Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Mở đầu



Có một bé gái học lớp Ba có chỉ số IQ là 136. Tôi đã kết luận là đứa trẻ đó rất thông minh nhưng người mẹ lại cho biết cô bé còn rất nhiều thiếu sót so với những bạn cùng trang lứa. Khi mẹ nói ra điều này, cô bé chỉ nhìn chằm chằm vào mẹ một cách thiếu lễ độ, trong khi nếu giống như những đứa trẻ bình thường, lẽ ra bé phải nổi giận hoặc muốn khóc khi người khác nói xấu về mình. Với tôi, đó là một tín hiệu nguy hiểm.

Tìm hiểu mới biết, ngay từ rất nhỏ, cô bé đã phải học hành vất vả tới mức một đứa trẻ không thể cáng đáng nổi. Vào kỳ nghỉ, người mẹ bắt con mình một ngày viết ba bài cảm nhận sau khi đọc sách. Quá đỗi ngạc nhiên, tôi hỏi người mẹ sao bắt con học nhiều thế thì nhận được câu trả lời rằng những đứa trẻ khác cũng phải đọc ít nhất 50 quyển sách trong suốt kỳ nghỉ. Nghe những lời này, tôi nhanh chóng hiểu được cô bé đã sống như thế nào trong thời gian qua.

Buổi trò chuyện được tiếp tục nhưng cô bé không dễ mở lòng mình. Vì thế, tôi đưa người mẹ ra ngoài và trò chuyện riêng với đứa trẻ. Qua mấy ngày được an ủi, dỗ dành như thế, cô bé đã mở lời: “Bác sĩ nói thì mẹ còn nghe một chút, chứ cháu nói thì mẹ chẳng thèm nghe gì cả.”

Câu nói của cô bé khiến tôi ngạc nhiên. Nói chuyện một lúc, tôi hỏi:

“Sao cháu thông minh thế?”

Cô bé bèn hỏi ngược lại tôi: “Cô ơi, cháu thực sự thông minh sao? Cháu đã đọc sách của cô viết đấy.”

Trong giây lát, tôi chợt rùng mình khi thấy cô bé thực sự không đối đáp theo kiểu trẻ con. Một chút yên lặng trôi qua. Và rồi cô bé nói ra những lời khiến ai cũng phải choáng váng: “Trên đời này chẳng có gì vui hết! Mọi thứ đều buồn chán đến phát bực!”

Trẻ nhỏ chưa hiểu gì về thế giới quanh mình nên chúng thường có tính tò mò và sự nhiệt tình muốn khám phá. Tuy nhiên với cô bé này, một chút năng lượng và nhiệt tình của trẻ con cũng không còn. Cuộc trò chuyện cứ thế tiếp diễn, cuối cùng vấn đề mà cô bé gặp phải cũng được sáng tỏ. Mọi chuyện đều xuất phát từ sự căng thẳng do học hành quá tải. Với cô bé, việc học thật khó chịu, vất vả và đáng ghét nhưng bé vẫn phải học mà không thể làm gì khác vì mẹ ép buộc. Cho nên, những căng thẳng nảy sinh đã bào mòn từng chút một tính tò mò vốn có của một đứa trẻ. Kết cục, cô bé nghĩ cái gì cũng là bắt buộc phải làm và luôn chán ghét việc tìm tòi, nghiên cứu.

Điều trị cho cô bé mà tôi cảm thấy rất đau lòng. Một đứa trẻ có quyền lớn lên mà không gặp phải vấn đề gì nhưng cô bé này đã bị tổn thương trong tâm hồn bởi tham vọng phi lý và sự ép buộc của người mẹ. Vết thương trên cơ thể có thể lành theo năm tháng nhưng những tổn thương tâm lý chắc chắn không thể xóa mờ được. Sự thật đáng buồn hơn là không biết làn sóng giáo dục quá sớm có lắng xuống được hay không.

Dĩ nhiên, không phải tôi không biết đến tâm tình của những người mẹ bắt con mình học sớm. Tôi hiểu ai ai cũng lo lắng nếu con mình thua kém bạn bè. Trước khi là một bác sĩ khoa tâm thần trẻ em, tôi cũng là mẹ của hai đứa trẻ mà…

Hiện tại, tôi vừa nuôi dạy Kyeong-mo, cậu con trai lớn học lớp 12, vừa phải thử rất nhiều phương pháp giáo dục. Kyeong-mo vốn gặp trở ngại về khả năng tập trung và vài khiếm khuyết khác nên cháu thường tự nhốt mình trong thế giới riêng và rất ngại tiếp xúc với mọi người xung quanh. Lúc học mẫu giáo, Kyeong-mo không hòa đồng với các bạn và chỉ quanh quẩn một mình bên cái xe lửa đồ chơi. Con tôi bảo: “Bẩn quá, con không thích!” và suốt cả năm trời thằng bé không một lần chạm tay xuống lớp cát trải ở sân nhà trẻ. Dù mùa hè rất nóng nhưng cháu vẫn mặc quần áo dài bên trong quần soóc rồi mới ra khỏi nhà. Còn khi lên lớp Một, có đứa trẻ nào mang theo quả địa cầu lớn bước vào lớp thì đó đích thị là Kyeong-mo. Với bản tính như vậy, cháu luôn giữ khư khư điện thoại di động bên người như một phần không thể tách rời. Dù đã dặn lòng phải bình tĩnh nhưng khi nghe cô giáo nói về chuyện này qua điện thoại, tôi thật sự chỉ muốn bật khóc.

Vì vậy với tôi, Jeong-mo, đứa con thứ hai như món quà ông trời ban cho. Trong một bài kiểm tra thuộc chương trình nghiên cứu về sự phát triển trẻ em ở Mỹ, kết quả cho thấy, về tổng thể, Jeong-mo phát triển nhanh hơn những trẻ cùng tuổi ít nhất một năm. Các đồng nghiệp của tôi còn khăng khăng rằng: “Jeong-mo chắc vào lớp tài năng rồi.” Chắc chắn tôi sẽ hạnh phúc vì Jeong-mo là đứa trẻ học một biết mười nhưng không hiểu sao cảm giác lo lắng vẫn dậy lên trong lòng tôi.

Thời gian trôi qua, tôi lại nhận ra một sự thật lớn lao khác, rằng việc nuôi dạy Jeong-mo cũng chẳng dễ dàng gì hơn so với cậu con lớn Kyeong-mo. Khi nuôi con, điều khiến tôi thấy khó khăn nhất chính là bản thân mình. Tôi vừa không hiểu được các con, vừa cản trở chúng bởi những tham vọng vô ích của mình.

Với con trai đầu lòng, mặc dù tôi chỉ cần dạy con cách giao tiếp với thế giới xung quanh là đủ nhưng trong lòng tôi luôn cảm thấy phấp phỏng, lo âu khi nghĩ đến ngày con tôi bị đem ra so sánh với những đứa trẻ cùng tuổi khác đang ngày một trưởng thành. Vì vậy, khi thấy Kyeong-mo có phản ứng chống đối, tôi phải ép cháu ngồi xuống, vừa dỗ dành vừa tìm phương pháp dạy dỗ sao cho phù hợp.

Trường hợp con trai nhỏ của tôi còn phức tạp hơn thế. Với đứa trẻ dạy một biết mười như Jeong-mo, lúc nào tôi cũng có cảm giác bị cám dỗ mãnh liệt muốn “thử dạy điều này một lần xem nào”. Tôi muốn con làm điều này nhưng cũng muốn con làm thêm điều khác nữa. Mỗi lần bắt đầu có suy nghĩ như vậy, tôi lại không thể tập trung được.

Nhưng rồi tôi nhận ra, tất cả những chuyện này đều chỉ là tham vọng của chính mình. Kyeong-mo không mở lòng với tôi, còn Jeong-mo rốt cuộc cũng bắt đầu nói dối vì những căng thẳng trong học tập. Nhất là Jeong-mo, cú sốc mà con gây ra cho tôi thực sự quá lớn, chính Jeong-mo chứ không phải Kyeong-mo gây nên chuyện. Một ngày nọ, tôi nhận được cuộc gọi từ cô giáo ở trường mẫu giáo của Jeong-mo báo rằng cháu cố ý giấu quyển vở chính tả và nói dối là đã đánh mất. Lời nói của cô giáo như cứa vào tim tôi. Hôm đó tôi yêu cầu Jeong-mo ngồi xuống và hỏi: “Con ghét học chính tả đến mức nói dối cô giáo cơ à?”

“…”

“Jeong-mo!”

Một lúc sau, Jeong-mo ngẩng đầu lên nhìn tôi, đôi mắt cháu ngân ngấn nước: “Đã nói là con không học được chính tả rồi mà!”

Đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy mấy chữ “không học được” từ miệng Jeong-mo. Tôi không biết nên nói gì nữa, chỉ nhẹ nhàng xoa đầu Jeong-mo, dỗ dành cháu và nhận ra sự thể này hoàn toàn chỉ do sự dại dột của tôi mà thôi.

Làn sóng giáo dục sớm càng lúc càng lan rộng và ngày một nghiêm trọng hơn. Gần đây, người ta dạy trước chương trình mẫu giáo cho trẻ lên hai, chương trình lớp Bốn cho học sinh lớp Một, còn học sinh lớp Bốn lại được dạy trước chương trình trung học. Cùng một môn học, nếu đứa trẻ này có thể tiếp thu nhanh như những bé khác thì mọi vấn đề có lẽ sẽ được tháo gỡ. Việc ép con cái học hành giống như một cuộc đua tốc độ, dù cha mẹ có quyết tâm không bắt con học quá mức một cách vô lý nhưng không dễ gì giữ được nguyên tắc đó. Tôi cũng vậy. Là một bác sĩ khoa tâm thần trẻ em nhưng tôi không thể không thử nghiệm những phương pháp khác nhau khi nuôi hai đứa con của mình.

Việc hằng ngày thử nghiệm vô số phương pháp không phải chuyện dễ dàng. Nhưng nếu các bậc cha mẹ mong muốn con mình lớn lên một cách hạnh phúc, hãy giảm bớt từng chút một những phương pháp như tôi đã thử làm, hãy nuôi dạy con một cách chậm rãi. Bởi vì kết quả của quá trình vượt qua rất nhiều cám dỗ và không bắt các con đi học sớm là hai đứa con của tôi đều trở thành học sinh giỏi và có cuộc sống hạnh phúc. Kyeong-mo học lớp 12 ở Mỹ, cháu ước mơ trở thành người giúp đỡ những ai gặp khó khăn, còn Jeong-mo học lớp 8 thích làm nhiều việc đến nỗi trong một ngày cháu thay đổi ước mơ đến mấy lần mà vẫn thấy vui và đang tận hưởng những điều đó. Nhìn các con lớn lên một cách hạnh phúc, tôi có thể khẳng định rằng việc cho trẻ đi học sớm hoàn toàn không thể đem lại kết quả này được.

Cuốn sách Đừng ép con “khôn” sớm đã ra mắt độc giả được 10 năm, tuy nhiên cơn sóng giáo dục sớm vẫn dần mạnh hơn và làm tăng số trẻ chịu tổn thương vì điều này. Lòng tôi trĩu nặng. Tâm trạng tôi cũng như vậy khi đi diễn thuyết cho cuốn sách này trong lần xuất bản tại Nhật Bản và Trung Quốc. Vì vậy, tôi kết hợp sửa đổi, bổ sung những cách thức thực tiễn, cụ thể của việc nuôi dạy con từ tốn trong cuốn Phương pháp học tập cho trẻ chậm tiếp thu.

Nếu các bậc cha mẹ không còn lo lắng hay vội vàng trong chuyện nuôi dạy con cái, nếu bạn dũng cảm thoát khỏi khuôn mẫu “như những người khác” để có thể bảo vệ trẻ, thì cuộc sống gia đình thật hạnh phúc biết bao.

Tháng 6 năm 2010

Shin Yee Jin


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.