Dạy Trẻ Phương Pháp Tư Duy
NHỮNG HÀNH ĐỘNG TƯ DUY CƠ BẢN
Bàn tay chúng ta tập trung rất nhiều cơ. Có những cơ được sử dụng để chúng ta nắm tay hay duỗi những ngón tay. Khi chúng ta sử dụng tay để làm bất cứ một việc gì có ích, chúng ta luôn sử dụng kết hợp những cơ đó. Và mặc dầu chúng ta có thể nhận diện và mô ta những nhóm cơ thực hiện được những hành động cơ bản nào, điều này chỉ có giá trị mô tả hơn là thực hiện hành động. Chúng ta cần tập luyện những nhóm cơ khác nhau và hy vọng rằng chúng sẽ hình thành nên kỹ năng sử dụng đôi tay của chúng ta. Tức là, chúng ta nên luyện tập các cơ trong sự kết hợp.
Trong các hành động tư duy cơ bản, cũng có những điều tương tự như vậy. Những hành động này tồn tại và có thể miêu tả được . Nhưng khi chúng ta áp dụng chúng vào những tình huống sống, chúng ta luôn cần sử dụng kết hợp những hành động cơ bản này. Và cách tốt hơn để thực hành những sự kết hợp này là việc chúng ta thực hành những hành động cơ bản. Đây là sự khác nhau giữa sự mô tả lý thuyết và hành động thực tế.
Đây cũng chính là lý do tại sao tôi lại chọn trình bày các hành động tư duy cơ bản tại phần này. Chúng ta đã có được sự thực hành một số thói quen tư duy và công cụ tư duy này rất quan trọng khi thực hiện các thao tác tư duy. Tuy nhiên, để thực hiện được những hành động tư duy, chúng ta cũng có một vài giá trị cần được xem xét, bởi vì hiểu rõ được những hành động cơ bản sẽ giúp chúng ta sử dụng công cụ hiệu quả hơn.
Trong phần trước, tôi đã trình bày mô hình người thợ mộc để so sánh với một người tư duy có kỹ năng. Tôi đã chỉ ra rằng người thợ mộc bình thường thực hiện ba thao tác cơ bản: cắt, dán và định hình. Tôi cũng chỉ ra rằng thực tế còn một số thao tác khác nhưng ba thao tác trên là thiết yếu. Tôi sẽ lấy mô hình ba thao tác cơ bản đó và áp dụng nó để trình bày những hoạt động tư duy cơ bản. Mặc dầu nó không phù hợp 100%, nhưng ưu thế của nó chính là sự đơn giản.
Bạn cắt một miếng gỗ, bạn cắt một miếng bánh, bạn cắt một lát chanh. Cắt có nghĩa là bạn không muốn toàn bộ vật gì đó. Bạn muốn lấy từng phần của nó.
Khi chúng ta hướng sự chú ý tới một phần của thế giới xung quanh ta, chúng ta đang cắt một bộ phận ra khỏi tổng thể của nó. Vì thế hành động cắt tương tự với hành động định hướng sự chú ý.
Trọng tâm: chúng ta chú trọng tới một phần của chỉnh thể. Chúng ta thực ra vẫn chú trọng tới toàn bộ nhưng chúng ta thực hiện nó từng phần, từng phần một. Chúng ta cũng có thể xem xét nó một cách kỹ lưỡng hoặc khái quát, nhìn từ chi tiết tới tổng thể.
Rút ra một điểm đặc trưng: từ một tình huống tổng thể, chúng ta rút ra một điểm đặc trưng. Hành động này được sử dụng nhiều trong tư duy và là nền tảng cho một số hành động khác. Ví dụ, trong những hành động “chuyển động” (hành động mà chúng ta sẽ được học ở phần tư duy khác lạ), chúng ta rút ra một đặc trưng của một sự khiêu khích và tiến lên phía trước để xem xem nó sẽ dẫn chúng ta tới đâu. Khi chúng ta rút ra một khái niệm hoặc một nguyên lý, chúng ta cũng rút ra những mối liên hệ.
Sự phân tích: khi chúng ta rút ra một đặc điểm, chúng ta bỏ phần còn lại ở phía sau. Tuy nhiên, với sự phân tích, chúng ta tìm kiếm sự toàn diện. Điều này có nghĩa là chẳng có thứ gì bị bỏ lại. Chúng ta tìm cách phân chia tình huống thành những phần, bộ phận. Những phần này và mối quan hệ giữa chúng mô tả toàn bộ tình huống.
Sự mở rộng: trong biểu đồ ở trang bên, có vẽ một hình vuông. Bạn có thể chú ý với toàn bộ hình vuông đó. Hoặc bạn cũng có thể chú ý tới một góc của hình vuông. Khi chúng ta chú ý tới toàn bộ hình vuông, chúng ta thực sự cắt hình vuông ra khỏi những gì xung quanh nó. Sự mở rộng hàm ý rằng lấy ra một miếng cắt lớn hơn, không chỉ bao gồm hình vuông mà cả những gì xung quanh nó. Mặc dầu “sự mở rộng” dường như đối nghịch với sự “cắt”nhưng trong cách vận dụng này, nó không mang nghĩa như vậy. Trí óc chỉ đưa ra cái nhìn rộng lớn hơn về những gì xung quanh.
Trong một nhà hàng, bạn được phục vụ món ăn gồm một lát cá hồi nướng và một vài lát khoai tây rán. Khi chiếc đĩa được mang ra, bạn chú ý tới toàn bộ chiếc đĩa. Khi bạn ăn, bạn chỉ chú ý tới cá hoặc một phần miếng cá, hoặc một miếng khoai tây. Nhưng bạn có thể ngồi và chú ý tới toàn bộ chiếc bàn ăn hoặc bạn chú ý tới toàn bộ nhà hàng đó (trang trí của nhà hàng, những bàn ăn khác…). Phạm vi chú ý có thể hẹp hơn mà cũng có thể rộng hơn. Phạm vi chú ý cụ thể chỉ giúp chúng ta nhìn thấy một cạnh của lát cắt.
Vì vậy, mở rộng và khám phá cũng là một phần của quá trình tư duy cắt. Hãy nghĩ đến vòng ngoài của ống kính máy quay. Điều này giúp cho bạn có bức ảnh lớn hơn.
Hành động dán là hành động đặt những miếng rời gắn liền với nhau và được xem xét một cách toàn bộ. Nếu bạn đặt hai thứ ngẫu nhiên lại với nhau. Đặt hai miếng gỗ cùng nhau không phải là gắn hai miếng gỗ cùng nhau. Chúng ta cần hồ hoặc một chất liệu gì đó để gắn kết chúng.
Sự kết nối: trí óc thực hiện rất tốt việc kết nối. Đó có thể chỉ là những sự liên kết. Những thứ xuất hiện cùng nhau trong cùng một không gian và thời gian, vì thế có một sự liên kết. Có những khi liên kết đó mạnh hơn và có một sự kết nối cơ bản. Nếu chúng ta đặt những thứ gần giống nhau trong cùng một nhóm hoặc cùng một mục, có một hoặc một vài nhân tố liên kết tất cả các bộ phận được đặt vào đó. Mỗi khi chúng ta xem xét bất cứ điều gì, luôn có sự móc nối sự việc với những nhân tố liên quan khác trong tâm trí chúng ta. Những nhân tố này tạo nên sự kết nối. Càng nhiều nhân tố, chúng ta càng có nhiều sự kết nối. Và nếu chúng ta càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm, chúng ta càng đưa ra được nhiều nhân tố.
Sự thừa nhận: đây là một hành động tư duy cơ bản phát sinh trực tiếp từ sự kết nối. Những gì trước mắt (tai…) chúng ta đều có liên kết với một khuôn mẫu nào đó mà chúng ta đã chứa sẵn trong tâm trí. Vì thế chúng ta nhận ra đồ vật đó và biết phải làm gì với nó.
Chỉ cần một áp lực nhẹ ấn vào cò súng là có thể phát nổ một khẩu súng. Tương tự như cách đó, chỉ một điều nhỏ cũng có thể khơi mào cho một khuôn mẫu quan trọng trong tâm trí. Ví dụ, từ “chết” là chỉ một từ nhỏ được viết trên trang sách này, nhưng sự tưởng tượng mà nó gây ra rất mạnh mẽ (những ai thực sự quan tâm xem làm như thế nào mà trí óc của chúng ta hình thành và sử dụng các khuôn mẫu nên tìm đọc thêm cuốn tôi đúng còn anh thì sao, một cuốn sách tôi viết và mô tả chi tiết làm thế nào để những hệ thống tự tổ chức cho phép các khuôn mẫu được hình thành).
Sự công nhận và ngoại suy các khuôn mẫu trong tương lai cơ bản được dựa trên sự kết hợp của sự công nhận và sự kiểm tra.
Sự tổng hợp: đây là cách chúng ta đặt mọi thứ vào với nhau một cách có cân nhắc để tạo nên một kết quả. Việc viết bất cứ một câu nào là một ví dụ của sự tổng hợp. Kết hợp bất cứ một loại nào là một dạng của sự tổng hợp.
Sự xây dựng: hành vi tư duy này có thể được xem giống như hành vi tư duy tổng hợp, nhưng tôi thích gọi nó là sự xây dựng hơn bởi vì nó bao hàm nghĩa rộng hơn. Tổng hợp chính là hành vi đặt những gì đã có lại với nhau. Sự xây dựng hàm ý xây dựng lên mọi thứ từng bước, từng bước một.
Sự thiết kế: đây là một dạng của sự xây dựng. Mọi thứ được gắn kết với nhau theo một cách nhất định để đạt được một mục tiêu xác định. Trong thiết kế, những yếu tố quan trọng nhất là sáng tạo, và đôi lúc bao gồm cả thẩm mỹ.
Nói chung, hành động dán bao gồm 2 hành vi chủ yếu:
– Nhận biết được những sự kết nối.
– Đặt chúng với nhau theo một mục đích.
Một người thợ mộc đã có sẵn hình dáng sản phẩm trong tâm trí. Người thợ mộc thậm chí có cả hình dáng đó trên bản vẽ hoặc trên khuôn. Và bởi vì người thợ mộc định hình sản phẩm trên một mặt phẳng, cho nên anh ta kiểm tra liên tục mẫu đang được hình thành so với mẫu thiết kế.
Liên tục kiểm tra giữa mẫu thiết kế và mẫu thực chính là một hành động tư duy cơ bản của hành động định hình. Trên thực tế, hành động này có thể gọi là kiểm tra.
Xét đoán: liệu nó có chính xác hay không? Nó có phù hợp với cái mà tôi biết? Liệu nó có phù hợp với dữ liệu? Đây chính là tất cả các khía cạnh kiểm tra bởi chiếc mũ đen tư duy. Chúng ta phải xem xem liệu có gì không phù hợp giữa những điều chúng ta đang kiểm tra và xét đoán so với những gì chúng ta đang có trước mắt. Liệu đó có phải là một bức tranh của Rubbens? Để biết được chúng ta cần kiểm tra nhiều đặc tính khác nhau.
Trong tình huống sống. Sự xét đoán thường là sự tổng hợp của sự khám phá và xét đoán. Chúng ta khám phá những kết quả của một hành động đã được lên kế hoạch tại thời điểm hiện tại và trong tương lai. Sau đó chúng ta xét đoán các kết quả so với tiêu chuẩn. Nếu thông qua sự khám phá, chúng ta nhận thấy rằng sử dụng một loại phân bón nhất định sẽ gây ô nhiễm cho dòng sông, sự ô nhiễm (xét đoán so với việc không bị ô nhiễm) là không đáng kể.
Sự tương xứng: chúng ta đặt ra những nhu cầu cụ thể và sau đó kiểm tra xem những gì chúng ta tìm được có tương xứng với những nhu cầu đó. Bất cứ khi nào bạn đặt một câu hỏi, bạn đang đặt ra một nhu cầu về thông tin. Khi bạn có được câu trả lời, bạn kiểm tra xem liệu câu trả lời đó có phù hợp với nhu cầu của bạn? Nếu một kỹ sư đang tìm kiếm một vật liệu với những đặc tính nhất định, anh ta sẽ kiểm tra tất cả các khả năng để xem xem liệu có vật liệu nào đã được tìm ra có những đặc tính này. Nếu anh ta chế tạo một vật liệu mới, anh ta cũng kiểm tra như vậy.
Giả thuyết: chúng ta thường kiểm tra những gì chúng ta tìm thấy so với những gì chúng ta đã biết (luật pháp, dữ liệu…). Với một giả thuyết, chúng ta tưởng tượng ra một cơ chế có thể (hoặc một sự giải thích) và sau đó xem xem những chứng cứ nào bảo vệ giả thuyết đó. Trong việc suy đoán (điều gì… nếu), chúng ta cũng làm tương tự. Chúng ta đưa ra những ý tưởng thăm dò và khiêu khích và sau đó tìm cách kiểm tra chúng. Tư duy khoa học bao gồm cả khả năng đưa ra các giả thuyết và kiểm tra các giả thuyết đó.
Sự so sánh: trong khi xét đoán và kiểm tra, chúng ta thường so sánh những gì trước mắt chúng ta với những gì chúng ta có sẵn trong đầu. Ví dụ, sự công nhận luôn luôn theo sau sự kiểm tra. Liệu nó có thực sự là những gì tôi tin là vậy? Một bác sỹ công nhận một loại bệnh dựa vào lý thuyết và sau đó kiểm tra trên phim chụp X quang và các xét nghiệm khác.
Với sự so sánh, chúng ta phải có từ hai thứ (hoặc nhiều hơn) trước mắt chúng ta. Sau đó chúng ta sẽ so sánh chúng. Về bản chất, điều này đồng nghĩa với việc tìm kiếm các điểm tương đồng và các điểm khác nhau.
Đôi khi, người ta nói rằng các nhà khoa học được phân nhóm thành những người gắn kết và những người chia rẽ. Những người gắn kết chú ý tới những điều dường như thực sự rất khác nhau so với những thứ thường thấy. Sau đó họ gắn chúng gộp lại cùng nhau (với những kết quả có giá trị). Những người chia rẽ chú ý đến những điều dường như giống nhau nhưng thực chất lại có những điểm quan trọng khác nhau, sau đó phân biệt chúng và tách chúng ra (cũng với những kết quả có giá trị). Nói chung, việc nhìn nhận thế giới giống như một đứa trẻ con hay là một xã hội tùy thuộc vào việc chúng ta chia tách nó hay cộng gộp nó.
Đó cũng chính là cách chúng ta hình thành nên các khái niệm tại vị trí đầu tiên, sau đó chúng ta tiếp tục để có những khái niệm tốt hơn.
Chúng ta có thể nhận diện một vài hành động tư duy cơ bản. Chúng được nhóm thành ba nhóm: cắt, dán và định hình. Khi tư duy, chúng ta kết hợp những hành động cơ bản này. Ví dụ, thậm chí ngay cả một hành vi đơn giản làm thế nào để nhận biết một người có hành động kỳ cục trong một nhóm cũng bao gồm nhiều hành vi tư duy như: định hướng sự chú ý, chắt lọc khái niệm, hình thành giả thuyết và kiểm tra. Việc hiểu rõ những hành động cơ bản này giúp chúng ta phát triển các kỹ năng tư duy. Nhưng thực hành những hành động cơ bản này lại không phải là một việc làm phù hợp để phát triển kỹ năng tư duy.
Bài tập luyện các hành động tư duy cơ bản
1. Phân tích những mục sau vào từng phần của nó: thang, bếp, trường học, tiền.
2. Chắt lọc hai đặc điểm quan trọng từ mỗi mục sau: mái nhà, xe buýt, báo, cái hắt hơi.
3. Với mỗi từ ở cột đầu tiên, hãy tìm tất cả các cách kết nối có thể với mỗi từ ở cột hai:
Chuột cái thùng
Dấu hiệu bơ
Thức ăn bút
Con bò con ngựa
Tàu hỏa máy vi tính.
4. Hãy tìm những cách mà bạn có thể nhóm tám mục sau thành hai nhóm mục mỗi nhóm gồm bốn mục: người lính, con ếch, dòng sông, đám mây, xe ô tô, búa, rượu, virus.
5. Mỗi một dòng sau bao gồm nhóm ba đặc trưng một hoặc nhiều hơn một vật cụ thể. Hãy xem có bao nhiêu vật bạn có thể tìm ra dựa trên nhóm đặc trưng đó.
Nguy hiểm, sắc, không có tay cầm
Động vật, trẻ con, giấy
Hai bánh, dài, ầm ĩ
6. Chọn ra và liệt kê những điểm giống và khác nhau mà bạn có thể tìm ra giữa những mục được cho thành đôi sau:
Ngày nghỉ/miếng bánh; ngân hàng/quyển sách; chạy/đi bộ; trẻ con/trưởng thành.
7. Tạo ra một giả thuyết để giải thích những tình huống sau:
· Những cửa hàng được bố trí ở bên này đại lộ kinh doanh tốt hơn cửa hàng được bố trí ở bên kia.
· Rất nhiều loài chim có lông màu sáng.
· Một số quốc gia quy định lái xe bên lề phải, một số quốc gia khác lại quy định bên lề trái.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.