Đừng Ép Con “Khôn” Sớm
Hãy cùng nhau giữ gìn các lợi ích
Một sáng thứ hai, khách hàng đầu tiên đến phòng khám của tôi là một cậu bé 3 tuổi có vẻ mặt đầy tinh nghịch. Ngay khi mở cửa bước vào, cậu bé đã nhìn khắp phòng khám và bắt đầu chạm vào hết thứ này đến thứ kia, đúng với đặc tính tò mò của trẻ nhỏ.
“Còn không dừng lại à!”
Người mẹ lớn tiếng, giật lấy tay cậu bé. Đứa trẻ thấy khó chịu khi bị bắt ngồi trên ghế nên chân tay cứ ngọ nguậy không ngừng.
“Trời ơi, con tôi thế đấy bác sĩ. Chưa có lần nào chịu nghe lời mẹ cả.”
Theo lời người mẹ thì cậu bé tuyệt đối không làm theo những điều mẹ bảo và nếu hai mẹ con nhìn nhau một lúc thì sẽ có chuyện cãi vã. Đúng là một đứa nhóc ương ngạnh. Người mẹ tha thiết hỏi tôi có vấn đề gì trong tính cách của con hay không và chị có thể làm được gì.
Trước hết, tôi để mẹ và bé sang phòng chơi. Ngay khi vừa bước vào phòng, cậu bé đã chụp lấy khẩu súng và bắt đầu nằm xuống sàn nhà.
“Con không chịu thôi đi hả?”
Nhìn từ ngoài vào thì quang cảnh đó đúng là lộn xộn nhưng sau khi lặng lẽ quan sát, tôi thấy người mẹ còn thể hiện cảm xúc nhiều hơn cả cậu bé. Chị cứ theo sát từng hành động của con và ra sức ngăn chặn đứa trẻ.
Hình ảnh mẹ con cậu bé ở bên ngoài phòng chơi rất khác so với lúc ở trong này. Trán người mẹ lấm tấm mồ hôi giống như người đi leo núi còn cậu bé thì cứ chơi đùa vui vẻ mà không quan tâm tới điều gì. Sau khi trao đổi với người mẹ, tôi đưa ra đơn thuốc: “Chị cũng phải thay đổi cách sống một chút.”
Nghe tôi nói, người mẹ bỗng mở to mắt ra và vặn hỏi: “Con tôi có vấn đề nên mới đến đây, sao bác sĩ lại nhìn tôi và bảo tôi phải thay đổi?” Sau khi trấn an người mẹ đang bị kích động, tôi an ủi: “Đứa bé không có vấn đề gì lớn cả, chỉ cần mẹ thay đổi tấm lòng một chút thôi” nhưng chị vẫn cố chấp không nghe.
Rốt cuộc, người mẹ ấy bảo rằng sẽ quay lại gặp tôi sau và dắt tay con ra ngoài, bỏ lại tôi trong căn phòng trống.
Khi phát sinh mâu thuẫn với trẻ, cha mẹ hãy thử suy nghĩ xem tại sao mình nuôi con lại vất vả như thế. Thực ra là vì con không trở thành người theo đúng ý muốn, kỳ vọng của cha mẹ chứ không phải vì đứa trẻ có vấn đề.
Những lúc như vậy, người làm cha làm mẹ chẳng biết phải làm thế nào. Tôi cũng như vậy khi chưa học về sự phát triển tinh thần của trẻ. Khi đứa con mình rứt ruột sinh ra lại cứng đầu, không chịu nghe lời, cha mẹ nào cũng lo lắng như lửa đốt. Để con làm đúng ý mình, tôi làm bất cứ điều gì, dỗ dành có, la mắng cũng có, tuy nhiên, trẻ chẳng có một chút mảy may thay đổi nào.
Mỗi lần trẻ lặp lại những lỗi sai giống nhau, chúng ta cần nhìn lại toàn bộ tình huống để xem mình có bỏ quên một yếu tố nào khác không. Dù dùng mọi cách trẻ vẫn không nghe lời thì chắc chắn có một lý do nào đó. Nhưng lý do đó là gì?
Nhận thức lớn nhất mà tôi có được khi làm công việc của một bác sĩ khoa tâm thần trẻ em là: trẻ giống như một quả bóng, không biết sẽ bắn ra theo hướng nào.
Trẻ em thường bị ốm hay bị thương vì ngã chỗ này chỗ kia dù mẹ có quan tâm thế nào đi nữa. Vì sao vậy? Bởi vì cơ quan miễn dịch hoặc nhiều chức năng khác của cơ thể chưa được hoàn thiện và sức đề kháng của trẻ không cao.
Sự trưởng thành của đời sống tình cảm cũng giống như vậy. Trong thời niên thiếu, giai đoạn mà trẻ phát triển cảm giác về cái tôi, dù cha mẹ có muốn trẻ làm theo ý mình thì trẻ cũng khó lòng nghe theo.
Tôi đã phải trải qua nhiều mâu thuẫn về mặt tình cảm để đi đến sự thay đổi trong suy nghĩ như vậy. Mỗi khi nghe câu “không thích” từ miệng con, trong lòng tôi lại muốn “bỏ con ngược lại vào trong bụng”. Tôi đã trải qua cảm giác đó suốt mấy năm trời, có thể gọi đó là những năm tháng sống nhẫn nại.
Để sự nhẫn nại vẫn là “sức mạnh” mà không biến thành chất độc, trước hết tôi phải thoát ra khỏi ảo tưởng rằng mẹ con tôi đang sống trong mối quan hệ cộng sinh. Bằng chính trái tim chứ không phải bằng lý trí, tôi phải nhận thức được rằng đứa trẻ không phải là chiếc xe đồ chơi di chuyển được nhờ thiết bị điều khiển từ xa. Cha mẹ hãy thấu hiểu tấm lòng của con trẻ trước. Tôi cứ phải nghiền đi ngẫm lại những điều như suy nghĩ của trẻ khác với của cha mẹ, hành động như thế của trẻ là chuyện đương nhiên ở độ tuổi đó. Nhưng việc này không đơn giản như tôi nghĩ.
Ngay từ nhỏ, con trai lớn của tôi đã thường xuyên buồn bực. Tôi chỉ được nghỉ ngơi vào cuối tuần nhưng suốt thời gian đó, con luôn mè nheo, khóc quấy. Nhìn đứa trẻ không chịu ngoan ngoãn lấy một giây, tôi nổi giận suốt ngày. Không chỉ vậy, nếu có bài tập ở trường thì cậu nhóc ấy luôn lấy hết lý do này đến lý do khác để trì hoãn việc làm bài và xem lời mẹ nói như nước đổ lá khoai. Nhìn cảnh tượng đó thôi tôi đã thấy chán ghét, bực bội vô cùng. Nhưng nếu rời khỏi nhà, đến bệnh viện, tôi lại gặp rất nhiều trẻ em và tâm trạng lại được xoa dịu phần nào. Ngoài ý muốn kiểm soát con, tôi đã điều chỉnh được các tình huống xung quanh tác động đến cảm xúc của mình.
Vì vậy, tôi muốn nhắn nhủ tới các bà mẹ rằng chúng ta phải có không gian tinh thần của riêng mình, phải có một thế giới khác và bớt chú tâm vào đứa trẻ. Nhưng điều này không có nghĩa là xa cách con cái. Đây không phải là phương tiện để người mẹ có cảm giác thoải mái trong chốc lát mà phải là cách để bản thân mình không bị giam cầm trong vòng xoáy mang tên “con cái” và tìm thấy niềm vui cuộc sống. Bạn có thể tham gia các khóa học, các hoạt động tình nguyện, miễn sao tìm thấy nguồn sinh lực phù hợp với bản thân, đó là lúc người mẹ có thể nới lỏng những mâu thuẫn với con cái. Đồng thời, việc mẹ và bé tìm lại nụ cười cũng mang đến nguồn sức mạnh lớn lao.
Tôi biết một người mẹ vì hoàn cảnh nên bỏ công việc mình đang làm và chỉ ở nhà chăm lo việc gia đình. Khi sinh con, cô ấy nghĩ rằng mình là “người phụ nữ không có gì” nên dồn tâm huyết vào con. Người mẹ tự trói buộc mình vào trọng trách nuôi dạy con thật tốt nên bắt đầu khiến đứa trẻ khó chịu trong mọi việc. Đứa trẻ không thắng được sự ép buộc như thế của mẹ nên đã bộc lộ thái độ phản kháng như thói quen ăn trộm tiền trong ví của mẹ.
Khi người mẹ tìm đến tôi thì thực tế người phải được điều trị không phải là đứa trẻ mà chính là cô ấy. Nhưng cuối cùng, người mẹ ấy vẫn không bỏ được sự chú tâm quá mức vào con mình.
Có rất nhiều trường hợp, nguyên nhân phát sinh vấn đề trong quá trình nuôi dạy trẻ không phải là từ đứa trẻ mà là từ người mẹ. Có những hành động, với đứa trẻ, là chuyện đương nhiên nhưng người mẹ lại muốn uốn nắn, sửa chữa theo góc nhìn của mình.
Để hiểu đúng về trẻ em và để bản thân người mẹ được hạnh phúc, các bà mẹ hãy lùi ra sau con một bước để cảm nhận được tấm lòng và suy nghĩ của con, điều mà khi ở gần chúng ta khó có thể nhận ra. Sau cùng, đây chẳng phải là thái độ cơ bản mà các bậc cha mẹ cần có để nuôi con một cách từ tốn hay sao?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.