Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Bốn phẩm chất cơ bản của bậc cha mẹ nuôi con một cách từ tốn



Có một chuyện thú vị xảy ra vào giờ ăn trưa ở một trường học nọ. Trong khi bọn trẻ ăn cơm, mỗi ngày lần lượt sẽ có một em bước lên phía trước và kể chuyện cho tất cả cùng nghe. Đa số trẻ đều tán thành với ý kiến của thầy hiệu trưởng và thực hiện theo thứ tự. Tuy nhiên, việc nói chuyện trước học sinh cả trường không phải là điều dễ dàng và cần có sự can đảm. Những trẻ ban đầu ngại ngùng cũng dần thấy thú vị với trò bước lên phía trước và kể chuyện. Một ngày, có một bé trai cương quyết không thực hiện hoạt động này dù đã đến lượt mình.

“Em không có chuyện gì để kể hết.”

Thầy hiệu trưởng đã nói với cậu bé rằng: “Chà, em hãy nhớ lại những việc đã xảy ra từ lúc thức dậy sáng nay đến khi đi học nào. Em đã làm gì trước tiên?”

“Vậy thì…”

“Chẳng phải em đang nói ‘vậy thì’ đó sao? Vậy là có chuyện để nói đấy chứ! Chà, đầu tiên là ‘vậy thì’ rồi sao nữa?”

“Vậy thì… em đã thức dậy vào buổi sáng. Chỉ có vậy thôi.”

“Thế là được rồi. Vì như thế thì mọi người đều biết em thức dậy vào buổi sáng. Không cần kể chuyện gì thú vị hay buồn cười đâu. Lúc nãy em nói ‘không có gì để kể hết’ nhưng rồi đã tìm được một câu chuyện ngắn đấy, điều đó mới quan trọng.”

Cậu bé đột nhiên lên giọng: “Còn nữa! Còn nữa… Có mẹ em. Mẹ bảo em đánh răng nên em đã đánh răng. Còn nữa! Và em đến trường!”

Thầy hiệu trưởng vỗ tay. Những bạn nhỏ khác cũng vỗ tay theo thật to. Cả phòng học tràn ngập tiếng vỗ tay.

Có lẽ đến khi trưởng thành, cậu bé ấy cũng không quên được tiếng vỗ tay của ngày hôm đó.

Đây là câu chuyện xuất hiện trong tác phẩm Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ. Đọc lại câu chuyện này, đột nhiên tôi như được nhìn lại chính mình. Dù tôi hay nói với các bà mẹ tôi gặp rằng “hãy nuôi dạy con chậm rãi thôi” nhưng không biết tôi có vội vã thúc ép con giống như họ không, tôi có ngăn cản con đường mà bọn trẻ có thể phát huy tài năng theo ý muốn không… Để nuôi con một cách từ tốn, các vị phụ huynh nên sắp xếp lại những điều cơ bản trong lòng, đó là những điều sau:

1. Tình yêu tuyệt đối

Để nuôi con tốt, điều kiện cơ bản của người làm cha làm mẹ là phải luôn ấp ủ “tình yêu”. Điều đó cũng giống như việc nói rằng các con của mình thật đáng yêu.

Chắc hẳn các bậc phụ huynh sẽ hỏi lại ngay: “Trên đời này có cha mẹ nào ghét bỏ con của mình chứ?” Tuy nhiên, tôi đã thấy nhiều người mẹ dù không ghét bỏ con cái nhưng vẫn thiếu tình thương tuyệt đối cho trẻ. Họ nghĩ rằng thương con là chuyện đương nhiên nhưng đó là điều nhầm tưởng của chính phụ huynh, đứa trẻ còn khát khao tình yêu thương của cha mẹ hơn thế.

Tôi đã gặp một người mẹ rất khổ sở vì nhà chồng. Người mẹ này bị đối xử một cách rất bạo lực, chẳng hạn như bị chị chồng ném bất cứ thứ gì đang có trong tay vào người nếu làm gì không vừa ý chị ta. Khi sinh đứa con đầu lòng, tình cờ diện mạo đứa bé lại có nhiều nét giống với người chị chồng. Ban đầu người mẹ xốc lại tinh thần, cố gắng loại bỏ ý nghĩ đó nhưng không thành.

Mâu thuẫn với chị chồng ngày càng sâu đậm hơn nhưng người mẹ không trút giận được với chị chồng nên đã vô cớ đổ hết lên con mình.

Liệu người mẹ này có yêu con mình hay không? Không rõ trong lòng chị như thế nào nhưng đứa trẻ bị thiếu tình thương rất cơ bản mà đáng lẽ được nhận từ mẹ.

Bản năng làm mẹ là bẩm sinh nhưng vẫn cần được nuôi dưỡng. Bản năng làm mẹ chân thành không thể có được khi người mẹ không cố gắng, không vất vả vì con và không trải qua những đấu tranh mâu thuẫn.

Có một người mẹ vì công việc nên đành giao phó việc nuôi con cho người khác trong ba năm nhưng khi mang thai đứa thứ hai, chị nghỉ việc và trở lại chăm sóc con mình. Người mẹ quyết tâm dành thật nhiều tình yêu thương cho đứa con mà bấy lâu nay chị lơ là chăm sóc. Sau khi sinh con thứ hai, người mẹ đã nhận ra sai lầm trước đây của mình.

Đứa con thứ hai do chính tay người mẹ chăm sóc từ khi ra đời, được chị dành cho nhiều mong đợi, nhưng điều đó lại không có đối với đứa con lớn. Dù người mẹ đã cố gắng thay đổi tấm lòng và suy nghĩ sai lầm của mình nhưng điều đó hoàn toàn không dễ. Chị không phân biệt hay đối xử tệ bạc với con đầu lòng nhưng cảm giác day dứt, tội lỗi vì những thiếu sót của mình luôn tồn tại trong chị. Lo lắng lớn nhất của chị là đứa bé sẽ ra sao nếu biết được điều này trong lòng chị.

Không ít bà mẹ cũng chung nỗi niềm như vậy khi cảm thấy mình dành nhiều tình cảm hơn cho đứa con thứ hai, đứa bé mà họ dành nhiều thời gian và công sức hơn để nuôi nấng, ôm ấp. Mối liên kết (bonding) giữa mẹ và con là sự yêu quý, gắn bó giữa hai người có tính tương hỗ, qua lại. Dù người mẹ có yêu con nhưng nếu không được trẻ đồng cảm thì tình yêu ấy cũng chỉ giậm chân tại chỗ. Nhiều bà mẹ đã quyết định nghỉ việc và dành thời gian cho con vì có “cảm giác lạ lẫm” với trẻ.

Trẻ có thể nhận ra tình cảm của mẹ một cách đáng ngạc nhiên. Bằng cảm giác, sự nhạy cảm và qua bầu không khí, trẻ biết được người mẹ đang nghĩ gì, dành cho mình tình cảm thế nào, đôi khi chính xác đến mức vượt quá sức tưởng tượng của người lớn.

Nói tóm lại, để yêu thương trẻ cũng cần thời gian và sự cố gắng. Nếu người mẹ liên tục nỗ lực và thể hiện tấm chân tình thì có thể nuôi dưỡng tình yêu thương lớn dần cho con. Và tình yêu tuyệt đối đó sẽ trở thành nền tảng cơ bản nhất của một người mẹ sáng suốt.

2. Tính nhạy cảm

Khi dành cho con tình yêu đủ đầy, điều kiện tiếp theo cần có là “tính nhạy cảm” của người mẹ – chính là khả năng nắm bắt, nhận biết nhanh và chính xác từng tín hiệu mà trẻ gửi đến. Nói một cách đơn giản, cốt lõi của điều này là người mẹ hiểu được tâm trạng của con đến mức nào.

Lấy việc trẻ khóc làm ví dụ. Nếu là người mẹ nhạy cảm sẽ biết được bé bị đau bụng hoặc khó chịu ở đâu đó nên mới khóc. Trái lại, với người mẹ không biết điều này, cho dù trẻ có khóc đến kiệt sức thì mẹ cũng không tìm được lý do. Người lớn chúng ta luôn có người “chậm một nhịp”, hiểu nôm na là người mà người khác cười xong một lúc rồi mới cười một mình hoặc cười mà không hiểu được lý do thực sự là gì.

Đặc trưng thường gặp của những bà mẹ không nhạy cảm là ra lệnh hoặc ép trẻ làm chuyện gì đó. Trong phòng chơi được chuẩn bị cho việc điều trị, tôi đặt nhiều loại đồ chơi và chỉ cần quan sát cách mẹ chơi cùng trẻ, tôi sẽ nhận ra ngay điều đó. Nếu bé quay lưng lại với mẹ và cứ thế chơi, điều đó chứng tỏ từ lâu bé đã mất sự vui vẻ khi giao lưu tình cảm với mẹ. Có người mẹ xấu hổ trước hành động của con nên xoay người bé lại và cho ngồi với mình. Tuy nhiên, đứa bé lại quay lưng và nhấc một cây gậy sắt dài lên. Người mẹ đưa cho bé con búp bê bên cạnh và nói: “Con định dùng cái đó làm gì? Nguy hiểm lắm, lấy cái này chơi đi.”

Đứa bé cố hết sức để giành lại cây gậy sắt đã bị mẹ lấy mất nhưng người mẹ tảng lờ đi và nhét cây gậy ở một chỗ xa để bé không chạm tới được.

Phải có lý do đứa trẻ này mới cầm gậy sắt trong khi xung quanh cũng có nhiều đồ chơi thú vị khác. Trước đó, bé tìm thấy cây đàn xylophone giữa đống đồ chơi và gõ vào đó. Nếu nhạy cảm một chút, người mẹ có thể hiểu ngay vì sao con mình cầm cây gậy và định làm gì. Và người mẹ sẽ không đưa cho bé con búp bê mà một vật gì khác để gõ vào xylophone thay vì dùng gậy sắt.

Đứa trẻ nổi cáu với mẹ và bắt đầu khóc. Người mẹ dỗ dành con một lúc rồi nháy mắt ra hiệu cần tôi giúp đỡ vì không thể tiếp tục như thế được. Khi kết thúc trò chơi, tôi yêu cầu người mẹ ngồi lại và nói chuyện về vấn đề sự nhạy cảm của người mẹ. Chị lắng nghe rồi nói với tôi bằng vẻ ấm ức: “Tính tôi vốn như thế rồi.”

Không có ai sinh ra đã không có chút nhạy cảm nào, nhưng nếu không quan tâm đến con từ khi còn nhỏ thì người mẹ sẽ ngày càng vụng về trong việc hiểu tình cảm của bé.

Nhưng cũng như tình yêu, sự nhạy cảm có thể nuôi dưỡng được. Không phải có câu: “Phụ nữ thì yếu đuối nhưng người mẹ lại mạnh mẽ” hay sao. Nếu người làm mẹ nói rằng mình không nhạy cảm với trẻ vì tính cách bẩm sinh của mình thì không thật thuyết phục. Trước khi nói ra như vậy, hãy nhìn lại xem hoàn cảnh nuôi dạy trẻ ra sao, mình đã chuẩn bị để làm mẹ như thế nào.

Có một trường hợp, người mẹ thường cãi nhau với chồng dù chỉ là những chuyện nhỏ nhặt. Chuyện cãi vã, xích mích với chồng cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày khiến cô ấy tiêu phí hết sức lực lẽ ra phải dành cho con. Ban đầu người mẹ còn âu yếm con được một hai lần, dần dần việc đó không còn nữa. Thậm chí có lúc cô còn cho con dùng đồ ăn của ngày hôm trước. Người mẹ nghĩ chuyện đó không có gì quan trọng nhưng sự quan tâm của chị dần ít đi và càng lúc chị càng thờ ơ với những biểu hiện của bé.

Các bà mẹ không đọc đúng các biểu hiệu của con cần phải sửa ngay khuyết điểm này. Để có thể trả lời đúng cho câu hỏi: “Khi còn nhỏ, con muốn điều gì?”, các mẹ nên cố gắng luyện tập tính nhạy cảm của mình. Điều này không thể đạt được ngay lập tức nhưng nếu nhìn những người mẹ nuôi con giỏi xung quanh và không ngừng nỗ lực thì tình hình có thể khác đi rất nhiều.

Nếu người mẹ gặp vấn đề với mọi người xung quanh thì phải tìm ra nguyên nhân và sớm giải quyết mâu thuẫn ấy. Nếu buồn bực, phải tìm ra nguyên nhân và loại bỏ nó. Nếu quá bận rộn, hãy nhờ những người xung quanh giúp đỡ. Nếu có mâu thuẫn với chồng, hãy tìm ra điểm thỏa hiệp và xây dựng nguyên tắc chung giữa hai người.

Dù kết quả của quá trình rèn luyện tính nhạy cảm là điều không thể nhìn thấy ngay được, nhưng nếu nhận thức rằng đó là yếu tố quan trọng nhất đối với sự trưởng thành của trẻ thì chắc chắn người mẹ sẽ biết cách để thực hiện. Vì vậy khi nuôi con, cha mẹ nên chú ý tới việc nuôi dưỡng sự nhạy cảm của chính mình.

3. Khả năng phản ứng

Khi cha mẹ đã có được sự nhạy cảm, điều tiếp theo mà cha mẹ cần là khả năng phản ứng phù hợp. Nếu chỉ nhạy cảm nhận biết những tín hiệu của trẻ mà không có phản ứng cần thiết sẽ khiến trẻ dồn nén trong lòng nỗi bất mãn về những mong muốn không được đáp ứng. Nhất là thuở ấu thơ, trẻ có nhiều tín hiệu liên quan đến các nhu cầu cơ bản như ăn, ngủ, đi vệ sinh và chơi đùa, nếu cha mẹ không có phản ứng nhanh trước những dấu hiệu của con thì bé sẽ gặp trở ngại nghiêm trọng trong việc hình thành tính cách.

Thông thường, khi nói đến phản ứng, chúng ta thường nghĩ tới cách cư xử biểu hiện qua ánh mắt. Tôi biết có một người mẹ mang thai đứa con thứ hai ngay sau khi sinh con đầu lòng chưa được bao lâu. Lúc chỉ có con đầu lòng, người mẹ có thể nuôi con mà không gặp khó khăn đặc biệt nào nhưng khi tiếp tục sinh đứa thứ hai, mệt mỏi chất chồng, chị thấy mọi thứ như rối tung. Đứa lớn trở nên cáu kỉnh, còn đứa nhỏ chỉ khóc suốt ngày, ngay cả người chồng cũng không giúp được gì nên chị tìm đến tôi. “Dù tôi biết vì sao đứa nhỏ khóc nhưng đứa lớn làm tôi mệt bở hơi tai rồi nên tôi không làm gì được cho đứa nhỏ.”

Như vậy, phần lớn các bà mẹ không có phản ứng phù hợp với tâm trạng của con là do cơ thể yếu ớt hoặc tinh thần quá mệt mỏi vì làm việc nhà và nuôi con hay bị căng thẳng bởi công việc quá sức. Dẫu vậy, sự phản ứng của người mẹ ở chừng mực nào đó rất quan trọng với quá trình trẻ trưởng thành và xây dựng tính độc lập. Nếu người mẹ bỏ lỡ giai đoạn này vì những lý do như mệt mỏi hay có quá nhiều thứ phải để tâm khác thì sẽ gây ra nhiều trở ngại sau này. Vì vậy các bà mẹ nên ăn uống đầy đủ, thậm chí dùng cả thuốc bổ để cân bằng sức khỏe; ngoài việc nuôi dạy con cái ra, hãy giải phóng bản thân khỏi những thứ khiến mình ngột ngạt như nhà cửa, bếp núc… bằng cách nhờ sự giúp đỡ của chồng.

Cũng có những trường hợp phát sinh vấn đề vì người mẹ phản ứng thái quá trước tín hiệu của trẻ. Có thể mong muốn của bé không lớn nhưng mẹ đã vội vàng phản ứng ngay. Xu thế cha mẹ mắc phải những lỗi này ngày càng nhiều khi việc giáo dục sớm được đón nhận rộng rãi.

Ví dụ điển hình cho kiểu phản ứng này là các bà mẹ sẽ mở sách truyện nếu thấy con mình nhận biết được một chữ cái. Gần đây có nhiều đồ chơi giáo dục dành cho các bé rất nhỏ, cha mẹ nghĩ rằng chúng tốt cho sự phát triển trí tuệ nên mua cho con mà không suy xét trước sau. Nhưng điều cần lưu ý là cha mẹ nên tranh thủ vừa chơi vừa dạy bé nếu bé thực sự thấy vui. Đừng làm theo suy nghĩ của mẹ mà hãy phản ứng theo hành động của trẻ, đừng phạm sai lầm khi thể hiện phản ứng nóng vội hoặc vô lý chỉ vì tham vọng của mẹ.

4. Tính nhất quán

Điều kiện cuối cùng mà cha mẹ cần có là tính nhất quán. Dù phản ứng nhạy cảm với những tín hiệu của trẻ nhưng không có nghĩa là cha mẹ thay đổi tùy theo tâm trạng của mình.

Tất nhiên không thể đáp ứng được mọi điều trẻ muốn vì cha mẹ nào có cũng có tâm trạng riêng. Nhưng nếu coi cha mẹ là đối tượng giao lưu đầu tiên của trẻ thì bé sẽ cảm thấy rất hỗn loạn khi cha mẹ tùy tiện làm mọi thứ theo tâm trạng của bản thân. Bởi vì trẻ hoàn toàn không có khả năng cân nhắc trạng thái tình cảm của đối phương qua ánh mắt như người lớn.

Khi nghe điều này, phần lớn các phụ huynh đều hỏi ngay: “Vậy phải đối diện với con bằng tiêu chuẩn ra sao?”

Mỗi đứa trẻ trên đời có lẽ đều tồn tại cá tính riêng nên không có cái gọi là tiêu chuẩn phổ biến, thông dụng cho bất kỳ bé nào. Mỗi nguyên tắc đều khác nhau tùy theo tố chất của người mẹ, tính cách bẩm sinh của trẻ và hoàn cảnh sống.

Trong các sách hay tạp chí về nuôi con thường có những câu như “nhất định phải giữ nguyên tắc…”, “phải làm sao khi đối diện với trẻ…” và trình bày nhiều nguyên tắc nuôi con nhưng cha mẹ đừng nên quá chú ý đến những điều đó. Tất nhiên, trong tình huống không biết phải làm gì, cha mẹ có thể tìm kiếm lời khuyên từ xung quanh nhưng lời khuyên cũng chỉ là lời khuyên. Có những bậc cha mẹ cố ép mình làm theo các nguyên tắc mà không biết rằng điều đó không tốt cho cả cha mẹ và trẻ nhỏ.

Một điều không được quên là phải kiểm điểm trước những yếu tố sẽ cản trở thái độ nhất quán của cha mẹ.

Có một người mẹ không dạy được cho con điều mình tin là đúng chỉ vì mâu thuẫn trong quan niệm nuôi con với mẹ chồng. Mẹ chồng là một người rất cứng nhắc, người mẹ lại thuộc tuýp người thiếu chính kiến nên khi có mâu thuẫn, chị thường bỏ qua suy nghĩ của mình và làm theo ý mẹ chồng. Cứ như vậy, người mẹ không thể cho con thấy được thái độ nhất quán của mình, đồng thời khí chất của đứa trẻ sau này cũng trở nên phức tạp. Lời khuyên tôi dành cho người mẹ là vì đứa trẻ, chị nên tách khỏi mẹ chồng trong vòng một năm hoặc phó thác hoàn toàn việc nuôi con cho mẹ chồng. Cho trẻ hoàn toàn thích ứng với một thái độ nuôi dạy nhất quán mới thực sự tốt cho sức khỏe tinh thần của trẻ.

Một người mẹ khác đến gặp tôi cách đây không lâu than thở rằng việc nuôi con thật vất vả và căng thẳng. Sau khi kết hôn, cô ấy vẫn sống gần nhà mẹ đẻ nhưng sau đó phải chuyển đến gần chỗ làm của chồng vì yêu cầu công việc. Lúc trước có mẹ và chị gái ở gần giúp sức nhưng khi chuyển đến chỗ xa xôi, chỉ có một mình, cô bỗng trở nên trầm cảm. Chứng trầm cảm trở nên nghiêm trọng và số ngày cô nổi giận với con cũng nhiều lên. Tuy thấy mình có lỗi với con nhưng cô vẫn không thể sửa chữa được.

Vấn đề cốt lõi là người mẹ này chưa trưởng thành về mặt tinh thần, tuy nhiên đây không phải chuyện có thể giải quyết được trong thời gian ngắn. Nghĩ về những xáo trộn trong tâm lý mà con mình đang hứng chịu, cuối cùng cô ấy lại chuyển về sống gần mẹ đẻ của mình.

Điều quan trọng hơn cả là người mẹ không được đánh đồng tâm trạng của mình với thái độ khi đối diện với con. Có những bà mẹ khi tâm trạng tốt thì dành cho con tình thương vô bờ bến nhưng nếu có chuyện gì không vui thì vô cớ trút giận lên trẻ. Hãy luôn luyện tập trong đầu suy nghĩ tách trẻ khỏi hoàn cảnh xung quanh mình. Không phải cha mẹ nào cũng tạo được thái độ nhất quán với con cái trong thời gian ngắn, vì thế rất cần nuôi dưỡng lòng kiên trì trước khi xây dựng những nguyên tắc. Chỉ cần có lòng kiên trì, chắc chắn cha mẹ sẽ nhìn thấy con đường mình phải đi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.