Dạy Trẻ Phương Pháp Tư Duy

TỪ NGẪU NHIÊN



Phương pháp của từ ngẫu nhiên là một kỹ thuật quan trọng của lối tư duy khác lạ, và nó rất dễ sử dụng. Nó được xem như là phương pháp đơn giản nhất trong tất cả các kỹ thuật sáng tạo và nó được mọi người sử dụng ngày càng rộng rãi để tạo ra những ý tưởng mới (ví dụ, sản phẩm mới). Tôi đã trình bày kỹ thuật này từ nhiều năm trước đây.

 

Lịch sử của những phát minh và những ý tưởng đã dẫn chứng nhiều ví dụ về những ý tưởng sáng tạo có giá trị dường như được tạo ra từ một việc tình cờ xảy ra (giống như việc quả táo rơi xuống đầu nhà bác học Newton và khơi nguồn khái niệm về một lực hấp dẫn). Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để những sự việc tình cờ có thể đem lại một hiệu quả sáng tạo.

 

Trong biểu đồ ở trang bên, chúng ta nhìn thấy một khuôn mẫu bất đối xứng thông thường. Nếu chúng ta tiến lên vị trí xuất phát, chúng ta không thể tới được đường nhánh. Chúng ta có thể sử dụng phương pháp chuyển động/ khích động để đi tắt tới đường nhánh. Tuy nhiên, nếu chúng ta bắt đầu từ một điểm khác (được chỉ ra trong hình bên là điểm RW), chúng ta có thể có được sự liên kết với đường nhánh. Khi đó, con đường trở lại điểm xuất phát là một đường thẳng. Một sự kiện tình cờ có thể tạo ra điểm RW đó. Một sự kiện tình cờ cho phép chúng ta đi vào một khuôn mẫu từ một điểm khác. Điều này mang lại cho chúng ta cái nhìn tức thời, hoặc khả năng trực giác hoặc tác dụng kiểu Eureka. Chính nhà bác học Acsimet nhờ vào việc xem xét bánh xà phòng (hoặc một vật gì đó) trong lúc tắm làm đột nhiên hình thành trong ông ý tưởng làm thế nào để có thể kiểm tra được chiếc vương miện có được làm bằng vàng thật hay không (bằng cách chỉ ra sự khác nhau giữa trọng lượng của vương miện trong nước và lúc ở ngoài nước).

 

 

Thế liệu chúng ta có phải cứ thế ngồi đợi những sự kiện tình cờ để loé lên trong đầu chúng ta ý tưởng mới? Liệu chúng ta có phải ngồi dưới gốc cây đợi táo rơi vào đầu? Chúng ta có thể làm vậy. Chúng ta có thể tự tạo ra những cơ hội ngẫu nhiên cho chính chúng ta. Đây chính là điều được làm thông qua kỹ thuật từ ngẫu nhiên của lối tư duy khác lạ.

 

Tìm từ ngẫu nhiên

 
 

Chúng ta không thể chọn từ mang tác dụng khuyến khích bởi nếu chúng ta chọn những từ như vậy, chúng sẽ chỉ phù hợp với những ý tưởng sẵn có. Vì thế, thay vì lựa chọn từ, chúng ta tìm từ đó một cách ngẫu nhiên. Đó chính là lý do tại sao tôi lại chọn phương pháp này là phương pháp từ ngẫu nhiên.

 

Bạn có thể bỏ rất nhiều mảnh giấy, mỗi mảnh giấy ghi một từ rồi bỏ vào túi. Bạn tình cờ cho tay vào và chọn ra một từ. Bạn cũng có thể nghĩ đến một trang ngẫu nhiên trong cuốn từ điển, sau đó bạn mở đến trang đó và chọn một vị trí ngẫu nhiên trên trang đó: ví dụ, dòng thứ sáu từ trên xuống dưới. Sau đó bạn mở cuốn từ điển tới vị trí đó. Bạn có được một từ ngẫu nhiên. Nếu từ đó không phải là một danh từ, bạn tiếp tục tra dọc xuống đến danh từ đầu tiên mà bạn đọc được .

 

Bạn cũng có thể nhắm mắt và dùng ngón tay chọn một vị trí trên báo, bạn mở mắt ra và chọn từ gần ngón tay bạn trỏ nhất.

 

Bạn có thể có một danh sách gồm 60 từ trong trang bên. Bạn liếc nhìn đồng hồ và nếu kim giây của bạn chỉ số 27, bạn chọn từ 27.

 

Khi chọn từ, bạn nên nhớ rằng danh từ dễ được sử dụng hơn động từ, tính từ và trạng từ. Nếu bạn tự tạo ra một danh sách từ của riêng bạn, bạn hãy đảm bảo rằng những từ đó được mọi người biết đến và hàm chứa những chức năng, đặc điểm cụ thể.

 

Bạn nên luôn luôn bắt đầu với từ ngẫu nhiên đầu tiên mà bạn có. Bởi vì nếu bạn không bắt đầu từ từ đầu tiên, bạn sẽ muốn thử từ thứ 2, thứ 3 và cứ như vậy, bạn đang hành động giống như chờ đợi một từ kết nối với những ý tưởng bạn đang có sẵn. Điều này chẳng giúp ích được gì cho bạn. Vì vậy, nếu bạn không thể cùng suy nghĩ với từ đầu tiên, bạn hãy chuyển sang một kỹ thuật khác và sẽ quay trở lại kỹ thuật này sau.

 

Danh sách các từ ngẫu nhiên.

 
 

Trong danh sách từ ngẫu nhiên nêu ở trang bên, tất cả đều không có gì đặc biệt. Bạn có thể dễ dàng làm một danh sách như vậy.

 

Ngựa

 

Bóng

 

Tên lửa

 

Lước

 

Điện thoại

 

Núi

 

Con rắn

 

Bút chì

 

Ô tô

 

Thư

 

Cây

 

Thang thợ

 

Máy quay

 

Chuột

 

Hồ

 

Voi

 

Vô tuyến

 

Con mèo

 

Thang máy

 

Luật sư

 

Đài

 

Điếu thuốc

 

Mưa

 

Trái tim

 

Lá cờ

 

Lửa

 

Cái bẫy

 

Trứng

 

Nhà tắm

 

Chìa khoá

 

Búa

 

Máy bay

 

Que diêm

 

Cái thùng

 

Đàn ghi ta

 

Máy phô tô

 

Chuông

 

Bức tranh

 

Cây xương rồng

 

Cửa hàng

 

Tấm thảm

 

Nhà tù

 

Con rùa

 

Bài hát

 

Hoa

 

Kính mắt

 

Tiền

 

Vòng tay

 

Giầy

 

Con dao

 

Cục tẩy

 

Mũi

 

Đá cuội

 

Khẩu súng

 

Bánh humberger

 

Lá phiếu

 

Cái ghim cài

 

Tại sao nó hoạt động

 
 

Có lẽ lúc ban đầu, ai cũng cho rằng kỹ thuật này dường như vô lý. Làm thế nào để một từ hoàn toàn không có mối liên hệ gì lại có thể giúp tạo ra những ý tưởng về một chủ đề cụ thể.

 

Nếu từ được chọn hoàn toàn ngẫu nhiên, thì bất cứ một từ nào cũng có thể giúp tạo ra ý tưởng về bất cứ sự việc gì. Điều này được thực hiện chính dựa trên logic của những điều vô lý. Trên thực tế, nó chỉ vô lý trong một hệ thống thông tin thụ động. Trong một hệ thống thông tin tự tổ chức kỹ thuật này hoàn toàn có ý nghĩa.

 

Bạn bắt đầu đi ra từ nhà của bạn. Bạn đi trên con đường mà bạn luôn đi. Nhưng nếu bạn lại bắt đầu từ một nơi nào đó ở ngoài thành phố trở về nhà, bạn luôn có thể có nhiều con đường khác nhau để trở về nhà. Nói cách khác, nếu như chúng ta chuyển động từ ngoài vào bên trong, những khuôn mẫu của chúng ta sử dụng sẽ khác với khuôn mẫu chúng ta sử dụng để chuyển từ trung tâm ra ngoài. Điều này chẳng có gì là bí hiểm cả.

 

Bộ não của chúng ta thực hiện sự kết nối rất tốt nên bất cứ một từ ngẫu nhiên nào cũng sẽ được chỉ dẫn tới những ý tưởng về một chủ đề cụ thể. Có đôi khi sự kết nối giữa từ ngẫu nhiên và chủ đề quá trực tiếp, nó cũng không thể khuyến khích chúng ta tới ý tưởng mới nào. Cũng có khi từ ngẫu nhiên đơn giản lại dẫn chúng ta tới những ý tưởng chúng ta đã biết.

 

Sử dụng kỹ thuật từ ngẫu nhiên

 
 

Chúng ta muốn một vài ý tưởng mới về máy photo. Kim giây của chiếc đồng hồ chỉ đến số 19 và chúng ta có từ “cái mũi” (từ danh sách nêu trên).

 

Chúng ta nói: máy phô tô PO cái mũi.

 

Mũi gợi ý chúng ta đến mùi.

 

Giá trị của từ mùi ở đây là gì?

 

Tất nhiên là máy photo có thể toả ra các mùi khác nhau, tuỳ thuộc vào nó hỏng bộ phận gì. Vì thế, chúng ta có thể sử dụng mùi như một dấu hiệu báo lỗi. Nếu máy photo của bạn không hoạt động, bạn sẽ ngửi thấy mùi. Mùi bạn ngửi được sẽ ngay lập tức báo cho bạn biết bộ phận nào bị hỏng.

 

Bạn được giao nhiệm vụ tiếp đãi một vài người và phải tìm gì đó cho họ làm. Bạn đọc đồng hồ ở giây 49 và bạn có từ trái tim.

 

Bạn có thể nghĩ về một biểu tượng trái tim đỏ, thường được hiểu với từ yêu. Tôi yêu New York vì thế bạn đề nghị mọi người tập hợp lại và đưa ra những biểu tượng khác có thể hàm chứa nhiều ý khác nhau, chẳng hạn, tôi ghét New York, tôi không biết gì về New York, tôi vui vì New York, tôi buồn về New York.

 

Vì thế, bạn thấy đấy, kỹ thuật này rất dễ sử dụng.

 

Chúng ta đi theo mối liên hệ và chức năng của từ kích thích. Chúng ta sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để chuyển động. Chúng ta sử dụng các khía cạnh của từ đó như một phép ẩn dụ.

 

Nhưng bạn cũng đừng thực hiện quá nhiều bước để tạo sự kết nối, bởi vì quá nhiều bước sẽ dẫn bạn trở lại với những ý tưởng bạn đã biết và sử dụng từ ngẫu nhiên để kích thích chẳng còn giá trị gì.

 

Bạn cũng đừng bắt đầu bằng việc liệt kê những khía cạnh của từ đó bởi vì nếu bạn làm như vậy, bạn sẽ viết xuống danh sách đó những khía cạnh về ý tưởng đã tồn tại.

 

Bạn hãy nghĩ về một khía cạnh nào đó của từ ngẫu nhiên và cố gắng tập trung tư duy theo khía cạnh đó. Chỉ khi bạn đã cố gắng thực hiện tốt một khía cạnh này, bạn mới nên chuyển qua khía cạnh khác.

 

Tóm tắt

 
 

Tư duy sáng tạo đôi khi được khởi nguồn từ những sự kiện ngẫu nhiên. Kỹ thuật từ ngẫu nhiên của lối tư duy khác lạ giúp chúng ta có được sự kiện ngẫu nhiên đó với vai trò như một công cụ tư duy cẩn trọng . Một từ có thể có nhiều khía cạnh ngẫu nhiên (không có sự lựa chọn cụ thể) được gắn kết với chủ đề cần tìm ý tưởng mới. Sự liên kết, các chức năng và các khái niệm của từ ngẫu nhiên gợi ý cho chúng ta đến với ý tưởng mới. Sự logic của phương pháp này là: trong một hệ thống khuôn mẫu, nếu bạn bắt đầu từ ngoài khuôn mẫu, bạn có thể mở ra các hướng khác nhau để từ đó đi vào vị trí trung tâm.

 

Bài tập

 
 

1-                 Có những chiếc bàn, ghế, giường. Bạn muốn thiết kế một kiểu đồ dùng gia đình mà chưa từng được sử dụng. Bạn sử dụng kỹ thuật từ ngẫu nhiên. Từ của bạn là từ con ong, nghĩa là: đồ đạc PO con ong.

 

2-                 Bạn cần viết một câu chuyện ngắn nhưng bạn không thể nghĩ ra chủ đề. Câu chuyện này sẽ viết về vấn đề gì? Bạn sử dụng kỹ thuật từ ngẫu nhiên và từ của bạn là từ cái búa.

 

3-                 Bạn sẽ đi nghỉ một tuần nhưng bạn vẫn chưa tìm ra ai có thể trông nom con chó của bạn. Bạn cần ý tưởng mới. Bạn sử dụng từ ngẫu nhiên và từ của bạn là máy Camera. Hãy bắt đầu với từ này.

 

4-                 Là giám đốc của một cửa hàng, bạn muốn tìm cách để khuyến khích nhân viên của bạn lịch sự hơn và giúp đỡ những người mua hàng. Bạn không có được ý tưởng nào nên bạn chọn kỹ thuật từ ngẫu nhiên và từ của bạn là từ đá.

 

5-                 Bạn không bao giờ có thể tới gần chiếc điện thoại vì chị của bạn luôn sử dụng nó. Bạn có thể làm gì với vấn đề này. Bạn sử dụng kỹ thuật từ ngẫu nhiên và từ bạn tìm được là từ chìa khoá.

 

6-                 Trong thị trấn hiện nay không có đủ chỗ đỗ xe cho ô tô. Bạn tách vấn đề này ra thành ba vấn đề nhỏ hơn. Chọn một trong ba vấn đề đó và cố gắng tạo ra một ý tưởng mới hữu ích bằng cách sử dụng từ ngẫu nhiên: từ cây xương rồng.

 

–                     Vấn đề 1: không khuyến khích mọi người lái xe vào thành phố.

 

–                     Vấn đề 2: làm cách nào để tăng chỗ đỗ xe.

 

–                     Vấn đề 3: giảm nhu cầu lái xe của mọi người vào thành phố.

 

7-                 Làm thế nào mà bố mẹ có thể kiểm soát con trẻ, những đứa trẻ không bao giờ làm những gì cha mẹ bảo. Hãy chọn một từ ngẫu nhiên và sử dụng nó để đưa ra gợi ý về vấn đề này.

 

8-                 Tờ báo PO quả bóng. Hãy phát triển một vài ý tưởng mới.

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.