Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Chương 2. Hãy để trẻ chơi thỏa thích cho đến lúc 5 tuổi



“Cứ bắt bọn trẻ học hành đi đã, không được chữ này thì cũng được chữ kia, còn hơn là không làm gì…” – các bà mẹ thường suy nghĩ như vậy để gạt bỏ nỗi lo và thấy lòng được an ủi phần nào.

Nhưng đáng tiếc là, chuyện học hành của con trẻ không thể thực hiện bằng kiểu phỏng đoán ước chừng như vậy được.

Bốn sai lầm cha mẹ dễ mắc phải

Cách đây không lâu tôi nhận được e-mail của một người mẹ có cậu con trai bốn tuổi rưỡi. Chị là người không ủng hộ việc giáo dục sớm nên không bắt con học gì cho đến khi bé lên 3 tuổi. Nhưng từ lúc bé được 38 tháng tuổi, chị lại giao con cho người quen ở một trung tâm giáo dục để bé được học tập. Cậu con trai rất thích cô giáo, còn người mẹ dù vẫn cho con đến học ở trung tâm nhưng chưa một lần quan tâm đến chuyện học hành hay bài tập của con. Sau hơn một năm, cậu bé vẫn không biết một chữ nào. Người mẹ nghĩ rằng kết quả đó cũng là chuyện đương nhiên vì chị không bắt con ôn lại bài học nên cũng cho qua, không lấy làm quan trọng nhưng phía công ty giáo dục khuyên chị hãy đến gặp chuyên gia để tư vấn. Họ cho rằng rõ ràng cậu bé có vấn đề gì đó và còn đề cập đến một căn bệnh nghiêm trọng như dị tật trí tuệ.

Từ lúc đó, người mẹ bắt đầu lo lắng. Theo lời chị, bình thường dù không biết chữ nhưng con trai chị rất thích sách truyện, thích đặt câu hỏi, nói chuyện không ngừng và còn có tính hài hước nữa. Hơn nữa, cậu bé cũng có quan hệ rất tốt với bạn bè và vui vẻ với mọi thứ xung quanh.

Bây giờ người mẹ ấy không biết nên làm gì. Chị đang rất lo không biết phải cho con kiểm tra để chẩn đoán bệnh hay bắt con học theo phương pháp khác.

Có lẽ đây là chuyện mà bất cứ người mẹ Hàn Quốc nào cũng từng trải qua một lần. Khi tôi nuôi con trai lớn Kyeong-mo cũng vậy. Trước những việc mình không có kinh nghiệm, tôi đã phải trải qua rất nhiều mâu thuẫn và chọn lựa. Không ít lần tôi đã phải áp dụng các phương pháp thử sai.

Tuy nhiên, mâu thuẫn trong chọn lựa như vậy nếu càng phát triển thì có thể trở thành lỗi lầm mà người làm cha làm mẹ không thể sửa chữa được. Những lỗi lầm trở thành thương tổn khó điều trị sẽ là yếu tố trở ngại lớn cho việc học tập sau này của trẻ. Theo đó, việc đề phòng lỗi lầm này được coi như đã thành công một nửa trong việc học của trẻ. Dưới đây là bốn lỗi cha mẹ không được phép mắc phải.

1. Cảm thấy được an ủi khi bắt ép con vô điều kiện

Trên truyền hình có quảng cáo về một trung tâm gia sư dạy những đứa trẻ đang học nói đọc được sách tranh trôi chảy. Sau khi xem quảng cáo, các bà mẹ hỏi tôi rằng: “Bác sĩ đã xem quảng cáo đó chưa? Con tôi chưa nói sõi, làm sao đọc sách làu làu được chứ?”

Trong số những thắc mắc, cũng có người mẹ nghi ngờ rằng trước khi quay quảng cáo, người ta đã cho trẻ học thuộc lòng quyển sách rồi đọc lại. Dù thực hư ra sao, sức lan truyền và hiệu quả truyền thông của quảng cáo cũng rất lớn. Theo đồn đại, mẩu quảng cáo ấy có lượt xem rất cao vì doanh nghiệp giáo dục này đã nắm bắt được cơ hội trình làng đúng vào thời điểm mà cha mẹ rất quan tâm đến việc giáo dục sớm.

Khi các trung tâm gia sư liên tục mở ra, nếu hỏi một trăm người thì không bà mẹ nào không bắt con đi học cả. Họ đưa ra những lý do như là: so với học viện, giá cả ở trung tâm gia sư có thể rẻ hơn và ít nhất cho trẻ đi học cũng tốt hơn việc cứ để trẻ chơi. Rốt cuộc thì, các bậc phụ huynh làm theo người khác một cách mơ hồ chỉ vì mục đích không để con mình yếu kém so với bạn bè.

Tôi luôn tự hỏi: Chuyện học hành của trẻ là vì ai đây? Phải chăng việc học không phải là điều cần cho trẻ, không phải là điều trẻ muốn làm mà học hành chỉ để xóa đi nỗi bất an của cha mẹ? “Cứ bắt bọn trẻ học hành đi đã, không được chữ này thì cũng được chữ kia, còn hơn là không làm gì…” – suy nghĩ như vậy đã giúp các ông bố bà mẹ được gạt bỏ nỗi lo và thấy lòng được an ủi phần nào.

Nhưng đáng tiếc là, chuyện học hành của con trẻ không thể thực hiện bằng kiểu phỏng đoán ước chừng như vậy được.

Phương pháp học tập có thể hiệu quả với 99 người nhưng vẫn có thể gây tác dụng phụ với một người còn lại. Và người còn lại đó có thể là con cái của chúng ta. Nếu việc học không phù hợp với trẻ, tạo gánh nặng tinh thần, cảm giác mất hứng vì thất bại hay cản trở sự phát triển tình cảm của trẻ sẽ trở thành những nguyên nhân lớn nhất khiến trẻ mất đi động cơ học tập về sau.

Bởi vậy, cha mẹ đừng bất chấp tất cả bắt trẻ học hành mà cần có lý do rõ ràng vì sao phải ép buộc trẻ học và cần nhìn lại một cách sáng suốt xem chuyện học là vì ai. Một lần nữa, cha mẹ phải đặt câu hỏi, liệu đó có phải điều hết sức cần thiết cho con hay không, có phải là điều con muốn hay không.

2. Có thể học hành để thi cử, thăng tiến chứ sao phải học nuôi con

Tôi thường có thói quen lưu giữ đĩa DVD của những phim tôi thích và mở lên xem lại mỗi khi có thời gian. Trong số đó có bộ phim Cuộc sống tươi đẹp khiến tôi rơi nước mắt sau những phân đoạn cười vui vẻ. Đó là bộ phim tươi sáng và thuần khiết về những ngày tháng hạnh phúc mà Guido trải qua cùng cô vợ Dora xinh đẹp và cậu con trai Joshua 5 tuổi. Quân đội Đức quốc xã của Hitler ập đến đã làm tan vỡ hạnh phúc của gia đình họ. Guido và Joshua là người Do Thái nên bị bắt đến trại tập trung, còn cô vợ Dora dù không mang dòng máu dân tộc này nhưng vẫn đuổi theo chồng con và lên chuyến tàu đến trại tập trung.

Gia đình họ bắt đầu cuộc sống ở trại tập trung trong nỗi lo sợ liên tục bị thảm sát. Nhưng Guido không muốn Joshua bé nhỏ biết được sự thật ghê rợn ở đây nên vào ngày đầu tiên đến trại, Guido đã sáng tạo ra một câu chuyện giả tưởng trước mắt cậu con trai bé bỏng. Guido bước ra xung phong làm thông dịch cho viên giám thị trại, khi người này đến giải thích về những quy tắc ở đây. Với vẻ mặt lạnh lùng, viên giám thị thông báo những luật lệ khắt khe ở trại tập trung cũng như cảnh báo sẽ bắn chết bất kỳ ai bỏ trốn. Tuy nhiên những lời đầy đe dọa này qua miệng của Guido đã trở thành câu chuyện hoàn toàn khác.

“Các bạn đã được tuyển chọn đặc biệt để đến đây và từ bây giờ, trò chơi tư tưởng tuyệt đối chính thức bắt đầu. Trò chơi diễn ra liên tục mỗi ngày và ai đạt 1.000 điểm trước sẽ nhận được phần thưởng cao nhất là một chiếc xe tăng…”

Nhờ vậy mà Joshua bé nhỏ dù đang bị bắt làm tù binh ở trại tập trung vẫn tin tất cả chuyện này là một trò chơi. Trong mắt Joshua, trại tập trung không phải là hiện thực lấm lem với cái đói, cái rét mỗi ngày mà là vùng đất lạ do những người “đóng vai lính” chiếm giữ và ẩn chứa bí mật. Và mỗi khi Joshua lờ mờ cảm nhận sự thật ở trại tập trung thì ông bố Guido lại thì thầm với con rằng “tất cả những chuyện này là trò chơi thú vị thôi” và gạt đi sự thật đáng sợ ở đó.

Để chiến thắng trò chơi này, Guido bảo con suốt ngày phải trốn dưới gầm giường và mỗi khi đi lao dịch về, ông lại lôi mẩu bánh mì khô giấu trong người ra dúi cho Joshua.

Vào ngày nước Đức bại trận, dù bị lôi đến trường bắn nhưng Guido vẫn nháy mắt hài hước với con khi nhận ra Joshua đang chứng kiến cảnh tượng ấy. Guido bước theo những người lính với dáng vẻ buồn cười và hướng về phía Joshua mà nói. “Bây giờ trò chơi kết thúc cả rồi. Nếu qua được ngày hôm nay thì con sẽ được nhận xe tăng.”

Là một người bố, Guido không thể để lại một vết thương như nỗi kinh hoàng về cái chết trong lòng cậu con trai nhỏ được. Nhờ bố mà Joshua có thể kết thúc “trò chơi” với một niềm tin vững chắc cho đến ngày quân Đức rút lui khỏi trại tập trung. Và rồi khi trò chơi chấm dứt, trước mắt Joshua, một chiếc xe tăng to lớn xuất hiện. Đó là xe tăng của quân Mỹ truy đuổi quân Đức.

Joshua bé nhỏ có thể sống sót đến giây phút cuối cùng ở hiện trường thảm sát người Do Thái nhờ khả năng tưởng tượng của người bố. Nỗ lực của Guido đã giúp con thoát khỏi hiện thực chết chóc mà họ bị buộc phải nhận lấy. Đứng bên trong hàng rào bảo vệ – chính là người bố kiên cường, Joshua đã có thể chịu đựng và mỉm cười dù cho có đói rét thế nào chăng nữa. Bởi vì với Joshua, những chuyện đó chẳng qua chỉ là một trò chơi đơn giản mà bố bày ra mà thôi.

Thế giới trong mắt trẻ sẽ trở nên khác đi theo cách mà cha mẹ tạo ra. Trước những người trúng đạn rồi ngã xuống, Joshua vẫn không nhìn thấy cái chết ở trong đó. Trong mắt Joshua, hiện trường thảm sát chẳng qua chỉ là trò bắn nhau thú vị giữa những người lớn.

Có thể nhiều người khi xem bộ phim này sẽ thắc mắc rằng dù là trẻ con đi nữa, tại sao Joshua vẫn không thể nắm bắt được sự thật trong suốt thời gian dài như vậy. Nhưng điều này có thể xảy ra bởi vì bố của Joshua chính là Guido chứ không phải ai khác.

Cha mẹ là người thầy đầu tiên mà trẻ gặp trong cuộc đời và có sức ảnh hưởng vô cùng lớn, bởi cha mẹ chính là người thân thiết nhất trong cuộc đời trẻ. Thế nhưng dường như các phụ huynh lại không biết đến sự thật này. Cha mẹ có ảnh hưởng lớn như thế nào đối với con và trẻ có thể thay đổi đến mức nào đều nhờ vào sự cố gắng của cha mẹ. Nhiều cha mẹ vẫn than thở rằng: “Chẳng biết phải làm thế nào.” Dĩ nhiên nếu không học làm cha làm mẹ thì chúng ta sẽ không tự nhiên biết mình cần làm gì cho con. Đối với trẻ, cha mẹ không chỉ là người cho bé ăn, cho bé mặc, dành thời gian ở bên bé và bắt bé học hành, cha mẹ còn là cả thế giới với trẻ, vì thế cũng cần phải nỗ lực học hỏi không ngừng và tự mình tích lũy những tri thức nền tảng. Cha mẹ phải luôn sáng suốt để cho con một cuộc sống vững chãi, đủ đầy.

Việc ép buộc trẻ làm việc cha mẹ muốn, bỏ mặc những đứa bé hay gây chuyện và nghĩ rằng chúng chỉ có tính xấu, việc không lấp đầy các yếu tố cần thiết đúng lúc đều bắt nguồn từ sự không học hỏi và không nỗ lực của cha mẹ.

Khi tôi nói điều này, các bà mẹ thường lấy lý do rằng lần đầu làm cha mẹ nên không biết gì về vai trò này là điều hiển nhiên. Nhưng bản thân sự “không biết gì” ấy không phải là nguyên do khiến cha mẹ mắc sai lầm. Sự “không biết gì” đó khiến họ không nhận ra và bỏ quên nhiệm vụ học làm cha mẹ.

Tôi nghĩ rằng công việc đòi hỏi phải học tập, nghiên cứu nhiều nhất trong cuộc sống chính là làm cha mẹ. Việc học mang trên mình danh xưng là cha mẹ không có điểm kết thúc mà phải được thực hiện liên tục. Đừng quên rằng suy nghĩ theo kiểu “dù sao thì bọn trẻ cũng sẽ lớn” là sai lầm nghiêm trọng nhất mà các bậc phụ huynh hay mắc phải.

3. Trở thành người giám thị của con

Khi phát hiện triệu chứng nghiêm trọng của đứa bé đến gặp mình, tôi thường chuyển hướng phỏng vấn tập trung sang người mẹ. Bởi vì nhiều trường hợp, phần lớn những trẻ này gặp các vấn đề đều xuất phát từ người mẹ, người nuôi dưỡng trẻ.

Cách đây không lâu, tôi gặp một người mẹ phải ngừng học chương trình tiến sĩ và tìm gặp tôi vì chuyện của con gái. Trong khi trò chuyện, bé gái vừa với tay đến mấy tờ giấy ghi chú trên bàn làm việc của tôi thì người mẹ đã mắng ngay: “Ngồi im. Không được làm vậy!” Chỉ hành động nhỏ ấy thôi cũng cho tôi thấy rõ, bình thường người mẹ học hỏi vai trò làm cha mẹ và đối xử với con mình như thế nào.

Từ lúc con gái lên 4 tuổi, người mẹ đã bắt con học piano, đến nay đã được ba năm và giờ đây bé bị bắt học tiếng Anh sau khi đã học xong tiếng mẹ đẻ.

“Con của chị muốn làm gì?”

“Nó chẳng biết gì đâu. Tôi biết cái nào tốt nên chuẩn bị cho con thôi.”

Đây là sai lầm hay mắc phải nhất đối với các bà mẹ học vấn cao. Họ nhầm lẫn vai trò của người mẹ là chỉ đạo và giám sát ngay cả nhiệt huyết học tập của trẻ. Những người mẹ này không tin vào một sự thật rằng trẻ em vẫn có thể tự học hỏi và tiếp thu nhiều điều dù không được mẹ cố công dạy bảo. Vì họ nghĩ con cái chỉ là đối tượng được chăm sóc, phải học hành và làm theo ý cha mẹ, cho nên từ đầu đến cuối, họ tự cho rằng mình là “người giám thị” và lúc nào cũng có quan điểm “trẻ con thì biết cái gì chứ”. Họ không ngừng kiểm soát con cái qua những việc như “Con có đến trung tâm học thêm không?”, “Hôm nay phải học tiếng Anh đến chỗ này”, “Tuyệt đối không được làm chuyện đó”. Không chỉ dừng lại ở đó, các bà mẹ kiểu này còn đóng vai trò là người giải quyết cho mọi vấn đề của trẻ. Họ ngăn cản cơ hội cho trẻ tự phán đoán và làm theo suy nghĩ của mình.

Là mẹ của hai đứa con, tôi có thể thông cảm cho tấm lòng của các bà mẹ này. Có cha mẹ nào không giật mình và ân hận khi nhận ra con cái mình hư hỏng đâu chứ. Cho nên dù cực nhọc vất vả đến mấy, cha mẹ vẫn làm thêm ngoài giờ để có tiền cho con ăn học. Nhưng bất cứ điều gì thái quá đều không tốt, thậm chí còn không tốt bằng không làm gì cả.

Vấn đề tôi muốn nhấn mạnh là, đứa trẻ lớn lên trong sự nuôi dạy của người mẹ như thế sẽ không biết tự mình làm gì nếu không có mẹ. Khi gặp chuyện gì đó, đứa trẻ sẽ chạy ùa về phía mẹ bằng bất cứ giá nào. “Mẹ ơi, con nên làm gì?”, “Con không biết phải làm gì hết”, “Mẹ làm cho con đi”… Một đứa trẻ như thế lớn lên chẳng khác nào một quả bom nổ chậm.

Trong một cuốn sách của Bertrand A. W. Russel có câu: “Những lý luận giáo dục hiện đại có khuynh hướng quá xem thường giá trị tích cực của thái độ không can thiệp đến trẻ.”

Câu nhận định trên nói đến hiện thực là sự can thiệp quá nhiều của cha mẹ trong đời sống của trẻ, điều đó đã vượt quá tình thương yêu mà trở thành sự giám sát đối với trẻ. Dù là trẻ con nhưng các bé đều có quyền mang một nhân cách riêng biệt. Cho nên, việc cha mẹ muốn làm người giám sát hay thay con giải quyết các vấn đề rõ ràng là hành vi xâm hại quyền lợi của trẻ.

Tôi nghĩ, hình ảnh chuẩn mực về người mẹ nên là “người hợp lực” thay vì “người giải quyết”. Thay vì bảo con “Làm như thế!” thì hãy hỏi: “Nếu con làm vậy thì có tốt không?” và cùng bé tìm ra phương pháp. Đây là hành động cần thiết của cha mẹ để trẻ có thể tự mình tìm ra câu trả lời cuối cùng và thực hiện. Cha mẹ nên làm điều này nếu muốn con cái mình trưởng thành hơn.

4. Khoe về những biểu hiện thông minh của trẻ

Một người mẹ muốn biết chỉ số IQ của con mình nên đến gặp tôi. Theo lời chị nói, dù bé chưa đầy 2 tuổi và chưa từng được dạy chữ nhưng đã đọc được gần hết bảng chữ cái. Người mẹ còn kể có mấy lần cho con xem các thẻ từ tiếng Anh thì bé đều đọc theo ngay.

Trước tiên, tôi thực hiện phỏng vấn để xác nhận chuyện này và người mẹ đột ngột nói những lời chen ngang: “Bác sĩ không cần làm gì khác mà hãy kiểm tra IQ cho bé đi ạ.”

Trên khuôn mặt người mẹ hiện rõ biểu cảm “trong số những trẻ đến gặp bác sĩ không có bé nào như thế này đâu”.

“Thưa chị, kiểm tra IQ không thể nói hết được toàn bộ khả năng trí tuệ của trẻ. Hơn nữa, kiểm tra IQ cũng có nhiều loại, phải chọn bài kiểm tra phù hợp với bé thì may ra mới có kết quả chính xác được.”

Tôi phớt lờ người mẹ có vẻ hoài nghi lời mình nói và tiếp tục cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên đứa trẻ hầu như không trả lời các câu hỏi của tôi. Bé cúi đầu thấp xuống và tránh ánh mắt của tôi.

Tôi hỏi người mẹ: hằng ngày bé có như vậy không, và câu trả lời là không. Tôi dỗ dành bé vì đây là lần đầu bé đến bệnh viện và gặp một người lạ như tôi. Bé vừa được chơi, vừa được dỗ dành nên có vẻ khá hơn một chút nhưng vẫn trong trạng thái không thoải mái. Tôi nghĩ rằng có lẽ nên mời người mẹ ra ngoài. Quả thật sau đó bé nói nhiều hơn, rõ ràng hơn và thỉnh thoảng còn cười nữa.

Vì vậy tôi đã tiến hành kiểm tra thực sự nhưng đứa trẻ không vượt trội đến mức như người mẹ nói. Nếu tôi hỏi những câu liên quan đến học tập, nét mặt của bé đanh lại, cương quyết không trả lời khiến một bác sĩ như tôi cũng thấy căng thẳng. Hơn nữa, trong những câu hỏi tôi đặt ra để đánh giá suy nghĩ của trẻ, trước sau gì bé cũng nói “cháu không biết” hoặc trả lời lộn xộn chẳng ăn nhập gì với câu hỏi.

Khi tôi báo kết quả kiểm tra rằng: “Nhìn chung bé bình thường nhưng khả năng suy nghĩ dường như hơi kém một chút”, khuôn mặt người mẹ gần như trắng bệch: “Không lý nào lại thế. Con tôi thông minh lắm mà. Chắc nó hồi hộp nên mới vậy thôi.”

Tôi phải trấn an người mẹ, sau đó mới hỏi chị những chuyện đã xảy ra trong thời gian qua. Người mẹ kết hôn muộn rồi sinh con trai. Đến khi bé có những biểu hiện thông minh, người mẹ cứ luôn miệng bảo con mình sáng dạ và không ngớt khen con hơn hẳn những đứa trẻ khác.

Câu chuyện của bé khiến tôi nhớ đến thời thơ ấu của mình. Từ năm lớp Ba, tôi đã nằm trong nhóm học khá tốt, nói đúng hơn, tôi thuộc dạng nắm bắt nhanh những ý chính khi ôn thi hơn là học tốt. Nhiều người nghe điều này sẽ bảo vì tôi học giỏi nên mới thi tốt nhưng thực tế không phải vậy. Sau một lần đứng thứ nhất, ánh mắt quan tâm của những người xung quanh như một gánh nặng khiến tôi tự ép mình phải cố gắng đứng ở vị trí cao nhất. Từ đó, tôi luôn phải sống trong sự căng thẳng do gánh nặng đó gây nên.

Đứa trẻ đến gặp tôi cũng phải chịu đựng nỗi khổ sở giống như vậy. Thực tế, đứa bé này có những biểu hiện phát triển nhanh so với những trẻ khác nhưng bé dần thấy khó khăn hơn bởi thái độ của mẹ và ánh nhìn nặng nề của những người xung quanh. Liên tục bị mẹ đưa đi kiểm tra năng lực của mình, đứa bé đó sẽ nghĩ gì?

Trong tác phẩm Đất lành (The Good Earth) của nữ tiểu thuyết gia người Mỹ Pearl S. Buck có cảnh, đôi vợ chồng sinh đứa con trai đầu lòng e rằng trời cao đố kị vì đứa bé quá đẹp đẽ nên họ đã giấu con dưới áo. Mối quan tâm của đôi vợ chồng dành cho đứa trẻ trở thành nỗi lo chứ không phải tự hào.

Các ông bố bà mẹ ở Úc cũng vậy. Họ thấy lo lắng khi con mình có biểu hiện phát triển nhanh hơn những trẻ khác hoặc bộc lộ sự nổi trội và sẽ giấu nhẹm chuyện này.

Bởi họ sợ con cái sẽ phải mang gánh nặng hoặc bị tổn thương vì điều đó.

Hệ thống giáo dục năng khiếu của Úc cũng có chung triết lý như vậy. Tại Trung tâm Thông tin Nghiên cứu Giáo dục Năng khiếu ở Sydney, người ta tập trung giảng dạy theo phương pháp giúp các nhân tài thoát khỏi cảm giác lẻ loi hay bị cô lập và thích ứng tốt với bạn bè cùng trang lứa.

Những bậc cha mẹ luôn tự hào rằng con cái mình thông minh dường như hoàn toàn không nghĩ đến việc niềm tự hào đó tác động thế nào đến lập trường của trẻ. Cha mẹ chỉ dựa vào mỗi việc trẻ thông minh mà không biết đến những ảnh hưởng phản tác dụng và làm tất cả để con thông minh hơn nữa. Lời khuyên cần thiết cho tình huống này là phải “nhấn ngay nút dừng lại”. Vì biết đâu ngay từ khoảnh khắc cha mẹ cho thế giới biết rằng con mình thông minh cũng là lúc chuỗi ngày cô đơn và khó khăn được mở ra trước mắt trẻ. Hơn nữa, điều này có thể gây hại nhiều hơn là có lợi. Cho nên, nếu là những ông bố bà mẹ sáng suốt, đừng bao giờ nói rằng con mình thông minh và khoe khoang điều đó. Việc cha mẹ che giấu sự thật này sẽ làm sống lại khả năng của đứa trẻ – đó chẳng phải là con đường đúng đắn hơn sao?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.