Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Hiểu sao về giáo dục nhân tài



Về cơ bản, giáo dục nhân tài – nếu giải thích theo từng chữ – là sự giáo dục dành cho những nhân tài. Tuy nhiên, “hội chứng nhân tài” đang lan rộng trong xã hội hiện nay lại đang theo đuổi những điều như: trẻ không tài giỏi cũng có thể đào tạo thành nhân tài, dù bất cứ giá nào cũng phải đào tạo thành nhân tài. Hiện tượng này dẫn đến một thực tế không thể cười nổi khi người ta muốn biến cả những trẻ mắc bệnh trở thành nhân tài.

Tôi nhớ đến một cậu bé học lớp Một đến gặp tôi cách đây khá lâu. Vừa gặp tôi, mẹ của cậu bé đã lập tức nhờ tôi đánh giá xem con mình có phải là nhân tài hay không vì theo chị bé rất thông minh. Từ lúc học mẫu giáo, bé đã đọc rất nhiều sách và đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực khoa học. Khuôn mặt người mẹ tràn đầy niềm tự hào về con trai nhưng kết quả kiểm tra ở nhiều phương diện cho thấy, đứa trẻ mắc chứng rối loạn Asperger (rối loạn tự kỷ). Bệnh nhân rối loạn Asperger là người bẩm sinh không phát triển được tính xã hội, không nắm bắt đúng cảm xúc của người khác và rất kém trong việc thiết lập mối quan hệ với xung quanh. Nói cách khác, đó là những đứa trẻ vẫn chen lên đứng phía trước mặc kệ người khác xếp hàng. Nếu được hỏi vì sao lại chen lên trước thì có khi đứa trẻ sẽ hỏi ngược lại là vì sao phải xếp hàng, vì trẻ không hiểu được lý do phải tuân theo thứ tự. Do vậy, trẻ thích được một mình và tập trung cao độ vào một việc nào đó trong suốt thời gian ấy.

Thực tế, trong số những bà mẹ cho rằng con mình là nhân tài và đưa đến gặp tôi, có khá nhiều trường hợp phát hiện ra chứng bệnh này. Trước mắt các bà mẹ chỉ có đứa con “thiên tài” mà không nhận ra con mình có vấn đề, thậm chí họ còn nhầm lẫn chứng bệnh ấy là biểu hiện của tính thiên tài nữa. Trường hợp người mẹ kể trên cũng vậy, chị đã nhầm lẫn sự tập trung quá mức của con vào một việc gì đó là tính thiên tài.

Tóm lại, “nhân tài” là gì? Thành công trong việc đào tạo nhân tài có phải là tất cả không? Điều đó có đảm bảo một tương lai hạnh phúc cho đứa con thương yêu của mình hay không? Và nếu thất bại trong việc đào tạo nhân tài, cuộc đời của trẻ phải chăng xem như không có giá trị gì? Lý do khiến tôi không khỏi lo âu về hội chứng nhân tài là số lượng bệnh nhân đến gặp tôi bởi tác dụng phụ của nó liên tục tăng lên và triệu chứng của những đứa trẻ ấy còn nghiêm trọng hơn tôi nghĩ nhiều.

Tuổi ấu thơ, đặc biệt là ở khoảng 3-5 tuổi là thời kỳ duy nhất trong cuộc đời trẻ tự mình cảm nhận thế giới bằng khả năng tưởng tượng phong phú. Trẻ quan sát mọi sự vật theo quan điểm cá nhân và đặt tên cho chúng bằng ngôn ngữ của mình. Các thiếu sót của trẻ không bắt nguồn từ những điều này. Đây là quá trình phát triển tự nhiên và cần thiết. Trẻ trải qua giai đoạn này có thể hiểu được cuộc sống và tri thức theo cách của cá nhân mình, điều này giúp ích cho trẻ rất nhiều khi học tập ở tuổi lớn hơn.

Tuy nhiên trong thời kỳ quan trọng như vậy, các ông bố bà mẹ Hàn Quốc lại dạy con bắt đầu từ chữ cái. Những đứa trẻ đang trong giai đoạn trí tưởng tượng được chấp cánh bay xa lại bị ép học thuộc lòng những chữ viết mà chúng không thể hiểu được. Lúc này, trẻ không được tự suy nghĩ rồi tìm cách giải quyết vấn đề hoặc thể hiện ý nghĩ bản thân mà đang trở thành con vẹt thuộc lòng bất cứ điều gì được dạy bảo.

Một vấn đề nữa đi cùng với hội chứng nhân tài là việc trẻ bị đặt vào tình trạng cạnh tranh, bị so sánh với những đứa trẻ khác. Xét ở khía cạnh lý luận của sự phát triển, trẻ nhỏ không chịu đựng được cảm giác áp lực của sự cạnh tranh. Nếu bị căng thẳng kéo dài, trí não của trẻ sẽ bị tổn hại rất lớn. Ảnh hưởng trước tiên nhất là khả năng ghi nhớ, sau đó, sức khỏe tinh thần của trẻ cũng mau chóng nguy kịch ở mọi phương diện. Theo đó, nếu từ nhỏ trí não của trẻ đã bị tổn thương thì hầu như không có khả năng hồi phục khi trẻ lớn lên.

Cùng với khả năng ghi nhớ, một phương diện khác bị xâm hại là đạo đức của trẻ. Ở độ tuổi 3-5 tuổi, đạo đức là những đức tính cơ bản được hình thành bắt nguồn từ sự thấu hiểu cảm xúc và đồng cảm với nỗi khổ đau của người khác. Trẻ ở độ tuổi này nhìn người khác khóc cũng sẽ nhăn mặt hoặc khóc theo, đây là một số biểu hiện trong quá trình hình thành đạo đức.

Trẻ có đạo đức tốt có thể dừng bước khi gặp đèn đỏ, không chỉ tuân theo quy tắc một cách đơn giản mà còn vì ý thức rằng “nếu đi tiếp sẽ gây hại cho người khác”. Đây là kết quả của việc trẻ biến những quy tắc đời sống thành quy tắc bên trong của bản thân.

Tuy nhiên, căng thẳng là nguyên nhân ngăn chặn quá trình quy tắc hóa cá nhân như vậy. Thông thường, trẻ bị ép buộc học hành hoặc làm bất cứ việc gì sẽ thiếu cơ hội để hiểu và đồng cảm với cảm xúc của người khác thông qua tác động tương hỗ với họ. Cứ như vậy, trẻ bị ép buộc và nghe theo sẽ ngày càng trở nên xa vời với con đường hình thành đạo đức đúng đắn. Nói một cách dễ hiểu hơn, trẻ sẽ trở thành người chỉ tuân theo tín hiệu đèn giao thông khi có cảnh sát mà thôi.

Không chỉ có vậy. Trong khi những đức tính cần thiết dần mất đi thì trái lại, những thứ trở thành tác nhân cản trở lại xuất hiện rất nhiều, điển hình là tính phản kháng. Khi xem xét ở lập trường trẻ nhỏ, cái gọi là “việc học” cũng là một loại áp lực. Trẻ phải chịu đựng áp lực sẽ nảy sinh nỗi bất mãn, dần phát triển thành tính phản kháng. Tính phản kháng trong nội tâm của trẻ gây nên những vấn đề “cô lập” thỉnh thoảng phát sinh ở trường mẫu giáo, dẫn đến những hành động như vô cớ dọa nạt hay gây chuyện với bạn bè xung quanh. Nghĩ đến những đứa trẻ như thế này khi lớn lên, tôi lại thấy rùng mình bởi những sự kiện như xả súng bừa bãi sẽ không chỉ là câu chuyện xảy ra ở đất nước nào đó bên kia đại dương. Kết quả đáng sợ mà hội chứng nhân tài đem đến là vừa ngăn chặn sự phát triển hết sức cần thiết của trẻ vừa tạo ra những trở ngại trong thời kỳ đó.

Một phóng viên Hàn Quốc đã phỏng vấn một cô bé học năm thứ năm ở lớp tài năng tại Singapore: “Cháu nghĩ sao khi được vào lớp học chỉ chọn một phần trăm số học sinh chiếm vị trí cao trong số những bạn bè cùng tuổi với cháu trên cả nước?” Ngay tức thì cô bé trả lời: “Cháu không biết nữa. Cháu nghĩ mình thực sự cũng bình thường thôi.”

Ước mơ tương lai của cô bé là trở thành tuyển thủ thể dục thể thao. Phóng viên thấy lạ mới hỏi: “Vì sao cháu ước mơ thành vận động viên?”

Cô bé liền cho biết mình bắt đầu chơi cầu lông từ lúc 6 tuổi, ký ức vui vẻ khi chơi cầu lông và chơi đùa với người cha làm kĩ sư mỗi lúc ông rảnh rỗi đã khiến cô bé có ước mơ tương lai như vậy. Vì vậy, thời gian rảnh rỗi mỗi ngày, cô bé đều đến trung tâm thể dục thể thao để chơi cầu lông.

Vừa đọc bài báo đó, tôi vừa nghĩ đến Jeong-mo. Thực lòng tôi mong muốn con trai Jeong-mo của mình lớn lên như một đứa trẻ hạnh phúc. Tôi mong rằng Jeong-mo có thể ước mơ về công việc mà con thực lòng yêu thích mà không phải để tâm gì đến việc mình có năng lực vượt trội hơn người khác hay không. Dù con không vào được trường đại học danh tiếng nhưng nếu con vừa làm công việc thực lòng mình mơ ước vừa phát huy năng lực bản thân thì tôi không còn mong gì thêm nữa.

Vì vậy tôi luôn luôn lắng nghe các con, cố xử sự phù hợp với quá trình phát triển của con và không ngừng theo dõi niềm mong muốn thực sự của con. Đồng thời tôi không đặt ra cho con những yêu cầu quá sức nên không giết chết tiềm năng của con. Chỉ bằng cách đó, con tôi, và cả những đứa trẻ khác cũng vậy, mới bộc lộ được tài năng trong lĩnh vực mà con muốn làm và sống một cuộc sống hạnh phúc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.