Hồng Rực Đỏ

CHƯƠNG 40



NHỮNG GÌ BROPHY CHO CHÚNG TÔI BIẾT thật đáng sợ và không thể tiết lộ cho báo giới. Một kẻ nào đó tự coi mình là Ông Trùm đang ở ngoài kia hỏi han và che giấu những sát thủ chuyên nghiệp. Chỉ những tay sát thủ. Y sẽ có kế hoạch gì tiếp theo đây? Lại thêm những vụ cướp nhà băng và bắt cóc? Y đang nghĩ cái quái quỷ gì chứ?
Đêm đó sau khi xong việc, tôi tới bệnh viện St. Anthony. Bệnh tình của Jannie đang tiến triển tốt, nhưng dù sao tôi cũng ở thêm một đêm nữa với nó. Tổ ấm xa nhà của chúng tôi. Nó bắt đầu gọi tôi là “bạn cùng phòng.”
Sáng hôm sau tôi cố đọc hồ sơ về những cựu nhân viên bất mãn của Citibank, First Union và First Virginia; và cả hồ sơ của tất cả những ai đã từng có bất kỳ đe dọa nghiêm trọng nào đối với các nhà băng. Tâm trạng trong cơ quan FBI địa phương là một dạng âm thầm tuyệt vọng. Không có cảm giác náo nức hay phấn khích, những cái diễn ra cùng các manh mối, đầu mối, tiến bộ bất kỳ. Chúng tôi vẫn chưa có trong tay đối tượng tình nghi khả dĩ nào.
Những mối đe dọa và thông tin thất thiệt đến nhà băng thường được một ban điều tra nội bộ xử lý. Thư lăng mạ nói chung hầu hết đến từ những người bị từ chối cho vay hay có nhà cửa bị tịch biên. Tác giả của thư lăng mạ có thể là đàn bà cũng như đàn ông. Căn cứ vào những hồ sơ tâm lý tôi đọc sáng ngày hôm ấy thì thường đó là người có việc làm, có các vấn đề tài chính hay gia đình. Đôi khi ở đó có những đe dọa nghiêm trọng bởi công việc của nhà băng hay mối quan hệ với các đối tác nước ngoài như Nam Phi, Iraq hay Bắc Ailen. Thư từ tại các nhà băng lớn được chiếu X quang tại phòng thư, và thường có đèn báo động nhầm. Thiệp âm nhạc Giáng sinh đôi khi báo động cả hệ thống.
Quá trình này quả là mệt mỏi, nhưng cần thiết. Nó là một phần của công việc. Khoảng một giờ, tôi ngước nhìn Betsey Cavalierre. Cô ở ngay đây với những người khác trong nhóm chúng tôi, cô ngồi bên chiếc bàn kim loại đơn sơ, gần như bị che khuất sau núi giấy tờ.
“Tôi sẽ lại ra ngoài một lát,” tôi vừa cười vừa bảo cô. “Có một gã tôi muốn kiểm tra. Gã có vài đe dọa với Citibank. Gã sống gần đây thôi.”
Cô buông bút. “Tôi sẽ đi cùng anh. Nếu anh không phản đối. Kyle nói anh ấy tin vào những linh cảm của anh
“Xem chuyện gì xảy ra với Kyle khi anh ta tin vào linh cảm,” tôi nói và mỉm cười.
“Đúng thế,” Betsey nói và nháy mắt. “Ta đi thôi.”
Tôi đã đọc đi đọc lại hồ sơ của Joseph Petrillo. Nó nổi bật so với những hồ sơ khác. Tuần nào cũng vậy trong suốt hai năm vừa qua, chủ tịch Citibank ở New York cũng nhận được một lá thư đầy giận dữ, thậm chí là hằn học của Petrillo. Gã đã từng làm bảo vệ cho nhà băng từ tháng Giêng năm 1990 cho đến gần đây. Gã bị sa thải vì những cắt giảm ngân sách có ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận trong nhà băng chứ không chỉ ảnh hưởng đến mình gã. Petrillo không chấp nhận lời giải thích hay bất kỳ điều gì khác mà nhà băng cố đưa ra để bắt gã phải ra đi.
Có điều gì đó về giọng điệu của những bức thư khiến tôi lo lắng. Chúng được viết một cách bài bản và thông minh, nhưng cho thấy dấu hiệu của sự hoang tưởng, thậm chí có thể là bệnh tâm thần phân liệt. Patrillo từng là đại úy tại Việt Nam trước khi làm việc cho nhà băng. Gã đã chứng kiến chiến trận. Cảnh sát ắt phải thấy gã liên quan tới mớ thư từ quái gở, nhưng không có lời buộc tội nào được đưa ra.
“Đây hẳn là một trong số những cảm giác tuyệt vời của anh,” Betsey nói khi chúng tôi lái xe đến nhà kẻ tình nghi trên đại lộ 5.
“Đây là một trong số những cảm giác tồi tệ nổi tiếng đó,” tôi nói. “Viên thám tử đã hỏi cung gã vài tháng trước cũng có cảm giác tệ hại. Nhà băng từ chối đi xa hơn với lời than phiền.”
Không giống như người anh em trùng tên với nó ở New York, đại lộ 5 ở D.C. là một khu vực có giá thuê thấp nằm bên rìa đồi Capitol phong cách trưởng giả. Đầu tiên đây chủ yếu là nơi cư trú của người Mỹ gốc Ý, nhưng giờ đây đã pha tạp về chủng tộc. Những chiếc xe han gỉ, cũ kỹ sắp hàng trên phố. Một chiếc BMW mui kín chở đầy đứng tách khỏi những c. Chắc là một kẻ buôn ma túy.
“Vẫn hệt như xưa,” Betsey nói.
“Cô biết khu vực này sao?” tôi hỏi trong lúc chúng tôi quay về phía đường phố, nơi Petrillo sống.
Cô gật đầu và đôi mắt huyền của cô nheo lại. “Ngày xưa, số năm cụ thể thì lúc này không tiết lộ được, tôi được sinh ra không xa nơi này. Chính xác là cách đây bốn khối nhà.”
Tôi ngước nhìn Betsey và nhận ra vẻ dữ tợn trên khuôn mặt cô khi cô nhìn đăm đăm qua kính chắn gió. Cô đã cho tôi chia sẻ một phần nhỏ quá khứ của cô. Cô đã lớn lên tại một khu vực thấp kém ở Washington. Cô không có vẻ thích điều đó.
“Chúng ta không cần phải hành động theo trực giác này,” tôi nói với cô. “Tôi có thể điều tra việc này sau. Hẳn là chẳng có gì, nhưng Petrillo sống quá gần cơ quan địa phương.”
Cô lắc đầu và nhún vai. “Hôm nay anh đọc quá nhiều hồ sơ đấy. Đây là một trong số những hồ sơ có nhiều ý nghĩa hơn với anh. Chúng ta nên hành động theo trực giác. Tôi không sao khi có mặt ở đây.”
Chúng tôi dừng lại trước một của hiệu ở góc phố, nơi bọn trẻ địa phương hẳn đã la cà suốt vài thập kỷ qua. Nhóm trẻ thời nay trông hơi hoài cổ trong việc chúng lựa chọn quần jeans thụng, áo phông đen, tóc chải lật ra sau. Tất cả bọn chúng là người da trắng.
Chúng tôi qua đường và đi về phía cuối khối nhà. Tôi chỉ vào ngôi nhà nhỏ màu vàng. “Đó là nhà của Petrillo.”
“Nào chúng ta đi nói chuyện với thằng cha đó,” cô nói. “Xem gã có cướp nhà băng nào gần đây không.”
Chúng tôi leo lên những bậc thềm bê tông rỗ nham nhở đến một cánh của bằng kim loại màu xám có lưới chắn. Tôi gõ cửa và gọi to, “Cảnh sát D.C. đây. Tôi muốn nói chuyện với Joseph Petrillo.”
Tôi quay sang Betsey lúc này đang đứng bên trái tôi, bên dưới một trong những bậc thang đá. Tôi cũng chẳng biết sẽ nói gì với cô.
Cho dù có là gì đi chăng nữa – tôi cũng sẽ không thể nói ra.
Một phát súng khủng khiếp vang lên – chắc chắn là súng ngắn. Tiếng nổ rất to, đinh tai nhức óc, kinh khủng hơn cả tiếng sét. Nó phát ra từ bên trong ngôi nhà, cách cửa trước không xa.
Betsey hét lên.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.