Chúng ta vừa xem xét một vài công cụ tư duy và một vài thói quen tư duy, và lúc này chúng ta đang xem xét một thói quen tư duy khác: trọng tâm và mục đích. Điều này có nghĩa là chúng ta nên nhận thức một cách thường xuyên về trọng tâm và mục đích của tất cả mọi hành vi tư duy của chúng ta. Một thói quen là một điều gì đó nên trở thành một phần không thể thiếu được trong tất cả mọi hành vi tư duy. Một công cụ là một thứ gì đó chúng ta lựa chọn để sử dụng vào những tình huống cụ thể. Có sự liên quan giữa các công cụ (AFO và FIP) và tôi sẽ trình bày chúng ở phần sau.
Hãy hình dung tình huống khi tôi đi xem một triển lãm đồ dùng gia đình và tôi đang xem xét việc mua một chiếc bàn ăn mới. Tôi đang chú tâm tới cái bàn. Nhưng lúc đó tôi nhìn xuống những chiếc chân bàn và băn khoăn liệu chúng có đủ độ vững chắc? Sau đó tôi nhìn lên bề mặt của chiếc bàn, liệu nó có bị biến màu hoặc phá hỏng bởi sức nóng của các loại đồ ăn. Và lúc đó sự tập trung của tôi dồn vào một vết xước trên mặt bàn. Điểm mấu chốt là mục tiêu chung chung của tôi: mua một chiếc bàn, và tôi đang xem xét để mua chiếc bàn đó. Nhưng tại bất cứ điểm chú trọng nào tư duy của tôi dường như đang chú trọng đến những điểm nhỏ hơn so với mục tiêu tổng thể. Không chỉ tư duy của tôi tập trung vào những điểm nhỏ hơn mà cách nghĩ về những điểm nhỏ hơn đó tự nó cũng có mục đích xác định (liệu vết xước có phải là một sự chú trọng).
Nếu chúng ta chỉ có cảm nhận chung chung về mục tiêu của tư duy, điều đó là chưa đủ. Chúng ta cần biết tại sao tại mỗi một thời điểm, chúng ta đang chú trọng đến điều gì và đang cố làm điều gì. Điều này đòi hỏi một số nguyên tắc nhất định và sự sử dụng những chiếc mũ tư duy. Chúng ta cần một điểm tựa cho tư duy để từ đó chúng ta có thể thấy những gì đang xảy ra.
Tất cả thói quen tư duy đều có một vài câu hỏi mấu chốt mà chúng ta nên tự hỏi bản thân bất cứ lúc nào chúng ta tư duy. Đối với thói quen trọng tâm và mục đích câu hỏi là:
– Lúc này tôi đang xem xét (nghĩ về) điều gì?
– Tôi đang cố để làm gì?
Bạn luôn có thể tự hỏi bản thân những câu hỏi như vậy. Bạn hãy đặt câu hỏi khi bạn đang tham dự một cuộc họp mà hầu như chẳng đi đến đâu cả.
Vì chúng ta cần nhận thức được trọng tâm và mục đích, do vậy chúng ta nên có khả năng đặt ra trọng tâm và mục đích.
Bạn muốn chú trọng tới điều gì?
Trong mọi thời điểm tư duy cũng như tại thời điểm thiết lập kế hoạch tư duy ( mũ xanh da trời), bạn nên có khả năng chỉ ra và xác định những vùng trọng tâm khác nhau và bạn muốn làm gì với mỗi vùng trọng tâm đó.
Chúng ta có thể phân loại tư duy thành bốn kiểu chính sau đây:
Tư duy khám phá: nhìn xung quanh, bồi dưỡng kiến thức và nhận thức của chúng ta về chủ đề. Chúng ta muốn có một tấm bản đồ cụ thể hơn về nó.
Tư duy tìm kiếm: khi chúng ta có một nhu cầu xác định, chúng ta muốn điều gì đó. Chúng ta muốn kết thúc với điều gì đó cụ thể. Chúng ta cần một giải pháp cho vấn đề đó. Chúng ta cần giải quyết sự xung đột. Kiểu tư duy này khác nhiều so với kiểu tư duy khám phá. ở đây, từ tìm kiếm có thể được hiểu theo nghĩa kiến thiết. Nó không giống như việc có một ý tưởng đang ẩn chứa đâu đó và chúng ta chỉ việc tìm ra chúng. Chúng ta phải xây dựng một giải pháp cũng như chúng ta phải sắp xếp mọi phần của một mẫu thiết kế. Vì thế chúng ta có thể nói rằng chúng ta đang tìm kiếm để đi đến một kết quả được mong đợi.
Tư duy lựa chọn: đã có một số phương án và chúng ta phải thực hiện một sự lựa chọn hoặc một quyết định. Đó có thể là một chuỗi hành động và sự lựa chọn của chúng ta là có nên hoặc không nên sử dụng chúng. Ví dụ, trong thiết kế hoặc trong cách giải quyết vấn đề chúng ta thường đi đến một điểm mà ở đó có một vài phương án có thể và chúng ta phải lựa chọn chúng.
Tư duy tổ chức: tất cả mọi khía cạnh đều có nhưng lại không theo một trật tự nào cả. Chúng ta phải sắp xếp mọi khía cạnh đó cùng nhau theo cách hiệu quả nhất. Chúng ta xem xét mọi thứ. Chúng ta thử cách này hay cách khác. Chúng ta áp dụng nhiều công cụ tư duy khác nhau ( APC, OPV, C và S…). Thiết kế một ngôi nhà là một phần của tư duy sáng tạo và là một phần của tư duy tìm kiếm. Sắp xếp ngôi nhà theo đúng trật tự là một phần của tư duy tổ chức. Nêu ra một kế hoach và thực hiện kế hoạch đó đều là những bộ phận của tư duy tổ chức.
Tư duy kiểm tra: liệu nó có chính xác không? Liệu nó có đúng không? Liệu nó có phù hợp với chứng cứ hay không? Nó có được chấp nhận không? Đây là kiểu tư duy mũ đen hoặc kiểu tư duy phê phán. Chúng ta phản ứng lại trước những gì mà chúng ta thấy. Chúng ta xét đoán nó. Chúng ta kiểm tra nó. Hiển nhiên trong mọi kiểu tư duy (giải quyết vấn đề, kiểm tra là một phần không thể thiếu (giải quyết vấn đề, thiết kế, lựa chọn và giải thích…), nhưng kiểu tư duy này tồn tại độc lập.
Trong phần xác định trọng tâm và mục đích, kiểm tra là một phần hữu ích giúp chúng ta nhận thức được kiểu tư duy mà chúng ta đang nghĩ.
Bài tập luyện trọng tâm và mục đích
1- Một nhà thiết kế đang thiết kế kiểu dáng cốc mới. Năm khía cạnh về một chiếc cốc mà cô ấy cần chú trọng là gì? Ví dụ, điều chú trọng của cô ấy là tay cầm của chiếc cốc.
2- Trong một cuộc họp bàn về vấn đề trồng nho tại vùng California, tư duy của mọi người dường như tập trung vào cuộc chạy đua giữa các loại rượu. Theo bạn thì mục đích chính của cuộc họp lần này là gì?
3- Bạn đang chuẩn bị một bữa ăn cho bạn và ba người bạn. Liệt kê năm thứ mà bạn cần chú tâm. Ví dụ, bạn có thể chú tâm đến việc các bạn sẽ đi đâu để ăn.
4- Bạn mua một chiếc đài casette trong một cửa hàng. Chất lượng của chiếc đài không được tốt như bạn mong đợi. Bạn muốn trả lại chiếc đài. Liệu bạn nên chú tâm vào điểm gì?
5- Bạn đang tổ chức một bữa tiệc tại nhà có mời 20 người bạn của bạn. Nhưng có hai mươi người khác không được mời cũng đến dự tiệc. Những người này bạn có biết nhưng không phải là bạn của bạn. Bạn nên chú trọng đến điều gì và mục đích của việc bạn suy nghĩ về những điểm chú trọng đó là gì?
6- Một doanh nghiệp mở một cửa hiệu bán kem trong khu vực bạn ở. Ông ta chú trọng đến những điểm sau:
– Chất lượng sản phẩm.
– Những sản phẩm nổi tiếng cùng loại.
– Quảng cáo và tuyên truyền.
– Tuyển những nhân viên tốt.
Theo bạn, còn những điểm gì khác mà anh ta cần chú trọng?
7- Một người bạn của bạn vừa mất một con chó cảnh mà cô ấy rất yêu thích. Bạn đến để giúp đỡ cô ấy. Ba điều quan trọng nhất mà bạn cần lưu tâm là gì?
8- Một vụ tai nạn xe khách nghiêm trọng xảy ra trên đường cao tốc làm cho rất nhiều người bị thương và họ được đưa vào bệnh viện gần nhất. Giám đốc bệnh viện này nên chú trọng đến những điều gì?.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.