Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Ý nghĩa của việc trở thành cha mẹ – 2



Một ngày nọ, đang xem phim truyền hình thì con trai lớn Kyeong-mo của tôi chợt nói: “Hồi trước bố và mẹ cũng từng cãi nhau đúng không? Lúc đó thật sự con rất sợ.” Con nói những lời ấy vì trên tivi có cảnh đôi vợ chồng trẻ đang cãi nhau. Dù gần đây tôi không nhớ đã cãi nhau với chồng lúc nào nhưng vì muốn biết con đang nghĩ gì nên tôi đã hỏi: “Kyeong-mo nè, không phải là con đã mơ về chuyện đó chứ? Bố với mẹ có cãi nhau đâu?”

Con trai tôi nhăn mặt, nhíu mày một lúc rồi trả lời: “Lúc đó mẹ không đeo cái kính to thế này. Mẹ mặc áo khoác màu xanh và trời thì tối đen nữa.” Nghe con nói mà tôi giật mình kinh ngạc vì chuyện đó đã xảy ra cách đây 7-8 năm rồi.

Ký ức của tôi về chuyện cãi vã với chồng lúc ấy chỉ còn rất mơ hồ, tại sao Kyeong-mo lại nhớ được từng chi tiết nhỏ nhặt như vậy? Nói thật là khi đó, tôi chưa làm tốt vai trò của một người mẹ và thường xuyên cãi nhau với chồng. Những vấn đề xung quanh đã chiếm hết tâm trí của tôi, hẳn là suốt thời gian đó, con tôi ít nhiều đã chịu tổn thương.

Sau lần đó, vợ chồng tôi chú ý hơn để không xảy ra những việc khiến con cái tổn thương, nhưng dường như vết thương năm ấy vẫn còn mãi trong lòng con, khiến người làm mẹ như tôi thấy rất đau lòng. Vết thương ấy có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Kyeong-mo khi con trưởng thành và cả khi đã trở thành cha mẹ. Những trải nghiệm của trẻ như cảm giác bị ghét bỏ so với anh chị em của mình hoặc mâu thuẫn giữa anh chị em quá nghiêm trọng vẫn theo con người đến khi trưởng thành. Cả khi đã trở thành cha mẹ thì những trải nghiệm ấy sẽ soi chiếu lên cách ứng xử của họ với các con. Sẽ xảy ra những việc như ghét bỏ đứa trẻ giống với người anh em xinh đẹp của mình hay xa lánh đứa trẻ giống với người anh em mà mình từng có ấn tượng rất xấu.

Khi chọn đối tượng kết hôn, yếu tố hoàn cảnh gia đình là rất quan trọng vì nó như một khuôn mẫu cơ bản cung cấp thông tin về một con người.

Trong số những phụ nữ thông minh và thành công trong công việc, có người rất kém cỏi trong việc nuôi nấng con cái, dù chỉ có một đứa con. Tính cách, cách quan hệ đối nhân xử thế của họ không có vấn đề gì nhưng khi ở cùng con thì họ lại giống như gỗ đá, không có chút tình cảm. Trong mười phụ nữ như vậy thì có đến tám, chín người gặp vấn đề trong mối quan hệ với cha mẹ từ thuở nhỏ. Khi còn nhỏ, họ không nhận được sự quan tâm của cha mẹ hoặc lớn lên trong áp lực, nên dù cố quên đi thì những ký ức ấy vẫn tồn tại trong vô thức và sẽ gây ra ảnh hưởng khi họ nuôi con.

Cách đây không lâu cũng có một người mẹ như vậy đến gặp tôi. Nhìn vẻ ngoài người phụ nữ rất mệt mỏi, câu nói đầu tiên của người mẹ trẻ này là “rốt cuộc thì em không biết phải làm sao với đứa nhỏ hết”. Người mẹ trẻ ấy được đánh giá là một lập trình viên máy tính có năng lực giỏi nhất, tính cách tốt và đang là một nhà quản lý xuất sắc của công ty. Tuy nhiên, từ sau khi sinh con, mọi chuyện với cô ấy đều trở nên lộn xộn. Trong suốt chín tháng mang thai, cô ấy đã đọc các sách về nuôi con cũng như tìm kiếm lời khuyên từ xung quanh nhưng khi đứa trẻ chào đời, các vấn đề phát sinh nhiều đến mức cô ấy không biết phải làm thế nào.

Với một người theo chủ nghĩa cầu toàn trong mọi việc như người mẹ trẻ này thì việc chăm sóc con gặp phải quá nhiều căng thẳng, cuối cùng cô ấy đã mắc chứng suy nhược thần kinh. Nhìn bên ngoài thì cô ấy không gặp phải vấn đề gì nhưng qua vài lần tư vấn, tôi biết được quá khứ của cô ấy. Mẹ của cô là giáo viên tiểu học, nên ngay từ khi còn bé, người mẹ đã giao con cho hết người thân này đến họ hàng khác chăm sóc. Cô ấy đã lớn lên trong sự di chuyển liên tục như vậy. Đến một giai đoạn trưởng thành nào đó, cô ấy đã thay mẹ cáng đáng hết việc trong nhà.

Việc cô gái ấy không biết cách chăm sóc tốt cho con mình bắt nguồn từ việc thuở nhỏ cô cũng không nhận được sự quan tâm như vậy từ mẹ của mình. Người mẹ trẻ không nhận được tình yêu thương thì sao có thể chia sẻ tình cảm với đứa con của mình được. Thành ra, con của cô ấy vì thiếu tình thương của mẹ nên bộc lộ nhiều vấn đề. Để điều trị tốt cho đứa bé, tôi phải nhìn lại cả ba thế hệ, bắt đầu từ mẹ của cô gái để tìm ra phương cách.

Nếu im lặng quan sát những người mẹ xung quanh, tôi có thể thấy cách chăm sóc con của mỗi người lại có sự khác nhau. Có người chỉ chú ý đến sự sạch sẽ, cũng có người lại quan tâm nhiều đến việc ăn uống của con. Một điều thú vị là tất cả những hành động như vậy đa phần bắt nguồn từ hình ảnh của cha mẹ còn lưu lại trong vô thức của họ. Người nhận được nhiều sự chăm sóc từ cha mẹ lúc nhỏ thì khi trở thành mẹ cũng sẽ chăm sóc con rất tốt, dù không được ai chỉ dạy.

Cô em gái tôi là một ví dụ. Em gái tôi có tính cách lạc quan và dễ chịu, thuộc tuýp người nhanh nhạy và rất thiếu kiên nhẫn ngay cả trong việc nuôi con. Em gái hay gọi điện cho tôi, kể rằng hôm nay đứa bé gặp chuyện gì và hỏi đủ thứ. Mỗi lần như thế, tôi lại nhận ra hình ảnh của mẹ tôi. Mẹ tôi là người bộc lộ tình cảm dành cho con cái một cách quá mức, cũng có lúc tôi cảm thấy tình thương ấy giống như một sợi dây thít chặt vậy.

Có lần, gần nhà chúng tôi xảy ra một vụ bắt cóc trẻ em. Tối đó, mẹ tôi kiếm đâu ra mớ quần áo cũ và nói rằng từ ngày mai chúng tôi chỉ mặc những bộ này. Lúc bấy giờ gia đình tôi thuộc diện khá giả nhưng nếu những người khác biết chuyện này thì không biết chừng, đó lại là lý do khiến tôi bị bắt cóc. Trong suy nghĩ của một đứa trẻ như tôi, quần áo cũ thật bẩn thỉu, luộm thuộm và đáng ghét nhưng tôi không làm trái ý mẹ.

Mùa đông năm nọ, thời tiết lạnh đến mức mẹ phải kiếm tấm chăn choàng vào người như áo khoác. Thấy mẹ tôi như vậy, bạn bè đã không ngớt lời chê cười, chế giễu tôi. Ký ức đó trong tôi vẫn còn rõ nét, đến giờ, nếu hỏi lại chuyện này thì nét mặt của bà biểu hiện sự ngạc nhiên và nói “mẹ khác biệt như thế mà”. Sự tiết kiệm để dành cho con cái đã khiến mẹ tôi làm vậy nhưng điều đó khiến đứa trẻ như tôi cảm thấy khó chịu và bực mình.

Tôi không thể ngờ rằng giờ đây tôi đang lặp lại những hình ảnh của mẹ còn lưu lại trong tâm trí. Dĩ nhiên tôi không ăn mặc phong phanh vào mùa đông, không cửa đóng then cài khi nghe tin bắt cóc nhưng tôi chú ý đến việc các con có thích nghi tốt với đời sống trường học hay không, có cảm thấy bị ép buộc một cách thầm lặng từ cha mẹ hay không.

Tóm lại, việc trở thành cha mẹ, với tôi, có ý nghĩa như quá trình nhận thức và thấu hiểu một cách chân thành về cha mẹ, người đã sinh ra mình bằng những hồi tưởng về thời thơ ấu. Câu nói “có sinh con mới hiểu lòng cha mẹ” thật không sai.

Đôi khi tôi cũng cảm thấy e sợ vì nếu tôi làm không tốt thì sẽ tác động xấu đến các con sau này. Vì vậy, càng chăm sóc các con, tôi lại càng trở nên chú tâm và cẩn thận hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.