Đừng Ép Con “Khôn” Sớm
Hãy thử xét xem mình có tư cách làm cha mẹ hay không?
Tôi từng nghe câu nói: “Trời sinh voi, trời sinh cỏ.” Câu nói này có thể giải thích theo nhiều nghĩa khác nhau, nhưng với tư cách là một bác sĩ khoa tâm thần trẻ em và là người mẹ đang nuôi hai con thì tôi không tán đồng câu nói này. Vì trước hết câu này có nghĩa là, chỉ cần được sinh ra thì dù thế nào đi nữa, đứa trẻ đương nhiên sẽ lớn lên và làm vui lòng cha mẹ.
Thực tế, không có suy nghĩ nào nguy hiểm như điều này. Đúng là về mặt thể chất, nếu trứng của người nữ và tinh trùng của người nam gặp nhau thì sẽ tạo thành bào thai. Nhưng để nuôi nấng một đứa trẻ, người ta còn phải đáp ứng được những điều kiện cần thiết khác. Nếu có con khi tâm lý chưa sẵn sàng thì cả cha mẹ lẫn trẻ đều buồn phiền và chắc chắn bất hạnh sẽ tìm đến cuộc sống của họ.
Có lần, một cô gái mới sinh con đầu lòng đã cùng mẹ đẻ đến phòng khám của tôi. Cô gái có khuôn mặt trẻ hơn độ tuổi ngoài hai mươi của mình. Chỉ cần nhìn qua khuôn mặt của bà mẹ trẻ tôi đã thấy ngay sự lo lắng.
Nguyên nhân là đứa bé đầy năm khó chịu trong người và hay quấy khóc khiến người mẹ rất vất vả. Tuy nhiên, mọi chuyện đều do người mẹ đẻ giải thích, còn cô con gái trẻ đang nuôi con của bà chỉ im lặng ngồi bên. Biểu hiện ngây thơ của cô nói lên rằng: “Tôi chẳng biết gì cả.” Tôi cảm thấy trên thực tế, người vất vả trong chuyện nuôi đứa bé chính là người mẹ đẻ, chứ không phải cô gái trẻ kia. Hỏi qua mấy câu, tôi biết cô gái mang thai ngoài ý muốn rồi sinh con nhưng cô ấy chưa đủ trưởng thành về tâm lý, vẫn mang suy nghĩ của tuổi dậy thì. Tôi có cảm giác không phải mình đang đối diện với một bà mẹ trẻ mà là đang trò chuyện với cô nữ sinh cấp ba giàu tình cảm. Cô gái sống dựa dẫm vào người mẹ đẻ, ngay cả đời sống hôn nhân cô ấy còn chưa thích ứng được, nói gì tới tư cách là một người mẹ.
Không biết nếu nói rằng “đứa con của một người mẹ trẻ như vậy gặp phải vấn đề là điều đương nhiên” thì có nặng lời quá hay không, nhưng thực tế là vậy. Nếu cha mẹ không chuẩn bị những điều mà người làm cha, làm mẹ nhất thiết phải có thì rốt cuộc đứa trẻ sẽ lớn lên trong sự thiệt thòi. Hiện tại, bản thân họ chưa nhận ra điều đó nhưng tôi đã gặp rất nhiều cặp cha mẹ, những người chưa sẵn sàng với việc kết hôn ở phòng khám của mình. Họ không có thiếu sót về mặt nhân cách nhưng đa số sẽ gặp bất ổn khi nuôi con. Nếu trước khi sinh con, mỗi người đều có cơ hội nhìn lại bản thân, dù chỉ một lần, xem mình đã sẵn sàng làm cha mẹ hay chưa thì về sau, họ sẽ không phải hối hận vì quá vội vàng sinh con hoặc phải trải qua những mâu thuẫn trong quá trình nuôi dạy trẻ.
Đương nhiên, tiêu chuẩn để trở thành cha mẹ với từng người sẽ khác nhau, tùy theo hoàn cảnh bản thân và quan điểm cá nhân, nhưng nhìn chung, những điều “nhất định phải có” như sau:
1. Phải thích nghi với đời sống hôn nhân
Hai con người có cuộc sống trước đây hoàn toàn khác nhau, giờ gặp nhau và cùng chia sẻ cuộc sống chung không phải là điều dễ dàng như ta vẫn nghĩ. Hơn nữa, người vợ còn phải tìm cách xây dựng tổ ấm, lo liệu việc đối nội đối ngoại hai bên gia đình. Như vậy, người vợ phải thích ứng với những điều mới mẻ, bắt đầu từ việc nội trợ vặt vãnh đến những chuyện lớn nhỏ trong nhà, đương nhiên là cả vấn đề kinh tế. Nếu phụ nữ gặp người chồng có khuynh hướng gia đình và được sẻ chia, giúp đỡ thì thật may mắn. Nhưng nếu ngược lại thì khi đứng trước chuyện nuôi dạy con cái, người mẹ phải dung hòa mọi thứ và tạo môi trường yên ổn để đứa trẻ được lớn lên trong sự bình an, thoải mái.
Nuôi nấng đứa con đầu lòng càng khó khăn gấp bội bởi đa số phụ nữ đều sinh và nuôi con đầu lòng trước khi thích ứng được với đời sống hôn nhân nên việc nuôi dạy trẻ chẳng khác nào gánh hòn đá tảng.
Trước tiên, mức độ thích ứng của người vợ được đánh giá qua mối quan hệ hòa hợp với chồng. Nếu xét từng việc nhỏ nhặt và tế nhị như việc ngủ cũng có thể đoán biết mức độ hòa hợp giữa vợ và chồng ra sao. Mức độ giúp đỡ của người chồng trong công việc nhà cũng là vấn đề cần xem xét và phân tích. Cả những người vợ ở nhà nội trợ cũng cần chồng đỡ đần. Cần loại bỏ suy nghĩ thông thường rằng phụ nữ không đi làm thì đương nhiên phải đảm đương tốt việc nội trợ song song với nuôi dạy con cái. Những người từng trải sẽ hiểu rõ rằng điều này không hoàn toàn tuân theo ý muốn của họ.
Điều kiện kinh tế cũng rất quan trọng. Dù giá sữa, giá bỉm chỉ là một yếu tố nhỏ nhưng từ đó có thể nảy sinh nhiều vấn đề trong quá trình nuôi dạy trẻ những năm tháng đầu đời. Nếu kinh tế không đảm bảo, người mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi và điều này dẫn đến áp lực, căng thẳng khi nuôi dạy con.
Mối quan hệ với gia đình nhà chồng là điều không thể phớt lờ. Trong số những người đến trung tâm của tôi để được tư vấn, có người vừa kết hôn đã mang thai ngay. Vì cô ấy có thai quá bất ngờ nên người mẹ chồng hoang mang, dẫn đến ngã bệnh. Khi đó, người phụ nữ vừa phải chăm sóc cho mẹ chồng, vừa phải lo chuyện trong nhà, lại phải chú ý đến đứa bé trong bụng nên cả tinh thần và thể chất đều suy kiệt, rã rời.
Tình huống đó không ai mong muốn nhưng nếu nghĩ cho đứa con trong bụng đang lớn lên từng ngày, mỗi người cần tìm cho mình giải pháp tối ưu nhất.
2. Phải có hiểu biết cơ bản về trẻ em
Tôi từng điều trị một thời gian dài cho một đứa trẻ, được gọi là thần đồng tiếng Anh và từng xuất hiện trên tivi qua bài kiểm tra đánh giá độ thông minh. Tuy nhiên, khi đối diện với bài kiểm tra, ánh mắt của bé chứa đầy nỗi bất an. Sau khi cuộc kiểm tra kết thúc, bé vừa chăm chăm chờ kết quả vừa run lên vì lo lắng. Đa số trẻ từ 3 đến 4 tuổi không để tâm đến việc trả lời đúng hay sai, nhưng đứa bé này lại quá chú ý đến kết quả.
Người mẹ nói rằng không biết tại sao con mình lại như vậy và bật khóc. Nhưng sau khi tìm hiểu, tôi mới biết rằng ngay từ khi bé còn rất nhỏ, người mẹ đã bắt con phải học tiếng Anh theo thời gian quy định. Nếu bé không làm theo thì sẽ bị mắng mỏ thậm tệ. Ở độ tuổi cảm nhận tình yêu thương của mẹ dành cho mình và xây dựng niềm tin vào cuộc sống dựa trên tình cảm ấy, nếu trẻ bị bắt ép học tập những thứ đòi hỏi năng lực suy nghĩ quá mức sẽ dễ mắc phải những tổn thương tâm lý. (Xin nói thêm, năng lực suy nghĩ ở trẻ bắt đầu hình thành vào khoảng 3-4 tuổi).
Không phải là tôi không hiểu được tấm lòng của người mẹ ấy. Chị yêu con mình hơn ai hết và mong muốn bé phát triển tốt, nhưng chị thiếu sự thấu hiểu trẻ nhỏ. Nếu có thể nuôi con tốt chỉ bằng tình thương yêu hay sự nhiệt tình thì sao vai trò làm cha làm mẹ lại khó khăn đến vậy? Thấu hiểu trẻ em là điều tôi luôn nhấn mạnh với các bà mẹ, tuy nhiên mỗi hành động của trẻ đều có lý do riêng. Có những hành động xảy ra bất ngờ mà nguyên nhân nằm giữa bản năng và chủ ý, đó là biểu hiện của khát vọng sinh tồn. Ngay cả khi trẻ thực hiện những hành động giống nhau thì chúng cũng xuất phát từ nhiều lý do khác biệt.
Mút tay là một trong những thói quen phổ biến nhất của trẻ. Những lời khuyên trong các tạp chí hay sách nuôi dạy trẻ thường chung chung, không hấp dẫn. Trẻ mút tay sẽ phát sinh những vấn đề như ảnh hưởng xấu đến răng về sau nên cần phải sửa thói quen này ngay từ nhỏ – điều này không sai nhưng cần phải sửa chữa thói quen này của trẻ như thế nào thì không phải ai cũng làm đúng. Cách xử lý chúng ta đọc được không thể phù hợp với mọi đứa trẻ.
Hành vi mút tay của trẻ, trong nhiều trường hợp, là cách trẻ giải quyết khi không điều chỉnh được điều gì đó trong nội tâm. Nghĩa là, trẻ làm vậy để tìm cảm giác bình yên khi đang đối diện với nỗi lo lắng, căng thẳng. Nhưng các bậc cha mẹ lại không nhận ra điều đó. Nếu chú ý, các bậc cha mẹ có thể nhận ra lỗi lầm nào đó ở trẻ và tìm cách dỗ dành, an ủi trẻ nhưng thường chúng ta chỉ chăm chăm vào một sự thật duy nhất là mút tay sẽ dễ khiến hàm răng của bé xấu đi.
Ngoài ra, có những bé gặp khó khăn khác thường trong việc ăn uống. Con trai lớn của tôi cũng không là ngoại lệ nên mỗi lần cho con ăn chẳng khác nào đánh trận. Ban đầu tôi cũng ép con ăn và dọa dẫm nếu con không nghe lời. Nhưng không phải cứ làm vậy thì tình hình sẽ thay đổi. Con trai tôi càng không chịu ăn và tôi lại càng lo lắng.
Rồi một ngày nọ, thay vì la mắng, tôi bắt đầu tìm hiểu xem con thích ăn gì, lúc nào con không muốn ăn và nấu nhiều món ăn hợp với khẩu vị của con.
Cứ tiếp tục kiên trì, tôi dần biết được những lý do rất riêng của con. Đó là vì xúc giác của bé quá mẫn cảm, con không thích cảm giác dinh dính đặc trưng của cơm hay cảm giác thức ăn chạm vào đầu lưỡi.
Đây là chuyện mà người mẹ buộc phải thích ứng và kiên trì tìm ra cách giải quyết phù hợp với trẻ. Nếu cứ khăng khăng ngăn cản hành động của con và làm theo sách vở thì chỉ càng làm thói quen xấu của bé nghiêm trọng hơn. Sau khi vừa dỗ dành con vừa thử các phương pháp khác nhau, tôi nhận ra rằng thức ăn càng có nhiều dầu mè thì bé lại càng ăn được nhiều hơn. Vì vậy, dù là một miếng kim chi tôi cũng nhúng vào dầu mè và sau khi biết được cách này, “cuộc chiến” cho con ăn của tôi phần nào đã trở nên dễ dàng hơn.
Nhờ điều này mà tôi biết được rằng vấn đề của con mình bắt nguồn từ sự nhạy cảm của bé. Con trai lớn của tôi không thích thứ gì mới lạc lõng trong mớ đồ đạc của mình. Việc con ném những đồ mới được mua cho, từ quần áo, giày dép đến đồ chơi, là chuyện rất thường tình. Đã có lần con tôi không chịu nổi và quẳng món đồ chơi ngoại nhập mà ông nội mua cho vào thùng và òa khóc dữ dội. Ban đầu, điều này cũng khiến tôi lo lắng chẳng khác gì chuyện cho con ăn, nhưng vì biết nguyên nhân xuất phát từ sự nhạy cảm của con nên tôi không ép con. Thay vì ép con mặc quần áo mới hoặc cho đồ chơi mới, tôi chọn cách dành thời gian để bé quen dần với những món đồ này. Nếu mua đồ chơi mới, tôi sẽ bỏ vào giỏ đồ của con và cả tuần không động đến, còn giày mới thì đặt ở nơi dễ đập vào mắt con nhất rồi đợi cho đến khi bé chú ý đến chúng. Dĩ nhiên những cách như vậy cũng có hiệu quả.
Hiểu trẻ chỉ bằng trái tim thôi thì chưa đủ, về mặt lý trí, bạn phải hiểu rõ quá trình trưởng thành của trẻ, đồng thời không ngừng quan sát và phải nắm bắt được những đặc tính của trẻ.
Khi xem xét ở lập trường của trẻ, điều quan trọng nhất với trẻ nhỏ là hình thành niềm tin đối với cuộc đời. Trẻ sẽ đạt được điều này ngay khi được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản. Nói một cách dễ hiểu, nếu được điều chỉnh đúng những nhu cầu mang tính sinh học như khi đói được uống sữa, vừa giúp tiêu hóa tốt vừa dễ bài tiết thì trẻ sẽ cảm nhận rằng “mình được yêu thương”, “thế giới thực sự là một nơi thoải mái”. Những suy nghĩ chất chứa ấy rồi sẽ hình thành nên cảm giác tin tưởng vào cuộc sống.
Hãy ngồi xuống, bình tĩnh suy xét để tìm ra cách đối diện với trẻ. Nếu quý vị thúc ép và đối xử với trẻ chỉ bằng nhiệt tình trong trái tim thì ngay bây giờ hãy học cách để hiểu được trẻ bằng lý trí. Đó chính là thái độ của người mẹ vì đứa con yêu thương của mình.
3. Hãy xét xem mình có lòng vị tha hay không
Dù có thích ứng được với đời sống hôn nhân hay không thì việc suy xét và thấu hiểu trẻ – nghĩa là bạn có lòng vị tha dành cho trẻ, cũng cho thấy sự trưởng thành của bạn về mặt tinh thần . Quan điểm “quên mình đi và dành mọi tâm sức cho con” là điều rất quan trọng. Không biết điều này có bị cho là lạc hậu hay không nhưng tôi chắc chắn rằng nuôi dạy con cái là việc đòi hỏi sự tận tâm không hề nhỏ.
Nếu muốn nuôi dạy con tốt thì việc chăm sóc trẻ phải thực sự là niềm vui. Tuy nhiên có quá nhiều người lại không nghĩ như vậy. Nhất là thời gian gần đây, tôi nghe nói thái độ xem thường và lẩn tránh tên gọi “ajumma” (bà cô) của các bà mẹ ngày càng nhiều hơn. Đó là việc người làm mẹ thể hiện thái độ quá tiêu cực về chuyện dáng vóc xấu đi hay sức hấp dẫn giảm sút vì sinh con. Nhưng nếu suy nghĩ khác đi thì có thể thấy, việc trở thành ajumma là thước đo sự trưởng thành của con người nhờ vào việc nuôi nấng một sinh mệnh. Người làm mẹ đừng dằn vặt trước những thay đổi tự nhiên ấy, cần chấp nhận dáng vóc của bản thân bằng tình yêu dành cho con cái.
Thời thiếu nữ, tôi thường rất chăm chút cho vẻ bề ngoài. Lúc sinh con đầu lòng tôi vẫn không bỏ qua điều đó, nhưng sau khi đứa con thứ hai ra đời, việc chú ý nhiều đến vẻ ngoài dần biến mất hoàn toàn. Tôi không ép mình làm vậy nhưng có lẽ tình yêu dành cho các con ngày càng lớn dần đã thay đổi tôi một cách tự nhiên. Bây giờ tôi không còn khuynh hướng yêu chiều bản thân một cách không cần thiết nữa, tất cả tôi dành cho các con của mình.
Lòng vị tha dành cho con không phải là thứ xuất hiện trong chốc lát. Người ta nói rằng tình cảm là thứ tự nảy sinh nhưng nó sẽ ngày càng sâu đậm hay nhạt nhòa còn tùy vào nỗ lực của chúng ta. Người làm mẹ cần không ngừng nhận thức và chăm chút tình yêu dành cho bọn trẻ.
Trong việc nuôi dạy con cái, không có cái gọi là luyện tập. Dù bạn nhận ra rằng mình đã có lỗi với con thì cũng không thể làm lại được. Tuy nhiên, nếu bạn đã cố gắng hết sức nhưng vẫn phạm lỗi thì cách duy nhất để cứu vãn tình huống này là ôm lấy con và xoa dịu vết thương cho bé. Nhưng hơn hết, ngay từ đầu cha mẹ cần cố gắng không gây ra tình huống đó. Việc đánh giá tư cách trở thành cha mẹ của mỗi vị phụ huynh là rất quan trọng.
Vì thế, trước khi hứa hẹn sẽ nuôi dạy con tốt, hãy tự nhìn lại xem với tư cách là cha mẹ, bạn đã chuẩn bị được những gì và tạo ra môi trường sống như thế nào cho các con.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.