Dạy Trẻ Phương Pháp Tư Duy
NHÌN LẠI PHẦN 2
Khi đọc đến phần này, có lẽ một vài độc giả cảm thấy có những điều bị nhầm lẫn, vì vậy lúc này chúng ta cần nhìn lại những điều chúng ta đã học.
Điều quan trọng nhất cần nhớ là tất cả những công cụ và thói quen được đề cập đầy đủ và có thể được sử dụng riêng rẽ tùy theo từng sự việc. Không có một cấu trúc bao gồm xem mỗi công cụ, thói quen nên được áp dụng trong những tình huống nhất định nào. Ở phần tiếp theo của cuốn sách này, chúng ta sẽ xem xét một số cấu trúc, nhưng tại thời điểm này, mọi công cụ, thói quen có thể được xem xét một cách hoàn toàn độc lập và có chỗ đứng riêng của nó.
Ví dụ, chiếc mũ đen có thể được sử dụng theo cách riêng của nó.
Công cụ OPV cũng được sử dụng độc lập. Tương tự như vậy đối với công cụ C & S, với thói quen giá trị, với chiếc mũ đỏ tư duy, với thói quen trọng tâm và mục đích.
Tôi nhấn mạnh đến điều này bởi vì nó khác với nhiều cách tiếp cận tư duy khác. Những cách đó có thể bao gồm nhiều cấu trúc phức tạp, thoạt nhìn thì rất gây ấn tượng nhưng lại ít mang tính thực hành trong những tình huống sống.
Một con dao nhíp đặc biệt của quân đội Thụy Sỹ được chế tạo có nhiều lưỡi, mỗi lưỡi có một chức năng khác nhau. Bạn sử dụng chỉ một lưỡi tại một thời điểm: lưỡi dùng để cắt, lưỡi dùng làm tô vít, lưỡi dùng để mở nút chai… hãy nghĩ lại mẫu người thợ mộc mà tôi đã miêu tả như một cơ sở nền tảng cho cách tiếp cận của tôi trong việc giảng dạy tư duy. Người thợ mộc sử dụng búa khi anh ta hoặc cô ta muốn dùng búa. Nó không yêu cầu đặt ra cấu trúc nào cả.
Dựa vào kinh nghiệm tích lũy được từ nhiều năm nay, tôi biết rằng một số người trẻ tuổi khi học những công cụ này chỉ muốn ghi nhớ một hoặc hai công cụ. Tất nhiên đó là PMI và CAF. Những người khác lại muốn nhớ một vài chiếc mũ. Những người khác lại nhớ đến thói quen giá trị và công cụ OPV. Những người khác lại nhận thấy C & S là công cụ hữu ích cần nhớ.
Những người khi học xong phần một và bị lẫn lộn giữa các công cụ và khái niệm là những người đang cố sắp xếp tất cả những điều đã học thành một cấu trúc. Đừng cố làm như vậy. Vì không chỉ bạn sẽ lẫn lộn mà cả người dạy bạn cũng sẽ bị lẫn lộn.
Tôi đã trình bày một số công cụ và thói quen. Vậy đâu là sự khác nhau giữa công cụ và thói quen?
Thói quen: một thói quen là một thông lệ nên luôn luôn hiện diện trong tâm trí của bạn không kể bạn đang xem xét bất kỳ vấn đề gì. Khi bạn chụp một tấm ảnh, bạn luôn luôn cần nhận thức rõ ràng về: tiêu điểm, tốc độ màn trập, lỗ ống kính, tốc độ tim…
Tất cả những điều này đối với những nhà chụp ảnh chuyên nghiệp đã trở thành thông lệ trong suy nghĩ mỗi khi cầm máy ảnh. Một thói quen cũng tương tự như vậy. Một người tư duy có kỹ năng luôn giữ những thói quen đó trong đầu.
Mỗi thói quen được khái quát hóa như một hoặc hai câu hỏi mà người tư duy nên tự đặt ra để hỏi bản thân bất cứ khi nào cần tư duy mọi việc. Chỉ một số ít người có thể nhớ được tất cả những thói quen đó. Phần đông những người khác chỉ nhớ một hoặc hai thói quen. Tuy nhiên, tất cả các thói quen đều quan trọng và xuất hiện trong mọi tư duy tại mọi giai đoạn tư duy. Nếu bạn xem xét cách tư duy của một người tư duy tốt, bạn sẽ nhận thấy rằng tất cả những thói quen cơ bản đó đều xuất hiện.
Công cụ: một công cụ thì được sử dụng một cách chuyên nghiệp và thường xuyên như một thói quen. Bạn lựa chọn một công cụ cụ thể và bạn sử dụng nó. Sau đó bạn lại cất nó đi. Không giống như thói quen, công cụ không được sử dụng tại mọi thời điểm. Công cụ có thể phát triển thành thói quen. Ví dụ, công cụ OPV khuyến khích người tư duy luôn luôn nghĩ về những người khác chịu ảnh hưởng của cách tư duy. Tuy nhiên, công cụ này là một công cụ cụ thể.
Chúng ta cần sự cụ thể, chính thức, thậm chí cả sự nhân tạo do những công cụ tạo ra. Chúng ta có thể nói: hãy thực hiện một PMI hoặc nói: tôi muốn anh thực hiện một C & S về vấn đề này. Chúng ta càng sử dụng công cụ một cách chính thức và có cân nhắc, công cụ đó càng phát huy giá trị.
Với thói quen, chúng ta chỉ hy vọng rằng chúng ta thường xuyên nhắc nhở bản thân chúng ta sư dụng thói quen đó. Với công cụ, chúng ta có thể thực hành chúng và chúng ta có thể yêu cầu sử dụng một công cụ cụ thể.
Thường xảy ra tình huống khi chúng ta đang sử dụng một công cụ để tư duy, đồng thời cũng có nhiều thói quen được sử dụng kèm theo công cụ đó. Ví dụ, công cụ OPV bao gồm một cách tự động thói quen giá trị. Tất cả các công cụ đều bao gồm thói quen trọng tâm và kết quả. Công cụ APC có thể yêu cầu sự thay đổi trong nhận thức. Và nhiều mối liên hệ khác.
Chúng ta sẽ nhìn lại những thói quen tư duy đã được trình bày trong cuốn sách này. Chúng được giới thiệu lại lúc này một cách vắn tắt và không theo trật tự mà bạn đã được học trước đó, nhưng lại theo trật tự logic.
Lúc này tôi đang xem xét ( nghĩ về) điều gì?
Tôi đang cố gắng làm điều gì?
Đây là một thói quen cơ bản trong nguyên tắc tư duy. Không có thói quen này, tư duy sẽ bị trôi dạt, lẫn lộn và không hiệu quả. Nếu chúng ta chỉ chú tâm đến mục tiêu chung của chủ đề để tư duy, điều đó là chưa đủ.
Liệu còn có ý tưởng nào khác không?
Cái tiếp theo sẽ là gì?
Thói quen tư duy này xác định bước tiếp theo trong tư duy. Chúng ta sẽ tiến lên phía trước từ vị trí hiện tại của chúng ta, hoặc chúng ta sẽ đi vòng mọi hướng (đồng thuận) để xem xét các khả năng. Sự lựa chọn này có thể trở thành một thông lệ một cách dễ dàng, đặc biệt nếu chúng ta có được thói quen ngừng suy nghĩ ngay bây giờ và tự hỏi: liệu còn có ý tưởng/lựa chọn/cách tiếp cận…nào khác?
Tôi đang tư duy dựa trên tầm nhận thức như thế nào?
Liệu có cách nhìn nào khác có thể để nhìn nhận vấn đề này?
Hai khía cạnh quan trọng của nhận thức là độ rộng và sự thay đổi. Tư duy của chúng ta cần nhận thức rõ ràng những khía cạnh quan trọng của nhận thức này.
Còn về logic? Tôi sẽ không đặt ra một câu hỏi như tôi đã làm với các khía cạnh tư duy khác bởi vì tôi sẽ trình bày nó ở phần sau. Nhưng một câu hỏi đơn giản có thể là:
Điều gì xảy ra tiếp theo điều này?
Câu hỏi này rất giống câu hỏi tiến lên.
Có những giá trị nào bao gồm trong đó? Những ai chịu ảnh hưởng bởi những giá trị này?
Trong tất cả mọi hình thức tư duy đời thực, thói quen giá trị là một thói quen thiết yếu. Đơn giản là vì thói quen giá trị xác định giá trị của toàn bộ suy nghĩ (trong cuộc sống thực). Không có giá trị, tư duy cũng chẳng có giá trị gì. Thế nên thói quen giá trị cần thiết phải trở thành một phần thông lệ của tất cả mọi tình huống tư duy. Bi kịch nằm ở chỗ hiện nay trong rất nhiều trường học, tư duy được lý thuyết hóa thành những bài đố và thành những vấn đề toán học, những chủ đề mà khía cạnh giá trị là không quan trọng. Trong cuộc sống thực, giá trị xác định sự lựa chọn, quyết định, thành công và thất bại.
Nếu bạn chưa thể đưa ra một kết luận, những câu hỏi nên đặt ra là:
Tôi đã nhận thấy được những điều gì?
Điểm bế tắc ở đây là gì?
Nếu bạn đã đưa ra được một kết luận, những câu hỏi là :
Câu trả lời của tôi là gì?
Tại sao tôi cho rằng câu trả lời của tôi thực hiện được.
Một cách tự nhiên, thói quen kết quả và kết luận đến tại thời điểm cuối cùng của hành vi tư duy. Thói quen này là quan trọng bởi hai lý do: lý do đầu tiên là nếu chúng ta đã nỗ lực để tư duy, chúng ta muốn thu hoạch tối đa những điều có thể từ nỗ lực đó, nếu không, chúng ta đang lãng phí thời gian; lý do thứ hai là cảm giác dành được điều gì đó trong tư duy là một động lực vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta không dành được một điều gì cả, chúng ta cũng không có động lực để thúc đẩy tư duy.
Có những thói quen tư duy khác sẽ được tôi trình bày ở phần sau của cuốn sách này. Những thói quen đã được giới thiệu là cơ bản trong cách tư duy tự nhiên của mỗi chúng ta và nên trở thành một phần của mọi hành vi tư duy.
Sáu chiếc mũ tư duy
Sáu chiếc mũ tư duy nằm ở vị trí giữa của một công cụ và một cấu trúc tư duy. Tôi đã trình bày cho chúng ta một công cụ định hướng tư duy bởi vì chúng hướng sự chú ý tới một kiểu hoặc một trạng thái tư duy. Những chiếc mũ có thể được sử dụng đơn lẻ và tách biệt (cách sử dụng riêng lẻ) hoặc sử dụng thành một chuỗi (sử dụng hệ thống).
Mũ trắng: thông tin, dữ liệu, dữ kiện và con số. Chúng ta có những thông tin gì, những thông tin gì chúng ta đang thiếu, làm thế nào chúng ta có được những thông tin cần thiết. Chiếc mũ trắng liên quan đến các công cụ CAF, OPV và có lẽ cả FIP.
Mũ đỏ: khả năng trực giác, linh cảm, cảm giác và cảm xúc. Mũ đỏ chỉ ra một cách hợp lệ để chúng ta trình bày khả năng trực giác và cảm giác. Mũ đỏ tư duy liên quan đến các công cụ CAF, OPV và FIP.
Mũ đen: là chiếc mũ của sự xét đoán và kiểm tra. Những điều đã được gợi ý liệu có phù hợp với kinh nghiệm, thông tin, hệ thống, giá trị…của chúng ta? Chiếc mũ đen luôn là chiếc mũ của tư duy lối và cần có những lý do cụ thể. Chiếc mũ đen liên quan đến công cụ PMI và C & S.
Mũ vàng: chiếc mũ của lợi ích và những điểm thuận lợi của ý tưởng được trình bày. Chúng ta phải chỉ rõ lý do tại sao ý tưởng đó thực hiện được. Chúng ta cần đưa ra những lập luận logic. Chiếc mũ vàng tư duy có liên quan đến các công cụ PMI và C & S.
Mũ xanh lá cây: sự sáng tạo, hành động, đề xuất và gợi ý. Đây là chiếc mũ của sự sản sinh. Nó đưa ra những ý tưởng xây dựng và những ý tưởng mới. Mũ xanh tư duy có liên quan trực tiếp với công cụ APC.
Mũ xanh da trời: nhìn tổng thể và kiểm soát quá trình tư duy. Chúng ta đang làm gì, chúng ta nên làm gì tiếp theo, mũ xanh da trời có liên quan tới AGO, trọng tâm và mục đích, kết quả và kết luận.
Những chiếc mũ thực hiện vai trò rộng lớn hơn một công cụ tư duy. Cho nên chúng ta đừng cố ghép những chiếc mũ với những công cụ tư duy khác.
Có 7 công cụ định hướng sự chú ý đã được trình bày đều là những công cụ được trích ra từ chương trình đào tạo tư duy đầy đủ, chương trình CoRT, chương trình được thiết kế giảng dạy tư duy và nay được sử dụng ở rất nhiều trường học. Chương trình này bao gồm 60 bài học chia thành mười bài học một phần. Chương trình này bao gồm rất nhiều công cụ tư duy.
Tất cả các công cụ tư duy đều được nêu tắt bằng những chữ cái đầu của mỗi phần hình thành nên công cụ đó. Nó giúp cho mọi người sử dụng công cụ một cách dễ dàng hơn.
Những công cụ đã được trình bày nên được sử dụng một cách rõ ràng, chính thống và có cân nhắc. Đây là một yêu cầu có thể xem như một chủ đích khi chúng ta muốn sử dụng chúng.
Tôi muốn bạn thực hiện một OPV.
Trước tiên tôi sẽ thực hiện một OPV.
Những công cụ được trình bày lại theo thứ tự thời gian chứ không theo thứ tự tôi đã trình bày ở trên.
AGO: mục tiêu của chúng ta là gì? Chúng ta muốn đạt được điều gì? Chúng ta muốn kết thúc với điều gì? AGO hướng sự chú ý tới mục đích cụ thể của tư duy. Nếu chúng ta biết chính xác chúng ta muốn tới đâu, chúng ta dường như đi tới đó dễ dàng hơn.
CAF: cân nhắc mọi nhân tố. Nhìn xung quanh, những nhân tố nào chúng ta nên xem xét trong việc suy nghĩ. Chúng ta đã bỏ sót những gì? Có những nhân tố nào khác cần được xem xét? Trước khi chúng ta tiến lên phía trước với kiểu tư duy tiến lên, chúng ta hãy đảm bảo rằng chúng ta đã chú ý tới mọi điều chúng ta cần nghĩ. Chúng ta phải tự nhận ra những nhân tố mà chúng ta không được dạy hoặc ghi chép trong những cuốn sách tại trường học. Suy nghĩ tình huống của cuộc đời thực có thể là một công việc bừa bộn. Nếu bạn bỏ qua những nhân tố quan trọng, bạn không bao giờ có được một hành vi tư duy tốt.
OPV: quan điểm của những người khác. Mọi người thực hiện nhiệm vụ và có những người khác sẽ chịu tác động bởi kiểu tư duy đó. Chúng ta sử dụng công cụ OPV để chú ý tới quan điểm của tất cả những người liên quan. Những người này là ai, quan điểm của những người này là gì? Những giá trị liên quan là gì? Có những người liên quan trực tiếp hoặc chịu tác động bởi kết quả của hành động từ một hành vi tư duy. Tức là có những người chịu tác động trực tiếp. Bởi thế người tư duy nên chú ý tới cái nhìn của những người này chứ không nên chỉ coi trọng giá trị bản thân. Một tư duy tốt là tư duy sử dụng thường xuyên công cụ OPV.
APC: những hành động thay thế của chúng ta là gì? Điều gì có thể thực hiện được? Những giải pháp có thể là gì? Với công cụ APC, chúng ta nêu ra những khả năng có thể để thực hiện một hành động. APC cũng được ứng dụng để giải thích và để nhận thức. Với công cụ APC, chúng ta tìm kiếm tất cả những khả năng thay thế mà chúng ta có. Những sự lựa chọn mà chúng ta có là gì? Nếu chúng ta không có sự thay thế nào khác, đó chính là thời điểm chúng ta dừng lại và cố gắng xây dựng một phương án thay thế.
FIP: những ưu tiên hàng đầu. Với công cụ FIP, chúng ta sẽ cố gắng xem xem đâu là thực chất vấn đề. Không phải tất cả mọi thứ đều quan trọng như nhau. Khi chúng ta có được cái nhìn rõ ràng về những điều ưu tiên, chúng ta có thể lựa chọn các phương án khác nhau. Phương án nào là phù hợp nhất với những ưu tiên của chúng ta. Việc xác định những điều cần ưu tiên thường được thực hiện tại thời điểm bắt đầu công việc tư duy, sau khi chúng ta thực hiện AGO. Chúng ta càng giới hạn chặt chẽ những ưu tiên của chúng ta, chúng ta càng dễ dàng đưa ra được quyết định.
C&S nếu chúng ta đã chọn một phương án như là kết quả phù hợp của công việc tư duy, công cụ này cho phép chúng ta tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tiến lên phía trước phương án đó. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Điều đó sẽ dẫn tới điều gì? Bằng cách thực hiện một C&S mỗi phương án, chúng ta sẽ tìm ra phương án nào là tốt nhất. C&S, FIP và PMI là những công cụ trợ giúp để lựa chọn các phương án trong khi quyết định và trong khi giải quyết vấn đề. C&S cũng được áp dụng trực tiếp độc lập để đề xuất hành động và sự khởi xướng.
PMI: ưu điểm, yếu điểm và sự chú ý. Đây là một công cụ định hướng sự chú ý. Thay vì tư duy để ủng hộ cho sự xét đoán đầu tiên của chúng ta, chúng ta khám phá chủ đề trước khi đưa ra một quyết định. Chúng ta có thể sử dụng công cụ PMI để đánh giá bất kỳ một kết luận, quyết định và giải pháp nào. Chúng ta cũng có thể áp dụng công cụ này để trợ giúp lựa chọn các phương án bằng cách thực hiện một PMI cho mỗi phương án có thể. Phần chú ý của công cụ PMI tập trung sự chú ý để mở ra những khả năng và những suy đoán và dẫn tới tư duy sáng tạo .
Sử dụng các công cụ:
Tôi trình bày các công cụ với thứ tự nêu trên nhằm mục đích tạo nên một trật tự cho việc ứng dụng công cụ một cách có hệ thống trong việc tư duy một số chủ đề. Tuy nhiên, mỗi công cụ thường xuyên được sử dụng một cách độc lập, hoặc theo một nhóm hai, hoặc ba công cụ. Cũng giống như một người thợ mộc phải quyết định xem công cụ nào là phù hợp nhất trong bất kỳ tình huống nào, nguời tư duy cũng cần đưa ra sự lựa chọn tương tự. Nếu liên quan nhiều đến yếu tố con người, sử dụng công cụ OPV là cần thiết. Nếu chúng ta cần đưa ra hành động phản hồi hoặc một gợi ý, công cụ C & S hoặc công cụ PMI cần được sử dụng. Nếu chúng ta cần đưa ra một quyết định, chúng ta cần sử dụng công cụ CAF và FIP. Nếu chúng ta cần đưa ra một kế hoạch hành động, chúng ta cần sử dụng công cụ AGO.
Những công cụ được thiết kế nhằm mục đích thực hành, nội dung của chúng nhiều khi có phần chồng nhau. Có những lúc mà việc áp dụng công cụ PMI và công cụ C & S có thể thu được cùng một kết quả. Có những lúc mà CAF có thể bao gồm tất cả những người được đề cập đến với công cụ OPV. Một người thợ mộc có thể sử dụng một chiếc búa và một cái đinh hoặc một cái vít và một cái tô vít để gắn hai miếng gỗ lại với nhau.
Người tư duy hoàn toàn tự thân quyết định công cụ phù hợp để sử dụng, sau đó sử dụng chúng.
Như tôi đã trình bày ở phần trên, các công cụ có thể dẫn tới những thói quen tư duy. Ví dụ, công cụ APC dẫn tới thói quen tư duy đồng thuận. Công cụ OPV dẫn tới thói quen tư duy tìm kiếm giá trị. Ngược lại, thói quen cũng giúp ích cho việc sử dụng công cụ, ví dụ trọng tâm và mục đích giúp chúng ta tập trung vào công cụ đang sử dụng. Sau khi sử dụng một công cụ, chúng ta cần đánh giá kết quả mà chúng ta đạt được. Đa phần các công cụ khi được sử dụng ( CAF, OPV, C&S, PMI, FIP) chúng ta cần luôn nhận thức các hình thức giá trị.
Tôi đã trình bày một số thói quen và một số công cụ tư duy. Chúng có thể được sử dụng độc lập hoặc theo nhóm. Chúng cần được thực hành thường xuyên để trở thành một phần của kỹ năng tư duy.
1. Công cụ nào là phù hợp nhất để sử dụng độc lập trong những tình huống sau:
– Bạn không thể tìm được một tài liệu quan trọng mà bạn cần.
– Có một vụ cháy trong nhà bếp.
– Một gia đình mà các thành viên không đồng ý trong việc phân công việc nhà.
– Chiếc ô tô bị hỏng trên đường cao tốc.
2. Người quản lý nhà trọ gặp phải một số khó khăn:
– Điện bị hỏng.
– Một chiếc ô tô của khách bị đánh cắp.
– Không có một chiếc giường đủ rộng cho một vị khách quá cao.
– Do nhầm lẫn mà đã có quá nhiều khách được đặt phòng.
Với các công cụ nêu sau, ba công cụ nào là phù hợp nhất với mỗi tình huống : OPV, APC, FIP, CAF, AGO?
3. Có một mùi khủng khiếp đang bốc ra từ một gara đã bị khóa. Người chủ thì đang đi vắng. Cách tiếp cận tư duy nào bạn sẽ sử dụng.
4. Cô của bạn qua đời và để lại cho bạn một ngôi nhà cổ được đồn là có ma. Bạn sẽ làm gì? Đưa ra một cách tiếp cận tư duy về vấn đề này.
5. Một trong những hoạt động của ngày ủng hộ quỹ, bạn được yêu cầu đặt ra luật lệ cho cuộc thi của các quý bà. Công cụ nào bạn cho là có thể giúp bạn?
6. Một người bạn của bạn rất béo nhưng lại không thể ngừng ăn. Bạn được yêu cầu giúp đỡ. Chuỗi tư duy mà bạn muốn sử dụng trong cuộc nói chuyện với bạn của bạn là gì?
7. Ai đó muốn mở một nhà tập thể dành cho những người vô gia cư trong khu vực. Tất cả mọi người đều phản đối điều này. Một cuộc họp được triệu tập. Tư duy của cuộc họp nên được tổ chức như thế nào?
8. Một diễn viên hài kịch nhận ra rằng mọi người đã không cười khi anh ta diễn trò nữa. Công cụ tư duy nào mà diễn viên hài kịch này nên sử dụng?
9. Bạn nhận ra rằng, do nhầm lẫn, bạn đã lấy một thứ từ cửa hàng mà không trả tiền. Sử dụng một công cụ tư duy cho vấn đề này.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.