30 Tháng 4 – Chuyện Những Người Tháo Chạy

Đâu Bạn Đâu Thù



Chúng tôi đã đóng quân ở đây từ sẫm tối hôm nay. Đến bây giờ vẫn chưa triển khai được kế hoạch tác chiến. Vì các anh thấy đó, lực lượng chúng ta quá ô hợp….

…Hôm qua chúng tôi “quần” lại chừng hơn một ngàn quân đủ mọi binh chủng, nhưng chẳng có ai là thiện chiến cả. Trong khi đó thì bọn chận chúng ta toàn là vằn vện, bông đốm. Khốn nỗi, bên ta bị bắt buộc phải đánh, chứ ai cũng có bên cạnh mình cả một gia đình. Nếu chẳng được vượt lên thì chẳng nói chi, nếu thua thì toàn bộ lính và dân sẽ bị tàn sát không kể xiết. Bọn chúng nó thì cũng chẳng dám động đến ta vì chúng ta rừng người trùng trùng điệp điệp tính đến bây giờ cũng có cả gần trăm ngàn người.

Đậu lấy thuốc lá mời mọi người, anh châm thuốc nhả khói rồi tiếp:

Tôi chỉ ngại Sài Gòn gởi thêm quân ra thì chúng sẽ ập vào chúng ta ngay. Bên ta thì bố phòng cũng chặt lắm, hầm hố trốn đạn bom, canh chừng chống tập kích, và hỏa lực cũng thật hùng hậu. Nhưng mà khả năng tác chiến của chúng ta thì…Đậu ngập ngừng thở dài.

Tôi cũng chẳng hiểu tình hình cuộc chiến ở đây ra sao. Theo như Đậu kể thì đoàn di tản đến đây toàn bộ phải ngừng lại. Chiến dịch “Phượng hoàng” thất bại. Thằng kẻ cướp Thiệu bằng mọi giá quyết chận đoàn di tản không để họ vào thành phố sợ sẽ gây hỗn loạn. Nhưng đoàn di tản đã đến đây thì bằng mọi giá họ phải vượt qua, vì Sài Gòn đã gần kề rồi. Hai bên, lúc này hiểu khá rõ nhau và có kinh nghiệm nhiều trong việc chận và thoát, kể từ lúc rời Đà Nẵng.

Trên con đường quốc lộ kinh hoàng, đoàn di tản đã thấy rõ bộ mặt của bọn ác ôn tay sai Mỹ. Lòng hận thù đã dâng tràn nên quyết một ý bằng mọi giá phải vượt lên. Trong khi đó bọn quỷ khát máu đã hoảng kinh, nhất định phải đánh rã khối người mà chúng nghĩ có thể gây loạn, thêm nguy cơ đe dọa Sài Gòn. Đám di tản đứng trước tình trạng phải một trận sống mái với bọn lính của Thiệu mà bây giờ, họ coi là tử thù của họ, nên tự động hiệp khối, tổ chức đội ngũ. Có những ai là quan cấp tá như Đậu tự nhận đứng ra lãnh trách nhiệm.

Đang bên tai tôi nghe nói “Sư đoàn, Sư đoàn”, tôi chen vào hỏi Đậu:

Anh định gọi sư đoàn của anh như thế nào?

Hỏi chi vậy ông thiếu úy? Đậu cười chân tình với bạn.

Để sau này nếu có kể lại, tôi sẽ kể rõ ràng. Rồi tôi nói như trong mơ màng: – Trong khi chính quyền tay sai của Mỹ Thiệu đang giẫy chết trước gọng kềm của quân giải phóng, thì một sư đoàn…tập hợp từ những người đau khổ tủi nhục đã từng đưa đầu cho chúng hành hạ bóc lột bao năm và tiêu diệt vào phút chót, nổi lên…làm sứ mạng trả thù riêng cùng trả thù chung…

Đậu cười và đáp lời gọn lõn:

– Sư đoàn quân di tản! Nghe được chứ?

Tôi cười. Câu tôi nói ra vào lúc như mơ màng đó đã được Đậu đồng tình. Người tôi gặp đầu tiên trên đường tháo lui đang ngồi trước mặt tôi. Trước nguy cơ anh ta vẫn tươi vui. Mới chỉ mười ngày mà thấy anh ta đã có thay đổi. Anh không còn giống thiếu tá sư đoàn I, lúc tôi quen ở cửa Tư Hiền và bị bọn hải quân bắt giam mấy hôm trước. Tôi hỏi đùa:

Còn cái sư đoàn I của anh đâu rồi không xài? Đậu cười xòa:

Nó đã cuốn theo triều nước ngay từ ở cửa sông Tư Hiền kia lận.

Chiến hạm giữ anh không cho lên tàu hàng, mấy lần chúng định đem anh quăng biển, nhưng chúng hơi ngại về những lời hăm dọa đưa chúng ra tòa án quân sự. Cả hai bên lúc đó đều nghĩ rằng sẽ còn tòa án quân sự của họ. Nếu không có mấy chiếc Mig làm chúng hoảng hốt đưa toàn bộ nhân chứng lên tàu hàng ngay thì chúng đã có thì giờ lọc lừa tóm đủ và cúng cho cá mập tất cả, trong đó có cả tôi. Sau cùng, thấy nếu giam giữ thì chỉ nuôi cơm anh vô ích, nhân lúc tàu thả neo ngoài khơi Ninh Hòa, cho ca nô vào kiếm nước ngọt, chúng mang anh theo thả lên ghềnh đá khu đèo Rù Rì. Lúc mới gặp nhau, khi kể cho tôi nghe đến đây, anh nói:

Lúc ấy tôi nhớ bạn cùng tôi vượt ghềnh chỗ cửa Sấm, nhưng lần này tôi vượt chỉ có một mình.

Sau đó anh tìm cách lần mò lên quốc lộ 1 và nhập với đoàn di tản, từ Pleiku đến Nha Trang. Theo như anh kể lại thì anh rời Nha Trang trước tôi chừng mấy tiếng. Suốt cả đoạn đường “đất bằng nổi sóng” đó, hai người không gặp nhau, dù trước sau, sau trước họ đều chứng kiến và nhận định mọi sự diễn ra giống nhau. Ở Phan Thiết, chính anh là người đầu tiên bước lên chiếc tăng kêu gọi dân di tản không nên đánh giết nhau cùng hiệp sức phá rào cản băng lên lướt tới. Rồi anh và người bạn đại úy tăng đã cho tăng lên đầu phá rào, dẫn đầu đoàn di tản vượt qua. Cũng chính chiếc tăng đó quay súng chĩa vào đám quân cảnh buộc chúng quy hàng ở Nha Trang, và chạy vòng vèo trong thành phố Phan Rang bắn cảnh cáo dằn mặt đám vằn vện rằn ri. Nghĩa là họ gần nhau trong gang tấc mà không hay. Vào đến Phan Thiết rồi, tăng anh một mạch chạy thẳng đến đây từ chiều qua. Theo anh nói thì lúc đó bọn Phượng hoàng chưa dám mở các cuộc đột kích vì đám di tản đi đầu rất đông, kéo thành đám ồ ạt nên họ đến đây an toàn. Có lẽ thảm sát xảy ra sau đám đi đầu chừng một vài giờ. Lúc chúng tôi cùng đám xe di tản của bọn Ngàn đến thì “lính” của anh mang bọn tôi đến gặp “chỉ huy trưởng” để “tìm” thêm tay chân chiến đấu. Hai người gặp nhau, tôi sững sờ hơn Đậu.

Bản doanh của “Sư đoàn di tản” là một vi – la cỡ lớn cách quốc lộ chừng cây số. Đó là nhà của một tay đại tư sản trong thôn trang rộng lớn ở đây. Xa xa xung quanh bản là những nhà và thôn trang kế cận. Toàn thể sư đoàn trú đóng tại cả một vùng nhiều thôn trang mênh mông hai bên quốc lộ. Binh lính ở cận khu gia đình của họ. Thôn trang đã bị đánh cướp, Phượng hoàng rút lui, di tản đến ở.

Nơi bản doanh, buổi họp hành quân của “Bộ chỉ huy” sư đoàn được triển khai. Thái, tôi và Ngàn cũng có mặt tại đó. Kế hoạch đã được soạn ra, bộ chỉ huy đã duyệt, giờ đây được thông qua trước toàn thể sĩ quan cộng hòa đánh lại quân đội cộng hòa đang tiến đến sát hại họ. Bản đồ là một bản vẽ tay đơn giản nhỏ xíu, dán bằng cơm lên tường. “Chỉ huy trưởng” Đậu cầm cành cây khẳng khiu chỉ vào “bản đồ” và bắt đầu nói:

Cây cầu qua suối đây là cái rốn của địch. Chúng gồm sáu tiểu đoàn thiện chiến bám giữ ngã huyết mạch của chúng ta. Đánh vào đó diệt và đánh tan tác sáu tiểu đoàn, thì ta khai thông được lối đi. Khoảng 20 cây số sau cây cầu là khu rừng lá, không biết tại nơi đây còn có binh đoàn nào của chúng nữa không?

…Bên ta thì đây và đây, đây nữa. Tay Đậu vòng hai khuỷnh trên tờ giấy bên này quốc lộ và một khuỷnh về phía bên kia.

…Lực lượng quân sự và hỏa lực tập trung ở đây. Còn ở đây là dân và lực lượng phòng vệ, có hỏa lực mạnh chắn che ở phía trước.

Đậu chỉ vào cái mũi tên kẻ đậm trên tờ giấy và nói:

…Mũi tiến công này của đơn vị tăng, ba chiếc sẽ dàn hàng ngang tiến trên thôn trang từ đây chĩa xéo về cầu. Các anh khởi sự vào giờ M. Mũi tiến công này và này nữa do các đơn vị A và B đánh bọc vòng qua suối, thọc vào cạnh sườn địch. Mũi này của đơn vị C các anh, vòng ra sau lưng thọc tới – Các anh khởi sự vào giờ N. Pháo thì đây, đây, đây và đây, các mục tiêu của các anh tâp trung vào hai bên cầu và chỗ này các anh khởi sự vào giờ O – Đoàn di tản thì chỉ có mũi duy nhất này, sẽ khởi sự vào giờ P. Các anh theo kế hoạch di tản bảy và đổi thành ba khi tới rừng lá; ở đó có biến thì áp dụng đội hình 1/5/8 để bớt thương vong.

Đậu thuyết trình liền một hơi, rõ ràng, mạch lạc, các sĩ quan áng chừng đã thông suốt vì chính họ, từ sáng đến giờ đã điều nghiên và xây dựng nên bản kế hoạch này. Tôi nghe mà cảm thấy mệt nhọc, nhưng cũng cười với Đậu:

Không nờ anh có kế hoạch chiến đấu hay quá!

Cầu may. Đậu cười nói làm tôi sững sốt. Đậu giải thích tiếp: – Chiến dịch “Cầu may”, tên chiến dịch chúng tôi soạn ra đó.

Nãy giờ Ngàn ngồi nghe, anh ta cũng là một tay chiến thuật, đưa tay hỏi:

Nếu chúng tập kích ta trước vào khu dân trú đóng, thiếu tá cho biết cách phòng ngự? Nếu chúng cho vài phi đội F5 đến dội bom, cách ta chống đỡ? Nếu ta bại trận, chiến thuật rút lui?

Ba câu hỏi hóc búa cùng dội lên một lúc làm tôi nghe choáng váng và chưa đánh tôi cũng đã thấy thua tới nơi rồi. Thế nhưng Đậu vẫn cười, ôn tồn giải thích:

Theo chúng tôi đã điều nghiên thì chúng muốn đánh vào dân hơn. Chúng thèm khát đánh vào đấy hơn đánh vào các đơn vị chúng ta. Đánh vào dân chúng tha hồ mà thi hành mọi thủ đoạn dã man, tự do tàn sát, tha hồ cướp bóc và thỏa mãn thú tính như chúng đã từng làm trên đường chúng ta đi. Thế nhưng chưa diệt được đơn vị chúng ta, thì chúng cũng biết là chúng ta không để yên cho chúng cướp phá. Vậy thì chúng phải tận lực diệt các đơn vị ta trước đã.

Đậu cười và nói tiếp:

– Dội bom chúng có thể làm. Từ phi trường Biên Hòa đến đây tung hoành, chúng dư sức. Nhưng liệu chúng còn máy bay không đã? Chiến trường của mặt trận giải phóng đã mở rộng khắp, chi phối hết cả máy bay chúng rồi; nhưng nếu có, thì chúng cũng chỉ đủ sức gởi đến vài chiếc là cùng, không thể tiêu diệt hết chúng ta…Đậu lại cười: – Lúc này chúng ta không còn ngẩn ngơ như lần Phăng – tôm đến trước nữa. Chúng ta cố chiến đấu oai hùng như Hà Nội, bắn rơi vài chiếc là chúng thất kinh. Đậu cười nói luôn: – Bại trận! Khả năng này cũng có thể xảy ra. Chúng ta sẽ coi như đã chấp thuận như thế nếu chúng ta bỏ ý định vượt qua trở ngại này. Cuộc đời chúng ta chẳng còn mấy lúc nữa, đưa đầu chúng “khỏ” cả chục năm rồi, chẳng lẽ giờ phút này cũng vẫn tiếp tục đưa ra cho chúng đập luôn sao? Không thắng cũng đánh lại chúng một trận cho cuộc đời có một chút ý nghĩa, một chút hả hơi. Về phía bà con di tản, chúng tôi cũng chuẩn bị một cuộc thối lui có kế hoạch rồi, chẳng dám vì để chúng ta mà chịu đau thương thêm nữa, mặc dầu không có chúng ta thì bà con còn phải chịu đau thương thêm gấp mấy lần.

Cừ thật! Thái đột ngột nói lên hai tiếng. Ngàn thì cúi đầu suy nghĩ, anh muốn giúp một tay vào chiến dịch “Cầu may” này.

Lúc ấy là 3 giờ chiều ngày 4 – 4. Nắng gay gắt chiếu vàng cháy cỏ đồng bằng, chiếu lóe đá núi và chiếu như đốt con người.

Giờ N, của đơn vị A, B, C đã điểm, mũi tiến công của họ đang diễn ra âm thầm. Một vài chiếc xe GMC trống không đang di động. Rải rác khắp mọi nơi trên các nông trang, từng tiểu đội lính lẻ tẻ đi sâu vào núi hay ra xa phía biển, chút nữa đây họ sẽ gặp nhau và kéo thành ba mũi về hông và lưng suối, nơi có chiếc cầu huyết mạch.

Hai giờ đồng hồ lặng lẽ trôi qua. Giờ O bắt đầu điểm. Nắng còn rơi trên đỉnh núi.

Oành oành oành oành! Cối được đặt sẵn tại những nơi xa các điểm trú đóng của khu dân, thi nhau nổ xối xả. Tiếc không có đại bác bắn tiếp cận. Nhưng chỉ với súng cối thôi mà khoảng không gian vốn yên tĩnh ở đây đã dao động dữ dội.

15 phút sau, tiếng nổ của đạn cối vẫn còn rung rinh không khí, thì tăng đã đến. Ba chiếc tăng chạy băng băng trên đồng cỏ hướng về suối, mấy cây ăng ten của chúng lung lay, trên quấn hai sợi bằng dây màu xanh đỏ trông đến dễ thương.

Đì ùng! Đì ùng! Đại bác tăng đã lên tiếng.

Cùng lúc đó, súng nổ rền vùng xa xa.

Lập tức toàn bộ đoàn di tản chuyển động rần rần nhưng trật tự. Từ mọi nơi người lên xe. Từ mọi nơi xe chuyển động. Từ mọi nơi xe đã cắm đầu dài hai bên thẳng góc với bờ đường. Tất cả hàng chục vạn cặp mắt đổ dồn về phía Nam, nơi con suối. Nhưng chẳng ai thấy gì hơn con đường xa tắp đổ dốc và quẹo ngoặc đi mất hút. Từ xa vọng về nhiều loại tiếng súng nổ râm ran.

Chiều rồi, nắng đã mất chỉ còn ánh sáng, súng vẫn còn nổ. Bỗng từ hướng khuất tầm nhìn phương Nam một quả pháo trắng lần lượt được bắn lên, rồi liên tiếp nhiều quả pháo trắng được bắn lên kéo dài đến đoàn di tản. Đầu xe đoàn di tản về hướng suối, mấy chiếc xe đã lên đường quốc lộ và rẽ về hướng Nam chạy thẳng. Tiếng reo hò vang dội chuyển đi rần rần.

Đã ngưng tiếng súng! “Sư đoàn quân di tản” đã toàn thắng! Đoàn di tản yên lành lên đường tiếp tục cuộc hành trình.

Trời đã tối hẳn mà còn đến cả một phần ba đoàn xe chưa khởi hành; chắc giờ này chiếc tăng dẫn đầu đã đi sâu trên đoạn đường vào rừng lá. Tất cả ở đây đều để đèn, hai ngọn nhỏ xíu phía trước và hai chấm màu đỏ nhỏ xíu phía sau. Suốt con đường dài tôi thấy những chấm màu đỏ nhỏ trùm lên bằng những khối nhờ nhờ đang di chuyển lắc lư, trông suốt từ xa như những bóng sáng đỏ của con đom đóm lạ lùng đang lập lòe bay cách khoảng đều đặn. Gần phía tôi, những bóng đen sầm sầm đang đứng im, lầm lì chờ đợi.

Sự chờ đợi rồi cũng phải chấm dứt. Chiếc xe Ngàn đã lăn bánh trên quốc lộ 1 chừng cây số để tìm lại vết tích chiến thắng lúc chiều của đoàn quân di tản, nhưng màn đêm và bụi lùm dày đặc che kín tất cả. Cây cầu kia rồi, còn nguyên vẹn, xe trước đang qua. Cây cầu, nút giao thông đã bị sáu tiểu đoàn lính chặn nghẹt, phải trên hai ngàn quân di tản nổ súng mới khai thông được. Quanh cầu, chắc cũng phải cả ngàn xác người còn nằm đó. Bọn vằn vện ngã xuống thật là phi lý. Chúng có được cái lợi gì ở đây? Tiếc thay cho sinh mạng chúng được sinh thành nuôi dưỡng để đem thân lãnh đạn với lời nguyền rủa xấu xa. Những anh em đoàn quân di tản chết nơi đây mới thật là tội nghiệp. Ít nhiều thức tỉnh, họ quyết thoát khỏi cuộc chiến tranh phi nghĩa mà họ đã trót gắn bó số phận mình, nguyện vĩnh viễn không làm thân trâu ngựa, chỉ mong về đến gia đình để làm lại cuộc sống mới, cuộc sống lao động như từ truyền đời dòng dõi họ, thế mà ở đây họ tự nguyện tham dự cuộc chiến tranh.

Qua khỏi cầu, bốn người lính ở đâu hai bên đường nhảy lên đứng hai bên ở bậc xuống ca – bin xe Ngàn. Họ là lính của đoàn quân di tản; sau khi làm nhiệm vụ mở đường, họ còn tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ đoàn xe. Có hai anh lính leo thẳng lên nóc xe ngồi chung với Thái và tôi.

Các anh chờ đây từ chiều à? Tôi hỏi người lính ngồi kế bên.

Từ chiều, sau khi chúng rút lui. Anh lính trả lời bình thản.

Tình hình sao anh? Tôi lại hỏi.

Tụi chó má! Tụi nó thua chết mẹ mà nhất định không chịu rút. Tụi nó la làng với nhau: “Tử thủ. Tử thủ!” và đứa nào đứa nấy đứng lại bắn lì.

Coi chừng chúng tập kích lại – tôi chen vào ý nghĩ của mình.

Cái đó không chừng mà có đa! Do vậy mà chúng tôi phải theo xe. Nghe nổ ở đâu, kéo bừa vào đó ngay; kiểu này mà nổ súng thì ta cũng có trong phạm vi này mấy trung đội tại chỗ.

Nhưng cái đó chưa lấy làm to lắm. Anh lính kia chen vào: – Nguy là cái thằng tù binh khai là Mặt trận đã ồ ạt từ trong “Rờ” ra đến rừng lá rồi. Cái này mới run chết mẹ!

Như vậy đỡ lo chứ! Tôi phát biểu ngược lại: – Giải phóng không đánh di tản đâu. Mà tụi vằn vện thì chạy sặc gạch. Mình đi thong dong.

Mấy lần trước mấy ổng không bắn để cho đi. Anh lính kia còn phân vân: – Chừ lần này tui sợ mấy ổng mần quá!

Tôi ngạc nhiên với câu nói này. Vì sao qua từng ấy sự kiện trong mấy ngày nay mà lại chưa đủ lòng tin vào quân giải phóng? Tôi hỏi người lính:

Sao lại đánh chúng ta? Chắc anh cũng đi suốt đường di tản, thấy chứ?

Có. Anh lính thản nhiên trả lời: – Tôi di tản gần tháng nay rồi, đơn vị tôi ở Pleiku, thua chạy theo dân di tản, tụi tui chết như rạ. Mấy ông giải phóng có can thiệp đánh giải vây rồi nối cầu cho đi, hơn phân nửa theo mấy ổng trở về, tui thì đi tiếp mà thành ra vầy. Bị vậy mà hồi nãy tui mới chơi xả láng ở cầu cho đỡ ức.

Thế sao bây giờ anh lại sợ “mấy ổng”? Tôi hỏi anh lính.

Mấy lần trước thì xô bồ xô bộn giống dân di tản, chứ bây giờ đội ngũ xe cộ thiết giáp rần rần giống y hệt lính hành quân! Sợ thì không sợ, chỉ ngại mấy ổng lầm, chơi cho mấy phát thì mình rụi tùng.

À! Ra thế. Thái bây giờ mới nói; anh giải thích cho anh lính này hiểu hơn về quân đội nói chung: – Tôi nói anh nghe. Mình là người lính, chỉ đâu bắn đó chứ chỉ huy thì khác, trước khi cho bắn thì họ phải hiểu là tại sao bắn, bắn vào ai và bắn kiểu gì. Bây giờ nếu có giải phóng thì người anh em ấy đã biết ta là ai rồi, không chừng họ đang âm thầm bảo vệ cho đoàn di tản khỏi bị bốn tiểu đoàn vằn vện phục kích nữa là khác.

Ừ hé! Anh lính hiểu ra và ngạc nhiên: – Hèn gì mà từ chiều đến giờ không thấy tăm hơi tụi nó. Ủa! Các anh có nghe thấy gì không? I, I, hình như phản lực? Thôi bỏ mẹ! Anh lính đột dưng hét tướng lên:

Bỏ mẹ rồi! Có phản lực! Tắt hết đèn! Đậu lại! Đậu lại! Phản lực! Phản lực! Rồi tiếng anh gào như muốn khóc, miệng méo mó và nhỏ giọng dần như nghẹn nơi cổ: – Phản lực: Bỏ mẹ rồi! Bỏ mẹ rồi!

Lòng xúc động cực mạnh, tôi cũng nghe nghẹn nơi cổ. Tôi cảm thấy lâu đài cao lớn đang xây dựng ở đây đổ ào xuống như lần ở cửa Tư Hiền.

Từ lúc đó đến giờ, tôi cũng như cả đoàn di tản, đã mấy lần bị dập xuống lại dội lên. Đang yên ổn trên đường, hy vọng đang nở hoa rực rỡ; bỗng nhìn thảm trạng xảy ra, tất cả đất trời như sụp đổ, tối om với những vũng máu đặc…Rồi thì đường ảo ảnh hạnh phúc lại hiện ra, lởn vởn trước mắt. Đoàn người hăng hái đi, dõi theo bóng nó. Nhưng rồi dưới hình thức khác, quỉ sa tăng mang câu liêm thần chết đến…Đoàn người lại giẫy giụa, lại chiến đấu, lại trốn chạy như thế đã mấy lần rồi nhỉ? Cả đoàn người bị hôn mê bởi cái chiến tranh tâm lý của lũ ác ôn, bỏ nhà cửa ra đi sẽ đâm đầu ngay vào trong bom đạn này, có tỉnh trí giây nào đâu mà nhớ ra. Tôi nghe tiếng máy bay đang xé ánh đêm trên cao càng lúc càng rú thét. Và bên dưới con đường, chuỗi dài vô tận những ánh đỏ lập lòe của đèn lái xe vội tắt phụt.

Hồng quang tuyến phản lực chiến đấu không phát ra ánh sáng, nhưng thằng giặc lái sẽ thấy rất rõ. Rừng cây xanh thảo mộc thành xám, con đường nhựa xám thành trắng đục và đoàn xe màu thép sơn thành trắng sáng. Điểm trắng sáng nhiều vô kể chi chít nối đuôi nhau mấy chục cây. Tha hồ mà bắn, mà oanh tạc! Con đường địa ngục sẽ cháy rừng rực với cây rừng lá đỏ thành biển lửa ngút trời. Vùng đất này sẽ thành vùng “tự do oanh tạc” của nó đấy. Rất tự do! Các hãng sản xuất vũ khí đã bán được sản phẩm lấy tiền vào túi. Còn nạn nhân của vũ khí này là Việt Nam, là chúng ta phải giẫy chết trên quê hương của mình.

Bầu trời, nhìn lên từng cây rừng hai bên lộ trong như một dãi lụa bạc, trên trời nhìn xuống đường qua tầng cây như cái hang thành rãnh thật dài. Tôi thấy mọi người ngóng cổ nhìn lên lo sợ ngơ ngác như chờ Thượng đế giữ sổ gọi tên, và trên trời như có một con quỉ quái ác khổng lồ, ngực xăm hình con đại bàng đen thui xòe rộng cánh, chân quắp cung tên súng đạn, cười the thé. Tiếng cười the thé đó giống như tiếng F5 hay tiếng F5 làm tôi nghe ra tiếng cười của tên quỉ hung bạo.

Đùng! Đùng! Đùng! Đùng đùng đùng đùng!!!!

Tiếng súng phòng không nhịp đùng đùng liên tục từ đâu đó khi mọi người chưa thấy rõ bóng máy bay.

Đùng Đùng Đùng! Đùng đùng đùng đùng! Tiếng súng phòng không lại nổ.

– Bắn nữa! Bắn nát đi mấy ông! Giọng anh lính gào như khóc khi nãy bây giờ hét lên như kinh giựt.

Không gian yên lặng, chỉ có tiếng phòng không. Thái ngồi bất động, môi anh mấp máy nho nhỏ như thấy rõ một hình ảnh nào đó trước mặt:

– Cừ quá! Thật là hào hùng! Trong khung cảnh này, tôi không bao giờ quên hình ảnh hào hùng này.

Không ai còn nghe tiếng phản lực nữa, nên nó đến sát lúc nào không hay. Cả bọn chúng tôi, hay đúng hơn, cả đoàn di tản giật mình khi thấy một chiếc phản lực bay vụt đâm ngang thật thấp trên ngọn hàng cây này băng qua ngọn hàng cây kia hai bên đường. Giật mình, hoảng hồn, rồi thoáng một giây là yên tâm, rồi bừng lên sung sướng. Chiếc máy bay thằng “giặc” đỏ rực. Hàng vạn tiếng reo như rừng cây gặp gió bão.

Tiếng máy bay cạ sát ngọn cây, nổ nhỏ, nổ lớn và tan xác. Ánh hồng lập lòe ở mãi xa trông rừng.

Một thằng “giặc” tiến nữa, nhưng thằng này còn nguyên, đại liên nó vãi ra người ta mới hay biết và nhìn thấy nó đang lạng cánh dọc đường, từ đằng xa, trước mặt tôi đâm tới. Chen với tiếng phòng không, có tiếng rốc két và tiếng bom.

Sáu trái rốc két từng đôi một cắm xuống đường.

Ầm! Ầm! Ầm! Ầm! Ầm! Ầm!!! Lửa bùng sáng lên.

Lập tức súng nổ. Bức tranh đẹp không thể vẽ cho đạt được. Màu sắc! Con đường có ánh sáng, sáng rực từ chỗ có rốc két nổ và cháy sáng bừng xung quanh đoàn người và rừng cây cả mấy trăm thước, sáng lóe lóe ở xa hơn đến nửa cây số và sáng lờ nhờ ở đây, chỗ bọn tôi ngồi. Đoàn xe di động từ chậm đến nhanh rồi lao đi vùn vụt. Trên xe, súng tua tủa, chĩa lên trời phát sáng chớp lóe. Không cần phải nhắm con quỉ đang bay xả đại liên, chỉ cần đan lưới đạn đón nó. Cả một đoạn đường dài ồn ào đủ loại tiếng động, muôn ngàn tiếng động trong cả một vùng không gian rộng lớn.

Chiếc F5 vượt quá xe Ngàn và sau lưng tôi có mấy tiếng hét dựng, có người đã trúng đạn đại liên, và khi vượt xa gần cây số, thằng giặc cho rơi hai quả bom.

Ầm Ầm!! Vang dội. Lửa lại cháy bùng lên, cháy luôn cả cây rừng, nhưng chiếc F5 đã bốc khói, lạng cánh bay lên xoay tròn theo trục thẳng, khuất trên tầng cây.

Lửa trước, lửa sau, chỗ xe Ngàn lúc này sáng như ban ngày, chiếc xe lao đi thật nhanh về đám lửa phía trước đang lụi dần.

Đâu mất rồi! Tôi thấy Thái chỉ tay về trước mặt. Nãy giờ tôi không nhìn về phía trước dù xe đang tiến tới, cảnh tượng ấy kích động con người. Ở đây không chỉ riêng có phía trước, bây giờ tôi mới thấy trên đường chỉ còn mười mấy xe, còn toàn bộ gần một cây số trước đống lửa, đường vắng hoe. Chiếc xe đầu tiên vừa rẽ trái.

Đi Bình Tuy! Anh lính trên nóc xe nói chắc ăn.

Đoàn di tản đứt đôi? Thái hỏi dồn.

Trong kế hoạch. Anh lính nói gọn: – Không thể tẩu thoát bằng đoàn dài lê thê.

Thái và tôi ngồi im. Xe quẹo trái, cảnh trước mặt vụt thay đổi, tối om. Mọi thứ tiếng động cũng lại không còn, con người giống như trong mơ vừa tỉnh giấc, không kịp nhận mình ở đâu. Cảnh toàn động chuyển sang toàn tỉnh, con người như rơi hẫng trong không gian bập bềnh giữa không khí. Bỗng tôi nghe buồn nôn, nói với Thái:

– Muốn mửa quá anh Thái!

Thái cũng ngồi làm thinh, chợt anh vung tay bấu thành xe, quay ngang đầu. Thái đã ói thốc ói tháo. Tôi níu lấy anh, nhưng anh lại như chồm bổng ra ngoài. Có phải do lúc chiều chở xe đi, anh đã ăn nhiều quá? Thái ói làm tôi cũng nôn ruột quá mức, tôi không dám nhìn Thái, ngoặc nhìn ra sau xe, nhưng mọi người cũng đang nhoài đầu ra xe ói lấy ói để. Lúc đó, người bị thương do đại liên máy bay, nơi bụng có một đường băng vải khoanh tròn cả lưng, cũng chực ói. Mới nôn vài cái, máu ở vết thương nấc nhiều quá làm anh nấc lên rồi chết. Tôi không nhìn được là ai trong bóng tối và cũng không bao giờ được biết anh ta.

Một lúc sau, Thái ngồi lên lấy áo chùi miệng, anh hết ói nhưng ruột cứ nôn nôn từng hồi:

Cao su cháy khó chịu quá! Thái định giải thích lá rừng cao su bị cháy bay mùi khó chịu nên phải buồn nôn. Nhưng anh lính cãi lại:

“Bom mửa”. Ngưng một chút, anh tiếp: – Mấy người trong xe ở chỗ bom nổ không chết miểng, chết lửa, cũng chết vì mửa; mửa hoài, mửa miết, chừng nào chết mới hết mửa. Mình ở xa mà còn vậy thì biết đó.

Đoàn xe lao vun vút, chạy biến trong đêm. Nó như hoảng sợ. Chưa bao giờ nó thấy hết bản chất người Mỹ thông qua các loại vũ khí giết người của nó, như lúc này.

Đêm khuya, gió mát, con đường hẹp bốn mét uốn lượn theo bìa rừng. Một bên rừng, một bên đồng bằng với chồi cao lùm thấp, bóng đen lan man dai dẳng nối dài suốt đường. Nguy cơ lần nào đi qua, cũng tưởng như qua dứt. Vì những người di tản lúc ấy vẫn chưa thấy rằng họ là đích nhắm của tên đồ tể đầu sỏ đang ở tại “Phủ đầu rồng”. Gặp khó khăn mới thấy sức chịu đựng của con người bền bỉ đáng ngạc nhiên, người ta có thể săn một ngày bằng cả trăm năm dồn lại, và nếu cầu cũng có thể sinh trăm năm cho có một ngày: đám di tản như đã sống cả thế kỷ trong có mười ngày vừa qua. Dồn dập cớ sự liên tiếp tới, người ta đối phó thu xếp thản nhiên tiếp tục sống, thản nhiên ở đây có nghĩa là cứ sống đến đâu hay đó, chết thôi. Vì họ như bị mắc trong chiếc rọ, đấu tranh để sống, nhưng không thể nghĩ đến ngày mai.

Bên phải con đường gò đống ngổn ngang, nghĩa địa bày ra ở đó. Thái nằm trên nóc xe, tôi giữ cho anh ngủ một giấc, bây giờ anh đã khỏe ra, hết buồn nôn, ngồi lên.

Tới đâu rồi Hòa? Thái hỏi, đầu cũng còn lơ mơ.

Chắc sắp đến thị xã rồi, thấy có nghĩa địa – Tôi trả lời rồi phân vân tiếp: – Không biết đến Bình Tuy chúng ta sẽ làm gì. Nó như cái bán đảo xa cách quốc lộ 1 nhiều quá. Thật là tiếc vô cùng, ra khỏi rừng lá thì chỉ còn trên một trăm cây số là tới Sài Gòn. Thế mà bây giờ ta lại đi xa Sài Gòn hơn rồi đó.

Thật cũng chẳng còn trông mong gì đường thủy. Thái ngáp dài mệt mỏi tiếp lời tôi: – Từ Bình Tuy qua Long Hải – Vũng Tàu chỉ cách có dãy núi Bình Giã đâm ra biển thôi, nhưng mà tôi thì hết hy vọng cái nẻo thuyền bè, biết bao nhiêu lần ra bãi, có lần nào được gì đâu?

Không đi tàu thuyền gì hết. Trở ra lại Hàm Tân. Anh lính ngồi kế tôi vụt gọi nói: – Nghĩa là đánh một vòng, thay vì hai mươi cây số đường rừng lá thì thành trên một trăm năm mươi cây số từ ngã ba Bình Tuy đến Bình Tuy, rồi từ Bình Tuy ra Hàm Tân mà theo quốc lộ 1 về.

Tôi ngao ngán. Một thước đường là một thước hiểm nguy, kéo dài thêm cả trăm cây số thì hiểm nguy quá nhiều. Tôi quay nói với Thái:

Gần sát đến nơi rồi, con đường dài đã qua hết mà còn vòng vèo chi nữa. Chết thì chết quách cho xong, chứ cứ lấy hơi lên ngày này qua ngày khác hoài chi cho khổ quá vậy!

Ê cụ! Thái lay bạn: – Cụ làm cái gì mà yếm thế quá vậy, chực chết như con gà sắp đem cắt tiết vậy?! Nghĩa địa với mả mồ dày đặc bên đường làm tôi chán ngán cuộc sống vô cùng, chán đến thẩn thờ:
Chết là khỏe nhất, chẳng còn gì sướng bằng nằm yên dưới lòng đất, cuộc sống dập bầm, sau mấy tấm mộ bia kia kìa, bộ cái xác chết nằm úp lum khum để rình xem gì ở cuộc sống đó hả? – Ủa!

Tôi bỗng nhảy chồm. Ở xa xa trong nghĩa địa có người rình núp thật. Anh không thể ngồi lý luận suông về yếm thế hay yêu đời, cuộc sống là hiện thực, anh thét khẽ:

– Hai thằng!

Thái và hai anh lính giật mình, nhìn theo ngón tay chỉ của tôi. Một anh lính chốc ngược cây M79 lên gài bốn trái đạn vàng bằng cườm tay vào.

Bốc! Bốc. Hùup! Hùup!

Hai phát nổ nhỏ trong súng, đạn bay đi. Xe vẫn đang chạy nhanh.

Cành! Càành!

Hai phát nổ tung đất gần điểm nhắm của cây súng phóng lựu. Từ chỗ đó, đúng là hai thằng phóng ra quăng mình qua các gò nỏng khác.

Bốc! Bốc! Hùup! Hùup! – Cành! Càành!!

Đất lại vung vãi. Lần này sai. Vì đến bốn thằng băng băng rời đi nơi khác. Đoàn xe vẫn chạy nhưng đã có chao động. Ngàn từ trong ca – bin xe chồm qua cửa xe ló đầu lên quát:

– Trong xe nằm xuống! Mấy ông trên nóc xuống luôn!

Thái lựa thế nhảy vào thùng xe. Hai anh lính khác và tôi lồm cồm toan nhảy theo trong lúc Ngàn vẫn nửa trong nửa ngoài cửa ca – bin xe thì có tiếng:

Hàààooo…Nghe như một tiếng thở khào không nghe được tiếng nổ. Lửa cháy phà sáng rực, chiếc xe đâm sầm vào bìa rừng chết máy và kẹt trong bụi lùm cạnh hàng cây sao dày đặc.

Một trái B40 từ nghĩa địa bắn qua trúng vào cửa xe chỗ tay lái, cháy đỏ cả mảng và lủng suốt phần dưới thùng xe, xăng bốc cháy. Trên nóc xe, tôi và hai anh lính văng bổng xuống đất.

Súng nổ vang dậy trời.

Thái nghe nóng bên mình, anh lồm cồm ngồi dậy, lửa đang cháy và mọi người hò hét, leo nhảy bồng bế thây nhau xuống. Anh nhảy vội xuống đứng ngó dáo dác tìm tôi, chợt thấy Ngàn lòng thòng chồm đung đưa nửa người ở cửa xe. Thái vội mở cửa lôi Ngàn xuống để nằm dài trên cỏ, chồm vào ca – bin lôi vợ Ngàn theo ra, định lôi cả hạ sĩ tài xế nhưng anh này đang ồng ộc máu tươi giữa mặt.

Thái cuống cuồng chạy ngược lại chỗ xe bị bắn cháy lối năm mươi thước. Trong khi đó đoàn xe đã dừng lại và lính của sư đoàn quân di tản đang dàn hàng ngang băng qua lộ, tràn xuống nghĩa địa, mở cuộc truy kích:

Tụi vằn bông đó! Giết không còn một thằng!

Xung phong!

Trước khi quăng cây B40 bỏ chạy theo đồng bọn, hai thằng quần áo bó chẽn vẫn vác lên chĩa mũi vào đoàn xe.

Pằng: – Cành – Ầm! Một quả B40 nữa bắn vào một xe khác.

Phùùng! Tạch…tạch…tạch…tạch!

Súng giao tranh nổ dồn, nhưng Thái không để ý, anh chạy xồng xộc kiếm tôi. “Thôi rồi, trên đường kia, xe cán dẹp mất rồi”.

Hòa, Hòa! Hòa ơi! Anh bươn bả chạy tới.
“Ủa! Không! Anh lính ngồi với mình tội nghiệp quá”, anh lẩm bẩm: “Tối, tối quá”.

Kìa! Thái la toáng lên rồi lại lầm bầm: “Cái áo thun trắng”. Anh lại bươn bả chạy vào đám chồi, vừa chạy vừa lầm bầm “Nằm trong chồi, té trên chồi”. Thái lại hét: Hòa! Hòa! Hòa! Hòa ơi!

Giọng Thái nhỏ đi, gần như thì thào:

– Hòa! Hòa! “Chết rồi, thôi chết rồi”.

Hơn một giờ sau, mọi việc ở đây cũng xong. Đoàn xe di tản lại tiếp tục lên đường, im lặng, buồn não nề. Trên xe của Ngàn đã chết tại chỗ gần mười người, còn lại phân nửa bị thương, bị bỏng đau đớn. Xe thứ hai, tổn thương tương tự. Bọn “vằn bông” bị truy kích giết tại chỗ 20 tên, còn lại tẩu thoát mất dạng.

Thái rầu rĩ ngồi ôm bạn trong lòng. Tôi còn thở, hơi thở nặng nhọc, mê man và mặt thì nóng bừng bừng. Tôi không bị miểng, bị bỏng, chỉ bị hơi nóng tạt vào và té văng xuống; lại may mắn rớt đúng trên lùm cây, nên không bị gãy xương hay chảy máu.

Đoàn xe đi một đoạn chừng năm cây số thì gặp thêm một tai nạn giống như thế nữa, nhưng tổn thất cao hơn. Sáu xe bị bắn nằm lại đó, dấu tích bị bắn hạ cũng do B40. Từ đó về sau không việc gì xảy ra, đoàn xe đến Bình Tuy vào 2 giờ sáng ngày 5 – 4 – 1975.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.