Dạy Trẻ Phương Pháp Tư Duy

LOGIC VÀ NHẬN THỨC



Lối tư duy truyền thống chú trọng nhiều đến sự logic. Điều này không có gì phải ngạc nhiên. Giáo dục tư duy trong trường học là cách giáo dục suy nghĩ phản hồi. Bạn sẽ phản ứng thế nào với những thứ mà bạn thấy trước mắt. Tức là thông tin đã được đưa ra. Những phần của bài đố đã được cho sẵn. Bạn vận dụng logic để đưa ra câu trả lời.

 

Tư duy phê phán, tranh luận và hệ thống đối đầu phần lớn (chứ không phải hoàn toàn) dựa trên tư duy logic.

 

Logic là kiểu tư duy của các nhà khoa học, hoặc một số người khác sử dụng để đưa ra ý tưởng của họ. Ngay cả khi một đột phá khoa học được hình thành nhờ vào sự linh cảm, hoặc may rủi, nó cũng luôn được thể hiện như là nó được hình thành dựa trên quy luật logic. Nếu không thì những ý tưởng đó sẽ không thể được chấp nhận.

 

Chúng ta cần biết làm thế nào để chúng ta đi đến kết luận, vì vậy chúng ta cần biết những lý do hoặc quy luật logic ẩn sau nó.

 

Vì tất cả những lý do này, chúng ta đã chú trọng đến tính logic.

 

Bạn thức dậy vào lúc nửa đêm tại một căn phòng lạ ở khách sạn. Bạn muốn đi tới phòng tắm nhưng bạn không thể tìm thấy công tắc đèn. Và bạn nghĩ rằng nếu bạn tự cảm nhận được đường đi bằng cách sờ vào tường bạn sẽ tìm ra cửa dẫn vào phòng tắm, hoặc nếu bạn tìm ra một cánh cửa khác có thể có công tắc điện gần đó. Đây là cách tư duy logic thông thường.

 

Nhưng nếu bạn tìm thấy công tắc đèn cạnh giường, bạn có lẽ đã tìm ra cách để đi tới phòng tắm mà không cần phải có thêm tư duy logic nào khác. Khả năng của bạn để tìm đường tới phòng tắm tương xứng với sự nhận thức của bạn.

 

Đôi khi chúng ta cần sự logic để hoàn thiện sự nhận thức của chúng ta. Đôi khi sự nhận thức giảm bớt sự cần thiết phải tư duy logic.

 

Nhận thức chính là chúng ta nhìn nhận thế giới xung quanh ta như thế nào?

 

Logic là làm thế nào chúng ta có cách vận dụng tốt nhất những nhận thức đó.

 

Thường thì nhận thức được biến đổi trở thành hình thái ngôn ngữ  hoặc biểu tượng. Sau đó, chúng ta sử dụng quy luật logic ngôn ngữ hoặc toán học để đi đến một vài kết luận.

 

Một lần, tôi có dịp quan sát con ve sầu từ một vị trí rất gần. Con ve sầu phát ra tiếng kêu lớn nhưng tôi không thể nhận ra được tiếng kêu đó được phát ra từ đâu. Dù tôi có tiến gần tới đâu, tôi cũng không trông thấy cánh, hoặc chân con ve chuyển động để có thể phát ra tiếng kêu lớn đến như vậy. Một lát sau, tôi nhận ra một con ve sầu khác ở một cành cây cách con ve sầu cũ chừng 10-15cm, mới là con thực sự phát ra tiếng kêu. Đây là một ví dụ điển hình về một trong những lỗi mà chúng ta thường mắc nhất trong cách tư duy. Nếu chúng ta chỉ nhìn một phần của tình huống, tư duy logic của chúng ta sẽ dẫn chúng ta đi đến một câu trả lời sai. Nhưng làm thế nào để chúng ta biết rằng có nhiều hơn một phương án về chủ đề mà chúng ta đang xem xét? Điều này có được từ sự nhận thức.

 

Sự hiểu biết được hình thành chủ yếu nhờ vào nhận thức. Sự hiểu biết chính là khả năng đón nhận nhiều điều.

 

Những điều đang hiện hữu và cả những điều sẽ xảy đến trong tương lại. Sự hiểu biết cho phép chúng ta nhìn sự việc theo nhiều cách khác nhau.

 

Hai khía cạnh chính của sự nhận thức là: sự rộng rãi và sự thay đổi.

 

Những câu hỏi quen thuộc được hỏi là:

 

Cái nhìn của tôi bao trùm những gì?

 

Liệu còn có cách nào khác để xem xét sự việc?

 

Sự thay đổi chính là khả năng xem xét chính xác cùng một sự việc nhưng theo một cách khác. Một người bán giày đã viết: đây là một công việc kinh doanh thật thảm hại, dường như chẳng có ai đi giầy hay sao ấy, trong khi đó một người bán giầy khác lại viết: đây là một công việc kinh doanh thật tuyệt vời. Hình như ai cũng đi giầy thì phải.

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.