Dạy Trẻ Phương Pháp Tư Duy

Tóm lược



Trong phần này tôi đã trình bày những điều cần phải nhận thức lại cho đúng trong lối tư duy của mỗi chúng ta. Chúng ta cần thông tin nhưng chúng ta cũng cần sự suy nghĩ. Sự suy nghĩ không chỉ là vấn đề của sự thông minh hoặc những vấn đề khó khăn hơn. Sự hiểu biết còn quan trọng hơn nhiều so với sự thông minh.

 

Lối tư duy truyền thống đặt sự chú trọng đặc biệt tới lối tư duy phê phán, tranh luận, phân tích và lập luận logic. Tất cả những khía cạnh này đều rất quan trọng và tôi hy vọng rằng những điều tôi viết không làm mọi người nghĩ khác về điều này. Nhưng tất cả những khía cạnh trên cũng chỉ là một bộ phận của tư duy và sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta chỉ dựa trên những khía cạnh trên để suy nghĩ và cho rằng thế là đủ. Ngoài lối suy nghĩ phê phán, chúng ta cần suy nghĩ xây dựng và sáng tạo. Ngoài suy nghĩ tranh luận, chúng ta cần khám phá vấn đề. Bên cạnh sự phân tích, chúng ta cần có những kỹ năng để kiến tạo ý tưởng. Và bên cạnh tư duy logic, chúng ta còn cần đến sự nhận thức.

 

Lối tư duy truyền thống của chúng ta chính là lối tư duy phản hồi: bạn phản ứng lại trước những gì mà bạn thấy. Nhưng còn toàn bộ một mặt khác của hệ thống tư duy. Đó là phần tư duy trước hành động bao gồm việc tìm ra và thực hiện để sự việc có thể xảy ra. Điều này đòi hỏi “sự thực hiện” hoặc các kỹ năng thực hiện hành động. Nó yêu cầu chúng ta phải suy nghĩ theo hướng xây dựng, sáng tạo và nảy sinh.

 

Có rất nhiều phần của lối suy nghĩ mang màu sắc tiêu cực: sự đòi hỏi, sự công kích, chỉ trích, tranh luận, chứng minh là sai…liệu đó có phải là cách để xử lý vấn đề? Và liệu chúng ta có thu được hiệu quả tương tự nếu chúng ta suy nghĩ một cách xây dựng? Tôi tin là chúng ta có thể làm được điều này.

 

Suy nghĩ sáng tạo là một phần suy nghĩ rất quan trọng. Chúng ta có thể bắt đầu xem chúng ta có thể sử dụng lối suy nghĩ sáng tạo một cách có cân nhắc như thế nào thay vì việc chúng ta ngồi đợi có người truyền cảm hứng cho chúng ta.

 

Cảm xúc, tình cảm cũng giữ một phần quan trọng trong hệ thống tư duy. Chúng ta không nên tìm cách loại trừ cảm xúc ra khỏi hệ thống tư duy mà nên tìm cách xem trong tình huống nào chúng ta sử dụng chúng để xem xét vấn đề.

 

Cuối cùng, sự thông minh là một tiềm năng và tiềm năng đó có thể được sử dụng một cách toàn diện để phát triển các kỹ năng tư duy. Không có những kỹ năng tư duy, tiềm năng này không được sử dụng triệt để.

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.