Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Hãy cố tình để trẻ phạm lỗi



Có lần tôi vào phòng các con và thấy Kyeong-mo đã thức dậy dù chưa được tôi đánh thức. Một suy nghĩ thoáng qua trong tôi: “Đây có đúng là con trai Kyeong-mo của mình không nhỉ?”

Cậu bé được mệnh danh là “ông vua chậm trễ” vì tính lề mề như Kyeong-mo mà lại chịu mở mắt vào sáng sớm khi chưa được đánh thức thì chắc chắn có lý do nào đó. Tôi im lặng quan sát con thì thấy ánh mắt Kyeong-mo nhìn tới nhìn lui trên bàn học để tìm kiếm cái gì đó. Sau một hồi lục lọi ngăn kéo, Kyeong-mo hỏi tôi: “Mẹ có thấy giấy màu của con không?”

Một lần nữa Kyeong-mo lại khiến tôi ngạc nhiên. Vì chưa bao giờ Kyeong-mo tự mình chuẩn bị đồ dùng học tập.

“Con dùng giấy màu làm gì thế?”

“Lúc cô giáo bảo đem theo giấy màu thì cả lớp ồn ào hết lên. Chắc là cũng có bạn không nghe thấy nên sẽ không đem theo đó mẹ.”

Một đứa trẻ không chuẩn bị đầy đủ đồ dùng của chính mình như Kyeong-mo bây giờ lại nghĩ cho các bạn, thật sự là một hành động đáng cảm kích. Không ngờ “đơn thuốc cực mạnh” của tôi lại phát huy tác dụng đến vậy. Chuyện xảy ra khi Kyeong-mo học lớp Bốn.

Suốt ba năm học trước đó, Kyeong-mo không thể sửa được thói quen không chuẩn bị đồ dùng học tập cho mình. Dù đã có tờ giấy ghi chú những thứ đồ cần chuẩn bị trước khi đến trường nhưng hôm nào Kyeong-mo cũng bỏ quên một hai thứ ở nhà. Ba năm học đó là cả ba năm tôi phải theo sau con và chuẩn bị mọi thứ cho con. Tôi không thể mãi giúp con việc này được, hơn nữa, đó cũng là điều tôi không nên làm hộ mà con phải tự mình thực hiện, vì vậy tôi đã kê một “đơn thuốc cực mạnh” cho Kyeong-mo:

“Hãy bỏ mặc con một lần xem sao.”

Ngày hôm ấy, cô giáo dặn cả lớp đem theo giấy màu để dùng vào giờ học mỹ thuật nhưng hôm ấy Kyeong-mo lại để quên ở nhà.

“Kyeong-mo à, em không quên mang giấy màu đó chứ?”

Dù tỏ ra bình thản với sự sơ suất của mình nhưng trong lòng con thấy rất bối rối. Khi tôi trở về nhà vào buổi tối, Kyeong-mo như không còn chút sức sống.

“Mẹ ơi, hôm nay con bị mắng nhiều lắm.”

Kyeong-mo kể lại mọi chuyện bằng giọng như trách móc, than phiền. Sự việc này chưa từng xảy ra nên có vẻ như đã khiến con khá hốt hoảng.

“Con thiếu đồ dùng nên không học được à?”

Tuy nhiên đó có vẻ như không phải là điều con muốn nói đến vì Kyeong-mo đã mượn được giấy màu thừa của các bạn để học.

Nếu giống như trước đây thì người mẹ như tôi sẽ nói mấy lời mà con không thích nghe nhưng lần này tôi lại cho qua. Sự việc hôm ấy có lẽ đã để lại cú sốc khá sâu đối với Kyeong-mo. Sau đó, thỉnh thoảng Kyeong-mo cũng phạm lỗi vì quên cái này cái kia nhưng tần số đã giảm đi nhiều.

Bình thường Kyeong-mo rất ghét người khác động vào đồ đạc của mình, đặc biệt, con rất ghét người khác để ý đến việc con mặc quần áo. Nếu có ai can thiệp vào chuyện áo quần thì chắc chắn sẽ nhận được cơn giận dữ của con. Một buổi sáng nọ, tôi nhìn thấy Kyeong-mo mặc áo ngược. Nhìn cái nhãn mác nằm phía bên ngoài mà tôi phì cười. Nếu như bình thường thì dù Kyeong-mo có bực mình, tôi cũng bắt con mặc lại cho đúng nhưng hôm ấy tôi cố ý vờ như không biết gì. Với bộ dạng đó đến trường không biết bạn bè Kyeong-mo ngạc nhiên đến mức nào và có lẽ con đã rất bối rối. Sau lần ấy, mỗi lần mặc quần áo xong xuôi, Kyeong-mo lại chạy đến chỗ tôi và hỏi: “Mẹ ơi, con mặc đúng chứ?” Với một đứa trẻ khăng khăng ăn mặc theo ý mình và từng không thích ai can thiệp vào như Kyeong-mo thì hành động ấy là một sự biến đổi lớn.

Sự biến đổi này còn được thể hiện cả trong việc học tập. Khi giải bài tập toán, Kyeong-mo có thói quen chỉ nhìn qua và tính nhẩm là đã viết ngay đáp án. Đây là hành động thường thấy ở những trẻ em giảm khả năng tập trung, vì vậy tôi bắt con phải viết ra cách giải. Thế nhưng một ngày kia, nhìn vào vở toán của Kyeong-mo, tôi chỉ thấy đề bài và đáp án được viết trong đó. Lúc đó tôi chỉ muốn truy hỏi “Sao con không làm theo điều mẹ bảo?” nhưng tôi đã cố nén lại. Tôi chỉ quan sát việc học hành của con và làm như không biết gì…

Khoảng một tuần trôi qua. Kyeong-mo đem bài thi môn toán với điểm số quá tệ về nhà. Vì con chỉ tính nhẩm rồi viết đáp án ra nên đã có nhiều câu sai. Nhưng tôi đã không nói lời nào về chuyện này. Tuy nhiên tối hôm ấy, tôi đã thấy con cặm cụi ngồi viết cách giải từng bài toán, chật kín cả quyển vở. Con nói với tôi rằng: “Con làm thế này sẽ không bị sai nữa.”

Dù thỉnh thoảng vẫn lén tính nhẩm và chỉ viết đáp án nhưng sau lần đó, tôi không phải nhắc nhở Kyeong-mo viết cách giải vào vở nữa. Sau khi con biết chính xác hậu quả của những lỗi lầm thì dù không ai bắt buộc, con cũng hiểu ra và cố gắng không phạm lỗi nữa.

Nhìn chung các bà mẹ đều nghĩ rằng nếu trẻ làm sai thì sẽ bị chỉ trích, nhắc nhở ngay lập tức. Bản thân tôi cũng vậy. Tuy nhiên, không phải lúc nào trẻ cũng sửa chữa sai phạm khi có cha mẹ uốn nắn. Trái lại, thay vì uốn nắn cho trẻ đi đúng hướng, việc cha mẹ cố tình bỏ mặc trẻ lại tạo ra những hiệu quả không ngờ tới. Đây chính là hiệu quả feedback (phản hồi) thông qua sai phạm.

Người lớn cũng có phản hồi này nhưng hiệu quả phản hồi thông qua sai phạm trong trường hợp của trẻ lớn hơn nhiều so với chúng ta nghĩ. Bởi vì những kết quả không mong đợi sẽ để lại ấn tượng mãnh liệt với trẻ trong các tình huống sau đó. Với những trẻ còn rất nhỏ, thay vì cảnh báo con rằng “đừng chạm vào đồ nóng” thì việc cố tình cho trẻ chạm tay vào vật nóng cũng có ý nghĩa tương tự.

Những sai phạm nhỏ này có thể trở thành nền tảng cho việc học tập lớn hơn. Vì vậy, tôi đã cố tình để cho Kyeong-mo hoặc Jeong-mo trải qua những sai phạm. Thỉnh thoảng tôi cũng giả vờ không biết những lỗi lầm mà các con thường mắc phải – điều này không chỉ trở thành lối thoát khiến con trẻ thấy dễ chịu mà còn trở thành nguồn động lực để con tự mình giải quyết vấn đề. Cho nên, cha mẹ cần rộng lượng khi quan sát những sai phạm nhỏ của con mình vì sự phát triển lâu dài. Quý vị đừng quên một sự thật là, bài học mà trẻ nhận được từ một lần phạm lỗi còn lớn hơn từ mười lần dạy dỗ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.