Đừng Ép Con “Khôn” Sớm
Mỗi đứa trẻ có một cách học
Có lần con trai thứ hai Jeong-mo của tôi tham gia một cuộc thi mỹ thuật và nhận được giải thưởng. Tôi chưa biết kết quả ra sao thì đột nhiên Jeong-mo chìa ra tấm giấy khen trước mặt tôi. “Mẹ ơi, con giỏi chứ?”
“Ừ, con làm tốt lắm!”
“Còn gì nữa mẹ?”
“Con hỏi mẹ có làm tốt không, mẹ đã trả lời rồi. Vậy thì còn gì nữa chứ?”
Mặt Jeong-mo xị xuống – đó là thói quen khi con không vừa ý điều gì. Mặc dù vậy, cho đến phút cuối tôi vẫn không dành cho con ánh mắt quan tâm.
Khi con được giải thưởng thì phải khen ngợi nhiều hơn một chữ “tốt” nhưng tôi không khen ngợi thêm, cũng không xoa đầu tán thưởng con. Dĩ nhiên là tôi có lý do để hành động như thế.
“Jeong-mo này, vì sao con tham gia cuộc thi?”
“Để con nhận được phần thưởng.”
Đúng như tôi dự đoán. Tôi biết rất rõ một điều là, nếu được giải thưởng trong cuộc thi thì Jeong-mo có thể tự hào với mọi người và được khen ngợi. Và vì vậy, con muốn được công nhận rằng mình giỏi hơn các bạn và rất phấn khích về điều này. Đó chính là lý do Jeong-mo tham gia cuộc thi. Có lẽ Jeong-mo cũng muốn được các cô giáo ở trường mầm non khen ngợi và khiến các bạn phải ganh tỵ.
Jeong-mo cũng có thái độ y hệt như vậy trong học tập. Con xin đi học piano để được cô giáo khen ngợi và có thể tự đắc với bạn bè. Cảm giác tự hào vì nhận được những lời khen khi làm tốt một việc gì đó không hẳn là một điều xấu, trái lại còn là điều đáng khích lệ, nhưng với Jeong-mo, đó lại là vấn đề không hề đơn giản.
Bình thường Jeong-mo rất chú ý đến cách nhìn nhận của người khác. Trong lòng con có mặc cảm phải làm tốt việc gì đó để vượt trội hơn người khác. Và khi làm xong việc gì, Jeong-mo cũng mong nhận được lời khen hay phần thưởng. Tôi nghĩ thật sự rất nguy hiểm khi Jeong-mo của tôi học hỏi về cuộc sống bằng thái độ như thế. Biết đâu một lúc nào đó thế giới sẽ không chuyển động theo ý muốn của Jeong-mo, con sẽ phải nhận tổn thương lớn đến thế nào. Không chỉ có vậy, nếu quá chú trọng vào ganh đua với người khác thì tính sáng tạo sẽ thui chột theo những suy nghĩ và lo lắng về việc thắng thua. Rốt cuộc thì thái độ đó chính là yếu tố gây hại cho bản thân Jeong-mo.
Thái độ đó của Jeong-mo bắt nguồn từ những cạnh tranh với anh trai. Con muốn làm tất cả mọi việc miễn là được khen và bản thân cũng dốc hết sức nếu muốn làm tốt hơn người khác. Cho nên với Jeong-mo, tôi ít khi bắt con làm việc gì mà tập trung nhiều hơn vào chuyện can ngăn con. Vào thời gian ấy, tôi đã hướng dẫn, lôi kéo để Jeong-mo quan tâm đến bản thân mình thay vì để ý đến mọi người xung quanh. Khi Jeong-mo khăng khăng nói rằng sẽ học tiếng Anh theo anh trai thì tôi đã nói với con: “Con không học tiếng Anh cũng được. Mẹ cũng không thích con giỏi cái đó đâu.” Học tập vì lời khen, học tập vì mong được đền bù xứng đáng hoàn toàn không phải là “đơn thuốc” dài lâu cho trẻ. Chỉ khi nào trẻ thấy mình thật sự cần làm một điều gì đó vì chính mình thì chuyện học hành chắc chắn sẽ tỏa sáng.
Sau hội thi mỹ thuật, thay vì không khen ngợi con một câu đặc biệt, tôi tặng quà cho cả Jeong-mo và con trai lớn Kyeong-mo dù con không tham gia cuộc thi.
Jeong-mo từng nghĩ rằng đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình là anh trai. Bằng cách dạy Jeong-mo rằng anh trai không phải là đối tượng con sẽ phải chiến thắng mà là người để con học hỏi để tiến bộ hơn, tôi mong muốn Jeong-mo của tôi sẽ được giải phóng khỏi tâm lý ganh đua với anh mình. Bởi vì nếu chỉ chăm chăm vào việc cạnh tranh mà đánh mất cảm giác tự tin vào chính mình thì không tốt chút nào.
Còn cậu con trai lớn Kyeong-mo lại hoàn toàn trái ngược với cậu út. Kyeong-mo quá chìm đắm trong thế giới của riêng mình nên chẳng hứng thú và quan tâm gì đến những sự vật xung quanh. Những phần thưởng hay lời khen ngợi không phải là điều khiến con vui mừng như những đứa trẻ khác.
Nếu có ai bảo Kyeong-mo hãy thử tham gia hội thi mỹ thuật thì có lẽ con sẽ lẩn tránh ngay. Và dù có tham gia cuộc thi thì Kyeong-mo vẫn sẽ vẽ những bức tranh theo ý thích của mình chứ không quan tâm đến cách vẽ làm hài lòng người khác. Vì vậy, không thể có chuyện Kyeong-mo vẽ tranh vì mục tiêu nhận được giải thưởng.
Vấn đề của Kyeong-mo chính là con phớt lờ thế giới bên ngoài mà chỉ đắm mình trong thế giới riêng. Cho nên, “đơn thuốc” cần cho Kyeong-mo hoàn toàn trái ngược với trường hợp của Jeong-mo.
Để gieo vào lòng con trai lớn ý muốn giao lưu với thế giới bên ngoài, tôi đã từng cố tình khích lệ theo kiểu “mẹ sẽ thưởng nếu con làm tốt”. Khác với Jeong-mo, con trai lớn của tôi khá thụ động trong chuyện này nên mỗi khi có cơ hội, tôi lại khuyến khích con tham gia. Nếu tôi áp dụng phương pháp “one step behind – theo sau một bước” với Jeong-mo thì tôi phải lôi kéo Kyeong-mo bằng cách “one step ahead – đi trước một bước”.
Những người biết hai đứa con trai của tôi đều nói: “Anh em ruột mà sao chúng có thể khác nhau đến thế nhỉ?” Đó là chuyện dĩ nhiên. Ngay cả là anh em sinh đôi đi chăng nữa thì tốc độ phát triển của mỗi đứa trẻ vẫn khác nhau và những đặc tính bẩm sinh cũng vậy, cho nên phương pháp học tập cho từng bé cũng không giống nhau.
Câu hỏi mà tôi ghét nhất là “phải bắt con làm gì vào lúc nào thì hợp lý?” Không có lời đáp cho thắc mắc này. Ngay bản thân câu hỏi đã không đúng bởi vì không có phương pháp học nào áp dụng được với mọi trẻ em. Nói đúng hơn là có bao nhiêu trẻ em trên thế giới này thì có bấy nhiêu cách học dành cho chúng. Vì vậy, phương pháp học đạt được thành quả lớn đối với đứa trẻ hàng xóm cũng có thể là cách nguy hại chết người cho con cái chúng ta.
Điều chúng ta cần quan tâm là nắm bắt khí chất bẩm sinh và quá trình phát triển của trẻ như thế nào. Bởi vì nếu biết được những điều ấy, chúng ta sẽ tìm ra cách học thích hợp cho con mình. Điều chúng ta cần luôn ghi nhớ là có phương pháp học phù hợp cho từng đứa trẻ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.