Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Không nên tin tuyệt đối vào chỉ số IQ



Có lần, tôi tình cờ xem cảnh đôi vợ chồng trẻ cãi nhau vì chuyện nuôi dạy con cái trong một bộ phim truyền hình. Lúc kết thúc cuộc hội thoại, người chồng hét lên: “Thằng bé đầu óc giống cô nên mới không học được! IQ của cô là bao nhiêu hả?”

Thực tế trong cuộc sống của chúng ta, những chuyện thế này xảy ra thường xuyên. Nhiều người nghĩ đến việc kết hôn với người có đầu óc thông minh để con cái sau này phần nào được thừa hưởng điều đó. Nếu chỉ số IQ của trẻ không đạt được như mong đợi thì các bà mẹ tuyệt vọng đến mức như thể cuộc đời của con chấm dứt ngay tại đó vậy.

Những người mẹ tìm đến tôi cũng không ngừng hỏi về chỉ số IQ. Hãy cùng tôi tìm hiểu những điều thực hư của loại chỉ số mà các bà mẹ đã quá chú trọng này nhé.

Bài kiểm tra trí tuệ đầu tiên có ý nghĩa trong lịch sử cận đại là của Binet, một học giả người Pháp vào năm 1905. Chính phủ Pháp đã yêu cầu Binet xây dựng bài kiểm tra nhằm tìm ra những trẻ có trí tuệ quá kém, không thể tiếp nhận sự giáo dục ở trường học. Sau khi giả định rằng trẻ tối dạ phát triển trí tuệ thua kém trẻ bình thường nên có những hành động trẻ con hơn so với độ tuổi, Binet đã tạo ra công thức như sau.

Chỉ số trí tuệ (IQ) = Tuổi trí tuệ (MA = Mental Age)/ Tuổi thực tế (CA = Chronological Age) x 100

Tuổi trí tuệ là điểm kiểm tra trí tuệ của trẻ được đo theo bài trắc nghiệm, còn tuổi thực tế là điểm bình quân của đa số trẻ. Theo công thức này, trường hợp trẻ làm tốt hơn so với năng lực bình quân thì đạt chỉ số trên 100, còn ngược lại sẽ nhận chỉ số dưới 100.

Điều đáng chú ý là việc kiểm tra trí tuệ vốn dĩ được xây dựng nhằm mục đích phân biệt trẻ thiểu năng với trẻ bình thường. Và một điều thú vị nữa là chỉ số IQ của trẻ được kiểm tra sẽ thay đổi trong biên độ mười điểm tùy theo tâm trạng của trẻ. Ví dụ nếu kiểm tra lại trẻ có chỉ số IQ là 130 thì có nhiều trường hợp chỉ số đó giảm xuống còn 120.

Một điều khó chịu hơn là nếu cứ tiếp tục sử dụng kết quả kiểm tra học tập như một yếu tố phản ánh chỉ số trí tuệ của đứa trẻ thì lại thấy con số đó tăng dần. Nếu kiểm tra trí tuệ định kỳ sáu tháng một lần thì chắc chắn chỉ số IQ sẽ tăng lên. Nếu có người mẹ nào bị trói buộc bởi quan niệm chỉ số IQ của trẻ chỉ ở một giới hạn nhất định thì ngay từ bây giờ hãy bắt đầu cho con kiểm tra trí tuệ định kỳ. Dù kết quả không khiến cha mẹ hài lòng hoàn toàn nhưng chỉ số IQ của trẻ có thể tăng lên một mức nào đó.

Vậy rốt cuộc, chỉ số IQ mà chúng ta biết chỉ là ảo tưởng mà thôi. Bởi vì chỉ số đó dao động lên xuống trong biên độ mười điểm tùy theo tâm trạng và nếu kiểm tra lại thì chỉ số có thể tăng lên. Mục đích ban đầu của việc kiểm tra trí tuệ là phân biệt trẻ bình thường và trẻ thiểu năng, theo đó, kết quả đạt được sau khi kiểm tra nếu vượt 100 thì trẻ không gặp phải vấn đề gì. Nghĩa là, với bất cứ trẻ nào có chỉ số IQ trên 100, người ta kết luận rằng xem như trẻ đạt điều kiện để học tập tốt.

Sự thật là chỉ số trí tuệ chỉ là trò chơi của các con số, có người sẽ thắc mắc rằng “Vậy thì không có tiêu chuẩn nào để xét đoán trí tuệ con người hay sao?”

Khi phán đoán trí tuệ của trẻ, tôi thấy có ba khía cạnh lớn, đó là IQ phân tích (Analytical), IQ thực hành (Practical) và IQ sáng tạo (Creative).

Chỉ số IQ chúng ta thường biết đến chỉ đo lường dựa trên khả năng phân tích – đó là khả năng nắm bắt và phân tích hiện tượng. Nghĩa là khả năng phân loại, thuộc lòng và biến chúng thành cái của mình khi nhận được kích thích mới mẻ. Tuy nhiên để thu được chỉ số IQ chính xác thực sự, ngoài điều này, cần đo lường cùng với hai khía cạnh trí tuệ còn lại.

Trước hết là IQ thực hành – khả năng ứng dụng một cách dễ dàng tri thức học được vào đời sống thực tế.

Vì vậy trẻ vượt trội về khả năng này cũng vượt trội về cảm nhận hiện thực và tính xã hội. Những trẻ này hiểu rõ cảm xúc và điều chỉnh tốt các mối quan hệ với người khác, đồng thời cũng bộc lộ đặc trưng rõ nét về năng lực ngôn ngữ. Thông thường, IQ thực hành ở bé gái có khuynh hướng cao hơn so với bé trai. Ngoài ra, những trẻ thích ứng tốt với môi trường học đường và học lực tốt thường có IQ thực hành vượt trội.

Ngược lại với điều này, IQ sáng tạo là khả năng không nhìn sự vật theo khuôn mẫu sẵn có mà luôn theo cách nhìn mới mẻ. Vì vậy, trẻ có chỉ số IQ sáng tạo vượt trội ngoài những suy nghĩ bình thường còn có nhiều thắc mắc và hành động độc đáo.

Cho nên, nhiều trường hợp trẻ có chỉ số IQ sáng tạo vượt trội trong khi IQ thực hành lại kém và ngược lại.

Con trai lớn Kyeong-mo của tôi là một ví dụ tiêu biểu. Cháu có IQ sáng tạo cao nhưng IQ thực hành lại hơi kém. Cháu thích một mình suy nghĩ và nghiên cứu rồi nhìn nhận sự vật theo cách mới nhưng lại hoàn toàn không có mối quan tâm nào đến việc giao lưu và thích ứng với thế giới bên ngoài.

Theo Piaget – học giả nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em nổi tiếng thế giới, cho rằng trí tuệ là khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới mẻ. Nếu vậy thì ba loại chỉ số IQ tôi đề cập đến đều quan trọng. Hãy thử đặt giả thuyết một người chỉ có IQ phân tích cao nhưng lại thiếu IQ thực hành và IQ sáng tạo – nghĩa là người đó không có khả năng áp dụng tri thức có được vào thực tế và không nhìn nhận được hiện tượng theo cách nhìn mới, thì tất nhiên khả năng giải quyết vấn đề cũng kém đi và khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới cũng yếu hơn so với người khác. Vì vậy, nếu muốn đánh giá khả năng trí tuệ, cần xem xét cả ba yếu tố IQ nói trên. Vấn đề là, chỉ riêng IQ phân tích có thể đo lường qua số liệu chính xác, còn hai loại IQ kia thì không thể.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận giá trị của hai chỉ số IQ này dù không số liệu hóa được chúng. Nói cách khác, chỉ số IQ chúng ta đang biết hiện nay không thể là tiêu chuẩn tuyệt đối để phán đoán năng lực của con cái. Cho nên cha mẹ không có lý do gì để tự hào nếu IQ của con cao hay lo lắng khi IQ của con thấp. Những bà mẹ thấy con mình có chỉ số IQ cao mà nhầm tưởng trẻ giỏi giang hơn người nên bắt trẻ học hành một cách vô lý cần nhanh chóng thoát khỏi ảo tưởng về IQ. Hãy nhớ rằng giây phút chúng ta tin vào chỉ số IQ thì con cái của chúng ta có thể rơi vào nỗi bất hạnh không thể cứu vãn được.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.