Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Bốn nguyên tắc mà người mẹ đi làm phải tuân thủ



Trong số những người mẹ đang đi làm tìm đến gặp tôi, có những người bộc lộ triệu chứng bất an cực độ. Dĩ nhiên triệu chứng ấy xuất phát từ bọn trẻ nhưng nếu cho mẹ và con đối diện nhau thì tôi cảm thấy bất an ở phía những người mẹ nhiều hơn. Có một số lý do: đó có thể là vì những căng thẳng đến từ việc nuôi dạy con cái, hoặc có thể vì hoàn cảnh diễn ra xung quanh người mẹ. Nhưng không biết bằng cách nào mà nỗi bất an của mẹ lại chuyển sang con một cách trọn vẹn, khiến trẻ cũng “mắc bệnh” theo.

Khi song song vừa đi làm ở bệnh viện vừa nuôi dạy con, tôi đã tự mình trải nghiệm những ý nghĩa tích cực của việc thành công trên cả hai con đường. Việc mẹ con lúc nào cũng sát cánh bên nhau không phải lúc nào cũng hoàn toàn tốt, trái lại tôi nhận ra, ở bên nhau mà không làm được những việc tốt sẽ trở thành mối nguy hại.

Khi Kyeong-mo còn rất nhỏ, cuối tuần tôi vẫn phải ngập đầu trong việc học để hoàn thành học vị như hiện tại. Trong vòng xoáy đó, một ngày, Kyeong-mo lại gần và bám riết lấy mẹ. Mặc cho chồng tôi có dỗ dành, an ủi, con vẫn bướng bỉnh không nghe. Đây là lúc mà một người mẹ như tôi phải chăm sóc con nhưng lúc bấy giờ, tôi không thể thảnh thơi để lo chuyện đó. Không chỉ là thảnh thơi về thời gian, tâm hồn tôi cũng không lấy gì làm thanh thản.

Thế nhưng, tôi vẫn là một người mẹ. Tôi tạm dừng việc học và bế con lên nhưng trong lòng vẫn thấy buồn bực. Chẳng biết tôi đã ôm con mạnh đến thế nào mà nhìn con có vẻ rất khó chịu. Kyeong-mo bật khóc như gào lên còn tôi không biết làm thế nào để con nín khóc. Tôi đã dỗ dành nhưng càng lúc Kyeong-mo càng khóc dữ hơn và sau đó hơi thở con đứt quãng. Lúc đó, so với chuyện lo lắng cho con mình thì tôi lại thấy đau buồn nhiều hơn. Vì vậy tôi ôm Kyeong-mo trong tay và cũng khóc theo con.

Nhờ chồng mà tôi đã vượt qua được tình huống đó một cách yên ổn nhưng khi nhìn lại tôi nhận ra rằng nỗi bất an cực độ của tôi không đến từ những mệt mỏi trong công việc mà vì đối diện với những khó khăn đến từ Kyeong-mo.

Trong tình hình như vậy, nếu tôi bỏ việc thì những bất an buồn bực của tôi có lẽ sẽ chuyển hết sang Kyeong-mo. Đặc biệt với đứa trẻ thuộc dạng nhạy cảm như Kyeong-mo thì có lẽ con còn chịu nỗi bất an lớn hơn cả mẹ.

Tôi luôn nghĩ rằng việc giáo dục con cái sẽ không tốt nếu chỉ giao phó cho người mẹ. Dù có chuẩn bị kỹ càng đến đâu, nếu mệt mỏi, cực nhọc cả ngày với con cái, đương nhiên người mẹ nào cũng sẽ buồn bực và dù cố gắng thì sự buồn bực ấy vẫn thể hiện ra trước mặt trẻ. Cho nên tôi khuyên các bà mẹ hãy tự tạo cho mình một lối thoát để có thể tránh khỏi những việc lặp đi lặp lại một cách nhàm chán mỗi ngày. Hãy rũ bỏ những gánh nặng tinh thần từ việc nuôi dạy con cái và công việc nhà, vì phải luôn giữ tâm trạng vui vẻ và sảng khoái mỗi khi đối diện với con cái.

Dù thế nào đi nữa thì một người mẹ đang đi làm đương nhiên sẽ nảy sinh những thiếu sót không tránh được. Cho nên để cải thiện những thiếu sót của một người mẹ vừa đi làm vừa nuôi hai đứa con, tôi đã đưa ra một số nguyên tắc dưới đây:

Trong tuần, trẻ phải có một ngày để chơi

Từ trước đây, ngày mà Kyeong-mo và Jeong-mo thích nhất trong tuần là ngày thứ Bảy. Bởi vì hôm đó nếu bệnh viện không có việc đột xuất, tôi sẽ ở nhà và chơi đùa cùng các con. Nếu có những yêu cầu phỏng vấn quan trọng, tôi cũng từ chối. Tôi đưa con đến công viên trò chơi và những nơi khác nữa. Dĩ nhiên là khi ấy tôi cũng khá hồi hộp. Đưa một đứa trẻ gặp quá nhiều khó khăn trong chuyện học ở trường (đương nhiên bây giờ không còn như thế nữa) đi chơi là tôi phải đấu tranh tư tưởng rất lớn bởi đáng lẽ thời gian ấy mình nên dạy thêm gì đó cho con, hoặc là cho con đi học thêm như những đứa trẻ khác.

Dĩ nhiên việc học ngay lúc này là quan trọng nhưng việc xóa đi những áp lực của việc học còn quan trọng hơn. Những đứa trẻ trong thời kỳ trưởng thành ít có khả năng nhẫn nại và chịu đựng như người lớn. Vì vậy việc học cả ngày ở tuổi đó sẽ gây ra căng thẳng. Trong trường hợp người mẹ đi làm cả ngày như tôi, nếu cả tuần không có hoạt động chung với con thì các con có thể bị căng thẳng. Thể hiện tình cảm với các con là cách để người mẹ xóa bỏ những căng thẳng tích tụ, điều này còn quan trọng hơn cả việc học vì điểm số.

Học với trẻ theo quy tắc một tuần một lần, một tháng một lần

Khi Kyeong-mo học cấp một, mỗi chiều Chủ nhật con luôn ngồi ở bàn học với quyển sách mở ra trước mặt vì việc học cùng mẹ vào chiều Chủ nhật đã trở thành thói quen.

Kyeong-mo không theo kịp chương trình học ở trường nhưng cũng không học được gì khi đến trung tâm học thêm, vì thế tôi sắp xếp để kèm con học cùng vào cuối tuần. Việc học vào cuối tuần có hiệu quả ngay ở hai phương diện. Thứ nhất, một đứa trẻ thiếu khả năng tập trung như Kyeong-mo trong tuần chỉ học duy nhất một lần nên không bị chán chường hay mệt mỏi về chuyện học ngoài nhà trường. Khoảng thời gian 3-4 tiếng đồng hồ tự học mỗi tuần khiến con khá tập trung và hiệu quả cũng rất tốt. Thứ hai, việc học đó không phải là ép buộc nên dù là hai hay ba tiếng đồng hồ cùng nhau thảo luận để giải quyết vấn đề thì với Kyeong-mo, chỉ như thời gian để tích lũy niềm tin về mẹ.

Một ngày Chủ nhật nọ tôi ốm nặng nhưng tôi vẫn cố ngồi dậy để học cùng Kyeong-mo. Tuy nhiên, Kyeong-mo đã nhẹ nhàng mở cửa phòng tôi và nói rằng: “Mẹ ơi, hôm nay con sẽ học một mình. Con làm theo những gì mẹ dạy tuần trước là được phải không mẹ? Nếu mà có gì không biết thì con sẽ hỏi.” Đó là kết quả của việc dành thời gian học cùng con. Điều này hiệu quả đến mức Kyeong-mo đã tự học một mình. Từ lúc ấy, mỗi khi học cùng tôi, biểu hiện của Kyeong-mo trở nên tích cực hơn, con không còn thụ động lắng nghe mà còn đặt câu hỏi trước.

Chọn lựa trung tâm học tốt nhất cho con

Dù cố gắng thế nào thì một người mẹ đi làm cũng có những mặt thiếu sót nhưng thiếu sót không dành thời gian cho việc học của con thì không được phép mắc phải. Việc chọn lựa cho con trung tâm học thêm cần thực sự cẩn trọng, vì chính những người mà chúng ta chọn sẽ đảm nhận vị trí là thầy cô giáo của con mình.

Trường hợp thất bại trong việc chọn lựa gây ra những kết quả không như mong đợi. Vì vậy dù là trung tâm nào, tôi cũng phải xem xét tỉ mỉ từng yếu tố như môi trường xung quanh, nhân cách của giáo viên phụ trách, các bạn cùng học, phương pháp học tập và bài tập về nhà. Tôi đánh giá điểm mạnh yếu trong phương pháp giáo dục của từng trung tâm, sau đó mới chọn lựa nơi phù hợp nhất với con. Bởi một lần chọn lựa đúng đắn còn tốt hơn nhiều so với việc trực tiếp dạy dỗ con.

Hãy chạy đến bên con ngay khi trẻ thật sự cần

Thỉnh thoảng có những lúc Jeong-mo nói với tôi: “Hôm nay mẹ không đi làm có được không mẹ?”

Lúc đó trong lòng tôi đan xen rất nhiều cảm xúc. Phải giả vờ không nghe thấy hay phải ôm con mà dỗ dành đây? Nhưng nếu Jeong-mo bộc lộ phản ứng như vậy thì trước hết, tôi giảm ngay khối lượng công việc vì đó có thể báo là một tín hiệu cảnh báo. Dĩ nhiên trẻ có thói quen dựa dẫm vào người mẹ có thể sẽ khó sống độc lập nhưng cũng cần hiểu rằng ở độ tuổi đó, trẻ cần mẹ là điều đương nhiên.

Tuy nhiên, đòi hỏi này cũng có khi vượt quá giới hạn. Mức độ cần có mẹ của mỗi đứa trẻ là khác nhau nhưng một người mẹ nhạy cảm có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa những hành động nũng nịu đơn thuần và mong muốn thật sự từ tấm lòng của trẻ.

Trong trường hợp con trẻ thực sự cần mẹ thì dù công việc như thế nào, tôi cũng dành toàn bộ thời gian cho con. Trong khoảng thời gian ấy tôi cố gắng đáp ứng tối đa những yêu cầu của con. Để làm được như vậy, tôi đã tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ từ xung quanh, bắt đầu từ chồng tôi. Jeong-mo hay Kyeong-mo đều là những đứa trẻ rất yêu quý những người họ hàng bên nội nên tôi không ngại đường sá xa xôi mà đưa các con về tận quê nội chơi. Làm như vậy sẽ lấp đầy cảm giác trống trải của con và rồi tôi lại trở về với hình ảnh vốn có của mình.

Việc tôi đáp ứng yêu cầu của các con có liên quan trực tiếp đến việc học hỏi của con ở thời kỳ đó. Nếu nói cụ thể hơn, cảm giác thỏa mãn về mặt tình cảm trong cuộc sống thường ngày sẽ mang lại hiệu quả đến 120% trong chuyện học hành. Đặc biệt, với đứa trẻ dù mẹ không ép học hành nhưng vẫn tự mình tìm hiểu và tìm thấy được sự khích lệ trong học tập như Jeong-mo, trẻ sẽ từ chối tất cả những khuyến khích học tập từ xung quanh nếu tình cảm không được ổn định. Lúc này nếu người mẹ cố dành thời gian để ở bên con thì trẻ sẽ tìm thấy được sự an tâm. Dù không phải lúc nào người mẹ cũng gần bên con nhưng nếu biết rằng mình được mẹ yêu thương thì tình cảm của trẻ sẽ ổn định và điều này có tác động trực tiếp đến việc học tập.

Trong bốn nguyên tắc mà tôi xây dựng, mẫu số chung là phải hiểu và đứng ở lập trường của trẻ. Nhưng tôi còn tin tưởng vào chân lý “đời thay đổi khi ta thay đổi” hơn bất cứ điều gì. Tôi đã tự mình trải nghiệm điều này với tư cách là một người mẹ đang đi làm và là người mẹ nuôi hai đứa con quá khác biệt nhau.

Tôi không nghĩ những nguyên tắc này có thể áp dụng giống nhau với tất cả những người mẹ đang đi làm. Vì mỗi đứa trẻ đều có sự khác biệt nên phương pháp cũng theo đó mà biến đổi đi một chút. Nhưng hơn hết, nếu người mẹ thay đổi suy nghĩ của bản thân theo hướng tích cực thì điều đó sẽ sớm được truyền đến cho trẻ. Khi đó việc tìm ra phương pháp hợp lý là chuyện rất tự nhiên và dễ dàng.

Dù là đang đi làm hay chỉ ở nhà nội trợ, mỗi bà mẹ đều cần có phương pháp để khiến trẻ có niềm hứng thú với việc học tập. Nhưng dù chọn phương pháp nào, cha mẹ cũng phải suy nghĩ dựa trên lập trường của trẻ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.