Đừng Ép Con “Khôn” Sớm
Lý do tôi cho Kyeong – mo đi học
Một phần mười cuộc đời
Tôi học từ trường lớp
Có lẽ là như vậy
Cách im lặng và bị đòn
Cách nuôi lòng kỳ thị và ganh ghét
Cách tỏ ra tôn kính vẻ bề ngoài
Mà trong lòng chứa đầy sự khinh rẻ
Cách so sánh không ngừng với kẻ khác
Dù vẫn sống trong những điều đó
Cách giúp ích nhất cho bản thân
Là đánh bại bao hà khắc khó khăn
Bằng tưởng tượng riêng của chính mình.
Bài thơ có tựa đề (tạm dịch) là Điều học được ở trường của Yoo Ha. Tôi đọc mà cảm thấy cổ họng nghẹn đắng vì nó gợi nhớ lại những ký ức đau buồn tôi đã từng trải qua thời đi học. Chuyện xảy ra vào mùa xuân năm tôi học lớp Hai. Cho đến lúc đó, tôi là học sinh kém, học hành dở tệ, thay vì đọc to theo sách giáo khoa như các bạn, tôi lại nhìn trời ngắm mây bên ngoài cửa sổ và đắm chìm vào những mơ mộng viển vông.
Tuy nhiên bất ngờ một câu thơ được viết trên bảng ở phía cuối phòng học đập vào mắt tôi.
“Bố sinh tôi ra, mẹ nuôi tôi lớn…” khoảnh khắc ấy tôi bắt đầu thấy tò mò.
“Lạ nhỉ? Trẻ con không phải do mẹ sinh ra sao? Mẹ sinh ra mình ở bệnh viện mà, không lẽ mình nghe nhầm?”
Trong suốt giờ học, tôi bị cuốn hút bởi suy nghĩ đó nên cuối cùng đã đứng lên hỏi cô giáo thế này.
“Thưa cô, không phải em bé do mẹ sinh ra hay sao ạ? Sao ở đây lại viết là bố sinh ra?”
Sau khi tôi giơ tay xin nói và kết thúc câu hỏi của mình, khuôn mặt của cô giáo đỏ dần lên. Cô không nói gì một lúc mà chỉ nhìn chằm chằm vào tôi rồi mới trả lời: “Chuyện đó khi nào lớn lên em mới biết được!”
Cô bảo tôi đừng để ý đâu đâu vô ích mà hãy tập trung vào bài học rồi lại nhìn vào sách giáo khoa. Tôi lại hỏi: “Còn nhỏ mà không biết thì lớn lên có thể biết được sao cô?”
Ngay tức thì cô nói: “Đừng lý sự với cô” rồi mặc kệ tôi. Tôi không hiểu vì sao cô giáo lại như thế. Thực sự tôi không biết nên đã hỏi bằng vẻ mặt tò mò như vậy nhưng sao cô giáo lại không giúp tôi giải đáp thắc mắc? Với nghi vấn chưa được giải đáp, tôi cứ đứng yên ở đó mà không biết phải làm gì. Cô giáo không thèm ngó ngàng đến tôi và vẫn tiếp tục giờ học.
Mặc dù đến bây giờ đã thành người lớn, tôi vẫn không quên được giây phút đó. Sau sự kiện đó, dù có điều gì thắc mắc tôi cũng không dám giơ tay lên hỏi vì sợ xấu hổ.
Tôi trải qua những năm tiểu học như thế và bước vào cấp hai. Nhờ thời gian, tôi đã quên được chuyện đó nhưng bất hạnh thay, lại xảy ra một sự kiện nhắc tôi nhớ lại vết thương năm ấy.
Đó là vào giờ học Ngữ văn. Tôi không nhớ chính xác đã xảy ra việc gì nhưng cô giáo tôi nhấn mạnh rằng Shin Suk-ju5 là người xấu vì đã phản bội vua Dan jong6. Lúc đó tôi lại bắt đầu thắc mắc.
“Nếu Shin Suk-ju chọn cái chết vì lòng trung thành với vị vua nhỏ thì sau đó thời đại hoàng kim về chính trị xã hội của thời vua Sejo rốt cuộc có xảy ra hay không. Kiên trung, nỗ lực vì vô số bách tính chẳng phải là nên nhận được lời khen ngợi sao?”7 Trong quan điểm trẻ con của tôi, Shin Suk-ju cũng có thể cố ý chọn con đường sống nhục nhã. Cho nên, giống như năm lớp Hai, tôi lại giơ tay xin nói và đứng lên. Tôi trình bày suy nghĩ của mình với cô giáo và kết luận: “Em nghĩ rằng không thể phán đoán tất cả mọi mặt của nhân vật ấy chỉ bằng thước đo gọi là lòng trung thành.”
Lúc ấy, cô giáo tôi cầm quyển sổ đầu bài lên và đập mạnh xuống bàn giáo viên.
Sự im lặng đến ngạt thở trôi qua trong lớp học một lúc. Các bạn hồi hộp nhìn tôi còn vẻ mặt cô giáo thì lạnh lùng… Tuy nhiên, kỳ lạ là lúc ấy tâm trạng tôi rất vững vàng, trong đầu tôi chỉ không ngừng vang lên suy nghĩ: “Mình có làm gì sai không?” Điều tôi muốn chỉ là trao đổi ý kiến với cô và các bạn mà thôi.
Thời đi học, khi mà những học sinh khác thường gần gũi với thầy cô thì tôi lại xa lánh và thường đặt ra những câu hỏi kỳ lạ cho giáo viên. Khi sự bướng bỉnh của tôi càng mạnh mẽ, tôi lại bị xem là đứa học trò xấc láo.
Tôi ghét các giáo viên và ghét trường học. Suy nghĩ khác với thầy cô giáo thì có tội gì chứ. Bạn bè cũng nhìn tôi bằng ánh mắt lạ lùng và do vậy mà tôi chỉ mở lòng mình với một vài người bạn mà thôi. Bây giờ nghĩ lại, tôi mới thấy đó là quãng thời gian khá khó khăn và cô đơn. Mẹ tôi biết quá rõ điều đó vì bà luôn lắng nghe và nhìn nhận con gái không giống như những đứa trẻ bình thường khác. Mẹ còn nói rằng tôi sẽ trở thành một nữ tổng thống khi lớn lên và khích lệ tôi hết mực. Có thể nói mẹ là người cứu viện tuyệt đối của tôi. Và ba tôi cũng giống như vậy.
Nhờ cha mẹ mà tôi có thể kết thúc việc học ở trường một cách suôn sẻ. Nếu không có họ, biết đâu tôi đã ngừng học giữa chừng từ rất sớm. Những vết thương mang theo từ trường học vẫn mãi khắc sâu trong lòng tôi.
Vì thế, khi Kyeong-mo đến tuổi đi học, tôi đã không khỏi chần chừ, phân vân. Sau khi đấu tranh với rất nhiều những mâu thuẫn, cuối cùng tôi đã cho Kyeong-mo đến trường. Sau đó có vô vàn sự kiện xảy ra, nỗi khổ tâm của tôi theo đó cũng không thể nói hết bằng lời được. Cả con trai và tôi đều thấy việc đi học như một cuộc chiến sống còn.
Một lần, tôi nhận được cuộc gọi của cô giáo. Trong giờ học mỹ thuật, Kyeong-mo chỉ mở quyển tập vẽ ra và ngồi im suốt một tiếng đồng hồ.
“Cháu thực sự không làm gì sao?”
Theo lời cô giáo, đến khi gần kết thúc giờ học, trên quyển vở tập vẽ của Kyeong-mo không có lấy một nét vẽ nào. Nghe những gì cô giáo kể, tôi đoán rằng có lẽ Kyeong-mo đã khá buồn phiền. Ở một môi trường lạ lẫm, phải làm những việc mình không thích thật khó thích ứng biết bao.
Thời gian dần trôi đi, trong lòng tôi bắt đầu nảy sinh những hoài nghi. Liệu có vấn đề gì trong nền giáo dục công lập không? Liệu tôi có nên khăng khăng cho con đến trường hay không?
Khi Kyeong-mo bước vào lớp Bốn, một hôm thằng bé nói với tôi: “Mẹ ơi, cho con vào nhóm hướng đạo sinh nhé!”
Trong giây lát, tôi không tin được những gì mình vừa nghe. Tôi đã từ bỏ ý định cho Kyeong-mo tham gia vào hội hướng đạo không quá một năm trước đây. Khi ấy, Kyeong-mo đã nói: “Sao con phải làm những chuyện bị ép buộc như đi cắm trại và ở chung với những đứa trẻ không quen biết chứ? Tuyệt đối con không làm đâu!” Một Kyeong-mo đã từng tuyên bố như vậy nay lại tự mình thay đổi ý kiến khiến tôi hết sức ngạc nhiên.
“Con nói thật à Kyeong-mo?”
“Dạ, ngay ngày mai con sẽ đi đăng ký.”
Đầy phấn khích, hôm sau Kyeong-mo đã đến nhóm hướng đạo và vượt qua cuộc cạnh tranh khốc liệt bằng trò kéo búa bao.
Như tôi đã nói, sự phát triển của trẻ không phải là một đường thẳng mà theo kiểu bậc thang. Dù biểu hiện của trẻ giống như không có sự tiến bộ gì nhưng một lúc nào đó, đột nhiên trẻ lại cho thấy sự thay đổi. Sự thay đổi của Kyeong-mo có lẽ cũng là một quá trình của sự phát triển theo kiểu bậc thang như vậy. Tuy nhiên tôi vẫn có một nghi vấn: “Có phải chỉ là do những thay đổi theo thời gian không?”
Kyeong-mo vốn dĩ là đứa trẻ hành động chậm chạp từ nhỏ, dù đã vào tiểu học nhưng vẫn không sửa đổi thói quen lười biếng. Mỗi sáng Kyeong-mo thường đi học trễ. Sau này thói quen trễ nải của Kyeong-mo dần mất đi sau khi bị bố trách mắng nhưng chuyện này hoàn toàn không phải là tự nguyện. Vào một ngày bỗng nhiên xuất hiện cảnh tượng Kyeong-mo đứng ở cửa ra vào và lớn tiếng nói: “Nếu không nhanh lên là sẽ muộn.” Kyeong-mo đã tự mình suy nghĩ được rằng không được đi muộn nữa. Lúc ấy tôi đã phải công nhận rằng: “Quả thực sau khi đi học, Kyeong-mo đang thay đổi từng chút một…”
Con đã nhận biết được mình phải thay đổi thế nào cho đúng với các khuôn mẫu xã hội. Con không đánh mất bản thân để đóng khung theo khuôn mẫu mà biết cách đạt được mong muốn của mình trong khuôn mẫu ấy. Dù vẫn đáp ứng được những yêu cầu từ bên ngoài nhưng con không đánh mất chính mình. Đây chính là cách ứng xử “đúng” với khuôn mẫu nhưng không hề đơn giản.
Lúc đầu Kyeong-mo bất đắc dĩ phải làm theo. “Nếu không làm tốt sẽ bị mẹ mắng, sẽ bị cô giáo trách móc” – đó là toàn bộ lý do cho sự thay đổi. Tuy nhiên sau ba năm trải nghiệm, “sự gượng ép” đó đã đổi thành “sự tự giác”.
Nếu như Kyeong-mo đã đánh mất bản thân trong khuôn mẫu ấy thì con đã không nói những lời như “nếu không nhanh lên là sẽ muộn”. Bởi vì việc phục tùng, làm theo hoàn toàn không phải là sự tự giác.
Trong khi tôi đang nghi ngờ về nơi con mình được giao phó thì Kyeong-mo đang học được “cách thích ứng một cách tự do trong khuôn mẫu” ở đó. Điều này rõ ràng sẽ trở thành nền tảng quan trọng nhất cho cuộc sống về sau của Kyeong-mo.
Một thương gia nổi tiếng của Mỹ đã nói: “Không gian duy nhất mà ở đó học được kỹ thuật xây dựng các mối quan hệ vừa lợi dụng lẫn nhau vừa không vụ lợi chính là trường học.” Thương gia này cho rằng không có gì phải hối hận nếu không học được tri thức nhưng thật đáng tiếc nếu không đến trường.
Sau khi hiểu được những sự thực ứng với nhận định này, tôi có thể hiểu một cách chính xác giá trị mà trường học mang lại. Và mặc dù giai đoạn đến trường thuở nhỏ của tôi đã trải qua một cách khó khăn nhưng tôi biết rằng mình đã học được cách thích ứng tốt với các khuôn mẫu của cuộc đời thông qua nơi ấy. Các vị phụ huynh đã hiểu phải cho con tới trường học dù gặp bất kể chuyện gì rồi chứ?
Dù rằng mỗi khi Kyeong-mo gặp điều bất ổn ở trường, con lại nói là “ghét đi học” nhưng tôi không còn buồn lo nữa vì tôi hiểu rằng để thích ứng được với xã hội này, không có nơi nào xứng đáng hơn trường học, vì có những thứ học được ở trường mà không thể nhận được qua bất cứ không gian nào khác.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.