Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Hãy sống như một tấm gương cho con trẻ!



“Mẹ ơi, bà đang ốm nên mẹ rửa chén giúp bà nhé. Mẹ trẻ tuổi hơn bà nên có làm thêm chút việc cũng không sao phải không?”

Tôi vừa mở cửa nhà và định tháo giày thì con trai lớn của tôi đã đứng ngay trước mặt và nói như vậy. Tôi không tin vào điều tai mình vừa nghe nữa. Đứa trẻ này có đúng là Kyeong-mo nhà tôi không nhỉ? Chỉ mới hôm qua thôi cậu nhóc này đã khiến bà bảo mẫu toát cả mồ hôi hột vì không chịu ăn cơm kia mà.

Khi Kyeong-mo về phòng, bà bảo mẫu mới kể cho tôi nghe mọi chuyện. Hôm nay bà bị cảm và đang nằm nghỉ thì Kyeong-mo đến gần, nắm tay bà kéo về phía tủ thuốc. Kyeong-mo lấy hộp đựng thuốc dự phòng ra và nói: “Bà ơi, cái này là thuốc hạ sốt còn cái này là thuốc ho” rồi tự sắp xếp mọi thứ.

Cả ngày Kyeong-mo cứ bám theo sau bà vú, bảo bà đừng làm việc mà hãy nghỉ ngơi và tỏ vẻ bực mình khó chịu khi bà tham công tiếc việc. Ban đầu bà bảo mẫu tưởng cậu nhóc này lại định bày trò gì nữa nhưng khi nhìn vẻ mặt quá tha thiết của Kyeong-mo, suýt chút nữa bà đã rơi nước mắt.

Từ bé, suốt cả ngày Kyeong-mo được bà bảo mẫu chăm sóc nên con thường đòi bà làm hết chuyện này đến chuyện kia. Thật may là bà vú là người rất chu đáo và có nhiều kinh nghiệm chăm sóc trẻ nên mọi chuyện không có gì khó khăn. Nhưng khi đi học mẫu giáo, con trai tôi lại thay đổi. Hôm ấy, đang ăn thì Kyeong-mo thấy khô cổ và đòi uống nước.

“Nước trong tủ lạnh đấy, cháu lấy mà uống.”

Bà chỉ bảo con làm việc rất đơn giản nhưng con trai tôi lại nói ngay: “Không thích! Sao cháu phải lấy nước! Bà phải làm chứ. Không phải bà ở nhà cháu để làm việc đó sao?”

Những lời ấy phát ra từ miệng đứa con trai 5 tuổi của tôi. Trong lúc ấy nhiều suy nghĩ lướt qua trong đầu tôi: “Thời gian qua mình đã nuôi con không đúng ư? Vì nghĩ rằng không được làm lòng con bị tổn thương, chẳng phải mình đã tạo ra ‘đứa bé hư’ khi chỉ biết đòi người khác đáp ứng điều con muốn hay sao.”

Tôi đã trải qua những ngày bị trói buộc vào suy nghĩ về định kiến và tính tiêu cực của một đứa trẻ và thấy hối hận vì nhận ra thái độ của người mẹ đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến con.

“Bây giờ mình phải uốn nắn con mới được.”

Tôi trấn tĩnh lại tinh thần và bắt đầu thực hiện công việc thuyết phục của mình.

“Sao con lại có thể nói với người chăm sóc cho con những lời như vậy? Con không nghĩ đến việc sẽ giúp bà một tay khi bà làm việc vất vả hay sao?”

“Con không biết đâu!”

Nhìn đứa trẻ không thèm nghe theo lời mẹ lấy một chút như thế, lòng tôi như chùng hẳn xuống. Tôi bắt Kyeong-mo ngồi xuống trước mặt và mắng con một trận nhưng hành động của con không khá hơn là bao. Tôi đã thử nói chuyện với chồng nhưng cũng không tìm được cách gì khả thi. Càng như thế tôi lại càng thấy có lỗi với bà bảo mẫu, người vốn quý Kyeong-mo như cháu ruột.

Một mặt tôi kiểm soát Kyeong-mo, mặt khác tôi cố gắng để quan tâm hơn và đối đãi tốt với bà vú. Chuyện phiền lòng như thế vẫn đeo đẳng tôi suốt hai năm. Cho đến hôm nay, chứng kiến hành động khác lạ của Kyeong-mo, tôi đã không khỏi ngạc nhiên.

Từ khi chào đời, sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ em nhanh như một chiếc tàu cao tốc. Đây chính là đặc tính quan trọng nhất của trẻ và người lớn chúng ta cũng có thể quan sát thấy. Một đứa trẻ từng rất nghe lời cũng có lúc trở nên bướng bỉnh, có những hành động làm theo ý mình, đó chính là quá trình trẻ nhận thức về sự tồn tại của bản thân trong cuộc đời và đi tìm bản ngã. Trong quá trình phát triển như vậy, cha mẹ không thể uốn nắn hành động của chúng một cách gượng ép và bọn trẻ có lẽ cũng không nghe lời cha mẹ. Ở lập trường của cha mẹ, không thể coi như không có chuyện gì. Tôi chỉ có một lời khuyên với các bà mẹ rằng: “Hãy sống như một tấm gương cho con trẻ.”

Nếu muốn khiến trẻ sửa đổi một điều gì thì việc sửa chữa ngay thiếu sót của trẻ không phải là việc nên làm. Cha mẹ hãy để trẻ thấy hành động đúng của mình vì trẻ có thể học hỏi bằng việc quan sát xung quanh.

Con trai tôi đột nhiên trở nên quá lo lắng cho bà bảo mẫu là vì con đã đạt được sự chín chắn trong suy nghĩ ở mức độ nào đó. Tuy nhiên tôi nghĩ, việc vợ chồng tôi hành động như một tấm gương cho con là nguyên nhân có tác động rất lớn. Chúng tôi đã đối xử ấm áp và trân trọng bà vú từ trước nhưng sau khi Kyeong-mo có thái độ không tốt, chúng tôi lại càng cố gắng để cư xử tốt hơn với bà. Nếu bà bị ốm, tôi sẽ mua thuốc, nếu có thức ăn ngon, tôi cũng luôn mời bà ăn cùng cả nhà.

Kyeong-mo đã quan sát và học theo những hành động của cha mẹ. So với việc bảo con “hãy làm” thì hình ảnh, lời nói và từng hành động một của cha mẹ sẽ là một hình mẫu để trẻ noi theo.

Các bậc làm cha làm mẹ đừng cố ý kiểm soát con trẻ. Quý vị đừng quên một sự thật rằng trẻ sẽ dõi theo hành động lễ nghĩa của cha mẹ và bắt chước. Sức mạnh của việc “cho con thấy” còn lớn hơn chúng ta nghĩ rất nhiều.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.