Dạy Trẻ Phương Pháp Tư Duy
TRANH LUẬN VÀ KHÔNG TÁN THÀNH
Đây là một tình huống tư duy thường gặp. hoặc nói cách khác, đây là một tình huống phổ biến cần phải tư duy nhiều hơn so với những tình huống khác.
Mọi người có những quan điểm hoặc ý kiến khác nhau. Mọi người muốn làm mọi việc khác nhau. Một người cảm thấy rằng người khác nên làm một việc cụ thể và những người khác lại không đồng ý. Tình huống có thể xảy ra từ sự tranh luận về mặt trí óc ôn tồn tới bất đồng cảm xúc dữ dội và tranh cãi.
Có đôi khi cảm xúc được mọi người thể hiện tại thời điểm bắt đầu nhiệm vụ tư duy. Trong thực tế, sự bất đồng nảy sinh từ chính những cảm xúc đó. Trong những trường hợp như vậy, đi tìm căn nguyên của bất đồng không phải là điều quan trọng, bởi tư duy của họ ẩn chứa cảm xúc họ muốn bộc lộ mà thôi. Điều quan trọng là nhận thức được những khả năng xảy ra bất đồng kiểu này, bởi vì trong những trường hợp như vậy, việc nôn nóng giải quyết ngay lập tức những tranh luận không phải là điều nên làm.
Cảm xúc tức giận, sợ hãi và đặc biệt là oán giận có thể tồn tại ngay từ thời điểm bắt đầu nhiệm vụ tư duy. Trong thực tế, “oán giận” là một cảm xúc hoặc cảm giác thường gặp. Nó là sự tổng hòa giữa các cảm xúc không thích, ghen tuông, cảm thấy không công bằng, cần được chú ý và một số yếu tố tương tự.
Trong phần này, tôi không đưa ra những giải pháp cụ thể để giải quyết các bất đồng nảy sinh trực tiếp từ sự không thỏa mãn tình cảm tồn tại từ lâu đời. Một vài cách tiếp cận tư duy có thể giúp ích cho việc giải quyết những bất đồng kiểu như vậy, nhưng cách tốt nhất là đưa ra những chỉ dẫn.
Cũng có những cảm xúc nảy sinh trong khi tranh luận hoặc tranh cãi. Đó là những cảm xúc giận dữ, sợ hãi, xúc phạm, to tiếng hay bắt nạt.
Chiếc mũ đỏ tư duy được sử dụng theo hai cách : để khám phá cảm xúc và để ra dấu cảm xúc.
Tại thời điểm bắt đầu cuộc tranh luận, hoặc tại bất kỳ giai đoạn nào của cuộc tranh luận, cả hai bên đều có thể đề xuất:
– Tất cả chúng ta hãy sử dụng chiếc mũ đỏ và xem xem chúng ta thấy những gì?
Cả hai phía đều khám phá cảm xúc của họ và thể hiện chúng. Nếu bạn không chắc chắn rằng người kia đang nói thật, bạn có thể bày tỏ sự nghi ngờ và thậm chí bạn có thể nói điều mà bạn nghĩ về cảm xúc của họ thật sự là gì khi sử dụng chiếc mũ đỏ tư duy.
Chiếc mũ đỏ luôn là cách để chúng ta khám phá tình cảm và thể hiện chúng.
Khi chiếc mũ đỏ được sử dụng để ra dấu cảm xúc, nó trở thành một cách để chuyển hướng tư duy. Nếu phía bên kia của cuộc tranh luận có suy nghĩ quá thiên về cảm xúc và lạm dụng điều này, bạn có thể nói:” …thế là đủ đối với chiếc mũ đỏ rồi”. Điều này không có nghĩa là tư duy chiếc mũ đỏ có điều gì sai lầm mà ngụ ý rằng, khi thể hiện tư duy mũ đỏ, chúng ta không cần nêu ra lý do và nó không phải là cách để chúng ta tiến hành toàn bộ cuộc họp này.
Chiếc mũ đỏ cũng được dùng để ra dấu, biểu thị cảm giác cá nhân của cá nhân bạn.
– Sử dụng chiếc mũ đỏ, tôi cảm thấy rất tức giận về gợi ý này.
Theo cách sử dụng này, bạn có thể cụ thể hóa phản hồi cảm xúc của bạn đối với một gợi ý. Bạn không cần giải thích gì về cảm xúc đó.
Có rất nhiều từ mang ý nghĩa xúc phạm người khác: ngu ngốc, dốt nát, lười biếng, ích kỷ…Hầu hết tất cả chúng đều là tính từ.
Đây thực sự là những từ của chiếc mũ đỏ: chúng thể hiện cảm giác nhưng không hệ dựa trên logic. Chúng ta cố gắng tìm ra những từ mang tính chất như vậy và để loại bỏ tất cả những từ như thế khi chúng ta tranh luận.
– Bạn hãy bắt đầu lại với một từ mũ đỏ khác.
Chúng ta cũng cần nhớ rằng rất nhiều tính từ chỉ được dùng để biểu lộ cảm giác và từ mà chúng ta lựa chọn để dùng chính là cách để chúng ta thể hiện cảm giác của chúng ta. Ví dụ, nếu bạn nói thứ gì đó “nặng mùi”, bạn muốn nói rằng bạn không thích thứ đó. Nhưng nếu bạn nói thứ gì đó”có mùi thơm”, bạn muốn chỉ ra rằng bạn thích nó. Trong hầu hết các tình huống giao tiếp cũng như viết lách, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra điều này. Bạn có thể kiểm chứng điều này bằng cách thực hiện một bài tập thú vị. Bạn chọn một bài báo,đọc và khoanh tròn tất cả các tính từ đã được sử dụng. Hầu hết tất cả chúng đều là những tính từ kiểu cảm giác, thường được sử dụng trong tranh luận. Và theo cách này, tranh luận chẳng dựa trên một cơ sở nào cả, nó chỉ dựa trên cảm giác mà thôi.
– Lý lẽ của tôi là đúng vì tôi cảm thấy thế.
Nếu ai đó nói: tại sao anh lại mặc bộ quần áo trông ngớ ngẩn thế, tức là người đó muốn nói: tôi không thích anh mặc bộ quần áo mà tôi không thích.
Từ “đúng” và “sai” được sử dụng quá nhiều trong tranh luận. Trong hoàn cảnh này, chúng không tạo nên giá trị cho tư duy mà còn gây ra rất nhiều vấn đề. Chúng không được sử dụng đúng chỗ. Chúng ta thường nghĩ rằng nếu chúng ta có khả năng để chứng minh phía kia sai trong một vấn đề nhỏ, thì họ hẳn là người ngớ ngẩn và vấn đề gì cũng sai. Rõ ràng rằng, nếu một bên tuyên bố điều gì đó sai đến 95%, nhưng vẫn còn 5% còn lại chứng tỏ họ là người đúng hoàn toàn cơ mà.
Có rất nhiều từ ẩn chứa hàm ý và có thể phù hợp để dùng trong bất cứ một tình huống tranh luận nào: không quan tâm, ích kỷ, kẻ cả. Khi sử dụng những từ này, chúng ta không tạo cho phía bên kia tâm lý kháng cự ( cảm xúc bất đồng), bởi vì chúng có ý là:
– Tôi muốn nghĩ bạn là một người ích kỷ. Bạn không thể bắt tôi không nghĩ như vậy.
Như một thói quen tư duy, bạn nên xem xét những từ được sử dụng trong bất kỳ cuộc tranh luận nào. Câu hỏi thói quen là:
– Liệu từ này có phải là từ mũ đỏ?Nó có ý gì ngoài biểu đạt cảm xúc.
Chỉ ra những từ này và tránh sử dụng chúng là một việc làm cần được ghi nhớ.
Nhận thức và không logic cũng là nền tảng của hầu hết các bất đồng và tranh cãi. Mỗi một bên đều suy nghĩ theo một logic hoàn hảo nhưng lại dựa trên nhận thức của riêng mình. Một người mẹ muốn con gái mình về nhà sớm bởi vì nhận thức của người mẹ là thế giới bên ngoài có quá nhiều vấn đề như : uống rượu, bạn bè xấu, tình dục, bạo lực đường phố…Người con gái lại không muốn về nhà sớm bởi vì nhận thức của cô chỉ về thế giới bên ngoài chứa đựng những cách cư xử tốt, bạn bè tốt, những bữa tiệc thông thường, không ma túy và cô cảm thấy sẽ bị xem là ngu ngốc nếu phải về nhà sớm hơn những bạn khác. Cả hai người, mẹ và con, đều đúng nhưng theo cách nhận thức của họ.
Căn nguyên quan trọng của sự khác nhau về nhận thức liên quan đến tương lai. Chúng ta có thể biết những điều hiện tại nhưng những điều chúng ta nghĩ về tương lai đều dựa trên những suy đoán, dựa trên kinh nghiệm cá nhân của mỗi người. Một người cha muốn con trai của ông học hành chăm chỉ để đỗ trong kỳ thi. Người cha biết rằng nếu cậu bé không có bằng cấp thì sẽ rất khó để xin việc. Người con lại cho rằng đương nhiên là mình sẽ có được mức sống như của gia đình mình và bạn bè mình. Và chẳng bạn bè nào của anh học hành chăm chỉ, bởi thế học hành chăm chỉ không quan trọng lắm.
Hầu hết sự hiểu lầm đều dựa trên nhận thức khác nhau. Bạn đâm sầm vào một người nào đó làm anh đánh đổ ly nước đang uống. Anh ta nghĩ bạn là một người hung hăng nhưng bạn biết rằng đó chỉ là do sơ sẩy.
Bạn mượn ai đó vật gì với ý định sẽ trả lại. Nhưng người khác lại nghĩ rằng bạn đã đánh cắp nó.
Vì thế, nhận thức của mỗi bên cần được khám phá và xác định rõ.
Có ba bước cơ bản để giải quyết bất đồng có thể được áp dụng với những bất đồng nảy sinh từ nhận thức.
– Đây là nhận thức của tôi. Đây là cách tôi xem xét tình huống này.
– Đây là cách mà tôi nghĩ bạn xem xét tình huống này.
– Bạn xem xét tình huống này như thế nào?
Bước hai và bước ba có thể đảo ngược thứ tự cho nhau. Ví dụ, mỗi bên có thể lần lượt nêu lên nhận thức của mình. Hoặc cả hai bên có thể cùng viết chúng ra, sau đó đọc chúng. Khi một bên dường như chưa sẵn sàng để chỉ ra nhận thức của mình, bạn có thể thay họ làm điều này:
– Đây là cách mà tôi nghĩ rằng bạn xem xét tình huống này. Nếu tôi sai, hãy nói cho tôi biết tôi sai ở đâu.
Một khi nhận thức của cả hai bên được đặt cạnh nhau, chúng ta có thể khám phá được sự khác nhau. Có thể xảy ra các trường hợp: cả hai bên đều đúng nhưng cách nhìn thì khác nhau; một bên dựa trên những thông tin hoàn hảo hơn bên kia. Sự so sánh này thường giúp chúng ta giải quyết được bất đồng, hoặc ít nhất cũng chuyển luồng suy nghĩ của cả hai bên theo hướng xây dựng, cả hai sẽ cùng tư duy để đạt được sự tiến bộ:
v Tại sao tôi lại nhận thức sự việc theo cách này?
v Tại sao bạn lại nhận thức sự việc theo cách đó?
Sau sự khác nhau về nhận thức, sự khác nhau xét về mặt giá trị cũng là nguyên nhân của hầu hết những bất đồng. Nhận thức phải đến trước bởi vì chúng ta cần nhận thức tác động của những giá trị đó.
Một chính phủ cho phép tăng giá lương thực trên thị trường lương thực. Mọi người phản đối điều này bởi vì lúc đó họ sẽ phải tiêu nhiều tiền hơn và không có tiền. Nhưng chính phủ lại có nhận thức về mặt lâu dài, tăng giá lượng thực sẽ khuyến khích người nông dân trồng nhiều lương thực hơn và hẳn nhiên lượng lương thực bán trong các cửa hàng sẽ tăng lên.
Có những khi, bất đồng nảy sinh chỉ vì hai bên có những giá trị khác nhau. Đối với một người trẻ tuổi thì giá trị “sức ép của những người ngang hàng” là vô cùng lớn. Bạn muốn giống như họ. Bạn muốn được xem như một chàng thanh niên mạnh mẽ chứ không phải chỉ là một người mờ nhạt.
Bố mẹ thường rất khó để chấp nhận cách đánh giá giá trị của con họ. Bố mẹ thường nghĩ về các giá trị như sức khỏe, sự nguy hiểm, khả năng kiếm sống, an toàn lâu dài, những điều mà người hàng xóm của họ có thể nghĩ đến.
Nhận thứ về rủi ro cũng là một khía cạnh của nhận thức. Một cô gái muốn đi du lịch vòng quanh Ấn độ với vài người bạn. Bố mẹ cô gái nhận thức về rủi ro nảy sinh từ bệnh tật, trộm cướp, bạo lực… Cô gái, người có vài người bạn đã từng đi du lịch Ấn độ kể lại, không thấy có chút rủi ro nào. Đây là vấn đề về nhận thức.
Nhưng nếu cả bố mẹ và con cái có cùng một cách để đánh giá rủi ro, thì khả năng chấp nhận rủi ro đó lại là vấn đề về sự khác nhau về giá trị. Người con gái muốn đi với các bạn của cô. Cô gái quan tâm đến sự khác nhau về tôn giáo. Cô gái muốn được khám phá. Cô gái muốn có thời gian để suy nghĩ trước khi bắt đầu làm việc. Nhưng bố mẹ cô lại không căn cứ trên bất kỳ một giá trị nào giống như thế. Họ chỉ nhìn thấy nguy hiểm cho con gái họ, những chi phí dự tính và khó khăn khi phải giải thoát cô.
Trong những tình huống mà sự khác nhau là do khác nhau về giá trị, chúng ta cần tư duy theo 3 bước sau để giải quyết vấn đề:
v Đây là những giá trị của tôi.
v Đây là những giá trị mà tôi cho rằng bạn đã dựa trên nó.
v Giá trị của bạn là gì?
Cũng giống như những câu hỏi ở phần sự nhận thức, câu hỏi 2 và 3 ở phần này cũng có thể chuyển chỗ cho nhau. Và bạn cũng có thể đưa ra giá trị mà bạn nghĩ rằng phía kia dựa vào đó, nếu phía kia chưa sẵn sàng để nêu chúng.
Khi các giá trị đã được đặt cạnh nhau, chúng ta tiến hành sự so sánh. Điều này khó hơn so với sự nhận thức. Với nhận thức, bạn có thể ngay lập tức nhìn thấy khả năng khác nhau về mặt nhận thức, và bạn có thể chấp nhận khả năng này. Nhưng với giá trị, bạn có thể nhìn thấy những giá trị khác nhưng khó để quyết định xem giá trị nào quan trọng hơn giá trị nào. Liệu giá trị nào nên được cân nhắc để đưa ra kết quả.
Trong những tình huống như thế, mỗi bên đều phải nỗ lực một cách cẩn trọng để chỉ ra giá trị của bên kia nên được nhìn nhận như thế nào?Cô con gái trên đường tới Ấn độ có thể gọi điện cho cha mẹ rằng cô nhìn nhận giá trị về sự sợ hãi của họ thông qua việc: có một hợp đồng bảo hiểm tốt, liên lạc thường xuyên với cha mẹ, mua sẵn vé về để trong túi, không bao giờ tự đi một mình.
Hai người bạn thuê một căn hộ. Một người coi trọng giá trị của sự gọn gàng. Người còn lại coi trọng giá trị của việc tự do để mọi thứ ở bất cứ nơi nào. Giá trị nào sẽ được lựa chọn?
Có thể sẽ có một cuộc thỏa thuận mà người coi trọng giá trị là sự gọn gàng sẽ thu gọn mọi thứ gọn gàng nhưng sẽ phải trả ít tiền thuê hơn. Hoặc họ có thể thỏa thuận rằng cả hai đều phải gọn gàng tại một số nơi quy định trong nhà, không phải mọi nơi.
Một nguyên tắc tổng quát là tất cả mọi người đều có quyền theo đuổi giá trị của mình (trong giới hạn) nhưng không ảnh hưởng tới giá trị của những người khác. Một người muốn nghe nhạc thật lớn tốt hơn là nên đeo tai nghe hoặc mang đài vào phòng cách âm để nghe.
Trong những tình huống này, nỗ lực sáng tạo và kiến thiết sẽ giúp chúng ta tìm ra cách làm thế nào để chúng ta thỏa mãn đồng thời những giá trị đó:
– Tôi sẽ trao đổi giá trị này với anh về điều đó.
– Anh có thể mời bạn anh đến ăn bất cứ lúc nào, bù lại anh phải dọn dẹp tất cả mọi thứ.
– Anh có thể mượn ô tô nếu anh đồng ý đổ đầy xăng.
Thỏa thuận, đàm phán, bồi thường và thực hiện cam kết đều là những hình thức trao đổi giá trị. Một mối đe dọa trực tiếp tới việc giải quyết tranh cãi là chúng ta luôn khăng khăng đòi bồi thường theo cách riêng của chúng ta. Đây là một thói quen xấu, khiến cho nỗ lực để giải quyết tranh luận gặp phải nhiều khó khăn. Chúng ta có thể gây ra tranh cãi sai lầm, từ chối xem xét lý do để đạt được lợi ích nào đó. Ví dụ, cha mẹ cô gái có thể kiên quyết rằng cô gái không thể tới Ấn độ nếu cô không vượt qua kỳ thi.
Chúng ta cần nhận thức được tầm quan trọng của việc chỉ xem xét những giá trị liên quan.
Liệu giá trị này có liên quan đến tranh cãi?
Một người cha phải chờ rất khuya để đợi cậu bé con ông đi dự tiệc trở về. Ông có thể đề xuất “bồi thường” cho sự mất ngủ của ông. Một người cha khác không phải chờ con về khuya nên không đòi hỏi bồi thường chỉ bởi vì người cha này không thích ý tưởng cho phép con trở về nhà trễ.
Nói chung, so với nhận thức và giá trị thì logic chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong việc hình thành tranh cãi cũng như giải quyết tranh cãi. Sự nhìn nhận thấu đáo về mặt nhận thức dường như có thể thay đổi ngay lập tức giá trị và cảm xúc, trong khi đó lập luận logic khó có ảnh hưởng để làm điều này.
Logic có vai trò hình thành những cố gắng mang tính xây dựng để thỏa mãn sự xung đột giá trị hoặc để trao đổi giá trị.
Logic thường liên quan trực tiếp trong những trường hợp tranh luận thông thường, chẳng hạn những khác biệt do bất đồng hoặc do tranh cãi.
Một số câu hỏi quen thuộc cần được hỏi là:
v Giá trị thực sự ở đây là gì?
v Điều gì phải tiếp theo sau?
v Trong hoàn cảnh nào thì đó là sự thực?
Sự khác nhau giữa giá trị sự thực được tuyên bố và giá trị sự thực thực sự là rất quan trọng. Điều gì đó được tuyên bố là hoàn toàn đúng lại trở thành tin đồn khi đến tại một người bạn. Những thông tin được tuyên bố là thực có thể bị nghi ngờ.
– Nếu thông tin đó là đúng, tôi sẽ chấp nhận quan điểm của anh.
Khi một điều được nói rằng là sự suy luận từ một điều khác, thì người nghe cần luôn cảnh giác để xem xem sự suy luận vế sau của từ “phải”.
– Lập luận của anh là nếu không có ai khác ở trong phòng thì người bạn của tôi chính là người đã cầm cuốn sách. Anh nói rằng không thể có trộm bởi vì không tên trộm nào chỉ vào và lấy một cuốn sách. Còn có khả năng khác: cuốn sách không nằm ở nơi mà anh nói. Anh đã đặt nó ở đâu đó khác và quên mất vị trí đó.
Khả năng nghĩ về các phương án là cách tốt nhất để chỉ ra điều gì đó tiếp sau không phải là điều “bắt buộc” phải như vậy.
Kiểm tra hoàn cảnh xảy ra sự việc luôn rất quan trọng trong lối lập luận logic bởi vì cũng giống như nhận thức, cả hai bên đều có thể đúng nhưng trong những hoàn cảnh khác nhau.
Anh đúng, mọi người đều đồng ý rằng con chó của anh biết nghe lời và hầu như là con chó ngoan. Nhưng cũng có những lúc nó trở nên cáu bẳn và nguy hiểm. Tất nhiên là có thể vào những lúc thời tiết vô cùng nóng, và nó trở thành như vậy chỉ một hai giờ trong năm, nhưng không thể để bọn trẻ xung quanh chấp nhận rủi ro đó.
Vấn đề không phải là khi nào thì con người trở thành tốt hay xấu. lịch sử để chỉ ra rằng trong những hoàn cảnh nhất định con người có thể cư xử rất xấu. Nhưng trong những hoàn cảnh khác con người có thể cư xử rất tốt. cả hai quan điểm này đều đúng.
Ở điểm này, nguyên tắc là rất quan trọng. Nếu chúng ta không theo nguyên tắc đó, chúng ta có thể triệt tiêu sự sáng tạo và sự phát triển.
Khi chúng ta đưa ra lý lẽ thông qua khám phá sự việc, chúng ta luôn có thể nhận ra tại sao hai người lại giữ hai quan điểm khác nhau. Nhưng nếu lý lẽ được đưa ra dựa trên sự xung đột ( trong hầu hết các trường hợp), cả hai bên sẽ càng khó để đi cùng đến một kết quả.
Với logic, chúng ta cũng có thể áp dụng tư duy ba bước:
v Đây là logic lập luận của tôi.
v Tôi tin rằng đó là logic lập luận của bạn.
v Hãy nói lại với tôi logic lập luận của bạn là gì?
Với khía cạnh nhận thức và giá trị, chúng ta có thể không biết được suy nghĩ của phía kia. Với logic, chúng ta nên biết điều này bởi vì đó là những điều chúng ta phải được nghe. Nếu không, chúng ta có thể yêu cầu sự khái quát, tóm tắt lý lẽ đó.
Cũng như những sự khác nhau khác, những vị trí lập luận logic khác nhau cũng được đặt cạnh nhau và được so sánh. Điều cơ bản của sự khác nhau là gì? Điều gì chúng ta có thể đồng ý với nhau? Điều gì chúng ta có thể thỏa thuận?
Thường thì lý lẽ được đưa ra dựa trên sự suy đoán về tương lai.
– Nếu chúng ta tăng giá giấy, sẽ không ai mua chúng.
– Tất cả mọi người sẽ tăng giá, nếu chúng ta tăng giá của chúng ta lúc này, chúng ta sẽ không phải tăng giá nữa khi mọi người làm điều đó. Chúng ta có thể lỗ lúc này nhưng lại được lãi về sau.
Chúng ta có thể đưa ra những cơ sở để tiên đoán nhưng cũng có khi chúng ta phải chấp nhận rằng cả hai quan điểm đối ngược đó đều có lý. Sau đó chúng ta đưa ra sự lựa chọn dựa trên những cơ sở khác ( chẳng hạn khả năng thử nghiệm một ý tưởng).
Cấu trúc cụ thể đối với kiểu tình huống lý lẽ/bất đồng rất dễ hiểu và áp dụng.
Có bốn mức độ mà chúng ta cần xem xét lần lượt:
v Cảm giác.
v Nhận thức
v Giá trị.
v Lý lẽ logic.
Ở mỗi cấp độ, chúng ta cần tư duy những điều sau:
v Khám phá và mô tả mỗi bên.
v So sánh: sự khác biệt và sự tương tự.
v Kiến thiết.
v Trao đổi: trao đổi và thương lượng.
v Khám phá.
Có ba câu hỏi cơ bản:
v Đây là nhận thức ( cảm giác, giá trị hoặc logic) của tôi.
v Đây là những gì tôi tin là nhận thức ( cảm giác) của anh.
v Nhận thức ( cảm giác, giá trị, logic) của bạn là gì?
Trong thực hành, tất cả các câu hỏi này đều quan trọng khi xem xét về mặt nhận thức và giá trị. Trong những tình huống bất đồng về logic và tình cảm, hai phía đều thể hiện điều này một cách rõ ràng. Nhận thức và giá trị thường ẩn chứa cảm giác và logic.
So sánh
Quan điểm của mỗi bên được đặt cạnh nhau. Cả hai bên đều không cố để thách thức hoặc yêu cầu bên kia chứng minh nhận thức và giá trị trong quan điểm của họ. Cả hai quan điểm được so sánh với nhau:
v Những điểm tương đồng là gì?
v Những điểm khác biệt là gì?
Cả hai sẽ cố gắng để xem xem từ đâu nảy sinh sự khác biêt. Liệu có phải do thông tin khác nhau hay do có cái nhìn khác nhau về sự việc?
Kiến thiết
Lúc này, cả hai bên cố gắng để kiến thiết một kết quả thỏa mãn cả hai phía.
v Liệu có sự thỏa hiệp giữa hai quan điểm đó?
v Có sự kiến thiết nào có thể thỏa mãn cả hai phía không?
Mỗi bên đều cố gắng nỗ lực chỉ ra giá trị mà bên kia quan tâm.
Trao đổi.
Sự trao đổi thường được tiến hành trong những tình huống khác nhau về mặt giá trị. Một vài giá trị chúng ta phải từ bỏ để đổi lấy một vài giá trị khác.
v Giá trị quan trọng nhất đối với tôi là gì?
v Những giá trị nào tôi có thể từ bỏ?
v Những giá trị mới có thể được cân nhắc là gì?
Sự mất giá trị này có thể được bù đắp bằng sự có được giá trị khác.
Trong phần này, tôi đã trình bày các tình huống mà cả hai bên có ý kiến bất đồng nhau đều quan tâm đến việc xóa bỏ bất đồng. Nhưng trong cuộc sống, không phải mọi sự việc đều diễn ra như vậy.
Sự đam mê tranh cãi nằm ở chỗ cả hai bên đều cảm thấy rằng mình có thể chiến thắng và không muốn thỏa hiệp hoặc giải quyết tranh luận. Cách tốt nhất mà bên kia có thể làm là làm cho bên còn lại hiểu rằng phần thắng là rất khó và ngay cả khi họ làm được như vậy thì họ phải trả giá cao và không đáng để trả giá như vậy.
Cũng có những lúc mà mọi người thích việc tiếp tục việc tranh luận, bởi vì làm thế họ có thể cảm nhận được vị trí và giá trị của mình. Nếu bạn có thể chỉ ra những giá trị liên quan để tiếp tục cuộc tranh luận, cũng có thể chỉ ra được những cách khác để có được những giá trị đó và tiếp tục tranh luận có thể phá hủy đi những giá trị đó.
Thật là đáng tiếc khi đam mê tranh luận của mỗi bên chỉ nhằm làm tổn thương tối đa phía bên kia.
Cấu trúc có thể áp dụng trong các tình huống tranh luận/bất đồng được trình bày theo bốn cấp độ: cảm giác, nhận thức, giá trị và logic. Với mỗi cấp độ, mỗi bên cố gắng để chỉ ra và đặt cạnh nhau quan điểm của mình. Sau đó cả hai bên tiến hành so sánh để tìm ra những sự tương đồng và giống nhau và đi đến nỗ lực giải quyết những điểm khác nhau. Bước tiếp theo là hai bên cố gắng thiết kế một kết quả có thể thỏa mãn giá trị của cả hai bên. Hai bên có thể tiến hành trao đổi giá trị, nếu cả hai bên đều có những điểm sai, nhằm thỏa mãn cả hai bên.
1- Hai người bạn đã nhất trí đi đến dự một bữa tiệc cùng nhau. Nhưng buổi tối hôm đó một trong hai người đã quyết định ở nhà xem tivi. Người bạn còn lại rất tức giận và họ tranh cãi nhau. Miêu tả những giá trị của mỗi bên.
2- Một người phụ nữ muốn bắt đầu tự kinh doanh máy tính. Cô đã gây ra bất đồng với chồng mình, người cảm thấy rằng cô nên giữ vị trí hiện tại được trả lương cao của cô tại công ty cũ. Hãy miêu tả nhận thức của cả hai người/
3- Có các kế hoạch cho việc xây dựng một khách sạn lớn phục vụ khách du lịch cạnh một làng chài nhỏ. Mọi người trong làng đó phản đối vì nó sẽ ảnh hưởng xấu tới ngôi làng và cuộc sống của họ. Nhà đầu tư thì nói rằng khách sạn có thể cung cấp thêm việc làm cho người dân trong khu vực. Liệu những giá trị khác nhau đó có thể được thỏa hiệp?
4- Trong một cuộc hành trình đến Ai cập, một người cảm thấy rằng không nên cho tiền những người ăn xin bởi vì làm như thế sẽ khuyến khích họ và chính phủ sẽ không cảm thấy quá có trách nhiệm phải chăm lo cho những người này. Một người khác lại cảm thấy rằng, nếu bạn đủ sung túc, bạn hãy chia sẻ với những người khốn khó hơn bạn. Điều cơ bản về nhận thức của sự bất đồng trên là gì? Liệu có cách nhận thức nào khác để họ có cùng một quan điểm?
5- Tốt hơn là bạn nên thuê một luật sư tốt, bằng không bạn sẽ thua trong một cuộc tranh cãi.
Một khi có sự can thiệp của một luận sư, tranh luận chỉ có chiều hướng phát triển và không có cơ hội để giải quyết, bởi vì luật sư phải kiếm sống.
Liệu hai lý lẽ logic đó có thể cùng được dung hòa?
6- Một con mèo bị lạc tới một ngôi nhà nơi có một con mèo béo tốt ở đó. Hãy hình dung và viết một đoạn đối thoại giữa con mèo bị lạc (sử dụng sự trao đổi giá trị) để thuyết phục con mèo béo tốt cho nó ở lại.
7- Bạn mượn ô tô của gia đình và bị đâm xe. Miêu tả những giá trị, nhận thức và logic của mỗi bên khi bạn trở về nhà.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.