Dạy Trẻ Phương Pháp Tư Duy

CÁC NGUYÊN TẮC TƯ DUY



Khi chúng ta đã học đến phần này, chúng ta có thể cùng xem xét một số nguyên tắc hướng dẫn tư duy. Ở phần đầu của cuốn sách, tôi đã trình bày những nguyên tắc hướng dẫn này, nhưng khi bạn đọc những trang đầu thì những nguyên tắc đó dường như không có ý nghĩa lắm. Nhưng sau khi đã được học tất cả những phần đã được tình bày ở trên, bạn sẽ thấy những nguyên tắc này là những nguyên tắc nảy sinh từ những quá trình tư duy thực tế. Những nguyên tắc này chính là sự kết tinh của những gì bạn vừa được học.

 

Ở đây, tôi trình bày 12 nguyên tắc cơ bản. Sẽ có những người cho rằng cần nhiều hơn, hoặc ít hơn số đó. Cũng có thể có người cho rằng tôi đã bỏ ra ngoài một số nguyên tắc mà theo họ là cần thiết. Thực ra, đó là tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người.

 

Nhưng điều quan trọng ở đây là 12 nguyên tắc tôi đưa ra đều là những nguyên tắc cơ bản, quan trọng mà tôi cho rằng cần thiết đối với quá trình tư duy, và tôi cho rằng đây cũng là con số tối đa để mọi người có thể dễ nhớ và vận dụng thực tế.

 

1-                 Luôn luôn có tư duy xây dựng: quá nhiều người có thói quen tư duy phủ nhận. Họ thích chứng minh suy nghĩ của ai đó là sai lầm. Họ cảm thấy chỉ cần tư duy phê phán thôi là đủ. Họ thiếu đi tư duy sáng tạo và xây dựng. Có những lúc chúng ta cần tư duy phê phán, nhưng chúng ta cần coi trọng tư duy xây dựng hơn là lối tư duy phê phán.

 

2-                 Suy nghĩ chậm rãi và cố làm sự việc đơn giản nhất: trừ những trường hợp khẩn cấp, còn trong tất cả các trường hợp khác, suy nghĩ nhanh chóng chẳng có gì là hay ho cả. Ngay cả khi bạn tư duy chậm rãi, trong một khoảng thời gian ngắn, bạn cũng có thể nghĩ được nhiều điều. Bạn cũng nên cố hết sức để làm mọi việc đơn giản đi. Tư duy phức tạp chẳng có gì hay cả, trừ khi là bạn muốn tạo ấn tượng với người khác. Hãy luôn hỏi bản thân: có cách nào đơn giản hơn để xem xét vấn đề này?

 

3-                 Tách biệt cái tôi của bạn ra khỏi tư duy của bạn và quay lại để xem xét cách tư duy của bạn: cản trở lớn nhất để hình thành một kỹ năng tư duy thuần thục chính là việc để cái tôi chen vào cách tư duy: tôi phải là người đúng; ý tưởng của tôi phải là tốt nhất. Bạn cần phải là người có khả năng quay lại và xem xét những điều bạn đang nghĩ. Chỉ khi bạn quan tâm đến kỹ năng tennis của bạn, lúc đó tư duy của bạn mới hướng bạn đến việc luyện tập các kỹ năng đó, điều này cũng đúng trong việc phát triển bất kỳ kỹ năng nào.

 

4-                 Tại thời điểm này, tôi đang cố gắng làm gì? Trọng tâm và mục đích tư duy của tôi là gì? Ngay lúc này, tư duy của tôi chú trọng đến điều gì? Tôi đang cố gắng giành được điều gì? Các công cụ và phương pháp mà tôi đang sử dụng là gì? Nếu bạn không có điểm trọng tâm để tư duy, tư duy của bạn sẽ trôi nổi từ điểm này sang điểm khác, từ sự việc này sáng sự việc khác. Một lối tư duy hiệu quả là lối tư duy luôn chú ý đến trọng tâm và mục đích.

 

5-                 Hãy là người có thể “chuyển số” trong tư duy. Hãy biết khi nào nên sử dụng logic, khi nào sử dụng sự sáng tạo, khi nào tìm kiếm thông tin. Trong khi lái xe, bạn có thể chọn số thích hợp. Trong khi chơi golf, bạn cũng có thể lựa chọn gậy thích hợp. Trong nấu ăn, bạn lựa chọn đồ nấu thích hơp. Tư duy sáng tạo khác với tư duy logic và tư duy tìm kiếm thông tin. Một người có kỹ năng phải cần là người có kỹ năng về nhiều kiểu tư duy khác nhau. Nếu chỉ là người sáng tạo, hoặc phê phán thôi thì chưa đủ. Bạn cần phải biết khi nào và sử dụng như thế nào các kiểu tư duy khác nhau.

 

6-                 Kết quả của suy nghĩ của tôi là gì? Tại sao tôi tin rằng nó thực hiện được? Việc tư duy của bạn chỉ lãng phí thời gian nếu bạn không chỉ ra được kết quả của công việc tư duy. Nếu bạn có được một kết luận, một quyết định, một giải pháp hoặc một thiết kế… bạn cần là người có thể giải thích tại sao bạn nghĩ nó sẽ thực hiện được. Dựa vào đâu bạn đưa ra kết luận, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là bạn phải giải thích cho bản thân bạn và những người khác thấy tại sao nó lại thực hiện được. Nếu kết quả của việc tư duy của bạn là chỉ ra được chỗ bế tắc trong tư duy, một vấn đề mới hoặc một cái nhìn tốt hơn về sự việc, bạn cũng nêu rõ chúng và chỉ ra tiếp theo bạn sẽ làm gì?

 

7-                 Cảm xúc và tình cảm là hai phần quan trọng trong tư duy, nhưng nó chỉ nên được nêu ra sau khi bạn đã khám phá sự việc. Chúng ta thường nghĩ rằng nên để cảm giác và cảm xúc tách khỏi tư duy khi xem xét sự việc. Điều này có thể đúng với toán học và khoa học, nhưng trong hầu hết các tình huống đời thực, cảm xúc và tình cảm là những phần quan trọng của tư duy. Tuy nhiên, mọi người cần sử dụng chúng đúng lúc. Nếu cảm giác được sử dụng tại thời điểm bắt đầu tư duy, sự nhận thức bị giới hạn và sự lựa chọn hành động có thể là không tương xứng. Khi chúng ta đã thực hiện khám phá sự việc và các phương án thay thế đã được chỉ ra và kiểm tra, lúc đó, chính cảm giác và cảm xúc thực hiện vai trò của chúng là đưa ra lựa chọn cuối cùng.

 

8-                 Luôn luôn cố gắng tìm kiếm các phương án thay thế, nhận thức mới và ý tưởng mới. Tại mọi thời điểm, một người tư duy có kỹ năng nên luôn cố gắng tìm kiếm phương án mới, sự giải thích mới, sự suy diễn mới, các khả năng hành động và các cách tiếp cận khác nhau. Khi ai đó tuyên bố rằng chỉ có 2 phương án thay thế cho ý tưởng đó, một người có kỹ năng chính là người ngay lập tức cố tìm ra các phương án khác. Khi một người nói rằng chỉ có một cách để giải thích sự việc, người có kỹ năng tư duy chính là người cố gắng tìm những cách giải thích khác. Liệu có phải chỉ có duy nhất một cách để nhìn nhận sự việc này?

 

9-                 Hãy là người có thể tư duy từ ý tưởng tổng quát xuống ý tưởng chi tiết và ngược lại . Để thực hiện bất kỳ một ý tưởng nào, chúng ta phải nghĩ đến những cách cụ thể. Vì thế, cuối cùng bao giờ chúng ta cũng phải là người cụ thể. Nhưng khả năng để tư duy sự việc ở cấp độ tổng quát (khái niệm, chức năng, cấp độ trừu tượng) cũng là một nét tính cách quan trọng của một người tư duy có kỹ năng. Đây chính là cách mà chúng ta có được những phương án thay thế. Đây chính là cách để chúng ta chuyển từ ý tưởng này đến ý tưởng khác. Đây cũng chính là cách để chúng ta liên kết các ý tưởng. Ý tưởng khái quát ở đây là gì? Làm thế nào chúng ta có thể thực hiện được ý tưởng khái quát đó?

 

10-            Cân nhắc kỹ khi nhận định sự việc “có thể là” hay “phải là”. Logic chỉ tốt khi dựa trên nhận thức và thông tin nó có được.

 

11-            Những quan điểm khác nhau có thể được đưa ra từ những sự nhận thức khác nhau. Khi có những quan điểm đối ngược nhau, chúng ta thường có khuynh hướng cảm thấy chỉ một trong số đó là đúng. Nếu bạn tin rằng bạn đúng, bạn trình bày để chỉ ra rằng những quan điểm khác là sai. Nhưng những quan điểm khác đó cũng có thể là đúng. Một quan điểm khác đó dường như lại hợp lý và logic dựa theo sự nhận thức khác với bạn. Sự nhận thức này có thể gồm: những thông tin khác nhau, kinh nghiệm khác nhau, giá trị khác nhau và một cách nhìn thế giới khác nhau. Để giải quyết tranh cãi và bất đồng, chúng ta cần nhận thức được sự khác biệt về nhận thức của cả hai phía. Chúng ta cần đặt chúng cạnh nhau và so sánh chúng với nhau.

 

12-            Tất cả mọi hành động đều có hậu quả và ảnh hưởng tới giá trị, tới mọi người và thế giới xung quanh. Không phải tất cả mọi suy nghĩ đều dẫn tới hành động. Ngay cả khi tư duy dẫn đến hành động thì hành động này có thể bị hạn chế trong nội dung cụ thể, chẳng hạn trong toán học, thí nghiệm khoa học. Nói chung, tư duy dẫn đến một kế hoạch hành động, một giải pháp cho vấn đề, một thiết kế, một sự lựa chọn, một quyết định theo sau hành động đó. Hành động đó lại ảnh hưởng tới tương lai. Hành động đó có thể tác động tới thế giới xung quanh. Thế giới này bao gồm giá trị và những người khác. Hành động không xảy ra xa rời mọi người, mọi việc. Thế giới là một nơi vô cùng đông đúc. Luôn có những người khác và môi trường bị ảnh hưởng bởi những quyết định và những sự khởi sự kinh doanh.

 

Tóm tắt

 
 

Tôi vừa trình bày 12 nguyên tắc cơ bản. Mỗi nguyên tắc đó tôi đều đưa ra cùng với sự giải thích, miêu tả phạm vi và mức độ quan trọng của nó. Một vài nguyên tắc đề cập đến việc làm như thế nào để chúng ta thực hiện các kỹ năng tư duy. Một số nguyên tắc khác lại đề cập đến việc thực hành các kỹ năng đó.

 

Bạn luôn luôn cần xem lại tất cả các nguyên tắc này.

 

Bài tập

 
 

Khi trình bày những nguyên tắc trên, tôi không gợi ý công cụ hay quá trình nào nên được sử dụng với nguyên tắc đó. Đây cũng chính là lý do tại sao những ai không đọc cuốn sách này vẫn có thể sử dụng 12 nguyên tắc vừa nêu.

 

Bài tập của phần này bao gồm việc trò chuyện về các nguyên tắc, lần lượt, lần lượt và thảo luận chúng. Cuộc thảo luận này phải mang tính chất xây dựng. Tại sao nguyên tắc này là quan trọng? Nó hiệu quả nhất trong hoàn cảnh nào? Liệu mọi người có thường suy nghĩ theo nguyên tắc này?.

 

Ngoài ra, mỗi nguyên tắc có thể liên quan đến một số công cụ, hoạt động và thói quen bạn đã được học ở phần trước. Ví dụ, nguyên tắc 4 liên quan đến “trọng tâm và mục đích” và AGO. Nguyên tắc 7 liên quan đến tư duy mũ đỏ. Với mỗi nguyên tắc, bạn sẽ nhận thấy rằng nó liên quan tới một hoặc nhiều hơn những gì bạn đã học ở phần trước. Bạn có thể sử dụng danh sách nội dung sách bạn đã đọc ở phần đầu cuốn sách hoặc phần nhìn lại của từng phần để tự nhắc nhở bạn về những điều bạn đã được học.

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.