Dạy Trẻ Phương Pháp Tư Duy

CHIẾC MŨ TRẮNG VÀ CHIẾC MŨ ĐỎ



Tôi sẽ giới thiệu những chiếc mũ tư duy theo từng cặp đôi bởi vì như vậy sẽ giúp người học dễ dàng sử dụng hơn và dễ thực hành các bài tập hơn.

 

Mũ trắng

 
 

Hãy nghĩ đến tờ giấy. Nghĩ đến một chiếc máy in. Chiếc mũ trắng đề cập đến thông tin trung lập. Nó không liên quan gì đến tranh luận hoặc đưa ra những gợi ý. Chiếc mũ trắng chú trọng trực tiếp đến những thông tin có thể sử dụng.

 

Thông tin vô cùng quan trọng đối với quá trình tư duy, cho nên chiếc mũ trắng cung cấp một cách thuận tiện để mọi người chú trọng trực tiếp đến thông tin.

 

Khi sử dụng chiếc mũ trắng, những câu hỏi quan trọng là:

 

Chúng ta đang có những thông tin gì?

 

Những thông tin gì chúng ta đã bỏ qua?

 

Làm thế nào để chúng ta có những thông tin chúng ta cần?

 

Thông tin chúng ta có

 
 

Chúng ta trình bày toàn bộ thông tin chúng ta có. Thông tin ở đây bao gồm: dữ liệu, số liệu, thống kê, danh sách…

 

Thông tin cũng có thể xuất phát từ kiến thức, kinh nghiệm của bản thân chúng ta, khi đó, nguyên tắc để trình bày nó là: “theo kinh nghiệm của tôi…” hoặc “ như tôi được biết…”.

 

Chúng ta cũng cần phân biệt rành mạch những thông tin hiện có để xem những thông tin nào có thể đem ứng dụng được. Một nhà thám tử giỏi là một người có thể tưởng tượng để nhặt ra những đầu mối trong khi những người khác không thể.

 

Luôn có những cấp độ khác nhau của sự thật, xác suất hoặc sự tin cậy của thông tin. Đó cũng có thể chỉ là những suy đoán, suy luận và những khả năng. Điều quan trọng nhất khi áp dụng chiếc mũ trắng chính là sự khẳng định rõ ràng những thông tin đưa ra thuộc loại gì:

 

–                     Những dữ liệu đã được nêu ra trong những bảng này.

 

–                     Tôi giả thuyết rằng …

 

–                     Dựa vào những chiếc chìa khóa còn bỏ lại trên xe, tôi suy luận rằng người lái xe phải chủ định sẽ quay lại xe.

 

–                     Quan điểm được chấp nhập rộng rãi là hiệu ứng nhà kính sẽ tác động nghiêm trọng tới chúng ta trong vòng 50 năm nữa.

 

Những thông tin thiếu sót

 
 

Chúng ta kiểm tra lại những thông tin chúng ta có để biết xem chúng ta thiếu những thông tin gì. Chúng ta sẽ cố tìm ra những khoảng trống thông tin đó. Liệu chúng ta đã có đủ thông tin cần thiết cho việc tư duy hoặc cho việc đưa ra quyết định? Nếu chúng ta không có đủ thông tin, chúng ta sẽ phải làm gì khác đây?

 

Hãy cố gắng xác định những thông tin cần thiết một cách rõ ràng. Càng có nhiều thông tin càng tốt cho việc tư duy, nhưng những thông tin chúng ta thực sự cần ở đây là gì?

 

Chúng ta có thể cần những thông tin để đưa ra sự lựa chọn một trong hai sự giải thích đều có thể chấp nhận được. Chúng ta cần thông tin để lựa chọn cách hành động tốt nhất. Chúng ta cần thông tin về một dữ liệu để phục vụ nhu cầu của chúng ta.

 

Hãy có những thông tin mà chúng ta cần

 
 

Lắng nghe là một phần của lối tư duy mũ trắng. Chúng ta lắng nghe kĩ càng và lựa chọn thông tin, chứ không phải chỉ chờ đợi thông tin.

 

Chúng ta có được thông tin thông qua đọc tài liệu hoặc thông qua tìm hiểu những dữ liệu của máy tính và ngân hàng dữ liệu.

 

Cách tốt nhất để có được thông tin chính là cách đặt ra những câu hỏi. Biết đặt câu hỏi phù hợp là một phần quan trọng của tư duy. Bạn muốn những câu hỏi mang lại điều gì cho bạn? Bạn muốn kiểm tra lại điều gì? Đây có thể là một câu hỏi “ngắm” vì chúng ta biết chúng ta đang hướng tới điều gì và câu trả lời ở dạng “có” hoặc “không”. Hoặc khi chúng ta đi “câu” thông tin, chúng ta không biết những gì chúng ta sẽ bắt được câu “hỏi”.

 

Sử dụng chiếc mũ trắng chúng ta có thể được yêu cầu nói xem chúng ta dự định làm thế nào để có được những thông tin thiếu sót. Có thể nhờ cách tìm kiếm thông tin, đó có thể là việc tìm kiếm trực tiếp, hoặc thông qua việc suy diễn sự thăm dò ý kiến…

 

Thông tin và cảm giác

 
 

Có những khi chỉ có một giới hạn mong manh chiếc mũ trắng và chiếc mũ đỏ. Khi chúng ta đang nhìn về tương lai, chúng ta chẳng bao giờ chắc chắn được điều gì sẽ xảy ra, vì thế chúng ta suy đoán và ngoại suy. Bạn có thể nói “tôi có cảm giác đồ chơi này sẽ bán chạy”. Rõ ràng, bạn không thể chắc chắn điều này. Nhưng nếu bạn có thể đưa ra những lý do phù hợp (sản lượng bán của những đồ chơi cùng loại, điều tra thị trường…) thì đó là những thông tin chiếc mũ trắng. Nếu bạn không thể cung cấp thông tin nhận xét của bạn thuộc chiếc mũ đỏ. Chiếc mũ trắng là chiếc mũ chứa đựng thông tin mà chúng ta hoàn toàn có thể kiểm tra hoặc dựa trên những lý do hợp lý.

 

Nếu bạn nói rằng: ông herring không thích ý tưởng này, đó lại là nhận xét mũ trắng bởi vì bạn thuật lại một sự việc. Nhưng nếu bạn nói: tôi không thích ý tưởng này, đó lại là cảm giác của chính bản thân bạn và đó là suy nghĩ mũ đỏ. Ngay cả khi bạn có những lý do hợp lý cho cảm giác của bạn, đó vẫn là tư duy mũ đỏ.

 

Sự đòi hỏi

 
 

Nếu ai đó đưa ra những thông tin mà họ coi là đúng và người khác xem nó lại là sai thì điều gì sẽ xảy ra? Có một cách thật đơn giản là đặt hai quan điểm đó cạnh nhau để xem xét.

 

–                     Anh jone nói rằng số người chết trên những tuyến đường đó ở mỹ là 50 000 người một năm. Anh kein không đồng ý và nói rằng con số này là 70 000. Tốt hơn là chúng ta cùng kiểm tra lại những con số này.

 

Mũ đỏ

 
 

Hãy liên tưởng đến ngọn lửa và sự ấm áp. Chiếc mũ đỏ chứa đựng cảm xúc, tình cảm, linh cảm và trực giác.

 

Chiếc mũ đỏ là chiếc mũ đối lập với chiếc mũ trắng. Chiếc mũ trắng tìm kiếm và đưa ra những dữ liệu cụ thể và không quan tâm đến việc mọi người cảm nhận về chúng như thế nào, chỉ có thực tế và thực tế mà thôi. Chiếc mũ đỏ lại không quan tâm đến dữ liệu mà quan tâm đến cảm giác của mọi người.

 

Cảm giác là một phần quan trọng của tư duy. Cảm giác luôn luôn hiện hữu trong tư duy. Chúng ta tìm kiếm sự khách quan nhưng (ngoài toán học) chúng ta khó có thể làm được điều này. Xét cho cùng thì tất cả mọi sự lựa chọn, mọi quyết định đều dựa vào cảm giác. Tôi sẽ trình bày kỹ hơn về cảm giác ở phần sau của cuốn sách này.

 

Mục đích của chiếc mũ đỏ là cho phép chúng ta có một phương tiện để bày tỏ cảm xúc và để chúng giữ một phần trong suy nghĩ. Cảm giác mang lại giá trị, khi chúng ta cho mọi người biết điều đó. Vấn đề chỉ nảy sinh nếu chúng ta vờ bộc lộ cảm giác thông qua một dạng gì khác. Chiếc mũ đỏ cung cấp một phương tiện cụ thể để bộc lộ cảm giác.

 

Trực giác thường được hình thành dựa trên kinh nghiệm. Chúng ta luôn có cảm nhận trực giác về điều gì đúng phải làm. Nhưng chúng ta không thể giải thích chính xác tại sao chúng ta đi đến kết luận như vậy.

 

Thường thì cảm nhận trực giác luôn rất có giá trị. Nhưng cũng có khi trực giác là điều tai hại. Nhất là đối với những vấn đề mang tính xác suất.

 

Sự biện minh

 
 

Thường thì khi chúng ta đưa ra một nhận xét thể hiện một linh cảm hoặc một cảm nhận trực giác, chúng ta tìm cách xây dựng một cơ sở hợp lý để biện minh cho linh cảm hoặc trực giác đó. Và thường thì cơ sở đó là sai (và chúng ta có thể chỉ ra điều sai đó), trong khi trực giác và linh cảm lại hợp lệ.

 

Chiếc mũ đỏ cho phép người suy nghĩ chỉ cần nêu ra linh cảm và cảm nhận trực giác mà không cần bất cứ sự giải thích hoặc ủng hộ nào.

 

Sử dụng chiếc mũ đỏ tôi có linh cảm rằng anh ấy sẽ trở thành một vận động viên tennis vĩ đại, đừng hỏi tôi lý do tại sao.

 

Trên thực tế, không bao giờ cần đưa ra lý do để ủng hộ hoặc chứng minh cho những suy nghĩ mũ đỏ. Bởi những lý giải sẽ phá hủy đi toàn bộ mục đích của chiếc mũ đỏ. Chiếc mũ đỏ cho phép mọi người đưa ra cảm xúc, cảm giác, linh cảm, cảm nhận trực giác, đơn giản bởi vì chúng là như vậy, mà không cần phải chứng minh.

 

Thời điểm cụ thể

 
 

Chiếc mũ đỏ chứa đựng cảm giác chỉ tại một thời điểm. Tại thời điểm bắt đầu một cuộc họp, cảm giác mũ đỏ của một người có thể rất khác so với những gì họ cảm thấy tại thời điểm kết thúc cuộc họp.

 

Cảm giác chỉ có giá trị khi nó xác thực và chân thành. Điều này có nghĩa là cảm giác mang tính thời điểm. Một người tư duy có thể bày tỏ cảm giác tại thời điểm khác nhau, nhưng phải khẳng định rõ ràng những cảm giác này.

 

Cảm giác thông thường của tôi về việc mua chiếc xe đạp điện này là một điều rất nguy hiểm. Nhưng lúc này tôi cảm thấy rằng đó là một ý tưởng hay.

 

Sự lẫn lộn của cảm xúc

 
 

Chúng ta có thể đưa ra những cảm giác hỗn hợp nhưng chúng phải được bạn đưa ra một cách rõ ràng.

 

Dựa trên một số khía cạnh, tôi cảm giác tốt về, và dựa trên những khía cạnh khác, tôi có cảm giác không tốt về …

 

Sau đó bạn sẽ nêu ra những khía cạnh khác nhau và những cảm giác tương ứng với nó. Tuy nhiên, nếu bạn được yêu cầu đưa ra một kết luận, ví dụ bạn phải đưa ra một quyết định, lúc đó bạn cần có một cảm giác bao trùm toàn bộ.

 

Tôi thích cái này và không thích cái kia. Nhưng xét về cân bằng, tôi thích ý tưởng này.

 

Tóm lược

 
 

Chiếc mũ trắng liên quan đến thông tin. Chiếc mũ đỏ liên quan đến cảm giác.

 

Những bài tập về chiếc mũ đỏ và chiếc mũ trắng

 
 

1-                 Điều gì là khác nhau giữa chiếc mũ trắng và mũ đỏ?

 

2-                 Máy tính có thể biểu lộ tư duy mũ đỏ.

 

3-                 Một cậu bé đá một quả bóng sang sân của nhà hàng xóm và làm vỡ cửa sổ. Họ đang cãi vã nhau. Hãy đưa ra những ví dụ về suy nghĩ mũ đỏ của mỗi bên.

 

4-                 Đưa ra một vài nhận xét mũ trắng về con đường, con phố mà bạn đang sống.

 

5-                 Có ai gợi ý với  bạn rằng bạn nên lựa chọn một trong ba sở thích: làm vườn, làm mộC và Sưu tập tem. Bạn hãy đưa ra một vài nhận xét mũ trắng về mỗi sở thích đó. Sau đó là những nhận xét mũ đỏ tương ứng.

 

6-                 Những ý kiến nào sau đây được xếp vào chiếc mũ đỏ và những ý kiến nào được xếp vào chiếc mũ trắng:

 

–                     Ô nhiễm càng ngày càng trở thành một vấn đề.

 

–                     Tôi có cảm giác rằng ô nhiễm đang trở thành vấn đề số một của thế giới.

 

–                     Việc làm của chúng ta là chưa đủ để kiểm soát ô nhiễm.

 

–                     Ô nhiễm là việc cần được tất cả mọi người quan tâm.

 

–                     Hiệu ứng nhà kính là do ô nhiễm.

 

–                     Những cuộc thăm dò chỉ ra rằng con người thực sự quan ngại về ô nhiễm.

 

–                     Tôi không biết tôi phải làm gì đối với tình trạng ô nhiễm.

 

7-                 Một người trẻ tuổi khi lựa chọn nghề nghiệp, thì những khía cạnh gì cần suy nghĩ theo tư duy mũ đỏ, những khía cạnh gì cần suy nghĩ theo tư duy mũ trắng.

 

8-                 Khi lựa chọn màu sắc để sơn tường phòng nhà bạn, những gì thuộc tư duy mũ trắng và những gì thuộc tư duy mũ đỏ

 

9-                 Sử dụng chiếc mũ đỏ và liệt kê ba thứ bạn thực sự thích và ba thứ bạn không thích.

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.