Dạy Trẻ Phương Pháp Tư Duy

QUYẾT ĐỊNH VÀ LỰA CHỌN



Chúng ta hãy xem xét 3 khả năng có thể xảy ra dưới đây trong thực tế.

 

–                     Tôi không có ý tưởng gì về việc phải làm gì.

 

–                     Chỉ có một cách để thực hiện.

 

–                     Có một vài phương án có thể tôi nên chọn phương án nào?

 

Nếu bạn không có ý tưởng rằng cần phải làm gì, có thể bạn cần thêm thông tin. Tất nhiên là luôn có một cách để làm những gì bạn muốn làm và nếu bạn tìm ra nó, bạn có thể sử dụng nó. Có thể bạn cần sử dụng một vài kỹ thuật giải quyết vấn đề. Có thể bạn cần sử dụng tư duy sáng tạo ( và tư duy khác lạ) để tạo ra một vài ý tưởng mới.

 

Nếu chỉ có một cách để thực hiện, bạn có thể phải theo cách đó. Nhưng trước khi làm như vậy, sẽ hữu ích hơn nếu bạn xem liệu có cách thực hiện nào khác không. Đôi khi bạn nghĩ chỉ có một cách để thực hiện bởi vì đó là tất cả những gì bạn có thể tìm. Như thế, tình huống này trở về với tình huống đầu tiên: làm như thế nào để tôi có thể tìm ra cách thực hiện hành động khác? Nếu bạn thành công trong việc tìm ra cách hành động khác, lúc này bạn có được các phương án và tình huống trở thành tình huống thứ ba: làm thế nào để tôi lựa chọn phương án?

 

Hầu như mọi tình huống tư duy trong cuộc sống hàng ngày đều kết thúc với một số các phương án thực hiện. Bạn phải đưa ra sự lựa chọn. Bạn phải chọn lựa giữa các phương án. Đó chính là lý do tại sao phần này lại trở thành phần chính sau cùng được trình bày trong cuốn sách này.

 

Khác với việc phải lựa chọn các phương án trong việc giải quyết vấn đề, lập kế hoạch, thiết kế… , đây là những tình huống đòi hỏi trực tiếp các lựa chọn và quyết định.

 

–                     Liệu tôi có muốn đi tới bữa tiệc này?

 

–                     Liệu tôi có nên kết hôn với anh ta ?

 

–                     Liệu tôi có nên mua món đồ đó?

 

–                     Chúng ta sẽ đi nghỉ ở đâu?

 

–                     Liệu tôi có nhận công việc này?

 

–                     Tôi sẽ lựa chọn nghề nghiệp gì?

 

–                     Liệu tôi có nên sa thải trợ lý của mình?

 

–                     Tôi sẽ bầu cử cho ai?

 

–                     Tôi sẽ lựa chọn cách điều trị nào?

 

–                     Liệu bạn có muốn ca mổ này?

 

Cảm xúc

 
 

Rút cuộc thì mọi quyết định và lựa chọn đều do cảm xúc quyết định. Nói chung thì chúng ta không cảm thấy rằng đây là một cách tốt để đưa ra quyết định hoặc lựa chọn, vì thế nhiều khi chúng ta cố gắng vận dụng một vài cách tư duy.

 

Mục đích của tư duy là tổ chức các vấn đề để khi chúng ta đưa ra quyết định cuối cùng là sự lựa chọn cảm xúc, nó là một quyết định cảm xúc đứng đắn.

 

Nếu bạn đi vào một cửa hàng và mua đôi giầy đầu tiên, bạn có thể thấy việc làm này không mang tính xét đoán cho lắm. Nếu bạn có được tất cả các đôi giày trong thị trấn kèm theo giá và những thông tin liên quan đến chúng bày trước mắt, bạn sẽ cảm thấy rằng sự lựa chọn của bạn là tốt hơn. Mục đích của tư duy là cố tổ chức các sự lựa chọn theo cách này.

 

Bạn có thể cảm thấy rằng sự lựa chọn cuối cùng không nên mang tính cảm xúc mà nên dựa trên logic. Điều này có thể đúng với những vấn đề kỹ thuật, còn với những vấn đề liên quan đến con người, quyết định luôn mang tính cảm xúc. Giả sử bạn nói”tôi có thể đưa ra lựa chọn mang tính thực tế nhất trong vấn đề này”. Điều này có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là sự lựa chọn của bạn dựa trên sự sợ hãi: sợ mắc lỗi, sợ mạo hiểm, sợ mất tiền, sợ nhiều phiền toán, sợ những gì người khác nói, sợ bị coi là ngu ngốc, sợ bị coi là thiếu thực tế.

 

Cuối cùng thì hầu hết các lựa chọn và quyết định đều dựa trên 3 kiểu cảm xúc: tham lam, sợ hãi, lười biếng.

 

Tham lam: muốn nhiều tiền, được thành công, tiến lên, được chú ý, có thêm kỹ năng, có thêm bạn mới, thực hiện sở thích tốt hơn, được đề cao bản thân… tôi không sử dụng từ “tham lam” theo nghĩa tiêu cực mà theo nghĩa thành công và mong muốn hơn nữa.

 

Sợ hãi: sợ mắc lỗi, sợ bị coi là ngu ngốc, sợ bị làm người khác thất vọng, sợ chưa biết đuợc mọi thứ, sợ mất tiền, sợ thiếu an toàn, sợ thay đổi. Có nhiều nỗi sợ hãi khiến chúng ta không đưa ra được một kiểu quyết định nào đó, cũng có những sự sợ hãi có thể hối thúc chúng ta phải đưa ra một kiểu quyết định khác.

 

Lười biếng: nó đối nghịch với nghĩa tham lam, nhưng cũng chứa đựng một số yếu tố của sự sợ hãi. Không bị thúc đẩy, không muốn cố gắng, không được hài lòng, không muốn gặp khó chịu và phức tạp khi phải làm điều gì đó, không muốn bị vướng vào những vấn đề phức tạp, không muốn gặp phải vấn đề, muốn sống một cuộc sống dễ dàng.

 

Khi bạn đã có một quyết định, một cách đơn giản để kiểm tra là bạn tự nói với bản thân: tham lam, sợ hãi, lười biếng, mỗi phần chiếm bao nhiêu trong quyết định này?.

 

Những quyết định thứ yếu và những lựa chọn

 
 

Có sự khác nhau giữa việc lựa chọn quần áo mặc để tới dự một bữa tiệc so với lựa chọn nghề nghiệp. Có sự khác nhau giữa việc quyết định có đi tới hội nghị hay không so với việc quyết định đầu tư hàng triệu đô la vào một dự án mới.

 

Cấu trúc đơn giản hoá cần được áp dụng đối với những quyết định thứ yếu và sự lựa chọn.

 

Cấu trúc sáu chiếc mũ.

 

–                     Tôi muốn làm gì?(mũ đỏ)

 

–                     Tại sao không?(mũ đen)

 

–                     Những khó khăn nào có thể vượt qua?(mũ xanh lá cây)

 

–                     Liệu tôi vẫn muốn làm việc này ?( mũ đỏ).

 

Đây là một cấu trúc đơn giản được áp dụng nếu bạn muốn làm gì đó. Nhưng còn trong những trường hợp bạn không muốn làm gì đó nhưng bạn cảm thấy nên làm?

 

Trong những trường hợp như vậy, bạn phải sử dụng chiếc mũ vàng ngay sau chiếc mũ đỏ đầu tiên.

 

–                     Tôi không muốn làm điều này ( mũ đỏ).

 

–                     Nhưng nó có những ích lợi gì ?( mũ vàng).

 

–                     Những vấn đề là gì? ( mũ đen).

 

–                     Liệu có thể vượt qua những vấn đề này ?( mũ xanh lá cây).

 

–                     Lúc này tôi cảm thấy gì?( mũ đỏ).

 

Rõ ràng rằng nếu phản hồi về tình cảm ban đầu của chúng ta đối với vấn đề gì đó là chính xác, chúng ta có thể ngay lập tức đưa ra quyết định. Nếu ai đó mời bạn mua một chiếc đồng hồ đã bị vỡ, bạn tự động đưa ngay ra quyết định. Nhưng nếu chúng ta còn chưa chắc chắn về phản hồi cảm xúc đầu tiên của chúng ta, chúng ta cần suy nghĩ khi đưa ra quyết định. Vì thế chúng ta sử dụng sáu chiếc mũ để khám phá những gì liên quan đến phản hồi đầu tiên. Nếu cảm giác mang tính tích cực, chúng ta sử dụng tiếp theo ngay là chiếc mũ đen. Nếu cảm giác mang tính tiêu cực, chúng ta sử dụng chiếc mũ vàng.

 

Công cụ định hướng tư duy.

 

Sự đánh giá đơn giản nhất là sử dụng công cụ PMI. Với mỗi phương án, chúng ta thực hiện một PMI. Bạn liệt kê những ưu điểm, những nhược điểm và những điểm chú ý. Sau đó bạn xem xem bạn cảm thấy gì. Đừng đem đến những ưu điểm hoặc nhược điểm mà so sánh. Một nhược điểm có thể là quan trọng hơn cả mười ưu điểm. Hãy chỉ xem bạn cảm thấy gì mà thôi.

 

Một công cụ đánh giá khác là C&S. với mỗi lựa chọn có thể bạn hãy hình dung là bạn đã lựa chọn chúng. Sau đó bạn đi theo chuỗi mà sự lựa chọn đó sẽ gây ra trong tương lai: ngay lập tức, ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Khi những con đường khác nhau đều đã được chỉ ra, bạn hãy xem xét chúng và tìm ra con đường nào bạn muốn.

 

Để có được sự đánh giá toàn diện hơn, chúng ta có thể sử dụng các công cụ định hướng tư duy theo thứ tự sau:

 

–                     AGO: phương án nào là phù hợp với những gì tôi muốn?

 

–                     FIP: những phương án đó có phù hợp với những ưu tiên không?

 

–                     OPV: giá trị và những người liên quan là gì?

 

–                     C&S: điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Điều gì sẽ theo sau?

 

–                     PMI: đánh giá tổng quát cuối cùng.

 

Theo cách này, chúng ta khám phá nhận thức của chúng ta theo cách chúng ta có được cảm giác về lựa chọn mà chúng ta muốn.

 

Quyết định quan trọng và lựa chọn.

 

Hãy giả sử rằng bạn đã có đầy đủ thời gian suy nghĩ mà bạn cần. Vội vàng không mang lại điều gì tốt đẹp cả. Vì thế, bạn có thể tiến hành những đánh giá thật chi tiết.

 

Một danh sách những điều cần đánh giá có thể đem áp dụng đối với mỗi phương án.

 

Mục tiêu và ưu tiên.

 

Liệu phương án này có phù hợp với mục tiêu? Nếu một phương án rõ ràng là không phù hợp với mục tiêu, chúng ta bỏ qua phương án đó. Có những khi mục tiêu cũng có thể bị thay đổi. Nếu bạn đang chọn nơi để mua một ngôi nhà để tới nghỉ vào dịp hè và đột nhiên chuyển sang phương án mua một con tàu, mục tiêu không phải là chọn một ngôi nhà nghỉ hè mà chọn một nơi để nghỉ hè.

 

Trong thực tế, rất khó để xem xem các phương án có phù hợp với ưu tiên hay không. Một phương án có thể phù hợp hoàn toàn với một ưu tiên. Một phương án khác có thể phù hợp với ưu tiên khác. Bạn có thể kết thúc với một danh sách các phương án A mà phù hợp với tất cả các ưu tiên và một danh sách các phương án B phù hợp với một số các ưu tiên.

 

Nếu một phương án khó có thể đáp ứng các ưu tiên, nó có thể bị bỏ qua.

 

Lợi ích.

 

Đây là tư duy mũ vàng. Mỗi phương án mang lại lợi ích gì cho người lựa chọn hoặc quyết định? Tại sao đây là một lựa chọn tốt? Tại sao tôi nên làm điều này? Nếu tôi phải mô tả những lợi ích đối với bản thân khi lựa chọn phương án này, tôi sẽ liệt kê chúng như thế nào?

 

Chúng ta không đề cập tới giá trị của những người bị ảnh hưởng mà chỉ đề cập tới ích lợi của những người thực hiện hành động.

 

Nếu một công việc kinh doanh không mang lại lợi nhuận và cũng không mang lại các lợi ích khác, tại sao chúng ta thực hiện nó?

 

Đây là một bước vô cùng quan trọng. Nếu không có hoặc có rất ít lợi ích, phương án này sẽ bị loại bỏ ngay lập tức.

 

Bạn có thể vẫn thích một phương án không đáp ứng được tất cả các ưu tiên, nhưng bạn khó có thể chấp nhận một phương án không đem lại ích lợi nào cả.

 

Tính khả thi.

 

Liệu có thể thực hiện được không? Làm thế nào có thể thực hiện được. Liệu nó có thể hay không? Liệu nó có thực hiện được theo thứ tự?.

 

Bạn có thể lập luận rằng, trước hết chúng ta nên thử tính khả thi của các phương án, nếu một phương án không khả thi, tại sao chúng ta lại bận tâm đi đánh giá nó? Trong khoa học, trong cơ khí hoặc trong toán học, lập luận của bạn có thể đúng, nhưng nó không đúng với tình huống cuộc sống.

 

Trong cuộc sống thực, tính khả thi thường mang tính mức độ. Nếu bạn thực sự thích một ngôi nhà đắt tiền, bạn có thể sẵn sàng vay tiền mua nó. Nếu bạn thực sự thích gì đó, luôn có cách để nó trở thành khả thi. Đó chính là lý do tại sao tôi đặt lợi ích lên trước tính khả thi. Nếu lợi ích là vô cùng to lớn, chúng ta có thể nỗ lực để biến nó trở thành khả thi, mặc dầu đôi khi chúng ta không thành công.

 

Khó khăn và nguy hiểm.

 

Chiếc mũ đen được sử dụng trực tiếp để xem xét tính khả thi. Chiếc mũ đen xem xét những khó khăn và nguy hiểm. Vấn đề ở đây là gì? Đâu là những điểm không phù hợp.

 

Đâu là những nguy hiểm? Khi chúng ta thực hiện một hành động, luôn phát sinh nhiều khó khăn ( ví dụ chi phí cao), hơn là những khó khăn gặp phải trong tương lai. Có những phương án là khả thi nhưng vẫn gặp phải một vài khó khăn, trở ngại và trì hoãn ( giống như việc có được giấy phép xây dựng). Chúng ta nên xem xét đến yếu tố ngẫu nhiên: liệu có đáng làm không nếu…Chiếc mũ đen sẽ chỉ ra những điểm “nếu” này.

 

Tác động.

 

Nếu bạn bắt đầu xây dựng một nhà máy tại một nơi nào đó trên nước mỹ, bạn phải thực hiện một nghiên cứu về “tác động đến môi trường” để chỉ ra những ảnh hưởng của quyết định của bạn tới môi trường.

 

Tương tự như vậy, chúng ta cần kiểm tra “tác động” của mỗi phương án đối với người khác ( gần hoặc không gần) đối với các giá trị, đối với dự án khác, nếp sống khác, và đối với môi trường.

 

Hành động này sẽ ảnh hưởng tới những gì? Những tác động thứ yếu là gì?

 

Chúng ta có thể không biết chính xác câu trả lời và chỉ có thể nói được về khả năng và xác suất. Nhưng chúng ta phải xem xét những tác động đó.

 

Kết quả.

 

Tất cả các yếu tố lợi ích, khó khăn và tác động đều là những yếu tố của kết quả bởi vì kết quả sẽ bao gồm cả những gì xảy ra trong tương lai, sau khi ta đưa ra quyết định.

 

Tuy nhiên, việc chúng ta chỉ ra những điểm cụ thể trong danh sách kiểm tra để chúng ta trực tiếp xem xét kết quả là một việc nên làm. Ngay cả khi tiến hành làm việc này, có thể lặp lại những phần mà ta đã làm trước đó. Tuy nhiên, trùng lặp còn hơn là bỏ qua.

 

Chúng ta sẽ xem xét kết quả tức thì khi đưa ra lựa chọn: công việc giấy tờ, vấn đề pháp luật, những người liên quan…Chúng ta không chỉ xem xét kết quả tức thì do sự lựa chọn mang lại mà chúng ta còn xem xét luôn cách mà chúng ta lựa chọn. Sau đó là kết quả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Độ dài thời gian thực tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi quyết định. Độ dài thời gian để chọn mua một chiếc ô tô khác với thời gian chọn nghề nghiệp. Nói chung thì thời gian ngắn hạn thường là một năm, trung hạn là 5 năm tới 10 năm và dài hạn thì lâu hơn.

 

Chi phí.

 

Đối với nhiều quyết định thì yếu tố chi phí được tính đến ở đây là tiền. Nhưng cũng có nhiều khi đó là những chi phí khác. Đó có thể là chi phí về thời gian và năng lượng. Đó có thể là chi phí về sự phức tạp, lo âu, lo lắng và căng thẳng thần kinh ( điều này tuỳ thuộc vào từng người). Đó có thể là chi phí về tình bạn và quan hệ với những người khác.

 

Mọi quyết định đều là một sự mua bán. Chúng ta có được điều gì đó và phải trả chi phí cho điều đó. Điều nguy hiểm là nhiều người tưởng như không làm gì là không chi phí gì cả, nhưng không phải như vậy. Đó là chi phí mất đi nếu ta thực hiện việc đó. Ví dụ, quyết định không mua một ngôi nhà đồng nghĩa với việc phải trả chi phí để thuê chỗ ở và chi phí của việc mất khoản đầu tư vào nhà cửa.

 

Đối với một người bận rộn, chi phí về thời gian và những điều phiền toái còn quan trọng hơn tiền bạc. Tiền thì không có mức nhưng thời gian thì có hạn. Chúng ta có thể kiếm thêm được tiền nhưng chúng ta không thể tạo thêm thời gian.

 

Rủi ro.

 

Rủi ro gắn liền với sự không chắc chắn. Chúng ta không bao giờ có thể chắc được về tương lai nhưng tất cả các quyết định và lựa chọn sẽ được thực hành trong tương lai.

 

Liệu chúng ta có biết được rủi ro gắn với mỗi phương án không? Liệu chúng ta có thể giảm những rủi ro đó? Chúng ta đã chuẩn bị để chấp nhận rủi ro chưa?

 

Có nhiều loại rủi ro khác nhau.

 

–                     Sự thâm hụt: điều xảy ra không đạt đến mức mà chúng ta hy vọng. Sự việc sẽ không xảy ra như những gì chúng ta chờ đợi. Đôi khi sự ngẫu nhiên “nếu” sẽ không xảy ra. Một ngôi nhà mới sẽ che khuất tầm nhìn biển. Giá của bất động sản vì thế sẽ không tăng như dự đoán.

 

–                     Thiệt hại và nguy hiểm: nếu điều gì đó không thực hiện được bạn có thể trở nên tồi tệ hơn. Bạn có thể thiệt hại về sức khoẻ. Bạn có thể phá huỷ công việc kinh doanh của bạn. Bạn có thể mất đi danh tiếng. Bạn có thể bị cuốn vào những tranh chấp. Bạn có thể gặp phải nhiều điều khác. Nếu bạn lờ đi không quan tâm đến công việc kinh doanh của bạn trong ba năm, bạn có thể bị phá sản.

 

–                     Chi phí vượt trôi: chi phí về tiền bạc, thời gian, cố gắng và chịu phiền hà có thể nhiều hơn so với bạn tưởng tượng. Nếu bạn biết được những điều này ngay ban đầu, có lẽ bạn đã không quyết định lựa chọn phương án đó. Chi phí về mặt luật pháp, thuốc men, chi phí xây dựng, phát triển sản phẩm luôn là những lĩnh vực có chi phí vượt trội. Bạn có thể ước lượng được điều gì đối với những chi phí phụ trội đó?

 

–                     Thay đổi hoàn cảnh: sức khoẻ của bạn có thể thay đổi. Thị trường chứng khoán lên xuống liên tục. Chính phủ và luật thuế thay đổi. Thay đổi quan hệ. Thay đổi sở thích. Nếu lựa chọn của bạn chỉ đúng trong một hoàn cảnh cụ thể, liệu hoàn cảnh đó có thể được tiếp tục duy trì?

 

–                     Vị trí điểm dự trữ: liệu có một vị trí điểm dự trữ hay không? Nếu tất cả đề sai, bạn sẽ làm gì? Liệu bạn có thể cắt giảm chi phí và vượt qua được? Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì? Bạn có thể  không thể nói cụ thể điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trong những hoàn cảnh chung chung nhưng bạn có thể chỉ ra điểm dự trữ có thể giảm thiệt hại của bạn.

 

Chúng ta cố gắng giảm thiểu rủi ro bằng cách có thêm thông tin, thông qua vị trí điểm dự trữ, thông qua hàng rào ( cân bằng một rủi ro với một điều khác) và thông qua các phương án thử nghiệm trước. Cuối cùng chúng ta cần biết được rủi ro gắn với mỗi phương án và xem xét chúng ta đã chuẩn bị để đón nhận rủi ro như thế nào.

 

Thử nghiệm và thí nghiệm.

 

Trong một số trường hợp, thử nghiệm và thí nghiệm là phần vô cùng quan trọng của quá trình lựa chọn. Có một vài phương án có thể dễ dàng thử nghiệm trước được. Một số phương án khác lại khó có thể thử nghiệm được. Bạn có thể đi thuê một ngôi nhà để thử sống tại một nơi xa xăm. Bạn có thể đi dự một bữa tiệc một vài phút để xem bạn có muốn đến dự không? Bạn có thể mượn một chiếc xe ô tô để lái thử. Nhưng thật không dễ để thử một nghề nghiệp cần học nhiều năm hay dễ dàng để thử nghiệm một quyết định chính trị.

 

Chúng ta có thể thử phương án này? Liệu có cách đơn giản nào chúng ta có thể thử nghiệm phương án này? Một phương án dễ dàng được thử nghiệm có thể được chú ý hơn phương án không thể thử nghiệm.

 

Lựa chọn

 
 

Điều gì xảy ra khi chúng ta đã kiểm tra toàn bộ danh sách này? Chúng ta có thể có được một phương án chiến thắng. Một vài phương án có thể đã bị loại bỏ. Chúng ta có một danh sách ngắn hơn.

 

Đôi khi thật hữu ích khi chúng ta đánh dấu với mỗi phương án. Một dấu khác dành cho những phương án ít phù hợp hơn, nhưng cũng có những điểm thoả mãn mục tiêu và ưu tiên của chúng ta.

 

Bạn có thể đưa ra một ưu tiên mới, một tiêu chí mới để giảm bớt danh sách các phương án.

 

Một thủ tục có thể được áp dụng vào việc tượng tượng ra bạn đã lựa chọn một trong những phương án còn lại ( trong danh sách đã được giảm bớt). Bạn sẽ giải thích tại sao bạn lại lựa chọn phương án này. Có lẽ chính bạn cũng sẽ bị ngạc nhiên làm sao bạn có thể lựa chọn phương án với những lý do không cụ thể như thế. Vì thế bạn có thể phải chấp nhận rằng lựa chọn những phương án ảnh hưởng nhiều bởi tình cảm. Chẳng có gì sai khi bạn chấp nhận điều này, và bạn phải chấp nhận rủi ro.

 

Nếu tất cả các phương án đều hấp dẫn như nhau, vấn đề lại không nằm ở chỗ chúng ta lựa chọn phương án nào, mà vấn đề nằm ở chính sự lưỡng lự của chúng ta khi từ bỏ một khả năng hấp dẫn. Vì thế, điều tiếp theo bạn có thể thử đối với những phương án và chú tâm vào những khía cạnh không hấp dẫn ( phải du lịch quá nhiều, quá ít thời gian, quá nhiều phiền hà). Nhận thức của chúng ta có thể nhanh chóng thay đổi. Khi một phương án không còn hấp dẫn nữa, nó sẽ dễ bị bỏ qua hơn và chúng ta cũng dễ quyết định hơn.

 

Bốn lựa chọn

 
 

Bạn có thể đưa ra bốn lựa chọn thay vì đưa ra một lựa chọn.

 

–                     Lựa chọn lý tưởng: điều gì gần nhất với điều này?

 

–                     Lựa chọn tình cảm( tư duy mũ đỏ): thay vì thoả mãn tất cả mọi thứ, chúng ta thích phương án nào nhất?

 

–                     Lựa chọn thực tế: phương án nào là phương án đã qua được thử nghiệm một cách tốt nhất? Phương án nào dễ áp dụng thực tế nhất?.

 

–                     Lựa chọn tối thiểu: nếu bạn là người lười biếng và muốn một cuộc sống dễ dàng, bạn sẽ lựa chọn phương án nào?

 

Nếu có một phương án gần với lựa chọn lý tưởng, bạn có thể chọn phương án này. Ngoài ra cũng kể đến vấn đề mang tính cá nhân. Một vài người sẽ lựa chọn mang tính cảm xúc và chấp nhận kết quả của nó. Đối với một số khác thì lựa chọn thực tế lại được xem là tốt nhất. Trong những vấn đề nhất định, lựa chọn tối thiểu lại phù hợp với một số người.

 

Kiến thiết

 
 

Nếu bạn vẫn không thể đưa ra một lựa chọn, bạn nên thực hiện việc kiến thiết một vài ý tưởng mới. Bạn nên cố gắng thử thiết kế lại các phương án mà bạn đang có. Đây cũng là lúc mà chúng cần nỗ lực sáng tạo. Nghĩ về điều căn bản mà bạn đưa ra các phương án. Đây cũng là một nỗ lực sáng tạo.

 

Kết quả của nỗ lực thiết kế là bạn có thể tìm ra một phương án mà ngẫu nhiên trở thành rất hấp dẫn. Và bởi vì đây là một phương án, nên cho dù nó hấp dẫn hay không thì bạn cũng nên tìm ra các phương án khác.

 

Khi xét đoán những yếu tố đang có để đưa ra quyết định và lựa chọn trở nên khó khăn, chúng ta cần sử dụng chiếc mũ xanh lá cây để tạo ra sự sáng tạo. Thay vì xem xét chúng là gì, chúng ta sẽ xem xét xem chúng có thể là gì.

 

Đình chỉ việc phân tích

 
 

Nếu phân tích quá nhiều gây khó khăn cho việc quyết định, hãy sử dụng mũ đỏ để xem xem chúng ta cảm thấy thích làm gì, nhưng hãy chỉ loại bỏ phương án đó nếu có lý do mũ đen chính đáng.

 

Tóm tắt

 
 

Có nhiều tình huống yêu cầu lựa chọn và quyết định cụ thể. Trong hầu hết các tình huống tư duy, luôn có giai đoạn chúng ta phải lựa chọn giữa các phương án ( giải quyết vấn đề, thiết kế…).

 

Tại thời điểm cuối cùng, chính cảm xúc lại quyết định tất cả, nhưng chúng ta nên sử dụng tư duy để cải thiện nhận thức của chúng ta, nhờ đó cảm xúc của chúng ta có thể được sử dụng để lựa chọn phương án phù hợp.

 

Đối với những quyết định và lựa chọn ít quan trọng, thủ tục lựa chọn đơn giản là sử dụng sáu chiếc mũ tư duy và công cụ định hướng tư duy.

 

Đối với những quyết định và lựa chọn quan trọng, chúng ta phải có một danh sách kiểm tra các thủ tục bao gồm mục tiêu và ưu tiên, lợi ích, khả thi, khó khăn và nguy hiểm, tác động, kết quả, chi phí, rủi ro, thử nghiệm. nếu chúng ta vẫn chưa đưa ra được quyết định, đó là thời gian cần sử dụng tư duy sáng tạo và tư duy kiến thiết.

 

Bài tập

 
 

1-                 Loại quyết định nào đối với bạn là khó khăn?

 

2-                 Có nhiều bạn tốt hơn hay có một người bạn tốt thì tốt hơn? Thực hiện PMI đối với mỗi phương án. Hãy đưa ra kết luận.

 

3-                 Những bạn trẻ nên được bố mẹ cho nhiều tiền hay ít tiền để tiêu? Thực hiện một C&S đối với các phương án.

 

4-                 Bạn đang chuẩn bị mở một cửa hàng bán pizza. Có ba vị trí mà bạn định chọn: trong trung tâm, trên đường cao tốc, tại khu mua sắm. sử dụng các công cụ AGO, FIP, OPV, C&S, PMI để đưa ra lựa chọn.

 

5-                 Một người bạn của bạn có hai phương án. Anh ấy có thể nhận việc vào kỳ nghỉ và kiếm được tiền để mua một đầu đĩa mới. Hoặc anh ấy có thể sử dụng tiền tiết kiệm để đi nghỉ với những người bạn khác. Liệu anh bạn của bạn sẽ tìm ra những gì với việc sử dụng lần lượt : mũ đỏ, vàng, đen và xanh lá cây.

 

6-                 Bố mẹ bạn đang cố quyết định nên mua một chiếc ô tô đã qua sử dụng của một người bạn hay mua một chiếc xe mới. bạn giúp đỡ cha mẹ bạn trong việc suy nghĩ của họ. Kiểm tra tất cả các khía cạnh của phương án: tính khả thi, lợi ích rủi ro và kết quả.

 

7-                 Một công ty muốn sản xuất thêm sản phẩm với số nhân công hiện tại. Một nhà tư vấn được mời đến và đưa ra các phương án sau đây:

 

–                     Trả thêm tiền.

 

–                     Trừng phạt những người lười, tuyển thêm những người chăm làm.

 

–                     Đào tạo thêm cho công nhân.

 

–                     Thưởng khi năng suất tăng.

 

–                     Giao thêm trách nhiệm cho công nhân.

 

–                     Thực hiện danh sách xét đoán đầy đủ và lựa chọn.

 

8-                 Mạo hiểm của việc cho bạn vay tiền là gì?

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.