Dạy Trẻ Phương Pháp Tư Duy

Lối suy nghĩ phê phán



Lối suy nghĩ truyền thống phương tây thường rất coi trọng lối suy nghĩ phê phán. Điều này một phần là do ảnh hưởng của lối suy nghĩ của những người hy lạp cổ, sau này được áp dụng trong thời kỳ phục hưng, một phần xuất phát từ nhu cầu của các giáo sỹ thời trung cổ cần một lối tư duy để phản bác lại dị giáo.

 

Lối suy nghĩ phê phán chỉ phát huy giá trị cao trong hai hệ thống xã hội. Một là trong một xã hội vô cùng ổn định (như thời hy lạp cổ đại và thời trung cổ). Và bất kỳ một ý tưởng mới hoặc một sự xâm phạm nào làm nảy sinh sự thay đổi cần bị phê phán. Chế độ xã hội thứ hai là một xã hội tràn ngập những tư tưởng kiến thiết và hành động và lối tư duy phê phán cần thiết để chọn lựa những giá trị đúng đắn ra khỏi những ý tưởng không xác thực.

 

Nhưng xã hội chúng ta đang sống lại không phải là một trong hai thể chế xã hội trên. Có rất nhiều điều cần thay đổi và còn thiếu rất nhiều những ý tưởng mới và những động lực sáng tạo.

 

Hãy tưởng tượng ra một đội dự án gồm sáu nhà phê bình lỗi lạc ngồi bàn bạc giải pháp cho tình hình ô nhiễm trong khu vực. Chẳng ai trong số họ có thể sử dụng năng lực trí óc được đào tạo cao siêu của họ cho đến tận khi có ai đó đưa ra một gợi ý thực tế. Điều khó khăn ở đây là lối tư duy phê phán chính là lối tư duy phản hồi. Trước hết, phải có cái gì đó thì mới có thể phê phán được. Nhưng liệu ý tưởng đó từ đâu đến? Những đề xuất, những gợi ý là kết quả của lối tư duy xây dựng, sáng tạo và nảy sinh.

 

Nếu chúng ta đào tạo một người để tránh cho họ tất cả các lỗi trong suy nghĩ, liệu đó có phải là một người giỏi tư duy. Hoàn toàn không phải như vậy.

 

Nếu chúng ta huấn luyện một lái xe tránh tất cả các lỗi lầm trong việc lái xe, liệu đó có phải là một người lái xe tuyệt vời?

 

Chắc chắn là không phải như vậy bởi vì người này sẽ cất ngay xe vào gara để tránh được mọi lỗi lầm có thể xảy ra. Việc tránh được những sai lầm của lái xe một cách tốt nhất chính là cách để anh ta lái xe đi đâu đó. Tương tự như vậy, lối suy nghĩ phê phán chỉ có giá trị nếu chúng ta có được một suy nghĩ xây dựng và sáng tạo. Liệu có ích gì nếu bạn có được bộ yên cương  nhưng bạn lại không có ngựa để thắng.

 

Đây là một vấn đề hết sức quan trọng bởi vì ở nhiều trường học hiện nay tin rằng việc dạy cho học sinh lối tư duy phê phán là phù hợp. Họ thực hiện lối giáo dục như vậy bởi nó phù hợp với việc coi trọng lối tư duy phản hồi và cũng bởi đó là lối suy nghĩ truyền thống.

 

Lối tư duy phê phán là lối tư duy quan trọng và có giá trị nhất định trong hệ thống tư duy. Nhưng đó chỉ là một bộ phận của hệ thống tư duy. Và để trở thành một người giỏi suy nghĩ, chúng ta phải có lối tư duy toàn diện.

 

Lối tư duy phê phán tạo ra rất nhiều rào cản nguy hiểm trong suy nghĩ. Ngay cả những người được coi là thông minh nhất cũng có thể bị mắc kẹt trong lối suy nghĩ phê phán và không thế phát triển được các kỹ năng tư duy xây dựng và sáng tạo. Tại trường học, học sinh không được cho thời gian cũng như yêu cầu sự cố gắng để học các khía cạnh của suy nghĩ xây dựng và sáng tạo bởi các nhà giáo dục cho rằng họ đã dạy học sinh sự suy nghĩ rồi. Mối nguy hiểm khác nữa của lối suy nghĩ phê phán là làm nảy sinh tính kiêu ngạo, bởi vì lối suy nghĩ phê phán luôn cho rằng mình đúng, ngay cả khi họ thiếu thông tin hoặc nhận thức sai lầm, làm nảy sinh sự kiêu ngạo. Tôi sẽ bàn cụ thể vấn đề này ở phần sau). Những kỹ năng của lối suy nghĩ phê phán không thích hợp với những kỹ năng của lối suy nghĩ sáng tạo và xây dựng bởi vì suy nghĩ xây dựng và sáng tạo đòi hỏi sự suy nghĩ để làm nảy sinh những ý tưởng mới. Sự phê phán bao giờ cũng đơn giản hơn rất nhiều so với sự sáng tạo.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.