Đừng Ép Con “Khôn” Sớm
Bí mật bất ngờ bên trong não bộ của trẻ
Mấy năm trước tôi nhận được lời nhờ cậy từ một đài truyền hình. Họ nhờ tôi kiểm tra năng lực trí tuệ của một bé trai được đánh giá là nhân tài của thế giới. Ý đồ của đài truyền hình là phát sóng cảnh đứa bé thực hiện kiểm tra. Theo quan điểm của tôi, một đứa bé trả lời thành thạo ở cả những câu hỏi bằng tiếng Anh như vậy đương nhiên đã được cơ quan đào tạo nhân tài chứng nhận về năng lực rồi.
Một đứa trẻ khiến mọi người xôn xao không ngớt cũng thôi thúc tôi muốn gặp thử xem sao. Gặp bé, trước tiên tôi hỏi: “How are you?” Ngay lập tức đứa trẻ đáp: “Fine, thank you.” Sẵn dịp, tôi đặt thêm mấy loại câu hỏi theo hướng ứng dụng đơn giản. Tuy nhiên đứa trẻ phản ứng rất lạ. Dù câu hỏi dễ, chỉ thay đổi trật tự mấy từ nhưng bé không trả lời được và khuôn mặt bắt đầu nhăn nhó.
Vấn đề là mỗi lần không trả lời được, đứa trẻ lại bộc lộ phản ứng không thoải mái, dù câu hỏi tiếp sau có như thế nào chăng nữa và cuối cùng bắt đầu tỏ ra rất bực mình. Đây rõ ràng là triệu chứng chống lại các vấn đề vượt quá phạm vi năng lực của mình.
Tại sao lại như vậy? Khi xem xét những việc xảy ra trong thời gian qua, tôi biết được mấu chốt sự việc nằm trong quá trình học tập của bé. Thấy con ngoan ngoãn nghe theo những điều mình yêu cầu, người mẹ càng ép buộc bé nhiều hơn. Từ sau khi con đạt trình độ vượt trội hơn so với những trẻ em khác, người mẹ lại loan tin trên các phương tiện truyền thông như thể con mình là thần đồng. Từ đó trong lòng trẻ xuất hiện sự lo ngại và mặc cảm về thất bại. Lòng vui sướng vì được khen ngợi đã bị thay bằng gánh nặng không được khiến mẹ thất vọng và không được phạm lỗi. Gánh nặng này đã phát triển thành nỗi ám ảnh phải làm tốt mọi thứ. Đến mức, bé bắt đầu có thói quen thuộc lòng bất kể điều gì dù không hiểu. Cứ như vậy, khi gặp phải các vấn đề chưa học thuộc, bé thấy e ngại và bắt đầu bực mình.
Đây không chỉ là chuyện của một vài trẻ đặc biệt. Có khá nhiều đứa trẻ được đưa đến viện của tôi cũng gặp vấn đề vì bị bắt học thuộc lòng quá mức thông qua những phương tiện kích thích thị giác như sách hoặc Internet. Những đứa trẻ như vậy nhìn chung có khả năng hiểu ngôn ngữ kém. Nghĩa là, các bé này thường chỉ nói chuyện một mình và không quen trao đổi suy nghĩ của mình với người khác để thông hiểu lẫn nhau. Trẻ hoàn toàn không thu nạp được câu chuyện của người khác. Nếu trẻ chỉ quan sát sự vật về mặt thị giác và học thuộc lòng thì não bộ của trẻ chỉ phát triển ở khía cạnh đó mà ngăn cản sự phát triển của những mặt khác. Ở trường hợp này, nếu ngừng kích thích về mặt thị giác thì mọi thứ sẽ chuyển biến tốt một cách nhanh chóng. 100% số trẻ gặp phải tình trạng này trở nên tốt hơn ngay khi ngừng kích thích thị giác.
Cụ thể hơn, trong quá trình đó, khớp thần kinh đóng vai trò như cầu nối truyền thông tin trong bộ não người. Khi mới được sinh ra, các khớp thần kinh này nhiều gấp mấy chục lần so với khi trưởng thành. Từ khi ra đời đến lúc 1 tuổi, số lượng khớp thần kinh giảm nhiều và từ lúc này đến khoảng 4 tuổi, số lượng vẫn tiếp tục giảm dù ít hơn. Khớp thần kinh vô tác dụng cũng giống như đường thần kinh chết.
Như vậy, nếu khớp thần kinh biến mất số lượng lớn thì con người sẽ sống như thế nào? Nếu gặp một kích thích mới mẻ, bộ não phải xử lý thông tin nhanh chóng thông qua quá trình truyền đạt thần kinh có hiệu quả nhưng số lượng khớp thần kinh mất đi đã làm phát sinh vấn đề – mất dần khả năng truyền đạt thông tin nhanh và chính xác.
Lấy một ví dụ cực đoan, nếu xem xét các bệnh nhân tự kỷ thì số người có bộ não bất bình thường rất lớn. Nói một cách đơn giản là bộ não đã lược bớt phần hết sức cần thiết mà chỉ còn lại nhiều khớp thần kinh không mấy quan trọng. Rốt cuộc, điều quan trọng nhất trong quá trình phát triển của não bộ phụ thuộc vào sự cắt giảm hiệu suất của não đến đâu. Đó là sự bỏ đi những phần không cần thiết và chỉ giữ lại phần hết sức quan trọng.
Vì vậy, nếu kích thích nghiêng về một phía thì sự hình thành khớp thần kinh chỉ đi theo hướng đó và giảm các khớp ở các hướng khác, khiến sự phát triển não bộ mất cân bằng. Theo đó, đề tài “nuôi dưỡng tố chất nhân tài ở con cái chúng ta” của các bà mẹ cần được định hướng lại.
“Nếu không kích thích đúng khi trẻ còn thơ ấu thì cũng phải thúc đẩy một cách tích cực trước khi tố chất nhân tài bị mai một.”
Thời thơ ấu là giai đoạn trước khi trẻ được 4-5 tuổi, quan niệm ngày nay sớm hơn là trước 3 tuổi. Vì vậy lý luận trên được trình bày một cách chính xác hơn là, nếu không kích khích trẻ học tập cho đến năm 3 tuổi thì năng lực trí tuệ của trẻ không được phát hiện đúng mức. Hoặc là nếu không ép buộc, trẻ sẽ sớm tụt hậu nên cha mẹ trở nên mù quáng, cố chấp trong việc mau chóng dạy tiếng mẹ đẻ, tiếng Anh, Toán cho con trong khả năng có thể.
Những người ủng hộ lý luận này lấy ví dụ về việc thực nghiệm trên chuột như sau: Nhốt một trong hai con chuột ở nơi có nhiều đồ chơi, con chuột còn lại ở nơi không có đồ chơi. Sau một thời gian, kiểm tra bộ não của hai con vật thì thấy độ dày lớp vỏ bọc đại não của con chuột ở nơi có nhiều đồ chơi dày hơn vỏ bọc đại não của con thứ hai. Não phát triển nhiều hơn vì có sự kích thích. Vì vậy, những người theo logic này cho rằng nếu kích thích càng nhiều vào con người thì não bộ càng phát triển như trường hợp của chuột.
Dĩ nhiên bản thân kết quả thực nghiệm không hoàn toàn là lý tưởng. Nhưng trong thực tế, con người dù không được kích thích có mục đích như thí nghiệm với chuột thì cũng được đặt trong rất nhiều kích thích mang tính hoàn cảnh tương tự như thế. Vì vậy, căn cứ vào thực nghiệm trên chuột, ta có thể nhận ra điểm mâu thuẫn trong logic của những người cho rằng phải kích thích trẻ nhiều hơn nữa.
Theo Giáo sư Seo Yoo Heon – chuyên gia trong lĩnh vực phát triển trí não, việc học liên quan đến ngôn ngữ hay con số chỉ hiệu quả khi não phát triển sau 6 tuổi. Bởi vì lúc ấy, phần não đảm nhận chức năng ngôn ngữ và tiếp thu tri thức toán học, vật lý mới bước vào thời kỳ phát triển. Điều này có nghĩa là, trước khi trẻ bước vào tuổi đến trường, cha mẹ hoàn toàn không cần lo lắng về việc con mình không giỏi tiếng Anh, Toán và Ngữ văn hay không. Bên cạnh đó, cha mẹ hãy chấm dứt ý nghĩ cho rằng bộ não trẻ không phát triển tương xứng với sự giáo dục mà trẻ nhận được.
Vậy thì trước 6 tuổi, sự phát triển trí não của trẻ đạt đến đâu và trẻ cần học tập như thế nào?
Trước tiên, đến khoảng 3 tuổi, bộ não của trẻ phát triển mạnh mẽ và đồng đều, không chỉ chú trọng vào một bộ phận riêng lẻ nào. Do vậy, việc học chỉ tập trung vào một khía cạnh nào đó chẳng hạn như kích thích thị giác là không tốt. Lấy ví dụ, khi cho trẻ học về cá, nếu chỉ cho bé xem những hình ảnh hoặc sách tranh đơn giản sẽ không hiệu quả bằng việc cho bé trực tiếp sử dụng năm giác quan, nhìn thấy và đụng chạm vào sự vật.
Trong thời kỳ này, đời sống tình cảm của trẻ phát triển mạnh nên cha mẹ phải ưu tiên giúp trẻ sống vui vẻ và hạnh phúc. Chỉ như vậy trẻ mới có được những hình ảnh tích cực về chính mình và về thế giới, đồng thời sớm hình thành cảm giác tự tin. Lúc này, sự tiếp xúc về mặt cơ thể của người mẹ đóng vai trò rất lớn trong việc ổn định tình cảm của trẻ. Bởi vì những hành động như ôm trẻ, giao tiếp bằng mắt với trẻ, khiến trẻ cảm thấy hạnh phúc sẽ giúp trẻ mau chóng có được sự ổn định về mặt tình cảm và điều này tác động đến sự phát triển của thùy não.
Sau đó, vào khoảng 5 tuổi, thùy trán đảm nhận khả năng suy nghĩ tổng hợp cũng phát triển. Để nuôi dưỡng tốt năng lực suy nghĩ, thay vì bắt trẻ thuộc lòng tri thức một cách không có mục đích, tốt hơn, cha mẹ nên tạo cho trẻ nhiều cơ hội buộc trẻ phải suy nghĩ.
Trẻ trong độ tuổi này thường có trí tưởng tượng vô cùng phong phú nên nếu được trải qua những kinh nghiệm đa dạng thì năng lực suy nghĩ cũng được nuôi dưỡng thêm. Tuy nhiên trong quá trình này, việc bắt trẻ trực tiếp nhìn sự vật, cảm nhận và suy nghĩ cũng giúp trẻ đạt được sự tích lũy thông tin mạnh mẽ. Nghĩa là, so với việc cho trẻ ngồi xuống học với giấy và bút trong tay thì việc học tập theo kiểu trải nghiệm quan trọng hơn nhiều.
Bản thân tôi cũng chỉ nhận biết được đúng các nguyên tắc ngôn ngữ vào khoảng chừng năm học lớp Ba. Năng lực suy nghĩ mang tính trừu tượng của tôi, nói rõ hơn là sự phát triển trí não thể hiện qua năng lực phân tích quy tắc của vấn đề chỉ bằng lý luận và hiểu được vấn đề xuất hiện vào khoảng năm 10 tuổi. Cho đến trước thời điểm đó, tôi chỉ biết học thuộc ba từ trong tên mình. Có những việc không thể làm được trước khi đạt đến thời điểm, như việc học của trẻ chẳng hạn. Việc ép buộc không biết có khiến trẻ tốt lên hay không nhưng nếu gây ra tác dụng phụ thì sao phải ép buộc? Cha mẹ không nên so sánh con mình với con nhà hàng xóm, điều đó chỉ khiến bản thân bị căng thẳng vô ích mà thôi. Hãy cho trẻ mặc sức chơi đến khi 5 tuổi. Hãy để trẻ trực tiếp va chạm, nếm trải và nhận biết về thế giới – đây mới là con đường đúng đắn vì trẻ và vì tất cả các phụ huynh.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.