Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Sự vĩ đại của việc “cùng nhau làm”



Anh em chung sống trong một gia đình thường có nét giống nhau nhưng hai đứa con trai của tôi thì khác xa nhau và thường xuyên cãi vã. Có hôm, tôi phải bỏ thời gian ra làm trọng tài cho hai đứa cho đến khi đi ngủ.

Thỉnh thoảng, nếu chăm chú nhìn cậu con trai nhỏ thì tôi lại thấy ân hận vì chưa dành cho con sự quan tâm đầy đủ. Kyeong-mo có quá nhiều vấn đề, lại thêm Jeong-mo vượt trội ở mọi mặt, nên tôi thường bỏ mặc con lúc nào không hay.

Cuối cùng thì cũng có cơ hội để Jeong-mo có thể đón nhận tình yêu thương của mẹ một cách trọn vẹn. Đó là khi Kyeong-mo tuyên bố sẽ đến nhà ông ở mấy ngày trong kỳ nghỉ. Sau hôm Kyeong-mo rời khỏi nhà, tôi quyết định dành cả một ngày cho Jeong-mo. Chúng tôi đến công viên trò chơi, đi xem phim, đến nhà người chú mà bình thường Jeong-mo hay bám theo và chơi đùa vui vẻ ở đó. Hai mẹ con đã có thời gian rất vui vẻ bên nhau – điều không mấy khi xảy ra với hai mẹ con tôi.

Tối hôm đó, khi tôi sắp chìm vào giấc ngủ thì Jeong-mo mở cửa phòng tôi và nói: “Con sẽ ngủ với mẹ.” Từ lúc lớn lên đến giờ chưa có lần nào Jeong-mo tìm tôi khi đi ngủ cả.

Và ngày hôm sau, ngay khi vừa thức dậy con đã nói: “Hôm nay con sẽ không nghịch đồ chơi của anh nữa, con sẽ ngồi chơi thật ngoan.”

Một trong những thói quen không sửa được của Jeong-mo, dù tôi có dỗ dành hay dọa nạt đến mấy, là hay nghịch ngợm đồ đạc của anh trai. Hôm nay con thật giỏi khi tự mình nói ra những lời như vậy. Nhưng tôi lại thấy đau lòng vì hóa ra suốt thời gian qua, Jeong-mo đã thiếu vắng tình thương của mẹ. Trong thời gian mấy ngày đó, Jeong-mo đã nhận được quá nhiều tình yêu thương mà bình thường con phải chia sẻ với anh trai và cảm thấy rất hạnh phúc.

Không chỉ có vậy. Những thói xấu của con như muốn mẹ là của riêng mình cũng dần được cải thiện. Nếu như bình thường Jeong-mo hay ném quần áo bừa bãi và phải chờ tôi đánh thức mới chịu dậy thì bây giờ sau khi ăn cơm, con đã biết bỏ bát đũa vào bồn rửa mà không cần tôi nhắc nhở và còn nói rằng sẽ tự sắp xếp quần áo gọn gàng nữa.

Thỉnh thoảng tôi nói với các bà mẹ rằng hãy dành thời gian để thể hiện sự quan tâm với con trẻ nhưng theo quan niệm hiện nay, sự quan tâm chỉ là dạy dỗ con điều gì đó cho trẻ mà thôi. Sự quan tâm không chỉ là “không có thay đổi nào khác thường trong hành động của con chứ?”, “có việc gì làm con tổn thương trong lòng hay không?”, “tinh thần con có điều gì bất ổn không?” mà chúng ta phải làm thế nào để thể hiện sự nhiệt tình trong việc có thể nuôi dạy con một cách thông minh. Rõ ràng rằng sự quan tâm đó phải đi kèm với sự hy sinh của người mẹ và loại bỏ tham vọng biến con thành người mà mình tự tưởng tượng ra. Tất cả sự quan tâm đều phải lấy trẻ làm trọng tâm mới có thể đạt được hiệu quả.

Những người mẹ đang đi làm sẽ hỏi tôi: “So với lượng thời gian dành cho con thì chất lượng chơi đùa với bé như thế nào là quan trọng hơn đúng không?”

Dĩ nhiên ý kiến này không sai. Giữa một người mẹ ở cạnh con cả ngày nhưng chỉ làm những việc của mình và một người mẹ dù chỉ ở bên con một tiếng đồng hồ nhưng dành hết tấm lòng chân thành cho con thì không thể khẳng định rằng điều nào là tốt hơn cho đứa trẻ.

Dù công việc như thế nào thì người mẹ vẫn cần tính toán, phân chia thời gian biểu hợp lý để có khoảng thời gian nhất định ở cùng con.

Đây là chuyện xảy đã ra sau khi con trai đầu lòng của tôi chào đời được chừng 18 tháng. Kyeong-mo đột nhiên òa khóc và bực mình với tất cả mọi việc. Một hai ngày trôi qua, con không tỏ ra bực mình nữa mà lại đánh và đá vào bà bảo mẫu đang chăm sóc cho con. Dù cố gắng đến mấy, tôi cũng không thể tìm ra nguyên nhân gây nên tổn thương tinh thần cho con và không thể tìm ra cách xử lý. Hằng ngày, dù công việc ở bệnh viện rất bận rộn nhưng sau khi tan sở tôi luôn cố gắng hết sức để chăm sóc

Kyeong-mo và thường gọi về nhà để hỏi thăm tình hình của con. Cuối cùng tôi xin nghỉ phép và ở bên con gần một tuần. Tôi đã không làm điều gì đặc biệt nhưng không rời con nửa bước và hết lòng chăm sóc con. Vậy mà triệu chứng của con bắt đầu có những chuyển biến tốt.

Tôi không nghi ngờ tấm lòng mà bà vú dành cho Kyeong-mo nhưng với con, bà vú rõ ràng khác với mẹ. Người mẹ vừa chơi đùa vui vẻ với mình ban tối bỗng nhiên biến mất vào sáng hôm sau, ở vị trí của đứa trẻ, chắc chắn bé sẽ có “cảm giác khát khao” người mẹ. Điều tôi đã bỏ qua chính là “thời gian nhất định” cần thiết dành cho con. Đó không phải là lúc dạy con điều gì mà là thời gian chơi đùa bên con, không có bất cứ tham vọng nào, là thời gian dành cho con tình yêu thương vô điều kiện.

Tôi đã cảm nhận được điều đó khi lần lượt trải qua việc nuôi đứa con đầu lòng rồi đến đứa con thứ hai. Những việc mà mẹ con cùng nhau trải qua vô cùng đơn giản nhưng đã trở thành “liều thuốc” giáo dục tốt cho trẻ… Sự vĩ đại của việc làm cùng nhau là điều mà chỉ những người từng trải qua mới hiểu được. Điều này có thể khiến những người mẹ đang đi làm cảm thấy có lỗi với con nhưng chỉ đơn giản là sống mà luôn có hình ảnh một đứa con thường trực trong đầu, coi như bạn đã thành công được một nửa. Tôi đã nghiệm ra rằng nếu quan tâm đến con thì việc dành một khoảng thời gian nhất định cho con không phải là quá khó khăn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.