Dạy Trẻ Phương Pháp Tư Duy
PHẦN IV CẤU TRÚC VÀ TÌNH HUỐNG
Khi bạn đọc tới phần này của cuốn sách, bạn đã đọc qua những phần mà các quan điểm, thói quen, công cụ và hoạt động tư duy được trình bày thành từng mục riêng lẻ. Tất nhiên, ở phần sáu chiếc mũ tư duy, tôi cũng đã trình bày về việc sử dụng các chiếc mũ chuỗi. Và ở phần nhìn lại của phần I, tôi cũng đã gợi ý chuỗi kết hợp các công cụ định hướng tư duy ( AGO, CAF…). Nhưng đó chỉ là những gợi ý để sử dụng các công cụ theo nhiều cách khác nhau.
Không có một công thức ma thuật đơn giản nào để ngay lập tức biến một người thành một người tư duy có kỹ năng. Nhiều người đặt ra những cấu trúc tư duy dường như rất hay khi đọc nhưng lại không thể thực hành được. bạn không thể lúc nào cũng nhớ được một công thức quá phức tạp trong đầu và công thức đó thường khó sử dụng.
Tất cả các công cụ và thói quen tư duy tôi đã trình bày đều có thể sử dụng riêng lẻ. Nếu bạn chỉ đọc công cụ PMI của cuốn sách này thì chỉ công cụ đó thôi cũng giúp bạn cải thiện suy nghĩ của bạn. Nếu bạn chỉ học phần tư duy sáu chiếc mũ, phương pháp này cũng giúp bạn tư duy tốt hơn. Nếu bạn chỉ học kỹ thuật Po và phương pháp khích động, chỉ riêng nó thôi cũng rất có giá trị để cải thiện tư duy.
Một người tư duy có kỹ năng thường có một vài thói quen tư duy cùng lúc trong đầu. Ví dụ, người này có thể có cảm nhận tốt về giá trị ( giá trị ở đây là gì?), vừa có khả năng sẵn sàng thử nghiệm giá trị sự thực ( giá trị thực sự ở đây là gì?), và nhận thức được sự cần thiết của việc xem xét cấp độ tổng quát của ý tưởng ( ý tưởng tổng quát ở đây là gì ?). Một người tư duy khác chỉ có thể có được một thói quen trong đầu ( trong hoàn cảnh nào thì điều này là sự thực?).
Tôi không gợi ý rằng các bạn cần nhớ được tất cả những gì được trình bày trong cuốn sách này lập tức sau lần đọc đầu tiên. Bạn sẽ cần đọc lại nhiều lần để xây dựng được những kỹ năng thực sự về những gì đã được đề cập.
Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, ngay cả khi người đọc chọn ra một vài công cụ hoặc một vài thói quen tư duy và làm theo đó, điều này đã rất có ích cho việc cải thiện kỹ năng tư duy. Đó chính là lý do tại sao các thói quen và các công cụ được trình bày độc lập. Bạn hãy nghĩ về một người thợ mộc chỉ học cách sử dụng búa và cưa nhưng chưa học cách sử dụng bào và đục. Biết cách sử dụng cưa, người thợ mộc có thể cắt đồ vật và biết cách sử dụng búa ( và đinh), người thợ mộc có thể gắn kết đồ vật với nhau. Người thợ mộc không phải đã trở thành một người lành nghề, nhưng tốt hơn rất nhiều so với trước đó.
Bây giờ tôi sẽ trình bày phần cấu trúc và tình huống. Một cấu trúc chỉ ra cho chúng ta kế hoạch để chúng ta làm gì lúc này, tiếp theo cần làm gì. Trong khi áp dụng theo cấu trúc, chúng ta sử dụng những công cụ và thói quen chúng ta đã biết.
Một chiếc cốc là một cấu trúc. Một bậc cầu thang là một cấu trúc. Một lối vào của sân bay là một cấu trúc. Trong tất cả các trường hợp trên, cấu trúc cho phép chúng ta làm mọi việc dễ dàng hơn. Bạn có thể uống nước mà không cần cốc. Bạn có thể trèo lên mà không cần bậc thang. Thậm chí bạn có thể leo lên máy bay bằng cách đến thẳng chỗ đậu máy bay.
Chiếc cốc, bậc cầu thang và cửa ra sân bay là những cấu trúc cho phép chúng ta thực hiện từng bước đơn giản tại một thời điểm để đạt được điều mà chúng ta muốn.
Bạn đổ đầy nước và cốc, bạn đưa lên miệng và uống. Bạn bước lên cầu thang từng bậc, từng bậc một. Tại lối vào sân bay, bạn được hướng dẫn để làm các thủ tục như kiểm tra vé, kiểm tra an ninh và đi tới đúng máy bay.
Cấu trúc tư duy được trình bày trong cuốn sách này là cấu trúc được bố trí để trợ giúp tư duy. Cấu trúc được trình bày theo một loạt các bước. Chúng ta thực hiện lần lượt từng bước. Những bước đó giúp chúng ta định hướng sự chú ý và giúp chúng ta tập trung vào môt khía cạnh tại một thời điểm.
Cấu trúc này được xây dựng để khi cần, bạn không cần phải mầy mò tự xây dựng cấu trúc cho mình, bạn học nó và áp dụng nó.
Cấu trúc này không có gì là thần bí và bạn không buộc phải sử dụng nó. Những cấu trúc được giới thiệu nhằm mục đích tạo tiện lợi cho bạn khi bạn phải tư duy. Chúng giúp bạn giảm sự nhầm lẫn trong tư duy và giúp bạn tư duy theo nguyên tắc.
Một cấu trúc có thể là cấu trúc mục đích tổng quát phù hợp với hầu hết các tình huống tư duy hoặc một cấu trúc cụ thể áp dụng cho một tình huống cụ thể.
Có nhiều tình huống tư duy khác nhau ( khám phá, tổ chức, lập kế hoạch, thiết kế…) và tôi không có ý định trình bày tất cả các tình huống đó trong phần này. Tôi đã lựa chọn ba kiểu tình huống tư duy đều là những kiểu tình huống rất quan trọng trong đời sống thường ngày. Ba kiểu tư duy này đề cập đến hầu hết các tình huống tư duy chúng ta gặp trong cuộc sống. Ba kiểu tư duy đó là:
Tranh luận/không tán thành
Vấn đề/nhiệm vụ
Quyết định/lựa chọn.
Tôi sẽ dần trình bày các tình huống ở phần sau của cuốn sách này.
Tôi cũng sẽ chỉ ra các kiểu tư duy khác nhau cần thiết cho các kiểu tình huống khác nhau, những công cụ và thói quen nào được sử dụng trong mỗi kiểu tình huống.
Cấu trúc được sử dụng để tổ chức các bước tư duy. Có cấu trúc mục đích tổng quát và có những cấu trúc được thiết kế để giúp chúng ta tư duy trong những tình huống cụ thể.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.