Đừng Ép Con “Khôn” Sớm
Tìm phương pháp học phù hợp nhất cho con mình
Nuôi dạy Kyeong-mo quả thực là khoảng thời gian ngột ngạt khiến tôi phải kiên nhẫn từng chút, từng chút một.
Từ những ngày đầu vào học mẫu giáo, con trai tôi đã không hòa hợp được với các bạn và chỉ một mình chơi xe lửa đồ chơi. “Bẩn quá, con không thích”, Kyeong-mo nói vậy và suốt một năm trời không một lần chạm tay xuống sân trường mầm non trải cát. Ngay cả giữa mùa hè nóng bức, Kyeong-mo cũng khăng khăng mặc bộ quần áo dài bên trong quần soóc rồi mới chịu ra khỏi nhà. Vì vậy mà một ngày mấy lần, tôi cứ phải nói đi nói lại mấy lời như “xin lỗi”, “xin hãy đợi một chút”, “tôi sẽ khuyên bảo cháu” với thầy cô giáo của con. Kyeong-mo càng học lên cao, những ngày tôi phải trải qua với con càng căng thẳng hơn nữa. Trong giờ học, con tôi bò lăn trên nền nhà và thỉnh thoảng thu mình vào dòng suy nghĩ trong thế giới của riêng con. Ngày nào đi học mà Kyeong-mo không trốn vào vỏ ốc như thế là những ngày tôi thực sự thấy hạnh phúc.
Các thầy cô giáo ở trường học cũng cảm thấy như vậy. Họ chưa gặp đứa trẻ nào như Kyeong-mo, họ hoàn toàn không hiểu được con để tìm cách giải quyết. Chỉ cần Kyeong-mo biết tên và nhìn vào khuôn mặt của các giáo viên thì các thầy cô đã thấy quá tốt rồi.
Thật ra, tôi chọn chuyên khoa Tâm thần trẻ em cũng vì Kyeong-mo. Là một người mẹ, tôi nghĩ nếu việc học của mình giúp những bệnh nhi giống như con tôi trở nên tốt hơn thì tôi cũng sẽ tìm được phương pháp nào đó cho con trai của mình.
Người ta nói ngay trước khi ánh bình minh chiếu rọi là thời khắc tối tăm nhất. Ngay lúc tôi nghĩ rằng sẽ không thể trông chờ một sự thay đổi nào nữa ở Kyeong-mo thì mọi việc bắt đầu trở nên khác đi. Từ khi lên lớp Bốn, Kyeong-mo đã tự mình học những thứ mà trước đó con không thích và đã từng đạt giải thưởng trong một cuộc thi toán. Không chỉ có vậy, những thói quen khác thường của con trong giờ học cũng dần mất đi và Kyeong-mo đã hỏi tôi về việc học ở trường cũng như tự mình tìm hiểu những điều chưa biết trong từ điển. Trước đó, Kyeong-mo là đứa trẻ không chịu học và cũng không có tài năng gì khác thường nhưng giờ đây, con bộc lộ năng khiếu đặc biệt ở môn toán và khoa học. Con còn đạt thành tích tốt ở tất cả các môn học và trở thành học sinh giỏi.
Dĩ nhiên tôi đã phải rất vất vả mới tạo nên được sự thay đổi như vậy. Đó không phải là quá trình chỉ ngồi yên quan sát Kyeong-mo mà thực sự là cuộc chiến với Goliath khổng lồ4 mà sự lo lắng và thiếu kiên nhẫn thường xuyên xảy đến.
Nói thật là ngoài vũ khí mang tên “chờ đợi”, tôi đã lặp đi lặp lại vòng lẩn quẩn và nhiều sai lầm trong thời gian nuôi con. Mỗi lần như vậy, tôi lại học được cách xây dựng nguyên tắc học tập dựa trên nền tảng vừa điều trị vừa học hỏi từ những trường hợp trẻ phải chịu những tổn thương tâm lý trong thực tế cuộc sống và vô số sách vở liên quan đến sự phát triển của trẻ. Tôi muốn gọi đó là “phương pháp học tập chậm rãi”.
Phương pháp học tập chậm rãi không chỉ là cách chờ đợi vô điều kiện dành cho những đứa trẻ có biểu hiện chậm phát triển như Kyeong-mo mà còn áp dụng cả với Jeong-mo, đứa con thứ hai vượt trội về nhiều mặt.
Vậy thì phương pháp học tập chậm rãi cụ thể là gì? Nói một cách ngắn gọn, đó là phương pháp học tương xứng với sự phát triển của trí não. Tuy nhiên, không dễ để biết chính xác não con mình đang phát triển ở giai đoạn nào và áp dụng phương pháp học tập nào cho hợp lý. Không chỉ bác sĩ, ngay cả các bà mẹ bình thường cũng có thể biết được điều này. Điều quan trọng là cha mẹ phải luôn luôn dành sự quan tâm đầy đủ và thường xuyên quan sát bé.
Cách này được gọi là “cho con làm điều con thích bằng bất cứ giá nào”. Nhưng bên cạnh những điều trẻ thích, cũng có điều trẻ không ưa. Nhận ra điều đó và lý giải nguyên nhân là điều vô cùng quan trọng.
Nhiều khi chúng ta không mấy quan tâm đến điều bé ghét và thường dễ dàng cho qua. Vì sao trẻ không thích, nếu chuyện không thích không chỉ là biến động tạm thời (trẻ con có thể thay đổi lúc thế này lúc thế khác) thì đừng xem nhẹ mà hãy tìm hiểu kỹ, vì chuyện này có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng.
Trẻ em không thích điều gì đều có lý do riêng. Có thể điều đó không hợp với trẻ hoặc trẻ chưa chuẩn bị để tự mình đón nhận. Nếu không, có thể vì lý do mang tính hoàn cảnh nào đó. Không khó để tìm ra những chứng cứ cho thấy trẻ gặp khó khăn ra sao với những điều mình không thích. Điều trước tiên cha mẹ cần làm là tìm ra nguyên nhân của khó khăn và loại bỏ nó. Không chỉ dựa trên nền tảng cơ bản của học hành mà việc nắm bắt được xu hướng của trẻ cũng giúp ích rất nhiều.
Nhưng dù cố gắng nhưng vẫn có những lúc cha mẹ không tìm được lý do. Khi ấy, điều cần làm là dừng lại vô điều kiện. Bởi vì không thể mong chờ một kết quả học tập tốt từ những điều mà trẻ không thích được.
Ngẫm kỹ thì phương pháp học tập chậm rãi không hề khó. Ý nghĩa của phương pháp này là nếu ứng xử phù hợp với sự phát triển trí não của trẻ thì bé có thể làm tốt một cách dễ dàng. Cụ thể hơn, trước khi định bắt trẻ làm gì, hãy xét xem trẻ đã có chuẩn bị chưa, có hứng thú không.
Cùng trở lại câu chuyện về Kyeong-mo. Vào kỳ nghỉ hè năm lớp Bốn, Kyeong-mo bảo rằng sẽ học vẽ. Như vậy trước hết là con có hứng thú với việc này. Còn về việc chuẩn bị thì sao? Sự thật là so với những trẻ khác, các động tác tay của Kyeong-mo có phần lóng ngóng. Khi viết chữ, vẽ tranh hay làm bất cứ việc gì dùng đến bàn tay là con đều làm không tốt. Cho nên từ năm Kyeong-mo học lớp Một, tôi đã cho con chơi những trò đơn giản với mục đích luyện tập cử động bàn tay – nghĩa là con đã chuẩn bị để có thể học vẽ được. Kết quả là giờ đây Kyeong-mo viết và vẽ đều rất thành thạo.
Tuy nhiên, chỉ chuẩn bị và có hứng thú thôi là chưa đủ, còn phải xem xét phản ứng của trẻ khi thực sự bắt đầu học điều gì đó.
Trẻ thường lảng tránh bằng cách nói dối rằng việc đó khó hoặc càu nhàu là không làm được hoặc biểu hiện bộ dạng bất đắc dĩ mới phải học. Nếu không, trẻ sẽ học thuộc lòng như vẹt – học mà hoàn toàn không suy nghĩ gì.
Những trẻ đang trong thời kỳ phải phát triển cao mà học thuộc lòng như một cái máy khiến tôi lo ngại bởi điều đó ảnh hưởng tới trí não của trẻ. Nói như vậy có thể cực đoan nhưng nhìn vào tiến trình phát triển của trẻ, việc học thuộc lòng đúng là một ví dụ của bệnh tự kỷ.
Nhịp cuộc sống đang chuyển động ngày càng nhanh, việc bắt trẻ học hành cũng gần giống như cuộc chiến về tốc độ. Khi trẻ 2 tuổi, cha mẹ đã cho học chương trình mẫu giáo, trẻ học lớp Một được tiếp xúc với chương trình lớp Hai còn trẻ lớp Năm lại được dạy trước cho chương trình trung học. Để tiến nhanh được như vậy thì không còn cách nào khác ngoài việc học thuộc lòng hoặc bỏ qua cả những vấn đề con không hiểu. Cứ thế, trẻ càng lo âu và thời gian để học hỏi, tìm tòi bị rút ngắn. Phương pháp giáo dục ở Hàn Quốc chú trọng vào tốc độ thay vì hiểu biết sâu xa, dù xét từ góc độ nào cũng là không đúng. Trong tác phẩm Émile hay là về giáo dục của nhà tư tưởng người Pháp Rousseau có câu chuyện như thế này:
Chúng ta hầu như chẳng hiểu gì về trẻ nhỏ. Cho nên, nếu cứ thảo luận bàn bạc dựa trên những suy nghĩ sai trái trong thời đại của chúng ta thì càng về sau, chúng ta càng đi sai hướng hơn. Ngay cả những người sáng suốt nhất cũng chỉ chú trọng đến việc nghiên cứu người lớn mà không nghĩ đến việc có thể học hỏi được gì từ những trẻ em hiện tại. Trẻ em có cách nhìn nhận sự vật đặc trưng riêng của chúng, có cách suy nghĩ và cảm nhận riêng. Tuy nhiên, người ta lại xem thường những điều đó và muốn dạy bọn trẻ theo cách nhìn, cách nghĩ và cách cảm nhận của người lớn. Theo đó, việc yêu cầu khả năng phán đoán đối với đứa trẻ 10 tuổi cũng giống như yêu cầu chúng phải cao sáu thước vậy.
Tôi hoàn toàn đồng tình với suy nghĩ của Rousseau, Kyeong-mo đã giúp tôi hiểu được điều đó. Nếu tôi muốn nuôi dạy Kyeong-mo theo cách của người lớn, nghĩa là nghiêng về tốc độ nhiều hơn thì tôi đã không thể có một Kyeong-mo như bây giờ.
Có một điều mà các bà mẹ không được quên, đó là phương pháp học tập chậm rãi có sự khác biệt lớn ở mỗi cá nhân, tương ứng với từng giai đoạn phát triển trí não. Cha mẹ phải đảm nhận phần quan trọng nhất trong việc áp dụng phương pháp học tập chậm rãi vào thực tiễn. Muốn thực hiện tốt phương pháp học này, cha mẹ cần phải kiềm chế sự nóng vội và chờ đợi sự phát triển của não trẻ. Thái độ so sánh con mình với trẻ hàng xóm cùng tuổi, việc yêu cầu con phải đạt kết quả tương ứng với khối lượng thời gian bị bắt ép học hành chỉ là con đường tắt gây hại đến trẻ mà thôi.
Nói tóm lại, phương pháp học tập chậm rãi bắt đầu từ việc các ông bố bà mẹ hiểu rõ con mình. Nói cách khác, việc hiểu con là toàn bộ những gì cần miêu tả về phương pháp này. Cha mẹ đừng mù quáng tin vào phương pháp học đã được định hình mà hãy tìm hiểu xem con mình thích gì, ghét gì. Hãy tìm ra nguyên nhân vì sao con không thích. Khi đó thì dù là đứa trẻ nào trên thế giới này cũng có thể lớn lên và trở thành học sinh giỏi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.