Dạy Trẻ Phương Pháp Tư Duy

PHẦN II – NGƯỜI THỢ MỘC VÀ NGƯỜI TƯ DUY



 

Mẫu mà tôi yêu thích là mẫu so sánh một người tư duy với một người thợ mộc. Người thợ mộc vừa làm, vừa tạo nên sản phẩm. Người thợ mộc làm từng bước, từng bước. Người thợ mộc xem xét từng chất liệu gỗ, chúng ta sẽ xem xét xem họ làm những gì.

 

Những thao tác cơ bản

 
 

Những thao tác cơ bản của một người thợ mộc không nhiều, và chúng ta có thể tóm tắt chúng thành 3 thao tác sau:

 

1-                 Cắt

 

2-                 Dán

 

3-                 Định hình.

 

Cắt có nghĩa là tách một phần mà bạn muốn ra khỏi phần còn lại. Tôi sẽ giải thích điều này tương ứng với những phần nào của tư duy cụ thể sau: sự chắt lọc, phân tích, trọng tâm, chú ý…

 

Dán có nghĩa là đặt những miếng cắt gắn với nhau bằng keo, đinh hoặc vít. Những thao tác suy nghĩ tương ứng là: liên kết, kết nối, chia nhóm, thiết kế, tổng hợp.

 

Định hình có nghĩa là sắp xếp để tạo nên một màu cụ thể và so sánh với những gì bạn muốn nó trở thành. Trong tư duy, điều này tương ứng với xét đoán, so sánh, kiểm tra và làm cho phù hợp.

 

Cho dù người thợ mộc chỉ thực hiện một vài thao tác cơ bản (tất nhiên là chúng ta còn phải tính đến cả việc khoan và đánh bóng) nhưng họ lại tạo ra những sản phẩm phức tạp và hoàn hảo.

 

Công cụ

 
 

Trong thực tế, người thợ mộc sử dụng các công cụ để tiến hành những thao tác cơ bản. Người thợ mộc không chỉ nói: “tôi muốn cắt miếng gỗ này” mà anh ta cầm lấy cái cưa và sử dụng cái cưa để làm việc đó. Những công cụ này được phát triển từ nhiều thế kỷ trước đây và được xem như một cách có hiệu quả để thực hiện những thao tác cơ bản.

 

Những công cụ dùng để cắt là: cưa, đục, khoan và máy cắt.

 

Những công cụ dùng để dán là: keo, búa, đinh, vít, tô vít.

 

Những công cụ để tạo hình là: bào và các mẫu.

 

Theo cách chính xác như vậy, chúng ta cũng có những công cụ tư duy. Một trong số những công cụ này (chẳng hạn như PMI) sẽ được trình bày trong cuốn sách này.

 

Người thợ mộc hình thành nên các kỹ năng thông qua việc sử dụng các công cụ. Một khi người thợ mộc có được sự khéo léo trong việc sử dụng các công cụ, anh ta có thể sử dụng chúng theo nhiều cách kết hợp khác nhau để làm nhiều việc khác nhau.

 

Cái cưa là một việc xác định. Tương tự như vậy, công cụ tư duy cũng là những công cụ xác định và cần được nhìn nhận và vận dụng theo cách này. Khi bạn sử dụng một cái cưa, bạn dùng cái cưa đó để làm việc chứ bạn không chỉ xem đó là một phương pháp cắt.

 

Cấu trúc

 
 

Có những khi người thợ mộc cần giữ những vật tại một vị trí nhất định để anh ta có thể gia công chúng. Ví dụ, người thợ mộc cần giữ chắc tấm gỗ để cưa nó. Người thợ mộc cũng cần cố định tấm gỗ để có thể khoan lỗ khi cần thiết. Vì lý do này, người thợ mộc cần đến mỏ cặp và bàn thợ.

 

Khi người thợ mộc muốn gắp những miếng cắt lại với nhau, anh ta đặt những miếng này lên một loại khung đỡ gọi là khuôn gá đồ. Đây là một loại khung trợ giúp, cho phép người thợ mộc thực hiện tác phẩm của anh ta.

 

Những cấu trúc tư duy được trình bày trong cuốn sách này cũng với mục đích tương tự như vậy. Đó là những cách để giữ đồ vật và cho phép ta thực hiện thao tác dễ dàng hơn.

 

Quan điểm

 
 

Một người thợ mộc thường có những quan điểm cơ bản về tác phẩm của anh ta.

 

Quan điểm này có thể là việc luôn luôn tìm kiếm sự đơn giản.

 

Quan điểm cũng có thể chú trọng tới độ bền.

 

Điểm mạnh của một người thợ mộc chính là quan điểm nền tảng của anh ta.

 

Nguyên lý

 
 

Quan điểm mang tính tổng quát còn nguyên lý mang tính cụ thể. Cả hai đều có những điểm trùng lắp. Một người thợ mộc sẽ hình thành một số nguyên lý hướng dẫn cần làm theo và tránh không nên làm theo.

 

Những nguyên tắc đó là:

 

–                     Làm theo thớ gỗ.

 

–                     Bố trí bề mặt dán tối đa cho tất cả những điểm nối.

 

–                     Luôn luôn đo lường mọi thứ.

 

–                     Chỉ sử dụng một lớp keo dán mỏng.

 

Cũng giống như người thợ mộc, cũng có những nguyên tắc cơ bản hướng dẫn việc tư duy. Ví dụ, một suy nghĩ tốt sẽ luôn luôn cần được kiểm tra trong những tình huống cụ thể để khẳng định tính đúng đắn.

 

Thói quen

 
 

Một người thợ mộc phát triển những thói quen làm việc nhất định. Những thói quen này không phải tự nhiên mà có được và người thợ mộc phải luôn nhắc nhở bản thân về thói quen đó cho đến tận khi nó trở thành một hành động tự động.

 

Những thói quen của người thợ mộc thường gồm:

 

–                     Luôn luôn đặt công cụ vào giá ngay sau khi dùng.

 

–                     Thường xuyên làm sắc các nếp cắt.

 

–                     Thường xuyên kiểm tra việc tạo hình so với khuôn mẫu.

 

Một vài thói quen bao gồm cả những ứng dụng tự động của một nguyên tắc, cho nên sự phân biệt giữa chúng không phải lúc nào cũng rõ ràng. Điều quan trọng nhất là thói quen phải là những chuỗi hành động thông lệ.

 

Người giỏi tư duy cũng tạo dựng cho mình những thói quen thông lệ theo cách giống như vậy. Ví dụ, như một thói quen, một người giỏi suy nghĩ luôn dừng lại để xem xem liệu có phương án thay thế nào khác không. Đó có thể là những cách nhìn thay đổi về một tình huống, những cách giải thích khác nhau, những hành động khác nhau và những giá trị khác nhau.

 

Tóm lược

 
 

Mẫu của một người thợ mộc cung cấp cho chúng ta tất cả những yếu tố của một kỹ năng tư duy mà tôi sẽ miêu tả trong cuốn sách này.

 

Quan điểm: đó là những quan điểm mà dựa vào đó chúng ta tiếp cận vấn đề.

 

Nguyên lý: những nguyên lý hướng dẫn giúp chúng ta tư duy tốt hơn.

 

Thói quen: những thông lệ chúng ta tìm kiếm để đưa chúng trở thành tự động.

 

Những thao tác cơ bản: những thao tác tư duy cơ bản.

 

Công cụ: những công cụ tư duy mà chúng ta thực hành và sử dụng một cách có cân nhắc.

 

Cấu trúc: sự tạo hình chuẩn để nhờ đó chúng ta nắm giữ mọi vật cho thuận tiện.

 

Luôn luôn nhắc nhở khuôn mẫu của người thợ mộc trong đầu bạn và xem xem anh ta sẽ cấu trúc mọi thứ như thế nào.

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.