Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Chương 4. Những điều tôi học được khi nuôi dạy con



Nếu kể ra một việc mà tôi làm tốt nhất trong cuộc đời thì đó chính là việc sinh con. Sau khi sinh con, những nhận thức mới của tôi như thoát ra khỏi lớp vỏ một cách tuyệt diệu – điều mà tôi chắc chắn sẽ không được nếm trải nếu không trở thành cha mẹ.

Việc học làm bố của chồng tôi

“Anh đừng ngủ nữa, dậy đi thôi. Anh đã nói sẽ đi công viên trò chơi với các con còn gì.”

Mười giờ sáng một ngày Chủ nhật, dù tôi có đánh thức thế nào thì chồng tôi vẫn cứ nằm ì trên giường mà không chịu dậy.

“Nhất định phải đi công viên trò chơi à? Ở nhà chơi thôi không được sao?”

Chồng tôi nói như đang nài nỉ được ở nhà. Nửa đêm anh ấy mới đi làm về nên đã quá mệt nhưng vì đã hứa với bọn trẻ rồi nên không thể làm khác được. Tôi định đánh thức chồng lần nữa nhưng ngay lúc đó, con trai thứ hai của tôi chạy vào phòng và nhảy lên giường.

“Bố ơi!”

Jeong-mo nói bằng giọng nghẹt mũi rồi không đến mấy giây sau đã được bố ôm vào lòng. Chồng tôi vờ như đã thức, vừa hỏi: “Hôm nay Jeong-mo của bố muốn đi đâu?” vừa ngồi bật dậy. Con trai thứ nháy mắt với tôi bằng khuôn mặt của người chiến thắng. Biểu hiện của con như muốn nói: “Bố còn nghe lời con hơn nghe lời mẹ nữa đấy!”

Tôi có cảm giác như mình bị phản bội nhưng lời con tôi nói là đúng. Chồng tôi đúng là người “chết ngay tắp lự” vì con cái. Công việc trong Khoa Nhi ở Bệnh viện đa khoa của chồng tôi còn bận rộn hơn tôi nhiều nhưng trong vòng quay công việc, anh ấy vẫn không quên một ngày mấy lần gọi điện hỏi thăm các con. Nghe chồng hỏi những câu như con có làm tốt bài tập không, con có ăn cơm ngoan không, con không bị đau ở đâu chứ, nhiều khi tôi còn lầm tưởng rằng anh là mẹ mới phải.

Bây giờ ai cũng công nhận rằng chồng tôi là một ông bố chu đáo, nhưng trước đây anh là người đàn ông có suy nghĩ gia trưởng rất điển hình.

“Việc nuôi con là của người mẹ, vì người phụ nữ sinh ra đứa bé đã là việc khó khăn nhất rồi, vậy thì nuôi nấng còn có vấn đề gì nữa.” Ngày thường chồng tôi bận rộn với công việc ở bệnh viện, thứ Bảy thì đi chơi tennis cùng đồng nghiệp, dù có thời gian rảnh cũng sẽ quay về bệnh viện và ngồi nghiên cứu tài liệu. Chẳng có giây phút nào chồng tôi nghĩ về vai trò của một ông bố chu đáo với các con cả. Nếu được giao việc chăm sóc con (chuyện cực kỳ hiếm hoi) thì chỉ được chừng hai tiếng đồng hồ là chồng tôi lại cãi lộn với bọn trẻ. Anh ấy bực mình vì các con cứ nhờ đọc đi đọc lại cùng một quyển truyện. Việc trẻ nhỏ thích thú và tận hưởng những trò chơi lặp đi lặp lại là yêu cầu rất cơ bản của bọn trẻ, vậy mà chồng tôi lại mắng bọn trẻ rằng: “Bố mới đọc cho đấy mà quên rồi à?” Nhìn thái độ của chồng như vậy, đã có lúc tôi nghi ngờ rằng thực sự có đúng anh ấy là một bác sĩ khoa nhi hay không.

Ngay cả khi con khóc đêm thì anh ấy cũng tuyệt đối không thức dậy. Anh ấy đã vô tâm đến mức khi nhìn thấy mắt tôi đỏ ngầu vì thức cả đêm chăm con bị ốm mà lại hỏi rằng: “Có chuyện gì thế?” Lòng nghẹn ngào, tôi đã hỏi chồng: “Trời sáng rồi, anh không muốn nhìn con chút à?” thì anh ấy lại bảo phải đi xem xét các bệnh nhân trong bệnh viện mà không ngó ngàng gì đến các con.

Nhìn người chồng như thế, tâm trạng tôi buồn bã biết mấy. Nhất là hai cậu con trai của tôi chắc chắn sẽ nhìn vào bố và xem như một hình mẫu của cuộc đời chúng sau này. Thời gian gặp mặt con còn không có, chưa nói đến chuyện quan tâm tới việc học tập của con. Tôi cảm thấy tinh thần như sụp đổ. Giữa chúng tôi đã xảy ra cãi vã khá nhiều nhưng không biết có đem lại sự thay đổi gì ở chồng tôi hay không.

Sau này, một người không chịu thay đổi như chồng tôi lại bắt đầu trở nên khác đi. Cơ hội mang đến sự thay đổi này chính là cuộc sống khi tôi đi du học ở Mỹ suốt một năm rưỡi.

Chồng tôi có cơ hội ra nước ngoài học tập và tôi cũng cảm thấy tầm quan trọng của việc phải học tập chuyên môn về tâm lý trẻ em nhiều hơn nên cả hai cùng sang Mỹ du học. Đó là năm 1996, khi con trai lớn của tôi được 6 tuổi còn con trai thứ chưa đầy 2 tuổi.

Cuộc sống với chồng ở Mỹ đã giúp tôi xóa bỏ mâu thuẫn vợ chồng về chuyện con cái. Ngay trước khi đi du học, mỗi tuần chồng tôi đều đi chơi tennis với đồng nghiệp và khi còn chưa đầy mười hai giờ trước khi lên máy bay, anh ấy vẫn đi uống rượu cùng các bạn. Nhìn chồng ngật ngưỡng bước lên máy bay và phải qua vài tiếng đồng hồ sau mới tỉnh táo, tôi chỉ có một suy nghĩ rằng: “Rốt cuộc mình sẽ sống ra sao ở Mỹ đây?”

Nhưng cuộc sống ở Mỹ rất khác so với khi ở Hàn Quốc. Thứ Bảy mỗi tuần, chồng tôi thường nghỉ ngơi ở nhà. Ở nước ngoài, anh ấy cũng không có nhiều bạn bè để gặp mặt nên thời gian ở nhà nhiều hơn. Theo đó, thời gian anh ở cùng các con cũng nhiều lên lúc nào không hay. Bắt đầu từ việc dạy con học rồi đến cho con ăn, đưa con đi chơi và tắm cho bọn trẻ nữa.

Thời gian đầu, hai cậu con trai của tôi luôn gây chiến với bố. Chỉ cần nghe thấy tiếng của bố đuổi theo sau là bọn trẻ lại lẩn trốn như sợ người lạ. Tình hình như thế kéo dài trong sáu tháng. Lần đầu tiên, chồng tôi mở lời nói chuyện nghiêm túc về các con: “Thực sự là anh đã không biết bọn trẻ gặp phải những vấn đề như thế này.”

Chồng tôi nói về đứa con trai lớn có khí chất khó chịu và nhạy cảm ngay từ khi chào đời. Anh ấy nói tiếp: “Thời gian qua em đã nuôi dạy con thế nào?”

Đó là câu hỏi chứa đựng sự chân thành của chồng tôi. Đó là dấu mốc đánh dấu hình ảnh người đàn ông từ lúc thời gian ăn cùng con một bữa cơm cũng không có, đến lúc có một tiếng đồng hồ ngồi ăn cùng con, đã hiểu các thói quen của con khi ngủ, khi chơi, biết điều con thích và ghét…

Sau đó chồng tôi thực sự đã thay đổi. Không chỉ vì anh nhận ra trách nhiệm phải có của một ông bố mà còn có nguồn động lực lớn hơn từ hai cậu con trai.

Trước đây, các con tôi sẽ giấu mặt sau lưng mẹ mỗi khi bị bố trách mắng, còn giờ đây, thời gian chơi với bố của các con tăng lên và chúng thường nhiều lần chủ động lại gần bố. Dù có bị mắng thì bọn trẻ vẫn sà vào lòng bố. Có ông bố nào lại không mềm lòng trước dáng vẻ ấy chứ. Sau này quan hệ của ba bố con còn tốt đến mức tôi có cảm giác như mình đã trở thành kẻ cản trở họ vậy.

Trở về Hàn Quốc, chồng tôi lại trở về với công việc và cuộc sống bận rộn nhưng anh không rơi vào tình trạng vô tâm với các con như trước đây. Cuối cùng, anh ấy cũng dừng việc đi chơi tennis mỗi cuối tuần.

Nhìn chồng tôi như thế, nhiều bạn bè nói rằng anh ấy đã trở thành người nhu nhược nhưng dù người khác có nhận xét thế nào, chồng tôi cũng không bị dao động. Những người bạn thấy chồng tôi được các con yêu quý có lẽ cũng nhận ra điều gì đó, họ đã bắt đầu dành thời gian cuối tuần cho bọn trẻ như chồng tôi.

Có lẽ hai chữ “công nuôi” rất đúng với các ông bố. Theo lời chồng tôi, nếu không trải qua thời gian ở Mỹ lúc ấy thì anh ấy đã không có cơ hội cảm nhận rõ ràng sự vất vả của việc nuôi con như vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.