Dạy Trẻ Phương Pháp Tư Duy
SỰ THẬT, LOGIC VÀ TƯ DUY PHÊ PHÁN
Thật là dễ dàng để mô tả và xác định một lời nói dối. Ai đó hỏi bạn rằng bạn bao nhiêu tuổi. Bạn 14 tuổi nhưng bạn lại nói rằng bạn 16 tuổi, đó là một lời nói dối.
Nhưng tiếc thay, chúng ta lại rất khó để xác định sự thật, ngoại trừ coi nó là đối nghịch với sự dối trá. Khi chúng ta tư duy hoặc trò chuyện, sự thật là quan trọng nếu chúng ta không mắc lỗi.
Theo nghĩa áp dụng thực tế, có hai kiểu sự thật: sự thật của trò chơi và sự thật đời thật.
Sự thật của trò chơi: nếu bạn xây dựng một trò chơi với quy định và định nghĩa nhất định, những gì thống nhất với những luật và định nghĩa đó được coi là sự thật, những gì không được thống nhất được coi là sai. Nếu bạn xây dựng một trò chơi mà ở đó quy định 2+2=4, rõ ràng câu trả lời bằng 5 là sai. Nếu ai đó di chuyển một quân cờ theo một cách lạ thường, điều này không được phép. Qua nhiều thế kỷ, các nhà triết học và nhiều nhà khoa học khác đã cố gắng rất nhiều để xây dựng ngôn ngữ như một sự thật của trò chơi. Nhưng thực chất ngôn ngữ liên quan đến thực tế với rất nhiều khó khăn, hơn là một trò chơi được tạo ra trong tưởng tượng.
Sự thật đời thực: những ý tưởng và thông tin của chúng ta có bao nhiêu phần trăm sự thật so với thế giới thực? Chúng ta thường dựa vào nhận thức và những kiến thức không hoàn hảo. Thỉnh thoảng các nhà khoa học thường chắc là họ đúng, nhưng lại tìm ra rằng họ đã mắc lỗi. Sự thực đời thực là rất quan trọng trong việc thực hành tư duy. Ngay cả trong toán học, cũng có một giai đoạn mà tại thời điểm đó, nhận thức của chúng ta về thế giới thực phải được mô hình hóa thành những biểu tượng.
Chúng ta sống trong một thế giới thực và chúng ta phải xử lý tốt mọi việc. Chúng ta phải đưa ra các quyết định và lên kế hoạch hành động. Chúng ta không thể ngồi đợi một sự thật hoàn hảo. Vì thế, có các cấp độ khác nhau của sự thực đời thực khi chúng ta sử dụng thực tế.
Sự thực kiểm tra được. Bạn có thể kiểm tra sự việc nhiều lần và chúng đều cho bạn cùng một kết quả. Những người khác cũng có thể kiểm tra nó và kết quả là tương tự. Nhưng cũng có thể là tất cả các phương pháp (công cụ) kiểm tra bản chất là có lỗi.
Kinh nghiệm cá nhân: chúng ta có xu hướng tin vào những bằng chứng mà mắt chúng ta nhìn thấy. Nhưng chúng ta cũng có thể mắc lỗi. Trí nhớ luôn là cái bẫy đối với chúng ta. Chúng bao gồm ảo tưởng, sự dối trá và thậm chí cả ảo giác.
Kinh nghiệm loại hai: đó là những gì người khác nói với chúng ta. Ngay cả khi người nói với chúng ta là chân thành và đáng tin cậy, có thể người đó lại có được thông tin từ một người không đáng tin cậy. Trong bất kỳ trường hợp nào, mọi người đều có thể là chân thành, đáng tin cậy nhưng cũng có thể sai lầm.
Được chấp nhận rộng rãi: nó là một bộ phận của nền văn hóa hoặc những kiến thức đã được chấp nhận. Trái đất quay xung quanh mặt trời. Sự thiếu hụt vitamin C dẫn tới chứng bệnh Scobut. Chúng ta chỉ cần nhìn lại lịch sử đã đi qua và những ý tưởng đã được chấp nhận rộng rãi lại có thể trở thành sai lầm.
Dựa vào nguồn tin: đó có thể là từ cha mẹ, thầy cô giáo, sách tham khảo, các nhà khoa học, những nhà truyền giáo… có thể cung cấp thông tin cho chúng ta với một nguồn tin có chất lượng kiểm tra thực tế cao hơn đối với tất cả mọi người. Chúng ta thường có xu hướng chấp nhận những điều này. Tuy nhiên, cũng chính lịch sử đã chỉ cho chúng ta thấy rằng nguồn tin có thể là sai lầm. Ngay cả những tài liệu y học tốt nhất cũng hơn một lần nêu rằng chảy máu (hút máu) là cách chữa trị tốt nhất đối với hầu hết các chứng bệnh. Các nhà toán học cũng chứng tỏ rằng không thể có đá hoặc có nguồn sáng năng lượng trên mặt trăng. Các nguồn tin tôn giáo lại chứa đựng điều gì đó khác biệt bởi vì chúng có phần nào đó giống với sự thực của trò chơi, bởi vì điều gì đó trở thành sự thực dựa trên một hệ thống niềm tin. Hãy xem xét những câu khẳng định sau về giống bò.
Bò có thể biết bay.
Điều này trái ngược với kinh nghiệm của chúng ta hoặc của bất kỳ ai khác. Nó cũng trái ngược với định nghĩa của chúng ta về loài bò. Chúng ta sẽ bác bỏ ý tưởng này như một điều ngớ ngẩn giống như các nhà sinh vật học ngay đầu tiên đã bác bỏ những báo cáo về loài thú mỏ vịt Úc.
Bò sinh ra chất Metan gây ô nhiễm không khí.
Nhiều người không hiểu biết nhiều về lĩnh vực đang được hỏi này và phải chấp nhận nó như một nguồn tin. Người ta nói rằng mỗi năm loài bò thải ra khoảng 70 triệu tấn Metan vào bầu không khí. Điều này gây hiệu ứng nhà kính nghiêm trọng còn hơn Cacbon Dioxide với khối lượng tương tự.
Bò dựa vào vi khuẩn để tiêu hóa thức ăn.
Lại một lần nữa, nếu vấn đề nằm ngoài hiểu biết của bạn, bạn chỉ còn biết chấp nhận nó như một nguồn tin.
Tất cả các con bò đều có sừng.
Nếu dựa trên kinh nghiệm của bản thân, bạn đã từng nhìn thấy những con bò có sừng, bạn sẽ chấp nhận nhận xét trên. Nhưng nếu bạn chưa từng thấy con bò nào đó có sừng, bạn sẽ không đồng ý. Vấn đề ở đây chính là nằm ở từ “tất cả”.
Bò luôn luôn cho sữa.
Đây cũng là vấn đề thuộc kinh nghiệm hoặc kiến thức sinh học. Bò sẽ cho sữa khi đẻ con.
Bò là một loài động vật nguy hiểm.
Đây là vấn đề thuộc kinh nghiệm cá nhân. Một vài con bò có thể là động vật nguy hiểm, và thường thì đấy là những con bò đực, còn những con bò khác thì không.
Bò bị mù màu: đây là vấn đề liên quan đến những kiến thức đặc biệt. Bạn có thể đưa ra lý lẽ rằng bởi vì bò phản ứng lại với tấm thảm đỏ của những người đấu bò, cho nên nó không phải là loài mù màu. Đây là một sự suy luận.
Bò thích ăn cá: bạn chưa bao giờ nghe về điều đó. Nhưng nó có thể là sự thực đấy.
Bò là loài vật linh thiêng: thoạt tiên, bạn có thể bật cười khi nghe điều này bởi vì nó trái ngược hoàn toàn với kinh nghiệm của bản thân. Nhưng nếu bạn hiểu về Ấn Độ, bạn sẽ biết trong văn hóa của người Hindu, bò được coi là loài vật linh thiêng. Đây là một ví dụ minh chứng cho chúng ta thấy có những điều có thể đúng trong hoàn cảnh này nhưng lại không đúng trong hoàn cảnh khác. Phần này là quan trọng nhất và tôi sẽ trình bày rõ hơn ở phần sau.
Là một bộ phận của thói quen tư duy, chúng ta luôn có câu hỏi cần đặt ra:
Giá trị của sự thực ở đây là gì?
Sau đó, bạn sẽ miêu tả ba cấp độ của sự thực như ví dụ trình bày trên về loài bò. Bạn không cần chấp nhận tất cả những gì bạn làm được. Bạn có thể cố gắng kiểm tra mọi thứ (những thông tin đặc biệt) cho bản thân bạn.
Rõ ràng điều khó nhất trong việc tư duy, nhất là những tình huống có những người khác nhìn vào, là tuyên bố giá trị thực sự.
– Điều này là như vậy.
– Điều này hoàn toàn thực.
– Điều này luôn luôn thực.
Nếu muốn lời tuyên bố được đưa ra dựa trên những giá trị thực, thì sau đó bạn cần kiểm tra giá trị đó một cách cẩn thận. Trong những trường hợp khác, với những tuyên bố bình thường, bạn thường chấp nhận nó.
– Đôi khi sự việc xảy ra như vậy.
– Tôi nhớ là đã đọc được điều đó.
– Điều này có thể là sự thực.
– Ai đó đã nói với tôi như vậy.
Luôn có một sự cân bằng giữa giá trị sự thực được công bố và giá trị sự thực thực tế.
Tiếc thay trong tư duy và trong tranh luận, mọi nguời thường có xu hướng võ đoán và chắc chắn để đạt được mục đích của họ.
Những thói quen logic hàng ngày thông thường của chúng ta thường khiến chúng ta khăng khăng khẳng định với những từ dạng như: tất cả, luôn luôn, không bao giờ, bởi vì không có sự tuyệt đối đó, logic không còn giá trị nữa. Nếu chúng ta chỉ sử dụng những từ: nhìn chung, nói chung, nói một cách tổng thể, dựa vào kinh nghiệm của tôi, chúng ta sẽ đi sát sự thực hơn nhưng lại không thể vận dụng được logic học, vốn chỉ đề cập đến những thứ bao gồm hoặc loại trừ.
Dựa vào logic, chúng ta chuyển từ vị trí hiện tại tới vị trí mới. Không có gì mới nằm ngoài những thông tin mà chúng ta đang có. Chúng ta tiến lên từ những gì chúng ta đang có (logic suy diễn).
Và trước tiên, chúng ta kiểm tra giá trị thực sự xem xem nó có phù hợp với thực tế hay không.
Tiếp theo, chúng ta kiểm tra giá trị thực sự của những gì tiếp sau những gì chúng ta đang có (theo sự kế tiếp của lập luận).
Hình phạt ngăn mọi người không phạm tội.
Bởi vậy, nếu chúng ta muốn giảm tình hình tội phạm, chúng ta phải sử dụng hình phạt.
Trước tiên chúng ta cần xem xét chứng cứ để tuyên bố hình phạt nhằm ngăn mọi nguời không phạm tội. Có thể giả thuyết này là có thể chấp nhận nhưng cũng có thể nó không là sự thực (người ta không mong đợi tội ác xảy ra).
Nếu chúng ta chấp nhận tuyên bố đầu tiên, sau đó chúng ta sẽ xem xét kết luận theo sau. Không có sự biện hộ cho từ “phải”, nhưng hình phạt có thể là một lựa chọn mà chúng ta có thể sử dụng. Chúng ta cũng cần xem xét mức độ hình phạt, loại tội phạm, chi phí, ảnh hưởng theo sau của hình phạt.
Những câu hỏi theo thói quen là: điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Quan trọng hơn câu hỏi: theo sau điều này phải là điều gì?
Một lập luận logic phụ thuộc vào những gì xảy ra tiếp theo. Nếu chúng ta có thể chứa đựng trong nó cụm từ “nó có thể” tiếp theo sau, điều này mở ra cho chúng ta một gợi ý và sự khám phá.
Logic, thông tin và sự sáng tạo
Chúng ta thường quên mất rằng cách vận dụng “phải tiếp theo là” là một lập luận logic dựa trên logic học nhưng cũng dựa trên sự thiếu sáng tạo và thiếu thông tin.
Một người đàn ông bước vào căn phòng có đặt một chiếc bình pha lê rất đẹp. Căn phòng bị khóa lại. Không ai có thể vào phòng, cũng không có cửa sổ hoặc lỗ hổng trong phòng. Mười phút sau người đàn ông đã thoát được ra ngoài. Trong phòng chiếc bình đã bị vỡ. Người đàn ông phủ nhận việc đập vỡ chiếc bình nhưng chắc chắn là anh ta đã làm, bởi không còn cách giải thích nào khác.
Chúng ta cần sáng tạo hoặc cần thông tin để nghĩ đến khả năng bình hoa được đặt dốc và tự rơi xuống vỡ. Và một khi chúng ta có được những suy nghĩ kiểu như vậy, chúng ta không còn buộc anh “phải” là người làm điều đó.
Đây cũng chính là kiểu tư duy mà một luật sư luận tội tốt nên theo.
Mọi người ăn nhiều và trở nên béo phì, sức khỏe giảm sút.
Nếu chúng ta tăng giá đồ ăn, mọi người sẽ mua ít đồ ăn hơn.
Nếu mọi người mua ít đồ ăn hơn, mọi người sẽ trở nên mạnh khỏe hơn.
Chúng ta có thể chấp nhận lối lập luận logic như vậy cho đến tận khi sự sáng tạo của chúng ta đề xuất một vài kết quả thay thế:
Mọi người có thể dùng những khoản tiền chi tiêu vào việc khác để vẫn mua lượng đồ ăn như thế.
Mọi nguời vẫn dùng khoản tiền tương tự để mua những đồ ăn rẻ hơn, những đồ ăn thực ra không có lợi cho sức khỏe.
Trong những tình huống đời thực, những lập luận logic thường được đưa ra dựa trên sự thiếu khả năng để đưa ra các khả năng thay thế.
Tương tự như vậy, nếu chúng ta có khả năng để nghĩ về những cách lý giải thay thế thì những lập luận logic bề ngoài dễ dàng bị sụp đổ.
Đêm qua, chúng ta nhìn thấy ánh sáng chiếu xuống cánh đồng.
Lực lượng không quân nói rằng không có số liệu về bất kỳ một máy bay nào hoạt động trong khu vực đó tối qua. Vậy hẳn đó là một đĩa bay.
Nhưng cũng có thể đó là ánh sáng phát ra từ một chiếc máy bay của bọn tội phạm buôn ma túy bay ở tầm thấp để tránh sự kiểm soát của hệ thống rada.
Nếu bạn tung một đồng xu lên một mặt phẳng cứng, nó dường như không thể đứng bằng cạnh. Nếu nó không ngửa thì nó phải là mặt sấp. Logic thường đúng trong những tình huống chỉ có số ít các khả năng có thể xảy ra. Hoặc nếu tất cả các khả năng khác đã được loại trừ, chỉ còn lại một khả năng.
Thật không may là chúng ta thường có khuynh hướng cho rằng chỉ có rất ít khả năng có thể xảy ra, bởi vì chúng bị giới hạn bởi sự hiểu biết không đầy đủ và thiếu sáng tạo của chúng ta.
Bằng cách định nghĩa sự đối lập, hai sự việc không thể cùng tồn tại. Nhưng điều khó khăn là chúng ta phải xác định được hai sự việc nào thực sự đối lập nhau. Chúng ta có quan hệ yêu ghét, và ở Nhật Bản, có khái niệm bạn và không là bạn bởi vì họ không có quan niệm theo kiểu mâu thuẫn phương Tây.
Tổng quát lại, những khó khăn của cách nhìn nhận logic nảy sinh khi chúng ta cố gắng nhìn nhận thế giới theo những gì thực sự diễn ra. Khi chúng ta cần đối mặt với một trò chơi được xây dựng trước, lập luận logic phát huy hiệu quả. Nhưng câu hỏi được đặt ra cho chúng ta là liệu ngôn ngữ có thể là một trò chơi được thiết kế hay là sự miêu tả nhận thức của chúng ta?
Nếu chúng ta cho rằng tất cả mọi hành vi tư duy của chúng ta đều là hành vi tư duy phê phán, chúng ta không cần thuật ngữ “phê phán” và cũng làm mất đi nghĩa cụ thể của thuật ngữ này.
Từ “phê phán” có nguồn gốc là từ hy lạp dùng để chỉ sự xét đoán, sau đó được biên soạn vào hệ thống chữ Latin. Trong cuốn từ điển định nghĩa của Oxford, từ này được giải thích với nghĩa phê bình hoặc tìm lỗi.
Thường thì từ “phê phán” được sử dụng với nghĩa xét đoán, cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Theo cách này chúng ta lại suy yếu đi giá trị chính của tư duy phê phán.
Mục đích căn nguyên của tư duy phê phán là khám phá sự thật bằng cách chỉ ra và loại trừ những gì là sai, nhờ đó mà sự thực được tìm ra. Cách xem xét này có giá trị đáng kể trong việc hạn chế sử dụng ngôn ngữ khái niệm, lập sai lầm một cách tùy tiện. Nhưng nó lại không có giá trị khuyến khích tư duy sáng tạo và phát sinh. Tôi đã chỉ ra điều này ở phần trước.
Sử dụng tư duy mũ đen, chúng ta sẽ loại trừ dần các yếu điểm, củng cố sức mạnh của ý tưởng, nhưng điều này là chưa đủ đối với lối tư duy xây dựng.
Tư duy phê phán có giá trị đối với tư duy giống như giá trị của một chiếc bánh đối với một chiếc xe ô tô. Chỉ dạy cho học sinh tư duy phê phán là một việc làm vô cùng thiếu sót. Lối tư duy phản hồi cũng là một lối tư duy không đầy đủ.
Nước dập lửa.
– Nước là chất lỏng.
– Xăng là chất lỏng
– Vậy xăng dập được lửa.
Tư duy phê phán sẽ chỉ ra lỗi trong cách lập luận trên là một lỗi kinh điển của lập luận.
John thích ăn sò. John là một đứa trẻ. Peter cũng là một đứa trẻ. Vì vậy Peter thích ăn sò. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra chúng ta không thể suy luận theo cách như vậy.
Suy luận phải được thực hiện theo cách hoàn toàn khác. Tất cả những chất lỏng mà tôi đã từng thấy (nước, bùn, sữa, nước thải) dập được lửa.
Điều này có thể là nhờ đặc tính chất lỏng tự nhiên của chúng giúp ngăn không khí trong đám lửa.
Xăng là một chất lỏng mới, chất lỏng mà tôi chưa từng biết, vì vậy tôi giả thuyết rằng nó cũng dập được lửa.
Cách lập luận suy diễn nêu trên dường như có thể chấp nhận được. Đó chỉ dựa trên kinh nghiệm và kiến thức của tôi về xăng mà tôi suy luận như vậy.
Sự thực vô cùng quan trọng trong tư duy. Có sự thực của trò chơi và sự thực của những gì diễn ra của thế giới xung quanh ta. Khi sử dụng tư duy phê phán, câu hỏi chúng ta cần đặt ra là:
Liệu nó có là sự thực không?
Chúng ta tìm cách xác định mức độ của sự thực thực tế.
Chúng ta sử dụng logic để tìm ra mức độ sự thực cao hơn những gì chúng ta đang có. Chúng ta cần kiểm tra sự thực logic với một câu hỏi khác:
Tiếp những gì chúng ta có phải là gì?
Bài tập luyện sự thực, logic và tư duy phê phán
1- Nếu tôi cho bạn một nửa những gì tôi có và bạn phải làm điều công bằng là bạn cho tôi một nửa những gì bạn có liệu bạn có đồng ý không? Liệu đây là tư duy logic? Điều gì tiếp theo sau?
2- Chúng ta biết rằng Ellen rất lười, vì vậy chúng ta giao thêm việc cho cô ấy để khiến cô ấy làm việc chăm hơn. Sử dụng tư duy phê phán của bạn về tình huống này.
3- Kẻ thù của kẻ thù của tôi là bạn của tôi. Liệu sự suy diễn là như vậy?
4- Đánh giá cấp độ sự thực trong các tình huống sau:
– Những chiếc ô tô màu vàng ít gây tai nạn nhất.
– Những chiếc ô tô màu đỏ rất khó nhìn vào ban đêm.
– Con trai lái xe giỏi hơn con gái.
– Phụ nữ có một mình trên xe sẽ lái xe nhanh nhất.
– Con trai thường gây ra tai nạn hơn.
– Rượu khiến khả năng lái xe suy giảm, dù ở bất cứ mức độ nào.
– Những người lái xe chậm có thể gây tai nạn.
– Ngồi ở ghế trước là nguy hiểm nhất.
– Xe máy chỉ thực sự nguy hiểm nếu những người trẻ tuổi điều khiển chúng.
– Những con đường ẩm giữ bánh xe tốt hơn.
– Đèn giao thông cao nhất là đèn đỏ.
5- Một văn phòng tính toán rằng mỗi lá thư gửi đi mất 20$ (bao gồm tiêu phí không gian, thời gian, bưu phí). Để cắt giảm chi phí họ quyết định gửi ít thư hơn. Điều này là logic?
6- Những chiếc giày này đắt hơn nên chất lượng phải tốt hơn. Nếu chất lượng không tốt hơn, sẽ không ai mua chúng và người làm giày sẽ phá sản. Liệu có phải đó là suy luận đúng?
7- Khi bạn nấu đồ ăn, bạn phải quyết định xem bạn muốn ăn gì. Sử dụng tư duy phê phán của bạn về vấn đề này.
8- Trong một cửa hàng thức ăn, trộm đã lấy đi 3% doanh thu. Lợi nhuận chỉ chiếm 2% trên doanh thu. Liệu có phải điều này sẽ khiến cửa hàng phải phá sản.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.