Đừng Ép Con “Khôn” Sớm
Không có sự giáo dục nào tuyệt vời hơn những trải nghiệm
Một người mẹ đã hỏi tôi về một cuốn sách tranh vẽ hình các sự vật rất tinh xảo: “Cuốn sách có mang lại hiệu quả đối với bọn trẻ như tiếp xúc với sự vật thật không?” Nói rồi người mẹ đưa cho tôi cuốn sách tranh, trong đó có hình vẽ một chú chó rất đẹp. Bức tranh được vẻ tỉ mỉ đến mức chỉ cần nhìn thôi đã thấy chú chó đáng yêu và muốn ôm lấy để vuốt ve. Nhưng sau cảm giác ấy, tôi đã hỏi lại người mẹ:
“Chắc là nhà chị cũng có nuôi một con chó?”
“Không. Tôi sống ở chung cư, nên không được nuôi đâu, bác sĩ à.” Tôi đã cho người mẹ biết rằng nếu có thời gian để nhìn bức tranh con chó trong sách mười lần thì đưa trẻ ra ngoài một lần và cho con tự tay chạm vào một chú chó thật còn tốt hơn. Tôi cũng nói thêm rằng nếu như vậy thì đứa trẻ sẽ không bao giờ quên hình ảnh “con chó” là như thế nào.
Độ tuổi từ 3-5 tuổi là thời kỳ phát triển mạnh nhất về IQ cảm giác và tính tổng thể của trẻ. Nói khác đi, nếu chỉ nhìn và nghe mà không được chạm vào thì thông tin ấy không được tích lũy ở não bộ. Với trẻ chưa đến 6 tuổi đọc sách về lời răn dạy của Khổng Tử hay Mạnh Tử là quá sức so với sự phát triển của bộ não trẻ. Ngược lại, so với việc chỉ suy nghĩ trong đầu, việc trẻ được tận mắt nhìn, chạm vào và cảm nhận có hiệu quả hơn nhiều.
Thay vì cho trẻ xem sách và thuyết minh “đây là biển”, nếu trẻ được một lần đưa ra biển để cảm nhận gió biển như thế nào, màu nước biển ra sao và được trực tiếp trải nghiệm mùi vị của nước biển thì chức năng của não bộ sẽ phát triển nhanh chóng.
Hiệu quả của những trải nghiệm trực tiếp vẫn không giảm sút khi trẻ vào tiểu học. Người Mỹ đã sớm nắm bắt và nhận định việc học tập trải nghiệm ở bậc tiểu học là rất quan trọng. Việc học tập trải nghiệm với họ không phải là cho học sinh đi tham quan, học tập ở viện bảo tàng giống như ở Hàn Quốc mà được làm quen với những thông tin, tri thức phù hợp với thời kỳ phát triển, khi đó, trẻ sẽ cảm thấy cuộc sống rất gần gũi qua những trải nghiệm của mình.
Đây là chuyện khi chúng tôi ở Denver, Mỹ. Một ngày nọ, Kyeong-mo chuẩn bị nhiều loại nguyên liệu để làm thức ăn cho chó trong giờ khoa học. Nghe Kyeong-mo kể, suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi là vì sao con lại muốn làm thức ăn cho chó ở trường học. Điều này không giống với việc tạo ra đường điện hay quan sát cực nam, cực bắc của thỏi nam châm trong phòng thực hành khoa học ở trường tiểu học mà thuở nhỏ con vẫn thích.
Tuy nhiên, Kyeong-mo nói rằng giờ thực hành là thông qua quá trình thực nghiệm phức tạp để đạt được một sản phẩm và sản phẩm của con là thức ăn cho chó. Sau giờ học, con có thể đem thứ mình đã làm về nhà để cho chó ăn nên thấy rất thú vị và đã tiếp nhận giờ học một cách chăm chú. Ánh mắt con lấp lánh bao hứng thú về giờ học.
Vì nhà tôi không nuôi chó nên Kyeong-mo mang thức ăn cho chú chó hàng xóm ăn thử. Tuy nhiên hứng khởi đến rồi đi, một lúc sau, con trai tôi quay về với vẻ mặt ỉu xìu. Chú chó nhà bên không chịu ăn thứ mà con đã tự mình chăm chỉ làm ra. Chú chó đã đánh hơi mùi thức ăn đưa ra trước mũi nhưng rồi lại bỏ đi. Vẻ mặt rõ ràng vô cùng thất vọng, Kyeong-mo nói: “Mình đã bỏ nhầm cái gì vào chăng?” và miên man suy nghĩ không ngừng.
Sau đó, thỉnh thoảng Kyeong-mo lại nhớ đến chuyện này. Con đã đến nhà bốn người bạn và thử cho chó ăn nhưng lần nào trở về cũng ra vẻ nghĩ ngợi. Tại sao chó không thích thức ăn mình làm, mình bỏ thiếu thứ gì vào hay sao, những nghi vấn ấy dường như không biến mất khỏi tâm trí của Kyeong-mo.
Với Kyeong-mo, mấy tiếng đồng hồ làm thức ăn cho chó trở thành bài học không thể xóa nhòa. Nếu chỉ nghe thầy cô trình bày lý thuyết và lặp lại thì liệu con có nhớ nổi mình đã học những gì hay không? Các vị phụ huynh thử lục tìm trong đầu mình xem có còn một công thức hóa học nào đọng lại đến bây giờ hay không?
Có lần, tôi cùng Kyeong-mo lái xe đến một ngôi làng ở vùng núi. Trên những mẫu ruộng xâm xấp nước là những hạt giống được gieo trồng theo những khoảng cách nhất định. Nhìn cảnh tượng này, đột nhiên tôi nghĩ đến việc giải thích về hạt giống mà tôi đã thấy trong sách giáo khoa của Kyeong-mo.
“Kyeong-mo à, con đã học về hạt giống rồi đúng không. Thứ đó là hạt giống đấy.”
“Thật hả mẹ? Nhìn nó nhỏ hơn con nghĩ nhỉ. Cái đó lớn lên sẽ nở ra bông lúa phải không mẹ?” Kyeong-mo áp sát mặt vào cửa sổ xe và nhìn chăm chú ra ngoài. Sau đó mấy ngày, tất cả những chuyện Kyeong-mo nói đều liên quan đến hạt giống. Và khi có cơ hội, Kyeong-mo bắt đầu tự tìm kiếm thông tin liên quan đến lúa gạo.
Tôi nghĩ đây là việc có thể thực hiện được chỉ trong giai đoạn từ thuở ấu thơ đến khi học cấp một. Bởi vì khi học lên cấp hai, cấp ba, trẻ được làm quen với những điều mang tính trừu tượng và lý luận. Vì thế, cha mẹ nên áp dụng việc học của trẻ vào thực tế cuộc sống càng sớm càng tốt.
Ngày nào cũng vậy, dù công việc ở bệnh viện có bận rộn đến mấy, tôi vẫn dành thời gian để xem kỹ sách giáo khoa của Kyeong-mo. Tôi viết ra giấy ghi chú những điều đáng ghi nhớ. Tôi mang những tờ ghi chú đó theo mình để nghĩ cách đưa những điều trong sách giáo khoa vào thực tế cuộc sống.
Việc đưa kiến thức giáo khoa vào thực tế sống động không những đạt được hiệu quả của bản thân việc học mà còn khiến trẻ có được tâm thế học năng động thay vì ép buộc. Bằng việc học tập như vậy, trẻ sẽ tham gia một cách tích cực vào việc học kết hợp tư duy và ứng dụng. Điều này cũng trực tiếp liên quan đến “tính chủ thể” – điều cần thiết nhất cho quá trình học tập trọn đời.
Trong nền giáo dục lấy việc nhớ và học thuộc là chủ đạo, quan điểm này đang bị xem thường. Giáo viên giảng bài và học trò lắng nghe, cách học thụ động như vậy rốt cuộc chỉ tạo ra những con người máy móc, chỉ biết thụ động sao chép và làm theo, chứ không phải là người năng động và sáng tạo. Những vấn đề như đạo văn, xâm hại tài sản trí tuệ của người khác thường xuất hiện trên mặt báo không phải là không có liên quan đến thực trạng này. Các bậc phụ huynh cần tìm hiểu rõ xem bọn trẻ đang học tập những gì. Hãy nghĩ đến việc bọn trẻ sẽ áp dụng những điều đã học ở đâu và khi nào trong cuộc đời thực. Không có sự giáo dục nào tuyệt vời hơn sự trải nghiệm, và người tạo ra “học tập trong cuộc sống” cũng không ai khác chính là cha mẹ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.