Dạy Trẻ Phương Pháp Tư Duy
MŨ ĐEN VÀ MŨ VÀNG
Cả mũ vàng và mũ đen đều là chiếc mũ biểu đạt sự xét đoán. Khi sử dụng chiếc mũ đen, chúng ta quan tâm đến sự thật và sự phù hợp. Khi sử dụng mũ vàng, chúng ta quan tâm đến ích lợi. Cả hai luồng tư duy mũ đen và mũ đỏ đều là những tư duy logic. Bạn cần đưa ra những lý do đủ sức thuyết phục cho những gì bạn trình bày. Nếu không có lý do, bạn cần sử dụng chiếc mũ đỏ bởi vì một lời khẳng định không kèm theo lý do, đó chính là một cảm giác hoặc linh cảm.
Hãy nghĩ đến một vị thẩm phán nghiêm khắc. Hãy nghĩ đến người nào đó thường cho bạn điểm xấu khi bạn làm sai điều gì.
Chiếc mũ đen là chiếc mũ thường được sử dụng nhiều nhất. Theo một số nghĩa nào đó, chiếc mũ đen cũng là chiếc mũ giá trị nhất. Chiếc mũ đen ngăn cản không cho chúng ta mắc lỗi hay làm những điều vớ vẩn.
Chiếc mũ đen quan tâm đến sự thực và tính xác thực. Chiếc mũ đen là chiếc mũ của lối tư duy phê phán “liệu điều đó có đúng không?”.
Khi sử dụng chiếc mũ đen, những câu hỏi thường gặp là:
1- Liệu nó có là sự thật không?
2- Liệu nó có phù hợp không?
3- Liệu nó sẽ hoạt động tốt không?
4- Những nguy hiểm và vấn đề ở đây là gì?
Chiếc mũ đen phán xét sự xác thực của một lời tuyên bố hoặc một nhận định. Liệu nó có phù hợp với sự việc hay không?
Chiếc mũ đen cũng phán xét sự xác thực của những lý do. Liệu kết luận của bạn được đưa ra có dựa trên những chứng cứ xác thực hay không? Liệu bạn có mắc lỗi gì không? Liệu bạn có chứng minh được tuyên bố của bạn.
Chiếc mũ đen tìm kiếm điều gì thực sự và đúng đắn thông qua việc chỉ ra những thiếu sót.
Liệu nó có phù hợp không?
Liệu đề xuất này có phù hợp với kinh nghiệm của chúng ta?
Liệu đề xuất này có phù hợp với hệ thống mà chúng ta đang xem xét.
Hệ thống ở đây bao gồm những thủ tục của quá trình tổ chức, những luật lệ, những quy tắc, những tập quán xã hội…
Liệu đề xuất này có phù hợp với mục tiêu, kế hoạch, hoặc chính sách của chúng ta?
Liệu đề xuất này có phù hợp với giá trị của chúng ta, tiêu chí đạo đức và những gì chúng ta cho là đúng hay không?
Bởi vì chiếc mũ đen là chiếc mũ của logic, bạn luôn phải đưa ra những lý do tại sao quan điểm của bạn là phù hợp.
Liệu nó có hoạt động không?
Ý tưởng này sẽ xảy ra cụ thể trong thực tiễn?
Liệu phát minh đó hoặc cỗ máy đó có hoạt động không?
Liệu kế hoạch đó có thực thi được không?
Khi sử dụng chiếc mũ đen, nếu bạn nói điều gì đó sẽ không thực hiện được, bạn phải nêu được lý do tại sao bạn nói như thế. Nếu bạn chỉ có được cảm giác rằng nó sẽ không thực hiện được, đó sẽ là tư duy mũ đỏ.
Những điểm yếu của ý tưởng đó là gì?
Những nguy hiểm và những vấn đề ở đây là gì?
Nếu chúng ta thực hiện theo đề xuất này, những mối đe dọa là gì?
Nếu chúng ta thực hiện theo đề xuất này, vấn đề gì sẽ nảy sinh?
Nếu chúng ta thực hiện theo đề xuất này, những tác động có hại ở đây là gì?
Đây là những câu hỏi mà một người suy nghĩ mũ đen phải tự đặt ra cho bản thân khi xem xét một đề xuất.
Trên thực tế, chiếc mũ đen có thể bị lạm dụng. Có một số người luôn tỏ ra là người thận trọng và tiêu cực. Họ luôn sẵn sàng chỉ ra tại sao việc gì đó không thể thực hiện được hoặc không thể làm được.
Điều này không có nghĩa là chiếc mũ đen là một chiếc mũ xấu. Cho vừa đủ muối vào đồ ăn làm món ăn rất ngon, nhưng khi cho quá tay sẽ trở thành một món ăn tồi. Thức ăn, bản thân nó là tốt và thiết yếu trong cuộc sống, nhưng ăn quá nhiều lại gây ra chứng phát phì không tốt cho sức khỏe. Lạm dụng muối và lạm dụng thức ăn không tốt. Lạm dụng chiếc mũ đen cũng không khiến chiếc mũ đen trở thành chiếc mũ xấu. Chiếc mũ đen là một chiếc mũ quan trọng và có uy lực. Chúng ta khó có thể bàn bạc việc gì mà thiếu sự trợ giúp của chiếc mũ đen.
Hãy nghĩ đến ánh nắng mặt trời và đến sự lạc quan. Chiếc mũ vàng là chiếc mũ của hy vọng, nhưng nó là chiếc mũ của sự logic và luôn đi kèm với những lý do tại sao nó lại là niềm hy vọng.
Nhìn chung, chiếc mũ vàng là chiếc mũ để nhìn vào tương lai và nói: nếu chúng ta làm điều này, lợi ích thu được là…
Chiếc mũ vàng có thể được sử dụng để nhìn lại những sự việc đã xảy ra “việc này đã xảy ra. Có nhiều ảnh hưởng không tốt nhưng cũng có nhiều ảnh hưởng tốt. Hãy sử dụng chiếc mũ vàng và tìm ra những ảnh hưởng tốt.
Người tư duy mũ vàng phải luôn đặt ra cho bản thân những câu hỏi sau:
1- Lợi ích ở đây là gì?
2- Tại sao nó lại có thể thực hiện được.
Một người tư duy mũ vàng tìm cách để chỉ ra những lợi ích. Lợi ích ở đây là gì? Từ đâu mà chúng ta có những lợi ích đó.
Những thuận lợi ở đây là gì? Tại sao ý tưởng này lại đáng để thực hiện? Sự cải tiến tự nhiên ở đây là gì?
Điều này có thể là yếu tố tiết kiệm chi phí: có thể là sự hoàn thiện thêm những chức năng, có thể là việc mở ra một cơ hội mới.
Giá trị ở đây là gì? Ai là người chịu ảnh hưởng về mặt giá trị này?
Chúng ta luôn phải tự nhắc nhở rằng một người tư duy mũ vàng là một người chỉ tìm kiếm và đưa ra những ích lợi và những tác động tích cực. Vì lý do này chúng ta cần tạo dựng suy nghĩ của chúng ta theo hướng tích cực dựa trên sự cân nhắc. Tư duy mũ vàng không xem xét toàn bộ mọi mặt giá trị, mà chỉ xem xét những giá trị lợi ích.
Nên nhớ rằng nếu khi chúng ta sử dụng chiếc mũ vàng, những lợi ích mà chúng ta nêu ra không thuyết phục thì ý tưởng đó cũng chưa đáng để áp dụng. Lúc này, chúng ta cần sử dụng chiếc mũ đen để đánh giá lại vấn đề.
Tại sao nó có thể thực hiện được
Người tư duy mũ vàng phải chỉ rõ tại sao một ý tưởng lại đem triển khai được. Những lý do phải được đưa ra đầy đủ và cụ thể. Đó không phải là nhiệm vụ của những người khác, phải chỉ ra xem tại sao ý tưởng đó là không thực hiện được. Tư duy mũ vàng trước tiên cần được kiểm tra xem những yếu tố cơ bản nào khiến ý tưởng có thể thực hiện được.
Chiếc mũ vàng tìm cách chỉ ra tính khả thi của một ý tưởng và tại sao nó có thể đem thực thi.
Có những người luôn bị lôi cuốn bởi một ý tưởng và đắm chìm trong suy nghĩ mũ vàng mà bỏ qua tính xác thực và tính khả thi. Sự lạm dụng chiếc mũ vàng cũng gây nên sự thất bại như sự lạm dụng chiếc mũ đen.
Chiếc mũ đen không chỉ đưa ra sự xét đoán về một ý tưởng mà còn chỉ ra những điểm yếu của ý tưởng mà nhờ đó chúng ta có thể hoàn thiện nó.
Chiếc mũ đen là chiếc mũ của sự xét đoán và đánh giá. Chiếc mũ đen được sử dụng để phê phán. Chiếc mũ đen giúp chúng ta không nhầm lẫn và mắc lỗi và có thể khiến chúng ta biết cách hoàn thiện ý tưởng.
Chiếc mũ vàng lại chú trọng đến ích lợi. Liệu điều này có thể thực hiện được? Liệu nó có đáng để làm?
Với cả hai chiếc mũ, chúng ta đều phải đưa ra những lý giải logic.
Những bài luyện tập mũ vàng và mũ đen.
1- Một ai đó đưa ra gợi ý rằng nên thiết kế những chiếc ô tô đặc biệt dùng riêng cho phụ nữ. Hãy sử dụng chiếc mũ đen để nêu ra những bất cập của ý tưởng này?
2- Tại trường học, tệ ăn cắp hiện nay khá phổ biến. Người ta đã đặt ra giải thưởng cho những ai có thể bắt được kẻ ăn cắp. Liệu đây có phải là ý tưởng tốt? Hãy sử dụng chiếc mũ vàng, sau đó là chiếc mũ đen để xem xét.
3- Hiện nay, ở một số quốc gia có sự dư thừa lương thực trong khi ở những quốc gia khác mọi người lại đang trong hoàn cảnh đói ăn. Hãy viết ra một cuộc đối thoại tưởng tượng giữa một người sử dụng chiếc mũ vàng và một người sử dụng chiếc mũ đen. Mỗi người đưa ra hai nhận định.
4- Những nhận xét nào sau đây là nhận xét mũ đen.
– Bắt phạt những người vứt rác trên đường phố là một ý tưởng của cảnh sát địa phương.
– Rất nhiều người béo nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc, điều này không có nghĩa là bởi vì họ hạnh phúc nên họ mới béo.
– Một chiến dịch công cộng tuyên truyền trên báo sẽ không hiệu quả bởi vì nó không được nhiều người đọc.
– Những kẻ nói dối thường bị phát hiện.
– Theo kinh nghiệm của tôi, những người được trả lương cao hơn không khiến họ hạnh phúc hơn.
– Nếu bạn không làm việc chăm chỉ, bạn sẽ không có được kết quả tốt trong kỳ thi.
5- Sử dụng chiếc mũ vàng để chỉ ra những lợi ích thu được từ ý tưởng để mọi người chấp nhận nó.
6- Nếu bạn không bao giờ đọc báo và không bao giờ xem ti vi, điều gì sẽ xảy ra? Hãy sử dụng chiếc mũ vàng. Sau đó là mũ đen để đưa ra những nhận xét.
7- Hãy đưa ra một vài nhận xét mũ vàng theo cách sử dụng chiếc mũ đen.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.