Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Biết đâu con của quý vị cũng là những “bông hoa nở muộn”



Có một đứa trẻ hơi thua kém các bé khác từ thuở ấu thơ. Khi lớn lên, việc học nói của bé cũng chậm đến mức ngay cả cha mẹ cũng ngờ rằng chẳng biết con mình có phải là trẻ thiểu năng hay không. Rồi cả chuyện đi đứng, ăn nói, bé cũng chậm hơn những trẻ cùng tuổi đến 2-3 năm.

Khi vào tiểu học, đứa trẻ này rơi vào nhóm những học sinh yếu kém nhất. Đó là do trạng thái như tờ giấy trắng của bé trước những môn học không hứng thú và khiến bé quá lười nhác. Kết cuộc là bé thi rớt vì không đủ khả năng hiểu bài học.

Tôi kể về một đứa trẻ học kém nhưng cũng là câu chuyện thuở nhỏ của nhà vật lý học thế giới Einstein. Ngoại trừ toán học, Einstein thiếu điểm nhiều môn như ngoại ngữ, động vật học, thực vật học nên không thể đỗ trong kỳ thi vào Đại học Bách Khoa Liên bang Thụy Sĩ. Sau đó Einstein nhập học vào trường cấp 2-3 công lập của tỉnh Aarau, hoàn tất các môn học, nhận bằng tốt nghiệp và bấy giờ đã đủ điều kiện có thể nhập học vào trường đại học ông từng mong muốn.

Kể từ lúc đó, Einstein đã phát huy được tài năng thiên phú tiềm ẩn của mình suốt thời gian qua rồi trở thành giáo sư năm 33 tuổi và nhận giải Nobel Vật lý về hiệu ứng quang điện và những đóng góp cho ngành vật lý lý thuyết.

Không biết quý vị có nghĩ rằng câu chuyện về Einstein là một trường hợp đặc biệt hay không nhưng sự thật, rất nhiều vĩ nhân trong lịch sử đều là những tài năng nở muộn đến độ không ai nghĩ tới.

Roentgen – người phát minh ra tia X còn bị buộc thôi học trước khi tốt nghiệp phổ thông một năm do kết quả học tập ở trường của ông không tốt. Sau đó Roentgen trở về quê nhà và học tiếp phần dang dở nhưng vẫn bị đánh rớt. Rồi ông vào học trường

Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Zurich, Thụy Sĩ (Federal Polytechnic Institute, nay là trường ETH Zurich) và phải đến năm 35 tuổi, ông mới bắt đầu được giới khoa học công nhận. Năm 52 tuổi, Roentgen trở nên nổi tiếng khắp thế giới bằng công trình phát minh ra tia X.

Churchill, chính trị gia vĩ đại của nước Anh là một đứa bé thiếu cân lúc ra đời. Ở tuổi đến trường, Churchill còn bị một cô giáo chủ nhiệm nhận xét rằng “đây là cậu bé học kém nhất”. Ông theo học ở trường Harrow, ngôi trường công lập có lịch sử lâu đời với thành tích thấp nhất. Trong kỳ thi vào trường, trên tờ bài làm môn tiếng Latinh của ông chẳng có gì ngoài một chữ và những vết mực lấm lem mà thôi. Đương nhiên bài làm như vậy không thể đỗ được nhưng vị hiệu trưởng nhà trường lúc bấy giờ nói rằng “Nếu là con trai của ngài Randolph (nhà quý tộc của dòng họ 7 đời làm chính trị gia, đương thời đảm nhận chức Bộ trưởng Bộ Tài chính) thì không có lý nào lại là đứa trẻ yếu kém đến mức đó” và vẫn cho phép Churchill nhập học.

Về sau, Churchill vào học trường Sĩ quan lục quân và chọn con đường quân nhân nhưng kết quả học tập của ông vẫn quá tệ. Ông cũng là thí sinh thất bại đến ba lần khi thi vào đại học.

Không chỉ có vậy, người xác lập nền tảng cho ngành vi sinh vật học và nghiên cứu sự lên men – Pasteur cũng từng là một học sinh rất bình thường. Ông chỉ nhận được tấm bằng cử nhân ở Đại học Dijon và đứng thứ 15 trong số 20 người học về hóa học.

Pasteur toàn tâm toàn ý nghiên cứu hóa học sau cuộc gặp gỡ với Giáo sư Duma. Ông lắng nghe những bài giảng của giáo sư và từ lúc đó bắt đầu say mê việc nghiên cứu. Thành tích của Pasteur cũng trở nên tốt hơn và sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại trường đại học với tư cách là học trò của Duma. Và không quá hai năm sau, tài năng của Pasteur bắt đầu được phát hiện qua nghiên cứu về axit tactric (dùng làm bột nở).

Những người tôi nhắc đến ở trên tuy thuở nhỏ học hành không giỏi, được xem là những đứa trẻ kém cỏi nhưng khi lớn lên, họ đã trở thành những người phát huy được tài năng cao nhất của mình ở các lĩnh vực khác nhau. Việc họ đều thuộc nhóm “trẻ thiểu năng” khi còn nhỏ có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không?

Rõ ràng chúng ta đã nhận thấy điểm chung giữa những con người tài giỏi ấy, đó là lúc nhỏ, họ đều là những đứa trẻ bình thường thậm chí còn kém cỏi nên không được kỳ vọng. Mặc dù vậy, đến một lúc nào đó, đột nhiên tài năng của họ bừng nở.

Ở đây có lời giải đáp rất khoa học: họ là những “Late Bloomer” (bông hoa nở muộn), nghĩa là những người phải muộn màng mới phát huy được năng lực bản thân.

Bộ não con người rất bí ẩn nên chưa có ai trong chúng ta có thể chỉ rõ ra thực thể ấy phát triển như thế nào. Dù vậy, theo những gì tôi tìm hiểu được cho đến nay, những kinh nghiệm hiểu biết thông qua vận dụng cảm giác rất quan trọng trong sự phát triển trí não thuở nhỏ. Tuy nhiên, với những trẻ gặp trở ngại về thị giác hay thính giác, đến thời kỳ nhất định, quan điểm của cá nhân họ về cuộc sống vẫn xuất hiện bất chấp những khiếm khuyết của cơ quan cảm giác. Dù không có những kích thích về thị giác hay thính giác, trẻ vẫn nhận thức được về thế giới. Những người theo lý thuyết phát triển suy luận rằng chức năng của não bộ người không phát triển theo hướng khác thường dù không nhận được kích thích từ bên ngoài.

Tiềm năng của con người là năng lực bị ẩn giấu cho nên hoàn toàn không thể dự đoán khả năng ấy được phát hiện lúc nào và ra sao. Ai có thể biết được rằng Pasteur, người đến năm 20 tuổi vẫn tin tưởng không chút nghi ngờ rằng mình sẽ trở thành một họa sĩ cuối cùng lại trở thành nhà tiên phong trong lĩnh vực vi sinh vật học? Ngay cả bản thân Pasteur cũng không dự đoán được điều này.

Việc tùy tiện tạo ra cho trẻ sự kích thích nào đó khi còn nhỏ nhằm phát triển một khía cạnh nhất định sẽ có tác dụng ngược, ngăn cản sự phát triển trí não một cách tự nhiên và có thể làm tiêu biến tiềm năng của trẻ. Vì trí não con người thuở nhỏ không phát triển dựa vào kích thích nào đó từ bên ngoài mà tự tìm thấy kích thích học hỏi cần thiết cho bản thân nên cha mẹ cứ để mặc trẻ phát triển tự nhiên và loại bỏ những yếu tố gây hại là đủ.

Nếu Edison hay Einstein lớn lên trong hoàn cảnh như bây giờ thì họ sẽ ra sao? Trường hợp của Einstein, ông bộc lộ tài năng đặc biệt ở lĩnh vực toán học nhưng nếu từ nhỏ bị ép buộc làm điều gì đó theo những quy chuẩn của giáo dục nhân tài thì với tính cách của Einstein, không biết chừng ông đã bỏ học. Điều này có thể đoán được dựa trên câu nói sau này của Einstein: “Giống như người thợ sửa ống nước, nhà vật lý học phải sống như một người lao động thực sự, thậm chí việc nghiên cứu học vấn trong thời gian rảnh rỗi cũng phải chính xác.”

Trường hợp của Edison cũng tương tự như vậy. Những người thực hiện một chương trình liên quan đến nhân tài ở đài truyền hình nọ từng hỏi tôi một câu: “Nếu Edison được giáo dục để trở thành người giỏi hơn bây giờ, liệu ông ấy có tạo ra nhiều phát minh hơn không?” Ngay lúc đó tôi trả lời là không. Nguồn động lực để Edison có thể dồn hết tâm sức vào những phát minh cho đến cuối đời không phải là tài năng thiên bẩm, mà là nhờ sự tự tin vào chính mình và sự tin tưởng vào cuộc đời nhờ người mẹ. Mẹ Edison đã bảo vệ ông khỏi cách nhìn nhận của mọi người xung quanh khi ông còn nhỏ và chờ đợi đến cùng khi khả năng của ông được phát hiện. Có một điều chắc chắn là, nếu thuở nhỏ Edison bị cuốn vào hội chứng nhân tài giống như bây giờ thì ông đã không trở thành nhà phát minh vĩ đại được lịch sử nhân loại lưu danh. Đó là vì trí óc ông không phải chịu đựng những căng thẳng từ bên ngoài nên đã có điều kiện để phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên một điều thú vị khi nhìn vào con số thống kê là, những “bông hoa nở muộn” như thế này nhiều hơn hẳn số lượng “thiên tài”. Theo đó, nếu chúng ta càng lún sâu vào hội chứng nhân tài thì những Einstein thứ hai sở hữu tiềm năng vô tận sẽ càng bị thiệt thòi nhiều hơn.

Đa số trẻ em đều có khả năng trên mức trung bình và có thể sống hạnh phúc đủ đầy trên nền tảng đó. Tuy nhiên, hội chứng nhân tài lại khiến cha mẹ có cảm giác bất an về sự thật là con cái mình không thuộc nhóm nhân tài. Cảm giác này ngầm đe dọa người làm cha làm mẹ rằng: “Việc không khuyến khích mà để mặc con cái có thể là con đường tắt khiến trẻ tụt hậu hơn.” Với suy nghĩ này, trẻ không phạm bất cứ lỗi lầm nào cũng bị so sánh với người khác nên khiến trẻ có cảm giác tự ti. Vấn đề lớn nhất là khả năng của trẻ, trải qua thời gian sẽ dần biến mất.

Các ông bố bà mẹ đang chạy theo giáo dục nhân tài cần phải vượt qua ảo tưởng của hội chứng nhân tài trước khi bệnh tình của bé trở nên nghiêm trọng. Chúng ta không có nhân tài nào mà chỉ có một đứa con nhiều tiềm năng mà thôi. Vì thế, các vị phụ huynh hãy luôn ghi nhớ điều này mỗi khi trong lòng dậy lên nỗi sợ con mình thua kém và bắt con làm điều gì đó. Vì sự thực biết đâu con cái của quý vị cũng là những “bông hoa nở muộn”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.