Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Câu trả lời nằm ở những điều trẻ yêu thích nhất



Cách đây đã lâu, tôi có đọc bài báo viết về sự kiện một người mẹ trẻ ở độ tuổi 30 có thể nâng chiếc xe có trọng tải một tấn lên để cứu đứa con bị cuốn vào bánh xe. Thỉnh thoảng tôi cũng gặp xung quanh mình những tình huống mà người bình thường khó có thể làm được. Những lúc ấy tôi lại thấy ngạc nhiên trước sức mạnh đáng sợ của “động cơ” hành động. Một người mẹ bình thường nào có thể nâng chiếc xe tải một tấn ư? Phải chăng trước động cơ “phải cứu con mình” thì ngay cả chiếc xe tải một tấn cũng không ngăn được người mẹ.

Sức mạnh của động cơ mạnh hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Nguyên lý ấy hoàn toàn có thể ứng dụng vào việc học. Nếu tự mình tìm được động cơ học tập thì trẻ sẽ đạt được thành quả hơn cả mong đợi. Nhưng nếu không có đủ động cơ và bị ép học hành, kết quả không chỉ dừng lại ở việc trẻ không hiểu biết tường tận mà còn trở thành yếu tố cản trở nghiêm trọng đến tương lai của trẻ.

Giáo sư Jo Han Hye-Jeong thuộc Khoa Xã hội học của trường Đại học Yeon-se khi thuyết giảng về “khủng hoảng động cơ” mà xã hội ngày nay phải đối mặt đã nói rằng: “Trước khi trẻ tìm thấy động cơ, nếu cha mẹ không ngừng cung cấp cho trẻ hết thứ này đến thứ khác thì sẽ phải lo lắng về việc trẻ lớn lên mà không muốn làm gì và không biết mình muốn trở thành người như thế nào.”

Cũng tương tự như vậy, động cơ rất quan trọng khi trẻ tìm hiểu về thế giới. Vậy làm sao để tìm được động cơ cho trẻ trong học tập và áp dụng nó như thế nào? Câu trả lời nằm ở hai mục sau.

1. Hãy xuất phát từ điều trẻ yêu thích

“Xình xịch xình xịch…”

Lại bắt đầu. Ở cái tuổi chơi đùa, Kyeong-mo đã bộc lộ sự quan tâm đặc biệt đến xe lửa. Nếu chỉ nhìn xe lửa ngày này qua tháng khác không thôi thì Kyeong-mo đã trở thành đứa trẻ không biết làm gì. Từ món đồ chơi đơn giản chỉ có một toa, xe lửa đồ chơi của Kyeong-mo đã có những loại có thể lắp ráp và điều khiển từ xa. Đến một lúc nào đó, số lượng xe lửa từ các nước trên thế giới – món quà mà ông và chú của Kyeong-mo tặng đã đầy kín cả phòng của con.

Ban đầu là như vậy. Vốn dĩ Kyeong-mo có nhiều bức tường ngăn cách với thế giới xung quanh nhưng may mắn là con vẫn thể hiện sự quan tâm đến một điều gì đó. Nhưng khi con dần lớn lên, vấn đề lại bắt đầu trở nên khác đi.

Chuyện xảy ra vào một ngày nọ. Tôi đem về cho Kyeong-mo bộ sách tranh dành cho trẻ nhỏ với những bức tranh đẹp và đầy màu sắc mà bất kỳ đứa trẻ nào chỉ cần nhìn thoáng qua là thích ngay. Vừa đi học mẫu giáo về, Kyeong-mo lẳng lặng lấy một quyển sách tranh ở trước mặt ra vì tò mò. Thằng bé im lặng và nhìn chăm chăm vào quyển sách, rồi đột nhiên con quay ngoắt đi, phớt lờ chúng và lấy mấy chiếc xe lửa trong thùng đồ chơi ra.

Trẻ em thường để ý đến những gì không quen thuộc nhưng Kyeong-mo lại quay mặt đi trước những cuốn sách mới thấy lần đầu.

“Nếu con không thích quyển này thì xem quyển khác đi!”

Lần này thì Kyeong-mo chẳng thèm nhìn lấy một chút. Thấy vậy cơn giận dữ trong lòng tôi ngầm nổ ra, cuối cùng, tôi ôm Kyeong-mo lại gần và nói: “Nhìn nè, Kyeong-mo. Ở đây có đứa bé xinh đẹp chưa này.”

Tôi chọn quyển sách có những tranh vẽ thú vị và đầy sắc màu mở ra trước mặt Kyeong-mo. Nhưng chưa kịp đọc một câu trong quyển sách, tôi đã thấy Kyeong-mo hét lên và chạy đi.

Việc trẻ quan tâm đến một điều gì đó và cha mẹ dựa vào đó để khích lệ một cách tích cực đương nhiên là chuyện tốt. Nhưng sẽ xuất hiện những lo lắng rằng việc học của trẻ không theo kịp người khác. Kyeong-mo chỉ quan tâm đến xe lửa và hoàn toàn không để tâm gì đến việc học những điều khác.

Hôm đó, rốt cuộc cả ngày Kyeong-mo chỉ chơi với chiếc xe lửa mà con thích. Tôi bỏ cuốn sách lên kệ và nhìn Kyeong-mo hoàn toàn say mê với món đồ chơi xe lửa mà thở dài. Một ý nghĩ chợt thoáng qua trong đầu tôi: “Nếu mình đưa cho Kyeong-mo cuốn sách khiến con hứng thú thì sao?”

Từ sau hôm đó, đi đâu gặp nhà sách, tôi cũng vào và chọn những quyển sách dành cho trẻ em, chất đầy trong túi xách. Có những quyển sách bìa bằng cao su, nếu mở sách thì các bức tranh nổi sẽ bật lên. Có quyển sách nghe được âm thanh như chiếc radio, có sách lại có dạng hình tròn. Nhìn tất cả những cuốn sách ấy, một người lớn như tôi còn thấy thú vị.

Tối hôm đó, tôi quyết tâm kiên nhẫn và bắt đầu bỏ vào thùng những chiếc xe lửa mà Kyeong-mo cầm theo khi đi ngủ. Tôi tháo đường ray xe lửa và bỏ từng bộ phận vào những hộp riêng biệt.

Sáng hôm sau, đúng như tôi dự đoán, trong nhà xảy ra một trận ầm ĩ. Nhưng tôi cứ lấy tất cả những quyển sách đã mua hôm trước ra đặt trước mặt Kyeong-mo đang nhắm tịt mắt và gào thét. “Kyeong-mo à, nhìn cái này xem.”

Im lặng trong giây lát, như thể con có để ý đến sách trong phút chốc. Con lẳng lặng cầm quyển sách bìa cao su lên. Nhưng vấn đề là Kyeong-mo muốn làm gì với cuốn sách kìa. Con ném thật mạnh quyển sách và nằm xuống ăn vạ. Cố gắng vô ích, tôi đành lấy ra những chiếc xe lửa và phải sau một lúc dỗ dành, Kyeong-mo mới chịu ngồi yên.

Tôi từ bỏ việc đọc sách cho con nghe và trải qua mấy ngày lo âu thì đến một ngày nọ, tôi trở về nhà và trông thấy Kyeong-mo đang ngồi giở tờ báo và nhìn chăm chú vào mục quảng cáo.

“A, thì ra là cái này!”

Cái Kyeong-mo đang xem bức ảnh xe lửa với dáng vẻ chăm chú.

Hôm ấy tôi lại tìm đến nhà sách. Tôi tìm kiếm kỹ ở khu sách tranh và thấy một quyển sách. Đó là quyển sách tranh có hình vẽ chiếc xe lửa em bé ở bìa sách. Nội dung cuốn sách là câu chuyện về chiếc xe lửa em bé vượt qua đường núi khó khăn và đến đích một cách an toàn nhờ xe lửa mẹ khích lệ.

Kyeong-mo xem cuốn sách ấy và phản ứng tốt hơn tôi mong đợi. Kyeong-mo tròn mắt nhìn bìa sách và ầm ĩ đòi lật sang trang kế tiếp dù tôi chưa kịp đọc hết cho con nghe. Có vẻ như Kyeong-mo thấy thật kỳ diệu khi chiếc xe lửa em bé lại có những biểu hiện tình cảm như con người. Suốt mấy ngày liền, Kyeong-mo chỉ dán mắt vào cuốn sách, dù đã thuộc lòng nội dung nhưng con vẫn nhờ tôi đọc đi đọc lại quyển sách ấy. Hôm nào đi làm về muộn, tôi cũng thấy Kyeong-mo một mình bên kệ sách. Và chuyện lạ lại xảy ra.

“Mẹ ơi, cái này!”

Một ngày nọ tôi về nhà và thấy Kyeong-mo đang cầm trên tay quyển sách mà trước đó con không xem. Đúng là quyển sách tranh mà tôi đã cất lại lên kệ vì con không thèm quan tâm đến cách đó không lâu. Kyeong-mo lấy quyển sách ra và nhờ tôi đọc cho nghe. Từ lúc đó, Kyeong-mo bắt đầu đọc sách.

Câu trả lời là đây. Đừng miễn cưỡng ngăn cản điều trẻ yêu thích và ép trẻ làm theo ý chúng ta, hãy cố gắng xóa bỏ sự phản kháng ở trẻ, dù chỉ là giây lát.

Thỉnh thoảng, tôi nghe các bà mẹ nói:

“Con tôi cái gì cũng giỏi nhưng lại rất ghét phải làm phép cộng, phép trừ.”

“Con tôi rất thích vẽ nhưng sao lại ghét viết chữ như thế nhỉ?”

Những khi đặt câu hỏi như thế, cha mẹ phải tìm hiểu xem điều gì gây hứng thú nhất cho con, điều gì con làm tốt nhất. Lúc này, cha mẹ cần biết khích lệ trẻ đúng mức và dần hướng con có mối quan tâm đến những thứ khác.

Khi học toán, không phải chỉ có làm bài với giấy và bút. Thay vào đó, bạn có thể đem ra đĩa bánh kẹo mà trẻ thích để con có thể học đếm từ đó. Khi học chữ cũng như vậy. Với những bé yêu thích xe lửa như Kyeong-mo của tôi thì trẻ có thể học chữ bằng cách gọi tên các bộ phận của xe lửa.

Trước khi có ý định cho con học một điều gì đó mới, cha mẹ hãy kiểm nghiệm lại xem thứ con thích nhất là gì. Khi xuất phát từ những thứ yêu thích, trẻ sẽ tự có được động cơ học tập và hiệu quả sẽ lớn hơn rất nhiều.

2. Hãy đợi đến khi trẻ đã chuẩn bị sẵn sàng

Đây là chuyện xảy ra khi tôi ở Denver, Mỹ. Vài tháng sau khi Kyeong-mo vào lớp Một ở đây, tôi nhận được cuộc gọi từ giáo viên chủ nhiệm của con yêu cầu đến trường có chuyện cần trao đổi. Khi gặp, cô giáo chủ nhiệm của con tôi đã nói với vẻ mặt nghiêm trọng như thế này: “Kyeong-mo dùng kéo không được tốt, hình như khả năng điều khiển bàn tay của cháu hơi kém một chút. Chị nghĩ thế nào nếu cho cháu theo chương trình huấn luyện đặc biệt?”

Tôi đã đoán trước là có vấn đề gì đó với Kyeong-mo nhưng ngay khi nghe cô giáo bảo hãy cho con theo một chương trình huấn luyện đặc biệt, tôi không thể nào đồng ý với cô được. Dù rằng chương trình huấn luyện đặc biệt ở Mỹ có thể làm giảm tổn thương ở trẻ hơn so với ở Hàn Quốc vì chương trình được thiết kế để bạn bè xung quanh và ngay cả trẻ được huấn luyện cũng không nhận ra điều khác biệt, nhưng tôi vẫn không mong muốn chương trình huấn luyện đặc biệt sẽ tập trung vào những thiếu sót của con để thay đổi chúng. Bởi vì dù có ra sao, tôi cũng cần kiên nhẫn chờ đợi. Theo đó, nếu có gì sơ suất, một đứa trẻ thiếu nhẫn nại như Kyeong-mo cũng có thể chán ghét những việc cần dùng đến bàn tay.

“Không cần đâu, thưa cô. Tôi nghĩ cứ để tự nhiên như vậy có lẽ sẽ tốt.”

Vẻ mặt cô giáo chủ nhiệm khá bất ngờ.

“Nếu không dùng kéo được trước mặt các bạn khác, có lẽ Kyeong-mo sẽ cảm thấy gánh nặng.”

Dĩ nhiên cũng cần một “đơn thuốc” cho chuyện này. Vì vậy, tôi đã yêu cầu cô giáo chủ nhiệm để cho một mình Kyeong-mo làm việc khác trong giờ học sử dụng đến những vật như kéo. Kyeong-mo rất ghét học đi học lại những thứ nhàm chán, vì vậy tôi giải thích với cô giáo rằng ở Hàn Quốc cháu đã nhiều lần trải qua thất bại như thế này. Ban đầu cô giáo ngẩn người ra nhưng sau khi nghe tôi giải thích, cô đã gật đầu đồng ý.

Ở lập trường một người mẹ, không thể dễ dàng cho qua những thiếu sót của con mình nên từ tối hôm đó, tôi bắt đầu chơi trò cái kéo với Kyeong-mo. Nhưng phải làm thế nào để trò chơi trở nên thú vị đối với con? Kyeong-mo hoàn toàn không biểu hiện chút vui vẻ nào khi sử dụng kéo. Cuối cùng tôi bỏ cuộc chỉ sau vài ngày.

Tuy nhiên, có một việc tôi không ngờ đến là sự giúp đỡ của cô giáo Kyeong-mo. Sau khi phát động trò chơi “người dùng kéo giỏi nhất lớp ta”, cô giáo đã nhờ Kyeong-mo giúp mình sau giờ học để cố tình cho Kyeong-mo cắt giấy. Nhờ vậy mà khả năng dùng kéo của Kyeong-mo đã tốt lên nhiều.

Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh rằng cha mẹ đừng áp đặt sự huấn luyện nào đó cho con mình. Bởi vì việc này có thể phá hỏng những kết quả vừa đạt được trong quá trình điều trị.

Việc sử dụng kéo của Kyeong-mo có phần tốt hơn nhưng khi trở về Hàn Quốc, động tác tay của con vẫn rất lóng ngóng. Vào giờ ăn trưa ở trường học, Kyeong-mo không được dùng dĩa. Khi ở Mỹ, việc dùng dĩa trong bữa ăn là chuyện đương nhiên nhưng theo tập quán ở Hàn Quốc, Kyeong-mo sẽ phải dùng đũa. Sự thật là từ trước khi sang Mỹ, con trai tôi chưa từng sử dụng đũa đúng cách. Tôi đã cố gắng dạy cho con mấy lần nhưng mỗi khi như thế, Kyeong-mo lại ném đũa đi và sự việc kết thúc bằng trận ầm ĩ giữa hai mẹ con. Tôi chỉ có mong muốn mơ hồ rằng đến một lúc nào đó Kyeong-mo sẽ biết dùng đũa.

Kyeong-mo vừa khóc vừa hỏi tôi phải làm sao.

“Con nghĩ sao?”

Tôi trả lời Kyeong-mo bằng cách hỏi ngược lại con. Mặt con trai tôi méo xệch. Con đã mong đợi mẹ sẽ tìm cách giải quyết cho mình nhưng nghe tôi nói vậy thì bây giờ đúng là chuyện lớn thật. Vì Kyeong-mo không ăn cơm ở trường được nên con tự thấy mình gặp khó khăn. Chuyện đó khiến con thấy mất mặt với bạn bè. “Con hãy hỏi cô giáo xem làm thế nào.”

Ngày hôm sau, khi tôi về nhà thì thấy Kyeong-mo đang chăm chú làm gì đó ở bàn ăn. Trước cái tô lớn đầy ắp hạt đậu, con trai tôi đang dùng đũa gắp từng hạt một bỏ vào đĩa.

“Con làm gì đấy?”

Kyeong-mo vẫn vừa gắp vừa đáp: “Cô giáo nói nếu làm thế này thì có thể biết dùng đũa.”

Nhìn bộ dạng con gắp từng hạt trong cái tô lớn như thế, tôi nghi ngại chẳng biết con có thể chuyển hết chúng qua đĩa trong tối hôm đó không. Tôi phì cười nhưng đã kịp nén lại. “Con định làm chuyện này đến khi nào?” tôi hỏi.

“Con sẽ làm đến chừng nào được thì thôi!”

Nhìn con mồ hôi mồ kê nhễ nhại và khá khó nhọc nhưng tôi không ngăn cản. Vì tôi nghĩ, đó là việc con tự làm nên khi nào được, con sẽ dừng lại mà thôi.

Tuy nhiên, Kyeong-mo vẫn tiếp tục tập dùng đũa cho đến tận 11 giờ đêm. Thật đáng ngạc nhiên vì Kyeong-mo là đứa trẻ không chịu đựng được quá mười phút khi làm những chuyện mình không thích. Việc này cứ thế lặp đi lặp lại suốt một tuần. “Oa, giờ được rồi nè!” Cuối cùng Kyeong-mo đã gắp được đậu bằng đũa một cách thành thạo.

Trước đó, dù tôi có cố gắng dạy thế nào thì con cũng không dùng được đũa. Do vậy, tôi cứ im lặng chờ đợi và con đã tự mình thành thạo việc này nhờ vào một cơ hội ngoài ý muốn. Nếu gọi việc “ghét bị mất thể diện trước bạn bè” là một cơ hội thì nghe có vẻ bất hợp lý nhưng Kyeong-mo đã tự tìm được động cơ để rèn luyện mình. Và rốt cuộc là con đã làm được.

Tôi muốn nhắc lại rằng việc quan trọng nhất trong chuyện học hành của trẻ là “cho con một động cơ”. Bởi vì chỉ khi có được động cơ học tập, trẻ mới có thể học hỏi nhanh nhất và hiệu quả nhất. Vì vậy, người mẹ phải tìm hiểu xem điều gì đem lại cho con hứng khởi, điều gì xứng đáng trở thành động cơ cho con và cần sự khôn ngoan để sử dụng những điều ấy. Nhưng dù vậy cũng có những tình huống không được như ý muốn. Những lúc như thế, người mẹ cần nhẫn nại chịu đựng và chờ đợi đến khi trẻ tự tìm được động cơ cho mình. Cần đợi đến khi trẻ đã sẵn sàng, kết thúc sự chuẩn bị và nói thật to: “Ready go!” So với việc lớn tiếng bắt ép con một trăm lần thì việc im lặng chờ đợi cho đến khi con tìm được động cơ mà con thấy hài lòng hiệu quả hơn rất nhiều lần.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.