Dạy Trẻ Phương Pháp Tư Duy

QUAN ĐIỂM



Quan điểm tác động tới toàn bộ cách tiếp cận suy nghĩ, cho nên tôi sẽ bắt đầu bằng cách xem xét những quan điểm của một người giỏi tư duy. Đây cũng chính là quan điểm mà toàn bộ cuốn sách này đề cập tới.

 

Thói quen và nguyên tắc cũng sẽ được đề cập tới trong phần sau của cuốn sách này, sau khi chúng ta đã thực hành nhiều những bài tập tư duy. Đó chính là lúc thích hợp để tóm lược lại những nguyên tắc và thói quen.

 

Quan điểm không đúng đắn

 
 

Việc bắt đầu bằng cách xem xét một vài quan điểm không tốt trong tư duy sẽ dễ dàng hơn cho việc nhận biết quan điểm nào là phù hợp.

 

–                     Tư duy không quan trọng. Cảm giác mới là quan trọng nhất.

 

–                     Tư duy là buồn tẻ và đầy nhầm lẫn và chẳng dẫn chúng ta tới đâu cả.

 

–                     Tôi nhận thấy tất cả các vấn đề đều quá khó.

 

–                     Tư duy chỉ cần đến trong trường học và trong những việc vận dụng trí óc. Những người khác vẫn làm tốt mọi việc mà đâu cần suy nghĩ về chúng.

 

Tất cả những quan điểm trên đều là những quan điểm tiêu cực hoặc chủ bại, nó hình thành từ tư duy của những người không tự tin vào khả năng tư duy của họ hoặc những người không được dạy cách suy nghĩ. Nhưng cũng có những kiểu đối lập của những quan điểm không đúng đắn khi mọi người quá kiêu ngạo về suy nghĩ của họ và có một cách nhìn nhận sai về mục đích của tư duy.

 

–                     Tôi thấy tư duy là một việc dễ dàng. Bạn cần xem xét một số điều và quyết định nó ngay.

 

–                     Tôi nhận thấy rằng tôi luôn là người có suy nghĩ đúng đắn. Tôi chẳng ngần ngại gì phải bảo vệ những ý tưởng của tôi.

 

–                     Mục đích chính của tư duy là chứng minh cho những người không có cùng quan điểm với bạn rằng họ sai.

 

–                     Nếu bạn chưa bao giờ mắc lỗi trong suy nghĩ, bạn là người hoàn toàn đúng đắn.

 

–                     Luôn luôn có một câu trả lời cho mỗi sự việc và những ai không nhận ra nó là những người đần độn.

 

Một trong số những quan điểm trên đây có thể là thái quá và mọi người thường hiếm khi viết ra chúng. Nhưng nếu bạn xem xét cách suy nghĩ của một số người, bạn sẽ rút ra kết luận rằng cách suy  nghĩ của họ thực tế dựa trên những quan điểm như vậy.

 

Những quan điểm tốt

 
 

Những quan điểm này là những quan điểm thường gặp ở những người giỏi tư duy.

 

Nhiều người giỏi tư duy đã áp dụng những quan điểm này, đã phát triển chúng trở thành một phần sự hiểu biết tự nhiên của họ. Nếu bạn đã có những quan điểm như vậy, sẽ rất có ích nếu bạn nêu chúng lên và khẳng định lại chúng. Nếu bạn chưa có được những quan điểm như vậy, bạn hãy học để có được chúng.

 

Phải kể đến trước tiên là những quan điểm hướng tới kỹ năng tư duy.

 

–                     Tất cả mọi người phải suy nghĩ, tất cả mọi người đều có thể suy nghĩ. Tư duy không phải chỉ dành cho những người rất thông minh hoặc những chuyên gia trong một số lĩnh vực. Mọi người vận dụng tư duy tại những thời điểm khác nhau. Tất cả mọi người có thể phát triển một kỹ năng thông dụng trong tư duy.

 

–                     Tư duy là một kỹ năng và có thể được phát triển. Tư duy không giống như chiều cao hay giống như màu mắt của bạn. Những điều mà bạn chẳng thể làm được gì. Tư duy là một kỹ năng giống như những kỹ năng trượt tuyết, bơi hay đi xe đạp. Bạn có thể luyện tập để có được kỹ năng tư duy.

 

–                     Tôi là một nhà tư duy. Đây chính là cái nhìn quan trọng nhất. Không quan trọng hiện nay bạn là một người có khả năng suy nghĩ như thế nào, chỉ cần bạn tin rằng bạn là một người tư duy, thế là đủ.

 

–                     Tôi luôn có khả năng tư duy tốt hơn. Điều này vô cùng quan trọng. Ngay cả một người giỏi tư duy nhất cũng có thể tư duy tốt hơn. Quan điểm này tạo nên nỗ lực cải thiện kỹ năng tư duy.

 

–                     Tư duy có thể đòi hỏi một sự cố gắng có chủ ý. Thật là thiếu sót khi cho rằng trở thành một người tư duy tốt đã là đủ và nhờ đó mọi suy nghĩ đều phù hợp. Có những sự tư duy đòi hỏi một sự nỗ lực có chủ ý. Tất nhiên là nhờ vào việc sử dụng những công cụ hoặc cấu trúc tư duy. Tư duy không phải luôn luôn tự động đến.

 

–                     Sự việc mới ban đầu có thể rất phức tạp nhưng khi đã được xem xét chúng trở nên dễ dàng hơn. Đừng bao giờ từ bỏ vấn đề chỉ bởi vấn đề được nêu ra quá phức tạp. Hãy luôn sẵn sàng để giải quyết chúng. Sự việc khi đem xem xét có thể đơn giản hơn ban đầu, nếu không, bạn cũng chẳng có hại gì khi cố gắng giải quyết chúng.

 

–                     Hãy làm từng bước tại một thời điểm. Nếu bạn làm từng bước tại một thời điểm và cứ tiếp tục như vậy, bạn có thể giải  quyết hầu hết mọi việc. Hãy xác định xem bạn muốn gì ở bước này và hãy thực hiện theo nó.

 

–                     Tách biệt cái tôi của bạn ra khỏi lối tư duy của bạn. Hãy xem xét tư duy của bạn một cách có chủ đích. Đây là một điều rất khó nhưng cần phải làm nếu bạn muốn trở thành một người tư duy tốt. Bạn và suy nghĩ của bạn là hai vấn đề tách biệt nhau.

 

–                     Mục đích của tư duy không phải là luôn cần khẳng định điều đó là phải. Mục đích của tư duy là có được những ý tưởng tốt hơn và có cách suy nghĩ tốt hơn. Nếu bạn luôn cần là một người phải, bạn chỉ có thể kết thúc tại điểm mà bạn đã bắt đầu.

 

–                     Lắng nghe và học hỏi là phần mấu chốt của tư duy. Tư duy không chỉ là việc bạn đưa ra ý kiến như thế nào mà là việc những người khác cũng đưa ra ý kiến như thế nào.

 

–                     Luôn luôn khiêm tốn. Sự kiêu ngạo chính là mặt nạ ngụy trang của những người có tư duy nghèo nàn. Thật không dễ để trở thành một người khiêm tốn trong khi xung quanh bạn là những người đầy định kiến, mê muội, kiến thức hạn chế và có cái nhìn hoàn toàn sai. Nhưng bạn nên cố gắng kiểm tra trong chính cách nghĩ của riêng bạn. Bạn hãy xem xem suy nghĩ của  bản thân bạn có thể sai lầm hoặc không hoàn hảo, hoặc chỉ là cái nhìn về một phía hay không. Những quan điểm nêu trên nhằm hình thành những kỹ năng tư duy và ứng dụng chúng.

 

Bây giờ chúng ta sẽ xem xét một vài quan điểm về khả năng tư duy tự nhiên của bạn.

 

–                     Tư duy nên mang tính xây dựng, không nên mang tính tiêu cực. Nếu bạn chỉ chăm chăm vào việc công kích và chứng minh phía khác là sai, điều đó là chưa đầy đủ. Kiểu tư duy tiêu cực này là kiểu tư duy quá phổ biến. Cũng có những khi nó mang lại một giá trị nào đó, nhưng giá trị đó quá hạn chế. Hãy bắt đầu luyện cho bạn có lối tư duy xây dựng và đưa mọi việc đi xa hơn.

 

–                     Khám phá một sự việc thay vì tranh luận về nó. Nếu mục đích của tranh luận là khám phá sự việc, bạn có thể tham gia khám phá sự việc một cách hiệu quả hơn bằng cách lựa chọn sự khám phá hơn là sự tranh luận.

 

–                     Những người tranh luận cùng bạn luôn đưa ra một số điều hữu ích và mang tính xây dựng,và bạn hãy nỗ lực để chắt lọc chúng. Thay vì xem xét quan điểm của người khác như những quan điểm công kích, bạn hãy cố nhận biết giá trị từ những quan điểm đối nghịch đó.

 

–                     Mọi người với những cái nhìn khác nhau đều là những người đúng theo cách nhận thức đặc biệt của riêng họ. Thay vì xem quan điểm của người khác là một điều gì đó ngu ngốc, bạn hãy cố xem xem cách nhìn nhận của họ là gì và tại sao họ lại dựa trên cái nhìn đó.

 

–                     Hoàn toàn có thể có những suy nghĩ sáng tạo và những ý tưởng mới. Sáng tạo không phải là món quà đặc biệt chỉ dành cho một số người. Bạn có thể nỗ lực để có được những ý tưởng mới (bạn có thể sử dụng một vài kỹ thuật đặc biệt để trợ giúp).

 

–                     Đừng e ngại khi thử nêu ra ý tưởng. Bạn không phải lúc nào cũng trở thành người đúng đắn. Bạn có thể cố gắng để đưa ra những ý tưởng thăm dò. Bạn thậm chí có thể sử dụng sự khiêu khích một cách thận trọng, bạn hãy đưa ra những dấu hiệu để chỉ ra rằng đó là một sự khiêu khích.

 

–                     Tại bất kỳ thời điểm nào trong lúc tư duy, luôn có những phương án kết hợp nhưng có thể bạn chưa nghĩ ra. Đừng bao giờ tin rằng bạn đã đủ khả năng để tư duy về tất cả mọi phương án có thể xảy ra. Đôi lúc, điều này là đúng, nhưng thường thì luôn có những khả năng khác mà bạn chưa nghĩ ra.

 

–                     Tránh lối tư duy võ đoán khi bạn cảm thấy rằng bạn đúng. Nếu chỉ cần ý tưởng của bạn là đủ, bạn không cần phải tư duy võ đoán. Nếu ý tưởng của bạn chưa đầy đủ, sự võ đoán đang được đặt nhầm chỗ. Hãy luôn bắt đầu bằng cách nói : “từ những thông tin mà tôi có, tôi thấy rằng….”. Danh sách những quan điểm này không phải bao gồm toàn diện mọi quan điểm. Tự bạn có thể đưa thêm những quan điểm phù hợp vào danh sách. Những quan điểm được nêu ra biểu hiện cho những cách nhìn khác nhau. Có những điều có thể được xem như một quan điểm tư duy, ví dụ “tư duy một cách chậm rãi” hay “luôn xem xem giá trị kèm theo ở đây là gì” được tôi đưa vào phần nguyên lý và thói quen. Tất nhiên là có những sự chồng chéo. Theo sau những quan điểm, tôi cố gắng đưa ra những cách tiếp cận tư duy tổng quát thay vì những hướng dẫn cụ thể.

 

Những bài luyện tập quan điểm tư duy

 
 

1-                 Giải thích và thảo luận các khái niệm của quan điểm. Nó có thể bao gồm quan điểm đối với thể thao, âm nhạc, với bạn bè, nhà trường…

 

2-                 Đọc kỹ danh sách những quan điểm không phù hợp. Liệu bạn có biết người bạn nào của bạn có những quan điểm như vậy? Thảo luận xem tại sao một số người lại có những quan điểm như vậy. Bàn bạc xem tại sao đó lại là những quan điểm không phù hợp.

 

3-                 Hãy xem xem liệu bạn có thể cộng thêm quan điểm tư duy không phù hợp nào khác vào danh sách đó. Bạn cũng có thể tự phân chia danh sách những quan điểm đó thành những phần khác nhau.

 

4-                 Đọc kỹ toàn bộ những quan điểm tốt, lần lượt từng quan điểm một và thảo luận xem tại sao chúng lại tốt. Bạn có thể gợi ý những tình huống cụ thể mà theo đó quan điểm tư duy trở thành không tốt, nhưng nên tránh làm điều này vì có thể gây ra sự nhầm lẫn. Nếu quan điểm đó xét chung là một quan điểm tốt, thế là đủ.

 

5-                 Hãy đặt ra nhiệm vụ là chọn ra 5 quan điểm hữu ích nhất. Mục đích của nhiệm vụ này thực ra không phải là lựa chọn 5 quan điểm hữu ích nhất mà là một sự kiểm tra về tất cả các quan điểm (trong quá trình lựa chọn, chúng ta cần thiết phải làm điều này).

 

6-                 Nếu bạn phải kết hợp những quan điểm tốt trở thành một số ít hơn những quan điểm phù hợp, bạn phải làm thế nào? (bài tập này thích hợp cho những trẻ ở độ tuổi lớn hơn hoặc có khả năng hơn).

 

7-                 Nếu bạn phải cộng thêm vào danh sách quan điểm tốt, bạn sẽ cộng vào đó những gì? (bài tập này có thể thực hành bằng việc thảo luận hoặc viết ra giấy).

 

(chú ý: tất cả những bài tập này đòi hỏi trẻ phải trực tiếp làm, như thể những bài tập đã được đặt ra trước mắt chúng).

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.